Hồ Chí Minh là người tiên phong trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Cả cuộc đời của Người phấn đấu cho sự phát triển và tiến bộ của dân tộc, xã hội và con người Việt Nam và thế giới. Hồ Chí Minh chính là sứ giả của hoà bình, hữu nghị giữa các dân tộc. Trong công cuộc đổi mới đất nước Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo, tư tưởng Hồ Chí Minh về hòa bình, hữu nghị, đoàn kết, hợp tác, phát triển quốc tế được tiếp tục và phát huy lên một lên một bước.

Hồ Chí Minh - Sứ giả của hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc
Hồ Chí Minh - Sứ giả của hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc

“Tình nghĩa năm châu bốn biển một nhà”

Hồ Chí Minh là người tiên phong trong sự nghiệp “ba giải phóng” không những ở tầm quốc gia mà còn ở tầm quốc tế: Giải phóng dân tộc-Giải phóng xã hội-Giải phóng con người. 

Trong tác phẩm Đường Kách mệnh xuất bản năm 1927, Hồ Chí Minh cho rằng, cách mạng Việt Nam “là một bộ phận trong cách mệnh thế giới. Ai làm cách mệnh trong thế giới đều là đồng chí của dân An Nam”1. Người hoạt động trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế với tư cách là một cán bộ của Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản từ năm 1924 cho đến khi Quốc tế Cộng sản tự giải tán năm 1943 với trách nhiệm cao, giúp Quốc tế Cộng sản xây dựng, củng cố và phát triển sự đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa các đảng cộng sản và công nhân trên thế giới. 

Đối với phong trào giải phóng dân tộc toàn thế giới, Hồ Chí Minh là người cùng dân tộc Việt Nam đi tiên phong đấu tranh giải trừ chủ nghĩa thực dân, góp phần tích cực xóa đi một vết nhơ lớn nhất trong lịch sử loài người. Nói cách khác, thế kỷ XX là thế kỷ phi thực dân hóa. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc tiên phong trong thế kỷ phi thực dân hóa đó. Một con người tiên phong của một dân tộc tiên phong-đó chính là Hồ Chí Minh. Nếu tạc tượng các vĩ nhân của thế kỷ XX, thế kỷ phi thực dân hóa, thì Hồ Chí Minh xứng đáng được tạc một bức tượng đẹp nhất.

Hồ Chí Minh là người quảng giao. Cuộc đời của Người 30 năm bôn ba thế giới tìm kiếm con đường cứu nước giải phóng dân tộc, đi nhiều nước ở châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ (và có người cho rằng, Hồ Chí Minh đã có lần đến Sydney của Australia). Người đi để học trong  thực tế, để khảo cứu, tìm con đường cách mạng, để hoạt động trong nhiều tổ chức yêu nước tiến bộ quốc tế, dấn thân vào cuộc đời của người lao động chân tay và lao động trí óc, trong giới cần lao của nhân loại, và cái chính là Hồ Chí Minh đứng ở tầm cao cả trong nhận thức và hành động vì sự tiến bộ xã hội.

Hồ Chí Minh thấm đượm tinh thần quốc tế. Cái gốc của sự phát triển cũng như triết lý phát triển của Hồ Chí Minh là ở tinh thần quảng giao trên một tinh thần “tứ hải giai huynh đệ”. Người cho rằng: “Nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình có nghĩa... Từ khi có Đảng ta lãnh đạo và giáo dục, tình nghĩa ấy càng cao đẹp hơn, trở thành tình nghĩa đồng bào, đồng chí, tình nghĩa năm châu bốn biển một nhà (TG nhấn mạnh)”2

