Tăng cường công tác tổng kết thực tiễn địa phương, thực hiện chức năng nhiệm vụ của Trường Chính trị tỉnh Khánh Hoà, đáp ứng tiêu chí trường chính trị chuẩn
Tăng cường công tác tổng kết thực tiễn địa phương, thực hiện chức năng nhiệm vụ của Trường Chính trị tỉnh Khánh Hoà, đáp ứng tiêu chí trường chính trị chuẩn

1. Chức năng, nhiệm vụ của Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa về công tác tổng kết thực tiễn

        Lịch sử nhân loại đã chứng minh rằng mọi lý luận khoa học đều từ nghiên cứu thực tiễn mà thành. Không có thứ lý luận không bắt nguồn từ thực tiễn. Sau quá trình vận dụng lý luận vào thực tiễn, việc tổng kết thực tiễn để bổ sung, phát triển lý luận là cần thiết. Việc tổng kết thực tiễn để bổ sung, phát triển lý luận là công việc của tất cả các ngành, không chỉ riêng đối với khoa học xã hội nhân văn mà cả khoa học tự nhiên và công nghệ; không chỉ đối với đường lối, chính sách của Đảng, mà cả pháp luật của Nhà nước. Thực tiễn kiểm nghiệm lý luận và đồng thời cũng làm giàu thêm lý luận.

Như mọi trường chính trị cấp tỉnh trong cả nước, Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương[i].

Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13 tháng 11 năm 2018, của Ban Chấp hành Trung ương về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng quy định rất cụ thể về các nhiệm vụ của trường chính trị. Theo đó, ngoài nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về chủ nghĩa Mác – Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các kiến thức ở các lĩnh vực khác cho cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền và các đoàn thể từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở; đào tạo, bồi dưỡng các cán bộ được quy hoạch; bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho các chức danh, phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan hướng dẫn và bồi dưỡng nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giảng viên ca trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện; đào tạo, bồi dưỡng cho các đối tượng khác, các chương trình khác theo chỉ đạo của Tỉnh ủy; Trường Chính trị còn có một nhiệm vụ rất quan trọng là tham gia tổng kết thực tiễn ở địa phương, cơ sở, tổ chức nghiên cứu khoa học phục vụ giảng dạy, học tập[ii].

Để thực hiện được công tác tổng kết thực tiễn, đòi hỏi các điều kiện sau: (1) Có thông tin thực tiễn; (2) Có kiến thức lý luận; (3) Có tư duy mở. Nếu không có thông tin thực tiễn thì chỉ là sự suy diễn, suy luận, dự liệu. Sự suy luận không được kiểm chứng bằng thực tiễn sẽ dễ dẫn đến dự liệu sót, suy luận lệch, suy luận sai, chủ quan, duy ý chí. Nếu tổng kết thực tiễn mà thiếu kiến thức lý luận thì có thể sẽ thiếu tính khái quát, bộp chộp, vội vàng, rút ra kết luận hời hợt, vụn vặt. Đặc biệt, quá trình tổng kết thực tiễn, không chỉ cần thông tin thực tiễn và chắc lý luận mà cần tư duy mở. Tư duy mở không có nghĩa là dễ dàng phủ định lý luận trước đó, mà là có khả năng phát hiện quy luật mới, phát hiện những điểm sót, thiếu hay chưa hợp lý của những kết quả nghiên cứu trước, để phát triển thành lý luận mới.

Lâu nay, tại Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa, công tác tổng kết thực tiễn địa phương chưa được chú trọng. Công tác này thường nằm ẩn trong công tác nghiên cứu khoa học của giảng viên. Nay, theo tiêu chí để xếp loại trường chính trị chuẩn được ban hành theo Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ban hành ngày 19/5/2021 về trường chính trị chuẩn, ở chuẩn mức 1, có chỉ rõ:

Kết quả nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của nhà trường được chuyển giao cho các cá nhân, tổ chức theo quy định của pháp luật. Có báo cáo kiến nghị, đề xuất tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương, các cơ quan trung ương từ kết quả nghiên cứu đề tài, hội thảo khoa học từ cấp tỉnh trở lên[iii].

Như vậy, nếu hoạt động tổng kết thực tiễn, nghiên cứu thực tế, nghiên cứu khoa học mà chưa chuyển giao kết quả cho các cá nhân, tổ chức hay chưa có kiến nghị, đề xuất gửi đến cơ quan Tỉnh ủy, hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhiệm vụ triển khai các hoạt động liên quan thì coi như là Trường Chính trị tỉnh chưa hoàn thành được nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn.

