Y đức là phẩm chất tốt đẹp của người làm công tác y tế, được thể hiện ở tinh thần trách nhiệm cao, phục vụ tận tuỵ, hết lòng yêu thương chăm sóc người bệnh. Y đức là “kim chỉ nam” giúp người thầy thuốc đưa ra phương hướng và quyết định đúng đắn trong hoạt động chuyên môn. Chính vì vậy, giáo dục tư tưởng y đức của Hồ Chí Minh cho cán bộ y tế có vai trò quan trọng trong việc hình thành nền tảng nhân cách, ngăn ngừa sự xuống cấp đạo đức, đồng thời biểu dương, phát huy y đức chân chính của đội ngũ cán bộ ngành y tế. Bài viết làm rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức; thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục y đức cho đội ngũ cán bộ y tế ở Việt Nam hiện nay.

Giáo dục y đức cho cán bộ y tế theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Giáo dục y đức cho cán bộ y tế theo tư tưởng Hồ Chí Minh

1. Mở đầu

Y đức, hay còn gọi đầy đủ là đạo đức y học, là một bộ phận của đạo đức xã hội. Y đức là hệ thống các nguyên tắc hay những chuẩn mực đạo đức áp dụng cho các định hướng, phán quyết trong thực tiễn y tế. Y đức đóng vai trò điều chỉnh nhận thức, ý thức, hành vi của cán bộ y tế, để kết hợp hài hòa ích lợi cá nhân với lợi ích tập thể và lợi ích toàn xã hội trong điều kiện cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế hiện nay. Trong hoạt động nghề nghiệp của mình, mỗi cán bộ y tế phải tự giác, tự nguyện và tích cực thực hiện y đức với đầy đủ lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp.  Bởi lẽ, không một nghề nào mà những sai lầm, thiếu sót lại ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng con người như nghề y.

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức và tầm quan trọng của giáo dục y đức cho cán bộ y tế hiện nay

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc xây dựng một nền y học Việt Nam vững mạnh toàn diện, trong đó vấn đề y đức được Người đặc biệt quan tâm. Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức bao gồm 2 nội dung cơ bản:

Thứ nhất, người thầy thuốc phải có lương tâm và trách nhiệm đối với người bệnh - “lương y kiêm từ mẫu”

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào “Khỏe vì nước”. Trong thư gửi Hội nghị Quân y nǎm 1948, Người chỉ rõ: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu… Khi gặp những ca anh em thương binh thiếu trấn tĩnh, người thầy thuốc nên lấy lòng nhân loại và tình thân ái mà cảm hóa họ. Người ta có câu “Lương y kiêm từ mẫu”, nghĩa là một người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền”(1).

Trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc năm 1955, Người khẳng định: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang”(2).  Cho nên “cán bộ y tế (bác sĩ, y tá, những người giúp việc) cần phải: Thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt. Cần phải tận tâm tận lực phụng sự nhân dân. “Lương y phải kiêm từ mẫu”(3).

Lời chỉ dạy “lương y kiêm từ mẫu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là chuẩn mực y đức cao quý nhất của thầy thuốc. Đây là phương châm hành động cao cả, là trách nhiệm chính trị đối với nhân dân khi được Đảng và Bác Hồ giao cho đội ngũ thầy thuốc. Lương y như từ mẫu có nghĩa là người thầy thuốc phải có lương tâm và trách nhiệm cao với bệnh nhân như tình cảm, trách nhiệm của người mẹ đối với con của mình. Lương  tâm  của  người  thầy thuốc thể hiện ở hành vi đạo đức và tình cảm đạo đức với người bệnh, là cơ sở để hình thành những đức tính tốt đẹp của người thầy thuốc đối với người bệnh, như: thái độ dịu dàng, niềm nở khi tiếp xúc với người bệnh; phải lấy việc cứu người làm trọng, người bệnh nặng chữa trước, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn.

Lương tâm của người thầy thuốc còn là cơ sở để hình thành sự cảm thông sâu sắc với nỗi đau của người bệnh, từ đó nảy sinh tình thương yêu và thái độ chăm sóc người bệnh tận tình chu đáo; hình thành đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư của đạo đức cách mạng trong công việc chuyên môn. Lương tâm và nghĩa vụ là hai mặt thống nhất biện chứng với nhau trong đạo đức của người thầy thuốc. Theo Hồ Chí Minh, “đức” là thước đo lương tâm và nghĩa vụ của người thầy thuốc đối với người bệnh, là yêu cầu căn bản, là gốc của người thầy thuốc; còn “tài” là năng lực chuyên môn biểu hiện ở tính hiệu quả trong việc chẩn đoán, điều trị bệnh.

