Một trong những chức năng, nhiệm vụ cơ bản của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội là tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phương thức là yếu tố giữ vai trò quan trọng trong tuyên truyền, vận động, chuyển tải nội dung và mức độ tiếp nhận thông tin của đối tượng. Bài viết làm rõ một số vấn đề lý luận về phương thức tuyên truyền, vận động; thực trạng và một số giải pháp đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

Đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội
Đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội
Đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động của  Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội
 

Cán bộ MTTQ xã Liên Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng vận động người dân địa phương hiến đất làm đường_Ảnh:baolamdong.vn

1. Một số vấn đề lý luận về phương thức tuyên truyền, vận động quần chúng

Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng của Đảng là hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước.

Xuất phát từ nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Đảng ta xác định: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ(1). Nhưng cách mạng là một sự nghiệp rất vĩ đại và đầy khó khăn, hy sinh, gian khổ không phải quần chúng nào cũng hiểu, cũng sẵn sàng tham gia cho nên Đảng phải làm công tác tuyên truyền vận động. Muốn vận động, thuyết phục quần chúng theo Đảng làm cách mạng thì phải tập hợp quần chúng lại trong các tổ chức. Do đó, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ra đời với chức năng, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Bất cứ hoạt động tuyên truyền, vận động nào cũng bao gồm các thành tố: mục đích, chủ thể, đối tượng, nội dung, phương thức, phương tiện, hiệu quả, trong đó phương thức là yếu tố quan trọng, có ảnh hưởng quyết định đến việc chuyển tải nội dung và hiệu quả của mỗi hoạt động tuyên truyền, vận động.

Phương thức tuyên truyền, vận động là sự hòa quyện giữa phương pháp và hình thức, nói cách khác là con đường, cách thức tổ chức truyền bá, thuyết phục để đối tượng hiểu, tin vào mục tiêu, lý tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thúc đẩy hành động tự giác, sáng tạo của quần chúng hiện thực hóa đường lối, chính sách ấy trong thực tiễn.

Phương thức tuyên truyền, vận động được hình thành từ sự vận dụng các quy luật tâm lý, tư tưởng và hành vi của con người, từ tổng kết thực tiễn trên cơ sở mục tiêu, nội dung, phương tiện, đối tượng tuyên truyền, vận động cũng như điều kiện cụ thể của mỗi tổ chức, mỗi địa phương, trong từng giai đoạn, từng thời kỳ.

Phương thức tuyên truyền, vận động phải phù hợp với từng loại nội dung, có nội dung phải học ở trường lớp, có nội dung chỉ cần phổ biến, quán triệt thông qua hội họp, có nội dung sử dụng phương tiện truyền thông đại chúng, văn học, nghệ thuật... để chuyển tải đến đối tượng.

Phương thức còn phụ thuộc vào đối tượng và chịu sự chi phối của phương tiện, thời gian, cơ sở vật chất bảo đảm. Bởi mỗi đối tượng có nhu cầu, lợi ích khác nhau, khả năng tiếp nhận thông tin cũng như sử dụng các phương tiện, thiết chế truyền thông khác nhau. Trình độ dân trí, tôn giáo, dân tộc, giới tính đều có ảnh hưởng đến việc tiếp nhận thông tin và chuyển hóa thành thái độ và hành động của quần chúng. Phương tiện và cơ sở vật chất hiện đại hay lạc hậu, tình hình kinh tế - xã hội thuận lợi hay khó khăn đều ảnh hưởng sâu sắc đến hiệu quả tuyên truyền, vận động. Những thời điểm mang tính bước ngoặt, khúc quanh của cách mạng cũng là lúc công tác tuyên truyền, vận động gặp nhiều khó khăn, thách thức nhất.

2. Thực trạng sử dụng phương thức tuyên truyền, vận động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội hiện nay

Trong những năm qua, việc đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị-xã hội đã tìm tòi, sáng tạo được nhiều phương pháp, hình thức mới, phù hợp với đặc điểm đối tượng, nhiệm vụ và nội dung tuyên truyền,vận động. Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị đãmạnh dạn cải tiến, hoàn thiện các phương pháp, hình thức truyền thống cho phù hợp với điều kiện mới. Sáng tạo những phương pháp, hình thức mới và đa dạng hóa phương thức đang trở thành một xu thế mới trong tuyên truyền,vận động của Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội.Những kết quả đó đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, củng cố niềm tin và sự đồng thuận xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh ưu điểm, phương thức tuyên truyền,vận động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội còn một số hạn chế:

