TCCS - Trong những năm qua, bằng nhiều thủ đoạn, phương thức khác nhau, nhất là thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, các thế lực thù địch thường xuyên rêu rao luận điệu, mặc dù Việt Nam tuyên bố đổi mới từ năm 1986, đến nay đã gần 40 năm, nhưng đổi mới ở Việt Nam là “đổi mới nửa vời” vì “không đổi mới chính trị”, “không hiệu quả”(?!). Những luận điệu trên hoàn toàn xuyên tạc và không thể phủ nhận được sự thật rằng, công cuộc đổi mới đồng bộ và toàn diện ở nước ta trên tất cả các lĩnh vực, trọng tâm là đổi mới kinh tế gắn với đổi mới chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay.

Phê phán luận điệu xuyên tạc: Đổi mới ở Việt Nam là “đổi mới nửa vời” vì “không đổi mới chính trị”, “không hiệu quả”(?!)
Phê phán luận điệu xuyên tạc: Đổi mới ở Việt Nam là “đổi mới nửa vời” vì “không đổi mới chính trị”, “không hiệu quả”(?!)

Các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị ra sức xuyên tạc, bóp méo, hòng phủ nhận thành quả to lớn của quá trình gần 40 năm đổi mới. Họ rêu rao rằng, Việt Nam chỉ bước đầu đổi mới về kinh tế, chứ không đổi mới chính trị. Vì kinh tế quyết định chính trị, nên khi kinh tế đổi mới mà chính trị không đổi mới thì dẫn tới chính trị trì trệ, lạc hậu, cản trở sự phát triển kinh tế. Do đó, Việt Nam cần đổi mới chính trị một cách mạnh mẽ, quyết liệt để phù hợp với kinh tế theo hướng thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập như các nước tư bản chủ nghĩa đang áp dụng (!?).

Dã tâm của các thế lực thù địch hòng phủ nhận thành tựu của đổi mới kinh tế, đổi mới chính trị, tiến tới phủ nhận thành tựu của công cuộc đổi mới ở Việt Nam do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, từ đó hạ thấp, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thứ nhất, phê phán luận điệu cho rằng “đổi mới ở Việt Nam là đổi mới nửa vời vì không đổi mới chính trị”.

Công cuộc đổi mới ở Việt Nam là đổi mới toàn diện trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực kinh tế và chính trị, bắt đầu từ đổi mới lĩnh vực kinh tế, trên cơ sở đổi mới kinh tế, từng bước đổi mới các lĩnh vực khác, trong đó có chính trị. Lộ trình thực hiện như vậy phù hợp với quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị. Theo C. Mác và Ph. Ăngghen, trong quá trình vận động và phát triển của xã hội loài người, xét đến cùng thì kinh tế quyết định chính trị, “những quan niệm chính trị, pháp lý và những quan điểm tư tưởng khác và những hành vi do chúng quy định đều được rút ra từ các thực tế kinh tế là cơ sở của chúng”(1). “Sự phát triển của chính trị, pháp luật, triết học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật,… đều dựa trên cơ sở sự phát triển kinh tế”(2).

Đảng Cộng sản Việt Nam xác định bắt đầu đổi mới từ lĩnh vực kinh tế, lấy đổi mới kinh tế làm cơ sở, tiền đề, động lực để đổi mới chính trị là hoàn toàn đúng đắn. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa VI về “Một số vấn đề cấp bách về công tác tư tưởng trước tình hình trong nước và quốc tế hiện nay” chỉ rõ: “Không thể tiến hành cải cách hệ thống chính trị một cách vội vã khi chưa đủ căn cứ,... dẫn đến sự mất ổn định về chính trị, gây thiệt hại cho sự nghiệp đổi mới”(3). Nhận định trên là hoàn toàn đúng đắn, bởi lẽ đổi mới chính trị cần có cơ sở, điều kiện, tiền đề nhất định, không thể đổi mới một cách tùy tiện, vô nguyên tắc. Bài học từ cải tổ chính trị một cách vô nguyên tắc dẫn đến sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX vẫn còn nguyên giá trị.