Thứ hai, người thầy thuốc phải thật thà, đoàn kết; phải giỏi chuyên môn để xây dựng một nền y tế khoa học, dân tộc và đại chúng

Người coi thật thà đoàn kết là nội dung lớn của đạo đức nói chung, y đức nói riêng. Đội ngũ cán bộ ngành y tế, “trước hết, phải thật thà đoàn kết…, đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh em giúp việc. Dù công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, góp sức mình trong việc phục vụ nhân dân”(4). Đoàn kết trong ngành y là yêu cầu cần thiết để tạo nên sức mạnh, vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn.

Hồ Chí Minh cho rằng, y đức không chỉ cần lòng yêu thương người bệnh, mà còn cần phải thường xuyên trau dồi kiến thức chuyên môn để đáp ứng tốt hơn sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Người thầy thuốc cách mạng muốn “hồng” phải chuyên sâu, muốn cho y đức được thực hiện đầy đủ thì cần phải không ngừng trau dồi y lý, y thuật.

Hồ Chí Minh chỉ ra phương pháp, cách thức tu dưỡng và rèn luyện y đức cho đội ngũ cán bộ ngành y tế: “Về chuyên môn: Cần luôn luôn học tập nghiên cứu để luôn luôn tiến bộ, nhưng phải chú trọng cái gì thiết thực và thích hợp với hoàn cảnh kháng chiến của ta hiện nay. Về chính trị: Cần trau dồi tư tưởng và đạo đức của người cán bộ trong chế độ dân chủ: yêu nước, yêu dân, yêu nghề, đoàn kết nội bộ, thi đua học tập, thi đua công tác”(5).

Đặc biệt, Người luôn khuyến khích đội ngũ thầy thuốc tự nghiên cứu, điều chế ra các loại thuốc mới; phát huy sáng kiến, kinh nghiệm trong công tác để xây dựng ngành y tế vững mạnh: “Tôi thay mặt Chính phủ mà hứa rằng: người nào hoặc bộ phận nào tìm được, chế tạo được một thứ thuốc mới có hiệu quả hoặc nghĩ ra cách gì mới làm cho việc y tế tiến bộ mau chóng hơn thì sẽ được trọng thưởng”(6).

Về phương hướng phát triển nền y tế nước nhà, Hồ Chí Minh cho rằng: “Y học càng phải dựa trên nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại chúng. Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “Đông” và thuốc “Tây””(7). Điều đó có nghĩa là phải xây dựng nền y tế Việt Nam vừa mang tính truyền thống dân tộc, vừa tiếp thu được tinh hoa y học của thời đại.

Ở đây, yếu tố dân tộc và thời đại hòa quyện vào nhau, bổ sung cho nhau, thành một chỉnh thể thống nhất nhằm phục vụ nhân dân tốt nhất. Tư tưởng kết hợp giữa y học hiện đại và y học dân tộc chính là sự định hướng đúng đắn cho Đảng và Nhà nước trong việc phát triển ngành y tế.

Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người căn dặn: phải “phát triển công tác vệ sinh, y tế”(8). Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, đội ngũ cán bộ ngành y tế luôn luôn kiên định phấn đấu tự giáo dục, tu dưỡng và rèn luyện y đức, bản lĩnh nghề nghiệp nhằm xứng đáng với sự ủy thác của Người: “Là những chiến sĩ đánh giặc ốm, để bảo vệ sự khang kiện của giống nòi”(9).