Phương thức tuyên truyền, vận động nhìn chung vẫn còn lạc hậu, đơn điệu, chưa hấp dẫn, chưa đáp ứng nhu cầu của đối tượng

Trong thời gian qua, ngoài việc ứng dụng công nghệ thông tin, hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động vẫn còn chậm đổi mới so với nhu cầu của đối tượng và sự thay đổi của tình hình. Phương thức tuyên truyền vẫn còn đơn điệu, vẫn mang tính truyền thống là thuyết trình, giải thích một chiều. Việc phổ biến chỉ thị, văn bản chỉ đạo của cấp trên ở một số cơ sở chỉ gửi tài liệu qua email, zalo để đoàn viên, hội viên tự nghiên cứu nên hiệu quả không cao.

Những năm gần đây, tần suất sử dụng các hình thức mít tinh, phát động thi đua, thi tìm hiểu, lễ hội… được lặp lại quá nhiều, nhất là nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng vào năm chẵn.

Các lễ  mít tinh, kỷ niệm gần như tháng nào cũng có nhưng cách thức tuyên truyền, cổ động không đổi mới. Các tổ chức chính trị - xã hội thường phát động thi đua theo năm và một số đợt thi đua đột xuất, tuy chủ đề mỗi đợt thi đua có khác nhau nhưng về cơ bản nội dung lặp lại, cách thức phát động, ký kết giao ước thi đua xơ cứng, hình thức. Một số tổ chức chính trị - xã hội có xu hướng lạm dụng hình thức thi tìm hiểu, nhất là vào những năm có nhiều ngày lễ lớn dẫn đến tình trạng đối phó, sao chép, gây tốn kém thời gian, tiền bạc nhưng hiệu quả không cao. Phương thức tuyên truyền, vận động thông qua việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ còn mang nặng tính chính trị, khiên cưỡng, chưa phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của đối tượng, nhất là thanh niên. Một số tổ chức, địa phương lạm dụng hình thức tuyên truyền, giáo dục trực tuyến (online) và có hiện tượng không kiểm soát được hoạt động tự phát của cá nhân đoàn viên, hội viên trên mạng xã hội.

Hiện nay, trình độ dân trí của các tầng lớp nhân dân ngày càng cao, nhu cầu tìm hiểu kiến thức của hội viên, đoàn viên cũng ngày càng đa dạng, việc tiếp nhận, lựa chọn thông tin cũng khắt khe hơn. Sự bùng nổ thông tin với sự phát triển của mạng xã hội có thể cung cấp thông tin nhanh, hấp dẫn, lôi cuốn, thỏa mãn nhu cầu, thị hiếu đa dạng của đối tượng. Trong khi đó, công tác tuyên truyền, vận động của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội thường chỉ tập trung tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Nhìn chung, phương thức tuyên truyền, vận động còn lạc hậu, thiếu tính thuyết phục, hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc sử dụng mạng xã hội trong tuyên truyền, vận động hiện nay chủ yếu mới sử dụng Facebook và Zalo, chưa tận dụng được các trang mạng có thế mạnh về hình ảnh và sản phẩm đa phương tiện như Youtube, Instagram, TikTok... để nâng cao hiệu quả tuyên truyền.

Phương thức tuyên truyền,vận động đối tượng đặc thù như trí thức, văn nghệ sỹ, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo chưa thực sự phù hợp

Trong tuyên truyền,vận động, điều quan trọng là phải quan tâm đến đối tượng đích với những đặc điểm tâm lý xã hội mang tính đặc thù của họ. Tuy nhiên, hiện nay cách làm vẫn chưa quan tâm nhiều tới tính đặc thù của từng đối tượng, từng tổ chức, chưa tận dụng được những phong tục tập quán, truyền thống, giáo lý tiến bộ và những người có uy tín trong cộng đồng như chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản, người có ảnh hưởng, cũng như các truyền thuyết, trường ca, lễ hội có giá trị văn hóa cao... để tuyên truyền vận động.

