Thực tế này đòi hỏi cần có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm minh nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của các cá nhân; đồng thời góp phần xây dựng một môi trường mạng an toàn, lành mạnh.
Bạo lực mạng (cyberbullying - bắt nạt trên mạng, bắt nạt trực tuyến) là những hành vi gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của con người được thực hiện trên không gian ảo, nơi các máy tính trao đổi dữ liệu, thông tin.
Trong thời đại công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ như hiện nay, bạo lực mạng đang diễn ra phức tạp ở phạm vi toàn cầu.
Thống kê từ trang web BroadbandSearch cho thấy có đến 36,5% người được khảo sát cho biết bản thân đã từng bị bắt nạt trực tuyến trong đời, 60% trẻ vị thành niên từng trải qua việc bị bắt nạt trực tuyến và 87% người trẻ từng chứng kiến hành vi bắt nạt trực tuyến.
Thậm chí có không ít người nổi tiếng tại một số quốc gia đã tự sát vì phải chịu sự kết tội và phán xét đầy ác ý từ những “anh hùng bàn phím”.
Tháng 1/2023, một cô gái 23 tuổi tại Trung Quốc chọn cách tự sát sau sáu tháng trầm cảm vì làn sóng chỉ trích của cộng đồng mạng cho rằng mái tóc nhuộm màu hồng của cô là hư hỏng và gọi cô bằng những cái tên xúc phạm và đầy miệt thị.
Tại Việt Nam, bạo lực mạng cũng xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau và có chiều hướng ngày càng gia tăng, hậu quả ngày càng nghiêm trọng.
Theo một khảo sát vào năm 2023 của Chương trình nghiên cứu internet và xã hội (VPIS, thuộc Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) cho thấy 78% người dùng mạng khẳng định mình từng là nạn nhân hoặc biết những trường hợp phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội; 61,7% từng chứng kiến hoặc trở thành nạn nhân của trò nói xấu, phỉ báng, bôi nhọ danh dự và 46,6% từng bị vu khống, bịa đặt thông tin.
Một số sự việc tiêu biểu như năm 2021, một bé gái 13 tuổi tại Long An đã tự tử do bị tẩy chay, cô lập và bắt nạt hội đồng trên Facebook đã dấy lên nhiều lo ngại về vấn nạn bạo lực mạng với những tác động tiêu cực của nó đến đời sống.
Tháng 8/2023, mạng xã hội tràn ngập những lời chỉ trích liên quan một số phát ngôn được cho là “vạ miệng” của hoa hậu Ý Nhi. Từ một số anti-fan, sau đó hình thành nhóm anti-fan lên tới hơn nửa triệu thành viên, với mục đích hạ thấp danh dự và đòi tước vương miện của tân hoa hậu.
Có thể nói, đây là những hành động vượt quá giới hạn từ những người tự cho mình quyền được lên án, “dạy dỗ” người khác bất chấp hậu quả có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến tâm lý, tinh thần và cuộc sống của cá nhân có liên quan.
Các hành vi bạo lực mạng đã và đang vi phạm nghiêm trọng đến quyền con người và nhìn rộng ra, đây cũng là một tác nhân hủy hoại những giá trị văn hóa cơ bản của các xã hội. Dễ thấy bạo lực mạng đang trực tiếp xâm phạm quyền riêng tư và quyền được bảo vệ dữ liệu cá nhân của mỗi người.
Khi một người trở thành nạn nhân của bạo lực mạng, toàn bộ thông tin riêng tư của nạn nhân lập tức bị một số đối tượng săn lùng, tìm kiếm, và chia sẻ, phát tán rộng rãi với mục đích không trong sáng.
Trang cá nhân của nạn nhân cũng trở thành mục tiêu để một bộ phận cư dân mạng tấn công bằng những lời chỉ trích, chửi bới, thóa mạ nặng nề.
Thậm chí email, điện thoại, các tài khoản mạng xã hội của nạn nhân còn có thể bị hack để đối tượng xấu vào đăng tải những nội dung nhằm mục đích chống lại nạn nhân. Bạo lực mạng còn xâm phạm đến quyền được bảo vệ danh dự, uy tín của cá nhân.
Mặc dù uy tín, danh dự bị tổn hại nghiêm trọng nhưng nạn nhân gần như bất lực khi muốn kháng cự hay đơn giản chỉ là tự bảo vệ bản thân mình bởi sức mạnh cộng hưởng từ đám đông ẩn danh quá lớn.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - một chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề xã hội chia sẻ: “Ném đá hay bắt nạt trên mạng xã hội có thể xem là hành động giết người tập thể mà không ai cảm thấy mình có lỗi. Mỗi người góp một lời nói khiến sự việc trở nên nghiêm trọng, khủng khiếp”.
Mặc dù cùng là một dạng bạo lực xã hội nhưng khác với các hình thức thông thường, bạo lực mạng có những đặc thù riêng, nguy hiểm hơn và khó ngăn ngừa, xử lý hơn.
Những tổn thương do bạo lực thể xác đều có thể được giám định cụ thể, điều trị và hồi phục nhưng bạo lực mạng khó có thể giám định tổn thương hay chữa trị hiệu quả, gây ảnh hưởng về sức khỏe tinh thần, tâm lý lâu dài và nghiêm trọng hơn.