Thứ ba, tầm quan trọng của giáo dục y đức cho cán bộ y tế hiện nay

Mỗi ngành nghề trong xã hội sẽ có những chuẩn mực đạo đức khác nhau. Vì vậy, xã hội có bao nhiêu ngành nghề thì cũng tương ứng sẽ có bấy nhiêu những chuẩn mực đạo đức. Tuy vậy, trong tất cả các ngành nghề thì đạo đức ngành y tế vô cùng đặc biệt. Bởi, mỗi thiếu sót dù nhỏ đến mấy cũng sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe về thể chất và tinh thần, thậm chí  ảnh hưởng tới tính mạng của người bệnh. Tầm quan trọng của việc giáo dục y đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh, được thể hiện ở những nội dung cơ bản sau:

Một là, giáo dục y đức góp phần quan trọng vào việc hình thành nền tảng nhân cách của mỗi cán bộ ngành y tế

Y đức hay nhân cách đạo đức trong hoạt động y tế là hệ thống những đặc điểm quy định bản sắc, đặc trưng về mặt tâm lý xã hội, giá trị làm người của mỗi cá nhân trong sự thống nhất biện chứng, có khi mâu thuẫn với cái chung, cái phổ biển của cộng đồng mà cá nhân đó là đại biểu và được thể hiện trong giao tiếp xã hội. Trong cấu trúc tổng thể của nhân cách đạo đức nói chung, hay y đức nói riêng, thì tài và đức là hai yếu tố cơ bản; trong đó đạo đức là nền tảng, là gốc của tài năng. Theo Hồ Chí Minh, nhân cách đạo đức, y đức cũng như “Thiện, ác vốn chẳng phải là bản tính cố hữu, Phần lớn đều do giáo dục mà nên”(10). Qua đó cho thấy vai trò không thể thay thế của giáo dục đạo đức đối với sự hình thành, phát triển nhân cách con người nói chung, y đức của cán bộ ngành y tế nói riêng.

Quá trình hình thành, phát triển này diễn ra từ từ, lâu dài và phức tạp thông qua giáo dục trong nhà trường, nhất là thông qua quá trình giáo dục, tự giáo dục bằng  thực tế trị bệnh cứu người. Người thầy thuốc cần thấm nhuần y đức ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Chính sự thấm nhuần, phát triển của y đức mới tạo nên những tiền đề căn bản để người thầy thuốc có thể phát huy được tài năng của mình. Thông qua trị bệnh cứu người, họ “thương người như thể thương thân”, dành hết tâm huyết của mình để cứu chữa những người bệnh, dù chỉ còn là một tia hy vọng nhỏ nhoi nhất.

Hai là, giáo dục y đức góp phần ngăn chặn sự xuống cấp về mặt đạo đức của một số cán bộ ngành y tế, đồng thời biểu dương, phát huy y đức chân chính của đội ngũ cán bộ ngành y tế

Người thầy thuốc có đạo đức, lập trường tư tưởng vững vàng thì dù ở môi trường nào người thầy thuốc cũng thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn còn một số cán bộ y tế có những biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức nghề nghiệp. Họ coi trọng lợi ích vật chất trong hoạt động nghề nghiệp của mình, từ đó làm suy thoái, biến dạng y đức của họ.

Hiện nay, mặt trái của cơ chế thị trường đã tác động tiêu cực tới mối quan hệ giữa bệnh nhân và người cán bộ y tế, thông qua một số biểu hiện như: thái độ giao tiếp và phân biệt đối xử với từng người bệnh cụ thể; kê đơn thuốc đắt tiền, không hợp lý để hưởng hoa hồng từ các nhà thuốc tư nhân; chỉ định chiếu, chụp, xét nghiệm khi không thật sự cần thiết; hiện tượng nhận “phong bì” cũng không phải là chuyện hiếm. Tất cả những hiện tượng đó làm cho nhân dân có những ấn tượng không tốt, cái nhìn không thiện cảm về một bộ phận cán bộ y tế. Bởi có rất nhiều cán bộ y tế giỏi nghề và tâm huyết với nghề vẫn vững vàng thực hành nghề theo phương châm cứu người là quan trọng nhất. Vì vậy, giáo dục y đức cho người thầy thuốc sẽ góp phần ngăn chặn sự xuống cấp về mặt đạo đức của một số thầy thuốc ngành y tế, đồng thời biểu dương, phát huy việc thực hành y đức chân chính theo tư tưởng Hồ Chí Minh của đội ngũ cán bộ ngành y tế.