Hiện nay, đối tượng tuyên truyền, vận động đã có sự thay đổi cơ bản về nhu cầu, tâm lý, họ quan tâm hơn những thông tin thiết thực, ngắn gọn, đa phương tiện. Đoàn viên, hội viên hiện nay đa số đều sử dụng mạng xã hội nên dễ hành động theo cảm xúc. Từ đó, hình thành tâm lý đám đông, lối sống ảo, ít quan tâm các thông tin chính thống về chính trị, kinh tế, xã hội. Đồng thời, họ lại rất dễ bị lôi kéo, kích động bởi những thông điệp của người nổi tiếng trên mạng xã hội. Trong bối cảnh đó, các sản phẩm tuyên truyền, vận động trên không gian mạng chưa có sự phân nhóm đối tượng để có nội dung (thông điệp), hình thức, kênh tuyên truyền phù hợp với yêu cầu và điều kiện của các nhóm theo các tiêu chí về lợi ích, vị thế xã hội, vùng hay địa lý... Chưa tận dụng được ảnh hưởng của KOLs để tập hợp, thu hút đoàn viên, hội viên bày tỏ thái độ và hành động tích cực, chưa tạo dựng và tận dụng số đông công chúng lành mạnh trên không gian mạng để phản bác lại nhóm công chúng tiêu cực.

 3. Tiếp tục đổi mới phương thức tuyên truyền,vận động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phù hợp với tình hình mới

Một là, tăng cường sự phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động

Thực tế hiện nay, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đều tích cực đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động nhưng quá trình này diễn ra còn tản mạn, mạnh ai nấy làm, thiếu sự thống nhất, do vậy, không quy tụ được sức mạnh của các tổ chức thành viên. Công tác chỉ đạođổi mớiphương  thức tuyên truyền, vận động chưa đồng bộ, chưa tạo được các phong trào rộng khắp. Ở nhiều nơi, việc theo dõi, chỉ đạo, định hướng chưa kịp thời, chưa thường xuyên, dẫn đến việc thiếu chủ động phối hợp khi xảy ra những vụ việc nổi cộm, bức xúc, những điểm nóng về chính trị - xã hội, tạo cớ cho thông tin xấu, độc của các thế lực thù địch có cơ hội xâm nhập, lan truyền.

Chính vì vậy, đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động cần có sự chỉ đạo thống nhất để tạo ra sức mạnh tổng hợp trong cả nước. Mặt khác, sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay đã tác động nhanh chóng sâu sắc đến tất cả đối tượng trong xã hội, dẫn đến việc tuyên truyền, vận động của các tổ chức chính trị - xã hội đều phải cải tiến, đổi mới cho phù hợp. Do đó, cần có quyết tâm chính trị của các tổ chức và sự liên kết, phối hợp chặt chẽ thành một phong trào hành động cách mạng mạnh mẽ, đồng bộ, rộng khắp và hiệu quả ở tất cả các tổ chức chính trị - xã hội.

Hai là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp, hình thức tuyên truyềnvận động phù hợp với xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là sự phát triển của mạng xã hội

Trong bối cảnh nhu cầu thông tin của công chúng ngày càng lớn, đa dạng, nguồn thông tin phong phú, nhiều chiều, cập nhật nên công tác tuyên truyền, vận động phải tăng cường sử dụng các phương pháp chứng minh và đối thoại. Những nội dung tuyên truyền mang tính áp đặt, giáo huấn đã không còn phù hợp với các đối tượng, nhất là giới trẻ. Vì vậy, tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân không chỉ bằng luận chứng, luận cứ khoa học mà còn bằng lý lẽ đời thường, có lý và có tình mới có thể thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của đối tượng. Đối thoại là phương pháp rất phù hợp với xu thế dân chủ hóa đời sống chính trị của đất nước hiện nay. Tăng cường lắng nghe, chia sẻ, giải đáp kịp thời những băn khoăn, vướng mắc, búc xúc của nhân dân là một trong những phương thức tuyên truyền, vận động được thực tiễn khẳng định có hiệu quả.

Đặc điểm tâm lý của người Việt Nam “một tấm gương sáng còn hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dạy, vẫn có tác dụng trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay. Tuy nhiên, trong tuyên truyền phải chú ý sự chân thực, không được tô hồng, thổi phồng thành tích, các mô hình, điển hình tiên tiến phải có đời sống cụ thể, minh chứng rõ ràng để quần chúng có thể kiểm chứng được một cách dễ dàng. Trong tuyên truyền mô hình, điển hình, gương người tốt, việc tốt phải kể những câu chuyện có thật, theo cách kể chuyện của người trong cuộc, ưu tiên sử dụng hình ảnh, clip mô tả hiện trường sinh động, hấp dẫn.

