Những thành tựu trong công tác đối ngoại, gồm ngoại giao nhà nước, đối ngoại Đảng, đối ngoại nhân dân và ngoại giao văn hóa, chính là “điểm sáng trong toàn bộ những thành tựu chung của đất nước”, khẳng định tính đúng đắn của đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế mà Đảng và Nhà nước đề ra qua các kỳ Đại hội. Chủ trương hội nhập quốc tế “toàn diện, sâu rộng” đã được nêu rõ trong Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội 13 của Đảng.
“Việt Nam đảm nhận vai trò thúc đẩy hòa bình”; “Mọi ánh mắt đang đổ dồn về Việt Nam”; “Hà Nội - điểm đến của Hòa bình”... Đó chỉ là ba trong hàng trăm tiêu đề mà các hãng truyền thông quốc tế lớn đề cập khi Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều năm 2019. Khoảng 3.000 phóng viên quốc tế đã đến Việt Nam khi ấy, không chỉ đưa tin về hội nghị, mà còn quảng bá về hình ảnh một đất nước Việt Nam năng động về kinh tế, đặc sắc về văn hóa, một thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, thanh bình và con người Việt Nam thân thiện, hiếu khách.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cảm thán: “Tôi vừa đến Việt Nam. Thật cảm ơn các bạn về sự chào đón tuyệt vời ở Hà Nội. Những đám đông thật nồng nhiệt, tràn đầy tình yêu”.
Tình yêu, sự hiếu khách ấy được Nhà lãnh đạo Mỹ nhắc lại trong cuộc hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sau đó, cùng với những đánh giá cao về sự phát triển của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới: “Tôi đã nhìn thấy những gì các bạn đã làm. Tôi đánh giá rất cao sự hiếu khách của các bạn cũng như những gì các bạn đón tiếp tôi. Khi vào thành phố, tôi đã nhìn thấy nhiều công trình xây dựng ở Việt Nam, qua đó cho thấy Việt Nam đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ. Tôi và Nhà lãnh đạo Triều Tiên đều đánh giá cao việc đã chọn Việt Nam làm nơi tổ chức cuộc gặp Thượng đỉnh. Việt Nam là ví dụ điển hình về những gì tốt đẹp. Thay mặt nước Mỹ, tôi muốn cảm ơn sự hiếu khách của các bạn”.
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, có lẽ chưa bao giờ Việt Nam có cơ hội tốt như thượng đỉnh Mỹ - Triều, để quảng bá văn hóa hay ẩm thực của mình lên những chương trình của các hãng truyền thông, truyền hình lớn trên thế giới.
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Canada Nguyễn Đức Hùng cũng cho rằng, đó chính là một trong những hoạt động ngoại giao văn hóa điển hình được Việt Nam đẩy mạnh trong thời gian qua, dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, góp phần củng cố và tăng cường hiểu biết tình hữu nghị với nhân dân các nước, quảng bá hình ảnh đất nước và văn hóa Việt Nam ra thế giới: “Nhiều hoạt động thiết thực đã được triển khai mạnh mẽ nhằm quảng bá hình ảnh đất nước con người và sức hấp dẫn của kho tàng văn hóa Việt Nam ra thế giới, trong công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, cũng như đấu tranh trong các vấn đề dân chủ, nhân quyền”.
Từ một quốc gia ít có vai trò, tiếng nói trên trường quốc tế, Việt Nam đã từng bước hội nhập, tham gia tích cực, chủ động đóng góp, xây dựng và định hình các thể chế đa phương ở tầm khu vực và toàn cầu, phục vụ tốt hơn cho lợi ích của đất nước. Cụ thể, chúng ta đã tham gia tích cực và chủ động trong xây dựng và định hình các luật chơi chung, bảo vệ lợi ích quốc gia trên sân chơi toàn cầu ở nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại. Điển hình như Việt Nam đã phát huy vai trò dẫn dắt nổi bật khi đảm nhiệm trọng trách Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021; Chủ tịch ASEAN năm 2020, dẫn dắt sự hợp tác của ASEAN theo tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng, góp phần giúp ASEAN vững vàng ứng phó với đại dịch COVID-19.
