(LLCT) - Ngày 20-3-2022, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố Báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền trên thế giới. Báo cáo chứa đựng nhiều thông tin sai lệch, xuyên tạc về tình hình nhân quyền của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích, phản bác những luận điệu xuyên tạc liên quan đến việc bảo đảm và thực thi các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do học thuật và sự kiện văn hóa ở Việt Nam.

Phản bác những luận điệu xuyên tạc về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, học thuật và sự kiện văn hóa ở Việt Nam
Phản bác những luận điệu xuyên tạc về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, học thuật và sự kiện văn hóa ở Việt Nam

 

Phản bác những luận điệu xuyên tạc về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, học thuật và sự kiện văn hóa ở Việt Nam
 

Màn tái hiện không khí Tiến quân ca tại Quảng trường 19/8 (trước Nhà hát Lớn Hà Nội) trong khuôn khổ chương trình "Đàn chim Việt". Ảnh: TL

1. Phản bác luận điệu xuyên tạc về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí

Báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền trên thế giới năm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (gọi tắt là Báo cáo) cho rằng Chính phủ Việt Nam đã: “...không tôn trọng các quyền này và một số luật đặc biệt xâm phạm quyền tự do ngôn luận. Chính phủ cũng tiếp tục sử dụng các điều khoản rộng rãi về an ninh quốc gia và chống phỉ báng trong luật để hạn chế quyền tự do ngôn luận”; “Chính phủ tiếp tục hạn chế các bài phát biểu chỉ trích cá nhân các nhà lãnh đạo chính phủ hoặc đảng, thúc đẩy đa nguyên chính trị hoặc dân chủ đa đảng hoặc đặt câu hỏi về các chính sách về các vấn đề nhạy cảm”; “Kiểm duyệt hoặc hạn chế nội dung đối với các thành viên của báo chí và các phương tiện truyền thông khác, bao gồm cả phương tiện truyền thông trực tuyến...”. Đây là những nhận định sai sự thật, thiếu khách quan trong Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khi cố tình xuyên tạc, vu khống Việt Nam vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.

Trước hết, cần khẳng định rằng, tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí là chủ trương, chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam và được thể chế hóa bằng Hiến pháp, pháp luật

Trên cơ sở nội luật hóa pháp luật quốc tế về tự do ngôn luận, tự do báo chí, Hiến pháp đầu tiên năm 1946, Hiến pháp năm 1959 của nước ta đã khẳng định người dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và được pháp luật bảo đảm thực hiện. Các Hiến pháp sau này đều kế thừa và phát triển nội dung của Hiến pháp năm 1946, năm 1959 về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.

Hiến pháp năm 2013 và các bộ luật liên quan như: Luật Tiếp cận thông tin, Luật Báo chí, Luật An ninh mạng và nhiều văn bản pháp luật khác tiếp tục thể chế hóa quyền này. Cụ thể:

Hiến pháp năm 2013 quy định tại Điều 25: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Luật Báo chí năm 2016 quy định tại Điều 10 về Quyền tự do báo chí của công dân: Sáng tạo tác phẩm, cung cấp, phản hồi, tiếp cận thông tin báo chí, liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí, in, phát hành báo in; Điều 11 về Quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân quy định công dân có quyền: phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức, cá nhân.

Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 cũng khẳng định tại Khoản 1, Điều 3 và Khoản 1, Điều 8: Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin”; “Công dân có quyền: a) Được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời; b) Khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tiếp cận thông tin”;

Điều 167 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về “Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân”...

Bên cạnh đó, trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời, minh bạch, thuận lợi; bảo đảm mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin... cũng được quy định rõ trong Luật Báo chí năm 2016 và Luật Tiếp cận thông tin năm 2016.