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Hồ Chí Minh muốn có mối quan hệ tốt với Mỹ-một nước trong phe Đồng minh chống phát xít ở Thế chiến II. Về sau này, chiến tranh do Mỹ gây ra ở Việt Nam đã phá vỡ các mối quan hệ đó. Hồ Chí Minh có sự hiểu biết khá sâu về nước Mỹ, trong đó phải kể đến cả yếu tố Người đã ở Mỹ, đến tham quan tượng Nữ thần Tự Do, đến khu Háclem ở New York. Hồ Chí Minh hiểu rõ giá trị Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ (1776), Người dẫn ý của bản Tuyên ngôn đó vào bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với một tư duy mới. Hồ Chí Minh đã dẫn cả ý của Tổng thống thứ ba của nước Mỹ-Jenfferson-về quan hệ giữa người dân với chính phủ trong tác phẩm Đường Kách mệnh (1927) và trong bài nói với đồng bào, thân sĩ của tỉnh Thanh Hóa, ngày 20-2-1947, trước khi rút lên Chiến khu Việt Bắc: “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”3. Hai tháng sau khi nước Việt Nam giành được độc lập, ngày 1-11-1945, Hồ Chí Minh vừa nhân danh Chủ tịch Chính phủ lâm thời, vừa nhân danh Hội Văn hóa Việt Nam, gửi thư tới Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Giêm Biếcnơ “bày tỏ nguyện vọng của Hội, được gửi một phái đoàn khoảng năm mươi thanh niên Việt Nam sang Mỹ với ý định một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hóa thân thiết với thanh niên Mỹ, và mặt khác để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác. Nguyện vọng mà tôi đang chuyển tới Ngài là nguyện vọng của tất cả các kỹ sư, luật sư, giáo sư Việt Nam, cũng như những đại biểu trí thức khác của chúng tôi mà tôi đã gặp”4. Đó quả thật là một tầm nhìn rất xa, rất cao. Rất tiếc, việc này không thành. Không thành là do có cả tầm nhìn và nhiều nguyên nhân nữa từ phía khác, chứ không phải từ phía Việt Nam. 

Tháng 9-1947, trả lời nhà báo Mỹ S.Elie Maissie, phóng viên hãng tin Mỹ International New service, một người quan tâm nhiều đến cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp, Hồ Chí Minh tuyên bố đại cương chính sách đối ngoại của Việt Nam là: “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”5. Và, Hồ Chí Minh tuyên bố với Liên hợp quốc trong thư gửi tới tổ chức này cuối năm 1946 rằng: 

“Trong chính sách đối ngoại của mình, nhân dân Việt Nam sẽ tuân thủ những nguyên tắc dưới đây:

1. Đối với Lào và Miên, nước Việt Nam tôn trọng nền độc lập của hai nước đó và bày tỏ lòng mong muốn hợp tác trên cơ sở bình đẳng tuyệt đối giữa các nước có chủ quyền.

2. Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực:

a) Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình.

b) Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế.

c) Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc.

d) Nước Việt Nam sẵn sàng ký kết với các lực lượng hải quân, lục quân trong khuôn khổ của Liên hợp quốc những hiệp định an ninh đặc biệt và những hiệp ước liên quan đến việc sử dụng một vài căn cứ hải quân và không quân”6.

Ngày nay, đọc lại những dòng trên đây, càng thấy tầm nhìn của Hồ Chí Minh thật xa, thật rộng, thật cao, nhiều ý tưởng, nội dung, quan điểm của Hổ Chí Minh được triển khai, được cụ thể hoá phù hợp với thực tiễn Việt Nam qua một số nội dung Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam mà Việt Nam bắt đầu khởi động từ năm 1987 và phát triển về sau này. Mong muốn của Hồ Chí Minh về quan hệ tốt đẹp Việt-Mỹ đã không thành. Điều không thành này có nhiều lý do, trong đó chủ yếu do phía Mỹ.

Việt Nam đã giành được chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 từ tay phát xít Nhật. Gần 30 năm sau, hai nước Việt Nam-Nhật Bản đã thiết lập được quan hệ ngoại giao. Đối với Pháp, mấy chục năm sau chiến tranh, cũng đã trở thành bạn của Việt Nam. Còn việc bình thường hoá quan hệ Việt-Mỹ được thiết lập sau 20 năm Mỹ cấm vận (1975-1995).

Trong quan hệ quốc tế, vị sứ giả của hòa bình, hợp tác, hữu nghị Hồ Chí Minh luôn thực thi việc chống tư tưởng dân tộc hẹp hòi cũng như tư tưởng nước lớn. Về vấn đề này, từ rất sớm, trong dịp thăm nước Pháp năm 1946, khi đang cố gắng ngăn chiến tranh nổ ra, Hồ Chí Minh đã vận dụng cả văn hóa Khổng giáo phương Đông và triết lý văn hóa phương Tây để bày tỏ cho Chủ tịch Chính phủ Pháp G.Biđôn rằng: “sự thành thực và sự tin cẩn lẫn nhau sẽ san phẳng được hết thảy những trở ngại. Chúng ta chẳng đã ruồng bỏ được cái chủ nghĩa đế quốc xâm lược và cái chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi không còn thích hợp với thế giới hiện tại đấy ư? Chúng ta đều được kích thích bởi một tinh thần. Triết lý đạo Khổng, và triết lý phương Tây đều tán dương một nguyên tắc đạo đức: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Nghĩa là “Điều mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác”-TG nhấn mạnh). Tôi tin rằng trong những điều kiện ấy, hội nghị sắp tới (tức Hội nghị Fontainebleau-TG nhấn mạnh) sẽ đi tới những kết quả tốt đẹp”7