Từ một quốc gia bị bao vây, cấm vận, đến nay, Việt Nam đã thiết lập khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, mở rộng, đưa quan hệ đi vào chiều sâu, thực chất với các nước, nhất là các đối tác có tầm quan trọng chiến lược đối với sự phát triển, an ninh của đất nước, tạo sự đan xen, gắn kết giữa lợi ích Việt Nam với các nước.
Việt Nam đã trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng (như CPTPP, EVFTA…), qua đó tạo ra động lực mới cho phát triển. Truyền thông quốc tế nhận định, Việt Nam đang nổi lên là chất xúc tác quan trọng trong khu vực châu Á và kết nối Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Việt Nam là một thành tố, chất keo gắn kết cấu trúc đa cực trong khu vực, để tìm tiếng nói chung. Các quốc gia đã thấy rõ nhu cầu tăng cường phối hợp với Việt Nam và ủng hộ sự hiện diện ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế.
Kết quả này là cả quá trình Việt Nam kiên trì với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế… mà Nghị quyết các Đại hội Đảng đề ra.
Có thể nói chưa bao giờ thế và lực của đất nước, uy tín chính trị của Việt Nam ở một vị trí cao như hiện nay. Thế giới, các Đảng cầm quyền, Đảng chính trị ở các nước ngày càng thừa nhận và đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương cho biết, thông qua các hoạt động đối ngoại đảng, hiện hầu hết các Đảng trên thế giới đã không còn sự phân biệt mà đã thừa nhận vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam, thể chế chính trị của nước ta. Các Đảng Cộng sản và đảng cánh tả trên thế giới hiểu hơn về công cuộc đổi mới của Đảng ta, đánh giá cao, coi trọng và học hỏi nhiều trong đường lối lãnh đạo.
“Đối ngoại đảng đã tạo ra được nền tảng chính trị quan trọng trong việc ổn định, mở rộng, thắt chặt quan hệ nước ta với các nước, phát huy hiệu quả trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến an ninh, phát triển đất nước. Hợp tác trên kênh đảng và hoạt động đối ngoại đảng đã góp phần nâng cao năng lực cầm quyền của đảng ta, với việc tăng cường trao đổi lý luận, kinh nghiệm cầm quyền, hoạch định chính sách; góp phần nâng cao vị trí, vai trò của đảng ta trên trường quốc tế”, ông Cường nhấn mạnh.
Đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có quan hệ ở các mức độ khác nhau với hơn 200 đảng ở 115 nước khắp các châu lục; trong đó có trên 100 Đảng Cộng sản và công nhân, hơn 40 đảng cầm quyền, gần 80 đảng đang tham gia Quốc hội - Nghị viện các nước. Đồng thời, Đảng ta cũng thường xuyên tham gia và tham gia có hiệu quả các diễn đàn đa phương chính đảng như: Cuộc gặp quốc tế hàng năm của các Đảng Cộng sản và công nhân trên thế giới (IMCWP); Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP); Diễn đàn Sao Paulo của các đảng cánh tả....
Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới tiếp tục diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; Kinh tế thế giới khó khăn hơn ; trong báo cáo chính trị trình Đại hội 13, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu cần triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế “toàn diện, sâu rộng”.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, ngành ngoại giao ngày càng phát huy vai trò trong triển khai đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước: “Ngành đối ngoại cần tiếp tục phát huy vai trò là mặt trận quan trọng có ý nghĩa chiến lược để phục vụ mục tiêu mới, tiếp tục nhất quán đường lối đối ngoại độc lập ,tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và chủ động tích cực hội nhập quốc tế. Giữ vững môi trường hòa bình ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ đối ngoại của Đại hội Đảng thứ 13, xây dựng nền ngoại giao hiện đại cả về nội dung, phương thức cũng như các biện pháp để đáp ứng tốt các yêu cầu của nhiệm vụ mới”.
Với hướng đi đúng đắn, khát vọng phát triển mãnh liệt, quyết tâm chính trị cao, một đường lối đối ngoại rõ ràng, linh hoạt; đất nước ta nhất định sẽ lập nên kỳ tích phát triển mới làm cho Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta./.