Trong phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội của dự thảo Báo cáo Tổng kết chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030, Văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặt ra nhiệm vụ: phát triển văn hoá, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Phát triển toàn diện, bền vững, “Không ai bị bỏ lại phía sau” cũng là nội dung được đưa ra tại các Đại hội Đảng bộ các địa phương.
Trong 5 năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã bố trí hơn 140 tỷ đồng đầu tư trực tiếp cho miền núi, lồng ghép với các chương trình khác hơn 270 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này hỗ trợ cho gần 2.000 mô hình sản xuất của người dân. Hạ tầng miền núi được đầu tư khá đồng bộ, 100% số xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã, nhiều công trình thiết yếu được đầu tư. Kết quả giảm được 25% số hộ nghèo.
Tuy vậy, chương trình này chưa đạt hiệu quả cao, số hộ nghèo tại 2 huyện miền núi trong tỉnh vẫn còn chiếm hơn 30%, thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số chỉ đạt 14 triệu đồng/người/năm, bằng 20% so với bình quân chung của cả tỉnh, đời sống miền núi và đồng bằng còn có nhiều khoảng cách. Đến nay, huyện Khánh Sơn chưa có xã đạt chuẩn Nông thôn mới.
Ông Nguyễn Văn Nhuận, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, nhiệm kỳ đến, huyện phấn đấu nâng cao đời sống người dân: "Hiện nay, huyện thu nhập bình quân đầu người chỉ 20,5 triệu, mục tiêu của Đại hội Đảng bộ huyện, sắp đến là 48 triệu bình quân đầu người. Xuất phát điểm của các xã ở Khánh Sơn còn thấp. Phải có giải pháp cụ thể, huy động tổng thể các nguồn lực của xã hội, đặc biệt tỉnh phải hỗ trợ. Hy vọng có chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo được hỗ trợ rồi, chương trình mục tiêu quốc gia về đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đó là cú hích về đầu tư".
Ông Mấu Văn Phi, Bí thư Huyện ủy Khánh Vĩnh cho biết, trong nhiệm kỳ tới, địa phương sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số; Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững. Vừa qua, huyện Khánh Vĩnh xác định các loại cây trồng chủ lực như bưởi da xanh, mít nghệ, xoài cát…để tập trung đầu tư về giống, kỹ thuật, nguồn vốn giúp người dân chuyển đổi cây trồng. Cụm công nghiệp Sông Cầu với diện tích hơn 40 héc ta, do Công ty Yến sào Khánh Hòa đầu tư hơn 350 tỷ đồng, vừa đi vào hoạt động, mở ra cơ hội việc làm có thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động miền núi. Những hướng đi đúng về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, kinh tế, đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc sẽ giúp Khánh Vĩnh thoát khỏi huyện nghèo sớm.
Ông Mấu Văn Phi cho biết: "Mục tiêu là mình phải thoát nghèo thôi, cố gắng trong nhiệm kỳ. Một mục tiêu đấy thôi nhưng có rất nhiều giải pháp, rất nhiều đề án, rất nhiều chương trình hành động. Một số mô hình sản xuất, làm ăn có hiệu quả tiếp tục nhân rộng trong cộng đồng. Sắp tới, phát triển hạ tầng giao thông, kết nối, tiêu thụ nông sản cho bà con. Bằng những hoạt động cụ thể xuyên suốt luôn, từng năm".
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Khánh Hòa suy giảm hơn 10,5%; Đời sống người dân gặp nhiều khó khăn; Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 65 triệu đồng, giảm hơn 8% so với năm 2019. Tỉnh Khánh Hòa đã triển khai hàng loạt biện pháp, hỗ trợ tiền, gạo cho khoảng 100.000 người có hoàn cảnh khó khăn. Các địa phương hướng tới mục tiêu nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho người dân.
Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020- 2025 đưa thành tố "không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân" vào chủ đề của Đại hội. Đây cũng là 1 trong 4 nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn sắp đến, tập trung cho công tác giảm nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số và khu vực miền núi. Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu đến năm 2045, thu nhập bình quân của người dân nơi đây thuộc nhóm các tỉnh, thành phố cao nhất cả nước.
"Quan tâm, chăm lo xây dựng Đảng, phát triển kinh tế xã hội, cuối cùng vẫn là chăm lo, nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Đó là mục tiêu cao nhất của tỉnh. Đặc biệt là giảm nghèo, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm. Công nghiệp cũng vậy, phát triển sẽ giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách nhà nước để có điều kiện chăm lo cho cuộc sống người dân tốt hơn", ông Hồ Văn Mừng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết.
Nâng cao đời sống người dân không chỉ bằng thu nhập mà còn phải giảm nghèo đa chiều, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra mục tiêu xây dựng con người Việt Nam thông qua việc khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tự hào dân tộc, tính cộng đồng và khát vọng vươn lên. Xây dựng con người cũng là 1 trong 6 khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII. Đó là xây dựng con người Phú Yên phát triển toàn diện, gắn với phát triển tri thức với phát triển thể chất, đạo đức và kỹ năng xã hội.
Ông Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho rằng, địa phương có nhiều di tích lịch sử- văn hóa, giàu tiềm năng về phát triển du lịch nhưng đời sống văn hóa của người dân còn đơn điệu. Tỉnh Phú Yên có chương trình hành động cụ thể về xây dựng con người Phú Yên.
Theo ông Trần Hữu Thế, tỉnh Phú Yên đang làm được từng bước để xây dựng môi trường văn hóa, thiết chế văn hóa nâng cao đời sống người dân: "Nếu chúng ta khai thác tốt thì đó là thắng tích nhưng khai thác không tốt thì đó là phế tích. Và chính những môi trường văn hóa đó, thiết chế văn hóa đó, những di tích văn hóa sẽ là những tụ điểm, có nội dung sinh hoạt. Để người dân chúng ta đến và tìm hiểu, tăng cường hơn các hoạt động văn hóa. Trong nội dung đó, gắn liền với vấn đề an sinh xã hội"./.