Văn kiện Đại hội VII của Đảng khẳng định từ những năm đầu đổi mới: “Phải tập trung sức làm tốt đổi mới kinh tế, đáp ứng những đòi hỏi cấp bách của nhân dân về đời sống, việc làm và các nhu cầu xã hội khác, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, coi đó là điều kiện quan trọng để tiến hành thuận lợi đổi mới trong lĩnh vực chính trị”(4).

Tuy nhiên, chính trị, cũng như các nhân tố khác của thượng tầng kiến trúc, có sự độc lập tương đối và tác động trở lại đối với kinh tế, theo hướng thúc đẩy hoặc kìm hãm. Do đó, đồng thời với đổi mới kinh tế, phải từng bước đổi mới chính trị, một cách phù hợp để thúc đẩy kinh tế phát triển.

Đổi mới chính trị ở Việt Nam trọng tâm là đổi mới tư duy chính trị và hệ thống chính trị. Hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay gồm các bộ phận cấu thành như: Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Trong đó, các tổ chức chính trị - xã hội bao gồm: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội hợp pháp khác được thành lập, hoạt động trên cơ sở liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức làm nền tảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện và bảo đảm đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân.

Đổi mới hệ thống chính trị ở Việt Nam chính là đổi mới các bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị và mối quan hệ giữa các bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị để có một hệ thống chính trị tinh gọn, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả cao nhằm dẫn dắt lĩnh vực kinh tế và các lĩnh vực khác phát triển nhanh, bền vững theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Nhà máy đường của Công ty cổ phần đường Kon Tum _Ảnh: TTXVN

Quá trình đổi mới hệ thống chính trị ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, thể hiện ở việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng để vừa phát huy vai trò, vị thế của Đảng, vừa phát huy vai trò, tính chủ động, tích cực của các bộ phận cấu thành hệ thống chính trị (Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội); đồng thời khắc phục được hai khuynh hướng sai lầm là Đảng “bao biện”, “làm thay” các bộ phận khác của hệ thống chính trị và Đảng “buông lỏng” sự lãnh đạo đối với các bộ phận khác của hệ thống chính trị. Cả hai khuynh hướng đó đều làm giảm hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng và hoạt động cả hệ thống chính trị. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Cùng với đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, việc đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của Nhà nước cũng được thực hiện một cách quyết liệt, có hiệu quả rõ rệt, thể hiện nổi bật ở bước chuyển từ Nhà nước chuyên chính vô sản sang Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra sau khi công cuộc đổi mới kinh tế tiến hành và đạt được những thành tựu bước đầu, từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII (năm 1994); tiếp đó, các kỳ đại hội của Đảng ta đều khẳng định quyết tâm xây dựng Nhà nước pháp quyền. Từ Đại hội X (năm 2006) đến nay, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân được coi là một đặc trưng của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Đồng thời với đổi mới hai thành tố cấu thành quan trọng nhất trong hệ thống chính trị là Đảng và Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cũng có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, như: Phát huy ngày càng tốt hơn vai trò đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân; chủ động tham gia giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị ngày càng hiệu quả; làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện ngày càng tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân...

Đổi mới hệ thống chính trị ở Việt Nam còn thể hiện ở việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ví dụ, việc giảm số bộ và cơ quan ngang bộ, cắt giảm các tổng cục trong các bộ, tinh giản biên chế được thực hiện quyết liệt. Theo thống kê của Bộ Nội vụ, đến năm 2022, các bộ, ngành trung ương đã cắt giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục; giảm 8 cục thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm được 90% phòng trong vụ(5)

Như vậy, mặc dù còn một số hạn chế, song quá trình đổi mới chính trị ở nước ta được tiến hành đồng bộ, đi đôi với đổi mới kinh tế; vừa từng bước, thận trọng, bảo đảm nguyên tắc, vừa mạnh mẽ, quyết liệt, toàn diện, đạt được những thành tựu quan trọng, không hề “nửa vời” như luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Hai là, phê phán luận điệu cho rằng “vì không đổi mới chính trị nên đổi mới kinh tế ở Việt Nam không đạt hiệu quả, kinh tế Việt Nam phát triển chậm chạp”.

