Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, đặc biệt với tư cách là người sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện bộ máy nhà nước, hệ thống pháp luật của nước Việt Nam mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn hướng tới mục đích xây dựng Nhà nước ta thực sự trở thành Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Quá trình hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền
Quá trình hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền

1. Quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền

Giá trị và tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền đã được phản ánh  trong các văn bản chính trị pháp lý của Người, đặc biệt ở Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 và Hiến pháp năm 1946, đây là cơ sở hình thành các quan điểm của Người về Hiến pháp và pháp luật, về quyền con người, về kiểm soát quyền lực nhà nước…

Đại hội IX của Đảng năm 2001 đã khẳng định: tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện đề cập những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Người đã  vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại… Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của Nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản to lớn của Đảng và dân tộc ta1.

Trên cơ sở những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Nhà nước, Hiến pháp, pháp luật, chúng ta có thể hiểu rõ Nhà nước pháp quyền chính là “hệ thống những quan điểm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng và phát triển vì mục tiêu bảo vệ con người; cùng với vai trò và chức năng của của Hiến pháp và pháp luật trong việc kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo vệ các giá trị dân chủ trên nền tảng một chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của Nhân dân.

2. Nguồn gốc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền

Thứ nhất, truyền thống văn hóa Việt Nam.

Đặc trưng tiêu biểu của văn hóa Việt Nam chính là tinh thần yêu nước với bề dày lịch sử chống quân xâm lược; đây là cơ sở gốc rễ đã thúc đẩy người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta (…). Chúng ta có quyền tự hào về những trang sử vẻ vang thời đại bà Trưng, bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,… Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu cho một dân tộc anh hùng”2. Người cũng cho rằng: “Lúc đầu chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo quốc tế thứ 3”3.

Thứ hai, các tư tưởng chính trị, pháp lý trong tinh hoa văn hóa phương Đông và phương Tây.

Trong suốt những năm bôn ba tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu một cách có chọn lọc các tư tưởng văn hóa phương Đông, phương Tây để làm giàu cho vốn tri thức. 

Khi nhận xét về giá trị học thuyết của Khổng Tử và chủ nghĩa Mác, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo của Jêsu có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng… Họ đều mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu cầu hạnh phúc cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, tôi tin rằng họ nhất định sống chung với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm một người học trò nhỏ của các vị ấy”4.

Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng linh hoạt tư tưởng của Mạnh Tử với phương châm: chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân. “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh, chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”5. Cụ thể, trong các buổi nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên đặt ra yêu cầu về tài và đức đối với “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được Nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đức, không có căn bản thì tự mình đã hủ hoá, xấu xa thì còn làm nổi việc gì”6

Đối với thế hệ thanh niên Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Thanh niên phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi gì cho loài người7

Bỏ qua những yếu tố chưa tích cực, Người đã tiếp thu ở Phật giáo tư tưởng vị tha, bác ái và yêu thương con người. Người đã gạn lọc, kế thừa, cách mạng hóa những hạt nhân hợp lý trong triết lý đạo Phật, nhất là triết lý đề cao nếp sống đạo đức trong sáng, chủ trương bình đẳng, yêu thương đồng loại, chống điều ác. Người đã nâng nó lên thành ngọn lửa hun đúc cho truyền thống yêu nước, nhân ái của dân tộc… Người khẳng định một chân lý trong suốt hành trình cách mạng, đó là: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”8

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa ở tư tưởng của Phật giáo với nội dung cốt lõi là xây dựng một tập thể gắn bó, đoàn kết nhau, nhỏ thì từng gia đình, lớn thì từng cộng đồng, quốc gia… nhằm kiến tạo một môi trường chung, giúp nhau phát triển và giải quyết vướng mắc trên tinh thần hòa hợp, chia sẻ và “muốn đoàn kết thì phải biết “Cầu đồng tồn dị”: Lấy cái chung để hạn chế cái riêng, cái khác biệt; kế thừa truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, đoàn kết của dân tộc; phải khoan dung, độ lượng với con người; phải chống khuynh hướng: “Cô độc, hẹp hòi; đoàn kết vô nguyên tắc”9

Từ những giá trị trong tư tưởng chính trị phương Đông và phương Tây đã góp phần hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về một nhà nước của dân và phục vụ Nhân dân. Người rút ra từ tư tưởng “Tự do -Bình đẳng – Bác ái” của cách mạng Pháp, thành tiêu ngữ của Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Người đã phát triển khái niệm “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” lên một tầm cao mới.

