Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ yêu thiên nhiên, gắn bó với thiên nhiên mà còn có những tư tưởng và hành động thiết thực về trồng cây, gây rừng, bảo vệ rừng. Bài viết hệ thống hóa và góp phần làm sáng tỏ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc trồng cây, gây rừng, bảo vệ rừng; đồng thời, học tập, vận dụng tư tưởng của Người vào thực tiễn của đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về trồng cây, gây rừng, bảo vệ rừng ở nước ta hiện nay
Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về trồng cây, gây rừng, bảo vệ rừng ở nước ta hiện nay

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về trồng cây, gây rừng, bảo vệ rừng 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới vấn đề môi sinh, trồng cây, gây rừng, bảo vệ rừng, sống hài hòa với thiên nhiên. Người quan niệm, trồng cây không chỉ là công việc nông, lâm đơn thuần mà còn có ý nghĩa quan trọng là giáo dục đạo đức lao động, đặc biệt là nâng cao ý thức trách nhiệm của Nhân dân trong việc bảo vệ môi trường sống. 

Ngay từ những năm đất nước còn chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đến việc xây dựng một môi trường tự nhiên trong lành và nâng cao đời sống cho Nhân dân. Người chọn việc trồng cây là điểm xuất phát để bảo vệ môi trường và kêu gọi mọi người ra sức trồng cây, gây rừng: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”1. Sự nghiệp trồng cây được Chủ tịch Hồ Chí Minh xem trọng như sự nghiệp trồng người, bởi trồng cây hay trồng người cũng là phục vụ lợi ích của con người. 

Với tầm nhìn chiến lược, Người đã phát động và trực tiếp chỉ đạo “Tết trồng cây”, làm cho việc trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng trở thành phong trào rộng khắp và thường xuyên của quần chúng. Theo Người, “việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều”2. “Mỗi Tết trồng được độ 15 triệu cây. Từ năm 1960 đến 1965 (là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất), chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Và trong mươi năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”3

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc cả nước tham gia trồng cây không chỉ thể hiện sự nhất trí, đồng lòng của Nhân dân cả nước, tạo nên sức mạnh to lớn của dân tộc trong công cuộc xây dựng đất nước mà còn phản ánh trí tuệ và tầm nhìn văn hóa về phát triển bền vững. Trong Hội nghị cán bộ Đoàn Thanh niên Lao động toàn miền Bắc, Người nói: “Thanh niên nam nữ khi lấy vợ, lấy chồng phải có nhà ở. Trồng cây sẽ có gỗ để làm nhà. Cây cối còn làm cho đất nước tươi đẹp, người đi đường có cây cao bóng mát để nghỉ ngơi. Cây cối còn ảnh hưởng tốt đến khí hậu và sức khỏe của Nhân dân”4

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trồng cây rồi thì phải ra sức chăm sóc cây, trồng cây nào phải chăm sóc cho cây ấy sống và tươi tốt. Trồng nhiều mà không chịu khó chăm sóc, để cây chết thì tốn công, vô ích”5. Trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Người luôn luôn theo sát và kiểm tra công tác trồng cây. Chủ tịch Hồ Chí Minh phê bình những nơi trồng cây, gây rừng chưa tốt, chỉ ra nguyên nhân và cách thức, điều kiện cần thiết để tổ chức “Tết trồng cây”, đó là: “Nơi nào mà các cấp đảng bộ từ tỉnh đến chi bộ trực tiếp lãnh đạo, có kế hoạch đầy đủ, có biện pháp rõ ràng (hạt giống, vườn ươm…), có kiểm tra cẩn thận, khéo động viên quần chúng, khéo dựa vào lực lượng các cụ phụ lão và thanh niên, nhi đồng thì nơi đó phong trào Tết trồng cây phát triển tốt”6.   