Ba là, giáo dục y đức là một yêu cầu khách quan để thúc đẩy mỗi cán bộ y tế đáp ứng tốt hơn đòi hỏi chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng cao

Hiện nay, sự vận động và biến đổi mạnh mẽ của thế giới, như trí tuệ nhân tạo và công nghệ thông tin, biến đổi khí hậu và sự bùng phát nhiều loại dịch bệnh mới... đang tác động mạnh mẽ đến hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực y tế, từ phòng, chống dịch bệnh mới phát sinh đến công nghệ hiện đại trong khám chữa bệnh và bảo đảm quyền, nghĩa vụ cho cả người bệnh và người thầy thuốc, từ đó đặt ra những yêu cầu mới, khó khăn, phức tạp hơn đối với y đức. Chính vì vậy, giáo dục y đức cho cán bộ ngành y là một yêu cầu khách quan để họ có thể thích ứng được với mọi hoàn cảnh, điều kiện, diễn biến dịch bệnh phức tạp, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

3. Thực trạng nhận thức về y đức và giáo dục y đức cho cán bộ y tế hiện nay

Vấn đề giáo dục y đức cho cán bộ y tế đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế đặc biệt quan tâm, nhất là từ khi có Quyết định số 2088/BYT-QĐ ngày 06-11-1996 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Quy định về y đức”.

Trong những năm qua, các trường đại học y dược, như: Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Dược Hà Nội; Khoa Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Y Dược - Đại học Thái Nguyên; Trường Đại học Y Thái Bình; Đại học Điều dưỡng Nam Định; Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Y Dược Cần Thơ,… đều chú trọng đến việc giáo dục đạo đức nghề y cho sinh viên. Môn học đạo đức nghề nghiệp (nghề y) trở thành môn học bắt buộc, hoặc được lồng ghép với môn học chuyên môn.

Thông qua môn học, sinh viên nắm được những nội dung cơ bản về tinh hoa y đức nhân loại, truyền thống y đức của ông cha, tư tưởng cốt lõi của Hồ Chí Minh về y đức, những khái niệm, phạm trù, chuẩn mực đạo đức cơ bản, các nguyên lý của đạo đức y học; sinh viên được cung cấp những thông tin cần thiết để thực hành y đức,… Qua đó góp phần nâng cao trình độ nhận thức và điều chỉnh hành vi đạo đức của sinh viên ngành y.

Y đức đóng vai trò điều chỉnh nhận thức, ý thức, hành vi của cán bộ y tế, để kết hợp hài hòa ích lợi cá nhân với lợi ích tập thể và lợi ích toàn xã hội trong điều kiện cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế hiện nay. 

Kết quả “Khảo sát thực trạng nhận thức về y đức cho sinh viên y khoa Trường Đại học Y Dược Cần Thơ năm 2021”(11) cho thấy, công tác giáo dục y đức của trường tập trung vào những nội dung hiểu biết chủ yếu của sinh viên như: Về định nghĩa y đức; nguồn thu nhận kiến thức về y đức; sự hiểu biết về các quy định pháp luật liên quan đến y đức; sự hiểu biết về quyền lợi của bệnh nhân và nghĩa vụ của thầy thuốc; sự hiểu biết về mối quan hệ của người thầy thuốc với bệnh nhân; quan điểm của sinh viên về các nhân tố ảnh hưởng đến nhận thức về y đức. Kết quả khảo sát về mức độ hiểu biết của sinh viên về y đức ở cơ sở giáo dục này cũng khá tương đồng với hiểu biết của sinh viên tại Khoa Y, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và tại Đại học Điều dưỡng Nam Định. 

Về mức độ hiểu biết của sinh viên về y đức, đa số sinh viên (61,5%) chọn “được học ở nhà trường”; chỉ có 3,5% sinh viên chọn “qua những tấm gương đạo đức”. Phần lớn sinh viên đã nhận thức đầy đủ về những quy tắc, chuẩn mực giá trị về đạo đức cần phải tuân thủ; những tiêu chuẩn, nguyên tắc được xã hội thừa nhận, quy định hành vi và mối quan hệ giữa thầy thuốc với bệnh nhân; những chuẩn mực, lý tưởng, khát vọng chung của nhân loại trong một lĩnh vực y tế. Đây là điều kiện thuận lợi để nâng cao nhận thức của sinh viên về y đức.

Nhưng, sự hiểu biết và quan tâm của sinh viên đến quan hệ nghề nghiệp là không cao: Có 39,8% lựa chọn nghĩa vụ với bệnh nhân; 24,9% chọn nghĩa vụ với nghề nghiệp; chỉ 3,0% chọn nghĩa vụ với đồng nghiệp.

