"Đường Kách mệnh" là tác phẩm đặc biệt quan trọng trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mở ra con đường thắng lợi cho cách mạng Việt Nam, trước hết với sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3 năm sau đó với những thắng lợi tiếp nối đưa Việt Nam đến kỷ nguyên độc lập, tự do 

 

Tác phẩm “Đường kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc – sự xuất hiện và hành trình về Việt Nam
Tác phẩm “Đường kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc – sự xuất hiện và hành trình về Việt Nam

Cuối thế kỷ XIX, Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lược và đặt ách cai trị. Không cam chịu làm kiếp nô lệ, nhiều phong trào yêu nước chống Pháp, đòi độc lập tự do của nhân dân Việt Nam diễn ra trên khắp mọi miền đất nước, nhưng tất cả đều đi đến thất bại vì thiếu một đường lối cách mạng đúng đắn soi đường. Làm sao tìm ra được con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc? “Lịch sử không đặt ra vấn đề gì mà nó không giải đáp được” (K.Marx). Trước yêu cầu cấp thiết giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, với nhiệt huyết cứu nước, với nhãn quan chính trị sắc bén, vượt lên trên hạn chế của các bậc yêu nước đương thời, năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành quyết định ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc.

Trên hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành đã đi đến nhiều nước khác nhau trên thế giới và cũng nghiên cứu kinh nghiệm các cuộc cách mạng trên thế giới, Người nhận thấy: Việt Nam muốn giành được độc lập, tự do phải đi theo con đường cách mạng vô sản, đi theo con đường Cách mạng tháng Mười. Người nói: “Cách mệnh Nga dạy chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất”(1). Người chỉ rõ, việc cần kíp trước hết mà cách mạng đòi hỏi đó là “phải có Đảng cách mệnh”; “Đảng có vững cách mạng mới thành công… Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt”(2). Để tiến tới thành lập một chính Đảng Cộng sản ở Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã tích cực chuẩn bị về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho sự ra đời của Đảng.

Trong công tác chuẩn bị về tư tưởng, chính trị chúng ta không thể không nhắc đến tác phẩm “Đường Kách mệnh”. “Đường Kách mệnh” là một trong số những tác phẩm lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị trên cả phương diện lý luận và thực tiễn, trong đó, tầm quan trọng của lý luận cách mạng được đặt ở vị trí hàng đầu đối với cuộc vận động cách mạng và đối với đảng cách mạng tiên phong ở Việt Nam.

Mỗi câu chữ trong tác phẩm, đều hàm chứa nhiều nội dung sâu sắc, bao quát và xác định rõ con đường, mục tiêu, lực lượng và phương pháp đấu tranh của cách mạng. Tác phẩm thể hiện tư tưởng nổi bật của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dựa trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào đặc điểm của Việt Nam. Những điều kiện về tư tưởng, lý luận, chính trị và tổ chức để thành lập Đảng đã được thể hiện rõ trong tác phẩm.

Tác phẩm "Đường Kách mệnh" (Ảnh tư liệu)

Vậy tác phẩm “Đường Kách mệnh” xuất hiện trong bối cảnh lịch sử và hành trình vào Việt Nam như thế nào?

Tác phẩm “Đường Kách mệnh”, vốn là tập bài giảng được Nguyễn Ái Quốc biên soạn làm tài liệu giảng dạy cho các khóa huấn luyện chính trị ở Quảng Châu sau khi Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Do nhu cầu của cuộc cách mạng, tháng 2/1927, tập bài giảng của Nguyễn Ái Quốc được tập hợp, chỉnh sửa và cho xuất bản với tựa đề “Đường Kách mệnh”.

Tác phẩm “Đường Kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á châu xuất bản ở Quảng Châu, nằm trong loạt sách giới thiệu về chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tam dân của Tôn Trung Sơn.