Khi nói chuyện với Nhân dân và cán bộ tỉnh Nam Định, Người nhận xét: “Về trồng cây, Nam Định làm chưa tốt. Từ Tết đến nay tuy đã trồng được mười sáu vạn cây, vì chăm sóc kém mà cây chết rất nhiều. Cần trồng cây nào tốt cây ấy”7. Nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Thái Nguyên, Người thẳng thắn chỉ ra: “Trong dịp Tết trồng cây, tỉnh ta đã trồng được trên sáu mươi vạn cây. Thế là khá nhưng phải cố gắng hơn nữa và chú ý trồng cây nào sống cây ấy. Vừa rồi Thái Nguyên trồng nhiều nhưng chăm sóc kém, cây trồng chết đến 90% như xoan. Cán bộ và công nhân khu gang thép đốt cháy mất hơn hai vạn cây. Đó là một việc rất đáng phê bình”8.

“Tết trồng cây” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng là một hoạt động văn hóa đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của Nhân dân ta từ miền ngược đến miền xuôi, từ thành thị đến nông thôn. Đối với Người, “Tết trồng cây” không chỉ là công việc của một năm, một mùa mà là công việc của cả đời người. Người nói: “Có nơi nhầm cho rằng Tết trồng cây chỉ một đợt và một năm thôi; chứ không hiểu rằng Tết trồng cây cũng là một kế hoạch kinh tế lâu dài và liên tục”9

Từ khi phát động “Tết trồng cây”, năm nào Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dành thời gian để viết bài trên báo, đến các địa phương tham gia trồng cây, nói chuyện với Nhân dân và theo dõi sát tình hình “Tết trồng cây”. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn động viên, nhắc nhở tất cả các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể và mọi người dân tham gia nhiệt tình để phong trào “Tết trồng cây” thực sự trở thành một phong trào quần chúng rộng rãi và được thực hiện thường xuyên. Hơn thế, Người còn nhắc nhở và động viên mọi giới, mọi lứa tuổi tham gia để đưa “Tết trồng cây” trở thành một phong trào rộng rãi. 

Với cụ già, Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏ lòng kính trọng, khen ngợi và lấy đó làm tấm gương sáng về phong trào trồng cây: “Chúng ta tự hào có nhiều cụ ông, cụ bà ngoài 70, 80 tuổi vẫn hăng hái học tập và lao động, lập ra những đội “bạch đầu quân” trồng cây gây rừng”10. Người khen ngợi các cụ đã có một đội chuyên trách trồng cây và mong các cụ trồng, phụ trách tất cả việc trồng cây. Với các cháu thiếu nhi, Người căn dặn: “Còn các cháu phụ trách đỡ đầu cây. Các cháu chẳng những đừng phá cây mà khi đi trâu, đi bò, không làm cây gãy… cháu thấy nó hỏng chỗ nào thì rào lại”11. Với thanh niên, Người nhấn mạnh: “Nhân dịp này, Bác có ý giao cho thanh niên làm chủ lực trong phong trào trồng cây gây rừng… Đồng thời phải kết hợp với lực lượng các cụ phụ lão và các cháu thiếu nhi”12.  

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa nhưng những lời dạy bảo của Người về lợi ích của việc trồng cây sẽ còn mãi mãi: “Nhờ Tết trồng cây mà đất nước ta càng thêm xinh tươi, Nhân dân ta càng thêm giàu có”13. Cho đến nay, lời dạy của Người vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự. 

2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về trồng cây, gây rừng, bảo vệ rừng trong giai đoạn hiện nay

Tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc trồng cây, gây rừng, bảo vệ rừng được thể hiện trong nhiều văn kiện của Đảng. Đại hội Đảng lần thứ XI (năm 2011) nêu rõ: “Nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của cán bộ lãnh đạo các cấp về bảo vệ môi trường. Khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường… Ngăn chặn có hiệu quả nạn phá rừng, cháy rừng và tình trạng khai thác tài nguyên bừa bãi; xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường”14.

