TRÁCH NHIỆM CỦA GIẢNG VIÊN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH  KHÁNH HÒA TRONG CÔNG CUỘC CHUYỂN ĐỔI XANH CỦA TỈNH
TRÁCH NHIỆM CỦA GIẢNG VIÊN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH KHÁNH HÒA TRONG CÔNG CUỘC CHUYỂN ĐỔI XANH CỦA TỈNH

1. Công cuộc chuyển đổi xanh của tỉnh Khánh Hòa

Hiện nay, mọi quốc gia trên thế giới đều phải đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu và khủng hoảng môi trường ngày càng nghiêm trọng, thì chuyển đổi xanh để tăng trưởng xanh đã trở thành xu thế và yêu cầu tất yếu, không có quốc gia nào có thể đứng ngoài. Chuyển đổi xanh và tăng trưởng xanh sẽ là giải pháp căn cốt giải quyết các vấn đề môi trường, giải quyết mâu thuẫn giữa các yếu tố: môi trường - kinh tế và xã hội. Chỉ chuyển đổi xanh mới có thể giải quyết vấn đề phát triển bền vững. Để đạt được các mục tiêu của chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, cần sự chung tay của toàn hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và toàn thể cộng đồng, hướng tới một trái đất xanh hơn, chất lượng sống tốt hơn.

Lối sống xanh, giải chạy VN Express Marathon Nha Trang 2024

Theo Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, quan điểm được nêu rõ: “Tăng trưởng xanh dựa trên tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng xanh phải dựa trên cơ sở khoa học và công nghệ hiện đại, phù hợp với điều kiện Việt Nam.” [i]. Nói đến tăng trưởng xanh là hướng đến các nhiệm vụ gồm: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Xanh hóa sản xuất; Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Mặt khác, Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030: “Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hoá sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển.”

Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (từ đây viết tắt là NQ-09) đã đặt mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hoà là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển, là đô thị thông minh, bền vừng, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biến quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ.

Khánh Hòa đang hướng đến xây dựng thành đô thị sinh thái thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực Châu Á trong tương lai không xa. Công cuộc “xanh hóa” hay gọi cách khác là chuyển đổi xanh phải triển khai càng sớm càng tốt. Tháng 3 vừa qua tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng đề án chuyển đổi xanh của tỉnh giai đoạn 2024-2030. Đề án này được xây dựng nhằm mục tiêu “đưa Khánh Hòa thành một trong những đô thị ven biển thu hút khách du lịch và có môi trường đáng sống hàng đầu của châu lục với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, các hoạt động kinh tế, xã hội và quản trị của chính quyền vận hành chủ yếu theo phương thức của nền kinh tế số, xã hội số, các ngành sản xuất, dịch vụ phát triển theo phương thức thông minh và các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các mặt xã hội phát triển hài hòa, môi trường và cảnh quan thiên nhiên được gìn giữ, nhất là môi trường biển và ven biển; là địa phương đi đầu trong việc thực hiện mục tiêu đưa phát thải khí nhà kính về mức “0” của Việt Nam vào năm 2050”[ii].

Nông nghiệp xanh, trồng sen ở Ninh Hòa, Khánh Hòa

Theo đó, quá trình chuyển đổi từ nâu sang xanh để đạt được phát triển bền vững bao gồm các nội dung chuyển đổi chính như sau:

(1) “Chuyển đổi từ tăng trưởng đặt trọng tâm vào trụ cột kinh tế sang tăng trưởng cân bằng và hài hòa cả ba trụ cột kinh tế - xã hội và môi trường, theo đó chú trọng tăng trưởng GDP gắn với ổn định, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường;

(2) Chuyển đổi từ tăng trưởng theo chiều rộng dựa trên thâm dụng các yếu tố đầu vào (lao động, vốn, tài nguyên) sang tăng trưởng theo chiều sâu dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, coi trọng hiệu quả sử dụng nguồn lực, giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường (bảo tồn và duy trì chất lượng và số lượng nguồn vốn tự nhiên);

(3) Chuyển đổi từ tăng trưởng phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch sang tăng trưởng chủ động về năng lượng xanh, năng lượng phát thải thấp và năng lượng tái tạo;

(4) Chuyển đổi từ tăng trưởng dễ bị tổn thương (rủi ro cao, phát thải cao, khả năng thích ứng thấp) sang tăng trưởng chống chịu tốt với các rủi ro khí hậu và cú sốc từ bên ngoài (rủi ro thấp, giảm thiểu phát thải, khả năng thích ứng cao);

(5) Chuyển đổi từ tăng trưởng truyền thống sang tăng trưởng bao trùm các khía cạnh xã hội theo hướng đảm bảo tối đa lợi ích và giảm thiểu chi phí cho các nhóm yếu thế (phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số, người nghèo, người khuyết tật)”[iii].