Bìa cuốn sách được trình bày như sau: dòng chữ trên cùng góc trái: “Không phải sách bán”, dưới đó là tên sách được viết chữ to Đường Kách mệnh, bên dưới là một đoạn trích trong tác phẩm Làm gì? của V.I.Lênin: không có lý luận Kách mệnh, thì không có Kách mệnh vận động….Chỉ có theo lý luận Kách mệnh tiền phong, đảng Kách mệnh mới làm nổi trách nhiệm Đường Kách mệnh tiền phong. Ở dưới dòng chữ là hình tròn, trong vòng tròn là hình người hai tay bị xiềng xích và đằng sau là một cái bóng. Bên cạnh, phía tay trái là con dấu, bên trong là chữ Hán, bên ngoài là chữ Việt: “Bị áp bức dân tộc Liên hợp hội tuyên truyền bộ ấn hành”.

Cuốn sách gồm 100 trang, in trên giấy nến bằng kỹ thuật in Litô, với kích thước 22×15cm, trang bìa lót có kích thước 15×20cm đã ngả màu vàng. Nội dung cuốn sách được phân chia theo từng vấn đề và số trang cũng được đánh theo từng vấn đề chứ không đánh theo số trang cho toàn cuốn sách.

Phần mở đầu cuốn sách, Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Mục đích sách này là để nói cho đồng bào ta biết rõ: 1) Vì sao chúng ta muốn sống thì phải làm cách mệnh. 2) Vì sao cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người. 3) Đem lịch sử cách mệnh các nước làm gương cho chúng ta soi. 4) Đem phong trào thế giới nói cho đồng bào ta rõ. 5)Ai là bạn ta?Ai là thù ta? 6) Cách mệnh thì phài làm thế nào?(3). Và cuối cùng là nhằm đạt tới đích cao hơn “Đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm cách mệnh”(4)

Có thể nói, “Đường Kách mệnh” là sự phát triển tiếp tục cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc xuất bản năm 1925 ở Paris. Nếu như trong cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp, Người bóc trần và lên án những hành vi xấu xa, bỉ ổi của thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước thuộc địa Pháp, thì ở trong tác phẩm này, Đường Kách mệnh, Người đã chỉ ra con đường cụ thể để giải phóng Tổ quốc mình, đồng bào mình khỏi kiếp nô lệ. Hay nói một cách khác, ở cuốn sách đầu là thức tỉnh, ở cuốn sách sau là định hướng cho hành động.

"Đường Kách mệnh" được công nhận là một trong năm tác phẩm Bảo vật Quốc gia

Cuốn sách in xong theo chân của Nguyễn Công Thu qua đường Cống Chạp, Lạng Sơn về Hà Nội, theo Nguyễn Lương Bằng qua đường thủy Quảng Châu về Hải Phòng. Sau khi về đến Hải Phòng, Nguyễn Lương Bằng đem cất giấu tại ngôi nhà số 157C (trên gác 2), phố Lê Lợi (trước đây là phố Belgique), là một trạm giao thông liên lạc mà Nguyễn Ái Quốc đã cử Lý Nhật Hồng về xây dựng rồi giao lại cho Lê Văn Hiền phụ trách, từ đó sách được phân phối đi các ngả (Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam,….)(5)

Hiện bản gốc “Đường Kách mệnh” được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam. Đây là hiện vật độc nhất vô nhị kèm theo một tờ giấy rời (tờ trình) viết bằng chữ Nôm, bằng mực son kể về việc bắt gặp được cuốn sách. Toàn văn tờ trình đó như sau: “Tên con là Phó lý Nguyễn Văn Tôn, xã Hạ Trường, xin nộp quan huyện Thanh Hà quyển sách này. Con xin làm đơn trình sau. Bảo Đại năm thứ 5, ngày 29 tháng Hai(6). Trên tờ giấy đó còn có chữ ký của Phó lý Nguyễn Văn Tôn, chữ “Nhất” và chữ “Phụng đệ” cùng với dấu của Tri huyện Thanh Hà.

Tờ trình của Phó lý xã Hạ Trường đã xác nhận một sự thực quan trọng là ngày 29 tháng Hai, Bảo Đại năm thứ 5, tức là ngày 28/3/1930, y đã bắt được “cuốn sách cấm” tại nơi cư trú của y, sau trên dưới 3 năm xuất bản và đã nộp “tang vật” kèm theo tờ trình lên Tri huyện Thanh Hà và đã được viên quan cấp trên xác nhận (có dấu của huyện Thanh Hà). 