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII (năm 2016) đã gắn “Phát triển kinh tế – xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên”15. Đại hội lần thứ XIII của Đảng (năm 2021) đã làm rõ “bảo vệ môi trường” trong mối quan hệ lớn “giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường”16. Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 tiếp tục khẳng định: “Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu”17. Điều này thể hiện nhận thức đầy đủ và toàn diện của Đảng và Nhà nước về các trụ cột phát triển bền vững theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó cũng chính là các yếu tố căn bản cấu thành sự phát triển bền vững, một định hướng phát triển tất yếu, khách quan, phù hợp với xu thế hiện nay của các quốc gia, xu hướng phát triển tiến bộ của nhân loại và thời đại.

Tuy nhiên, những diễn biến từ đời sống thực tế cùng với thông tin về hiện trạng rừng và cây xanh vẫn đáng lo ngại. Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn từ năm 2011 – 2020, diện tích rừng bị thiệt hại hơn 22.800 ha, bình quân mỗi năm, Việt Nam suy giảm khoảng 2.500 ha rừng18. Tại Quyết định số 816/QĐ-BNN-KL ngày 20/3/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2023 thì tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42,02%. Về cơ bản tỷ lệ này tương đương với năm 2022 nhưng trên thực tế chất lượng rừng vẫn suy giảm (tăng rừng trồng, giảm tỷ lệ rừng tự nhiên). 

Trong những năm qua, những thiệt hại về rừng do nhiều nguyên nhân như cháy rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, chặt phá trái phép, rừng nghèo kiệt giảm trữ lượng rừng không còn đủ tiêu chí là rừng… Mặt khác, vẫn còn nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế như thủy điện, khai thác khoáng sản, dịch vụ du lịch… chưa chú trọng đến bảo vệ, phát triển rừng, làm giảm chất lượng rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên. 

Tâm lý tiêu dùng các sản phẩm từ gỗ rừng tự nhiên còn phổ biến cũng là nguyên nhân khiến cho nạn khai thác rừng trở nên tùy tiện và nghiêm trọng hơn. Điều này xuất phát từ văn hóa lâu đời của người Việt gắn bó với các vật dụng gia đình và đồ trang trí làm từ gỗ tự nhiên, do đó, việc tiêu dùng gỗ tự nhiên là thói quen cần phải thay đổi không chỉ bằng biện pháp tuyên truyền, giáo dục mà phải có những chế tài để tác động đến văn hóa sống, trước hết là đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Tiến trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, phát triển kinh tế cùng với việc số lượng, chất lượng cây xanh tỷ lệ nghịch với lượng bê tông hóa hiện nay khiến ô nhiễm không khí gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống cũng như quá trình phát triển kinh tế – xã hội ở cả đô thị và nông thôn, nhất là các đô thị lớn. Theo Báo cáo đánh giá thực trạng phát triển hạ tầng đô thị xanh ở Việt Nam của Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng tại Hội thảo trực tuyến với chủ đề: “Phát triển hạ tầng đô thị xanh, an toàn, bền vững ở Việt Nam” tháng 10/2021, tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị lớn của Việt Nam ở mức từ 2 – 3 m2/người. Trong khi chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên hợp quốc là 10m2và của các thành phố hiện đại trên thế giới từ 20 – 25m2/người. Điều này có nghĩa, cây xanh đô thị của Việt Nam chỉ bằng 1/5 đến 1/10 chỉ tiêu của thế giới19.

Hạ tầng xanh có tính chất đa chức năng, đa lợi ích, đa cấp độ và cần được quan tâm nhiều hơn trong vấn đề hoạch định chính sách, pháp luật. Trước thực tiễn và yêu cầu trên, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt ra mục tiêu đến năm 2025 diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 6 – 8 m2/người; đến năm 2030 đạt khoảng 8 – 10 m2/người20

Ở phương diện quản lý nhà nước, Chính phủ, các cơ quan, ban, ngành và các tổ chức môi trường, cá nhân tại Việt Nam cũng đã triển khai nhiều hoạt động bảo vệ và phục hồi rừng. Ngày 01/4/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 524/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025” với mục tiêu đến hết năm 2025, cả nước trồng được một tỷ cây xanh, trong đó 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Đề án nêu rõ, phát triển cây xanh cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. 

Bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới qua các hiệp định song phương, đa phương cũng đặt ra yêu cầu mới đối với việc trồng cây, gây rừng, bảo vệ rừng. Chẳng hạn, ngày 19/4/2023, Nghị viện châu Âu chính thức thông qua đạo luật về cấm đưa vào lưu thông và xuất khẩu các sản phẩm liên quan đến rừng và suy thoái rừng. Các quy định này của châu Âu có hiệu lực từ ngày 29/6/2023 và là bước quan trọng trong Kế hoạch Xanh của EU về giảm khí thải, phòng chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững21. Việt Nam cũng đã tham gia Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới với EU và là thành viên của nhiều diễn đàn có liên quan nên cả về nhận thức và cơ chế, chính sách cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp.

3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả trồng cây, gây rừng, bảo vệ rừng trong giai đoạn hiện nay

Hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội gắn với phát triển bền vững về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nhấn mạnh những nhiệm vụ cơ bản: nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn dân về bảo vệ môi trường, từ đó dẫn đến sự thay đổi nhận thức và hành vi của từng cá nhân… quản lý chặt chẽ, bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên; phát triển, nâng cao chất lượng rừng; tăng độ che phủ rừng gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái. Để hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ này từ phương diện nhận thức cũng như hành động, có thể tập trung vào một số giải pháp cụ thể sau: 

Thứ nhất, tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế có liên quan đến nhiệm vụ này. Trước hết, là việc thống nhất, đồng bộ hóa một số luật và văn bản hướng dẫn thi hành trong các lĩnh vực quan trọng, như Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Lâm nghiệp năm 2017, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; tiếp tục chỉnh sửa và hoàn thiện dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn… Việc hoàn thiện thể chế là yêu cầu cấp thiết và quan trọng nhằm cập nhật những tiêu chuẩn mới, khắc phục những bất cập, tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong giai đoạn hiện nay. 

Thứ hai, về tổ chức thi hành chính sách, pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước các cấp và cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là trên môi trường mạng; thay đổi thói quen và nâng cao nhận thức về sử dụng các sản phẩm từ rừng, đặc biệt là gỗ rừng tự nhiên; bảo vệ, phát triển rừng và các sản phẩm dưới tán rừng cùng với việc tiếp tục thực hiện củng cố hệ thống tổ chức quản lý gắn với tăng cường bảo vệ tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp.

Chính quyền các địa phương cần tổ chức thực thiện tốt quy hoạch rừng, đồng thời cụ thể hóa, đề xuất một số chính sách hỗ trợ cho lâm nghiệp. Kết nối, thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào lâm nghiệp, nhất là đầu tư các nhà máy chế biến với công nghệ hiện đại; đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, hỗ trợ tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ lâm sản.

Tăng cường xã hội hóa, thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế và lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế – xã hội để trồng một tỷ cây xanh là một hướng đi đúng đắn. Trong đó, ngoài trồng rừng tập trung, cần tăng tỷ lệ trồng cây xanh phân tán tại các vùng nông thôn, khu vực đô thị, đường giao thông, công trình hạ tầng đô thị, công trình giáo dục, y tế, văn hóa, nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu văn hóa, lịch sử… Trồng cây xanh phải đi đôi với chăm sóc, bảo vệ, quản lý, giám sát để bảo đảm cây trồng, rừng trồng sinh trưởng và phát triển tốt.

