Tuy nhiên, tình trạng đơn thư KNTC sai sự thật vẫn chiếm tỷ lệ lớn (hơn 50%), thậm chí còn phổ biến hiện tượng đơn thư nặc danh, sai sự thật, vu khống người khác gây ra nhiều hệ lụy đối với xã hội.
KNTC đúng có giá trị rất lớn, giúp cơ quan chức năng phát hiện, xử lý kịp thời những cá nhân, tập thể sai phạm, bảo đảm kỷ cương phép nước. Thông qua giải quyết KNTC, Đảng và Nhà nước kiểm tra tính đúng đắn, sự phù hợp của đường lối, chính sách, pháp luật, từ đó để ngày càng hoàn thiện hơn.
Ảnh minh họa. Nguồn: tuyengiao.vn |
Tuy nhiên, ở khía cạnh ngược lại, việc KNTC sai sự thật, thậm chí KNTC vu khống với mục đích cá nhân không trong sáng lại gây ra rất nhiều hệ lụy cho xã hội. Hệ lụy dễ nhận thấy nhất là bất ổn về an ninh, chính trị, trật tự xã hội, kìm hãm sự phát triển mọi mặt. Nội dung đơn thư sai sự thật gây lãng phí thời gian, công sức và chi phí cho các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh giải quyết, cũng như của chính người KNTC. Nguy hiểm hơn cả là những nội dung KNTC vu khống với mục đích nhằm hạ bệ, làm mất uy tín của người khác, lan truyền ra dư luận những điều không đúng sự thật. Khi cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, dù kết luận là không đúng, nó cũng khiến người bị KNTC ảnh hưởng rất nhiều. Có những người không thể chịu nổi sức ép dư luận dù điều đó hoàn toàn sai. Không ít trường hợp cứ đến những kỳ chuẩn bị nhân sự đại hội, bầu cử, quy hoạch... lại xuất hiện đơn thư tố cáo nặc danh hoặc tố cáo sai sự thật.
Xã hội văn minh không chấp nhận kiểu KNTC chủ ý sai sự thật hay vu khống người khác, bởi tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Để hạn chế tình trạng đơn thư KNTC sai sự thật, cần tuyên truyền cho mọi công dân trong xã hội hiểu biết, nâng cao kiến thức về pháp luật và có ý thức thượng tôn pháp luật. Thượng tôn pháp luật cũng có nghĩa là tôn trọng quyền nhân thân, quyền lợi của mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội và cao nhất là tôn trọng sự thật. Khi có hiểu biết pháp luật thì công dân mới nhận thức được việc mình làm, nhận thức được đúng-sai khi thực hiện quyền KNTC của mình. Trên thực tế, vẫn còn hiện tượng nhiều người dân không nắm vững các quy định của pháp luật, hiểu sai và vận dụng sai trong thực tiễn thi hành, đòi hỏi quá mức quyền lợi của mình trong khung khổ luật pháp.
Đối với những trường hợp KNTC sai sự thật, vu khống, xúc phạm người khác, kích động, đánh tráo dư luận... với động cơ mang tính cá nhân cần được xử lý nghiêm khắc theo đúng các quy định của pháp luật. Theo Điều 156, Bộ luật Hình sự 2015, người thực hiện hành vi vu khống tùy vào mức độ vi phạm pháp luật mà bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm tùy từng trường hợp. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xử lý cá nhân tố cáo sai sự thật ở nước ta vẫn còn xem nhẹ, hiếm khi bị áp dụng đúng chế tài pháp luật nên chưa có tính răn đe. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng đơn thư tố cáo sai sự thật, tố cáo vượt cấp không giảm, tính chất ngày càng phức tạp. Nhiều chuyên gia luật pháp cho rằng, đối với trường hợp cố ý tố cáo sai sự thật có dấu hiệu tội phạm cần đề nghị chuyển cơ quan chức năng để điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hệ thống pháp luật của chúng ta với mục đích bảo vệ quyền của công dân thì việc xử lý nghiêm những trường hợp KNTC sai sự thật, vu khống cũng nhằm bảo vệ quyền của công dân khác trong một xã hội bình đẳng, thượng tôn pháp luật. Vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng là hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi nghiêm luật pháp. Bởi suy cho cùng, luật pháp là hành lang điều chỉnh các hiện tượng, các mối quan hệ và các vấn đề xã hội. Khi luật pháp nghiêm minh, hiện tượng KNTC sai sự thật, vu khống sẽ giảm.
Theo qdnd.vn