PHÁT TRIỂN DU LỊCH NÔNG THÔN, GÓP PHẦN XÂY DỰNG KHÁNH HÒA NGÀY CÀNG GIÀU MẠNH
PHÁT TRIỂN DU LỊCH NÔNG THÔN, GÓP PHẦN XÂY DỰNG KHÁNH HÒA NGÀY CÀNG GIÀU MẠNH

Từ khóa: du lịch, nông nghiệp,du lịch nông thôn, du lịch xanh, du lịch cộng đồng, phát triển bền vững

Tóm tắt: Từ tiềm năng, thế mạnh của Khánh Hòa để nhận diện cơ hội phát triển du lịch nông thôn Khánh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đã có những chính sách hỗ trợ cụ thể, từ đó đưa ra những giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm phát triển du lịch nông thôn Khánh Hòa gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững.

1. Tiềm năng và cơ hội phát triển du lịch nông thôn Khánh Hòa

Tiềm năng và cơ hội phát triển du lịch nông thôn dựa vào các yếu tố như: tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch xã hội và nhân văn, tài nguyên du lịch nông nghiệp, thị trường khách du lịch, chuỗi cơ sở lưu trú, nguồn nhân lực du lịch. 

Trong đó, tài nguyên du lịch tự nhiên bao gồm: cảnh quan thiên nhiên, các yếu tố địa chất, địa mạo, khí hậu, thủy văn, hệ sinh thái và các yếu tố tự nhiên khác có thể được sử dụng cho mục đích du lịch (Luật Du lịch 2017). Tùy đặc điểm địa hình, địa vật, tiểu khí hậu, đặc điểm thủy văn riêng ở các vùng, miền mà mỗi nơi có những cảnh quan, giá trị sinh thái, quần thể động thực vật riêng, tạo nên sự hấp dẫn riêng đối với du khách.

Khánh Hòa là một tình duyên hải miền Trung nước ta. Khánh Hòa không chỉ có bờ biển dài tầm 385km, với nhiều vịnh đẹp, cùng khoảng 200 đảo lớn, nhỏ ven bờ và điểm cực Đông trên đất liền của Tổ quốc (mũi Đôi trên bán đảo Hòn Gốm, huyện Vạn Ninh), mà Khánh Hòa còn rất đa dạng địa hình, là một tỉnh có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch. Ở Khánh Hòa có đồi núi, có thác nước, có sông suối, có ruộng vườn. Cảnh quan thiên nhiên đẹp ở Khánh Hòa trải dài từ Bắc vào Nam, từ Đông sang Tây. Không có nơi nào không có cảnh đẹp, từ Đại Lãnh, Vạn Ninh đến Cam Ranh; từ các huyện, thị xã, thành phố bờ biển là Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang, Cam Lâm, Cam Ranh đến các huyện không có biển như Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn đều có những điểm thiên nhiên đẹp để phục vụ nhu cầu của du khách. Ngoài bờ biển đẹp, thiên nhiên Khánh Hòa còn có rừng, có suối, có thác, với nhiều sự hấp dẫn khác. Từ địa hình, địa vật đa dạng, cảnh quan đẹp, đến đa dạng sinh học, quần thể động thực vật phong phú, không chỉ có các loại thủy sản nước mặn mà còn có thủy sản nước lợ, nước ngọt; không chỉ có thủy sản mà còn có nhiều loại động thực vật khác, không chỉ để làm thực phẩm, còn để phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn. Vì đa dạng tiểu khí hậu, có vùng nhiệt đới ẩm, có vùng cận ôn đới, nên lại càng tạo nên nhiều vẻ hấp dẫn cho các nhóm du khách khác nhau.

Đón chồng về trong bình minh (ảnh: Kim Chung, chụp tại Hòn Khói, Ninh Hòa)

Tài nguyên du lịch văn hóa bao gồm: di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng, khảo cổ, kiến trúc; giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội, văn nghệ dân gian và các giá trị văn hóa khác; công trình lao động sáng tạo của con người có thể được sử dụng cho mục đích du lịch (Luật Du lịch 2017).