Chính là Hồ Chí Minh, chứ không phải ai khác, đã từ sớm, khởi xướng việc Việt Nam xin gia nhập tổ chức lớn nhất thế giới là Liên hợp quốc ngay từ thời gian đầu khi tổ chức này thành lập. Nhân dịp khóa họp đầu tiên của Liên hợp quốc diễn ra tại London, ngày 14-1-1946, Hồ Chí Minh đã gửi bức điện tới ông H.Spaak, Chủ tịch Hội đồng Liên hợp quốc, để đề nghị Việt Nam được gia nhập Liên hợp quốc. 

Đồng thời, cùng ngày 14-1-1946, Hồ Chí Minh đã gửi điện cho các ông Anđrê Grômưcô-Đại diện Liên Xô, Giêm Biếcnơ-Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, Bác sĩ Cố Duy Quân-Đại diện Trung Hoa Dân quốc tại Hội đồng Liên hợp quốc, trong đó kêu gọi Liên hợp quốc công nhận nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nhận Việt Nam vào Liên hợp quốc. Trong bức điện, Hồ Chí Minh còn viết rằng: “Theo như lời tuyên bố của vị đại diện Trung Hoa Cố Duy Quân thì Á châu chưa có đủ đại biểu trong Hội nghị. Chúng tôi tin rằng, sự có mặt của chúng tôi trong Hội nghị sẽ có ích nhiều cho việc giải quyết một cách nhanh chóng và hoà bình cho các vấn đề ở Đông Nam Á châu hiện nay”8.

Cuộc vận động ngoại giao không thành. Chưa có quốc gia nào công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngay cả từ phía Liên Xô và từ các nước XHCN ở Đông Âu. Sự thành tâm và mong muốn của một nước Việt Nam trong sân chơi chung với cộng đồng quốc tế không được các nước đáp lại trong những năm đầu sau khi Việt Nam đã rất tích cực đứng về phía Đồng minh chống phát xít, và đã trực tiếp chống phát xít Nhật trên đất nước mình.

Bẵng đi một thời gian hàng thập niên do chiến tranh với Pháp, Mỹ, vấn đề nguyện vọng của Việt Nam trở thành một thành viên của Liên hợp quốc không được đặt ra cấp thiết. Hồ Chí Minh cùng nhân dân Việt Nam dồn sức vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Trong quan điểm về quan hệ quốc tế, Hồ Chí Minh và Đảng, Chính phủ Việt Nam luôn nhấn mạnh vấn đề không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. 

Tiếp tục dẫn đường phát triển trong thế giới toàn cầu hóa

Hồ Chí Minh có tư tưởng đổi mới đất nước từ sớm. Xin đừng cho đó là “hiện đại hóa” quan điểm của Hồ Chí Minh. 

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nhìn chung Việt Nam đóng cửa trước sự dòm ngó của thực dân Pháp. Sau này, Việt Nam có lúc chỉ chủ yếu quan hệ với mấy nước trong hệ thống XHCN. Đại hội VI (1986) của Đảng xác định rằng, phải ra sức kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, phấn đấu giữ vững hòa bình ở Đông Dương, góp phần tích cực giữ vững hòa bình ở Đông Nam Á và trên thế giới, tăng cường quan hệ đặc biệt giữa ba nước Đông Dương, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với Liên Xô và các nước trong cộng đồng XHCN, tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời tích cực góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH.

Sau Đại hội VI của Đảng, tình hình phong trào cộng sản quốc tế diễn biến ngày càng xấu đi. Đảng Cộng sản Liên Xô và các đảng cộng sản cầm quyền ở Đông Âu bước sâu vào công cuộc cải tổ, nhưng lại mắc phải nhiều sai lầm trong đường lối cũng như trong quá trình thực hiện. Cuối năm 1991, Liên bang Xôviết tan vỡ. Một loạt chế độ chính trị XHCN ở các nước Đông Âu cũng chịu chung tình cảnh như vậy. 