Như ta biết, huyện Thanh Hà, Hải Dương là quê hương của đồng chí Nguyễn Lương Bằng - người được Nguyễn Ái Quốc giao đảm nhận đường dây giao thông liên lạc giữa Tổng bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên (ở Quảng Châu) với trong nước qua tuyến đường biển Quảng Châu - Hải Phòng. Tuy nhiên, lại bị một ông lý trưởng bắt được và làm một tờ trình gửi lên Tri huyện Thanh Hà. Sau đó từ Hải Dương, cuốn sách được đưa vào hồ sơ sách cấm và được đưa về tòa án tối cao của thực dân Pháp ở Hà Nội lưu giữ. 

Sau ngày ta tiếp quản Thủ đô Hà Nội (10/10/1954), cụ Nguyễn Văn Hoan - một lão thành cách mạng làm việc ở tòa án tối cao, trong quá trình sắp xếp lại tư liệu đã phát hiện ra cuốn Đường Kách mệnhcủa Nguyễn Ái Quốc, cụ đã chuyển cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia)(7).

Năm 1927, “Đường Kách mệnh” theo đường biển về Sài Gòn, nhưng được ngụy trang dưới nhiều hình thức khác nhau để tránh sự kiểm soát và bắt bớ của thực dân Pháp. Vì, lúc bấy giờ, những tài liệu tài liệu cách mạng từ nước ngoài gửi về có liên quan đến Nguyễn Ái Quốc đều thuộc hàng quốc cấm, ai tàng trữ, sử dụng, truyền bá nếu bị bắt có tang chứng đều bị đưa ra tòa và phạt tù. Vì thế, muốn tồn tại, “Đường Kách mệnh” phải được ngụy trang dưới nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn, tác phẩm “Đường Kách mệnh” ở An Giang được ngụy trang dưới hình thức kinh Phật, có tựa Đạo Nam kinh, bên trong là nội dung tác phẩm “Đường Kách mệnh”.

Năm 2012, “Đường Kách mệnh” được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Như vậy, tác phẩm “Đường Kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc xuất bản đầu tiên ở Quảng Châu, Trung Quốc theo những ngả đường khác nhau về Việt Nam và được phổ biến rộng rãi trên cả nước dưới hình thức khác nhau. Trên một ý nghĩa nào đó, tác phẩm “Đường Kách mệnh” được xem là cuốn sách cẩm nang chỉ đường đi đến thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, mở đường cho cách mạng Việt Nam tiến lên giành những thắng lợi vẻ vang mà thành tựu trước hết là Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

-------------------------------------------

(1), (2), (3). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.2, tr. 283, tr.289, tr.283.

(4). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.2, tr.283.

(5). Phạm Xanh: Khám phá lịch sử Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2014, tr.367.

(6), (7). http://baotanglichsu.vn.

 

Vương Hạnh

Cuối thế kỷ XIX, Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lược và đặt ách cai trị. Không cam chịu làm kiếp nô lệ, nhiều phong trào yêu nước chống Pháp, đòi độc lập tự do của nhân dân Việt Nam diễn ra trên khắp mọi miền đất nước, nhưng tất cả đều đi đến thất bại vì thiếu một đường lối cách mạng đúng đắn soi đường. Làm sao tìm ra được con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc? “Lịch sử không đặt ra vấn đề gì mà nó không giải đáp được” (K.Marx). Trước yêu cầu cấp thiết giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, với nhiệt huyết cứu nước, với nhãn quan chính trị sắc bén, vượt lên trên hạn chế của các bậc yêu nước đương thời, năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành quyết định ra đi tìm đường cứu nư

Tin khác cùng chủ đề

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tận tụy, liêm, chính theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để phòng, chống suy thoái
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời kỳ đổi mới
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên và giải pháp thực hiện
Giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân

Gửi bình luận của bạn