Khánh Hòa có khá nhiều di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc quý như Tháp Bà Ponagar, Hòn Chồng – Hòn Đỏ, Vịnh Nha Trang, Địa điểm thành Diên Khánh, Miếu thờ Trịnh Phong, Đền thờ Trần Quý Cáp tại nơi ông hành hình, Văn Miếu Diên Khánh, Am Chúa, Đình Phú Cang, Mũi Đôi – Hòn Đôi, Hòn Đầu, Lăng Bà Vú, Phủ Đường Ninh Hòa, Địa điểm lưu niệm Tàu C235 (Đường Hồ Chí Minh trên biển), Địa điểm Hòa Diêm, Di tích lịch sử lưu niệm nhà bác học Alexandre Yersin (Thư viện tại Viện Pasteur, chùa Linh Sơn và Mộ Yersin), Bia chủ quyền đảo Trường Sa tại đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết, Nhà thờ Đá Nha Trang, chùa Từ Vân Cam Ranh, nhà thờ Hà Dừa, lầu Bảo Đại,…

Khánh Hòa có Lễ hội Cầu Ngư, còn gọi là Lễ hội Cá Ông, diễn ra ở Lăng Ông (Nha Trang), Lễ hội tháp Bà Ponagar còn được gọi là lễ hội Thiên Y A Na Thánh Mẫu, hay Lễ vía Bà, là một trong những di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa công nhận được tổ chức ngay tại Tháp Bà, Lễ hội Am Chúa, Lễ Giỗ tổ Hùng Vương và Lễ hội Yến sào để cảm ơn Tổ nghề khai thác yến sào… Khánh Hòa còn có đàn đá Khánh Sơn, và các điệu dân ca dân vũ của người đồng bào dân tộc thiểu số, đã được quan tâm bảo tồn. Các giá trị văn hóa phi vật thể khi được phát huy sẽ là sức hút lớn cho du lịch.                                                     

Tài nguyên du lịch nông nghiệp ở Khánh Hòa cũng dần dần hình thành và khẳng định thương hiệu. Có thể kể mô hình khu du lịch sinh thái và trang trại du lịch như những điểm sáng của du lịch nông thôn, với các điểm đến như Làng du lịch Nha Trang Xanh (Vĩnh Ngọc), Khu du lịch sinh thái cộng đồng Ngư Trang Thôn (Vĩnh Trung); Mô hình nông nghiệp, du lịch sinh thái - chế biến nông sản sạch như The Moshav Farm (Ninh Hòa), Kim Eco Farmstay (Diên Khánh), Dép Tổ Ong Farmstay (Diên Điền)… Khánh Hòa có thể đi đầu trong việc phát triển mô hình kinh tế du lịch vườn ao chuồng (VAC) của khu vực miền Trung nếu tận dụng tốt các lợi thế của mình vì nơi đây có khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp với nhiều loại sản vật khác nhau có giá trị cao như cây ăn trái (sầu riêng, bưởi, xoài, mít…), cây dược liệu (xáo tam phân), vườn rừng…