Trong hoàn cảnh đó, Đại hội VII của Đảng, họp tháng 6, 7-1991, trước 2 tháng xảy ra chính biến ở Mátxcơva, đã lưu ý cho toàn Đảng rằng, cần nhạy bén nhận thức và dự báo được những diễn biến phức tạp và thay đổi sâu sắc trong quan hệ quốc tế, sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất và xu thế quốc tế hóa của nền kinh tế thế giới để có những chủ trương đối ngoại phù hợp. Đại hội VII của Đảng bắt đầu chuyển thực sự trong quan niệm về chính sách đối ngoại: Việt Nam chủ trương hợp tác bình đẳng và cùng có lợi với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị-xã hội khác nhau trên cơ sở các nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình.

Từ năm 1991 trở đi, Việt Nam đã từng bước điều chỉnh các mối quan hệ quốc tế. Tháng 12-1987, Quốc hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nhưng chưa có đối tác nào mặn mà hưởng ứng. Tiếp đó, Việt Nam đi tới một giải pháp chính trị về Campuchia. Do đó, đến năm 1991, quan hệ giữa ba nước Đông Dương có những biến đổi tích cực rõ rệt. Việt Nam đã nỗ lực trong việc giải quyết vấn đề chính trị Campuchia, phù hợp với cả lợi ích của hai nước và cả khu vực cũng như trên thế giới. Hiệp định hòa bình về Campuchia, ký tháng 10-1991, là một bước đi quan trọng góp phần giải tỏa sự bao vây, cô lập đối với Việt Nam. 

Đối với Trung Quốc, mối quan hệ bị “đóng băng” từ cuối những năm 70 thế kỷ XX cũng dần dần được làm “tan băng” vào đầu những năm 90. Trong cuộc đời của mình, Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm đến việc xây dựng, củng cố, phát triển mối tình hữu nghị giữa hai Đảng Cộng sản, hai Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc trên nguyên tắc của quan hệ quốc tế “có lý, có tình” (cụm từ mà Hồ Chí Minh viết trong Di chúc)9

Đối với châu Á-Thái Bình Dương, một khu vực kinh tế phát triển năng động vào loại bậc nhất trên thế giới, Việt Nam cũng đã chú ý nắm xu hướng vận động để tăng cường hợp tác, hội nhập. Đại hội VII của Đảng nhấn mạnh: Đổi mới phương thức hợp tác, chú trọng hiệu quả theo nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của nhau.

Đầu những năm 90 của thế kỷ XX, Việt Nam đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN, phát triển kinh tế nhiều thành phần, đồng thời thu hút được đầu tư kinh tế ngày càng nhiều của nước ngoài vào Việt Nam. Đây là một quá trình chuyển đổi căn bản nền kinh tế, thoát ra được sự giáo điều theo mô hình Xôviết. Quá trình chuyển đổi sang cơ chế mới, với tư duy mới làm nảy sinh mối quan hệ mới, đa dạng hơn trước đây: Vừa song phương, vừa đa phương trong tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Do đó, Đại hội VII của Đảng đề ra chủ trương: Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển. Đường lối đối ngoại của Đại VII của Đảng nhanh chóng được thể chế hóa trong Hiến pháp của Nhà nước, tháng 4-1992, tại Điều 14: “Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện chính sách hòa bình, hữu nghị, mở rộng giao lưu và hợp tác với tất cả các nước trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị và xã hội khác nhau, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và các bên cùng có lợi; tăng cường tình đoàn kết hữu nghị và quan hệ hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa và các nước láng giềng, tích cực ủng hộ và góp phần vào công cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”10.

Tiến thêm một bước nữa, HNTƯ 3 khóa VII (6-1992) của Đảng đã cụ thể hóa định hướng chiến lược Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế thành các nhiệm vụ cụ thể, trong đó nhấn mạnh rằng, phải đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ đối ngoại cả về Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân, các tổ chức phi chính phủ. Đến lúc này, sự mở rộng các quan hệ đối ngoại, kết hợp chặt chẽ các quan hệ chính thức của Đảng và Nhà nước với các hoạt động đối ngoại nhân dân là một bước phát triển, tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho công cuộc đổi mới của Việt Nam.

Từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX trở đi, hàng loạt các tổ chức quốc tế và tổ chức khu vực ra đời dưới tác động của xu thế toàn cầu hóa. Việt Nam lại là một nước nằm trong khu vực hết sức năng động là châu Á-Thái Bình Dương, do vậy chịu ảnh hưởng trực tiếp, mạnh mẽ của xu thế đó, đồng thời Việt Nam, với sự phát triển của sự nghiệp đổi mới, cũng tác động trở lại một cách tích cực vào xu thế hòa bình và hợp tác của khu vực. 

Năm 1993 là một mốc lớn đánh dấu sự hoàn thành việc đặt nền cho mối quan hệ Việt Nam với các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương trên cơ sở mới. Trước hết, hợp tác giữa Việt Nam với các nước láng giềng Trung Quốc và Campuchia được cởi mở hơn. Quan hệ giữa Việt Nam với các nước công nghiệp phát triển đã được nâng lên cả về quy mô và nội dung hợp tác. Việt Nam đã bình thường hóa với Tổ chức Tiền tệ quốc tế mà trước đó bị bế tắc. Số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng nhanh. Tất cả những điều đó, dần dần đã đi đến một kết quả nữa: Ngày 3-2-1995, Chính phủ Mỹ tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam.

Những bước đi trên đây chính là quá trình Việt Nam trở lại cơ sở vững chắc của quan điểm Hồ Chí Minh về quan hệ quốc tế. Hồ Chí Minh xứng đáng là sứ giả của hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc, đưa cách mạng Việt Nam hội nhập vào quốc tế. Hiện nay, Việt Nam coi hội nhập quốc tế là xu thế khách quan trong toàn cầu hóa. Cho nên, Việt Nam hội nhập càng sâu và đầy đủ hơn vào quá trình đó, một quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh. Điều chưa từng có kể từ trước đến nay, đó là cuối năm 2019, Việt Nam là thành viên của rất nhiều tổ chức quốc tế. Lịch sử không đi theo con đường thẳng tắp, mà nó đầy dích dắc. Hồ Chí Minh đã ý thức được điều đó và quyết tâm đưa đất nước Việt Nam vào một quỹ đạo phát triển chung của nhân loại. 

Hồ Chí Minh coi trọng tình nghĩa láng giềng, đặc biệt với Trung Quốc, Lào, Campuchia. Tình cảm, trách nhiệm quốc tế với quyền lợi của mỗi dân tộc quyện chặt vào nhau, không có chuyện hy sinh cái này cho cái kia. Người quan niệm rằng, giúp bạn tức là giúp mình. Hồ Chí Minh chính là sự kết tinh của các nền văn hóa Đông-Tây. Người là hiện thân cho tình đoàn kết và thân ái quốc tế, đúng như những lời của nhà thơ Liên Xô Ôxíp Manđensơtam trong bài báo nhan đề “Thăm một chiến sĩ Quốc tế Cộng sản-Nguyễn Ái Quốc”, đăng trên báo Ngọn lửa nhỏ của Liên Xô, số 39, ngày 23-12-1924: “Dáng dấp của con người trước mặt tôi đây, Nguyễn Ái Quốc, cũng đang tỏa ra một cái gì thật lịch thiệp và tế nhị... Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”11, “Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”12

Hồ Chí Minh, trong thực tế lịch sử, đã trở thành một biểu tượng của tình hữu nghị giữa các dân tộc, của lòng nhân ái trên thế giới. Về sau, trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh ngày càng được nhiều nước, nhiều tổ chức trên thế giới tôn vinh. Thời cuộc đã trải qua nhiều cuộc “bể dâu”, “vật đổi sao dời”. Thật khó mà ngờ tới những biến thiên của tình hình quốc tế. Bây giờ nhìn lại càng cảm phục cái tầm của Hồ Chí Minh, như tầm mắt con chim phượng hoàng của dãy núi Trường Sơn hùng vĩ -Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận xét về tầm nhìn của Hồ Chí Minh. 

Thế giới đúng là có những biến đổi khó lường. Việt Nam đã trở thành thành viên của Liên hợp quốc năm 1977, chỉ hai năm sau khi nước nhà được thống nhất. 9 giờ sáng, giờ New York, ngày 20-9-1977, lễ thượng cờ Việt Nam được chính thức tổ chức tại cửa chính trụ sở Liên hợp quốc với sự có mặt của  Chủ tịch Đại Hội đồng, Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh dẫn đầu, cùng đại diện Việt kiều và bạn bè Mỹ.