Thứ ba, chủ nghĩa Mác  Lênin.

Khi nghiên cứu đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, Người xác định đây mới chính là con đường giải phóng dân tộc, giải phóng con người. 

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa Mác – Lênin trở thành kim chỉ nam về lý luận của giai cấp công nhân trên toàn thế giới. Thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 tác động trực tiếp đến tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tháng 7/1920, Người đọc sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc, vấn đề thuộc địa của Lênin và Người khẳng định: “Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng cho chúng ta! Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế 3”10; “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là Chủ nghĩa Lênin”11. Người không chỉ vận dụng mà còn phát triển một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin; lấy việc học tập chủ nghĩa Mác – Lênin về lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác – Lênin mà giải quyết tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của Việt Nam. 

Hoạt động thực tiễn cách mạng luôn thể hiện trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều này khẳng định: từ sự am hiểu sâu sắc truyền thống văn hóa dân tộc, sự kế thừa những giá trị tiến bộ trong tinh hoa văn hóa Đông, Tây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy tư tưởng cách mạng và khoa học của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác – Lênin làm nòng cốt, nền tảng tư tưởng chủ yếu và là kim chỉ nam cho hành động. Đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, Người đã kế thừa và tiếp thu lý luận đó một cách có chọn lọc, đồng thời vận dụng và phát triển một cách sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam để tìm ra con đường cách mạng đúng đắn cho dân tộc.

3. Quá trình phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền

(1) Các giai đoạn hình thành, phát triển của tưởng Hồ Chí Minh về con đường giải phóng dân tộc, quyền dân tộc và về Hiến pháp. 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền được đặt trong bối cảnh xã hội Việt Nam suốt gần một thế kỷ thực dân Pháp đã biến Việt Nam thành thuộc địa nửa phong kiến. Trước hàng loạt các phong trào cứu nước đã nổ ra trong thời kỳ này, như: phong trào Cần Vương, Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục…, tuy nhiên, các phong trào này đã lần lượt thất bại. Trước hoàn cảnh đó, những tư tưởng đầu tiên về Nhà nước pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tư tưởng về dân chủ, tư tưởng về quyền con người, tư tưởng về quyền dân tộc và được thể hiện trong các tác phẩm tiêu biểu của Người, như: tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp; tác phẩm Đường Kách mệnh năm 1927. Năm 1930, với trách nhiệm được Quốc tế Cộng sản phân công chủ trì việc thống nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam thành một Đảng duy nhất: Đảng Cộng sản Việt Nam… Nguyễn Ái Quốc cho ra đời khái niệm Chính phủ công – nông – binh12. Đến đây, tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường của cách mạng Việt Nam đã hoàn thành.

Tư tưởng dân quyền của Hồ Chí Minh là sự phát triển và kế thừa những giá trị của văn hóa nhân loại. Tư tưởng dân quyền đã được thể hiện trong Tuyên ngôn của nước Mỹ (năm 1776), Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp (năm 1789). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy việc bảo vệ dân quyền là một nội dung quan trọng của Hiến phápHiến pháp là cơ sở cho việc bảo đảm các quyền dân chủ của Nhân dân. Tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của Hiến pháp trong việc bảo vệ Nhân dân đã được xác lập… Hiến pháp khẳng định dân quyền có ý nghĩa để người dân có thể sử dụng các quyền hiến định để bảo vệ mình trong đời sống, nhất là trước sự xâm phạm từ phía công quyền13.

(2) Quá trình hiện thực hóa tư tưởng Nhà nước pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh.  

Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn bó mật thiết với thực tiễn của cách mạng Việt Nam: thời kỳ năm 1945 – 1946 chống thù trong giặc ngoài; thời kỳ 1946 – 1954 kháng chiến chống Pháp và thời kỳ 1954 – 1975, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiếp tục cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam. Qua đó, hai văn kiện quan trọng gắn với cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 và Hiến pháp năm 1946.