Từ ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để người dân được thụ hưởng. Tính đến tháng 6-2023, Việt Nam có 127 cơ quan báo, 677 cơ quan tạp chí (trong đó 327 tạp chí lý luận chính trị và khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật); 71 cơ sở truyền thanh, truyền hình hoạt động độc lập; 666 cơ sở truyền hình - truyền thanh cấp huyện; 9.959 đài truyền thanh cấp xã (trong đó 1.757 đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông, 1.386 đài của xã nông thôn, miền núi); 57 nhà xuất bản. Số lượng lao động trong lĩnh vực báo chí ước khoảng 71.830 người (tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022); Tỷ lệ người dùng internet đạt 78,59% (vượt mục tiêu kế hoạch năm 2023, năm 2023 là 76%)(1); 253 cơ quan báo chí tham gia hoạt động thông tin đối ngoại, 59 văn phòng báo chí Việt Nam thường trú tại nước ngoài, 137 phóng viên Việt Nam thường trú tại nước ngoài trong năm 2022(2); số người được cấp thẻ nhà báo là 11.958(3).

Đảng và Nhà nước ta bảo đảm mọi công dân Việt Nam thực hiện tốt nhất quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của mình thông qua các sản phẩm báo chí, thông tin. Ngoài báo chí phổ thông, nhiều cơ quan báo chí trung ương và địa phương còn xuất bản ấn phẩm phục vụ dân tộc thiểu số hay người khuyết tật. Ví dụ, Đài Truyền hình Việt Nam phát đồng thời hình ảnh người dẫn chương trình ký hiệu dành cho người khuyết tật, nhiều đài phát thanh - truyền hình dành chuyên kênh phát thanh, truyền hình bằng nhiều thứ tiếng của đồng bào các dân tộc thiểu số... Bên cạnh các cơ quan báo chí trong nước, tại Việt Nam còn có nhiều hãng truyền thông quốc tế hoạt động như CNN, Reuters, AP, AFP, Kyodo, Asia, Rossiya Segodnya... Trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam luôn có tinh thần cầu thị, tích cực học hỏi, tiếp thu, tham khảo những kinh nghiệm tiến bộ của các quốc gia trên thế giới để thực hiện ngày càng tốt hơn quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí cho đại đa số người dân. Đây là những minh chứng khẳng định quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước tôn trọng và ngày càng bảo đảm.

Thứ hai, tự do ngôn luận, tự do báo chí được xem là nguyên tắc cơ bản cho một nền dân chủ, tuy nhiên không vì thế mà quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí không có giới hạn nhất định

Trong pháp luật quốc tế cũng như pháp luật của mỗi quốc gia, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí không phải là quyền tuyệt đối, tự do vô chính phủ.

Công ước về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 đã khẳng định tại Điều 19: “Việc thực hiện quyền tự do ngôn luận có thể phải chịu một số hạn chế nhất định và những hạn chế này cần được quy định bởi pháp luật, nhằm: a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”.

Tuyên ngôn về Nhân quyền và Dân quyền Pháp năm 1789 ghi nhận: “Bất kỳ công dân nào cũng có thể nói, viết và công bố tự do; tuy nhiên, họ sẽ phải chịu trách nhiệm nếu lạm dụng quyền tự do này theo quy định của pháp luật”. Các hành vi phỉ báng, xúc phạm danh dự của tổng thống hay các thành viên hoàng gia... bị hình sự hóa ở các nước như Italia, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ...

Ngay tại Hoa Kỳ, giới hạn của tự do ngôn luận được thể hiện ở chỗ Tòa án Tối cao Hoa Kỳ cho phép chính quyền ngăn chặn và trừng phạt các phát ngôn có tính chất khiêu dâm, tục tĩu, phỉ báng, xúc phạm và gây hấn mà không bị xem là vi hiến.