Đối với những vấn đề đang được dư luận quan tâm, hoặc vấn đề đang tranh luận, chưa được làm sáng tỏ, cần có nhiều hình thức và sử dụng các phương tiện truyền thông để nói chuyện, viết bài, phóng sự, phim, ảnh với lập luận chặt chẽ, khoa học để tuyên truyền. Đồng thời, huy động các nhân chứng lịch sử, các chuyên gia, nhà khoa học tham gia đối thoại, tranh luận và viết bài để định hướng dư luận trên cơ sở bảo đảm đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và lợi ích quốc gia, dân tộc.

Để phương thức tuyên truyền, vận động đạt hiệu quả cao, bên cạnh xây dựng thông điệp mới, có tính sáng tạo, hấp dẫn, ngắn gọn, dễ nhớ còn phải truyền tải bằng phương tiện mới hiện đại hơn, quần chúng dễ tiếp cận hơn. Do sự phát triển và ứng dụng mạng xã hội vào công tác tuyên truyền, vận động ngày càng rộng rãi nên phương thức tuyên truyền, vận động phải chuyển tải thông điệp bằng các sản phẩm truyền thông đa phương tiện trên nền tảng của văn bản, hình ảnh, video, âm nhạc, đồ họa... Đặc biệt, cần kết hợp tương tác để tạo nên tác phẩm đa phương tiện hấp dẫn, đổi mới về hình thức và nội dung như: Video, bài hát, thông tin đồ họa, tin theo dòng sự kiện, kể chuyện, câu hỏi trắc nghiệm cung cấp thông tin... Đây chính là phương thức tuyên truyền, vận động vừa thể hiện tính tương tác cao, vừa cung cấp thông tin một cách linh hoạt.

Trong những năm tới, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, phương thức tuyên truyền, vận động cũng cần sử dụng những nền tảng mới như các thiết bị thông minh đeo trên người (smart wearables) như vòng đeo tay theo dõi thể lực, tai nghe, đồng hồ thông minh, kính thông minh... Những nền tảng mới này sẽ thay đổi cách thức mà người làm công tác tuyên truyền đưa tin hay kể câu chuyện của mình. Đồng thời, công tác tuyên truyền vận động cũng phải đón bắt cơ hội để đi tiên phong trong kỷ nguyên số, trong đó có Big Data (dữ liệu lớn), AI (trí tuệ nhân tạo)...

Ba là, đầu tư nguồn lực tương xứng với yêu cầu đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động

Trên thực tế, nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động không mang lại hiệu quả trực tiếp mà mang lại hiệu quả lâu dài và phải đặt trong tình huống cách mạng mới có thể nhận thấy được. Do đó, trong các nghị quyết, chỉ thị, Đảng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của công tác tuyên truyền, vận động nhưng trên thực tế sự đầu tư chưa tương xứng với vị trí, vai trò của nó. Mặt khác, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng là một bộ phận của công tác tư tưởng, là cuộc đấu tranh giành giật niềm tin của quần chúng. Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội ra sức xuyên tạc, chống phá nhằm loại bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng ta - chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ra khỏi đời sống tinh thần xã hội. Chúng sử dụng những phương pháp, thủ đoạn thâm độc, với lực lượng, phương tiện hiện đại để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Muốn giành chiến thắng trong cuộc chiến cam go này, chúng ta cũng phải huy động sức người, sức của một cách tương xứng. Trong đấu tranh tư tưởng, trước hết cần đội ngũ chuyên gia có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh nhuệ về chính trị, tinh thông về kỹ năng tác chiến trên không gian mạng.

Bên cạnh nguồn lực con người là thời gian, kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ cho cuộc đấu tranh. Đây là cuộc đấu tranh diễn ra trong môi trường số nên cần trang bị máy móc, phương tiện hiện đại. Trong cuộc đấu tranh này, sức mạnh tư tưởng, tinh thần giữ vai trò quyết định nhưng công nghệ, kỹ thuật cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Do đó, cần huy động cả nhân lực, tài lực, vật lực, thời lực, tin lực thì mới có thể tạo nên sức mạnh tổng hợp áp đảo kẻ thù, giành chiến thắng. Đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang bị, phương tiện hiện đại, bảo đảm tài liệu, kinh phí, xây dựng các chế độ đãi ngộ đối với cán bộ tuyên truyền, vận động…

Là một nhiệm vụ rất quan trọng liên quan đến sự sống còn của Đảng và chế độ cho nên công tác tuyên truyền, vận động phải thực chất, không tiến hành theo phong trào, chạy theo thành tích, đối phó. Kết quả tuyên truyền, vận động không chỉ đo đếm ở số lượng sản phẩm truyền thông, trang fanpage, mà phải là có bao nhiêu người đọc, like, share, comment. Và quan trọng hơn nữa là niềm tin của hội viên, đoàn viên sau mỗi hoạt động tuyên truyền, vận động.