Ban mai nơi đồng quê (ảnh: Kim Chung chụp tại Ninh Hòa

Các giống cây trồng, vật nuôi với chỉ dẫn địa lý ở Khánh Hòa cũng đã trở nên nổi tiếng, như dừa xiêm Tuần Lễ (Vạn Ninh), dừa xiêm Ninh Đa (Ninh Hòa), Bưởi da xanh, Sầu riêng Khánh Sơn,… Hiện nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có 44 sản phẩm của 30 chủ thể được UBND tỉnh công nhận và xếp hạng đạt từ 3 sao OCOP trở lên. Điển hình như: huyện Vạn Ninh có 18 sản phẩm (chả cá hấp, chả cá chiên, nhang trầm hương, nước uống đóng chai, dừa xiêm, tỏi sẻ, hàu sữa sống, nấm linh chi, nấm bào ngư xám, nước mắm cá cơm, hoa cúc, yến sào…); thị xã Ninh Hòa có 12 sản phẩm (bưởi da xanh, bánh tráng, thịt gà, thảo mộc gội đầu túi lọc, bồ câu thịt, trà dược liệu xáo tam phân, cà phê rang xay, dừa quả, khoai sáp ruột vàng, nước yến sào…). Huyện Diên Khánh có 2 sản phẩm (gạo, nước uống đóng chai); Tp. Nha Trang có 9 sản phẩm (các sản phẩm chế biến từ rong biển, tổ yến, sữa non tổ yến); huyện Cam Lâm có 4 sản phẩm (xoài Úc của các công ty, hợp tác xã trên địa bàn huyện); Tp. Cam Ranh có 5 sản phẩm (tôm hùm, thịt dê thương phẩm, xoài sấy dẻo, táo, nước sốt). Huyện Khánh Vĩnh có 2 sản phẩm (bưởi da xanh của các hộ kinh doanh trên địa bàn huyện) và huyện Khánh Sơn có 10 sản phẩm (trà vối túi lọc, măng khô, chuối sấy dẻo, sầu riêng cấp đông, trái sầu tiêng tươi, trái chuối tươi, mật chuối…). 

Hoàng hôn yên tĩnh (ảnh: Kim Chung, chụp tại Diên Toàn, Diên Khánh)

Bên cạnh đó, hạ tầng cơ sở vật chất phục vụ du lịch được đầu tư phát triển mạnh theo xu hướng có chiều sâu và quy mô lớn. Theo thống kê, tỉnh Khánh Hòa đến tháng 10/2022 có 1.147 cơ sở lưu trú du lịch quy mô hơn 52.000 phòng. Trong đó, cơ sở lưu trú tiêu chuẩn 3 – 5 sao là 96 đơn vị, quy mô 22.934 phòng. có 138 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, trong đó có 118 doanh nghiệp lữ hành quốc tế với hơn 380 tuyến xe cố định, 1.300 xe hợp đồng các loại và hơn 700 phương tiện thủy nội địa phục vụ khách du lịch, đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại của du khách…

Ngoài ra, tỉnh Khánh Hòa cũng đã chú trọng đầu tư, thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm phục vụ phát triển du lịch như: Đường cất cánh - hạ cánh số 2 và Nhà ga Quốc tế mới - Cảng Hàng không Quốc tế Cam Ranh; Cảng Du lịch Nha Trang; Hạ tầng giao thông đô thị Nha Trang; Hạ tầng giao thông cần thiết cho việc mở rộng không gian phát triển du lịch về phía tây Nha Trang, Diên Khánh Khu du lịch Bắc Bán đảo Cam Ranh và Vân Phong. Đặc biệt, tỉnh đang nỗ lực nghiên cứu chính sách hỗ trợ phát triển các loại hình du lịch ở nông thôn gắn với nông nghiệp, làng nghề truyền thống và môi trường sinh thái ở các địa phương trên quan điểm phát triển du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên và các giá trị truyền thống, văn hóa.

2. Chính sách hỗ trợ phát triển du lịch nông thôn của địa phương Khánh Hòa

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Khánh Hòa xác định tập trung xây dựng chiến lược phát triển du lịch vừa theo chiều rộng, vừa từng bước chuyển dịch theo chiều sâu, với mục tiêu nâng cao chất lượng du khách, phát triển sản phẩm du lịch mang tính bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng và chuyên nghiệp. Nhấn mạnh truyền thông du lịch Khánh Hòa là điểm đến an toàn - văn minh - thân thiện; lấy sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo làm mũi nhọn kết hợp với du lịch bổ trợ như vui chơi giải trí, mua sắm, tham quan và trải nghiệm văn hóa địa phương. Nghiên cứu chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, phát triển các loại hình du lịch ở nông thôn gắn với nông nghiệp, làng nghề truyền thống, du lịch sinh thái ở các địa phương như Nha Trang, Vạn Ninh, Ninh Hòa... Gắn phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, giá trị di sản văn hóa - nghệ thuật, bảo vệ môi trường.