Tuyên ngôn Độc lập là nền tảng cho sự ra đời của Hiến pháp năm 1946, bản Hiến pháp đánh dấu sự ra đời chính danh, hợp pháp của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đầu tiên ở Đông Nam Á.Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xuất phát từ những giá trị cốt lõi của nhân loại về quyền con người để thành quyền của dân tộc. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy mối quan hệ giữa Hiến pháp và dân chủ. Hiến pháp chỉ tồn tại trong một xã hội dân chủ và là bản khế ước để bảo vệ các giá trị dân chủ, dân quyền. Hiến pháp như đạo luật cơ bản về tổ chức quyền lực nhà nước bằng một cơ cấu tổ chức bộ máy theo nguyên tắc phân chia 3 quyền. Còn phương diện xã hội theo lý tưởng dân quyền thì không phải là mối bận tâm của các Hiến pháp đương thời. Tư tưởng lập hiến và lý do cần thiết tồn tại Hiến pháp đối với xã hội và Nhân dân ta đã trở thành lý tưởng lập hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra nhiệm vụ cho Chính phủ lâm thời đó là phải có một bản Hiến pháp dân chủ. Với tinh thần này và quyết tâm xây dựng nền pháp quyền dân chủ, Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 34/SL ngày 20/9/1945 thành lập Ủy ban Dự thảo Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Người trực tiếp làm Trưởng ban; Sắc lệnh số 39/SL ngày 26/9/1945 thành lập Ủy ban Dự thảo thể lệ Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội lập hiến, thông qua Hiến pháp năm 1946. Ngày 10/10/1945, Người ký Sắc lệnh số 47/SL về việc tạm thời sử dụng một số luật lệ của chế độ cũ, trừ những điểm trái với chính thểcộng hòa. Bản Dự thảo Hiến pháp đã được Chính phủ thảo luận và chính thức được công bố trên báo Cứu quốc ngày 10/10/1945 kèm theo Thông cáo của Chính phủ14

Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa I đã thông qua Hiến pháp năm 1946. Cùng với Tuyên ngôn Độc lập, sự ra đời của Hiến pháp năm 1946 là sự khẳng định tính nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh về một nhà nước dân chủ, về vai trò của Hiến pháp trong bảo vệ dân quyền. Đó là tư tưởng về một nhà nước mà ở đó Hiến pháp không chỉ là tấm gương phản ánh tính dân chủ của Nhà nước mà hơn thế, Hiến pháp đã trở thành công cụ bảo vệ quyền dân chủ của công dân.

4. Kết luận

Lịch sử ra đời và phát triển cũng như quá trình hoàn thiện của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đã chứng minh những tư tưởng đúng đắn, vượt thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, bám sát thực tiễn đổi mới đất nước, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”15.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX. H. NXB Chính trị quốc gia, 2021, tr. 84.
2. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 6. H. NXB Chính trị quốc gia, 2004, tr. 172.
3, 10. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 10. H. NXB Chính trị quốc gia, 2004, tr. 128, 27.
4. Trương Niệm Thức. Hồ Chí Minh truyện. H. NXB Bát Nguyệt Thượng Hải (dẫn theo: Phan Văn Các (1991). Nho giáo xưa và nay. H. NXB Khoa học xã hội), 1949. 
5, Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia, 2002, tr. 57.
6. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 1995, tr. 253.
7. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 9. H. NXB Chính trị quốc gia, 2002, tr. 172. 
8. Hồ Chí Minh toàn tậpTập 12. H. NXB Chính trị quốc gia, 2002, tr. 517.
9. Nguyễn Đức Quỳnh. Nét tinh hoa Phật giáo trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tạp chí Nghiên cứu Phật học, tháng 3/2015.
11. Hồ Chí Minh toàn tậpTập 2. H. NXB Chính trị quốc gia, 1995, tr. 269.
12. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tổng hợp và giới thiệu. Tư tưởng Hồ Chí Minh – Di sản văn hóa nhân loại. Hà Nội, 2002, tr. 36, 556.
13. Nguyễn Đăng Dung (chủ biên), Bùi Ngọc Sơn, Nguyễn Mạnh Tường. Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền. H. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2007, tr. 84, 60.
14. Đặng Hữu Toàn. Sự kế thừa và phát triển học thuyết Mác – Lênin về chủ nghĩa xã hội, về con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tạp chí Triết họcsố 228 (5/2010).
15. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIITập I. H. NXBChính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 174.

TS. Lê Hương Giang
Trường Đại học Lao động – Xã hội

1. Quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền Giá trị và tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền đã được phản ánh  trong các văn bản chính trị pháp lý của Người, đặc biệt ở Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 và Hiến pháp năm 1946, đây là cơ sở hình thành các quan điểm của Người về Hiến pháp và pháp luật, về quyền con người, về kiểm soát quyền lực nhà nước… Đại hội IX của Đảng năm 2001 đã khẳng định: tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện đề cập những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Người đã  vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện

Tin khác cùng chủ đề

Xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để phòng, chống suy thoái
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời kỳ đổi mới
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên và giải pháp thực hiện
Giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân
Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là một cách phòng ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị

Gửi bình luận của bạn