Thứ ba, phát huy truyền thống trồng cây do Bác Hồ khởi xướng, việc trồng cây, bảo vệ cây xanh cần được các tổ chức, đoàn thể thúc đẩy thành hoạt động thường xuyên của cộng đồng dân cư, hạn chế việc phô trương, hình thức. Thanh niên, học sinh, sinh viên trong các nhà trường, các tổ chức đoàn thể xã hội và doanh nghiệp là thế hệ trẻ tiến bộ, năng động, có tính tự giác cao, nhiều sáng kiến của các cá nhân, tổ chức đã và đang được triển khai cần được cơ quan nhà nước và các đoàn thể xã hội tạo điều kiện, khuyến khích, động viên, nhân rộng để trở thành văn hoá, thành thói quen tích cực trong đời sống hằng ngày của người dân. 

Khi mỗi người có một hành động, một sáng kiến phù hợp sẽ tiết kiệm được chi phí, công sức, sức mạnh được cộng hưởng và có tính khả thi cao. Có thể kể đến những hành động nhỏ, dễ thực hiện, dễ quảng bá như “gom hạt, gieo hạt” ở những khu vực đất trống, đồi núi trọc hay hàng rào của các gia đình, công sở,… Sinh kế của người dân được cải thiện, môi trường sống sẽ dần được cải tạo, không gian sống sẽ xanh, sạch, đẹp; nóng bức, lũ lụt, hạn hán, thiên tai sẽ dần giảm thiểu, bầu không khí an toàn, trong lành hơn, cảnh quan thiên nhiên và cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn. Đó chính là những hành động thiết thực trong học tập, làm theo tư tưởng, phong cách đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chung và trong việc trồng cây, gây rừng, bảo vệ rừng nói riêng.

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 11. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 528.
2, 3, 8, 9, 13. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 12. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 337, 338, 522, 536, 443.
4, 5, 11, 12. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 13. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 472, 17, 280, 472.
6, 7, 10. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 14. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 446, 108, 276.
14, 16, 17. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 221, 119, 214.
15. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016). Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII. H. Văn phòng Trung ương Đảng, tr. 104.
18. Cần những hành động quyết liệt. https://nhandan.vn/can-nhung-hanh-dong-quyet-liet-post630431.html
19. Tỷ lệ cây xanh đô thị của Việt Nam thấp hơn nhiều lần chỉ tiêu tối thiểu của Liên hợp quốc. https://quanly.moitruongvadothi.vn /30/26666/Ty-le-cay-xanh-do-thi-cua-Viet-Nam-thap-hon-nhieu-lan-chi-tieu-toi-thieu-cua-Lien-Hop-Quoc.aspx
20. Bộ Chính trị (2022). Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

21. EU cấm hàng hóa xuất xứ từ phá rừng: Biến khó khăn, thách thức thành cơ hội.https://tapchicongthuong.vn/eu-cam-hang-hoa-xuat-xu-tu-pha-rung–bien-kho-khan–thach-thuc-thanh-co-hoi-111761.htm

TS. Nguyễn Thị Vân Hà
TS. Nguyễn Quốc Khương
Học viện Hành chính Quốc gia

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về trồng cây, gây rừng, bảo vệ rừng  Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới vấn đề môi sinh, trồng cây, gây rừng, bảo vệ rừng, sống hài hòa với thiên nhiên. Người quan niệm, trồng cây không chỉ là công việc nông, lâm đơn thuần mà còn có ý nghĩa quan trọng là giáo dục đạo đức lao động, đặc biệt là nâng cao ý thức trách nhiệm của Nhân dân trong việc bảo vệ môi trường sống.  Ngay từ những năm đất nước còn chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đến việc xây dựng một môi trường tự nhiên trong lành và nâng cao đời sống cho Nhân dân. Người chọn việc trồng cây là điểm xuất phát để bảo vệ môi trường và kêu gọi mọi n

Tin khác cùng chủ đề

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tận tụy, liêm, chính theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để phòng, chống suy thoái
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời kỳ đổi mới
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên và giải pháp thực hiện
Giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân

Gửi bình luận của bạn