Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam, Người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của Nhân dân. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng nước ta, Người luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của phụ nữ trong quá trình phát triển của dân tộc và đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp giải phóng phụ nữ. 

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào đẩy mạnh công tác phụ nữ  trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng phụ nữ là nhân tố quan trọng bảo đảm sự thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Với cách nhìn toàn diện, Người nhấn mạnh: “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội một nửa”. Trong Thư gửi phụ nữ nhân kỷ niệm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1952), Người khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Ngày 8/3/1965, Đảng, Chính phủ, Bác Hồ đã tặng bức trướng thêu 8 chữ vàng “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang” để ghi nhận cống hiến của phụ nữ miền Nam. Nói chuyện tại Hội nghị Các đại biểu phụ nữ tham gia công tác chính quyền toàn miền Bắc, Người căn dặn: Từ nay, các cấp đảng, chính quyền địa phương, khi giao công tác cho phụ nữ, phải căn cứ vào trình độ của từng người và cần phải tích cực giúp đỡ phụ nữ nhiều hơn nữa. Bên cạnh đó, Người cũng luôn khuyên bảo chị em phải tự cố gắng vươn lên để khẳng định mình, “không nên ỷ lại vào Đảng, Chính phủ mà phải quyết tâm học tập, phát huy sáng kiến, tin tưởng ở khả năng mình, nâng cao tinh thần tập thể, đoàn kết giúp đỡ nhau để giải quyết mọi khó khăn của phụ nữ trong công tác chính quyền”. Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người không quên căn dặn Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu phụ nữ và thiếu nhi các dân tộc tỉnh Lào Cai (1958)

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định đúng đắn vai trò, vị trí của phụ nữ, coi trọng công tác vận động phụ nữ, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, phát huy vai trò của phụ nữ trên các lĩnh vực. Thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành rất nhiều văn bản, chương trình, đề án bảo vệ và hỗ trợ phụ nữ, như: Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp… cùng nhiều chính sách an sinh xã hội giúp đỡ, hỗ trợ phụ nữ, tạo điều kiện để người phụ nữ có thời gian học tập, nâng cao trình độ, tham gia các hoạt động chính trị, xã hội. Nhờ được thụ hưởng những thành quả trong quá trình phát triển của đất nước, phụ nữ Việt Nam ngày càng tự tin, năng động, sáng tạo, khẳng định vị trí quan trọng trong gia đình và xã hội.

Vận dụng sáng tạo những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta, những năm qua, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị - xã hội trong công tác phụ nữ và bình đẳng giới. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp có chính sách hỗ trợ cho phụ nữ, đặc biệt phụ nữ ở vùng cao, vùng sâu, hải đảo, phụ nữ là người đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật, đơn thân, cao tuổi, phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ,... Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giới và ý thức, trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân được thực hiện hiệu quả, gắn với công tác đấu tranh chống tư tưởng coi thường phụ nữ, các hành vi phân biệt đối xử, xâm hại, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ.

Trong công tác cán bộ nữ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền tập trung đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ, quan tâm quy hoạch cán bộ nữ. Các cấp ủy đảng, lãnh đạo các đơn vị, địa phương đã có những định hướng ưu tiên cán bộ nữ để giới thiệu bổ sung vào quy hoạch, giới thiệu bổ nhiệm, ứng cử. Cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 là 07/48 đồng chí, chiếm tỷ lệ 14,58 % (nhiều hơn 10,73% so với đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020). Cán bộ nữ là đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 là 10/50 đồng chí, chiếm tỷ lệ 20% (nhiều hơn 3,33% so với nhiệm kỳ 2011 - 2016). Đến tháng 7/2023, toàn tỉnh có 1.071 lãnh đạo, quản lý, trong đó, nữ lãnh đạo quản lý là 286 người, chiếm tỷ lệ 26,70%. Nhiều cán bộ nữ được tín nhiệm giao giữ những trọng trách quan trọng trên cương vị lãnh đạo, quản lý và qua thực tiễn công tác đã thể hiện được năng lực trong điều hành, quản lý, xây dựng và tập hợp quần chúng, đóng góp tích cực vào việc xây dựng Đảng, chính quyền địa phương ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi đối thoại với phụ nữ tỉnh Khánh Hòa năm 2023