Ba là, có cơ chế khuyến khích cán bộ làm công tác tuyên truyền tích cực đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động

Sức mạnh của cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng là sức mạnh tư tưởng, tinh thần. Là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, cán bộ tuyên truyền vận động phải có phẩm chất chính trị vững vàng. Đối với họ, niềm tin chính trị là yếu tố cốt lõi trong phẩm chất chính trị. Niềm tin được hình thành bởi tri thức chính trị và tình cảm chính trị, trở thành ý chí vượt qua mọi khó khăn, thách thức để làm công tác tư tưởng một cách tích cực, tự giác, sáng tạo và có thể truyền niềm tin của mình cho quần chúng.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị  - xã hội cần triệt để sử dụng các hình thức sinh hoạt của tổ chức mình để khuyến khích cán bộ tuyên truyền tìm tòi, thử nghiệm phương pháp, hình thức mới; động viên cán bộ lâu năm, lớn tuổi vượt qua tâm lý ngại thay đổi, mặc cảm, xa lánh cái mới. Các tổ chức phải xác định đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động là một tiêu chí trong đánh giá để tạo ra sự thi đua về sử dụng phương thức mới. Thường xuyên tổ chức trao đổi kinh nghiệm, kịp thời nêu gương các điển hình tiến tiến, khen thưởng kịp thời các sáng kiến hay, cách làm tốt.

Tuyên truyền, vận động luôn gắn với phong trào thi đua. Chính vì vậy, cùng với thi đua, khen thưởng phải bảo đảm nguyên tắc chính xác, công khai, dân chủ, công bằng, kịp thời trong việc bình xét các danh hiệu thi đua và đề nghị các hình thức khen thưởng. Để những tập thể, cá nhân có nhiều sáng tạo trong đổi mới phương thức tuyên truyền vận động được khen thưởng phấn khởi, tự hào, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Khi họ nhận thức sâu sắc được giá trị của việc động viên, khen thưởng sẽ càng có ý thức phấn đấu với mục đích vô tư trong sáng.

Tuyên truyền, vận động trong tình hình mới đòi hỏi cán bộ tuyên truyền, vận động không chỉ có nhận thức đúng mà cần phải có kỹ năng sử dụng mạng xã hội. Đó là kỹ năng nắm bắt tư tưởng, nhu cầu, thị hiếu của đối tượng, cách sáng tạo thông điệp truyền thông, cách sử dụng các phương tiện nghệ thuật để chuyển tải nội dung: âm thanh, hình ảnh, màu sắc, hình khối. Cách xử lý khủng hoảng truyền thông, các kỹ năng phản bác các quan điểm sai trái, thù địch… Những kỹ năng này không tự nhiên mà có mà cần phải được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện một cách thường xuyên.

_________________

Ngày nhận bài: 25-2-2024; Ngày bình duyệt: 01-3-2024; Ngày duyệt đăng: 28-5-2024.

(1) ĐCSVN: Văn kiện hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015; Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03-6-2013 về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.

 TS LƯƠNG NGỌC VĨNH
  Học viện Báo chí và Tuyên truyền     

  Cán bộ MTTQ xã Liên Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng vận động người dân địa phương hiến đất làm đường_Ảnh:baolamdong.vn 1. Một số vấn đề lý luận về phương thức tuyên truyền, vận động quần chúng Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng của Đảng là hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước. Xuất phát từ nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Đảng ta xác định: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nh&ac

Tin khác cùng chủ đề

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa: Tuyên dương 94 Chi hội trưởng phụ nữ tiêu biểu
Sẵn sàng cho Tháng Thanh niên năm 2024
Điểm tựa cho phụ nữ và trẻ em nghèo
        Phiên làm việc thứ nhất Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào đẩy mạnh công tác phụ nữ  trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về công tác Dân vận trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa

Gửi bình luận của bạn