Pháp luật Việt Nam cũng nghiêm cấm các hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để vu khống, bôi nhọ danh dự cá nhân, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, kích động, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thông tin không đúng sự thật, gây hoang mang trong dư luận, xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác... Các hành vi nghiêm cấm này được quy định cụ thể trong các văn bản: Luật báo chí năm 2016 (Điều 9), Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 (Điều 3), Luật An ninh mạng năm 2018 (Khoản 3, Điều 16); Bộ luật Hình sự năm 2015 (Điều 331).

Tự do ngôn luận, tự do báo chí là những quyền cơ bản của con người, được pháp luật Việt Nam tôn trọng và bảo đảm. Tuy nhiên, quyền tự do nói chung, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí nói riêng đều phải trong khuôn khổ cho phép và không bị nghiêm cấm bởi luật pháp. Những thành tựu về mặt pháp lý, cũng như thực tiễn thời gian qua là minh chứng sinh động phản bác luận điệu xuyên tạc trong Báo cáo cho rằng Việt Nam “không tôn trọng” hay “xâm phạm” quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bất chấp những thành tựu không thể phủ nhận của Việt Nam để xuyên tạc, bóp méo những nỗ lực trong bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam. Báo cáo đã liệt kê các vụ việc như: Đinh Văn Hải và Nguyễn Duy Linh đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Bến Tre kết án về tội “Truyền bá thông tin, phát tán tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước”; Nguyễn Hoài Nam bị Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”; Bộ Thông tin và Truyền thông đã phạt báo Pháp luật Việt Nam 325 triệu đồng và đình chỉ giấy phép hoạt động do đăng “thông tin sai sự thật”, “nội dung giật gân”,“suy diễn vô căn cứ”, “thiếu chuyên nghiệp”;... Báo cáo đã sử dụng những thuật ngữ như: “một số nhà phê bình nổi tiếng trên mạng xã hội”, “streamer”, “nhà phê bình lớn tiếng”, “Tiếng nói của Truyền hình Sự thật”... để cổ xúy cho những cá nhân, tổ chức đang “đấu tranh” cho cái gọi là tự do ngôn luận, tự do báo chí kiểu phương Tây và cho rằng những vụ việc này là điển hình về việc vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí tại Việt Nam.

Trên thực tế, các đối tượng mà Báo cáo liệt kê, dẫn chứng đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để tán phát tài liệu, tuyên truyền, chia sẻ các bài viết, thông tin có nội dung xấu độc và đã bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam về các hành vi phá hoại an ninh quốc gia, gây mất an toàn xã hội, kích động bạo lực, ảnh hưởng danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân, vi phạm đạo đức, lối sống, truyền thống, văn hóa, lịch sử đất nước, con người Việt Nam.

2. Phản bác luận điệu không chính xác, thiếu khách quan về tự do học thuật và sự kiện văn hóa

Báo cáo đề cập đến tự do học thuật, sự kiện văn hóa ở Việt Nam và cho rằng quyền này bị hạn chế. Đây là những nhận định thiếu khách quan, không chính xác.

Thứ nhất, về tự do học thuật

Báo cáo đã áp đặt quyền tự do học thuật của giáo dục phương Tây, mà bỏ qua tính đặc thù về quyền khi đánh giá về tự do học thuật ở Việt Nam.

Theo Bách khoa toàn thư Britannica, tự do học thuật được hiểu rất rộng là “sự tự do của người dạy và người học trong việc dạy, học, tìm hiểu kiến thức và nghiên cứu mà không có sự can thiệp hay giới hạn vô lý của pháp luật, nội quy hay áp lực công cộng”(4). Theo cách hiểu này, tự do học thuật bao gồm quyền của giảng viên và sinh viên trong truyền đạt, học tập, nghiên cứu, biểu đạt ý kiến.

Theo quy định của pháp luật nhiều nước có nền giáo dục phát triển, tự do học thuật là khái niệm xuất hiện trong môi trường giáo dục đại học, đề cao vai trò và quyền của người dạy trong việc tự do nghiên cứu, giảng dạy, phát ngôn và xuất bản, tuân theo các chuẩn mực về khoa học mà không bị giới hạn.