Công tác phát triển đảng viên nữ được chú trọng. Đến 31/3/2023, Đảng bộ tỉnh có 15 đảng bộ trực thuộc với tổng số 47.587 đảng viên, trong đó đảng viên nữ là 18.375/47.587 đảng viên, chiếm tỷ lệ 38,6%. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã kết nạp được 4.299 đảng viên, trong đó tỷ lệ kết nạp đảng viên nữ chiếm tỷ lệ 48,3% (2.078/4.299 đảng viên). Các đơn vị, địa phương quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, ưu tiên cán bộ nữ tham gia các lớp bồi dưỡng về chuyên môn, lý luận chính trị. Trong năm 2023, có 116 lượt nữ ở ngạch Chuyên viên chính và tương đương, 738 lượt nữ ở ngạch Chuyên viên và tương đương, 365 lượt nữ cán bộ, công chức cấp xã, 134 lượt nữ là những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được tham gia bồi dưỡng, tập huấn hoặc cử đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn.

Hội phụ nữ các cấp triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách đối với phụ nữ thông qua các hoạt động công tác hội. Phát huy vai trò của phụ nữ trong tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo, các cấp Hội thực hiện nhiều hoạt động giúp phụ nữ vươn lên làm chủ kinh tế, thoát nghèo bền vững. Từ năm 2018 đến nay, các cấp hội đã tín chấp nguồn vốn với các Ngân hàng gần 2.400 tỷ đồng cho 174.000 lượt hộ phụ nữ vay phát triển kinh tế gia đình; chủ động phối hợp tư vấn, dạy nghề cho 29.340 chị và giới thiệu, tạo việc làm cho 31.870 chị, góp phần vào số lao động có việc làm tăng thêm hàng năm của tỉnh. Ngoài ra, Hội vận động xã hội hóa xây dựng và bàn giao 290 nhà “Mái ấm tình thương” và sửa chữa 225 nhà cho phụ nữ nghèo, phụ nữ khuyết tật, đơn thân, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng giá trị 21,7 tỷ đồng tỷ đồng. Các địa phương, đơn vị thực hiện hiệu quả Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” với nhiều nội dung, hình thức hoạt động đổi mới, sáng tạo như: Cuộc thi “Ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp” cấp tỉnh; Hội chợ “Nghề, Làng nghề và các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Khánh Hòa”, phiên chợ “Đồng hành phụ nữ khởi nghiệp - kết nối sản phẩm OCOP”;...

Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang tổ chức ra mắt mô hình “Nói không với sản phẩm nhựa dùng 1 lần và hạn chế sử dụng túi nilon”

Từ năm 2018 đến nay, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp xây dựng và duy trì có hiệu quả các mô hình phụ nữ tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống bạo lực gia đình. Tiếp tục nhân rộng và phát huy hiệu quả 480 “Địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng, 147 câu lạc bộ “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững”, “Phòng chống bạo lực gia đình”… Qua đó, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành vi của cộng đồng, góp phần xây dựng môi trường sống an toàn và giải quyết các vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Ban Vì sự tiến bộ Phụ nữ tỉnh có 23 thành viên, chủ động phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tại đơn vị nhằm hướng đến thực hiện đạt các mục tiêu bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Trong công tác xây dựng tổ chức Hội, với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”, các cấp Hội không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, lấy nhu cầu thiết thân của phụ nữ và nhiệm vụ của địa phương, đơn vị là căn cứ để xác định nội dung, hình thức hoạt động. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 600 mô hình, Câu lạc bộ, tổ, nhóm để tập hợp, thu hút hội viên với trên 16.000 thành viên tham gia. Việc triển khai xây dựng các mô hình đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển tổ chức Hội trong tình hình mới, tạo sự lan tỏa trong các tầng lớp phụ nữ. Hàng năm, bên cạnh triển khai hiệu quả các nội dung Đề án “Bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội LHPN các cấp và Chi hội trưởng phụ nữ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025”, các cấp Hội còn tích cực phối hợp với Trường Chính trị, Trung tâm chính trị cấp huyện, các sở, ngành liên quan mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ Hội chuyên trách các cấp. Các cấp Hội thực hiện tốt vai trò tham mưu cấp ủy chỉ đạo triển khai các chính sách liên quan trực tiếp đến phụ nữ, tập trung ở các lĩnh vực việc làm, giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe,…