 

(Hội thảo khoa học cấp trường, chủ đề: “Giảng dạy lý luận chính trị trong thời đại 4.0”- Ảnh: Thành Luân)

Nhiều năm qua, công tác nghiên cứu khoa học hay tổng kết thực tiễn tại Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa tuy có nhưng hầu hết đều chưa chú ý công đoạn cuối cùng, kết quả nghiên cứu khoa học chưa thực hiện công đoạn chuyển giao, hoặc triển khai thực hiện chưa bài bản. Công tác tổng kết thực tiễn còn mờ nhạt, tuy có hiện ra trong các công trình nghiên cứu, các báo cáo thu hoạch nghiên cứu thực tế hoặc các bài viết đăng trên các báo, tạp chí nhưng chưa có tập hợp, tổng hợp đề xuất đến tỉnh ủy hay cơ quan chức năng hay chính quyền địa phương. Vì vậy, giá trị thực tiễn của các đề xuất chỉ dừng lại tác động xã hội, đối với những đối tượng tiếp cận với bài báo, tự lắng nghe, tự thấy đúng, tự làm theo, chưa trở thành chủ trương, chỉ đạo từ cơ quan có thẩm quyền.

Các năm gần đây, Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa đã có nhận diện, Tỉnh ủy đã có chỉ đạo, Ban Giám hiệu đã có kế hoạch và triển khai nhiều hoạt động để từng bước nâng tầm nhà trường, đáp ứng các tiêu chí trường chính trị chuẩn do Quy định 11 của Ban Chấp hành Trung ương đề ra với mục tiêu đạt chuẩn mức 1 dự kiến vào cuối năm 2025. Tuy nhiên, mục tiêu vẫn còn ở phía trước, vẫn cần sự nỗ lực hơn nữa từ tất cả các bộ phận, giảng viên và chuyên viên nhà trường thì mới mong đạt được mục tiêu đúng tiến độ, cũng như duy trì phát huy được nhịp độ và kết quả trong thời gian tới.

 

(Hội thảo khoa học cấp khoa, chủ đề: “Phát huy vai trò của giảng viên Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa trong xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Ảnh: Thành Luân)

Công tác nghiên cứu thực tế của giảng viên không chỉ dừng lại ở thực hiện nhiệm vụ của giảng viên theo quy định là 15 ngày đối với giảng viên và 10 ngày đối với giảng viên chính; nay Trường đã xây dựng đề án đưa giảng viên đi nghiên cứu thực tế thời hạn 3 tháng – 6 tháng – 12 tháng, với mong muốn bổ sung kiến thức thực tiễn cho giảng viên để về giảng dạy tốt hơn, nhưng mặt khác hoạt động này cũng tạo ra cơ hội lớn cho giảng viên tham gia vào công tác tổng kết thực tiễn và có nhiều ý tưởng để thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học.  

2. Một số giải pháp tăng cường công tác tổng kết thực tiễn, nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học và hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa

Với thực tế đã phân tích ở trên, để tăng cường hơn nữa công tác tổng kết thực tiễn, nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học và nghiên cứu thực tế của giảng viên nhà trường, tác giả xin nêu một số đề xuất Trường Chính trị tỉnh có thể triển khai các hoạt động sau:

Thứ nhất, lập tức tiến hành rà soát các công trình nghiên cứu khoa học gần đây, nếu có công trình chưa thực hiện chuyển giao thì có thể tổ chức thực hiện chuyển giao ngay để phát huy giá trị thực tiễn của công tác nghiên cứu khoa học. Nguyên nhân có thể do tác giả bận công tác khác chưa chú ý mà bộ phận quản lý khoa học cũng chưa sâu sát nên công đoạn này bị bỏ qua hoặc lãng quên.

Thứ hai, tổ chức tốt hơn công tác đưa giảng viên đi nghiên cứu thực tế, có sự gắn kết với đơn vị nghiên cứu thực tế địa phương để địa phương chia sẻ thông tin thực tiễn cho giảng viên. Từ đó, giảng viên có thể tham gia hoặc phối hợp địa phương thực hiện công tác tổng kết thực tiễn địa phương, xây dựng các đề xuất, kiến nghị hợp lý, có căn cứ và khả thi.