Và, 30 năm sau, cũng đúng vào 9 giờ sáng, giờ New York, ngày 16-10-2007, tại Khóa họp thường niên lần thứ 62 Đại Hội đồng Liên hợp quốc, với 96% số phiếu thuận (183/190 số phiếu tán thành), Việt Nam đã được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 cùng với Libi, Crôatia, Côxta Rica, Buốckina Phaxô. Và, 12 năm tiếp sau, 9 giờ sáng, ngày 7-6-2019, tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York, cuộc bỏ phiếu bầu ra các ủy viên không thường trực mới của Hội đồng Bảo an đã diễn ra. Đây là một phần trong kỳ họp thứ 73 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc. Có tổng cộng 6 thùng phiếu được theo dõi bởi 6 nhân viên và 6 đại diện đến từ các quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Sau 40 phút kiểm phiếu, Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã công bố: Có 192/193 quốc gia, vùng lãnh thổ-là thành viên Đại Hội đồng Liên hợp quốc-đã bỏ phiếu đồng ý cho Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2020-2021. 

Ý tưởng và những cố gắng của Hồ Chí Minh muốn đưa Việt Nam hội chung vào “sân chơi thế giới” phải mất tới khoảng 30 năm sau mới thành hiện thực (tính từ năm 1977), và được tiến thêm những bước tốt đẹp hơn từ những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI. Điều đó cho thấy rằng, sự phát triển không phải bao giờ cũng được diễn ra với con đường thẳng tắp; mà phải vượt qua bao lực cản, bao chông gai, v.v. 

Nhìn nhận khía cạnh công lao và vai trò sứ giả quốc tế của Hồ Chí Minh về hòa bình, hợp tác, hữu nghị giữa các dân tộc còn có sự kiện Nghị quyết của Khóa họp Đại Hội đồng UNESCO lần thứ 24 tại Pari, từ ngày 20-10 đến ngày 20-11-1987, ra Nghị quyết 24C/18.6.5 về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam, với mặc định của phần đầu Nghị quyết là: “Nhận thấy việc tổ chức kỷ niệm ngày sinh các nhân vật trí thức lỗi lạc và các danh nhân văn hóa trên phạm vi quốc tế (TG nhấn mạnh) góp phần thực hiện các mục tiêu của UNESCO và đóng góp vào sự hiểu biết trên thế giới13.

Hồ Chí Minh sống mãi với dân tộc Việt Nam và quốc tế với biểu tượng ngời sáng về chính nghĩa, về những điều thiện, tiến bộ mà thế giới luôn luôn có khát vọng đạt tới. Cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh chính là niềm cảm hứng vĩnh hằng cho hòa bình, hữu nghị, hợp tác quốc tế, là nhân tố gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới.

 

Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng (in), số 2/2020

1. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 2, tr. 329

2, 9. Sđd, T. 15, tr. 668, 623

3, 5. Sđd, T. 5, tr. 75, 256 

4, 6, 7, 8. Sđd, T. 4, tr. 91, 522-523, 304, 180

10. Hiến pháp Việt Nam, Nxb CTQG, H, 1995, tr. 141

11, 12. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 1, tr. 462, 463

13. Xem GS, TS Mạch Quang Thắng, PGS, TS Bùi Đình Phong, TS Chu Đức Tính (Đồng Chủ biên): UNESCO với sự kiện tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh-Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất, Nxb CTQG, H, 2013, tr. 71-72.

“Tình nghĩa năm châu bốn biển một nhà” Hồ Chí Minh là người tiên phong trong sự nghiệp “ba giải phóng” không những ở tầm quốc gia mà còn ở tầm quốc tế: Giải phóng dân tộc-Giải phóng xã hội-Giải phóng con người.  Trong tác phẩm Đường Kách mệnh xuất bản năm 1927, Hồ Chí Minh cho rằng, cách mạng Việt Nam “là một bộ phận trong cách mệnh thế giới. Ai làm cách mệnh trong thế giới đều là đồng chí của dân An Nam”1. Người hoạt động trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế với tư cách là một cán bộ của Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản từ năm 1924 cho đến khi Quốc tế Cộng sản tự giải tán năm 1943 với trách nhiệm cao, giúp Quốc tế Cộng sản xây dựng, củng cố và phát triển sự đo&agrave

Tin khác cùng chủ đề

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tận tụy, liêm, chính theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để phòng, chống suy thoái
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời kỳ đổi mới
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên và giải pháp thực hiện
Giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân

Gửi bình luận của bạn