Thuật ngữ “quyền tự do học thuật” không xuất hiện phổ biến trong các văn bản pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, đây là một trong các quyền văn hóa được quy định trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, hàm chứa trong đó quyền tự do học tập, nghiên cứu, trao đổi và quyền tự do ngôn luận của công dân trong việc tìm tòi, sáng tạo, hướng tới những tri thức mới. Trên cơ sở kế thừa và vận dụng pháp luật quốc tế về tính phổ quát của quyền tự do học thuật, pháp luật Việt Nam quy định mang tính chất đặc thù và bảo đảm cho sự phát triển của quyền tự do học thuật của tất cả công dân.

Hiến pháp năm 2013, tại Điều 39, 40 quy định: “công dân có quyền và nghĩa vụ học tập”; “Mọi người có quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học...”, Điều 25 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Luật Giáo dục Đại học năm 2012 quy định tại khoản 7, Điều 55: giảng viên có quyền “độc lập về quan điểm chuyên môn trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học trên nguyên tắc phù hợp với lợi ích của Nhà nước và xã hội”. Luật Viên chức năm 2010 quy định tại Khoản 5, Điều 11, viên chức “được quyết định vấn đề mang tính chuyên môn gắn với công việc hoặc nhiệm vụ được giao”.

Trên thực tế, vấn đề tự do học thuật ở Việt Nam được quan tâm và phát triển theo hướng là quyền của giáo viên ở mọi cấp giáo dục. Hiểu rộng hơn, tự do học thuật là quyền của mỗi cá nhân trong đơn vị, tổ chức có chức năng giáo dục, đào tạo, nghiên cứu chứ không chỉ gắn với giáo dục đại học. Bởi, mục đích của giáo dục, nghiên cứu nói chung không chỉ là truyền trao tri thức, mà quan trọng hơn còn là việc tìm tòi, sáng tạo, phát hiện chân lý thông qua nghiên cứu, trao đổi, thảo luận và phát triển những tri thức mới. Bên cạnh đó, tiếp cận dưới góc độ về quyền, tự do học thuật chính là tự do ngôn luận đã được pháp luật ghi nhận và bảo đảm thực hiện.

Tuy nhiên, dù là quyền của cá nhân trong đơn vị, tổ chức thực hiện chức năng giáo dục, đào tạo, nghiên cứu hay quyền tự do ngôn luận thì quyền tự do học thuật vẫn chỉ là một quyền tương đối, bị giới hạn trong những hoàn cảnh nhất định. Luật Giáo dục Đại học quy định, quyền tự chủ về học thuật “bảo đảm không gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng, không xuyên tạc lịch sử, ảnh hưởng xấu đến văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục và đoàn kết các dân tộc Việt Nam, hòa bình, an ninh thế giới, không có nội dung truyền bá tôn giáo”(5). Luật Viên chức năm 2010 quy định tại Điều 19, nghiêm cấm viên chức “lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để tuyên truyền chống lại chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc gây phương hại đối với thuần phong, mỹ tục, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân và xã hội”.

Đối tượng mà Báo cáo đề cập đến khi nói về tự do học thuật là các chuyên gia nước ngoài làm việc tạm thời tại các trường đại học ở Việt Nam, không phải là công dân Việt Nam và yêu cầu của Chính phủ đối với các tổ chức quốc tế và trong nước khi tổ chức hội nghị liên quan đến tài trợ hoặc tham gia quốc tế (nói cách khác là hội thảo có yếu tố nước ngoài) thì phải được sự cho phép của Chính phủ Việt Nam.