Thứ ba, Ban Giám hiệu cần đề nghị với Tỉnh ủy để tạo thêm điều kiện cho giảng viên cơ hội cùng thâm nhập thực tế công việc với các cơ quan khác thì Trường Chính trị sẽ dễ có những nhận định tổng kết thực tiễn chuẩn xác và đề xuất hợp lý. Ví dụ cho cơ hội mỗi giảng viên nhà trường sẽ gắn công việc với một hoạt động ở một cơ quan cụ thể trong 3 tháng, 6 tháng, hoặc 1 năm, mỗi tuần đến 1 lần giờ giấc do giảng viên và cơ quan sắp xếp, cùng tham dự một số hoạt động của cán bộ, công chức trong cơ quan. Đây là hình thức nghiên cứu thực tế linh hoạt. Nhưng nếu không có cơ chế chỉ đạo từ cấp trên sẽ không có cơ hội cho giảng viên được thâm nhập.

Thứ tư, song song với hoạt động nghiên cứu khoa học, Ban Giám hiệu cần chỉ đạo công tác tổng hợp rút ra các kiến nghị, đề xuất và gửi kịp thời đến cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể như sau một hội thảo khoa học, hoặc sau 6 tháng các giảng viên đã có báo cáo nghiên cứu thực tế, Nhà trường có thể có báo cáo tổng hợp các đề xuất khả thi gửi đến Tỉnh ủy hoặc chính quyền địa phương có liên quan để họ có chỉ đạo tiếp thu. Việc làm này vừa đòi hỏi tăng chất lượng công tác nghiên cứu khoa học, vừa phát huy giá trị thực tiễn của các nghiên cứu trăn trở của đội ngũ trí thức của nhà trường.

Thứ năm, Ban Giám hiệu cần đề nghị với Tỉnh ủy để hàng năm khi tỉnh thực hiện hoạt động tổng kết thực tiễn, sẽ có phân công sự tham gia của Trường Chính trị, vừa là tạo điều kiện cho Trường tiếp cận với thực tiễn địa phương, vừa đào tạo bồi dưỡng giảng viên qua thực tiễn, vừa là phát huy vai trò và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Nhà trường.

Mọi việc triển khai lần đầu bao giờ cũng khó khăn, nhưng đội ngũ giảng viên Trường Chính trị đã được đào tạo khá bài bản, đã có những đóng góp khoa học đáng kể ở nhiều lĩnh vực, trên nhiều diễn đàn, thì cần có sự ghi nhận và tạo điều kiện để phát huy. Hy vọng với những nỗ lực của lãnh đạo và giảng viên của Nhà trường, công tác nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn của Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa sẽ ngày càng khởi sắc./.

Ths. Lê Thị Kim Chung

Phó Trưởng khoa Khoa Nhà nước và pháp luật

Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa



[i] Điều 1 Quy đinh số 09-QĐi/TW ngày 13 tháng 11 năm 2018, của Ban Chấp hành Trung ương về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

[ii] Điều 2 tài liệu đã dẫn.

[iii] Khoản 3 Điều 9 Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ban hành ngày 19/5/2021 về trường chính trị chuẩn.

1. Chức năng, nhiệm vụ của Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa về công tác tổng kết thực tiễn         Lịch sử nhân loại đã chứng minh rằng mọi lý luận khoa học đều từ nghiên cứu thực tiễn mà thành. Không có thứ lý luận không bắt nguồn từ thực tiễn. Sau quá trình vận dụng lý luận vào thực tiễn, việc tổng kết thực tiễn để bổ sung, phát triển lý luận là cần thiết. Việc tổng kết thực tiễn để bổ sung, phát triển lý luận là công việc của tất cả các ngành, không chỉ riêng đối với khoa học xã hội nhân văn mà cả khoa học tự nhiên và công nghệ; không chỉ đối với đường lối, chính sách của Đảng, mà cả pháp luật của Nhà nước. Thực tiễn kiểm nghiệm lý luận và đồng thời cũng l&a

Tin khác cùng chủ đề

Hướng dẫn hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa từ ngày 1-1
Về đích thu ngân sách
10 sự kiện nổi bật năm 2021
Ước vọng đầu năm
Thư chúc mừng năm mới 2022 - xuân Nhâm Dần của Tỉnh ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa
Đón khách du lịch từ Kazakhstan đến Khánh Hòa trong ngày đầu năm 2023

Gửi bình luận của bạn