Đánh giá cao vai trò, tầm quan trọng của thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai; do đó, thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người luôn thường xuyên quan tâm giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện để thanh niên Việt Nam tham gia tích cực, có hiệu quả vào sự nghiệp cách mạng. Tư tưởng đó của Người luôn được Đảng, Nhà nước ta thấm nhuần, quán triệt và vận dụng sáng tạo trong thời kỳ mới.

Phát huy vai trò của thanh niên theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Phát huy vai trò của thanh niên theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh là người cộng sản Việt Nam đầu tiên nhận thức đúng đắn vai trò to lớn của thanh niên Việt Nam đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập cho dân tộc cũng như trong công cuộc bảo vệ, kiến thiết nước nhà. Trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, xuất bản 1925, Người chỉ rõ: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”. Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc, thanh niên là lực lượng nòng cốt, có vai trò quyết định đối với vận mệnh của dân tộc. Vì vậy, muốn giải phóng dân tộc, trước hết phải biết khơi dậy, phát huy vai trò xung kích của thanh niên. Để thực hiện điều đó, Người đã chủ trương thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để quy tụ tất cả những thanh niên Việt Nam yêu nước vào hoạt động cách mạng, vừa để phát triển lực lượng, vừa từng bước truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam.

Thực tiễn cho thấy, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã có công lao to lớn, đưa giai cấp công nhân Việt Nam nhanh chóng phát triển thành một lực lượng chính trị độc lập, đã giác ngộ nhiều người Việt Nam yêu nước đi theo đường lối đúng đắn của cách mạng; đồng thời, từng bước phá tan mọi khuynh hướng tư tưởng của chủ nghĩa cải lương tư sản, đưa phong trào cách mạng của công nông phát triển thành một phong trào chính trị, có tính độc lập rõ rệt.

Lịch sử cách mạng Việt Nam cũng đã chứng minh, trong những cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ đất nước, lớp lớp các thế hệ thanh niên Việt Nam đã luôn tin tưởng, đi theo Đảng, cùng với Nhân dân cả nước, không tiếc máu xương, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, phát huy truyền thống cha ông, sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh gian khổ, làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Người khẳng định chắc chắn: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên” [1]. Theo Hồ Chí Minh, thanh niên là lớp người trẻ tuổi, có hoài bão, ước mơ, giàu nghị lực và rất khát khao với lý tưởng cao đẹp, có đức xả thân vì nghĩa lớn và lòng vị tha sâu sắc. Đó là lứa tuổi có tính nhạy cảm cao với những cái mới, cái đẹp và cái tiến bộ. Do vậy, nếu được giáo dục tốt, phù hợp với tâm lý và tính cách, thanh niên sẽ có lý tưởng sống cao đẹp, phát huy tài năng, tính sáng tạo trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ.

Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã đề ra nhiều chính sách nhằm phát huy vai trò của thanh niên đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Đặc biệt, trước yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên nhằm bồi dưỡng và phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 (khóa X) đã ra Nghị quyết “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Nghị quyết khẳng định: Đảng ta tiếp tục đề cao vai trò, vị trí quan trọng của thanh niên; xác định thanh niên là lực lượng xung kích trong giai đoạn cách mạng mới; Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Quyết định số 1331/QĐ-TTg, ngày 24/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030” cũng nêu rõ mục tiêu tổng quát: “Xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, có ý chí tự cường, tự hào dân tộc, có lý tưởng cách mạng, hoài bão, khát vọng vươn lên xây dựng đất nước; có đạo đức, ý thức công dân, chấp hành pháp luật; có sức khỏe và lối sống lành mạnh; có văn hóa, kiến thức, trình độ học vấn, kỹ năng sống, nghề nghiệp và việc làm; có ý chí lập thân, lập nghiệp, năng động, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ. Phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước và hội nhập quốc tế. Phát huy tinh thần cống hiến, xung kích, tình nguyện và nâng cao trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” [2].

Trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của thanh niên và quan điểm của Đảng ta về công tác thanh niên cũng như phát huy vai trò của họ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, cần thực hiện một số giải pháp sau đây:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên

Đây là giải pháp quan trọng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng công tác thanh niên trong tình hình mới. Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội; xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ cho thế hệ trẻ. Tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động, sáng tạo, khởi nghiệp, làm chủ kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại, phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” [3]. Để thực hiện tốt vấn đề này, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng phải thường xuyên nắm, định hướng và kiểm tra việc thực hiện công tác thanh niên; phân công đảng viên có năng lực phụ trách công tác Đoàn và phong trào thanh niên. Thực hiện có hiệu quả việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đối với mỗi cán bộ, đoàn viên thanh niên; mỗi cán bộ, đảng viên phải là những tấm gương sáng, thực sự “nói đi đôi với làm”, có giá trị để giáo dục thanh niên học tập và noi theo.

