NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM GIAI ĐOẠN 2025-2030 ĐỂ ĐƯA HUYỆN CAM LÂM TRỞ THÀNH ĐÔ THỊ SÂN BAY HIỆN ĐẠI, SINH THÁI, ĐẲNG CẤP QUỐC TẾ
NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM GIAI ĐOẠN 2025-2030 ĐỂ ĐƯA HUYỆN CAM LÂM TRỞ THÀNH ĐÔ THỊ SÂN BAY HIỆN ĐẠI, SINH THÁI, ĐẲNG CẤP QUỐC TẾ

1. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN VÀ XÃ HỘI CỦA HUYỆN CAM LÂM

- Về điều kiện tự nhiên:

Huyện Cam Lâm là một trong 9 đơn vị hành chính của tỉnh Khánh Hòa. Cam Lâm là huyện mới được thành lập theo Nghị định số 65/2007/NĐ-CP ngày 11/4/2007, tách ra từ huyện Diên Khánh và thành phố Cam Ranh gồm 1 thị trấn và 13 xã. Đến năm 2020, diện tích tự nhiên toàn huyện là 54.659,4 ha, dân số là 102,8 nghìn người, bằng 10,6% diện tích và 8,9% dân số toàn tỉnh Khánh Hoà. Về quy mô, huyện xếp thứ 4 về diện tích và thứ 5 về dân số trong 9 huyện, thị xã và thành phố của tỉnh.[i]

                                                                                            

Sơ đồ vị trí địa lý huyện Cam Lâm

Huyện Cam Lâm nằm kề cận 2 thành phố của tỉnh Khánh Hòa là Cam Ranh và Nha Trang. Trung tâm huyện cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 30 km, cách trung tâm Khu kinh tế Vân Phong khoảng 90 km về phía Bắc, cách sân bay quốc tế Cam Ranh khoảng 15 km, cách cảng hàng hải quốc tế và thành phố Cam Ranh khoảng 30 km về phía Nam. Cam Lâm có khu đô thị du lịch liền kề với sân bay Cam Ranh, có đường QL.1 và đường sắt Bắc Nam đi qua, nằm kề cận tuyến hàng hải quốc tế qua Biển Đông, một trong những cửa ngõ ra biển quan trọng của vùng Tây Nguyên.

 

Một góc chụp khu vực Đầm Thuỷ Triều huyện Cam Lâm tỉnh Khánh Hoà

(https://chamkhanhhoa.com/wp-content/uploads/2023/03/mot-goc-huyen-cam-lam-khanh-hoa-ngay-nay.jpg)

Cam Lâm là vùng ven biển, nơi kết hợp đa dạng giữa địa hình đầm phá, đồng bằng và bán sơn địa. Khu vực có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, cả về núi, rừng, sông, suối, hồ; và đặc biệt là bờ biển dài 13 km chạy dọc bán đảo Cam Ranh, nước trong xanh với bãi cát trắng, thoải; khí hậu trong lành, ít thiên tai, người dân hiền hòa, thân thiện và hiếu khách. Với những ưu thế đó, địa bàn Cam Lâm có đầy đủ tiềm năng phát triển kinh tế du lịch ở tầm vóc không thua kém Nha Trang. Trong tương lai gần, các địa bàn này sẽ kết hợp nhau để trở thành một Trung tâm du lịch biển cấp quốc gia – quốc tế. Khi ấy, nơi đây sẽ không chỉ là một thành phố du lịch có sức hấp dẫn toàn cầu, mà còn trở thành một trong những địa bàn đầu mối về giao lưu thương mại, ngoại giao, văn hóa, quốc phòng của quốc gia. Những năm gần đây, bối cảnh phát triển tích cực trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà đã tạo ra vị thế mới cho địa bàn Cam Lâm: sân bay quốc tế Cam Ranh được đầu tư mở rộng; thành phố Nha Trang được công nhận là đô thị loại I; khu du lịch Bán đảo Cam Ranh (một phần lớn nằm trên địa bàn huyện Cam Lâm) có sức hút đầu tư và khai thác du lịch tăng trưởng không ngừng; các tuyến cao tốc và đường sắt quốc gia đang hoàn thành như đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường bộ cao tốc Buôn Mê Thuột - Nha Trang, Đà Lạt – Nha Trang, TPHCM – Nha Trang… đang khiến địa bàn này trở thành một đầu mối quan trọng, có khả năng kết nối nhanh và mạnh tới các cực tăng trưởng lớn của các vùng miền lân cận. Lợi thế này đang là động lực lớn thu hút các nguồn vốn đầu tư đa dạng trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa nói chung và huyện Cam Lâm nói riêng.