Du lịch xanh ở Ba Hồ, Ninh Hòa

Đề án trình bày chiến lược, kiến trúc tổng thể, mô hình, các chỉ tiêu đo lường và giám sát tăng trưởng xanh, các dự án, sáng kiến cụ thể và lộ trình triển khai nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh trong các ngành trọng yếu mà tỉnh có lợi thế bao gồm 6 lĩnh vực: Du lịch xanh, Công nghiệp xanh, Nông nghiệp xanh, Hạ tầng xanh, Giao thông xanh và Lối sống xanh. Mỗi lĩnh vực có những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp riêng nhưng tựu trung lại, mục tiêu của quá trình chuyển đổi xanh là mang lại lợi ích thiết thực cho chính người dân Khánh Hòa.

2. Vai trò trách nhiệm của giảng viên Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa trong công cuộc chuyển đổi xanh của tỉnh

Chiến lược tăng trưởng xanh đã chỉ rõ “Tăng trưởng xanh là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, các cấp chính quyền, các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội.”[iv] Như vậy, để thực hiện công cuộc chuyển đổi xanh, toàn xã hội đều phải nỗ lực chung tay. Trong trách nhiệm chung ấy, Trường Chính trị tỉnh với vai trò là một cơ sở đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức trong tỉnh, chiếc cầu nối quan trọng để đưa chủ trương chính sách của Nhà nước đi vào cuộc sống thông qua hoạt động nghiên cứu và giảng dạy cho rất nhiều đối tượng là những nhà lãnh đạo, quản lý địa phương. Giảng viên Trường Chính trị có thể thông qua kết quả nghiên cứu và bài giảng để gửi gắm các thông điệp đến các học viên của mình, khi về vị trí công tác sẽ là người triển khai thực hiện các yêu cầu nhiệm vụ trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước. Cụ thể trong công cuộc chuyển đổi xanh của tỉnh, kết quả mức độ tiến độ thành công nhanh hay chậm đều phụ thuộc vào những nỗ lực của chính quyền địa phương. Hầu hết học viên Trường Chính trị là người nắm giữ các trọng trách ở các cơ quan quan trọng của tỉnh, huyện, xã, họ sẽ là người dẫn dắt toàn xã hội. Cho nên, để thống nhất nhận thức có thể xác định từ đầu mối giảng viên Trường Chính trị tỉnh.

Để phát huy vai trò của mình trong công tác tuyên truyền, đưa chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa trong công cuộc chuyển đổi xanh của tỉnh sẽ thực hiện các trách nhiệm sau:

(1). Nghiên cứu để hiểu rõ về thực trạng tỉnh Khánh Hòa, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, nội dung, giải pháp và các phân công nhiệm vụ trong Đề án chuyển đổi xanh tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2024-2030

Công tác nghiên cứu là công tác thường xuyên của mỗi giảng viên, vừa cập nhật tri thức lý luận, vừa cập nhật thông tin thực tiễn. Không chỉ khi có kế hoạch phân công bài giảng, cũng không chờ có giáo trình, mỗi giảng viên đều phải nghiên cứu rất nhiều nội dung liên quan đến chính sách và thực tiễn của địa phương. Do vậy, khi trách nhiệm chuyển đổi xanh là trách nhiệm của toàn xã hội thì Trường Chính trị cũng không thể đứng ngoài. Ngay từ khi góp ý xây dựng đề án, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh tham gia góp ý thì giảng viên Trường Chính trị cũng có thể theo dõi, tham dự trong các hội thảo, hội nghị, nghiên cứu, lĩnh hội và cũng có thể đóng góp ý kiến.

Mỗi nội dung trong Đề án đều có cơ sở lý luận và thực tiễn, việc nắm bắt các nội dung nói trên, từ mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, thực trạng và giải pháp, nếu hiểu rõ thì mới có thể truyền đạt hoặc lồng ghép vào các nội dung liên quan.