Mặt khác nếu các hành vi bắt nạt trực tiếp dễ bị phát hiện và xử lý thì các hành vi đe dọa qua mạng ít có nguy cơ bị nhận diện hơn do tính chất ẩn danh. Vì thế mà một số người thực hiện không cảm thấy sợ hãi, thậm chí còn ngang nhiên gia tăng mức độ nghiêm trọng của các hành vi bắt nạt.
Nguy hiểm hơn, khi nhận được sự tung hô, cổ vũ từ nhiều người khác, họ thường có xu hướng lặp đi lặp lại những hành vi này. Đáng buồn là đa số thủ phạm và nạn nhân của bạo lực mạng hiện nay là người trẻ.
Ở lứa tuổi này, các hành vi bắt nạt người khác đôi khi được xem là một cách thể hiện và chứng tỏ bản thân. Một số trường hợp bị phát hiện và xử lý thì mức phạt hiện cũng khá nhẹ và chưa thực sự phát huy tính răn đe.
Bên cạnh đó những quy định hiện nay cũng chưa bao quát được đầy đủ các hành vi bạo lực mạng do đó việc xác định và xử lý loại hành vi này còn gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay tại nhiều quốc gia đã nỗ lực thực hiện đa dạng các giải pháp để ngăn ngừa, tiến tới xóa bỏ tình trạng bạo lực mạng.
Điển hình như tại Nhật Bản, theo quy định mới được sửa đổi tháng 7/2022, những người bị kết tội có hành vi bắt nạt trên mạng có thể phải đối mặt với mức phạt tù lên đến một năm, phạt tiền lên tới 300 nghìn yên (JPY), thay vì mức phạt cũ là 10 nghìn yên hoặc 30 ngày tạm giam.
Ngoài chế tài nghiêm khắc, hiện Nhật Bản còn áp dụng nhiều biện pháp khác để ngăn chặn các vụ bắt nạt trên mạng.
Tương tự, tại Trung Quốc, vào tháng 4/2022, sau nhiều vụ tự sát do bạo lực mạng, cơ quan giám sát internet của quốc gia này đã yêu cầu 18 nền tảng trực tuyến lớn trong nước phải phát triển một hệ thống giám sát và áp đặt các hình phạt nghiêm khắc hơn đối với những người dùng có hành vi bạo lực trên mạng.
Việc gia tăng các mức phạt này được coi là bước đi quan trọng nhằm giải quyết vấn nạn bắt nạt trực tuyến ngày càng phức tạp tại một số quốc gia châu Á. Ở Pháp, luật hình sự quy định rõ ràng bắt nạt tinh thần mà tạo cơ sở cho bạo lực mạng sẽ bị trừng phạt, mức án tối đa là một năm tù và 15 nghìn Euro. Các vụ bạo lực mạng có thể được đệ trình để truy tố hình sự.
Ở Việt Nam, chính quyền và các cơ quan chức năng đã sớm quan tâm và có những nỗ lực bước đầu trong việc phòng, chống bạo lực mạng.
Trong đó, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân luôn được tôn trọng và bảo đảm trong mọi trường hợp.
Văn bản pháp lý cao nhất của Việt Nam là Hiến pháp ghi rõ: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn” (Khoản 1, Điều 21).
Ngoài ra, mặc dù Việt Nam chưa có văn bản pháp luật quy định trực tiếp về vấn đề bạo lực mạng nhưng đã có một số điều luật đề cập đến vấn đề này.
Cụ thể, trong lĩnh vực dân sự, Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín.
Ở lĩnh vực hình sự, tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định mức phạt về tội “làm nhục người khác”, với mức phạt thấp nhất là cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm và cao nhất có thể lên đến 5 năm tù.
Ngoài ra, các hành vi bạo lực trên không gian mạng cũng có thể cấu thành tội phạm theo Điều 215 Bộ luật Hình sự về tội “vu khống, tội lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của các cá nhân, tổ chức”.
Bên cạnh đó, việc xử lý các vụ việc bạo lực mạng cũng có thể dựa trên Luật An ninh mạng năm 2018, Luật Trẻ em năm 2016, Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng...
Thời gian qua Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đấu tranh ngăn chặn bạo lực mạng song hiện vẫn phải đối mặt với không ít thách thức.
Vì thế, cùng với việc thực hiện nghiêm minh những chế tài và điều luật đã có, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các điều luật cụ thể, chặt chẽ với các mức xử phạt có tính răn đe hơn. Đồng thời xây dựng tiêu chí giúp nhận diện hành vi bạo lực mạng làm căn cứ để xử lý cũng như phòng ngừa.
Bên cạnh đó, các nhà cung cấp dịch vụ internet, các công ty quản lý nền tảng mạng xã hội cũng cần tăng cường kiểm duyệt nội dung và buộc người tham gia phải xác nhận danh tính (ID Verification) khi đăng ký tài khoản trên các nền tảng trực tuyến, hạn chế tình trạng ẩn danh.
Quan trọng hơn cả chính là bản thân mỗi cá nhân cần tự nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, chủ động đấu tranh, lên án cái xấu, bảo vệ cái tốt để tự bảo vệ mình, vừa góp phần xây dựng một môi trường mạng văn minh, lành mạnh. Cần khẳng định dù ở thế giới thật hay ảo, tinh thần thượng tôn pháp luật luôn cần được đề cao và là nguyên tắc ứng xử cần thiết đối với mỗi cá nhân.
Bạo lực mạng với nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau đã và đang vi phạm nghiêm trọng các quyền con người cơ bản như: quyền riêng tư; quyền về bảo vệ dữ liệu cá nhân; quyền bất khả xâm phạm về danh dự, nhân phẩm...