Nhận thức của sinh viên về quyền lợi của bệnh nhân cũng không cao, như: Đối với quyền được khám bệnh, chữa bệnh có chất lượng phù hợp với điều kiện thực tế và quyền được tôn trọng bí mật riêng tư - chỉ 1/6 sinh viên được hỏi quan tâm. 

Song, những quyền sau được sinh viên lựa chọn nhiều: Quyền được lựa chọn phương pháp chẩn đoán và điều trị 78,2% (469/600 sinh viên được hỏi); quyền được tôn trọng danh dự, bảo vệ sức khỏe khi đi khám bệnh, chữa bệnh 94,7%  (568/ 600 sinh viên được hỏi); quyền được cung cấp thông tin về hồ sơ bệnh án và chi phí khám, chữa bệnh 70,3% (422/ 600 sinh viên được hỏi); quyền được từ chối chữa bệnh và ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh  93,5% (561/ 600 sinh viên được hỏi); 100% sinh viên chọn quyền được khám bệnh, chữa bệnh có chất lượng phù hợp với điều kiện thực tế và quyền được tôn trọng bí mật riêng tư; các quyền lợi khác cũng được sinh viên lựa chọn với tỷ lệ cao.

Đối với mối quan hệ cơ bản của người thầy thuốc với bệnh nhân, đa số sinh viên cho rằng người thầy thuốc có nghĩa vụ thiêng liêng là cứu chữa cho bệnh nhân với 61,5%; chỉ 13,1% sinh viên cho rằng, thầy thuốc chỉ là người cung cấp  dịch vụ y tế. Song nhận thức của sinh viên về các nghĩa vụ khác liên quan đến quan hệ nghề nghiệp là khá phân tán và không cao. Cụ thể: 39,8% chọn nghĩa vụ với bệnh nhân; 24,9% chọn nghĩa vụ với nghề nghiệp; 3,0% chọn nghĩa vụ với đồng nghiệp; 14,5% chọn nghĩa vụ với xã hội; 17,9% chọn nghĩa vụ thực hiện đạo đức nghề nghiệp; 25,4% chọn thầy thuốc chỉ là người thực hiện kỹ thuật y khoa.

Đối với nhận thức của sinh viên về quyền lợi của bệnh nhân: chỉ 1/6 sinh viên được hỏi quan tâm đến quyền được khám bệnh, chữa bệnh có chất lượng phù hợp với điều kiện thực tế và quyền được tôn trọng bí mật riêng tư. Nhưng 78,2% (469/ 600 sinh viên được hỏi) quan tâm đến quyền được lựa chọn phương pháp chẩn đoán và điều trị; 94,7% (568/ 600 sinh viên được hỏi quan tâm đến quyền được tôn trọng danh dự, bảo vệ sức khỏe khi đi khám bệnh, chữa bệnh; 70,3% (422/600 sinh viên được hỏi) quan tâm đến quyền được cung cấp thông tin về hồ sơ bệnh án và chi phí khám, chữa bệnh; 93,5% (561/600 sinh viên được hỏi) quan tâm đến quyền được từ chối chữa bệnh và ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Những chỉ số này cho thấy, “tính thực tế” của sinh viên về y đức. Và khi thể hiện quan điểm về các nhân tố ảnh hưởng đến nhận thức về y đức, 100% sinh viên chọn yếu tố hoàn thiện chế độ lương và cải thiện các điều kiện làm việc khác.

Ở mức độ nhất định, kết quả khảo sát này cho thấy, nhận thức về y đức của sinh viên được hình thành từ nhiều nguồn, rất đa dạng nhưng cơ bản nhất vẫn là học tập tại trường. Sinh viên cơ bản có nhận thức đầy đủ về y đức, mặc dù nhận thức của họ thiên về thực tế khi thực hành y đức; và việc tìm hiểu các quy định, văn bản pháp luật liên quan đến ngành y tế nói chung và về y đức nói riêng được sinh viên quan tâm không cao;... Kết quả của nghiên cứu này cũng cho thấy, cần tiếp tục hoàn thiện công tác giáo dục y đức nhằm nâng cao nhận thức về y đức của sinh viên. Đồng thời, cần khảo sát nhiều đối tượng khác nhau, cả chính quy, liên thông và vừa làm vừa học cũng như về tình hình y đức của đội ngũ cán bộ y tế đang hành nghề trong thực tế.

4. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục y đức cho đội ngũ cán bộ y tế ở Việt Nam hiện nay

Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” xác định: Đổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo nhân lực y tế, đáp ứng yêu cầu cả về y đức và chuyên môn trong điều kiện chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Thứ nhất, tăng cường công tác giáo dục y đức cho đội ngũ cán bộ ngành y tế

Y đức của mỗi cán bộ y tế không phải tự nhiên có, mà là kết quả của quá trình giáo dục và tự rèn luyện lâu dài. Do vậy, cần chú trọng giáo dục đạo đức gắn với giáo dục nhân cách, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân. Trong đó, cần tập trung vào những giá trị cơ bản của truyền thống văn hóa và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị  nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Theo Hồ Chí Minh, người thầy thuốc cách mạng muốn hồng phải chuyên sâu, muốn cho y đức được thực hiện đầy đủ và có ý nghĩa thực tiễn thì cần không ngừng trau dồi y lý, y thuật và luôn biết tự làm giàu trí tuệ cho mình. Y đức không chỉ là lòng yêu thương người bệnh vô bờ bến, mà còn là sự thật thà, đoàn kết với đồng nghiệp cũng như sự say mê nghề nghiệp, luôn tích cực trau dồi kiến thức để nâng cao năng lực chuyên môn và kiến thức toàn diện nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của toàn dân.

Thứ hai, thúc đẩy xây dựng môi trường y đức trong sạch, lành mạnh, đi đôi với việc đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực về y đức ở các cơ sở y tế

Để thúc đẩy xây dựng môi trường y đức trong sạch, lành mạnh, phải kiên quyết ngăn chặn, nói không với các hiện tượng tiêu cực diễn ra trong mối quan hệ giữa bệnh nhân với người thầy thuốc. Muốn vậy, cần nâng cao hơn nữa nhận thức của người bệnh cũng như người nhà bệnh nhân và dư luận xã hội về những hành vi tiêu cực; tố giác kịp thời những hành vi tiêu cực đó, kể cả từ phía người thầy thuốc cũng như từ phía bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Chẳng hạn, những hành vi đưa hối lộ là bất hợp pháp, không công bằng, và tác động tiêu cực đến thanh danh, uy tín của một số cán bộ ngành y tế. Vì vậy, người bệnh, người nhà bệnh nhân và dư luận xã hội phải có trách nhiệm trong việc ngăn chặn hiện tượng tiêu cực này, qua đó góp phần xây dựng môi trường y đức thật sự trong sạch, lành mạnh.

Đội ngũ cán bộ ngành y tế, nhất là thông qua những tấm gương cụ thể, cần làm nổi bật nghĩa vụ tận tâm tận lực thực thi trách nhiệm công vụ trị bệnh cứu người đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Việc thực hiện nguyên tắc “hữu xạ tự nhiên hương” như thế là biện pháp tự giáo dục y đức của bản thân và là tấm gương soi sáng môi trường y đức trong sạch, lành mạnh.

Thứ ba, tăng cường xây dựng các điều kiện thực tế cho việc giáo dục, tự giáo dục chuyên môn, nghiệp vụ gắn với y đức của đội ngũ cán bộ ngành y tế.

Muốn thực hiện tốt quá trình giáo dục, tự giáo dục y đức của các cán bộ ngành y tế, cần tăng cường đầu tư nguồn lực cho ngành y tế, để nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, cải thiện các điều kiện chữa trị và chăm sóc bệnh nhân. Đồng thời, phát triển cách bệnh viện tư nhân để giảm tải áp lực cho các bệnh viện công lập; đẩy mạnh quá trình xã hội hóa y tế; ban hành chính sách thu hút những cán bộ y tế có trình độ cao;…

Đội ngũ nhân lực y tế cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt để đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; phát triển hệ thống mạng lưới y tế cơ sở với chỉ đạo thống nhất của Bộ Y tế về chuyên môn, nghiệp vụ và y đức, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Với các giải pháp có tính tổng hợp như vậy, sẽ cải thiện các điều kiện thực tế cho việc tăng cường giáo dục, tự giáo dục chuyên môn gắn với y đức của đội ngũ cán bộ ngành y tế. Tiếp tục đổi mới và tăng cường các loại hình đào tạo, bồi dưỡng y đức cho sinh viên và cán bộ ngành y tế đáp ứng với bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế hiện nay.