 (2). Xây dựng các bài giảng về chuyển đổi xanh để triển khai Đề án chuyển đổi xanh tỉnh Khánh Hòa trong toàn hệ thống chính trị

Hiện chưa có chương trình riêng tập huấn hay quán triệt về các nội dung này, nên chưa có bài giảng chuyên sâu về công tác này cho các cấp chính quyền các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, nếu giảng viên thấm nhuần các nội dung của Đề án thì việc chuyển tải nó vào các nội dung khác trong các chương trình đào tạo bồi dưỡng của Trường sẽ thực hiện được.

Mặt khác, Trường có thể nghiên cứu mở các lớp tập huấn về nội dung chuyển đổi xanh để tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức các cấp chính quyền địa phương. Trong chương trình tập huấn, giảng viên Trường Chính trị tỉnh sẽ hướng dẫn người học tìm hiểu để triển khai các nội dung của Đề án vào thực tiễn địa phương.

(3).Nghiên cứu tìm kiếm các giải pháp cụ thể trong góc độ lãnh đạo quản lý của hệ thống chính trị để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi xanh ở từng địa phương của tỉnh Khánh Hòa, để tất cả các địa phương cùng vào cuộc

Mỗi giảng viên, bằng kiến thức chuyên ngành, có thể nghiên cứu hiến kế giải pháp cụ thể hoặc lồng ghép trong bài giảng để yêu cầu người học tư duy về vấn đề chuyển đổi xanh, với các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp cho các lĩnh vực sẽ có thể đề xuất những giải pháp riêng cho địa phương, gắn với tình hình cụ thể, để điều hành quá trình chuyển đổi xanh tại địa phương cho vừa phù hợp với các tiêu chuẩn chung, vừa phù hợp năng lực địa phương.

(4). Tham gia lan tỏa mục tiêu, yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi xanh Khánh Hòa thông qua các kênh tuyên truyền mà giảng viên Trường có thể tham gia

Khi xác định chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh là trách nhiệm của toàn xã hội, thì mỗi người đều phải chung tay. Mỗi người trong đó không loại trừ người làm công tác tuyên truyền, tuyên huấn, trong khả năng và sức lan tỏa của mình, thực hiện nêu gương về nếp sống xanh, thực hiện tuyên truyền về chuyển đổi xanh, ấy cũng là góp phần trong trách nhiệm với cộng đồng, hướng đến xây dựng một Khánh Hòa văn minh, trong lành, đáng sống.

Với các cách làm như trên, thiết nghĩ công cuộc chuyển đổi xanh của tỉnh sẽ thành hiện thực sớm, để người thụ hưởng chính là người dân Khánh Hòa./.

 ThS. GVC. Lê Thị Kim Chung

Phó Trưởng khoa, Khoa Nhà nước và pháp luật,

Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa



[i] Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1393/QĐ-Ttg ngày 25/9/2012

[ii] Đề án chuyển đổi xanh tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2024-2030 được công bố trên Trang thông tin điện tử của Ban quản lý khu kinh tế Vân Phong

[iii] Đề án chuyển đổi xanh tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2024-2030

[iv] Quyết định số 1393/QĐ-Ttg ngày 25/9/2012

1. Công cuộc chuyển đổi xanh của tỉnh Khánh Hòa Hiện nay, mọi quốc gia trên thế giới đều phải đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu và khủng hoảng môi trường ngày càng nghiêm trọng, thì chuyển đổi xanh để tăng trưởng xanh đã trở thành xu thế và yêu cầu tất yếu, không có quốc gia nào có thể đứng ngoài. Chuyển đổi xanh và tăng trưởng xanh sẽ là giải pháp căn cốt giải quyết các vấn đề môi trường, giải quyết mâu thuẫn giữa các yếu tố: môi trường - kinh tế và xã hội. Chỉ chuyển đổi xanh mới có thể giải quyết vấn đề phát triển bền vững. Để đạt được các mục tiêu của chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, cần sự chung tay của toàn hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và toàn thể cộng đồng, hướng tới một

Tin khác cùng chủ đề

Hướng dẫn hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa từ ngày 1-1
Về đích thu ngân sách
10 sự kiện nổi bật năm 2021
Ước vọng đầu năm
Thư chúc mừng năm mới 2022 - xuân Nhâm Dần của Tỉnh ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa
Đón khách du lịch từ Kazakhstan đến Khánh Hòa trong ngày đầu năm 2023

Gửi bình luận của bạn