Các chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quyền tự do học thuật. Điều đó có nghĩa rằng, người nước ngoài khi nghiên cứu, trao đổi, giảng dạy, phát ngôn cũng phải bảo đảm quyền tự do trong giới hạn mà pháp luật Việt Nam quy định, phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc tham gia, tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế phải được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam theo Quyết định số 06/2020/QĐ-TTg ngày 21-02-2020 của Thủ tướng Chính phủ “Về tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam”. Quyết định của Chính phủ đã quy định rõ các nội dung, như thẩm quyền, quy trình, thủ tục, mục đích, nội dung, chương trình... của hội nghị, hội thảo do các cơ quan, tổ chức Việt Nam tổ chức có sự tham gia hoặc có nhận tài trợ của nước ngoài. Quy định pháp luật này thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong quan hệ đối ngoại và bảo đảm thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan đến quyền và nghĩa vụ đối với người nước ngoài tại Việt Nam.

Thứ hai, về sự kiện văn hóa

Báo cáo nhận định một cách thiếu khách quan, không chính xác khi cho rằng quyền tham gia, tổ chức các hoạt động văn hóa tại Việt Nam bị hạn chế.

Quyền văn hóa là một trong những quyền cơ bản của con người được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948: “mọi người đều có quyền tự do tham gia vào đời sống văn hóa của cộng đồng” (Điều 27). Tuyên ngôn Thế giới về đa dạng văn hóa được thông qua tại phiên họp toàn thể ngày 02-11-2001 của Tổ chức UNESCO cũng khẳng định tại Điều 5: “Các quyền văn hóa là một phần của quyền con người, mang tính phổ quát, không thể phân chia và phụ thuộc lẫn nhau... Do đó, mọi người đều có quyền thể hiện bản thân, sáng tạo...; đều có quyền tham gia vào đời sống văn hóa mà họ thích, cũng như thực hiện các thói quen văn hóa của riêng họ, trên cơ sở tôn trọng quyền con người và các quyền tự do cơ bản”.

Trên cơ sở nội luật hóa các văn bản quốc tế, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa, tiếp cận các giá trị văn hóa” (Điều 41). Nhà nước cũng ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa như Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Điện ảnh, Luật Di sản văn hóa, Luật Xuất bản, Luật Quảng cáo... nhằm tạo lập hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động về bảo tồn di sản văn hóa; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia biểu diễn nghệ thuật; tôn trọng quyền tự do sáng tạo và tự do hoạt động văn hóa của các tổ chức, cá nhân, bảo vệ quyền tác giả và các quyền liên quan.

Quyền con người trong lĩnh vực văn hóa không tách rời nghĩa vụ văn hóa. Do đó, tổ chức, cá nhân tham gia sáng tạo văn hóa, hưởng thụ những thành tựu văn hóa thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ đối với văn hóa. Để tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa, các chủ thể không những cần trau dồi về đạo đức, chính trị tư tưởng, nâng cao trí tuệ, bồi dưỡng, rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ nhằm bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc, hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ, mà còn phải chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý văn hóa.

Một trong những quy định trong công tác quản lý văn hóa là việc xin - cấp phép các chương trình biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật: Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14-12-2020 của Chính phủ “Quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn”; Quyết định số 3684/QĐ-BVHTTDL ngày 27-12-2022 “Về việc công bố thủ tục hành chính chuẩn hóa năm 2022 thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch”. Đây là việc làm quan trọng, cần thiết trong công tác quản lý của Nhà nước nhằm kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn, xử lý các hành vi tiêu cực trong lĩnh vực văn hóa như: những hoạt động văn hóa nghệ thuật kém chất lượng, vi phạm quy chế tổ chức biểu diễn; những chương trình văn hóa tổ chức khi chưa được cấp phép, chấp thuận hoặc thực hiện không đúng với nội dung đã được cấp phép, chấp thuận; nội dung chương trình không phù hợp với thuần phong mỹ tục; những sản phẩm văn hóa phản động từ nước ngoài có mục đích bôi nhọ, chống phá đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta v.v..