Du lịch Khánh Hòa không chỉ đầu tư xây dựng thương hiệu, nâng cao tính cạnh tranh, mà còn phải liên kết với du lịch các địa phương lân cận và các địa bàn trọng điểm du lịch để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh chung về du lịch của vùng.

Ngày 08/5/2023 UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Kế hoạch số 4342/KH-UBND về phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà giai đoạn 2023 - 2025. Kế hoạch này triển khai thực hiện Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới. Phát triển theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị, phù hợp với nhu cầu thị trường trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng vùng miền, gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo. Phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng; thúc đẩy sự tham gia tích cực và chủ động của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế khác vào phát triển kinh tế du lịch nông thôn thông qua các hình thức liên kết chuỗi giá trị du lịch hiệu quả.

Mục tiêu khi triển khai Kế hoạch là đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững; cụ thể đến năm 2025 là phát triển, chuẩn hoá các điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn và gắn với quá trình chuyển đổi số.

Phạm vi triển khai Kế hoạch là ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh, tập trung tại các điểm du lịch nông thôn do cộng đồng địa phương tổ chức quản lý hoặc có sự tham gia của cộng đồng, thời gian từ năm 2023 đến năm 2025.

Đối tượng thực hiện là các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp tỉnh đến địa phương và các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia vào lĩnh vực du lịch nông thôn; đặc biệt là các hộ gia đình, chủ thể hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn nông thôn có nhu cầu khai thác và liên kết phát triển du lịch nông thôn.

Kế hoạch đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm: Nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền; phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng; truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch nông thôn; xây dựng và triển khai các mô hình về phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì, phối hợp với sở ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố để tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới tỉnh Khánh Hoà giai đoạn 2022 - 2025; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới cho cán bộ quản lý cấp xã; triển khai các giải pháp chuyển đổi số trong du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; hướng dẫn xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn tuyên truyền quảng bá, kết nối nông sản, sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn; theo dõi, tổng hợp và định kỳ hàng năm hoặc đột xuất báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh về kết quả thực hiện phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Các sở, ban ngành, đoàn thể và địa phương có liên quan: Sở Du lịch, Văn hóa và Thể thao, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin và Truyền thông; Liên minh HTX tỉnh, Hội Nông dân tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã cùng phối hợp tích cực và thực hiện theo chức năng, nhiệm được giao đảm bảo đúng quy định pháp luật.

3. Một số giải pháp phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa

a. Tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về du lịch nông thôn

Du lịch nông thôn vẫn chưa được biết đến một cách rộng rãi trong toàn thể cộng đồng xã hội. Nên việc tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về du lịch nông thôn cần được chú trọng thực hiện, có thể thực hiện qua rất nhiều kênh, không chỉ là báo hình, báo nói, báo viết, tạp chí, ấn phẩm mà có thể tận dụng các kênh mạng xã hội, các sự kiện văn hóa, các lễ hội hay diễn đàn,… Công tác truyền thông này không chỉ do các cơ quan truyền thông thực hiện mà cần sự tham gia của mọi chủ thể trong xã hội. Khi mỗi người dân là một đại sứ du lịch thì chắc chắn là du lịch sẽ phát triển vượt bậc.

b. Triển khai cơ chế, chính sách về phát triển du lịch nông thôn

Định hướng phát triển du lịch nông thôn cần gắn với các chính sách hỗ trợ cụ thể. Chương trình mỗi xã một sản phẩm cũng là một điểm đáng quan tâm, tuy nhiên, cần thêm các chính sách và các kết nối khác để du lịch nông thôn thật sự chuyển mình.

c. Huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn

Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội cả về tài lực và nhân lực, cả trong nước và hợp tác quốc tế, cả từ doanh nghiệp và từ cộng đồng cho phát triển du lịch cộng đồng. Ưu tiên ngân sách cho đào tạo nhân lực, phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch ở khu vực nông thôn phù hợp với định hướng thị trường. Thu hút đầu tư phát triển du lịch nông thôn tạo nguồn thu để đầu tư trở lại bảo vệ tài nguyên du lịch. Ưu tiên nâng cấp hoàn thiện hạ tầng, phát triển du lịch nông thôn gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích những ý tưởng, mô hình khởi nghiệp sáng tạo gắn với nông nghiệp, nông thôn.

d. Bồi dưỡng, đào tạo và nâng cao năng lực cho lao động du lịch nông thôn

Rà soát đánh giá nguồn nhân lực du lịch nông thôn để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ du lịch, kiến thức ngoại ngữ, kiến thức thị trường, kiến thức liên quan để vừa phát triển du lịch nông thôn vừa bảo vệ tài nguyên và môi trường, cảnh quan; đồng thời đưa các kiến thức này vào giáo dục đào tạo nghề nghiệp; tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn về du lịch như dịch vụ ăn uống, lưu trú, giao tiếp, lữ hành,…

Tổ chức liên kết các chuyên gia để hỗ trợ phát triển các làng nghề và các sản phẩm nông nghiệp, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ,… phục vụ phát triển du lịch nông thôn.

e. Ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông thôn

Trong thời đại công nghệ số toàn cầu, xu thế số hóa thông tin dữ liệu đã trở nên tất yếu, thì thông tin điểm đến, các hoạt động trải nghiệm du lịch nông thôn cũng cần được số hóa và đưa lên môi trường số. Việc xây dựng các chuyên trang để giới thiệu, quảng bá và khai thác thế mạnh của truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội là giải pháp cần thiết và có thể phát huy tác dụng nhanh chóng.

f. Tăng cường phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế về phát triển du lịch nông thôn

Từ trao đổi, chia sẻ thông tin đến liên kết kết nối đầu tư triển khai các hoạt động phát triển du lịch nông thôn giữa các quốc gia, các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài là điều không quá xa vời. Không những thế, nó rất phù hợp với xu thế hiện nay, con người trở nên tự do, du lịch liên quốc gia, du lịch trải nghiệm ngày càng phổ biến.

g. Xây dựng và khai thác các nguồn vốn để thực hiện

Việc triển khai các giải pháp nói trên có thể bằng nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 2021-2025, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác, vốn xã hội hóa và các nguồn huy động hợp pháp./.

Ths.GVC. Lê Thị Kim Chung

Phó Trưởng khoa Khoa Nhà nước và pháp luật

 

Từ khóa: du lịch, nông nghiệp,du lịch nông thôn, du lịch xanh, du lịch cộng đồng, phát triển bền vững Tóm tắt: Từ tiềm năng, thế mạnh của Khánh Hòa để nhận diện cơ hội phát triển du lịch nông thôn Khánh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đã có những chính sách hỗ trợ cụ thể, từ đó đưa ra những giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm phát triển du lịch nông thôn Khánh Hòa gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững. 1. Tiềm năng và cơ hội phát triển du lịch nông thôn Khánh Hòa Tiềm năng và cơ hội phát triển du lịch nông thôn dựa vào các yếu tố như: tài nguyên du lịch tự nhiên, t&agra

Tin khác cùng chủ đề

Hướng dẫn hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa từ ngày 1-1
Về đích thu ngân sách
10 sự kiện nổi bật năm 2021
Ước vọng đầu năm
Thư chúc mừng năm mới 2022 - xuân Nhâm Dần của Tỉnh ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa
Đón khách du lịch từ Kazakhstan đến Khánh Hòa trong ngày đầu năm 2023

Gửi bình luận của bạn