Hai là, thường xuyên giáo dục nêu cao tinh thần yêu nước cho thanh niên

Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu vấn đề giáo dục tinh thần yêu nước đối với thanh niên: “Trước hết phải yêu Tổ quốc, yêu Nhân dân. Phải có tinh thần dân tộc vững chắc và tinh thần quốc tế đúng đắn. Phải yêu và trọng lao động... Phải quan tâm đến đời sống của Nhân dân” [4]. Tinh thần yêu nước là vốn quý, là sức mạnh to lớn giúp dân tộc ta đứng vững trước những thử thách nghiệt ngã trong lịch sử. Nó được hun đúc từ bao đời và đã trở thành sức mạnh Việt Nam, biểu tượng Việt Nam. Giáo dục tinh thần yêu nước cho thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh là việc làm đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay, tiếp thêm nguồn sức mạnh, trí sáng tạo cho hàng triệu thanh niên đang ra sức cống hiến trên mọi lĩnh vực. Thanh niên phải tự giác rèn luyện, trở thành những con người có ý chí bền vững, có lòng dũng cảm để vượt qua cám dỗ và thói hư tật xấu mà mặt trái của kinh tế thị trường, của toàn cầu hóa mang lại.

Ba là, bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng cho thanh niên

Đây là giải pháp quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ trong giai đoạn hiện nay. Trong bản “Di chúc” thiêng liêng, Người từng căn dặn “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết” [5]. Việc bồi dưỡng lý tưởng cao đẹp trước hết là mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, phải trở thành niềm tin, lẽ sống của nhiều thế hệ nối tiếp nhau. Theo đó, cần tăng cường công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa, ý thức công dân để hình thành thế hệ thanh niên có những phẩm chất tốt đẹp, có khí phách và quyết tâm hành động thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tăng cường giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc để không ngừng bồi dưỡng lý tưởng cao đẹp cho thanh niên. Bảo đảm tính chính trị, sự định hướng của Ðảng nhằm làm phong phú và sâu sắc hơn các nội dung giáo dục, vươn tới giá trị chân - thiện - mỹ, tiếp thu tinh hoa văn hóa, văn minh của nhân loại.

Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên. Trong mối quan hệ “đức - tài”, Người coi đạo đức là cái gốc của người cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa quyết định của việc xây dựng con người mới. Người yêu cầu thanh niên phải học tập, trau dồi đạo đức cách mạng, bởi: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được Nhân dân”. Trong “Di chúc”, Người căn dặn: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”.

Bốn là, tạo điều kiện cho thanh niên không ngừng học tập, nâng cao trình độ năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà, vì vậy: “thanh niên phải chuẩn bị làm người chủ nước nhà. Muốn thế phải ra sức học tập chính trị, kỹ thuật, văn hoá, trước hết phải rèn luyện và thấm nhuần tư tưởng xã hội chủ nghĩa, gột rửa cá nhân chủ nghĩa; muốn thế Đoàn Thanh niên phải củng cố và phát triển hơn nữa” [6]. Người cũng nghiêm túc chỉ ra rằng, thanh niên không chỉ “học văn hóa, chính trị, kỹ thuật” mà còn phải học cả “lý luận Mác - Lênin kết hợp với đấu tranh và công tác hàng ngày”. Để hoàn thành tốt vai trò người chủ nước nhà, thanh niên phải được giáo dục, đào tạo một cách chu đáo, phải được chuẩn bị đầy đủ các hành trang cần thiết nhất. Trước hết, họ phải là những con người gương mẫu về đạo đức, có ý thức đạo đức hoàn thiện, đầy đủ, đồng thời, có thể chất cường tráng, mạnh mẽ, thông minh, sáng tạo, biết vận dụng những thành quả của khoa học - công nghệ hiện đại vào thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Có thể khẳng định, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đoàn viên, thanh niên Việt Nam sẽ không ngừng xung kích trong học tập, lao động, sáng tạo, khởi nghiệp, làm chủ kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại, phát huy vai trò, đóng góp công sức thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới.

Chú thích:

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.216.

[2] Quyết định số 1331/QĐ-TTg ngày 24/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.168. 

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Sđd, tr.265.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Sđd, tr.612.

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Sđd, tr.19.

 
Hồ Chí Minh là người cộng sản Việt Nam đầu tiên nhận thức đúng đắn vai trò to lớn của thanh niên Việt Nam đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập cho dân tộc cũng như trong công cuộc bảo vệ, kiến thiết nước nhà. Trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, xuất bản 1925, Người chỉ rõ: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”. Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc, thanh niên là lực lượng nòng cốt, có vai trò quyết định đối với vận mệnh của dân tộc. Vì vậy, muốn giải phóng dân tộc, trước hết phải biết khơi dậy, phát huy vai trò xung kích của thanh niên. Để thực hiện điều đó, Người đã chủ trương thành lập Hội V

Tin khác cùng chủ đề

Xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để phòng, chống suy thoái
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời kỳ đổi mới
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên và giải pháp thực hiện
Giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân
Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là một cách phòng ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị

Gửi bình luận của bạn