Vì vậy, không có chuyện “Chính phủ đã gây ảnh hưởng đối với các cuộc triển lãm nghệ thuật, âm nhạc và các hoạt động văn hóa khác bằng cách yêu cầu nhiều giấy phép” hoặc “...nhà chức trách đã phá rối cuộc hội thảo về văn hóa Ucraina được tổ chức tại Viện Nghiên cứu Công nghệ và Phát triển Đông Nam Á và Bắc Á (SENA) ở Hà Nội...”, “Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh phạt họa sĩ Bùi Quang Viễn 25 triệu đồng vì tổ chức triển lãm tranh không có giấy phép...” như Báo cáo đã dẫn. Đây rõ ràng là những sự kiện văn hóa được tổ chức khi không chấp hành quy định của pháp luật về việc cấp phép, vi phạm những điều cấm và đương nhiên bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.

Đảng ta chủ trương quan tâm và tạo mọi điều kiện để “Bảo đảm quyền hưởng thụ, tự do sáng tạo trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật của mỗi người dân và cộng đồng”(6), Nhà nước thực hiện chức năng quản lý về văn hóa qua việc cấp phép các hoạt động văn hóa nghệ thuật chính là thúc đẩy các hoạt động văn hóa nghệ thuật phát triển đúng với đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa, phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển đất nước.

Trong bối cảnh hiện nay, khi các phương tiện truyền thông xã hội phát triển mạnh mẽ, càng đặt ra yêu cầu chặt chẽ hơn trong công tác quản lý về văn hóa nhằm bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời kiên quyết đấu tranh với những sản phẩm “sáng tạo” phản văn hóa, văn hóa “lai căng”, mất gốc, văn hóa nhân danh “đổi mới” và “hội nhập quốc tế”.

3. Nhận diện âm mưu, thủ đoạn trong Báo cáo nhân quyền năm 2022

Những luận điệu trong Báo cáo thể hiện âm mưu, thủ đoạn lợi dụng dân chủ, nhân quyền để chống phá Việt Nam một cách rõ nét ở những khía cạnh sau:

Thứ nhất, Báo cáo dựa trên dữ liệu được thu thập, tổng hợp qua một số kênh thông tin của các tổ chức, phần tử phản động, cơ hội chính trị hoặc được cung cấp bởi những cá nhân, tổ chức chống Nhà nước Việt Nam để đưa ra những nhận định thiếu khách quan, vô căn cứ, áp đặt, một chiều về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Những thông tin được trích dẫn từ ý kiến cá nhân trên Đài Á Châu tự do, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, dịch vụ tin tức BBC Tiếng Việt... là những trang thông tin mà Báo cáo cho rằng dựa trên nguồn “báo cáo đáng tin cậy”. Báo cáo dùng những luận điệu như “nhà chức trách đã phá rối”; “cảnh sát ngăn cản”; “Các nhà chức trách cũng đàn áp”; “Chính phủ trừng phạt các nhà báo”, “Chính phủ đã gây ảnh hưởng”... để diễn đạt về hành vi “vi phạm dân chủ, nhân quyền của cơ quan công quyền Việt Nam” trong các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do học thuật và sự kiện văn hóa.

Thực chất, đây là hành động của cơ quan nhà nước Việt Nam bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đấu tranh với những hành vi sai trái của các phần tử phản động, thù địch có ý đồ chống phá Đảng, Nhà nước, mục đích gây bất ổn về chính trị, văn hóa, xã hội ở Việt Nam.

Thứ hai, bản Báo cáo đã cố tình lợi dụng “giá trị phổ quát” mà bỏ qua giá trị đặc thù của quyền con người, điều kiện thực tiễn chính trị - pháp lý trong quá trình thực thi quyền con người ở các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Thực tế, họ hoàn toàn không thiếu thông tin khi đưa ra Báo cáo này, mà ngược lại họ là những người rất am hiểu pháp luật Việt Nam. Bởi lẽ, họ có cơ quan đại diện ngoại giao và các tổ chức phi chính phủ (NGO) hoạt động tại Việt Nam. Họ đã chi phí, tài trợ rất lớn cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, các dự án xây dựng, phản biện chính sách, pháp luật tại Việt Nam. Do đó, họ hiểu rõ thực trạng pháp luật Việt Nam nhưng tìm mọi cách phát hiện những thiếu xót, sơ hở để bóp méo sự thật về nhân quyền tại Việt Nam.