Đổi mới ở Việt Nam bắt đầu từ đổi mới kinh tế, bởi vì, xét đến cùng, kinh tế là lĩnh vực quan trọng nhất, quy định sự phát triển của xã hội loài người, như C. Mác và Ph. Ăngghen khẳng định: “Chúng tôi cho rằng, những điều kiện kinh tế xét cho cùng quy định sự phát triển lịch sử”(6). Vì kinh tế là lĩnh vực quan trọng quy định sự phát triển của xã hội nên Đảng ta coi đổi mới kinh tế là trọng tâm, được khẳng định tại Đại hội VII: “Lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ việc đổi mới các lĩnh vực khác, nhất là về dân chủ hoá xã hội, tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, các chính sách giáo dục, văn hóa, xã hội”(7). Nội dung cơ bản của đổi mới kinh tế ở nước ta là chuyển từ mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tập trung ở một số nội dung sau: Chuyển đổi từ sản xuất hiện vật sang sản xuất hàng hóa; chuyển đổi từ nền kinh tế vận hành theo mệnh lệnh hành chính, kế hoạch, chỉ tiêu là chính sang nền kinh tế vận hành theo quy luật của thị trường là chính; chuyển đổi từ nền kinh tế đơn thành phần sang nền kinh tế đa thành phần; chuyển đổi từ nền kinh tế khép kín sang nền kinh tế mở và hội nhập kinh tế thế giới; chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ... Những nội dung này có mối quan hệ mật thiết với nhau, tạo điều kiện, tiền đề cho nhau, được triển khai đồng bộ. Do đó, quá trình đổi mới kinh tế ở Việt Nam có cùng mục tiêu là phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.

Sau gần 38 năm đổi mới, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu về mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Quan hệ đối ngoại về kinh tế giữa Việt Nam và các nước trên thế giới có bước phát triển vượt bậc. Việt Nam đã tham gia nhiều tổ chức kinh tế, ký kết nhiều hiệp định thương mại, cụ thể như gia nhập ASEAN năm 1995; ASEM năm 1996; APEC năm 1998; WTO năm 2007; CPTPP năm 2018; đăng cai thành công Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2006 và 2017. Năm 2020, Việt Nam đã phê chuẩn và triển khai có hiệu quả Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); tham gia ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực, trong đó phần nhiều là hiệp định thuộc lĩnh vực kinh tế. Việc mở rộng quan hệ kinh tế với các nước, các đối tác trên thế giới vừa khẳng định năng lực kinh tế của Việt Nam, vừa khẳng định sự công nhận của thế giới đối với sự phát triển của Việt Nam nói chung, đối với phát triển kinh tế nói riêng.

Bốc, xếp hàng hóa xuất khẩu ở cảng Cái Mép Thị Vải (ảnh: Nguyễn Ngọc Cường) _Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Sau gần 38 năm đổi mới, “đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển... bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi... Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên... vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao”(8). Trong những năm đổi mới, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam luôn ở mức cao. Từ một nước nghèo, kém phát triển, Việt Nam đã vươn lên đứng trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, với quy mô GDP đạt 430 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt 4.284 USD (năm 2023). Những thành tựu kinh tế vượt bậc đó có được một phần quan trọng là do quá trình đổi mới chính trị với những bước đi phù hợp, là tác nhân thúc đẩy đổi mới kinh tế tích cực, giúp nền kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững, không hề “chậm chạp”, “không hiệu quả” như luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Thứ ba, phê phán luận điệu cho rằng “đổi mới chính trị ở Việt Nam là phải thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”.

Đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập vốn là một lý thuyết triết học, chính trị học, xã hội học xuất hiện từ thế kỷ XVIII, sau đó được giai cấp tư sản một số nước lựa chọn để đấu tranh chống lại giai cấp địa chủ phong kiến đang nắm quyền lực. Hiện nay, có nhiều nước lựa chọn thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, tuy nhiên kết quả phát triển về kinh tế của các nước đó không hoàn toàn giống nhau, trong đó có những nước đang là nước lạc hậu, kém phát triển, thậm chí có một số nước đang lâm vào tình trạng bất ổn chính trị, chiến tranh xung đột liên miên. Có thể khẳng định, đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập không phải là mô hình mẫu cho mọi quốc gia, dân tộc; sự phát triển kinh tế - xã hội không phụ thuộc vào nhất nguyên hay đa nguyên, một đảng hay đa đảng lãnh đạo; hay nói cách khác, đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập không phải là điều kiện cần và đủ cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Thực tế cũng chứng minh, không phải ở đâu có đa nguyên kinh tế là tất yếu có đa nguyên chính trị; không phải ở đâu có tự do kinh tế là tự nhiên sẽ có nền chính trị dân chủ… Như vậy, luận điệu về đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập hoàn toàn không phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Thực tế trước và sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, trở thành đảng cầm quyền cho đến năm 1988, ở Việt Nam đã hình thành và tồn tại nhiều đảng chính trị với ý thức hệ, tôn chỉ, mục đích hoạt động khác nhau, song đều thất bại. Các đảng này không thể hiện được vai trò đối với sự phát triển của đất nước nên không được đông đảo nhân dân ủng hộ, do đó không tồn tại được và tự giải tán. Chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam với đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam, được đông đảo nhân dân Việt Nam tin tưởng và ủng hộ, nên đã lãnh đạo nhân dân giành được độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, tiến hành công cuộc đổi mới xây dựng Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thực tiễn đã chứng minh, chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới có đủ uy tín và năng lực lãnh đạo đất nước; ngoài Đảng Cộng sản ra không có một lực lượng nào khác có đủ uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước.

Như vậy, cả lý luận và thực tiễn đều chứng minh, đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập không phù hợp với Việt Nam. Cổ xúy đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập ở Việt Nam thực chất là thủ đoạn nham hiểm của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng và nhân dân ta.

Công cuộc đổi mới ở Việt Nam được bắt đầu từ đổi mới kinh tế, trên cơ sở đổi mới kinh tế, từng bước đổi mới chính trị một cách phù hợp. Nhờ đổi mới chính trị nên đã xác lập hệ thống chính trị với mô hình, cơ cấu và cơ chế hoạt động phù hợp với nền kinh tế thị trường, Nhà nước pháp quyền và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đã xây dựng, vận hành nền kinh tế thị trường phù hợp với chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa. Điều đó chứng tỏ, đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở Việt Nam đã và đang đi đúng quy luật phát triển./.

TS ĐINH VĂN THỤY

 

Phó Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

---------------

(1) C. Mác và Ph. Ăng ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, t. 39, tr. 132
(2) C. Mác và Ph. Ăng ghen: Toàn tậpSđd, tr. 271
(3) Xem: Nghị quyết số 07-NQ/TW, ngày 24-8-1989, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI), “Một số vấn đề cấp bách về công tác tư tưởng trước tình hình trong nước và quốc tế hiện nay”, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-vi/nghi-quyet-so-07-nqtw-ngay-2481989-hoi-nghi-lan-thu-bay-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-vi-mot-so-van-de-cap-bach-1108
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1991, tr. 54
(5) Xem: https://moha.gov.vn/tin-noi-bat/cat-giam-17-tong-cuc-sap-xep-hon-500-lanh-dao-quan-ly-48207.html (truy cập ngày 3-6-2023)
(6) C. Mác và Ph. Ăng ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, t. 39, tr. 271
(7) Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 269
(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 65 - 66

Các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị ra sức xuyên tạc, bóp méo, hòng phủ nhận thành quả to lớn của quá trình gần 40 năm đổi mới. Họ rêu rao rằng, Việt Nam chỉ bước đầu đổi mới về kinh tế, chứ không đổi mới chính trị. Vì kinh tế quyết định chính trị, nên khi kinh tế đổi mới mà chính trị không đổi mới thì dẫn tới chính trị trì trệ, lạc hậu, cản trở sự phát triển kinh tế. Do đó, Việt Nam cần đổi mới chính trị một cách mạnh mẽ, quyết liệt để phù hợp với kinh tế theo hướng thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập như các nước tư bản chủ nghĩa đang áp dụng (!?). Dã tâm của các thế lực thù địch hòng phủ nhận thành tựu của đổi mới kinh tế, đổi mới chính trị, tiến tới phủ nhận thành tựu của côn

Tin khác cùng chủ đề

Bác bỏ luận điệu Việt Nam không thực thi và đảm bảo nhân quyền!
Phát động cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Phòng, chống “diễn biến hòa bình”: Lại tuyên truyền "bẩn"!
Sự xuyên tạc, kích động thâm hiểm về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển
Giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình - chính sách quốc phòng đúng đắn của Việt Nam

Gửi bình luận của bạn