Thứ tư, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của mỗi cán bộ ngành y tế

Đây chính là quá trình mỗi cá nhân không ngừng tiếp thu, rèn luyện và chuyển hóa những giá trị y đức cao cả trong tư tưởng Hồ Chí Minh để hình thành nên phẩm chất y đức của mình, được thể hiện ở mối quan hệ với bệnh nhân, với đồng nghiệp, với nghề nghiệp, với xã hội và với cả chính bản thân mình. Chính quá trình rèn luyện và tự giáo dục đó sẽ góp phần hạn chế những hành vi thiếu y đức và điều chỉnh hành vi theo hướng tốt đẹp hơn, hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ.

Trước những tác động tiêu cực từ mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế thì mỗi cán bộ ngành y tế cần nâng cao ý thức tự giác, tự giáo dục, tự rèn luyện, tự tu dưỡng bản thân mình về y đức. Muốn hoàn thành được sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, mỗi cán bộ ngành y tế cần phải rèn đức, luyện tài và học tập, làm theo tư tưởng y đức Hồ Chí Minh. Mỗi cán bộ y tế cần tự nghiêm khắc với chính bản thân mình, tránh thỏa hiệp với những hiện tượng tiêu cực. Hơn nữa, cần lựa chọn cho bản thân phương thức rèn luyện, hoàn thiện y đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh một cách phù hợp để biến những nội dung giáo dục thành những phẩm chất tự giáo dục y đức riêng của bản thân mình.

5. Kết luận

Như vậy, giáo dục y đức cho đội ngũ cán bộ y tế hiện nay là giáo dục và tự giáo dục những yêu cầu, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp mà sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân đặt ra đối với người thầy thuốc trong các quan hệ với người bệnh - người nhà bệnh nhân, với chính mình và với xã hội. Theo đó, người thầy thuốc phải thể hiện và thực hiện những chuẩn mực đạo đức công dân như: lòng yêu nước gắn với yêu nghề, trách nhiệm công dân,... Tất cả những chuẩn mực đạo đức đó không chỉ được thể hiện trực tiếp trong hoạt động nghề nghiệp, còn được thể hiện trong cuộc sống thường nhật của họ.

_________________

Ngày nhận bài: 29-1-2024; Ngày bình duyệt: 11-3-2024; Ngày duyệt đăng: 22-3-2024.

(1), (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.487, 488.

(2), (4), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập,Sđd, t.9, tr.343, 343, 344.

(3), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập,Sđd, t.8, tr.154, 154.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,  t.9, tr.344.

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập,Sđd, t.15, tr.617.

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.34.

(10)Hồ Chí Minh: Toàn tập,Sđd, t.3, tr.413.

(11) Xem: Tập thể tác giả, Thực trạng nhận thức về y đức của sinh viên y khoa trường đại học y dược Cần Thơ, Tạp chí Y được học Cần Thơ, số 57/ 2023. https://tapchi.ctump.edu.vn/index.php/ctump/article/view/599.

PHÙNG THANH HOA
Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên

1. Mở đầu Y đức, hay còn gọi đầy đủ là đạo đức y học, là một bộ phận của đạo đức xã hội. Y đức là hệ thống các nguyên tắc hay những chuẩn mực đạo đức áp dụng cho các định hướng, phán quyết trong thực tiễn y tế. Y đức đóng vai trò điều chỉnh nhận thức, ý thức, hành vi của cán bộ y tế, để kết hợp hài hòa ích lợi cá nhân với lợi ích tập thể và lợi ích toàn xã hội trong điều kiện cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế hiện nay. Trong hoạt động nghề nghiệp của mình, mỗi cán bộ y tế phải tự giác, tự nguyện và tích cực thực hiện y đức với đầy đủ lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp.  Bởi lẽ, không một nghề nào mà những sai lầm, thiếu sót lại ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng con người như nghề y. 2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức v&ag

Tin khác cùng chủ đề

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tận tụy, liêm, chính theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để phòng, chống suy thoái
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời kỳ đổi mới
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên và giải pháp thực hiện
Giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân

Gửi bình luận của bạn