Thứ ba, những thông tin Báo cáo đưa ra không có gì mới, mà là sự sao chép, cắt xén từ các Báo cáo của những năm trước và bổ sung, dẫn chứng, liệt kê những vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây mang tính chất cập nhật thời sự về tình hình vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Đây là nguồn tài liệu, thông tin tuyên truyền nguy hiểm, độc hại, tạo thêm cơ sở, cơ hội và điều kiện cho những phần tử phản động, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị trong và ngoài nước tiếp tục có những hành động tuyên truyền xuyên tạc, vu khống, phủ nhận những thành tựu, nỗ lực của Đảng và Nhà nước ta trong bảo vệ nhân quyền.

Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong tôn trọng và bảo đảm quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do học thuật và sự kiện văn hóa. Tuy nhiên, những luận điệu phủ nhận, xuyên tạc về tình hình nhân quyền ở Việt Nam mà Báo cáo đã nêu thể hiện rõ việc lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để chống phá Việt Nam. Vì vậy, chúng ta phải luôn cảnh giác, nhận diện và phản bác những đánh giá phiến diện, một chiều, xuyên tạc, vu khống về tình hình nhân quyền Việt Nam trong những năm tiếp theo.

Việt Nam phản đối, sẵn sàng và kiên trì, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với những luận điệu, hành vi dựa vào “tấm áo khoác” dân chủ, nhân quyền để xâm phạm vào công việc nội bộ, xuyên tạc, vu khống, phá hoại sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

ThS TRỊNH THỊ TUYẾT MAI
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 547 (tháng 9-2023)

Ngày nhận bài: 29-7-2023; Ngày bình duyệt: 4-9-2023; Ngày duyệt đăng: 14-9-2023.

(1) Bộ Thông tin và Truyền thông: Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2023.

(2) Bộ Thông tin và Truyền thông: Báo cáo hoạt động tháng 3-2023.

(3) Bộ Thông tin và Truyền thông: Sách trắng Công nghệ thông tin và Truyền thông năm 2022.

(4) http://www.britannica.com/EBchecked/topic/

2591/academic-freedom, truy cập ngày 15-7-2023.

(5) Điểm c, Khoản 1, Điều 13, Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

(6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.263-264.

    Màn tái hiện không khí Tiến quân ca tại Quảng trường 19/8 (trước Nhà hát Lớn Hà Nội) trong khuôn khổ chương trình "Đàn chim Việt". Ảnh: TL 1. Phản bác luận điệu xuyên tạc về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí Báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền trên thế giới năm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (gọi tắt là Báo cáo) cho rằng Chính phủ Việt Nam đã: “...không tôn trọng các quyền này và một số luật đặc biệt xâm phạm quyền tự do ngôn luận. Chính phủ cũng tiếp tục sử dụng các điều khoản rộng rãi về an ninh quốc gia và chống phỉ báng trong luật để hạn chế quyền tự do ngôn luận”; “Chính phủ tiếp tục hạn chế các bài phát biểu chỉ trích cá n

Tin khác cùng chủ đề

Bác bỏ luận điệu Việt Nam không thực thi và đảm bảo nhân quyền!
Phát động cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Phòng, chống “diễn biến hòa bình”: Lại tuyên truyền "bẩn"!
Sự xuyên tạc, kích động thâm hiểm về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển
Giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình - chính sách quốc phòng đúng đắn của Việt Nam

Gửi bình luận của bạn