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phụ nữ trên địa bàn tỉnh còn tồn tại không ít những khó khăn. Công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể chưa được thường xuyên, thiếu đồng bộ. Việc phát triển nguồn cán bộ nữ còn hạn chế; tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý chưa cao; thiếu chính sách cụ thể khuyến khích tài năng nữ phát triển; công tác cán bộ nữ chưa đặt thành nhiệm vụ thường xuyên. Chất lượng công tác giám sát, phản biện, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền của một số cơ sở Hội chưa cao. Trình độ nhận thức của một bộ phận phụ nữ còn thấp, chưa đồng đều; một bộ phận lao động nữ, nhất là khu vực nông thôn, phụ nữ người đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu việc làm, thu nhập không ổn định nên cuộc sống còn khó khăn;…

Ðể phong trào phụ nữ tiếp tục phát triển, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các cấp ủy đảng, chính quyền, các cấp, các ngành cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về giới và ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân; tích cực đấu tranh, lên án tư tưởng trọng nam khinh nữ và các hành vi phân biệt, đối xử, xúc phạm đến nhân phẩm phụ nữ; Tiếp tục quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ nữ có trình độ, đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa; Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về bình đẳng giới thuộc phạm vi, lĩnh vực, địa bàn quản lý;… Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp cần thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, chăm lo quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho hội viên. Chủ động tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền thực hiện chủ trương, chính sách liên quan đến phụ nữ và công tác cán bộ nữ. Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp với cơ quan liên quan trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, chăm sóc sức khỏe, chống bạo lực gia đình và các vấn đề liên quan đến phụ nữ. Tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ mọi mặt, phát huy nội lực, tinh thần hợp tác, tương thân tương ái;…

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ tỉnh Khánh Hòa nói riêng sẽ tiếp tục phát huy truyền thống 8 chữ vàng “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”, nỗ lực học tập, công tác, có ý chí tự lực, tự cường, vươn lên khẳng định vị thế trong xã hội và trên trường quốc tế, có khát vọng cống hiến tài năng, trí tuệ của mình vào công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển quê hương, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

                                                                                                           Lâm An

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng phụ nữ là nhân tố quan trọng bảo đảm sự thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Với cách nhìn toàn diện, Người nhấn mạnh: “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội một nửa”. Trong Thư gửi phụ nữ nhân kỷ niệm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1952), Người khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Ngày 8/3/1965, Đảng, Chính phủ, Bác Hồ đã tặng bức trướng thêu 8 chữ vàng “Anh hùng - Bất khuất - Trun

Tin khác cùng chủ đề

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa: Tuyên dương 94 Chi hội trưởng phụ nữ tiêu biểu
Sẵn sàng cho Tháng Thanh niên năm 2024
Điểm tựa cho phụ nữ và trẻ em nghèo
        Phiên làm việc thứ nhất Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam
Hội CCB tỉnh Khánh Hòa đạt kết quả cao cuộc thi “Viết Gương điển hình tiên tiến”
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về công tác Dân vận trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa

Gửi bình luận của bạn