-  Về điều kiện kinh tế, văn hóa – xã hội:

Huyện Cam Lâm có 9/14 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với các dân tộc như Raglai, Thái, Nùng, Mường, Chăm, Hoa, Tày..., trong đó chủ yếu là dân tộc Raglai. Huyện cũng có làng nghề truyền thống là nghề đan giỏ cần xé ở Suối Cát, Cam Hiệp Nam, nay nghề này cũng đã triển khai ở nhiều xã khác.

Toàn huyện hiện có 49 trường học các cấp, trong đó mầm non có 15 trường, tiểu học có 19 trường, trung học cơ sở có 12 trường và trung học phổ thông có 3 trường. Ngoài ra trên địa bàn huyện còn có Trường trung cấp nghề tại xã Cam Hải Tây và Trung tâm Giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp tại thị trấn Cam Đức.

Nguồn lao động của Cam Lâm khá dồi dào, người dân cần cù, năng động, nếu được đào tạo và có chính sách sử dụng phù hợp, sẽ là động lực to lớn cho phát triển của huyện. Đại đa số người trong độ tuổi lao động làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân, thường bằng 87 - 88% so với tổng số người trong độ tuổi lao động. Hiện nay, tổng số lao động đang làm việc của huyện là 63.464 người, chiếm 57,8% tổng dân số. Trong đó, lao động trong ngành Công nghiệp - Xây dựng chiếm 20,2%; ngành Thương mại - Dịch vụ chiếm 29,0%; ngành Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 50,8%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp, chỉ đạt 68%.[ii] Với vị trí nằm giữa Nha Trang và Cam Ranh nên Cam Lâm có cơ hội tiếp cận dễ dàng với các đơn vị nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, các trung tâm dạy nghề, đào tạo việc làm. Đồng thời Nha Trang, Cam Ranh cũng là những thị trường lao động lớn thu hút lao động từ Cam Lâm.

Quy mô ngân sách của Huyện còn nhỏ và đến nay vẫn được ngân sách Tỉnh bổ sung cân đối do Huyện mới thành lập cần phải đầu tư nhiều về cơ sở hạ tầng. Trong tương lai khi đã phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch và công nghiệp thì Huyện có thể cân đối thu chi và tích lũy được.

Về công tác kiểm soát chất lượng môi trường, hiện nay khu vực nhà máy đường đã được lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động. Ngoài ra còn có 14 điểm trạm quan trắc môi trường đất, môi trường nước theo định kỳ 1 tháng/lần.

Mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện Cam Lâm có gần như đủ các loại hình: đường bộ, đường sắt, đường thủy, lại nằm ngay sát cảng hàng không quốc tế Cam Ranh. Đó là lợi thế giúp Cam Lâm phát triển toàn diện, giao lưu trong tỉnh, trong nước và quốc tế về các lĩnh vực thương mại, du lịch. Trong thời gian qua, giao thông đường bộ trên địa bàn huyện đã được đầu tư xây dựng và nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển theo định hướng mới, số lượng đường giao thông của huyện vẫn chưa đáp ứng, cần tiếp tục đầu tư trong những năm tới.

2. MỤC TIÊU HUYỆN CAM LÂM CẦN ĐẠT TRONG GIAI ĐOẠN 2025-2030

Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030: “Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hoá sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển.”

Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (từ đây viết tắt là NQ-09) đã đặt mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hoà là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển, là đô thị thông minh, bền vừng, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biến quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ. Nghị quyết cũng nêu rõ: kinh tế biển tỉnh Khánh Hòa giai đoạn tới dựa trên phát triển đột phá ba vùng trọng điểm là Khu vực vịnh Vân Phong, thành phố Nha Trang và khu vực vịnh Cam Ranh. Trong đó Nha Trang là đô thị hạt nhân; Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics; Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế.

3. GIẢI PHÁP VÀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM 2025-2030

3.1. Nhiệm vụ 

Với các định hướng nói trên, khi Cam Lâm hiện tại chỉ đang là huyện, các yếu tố hạ tầng để đáp ứng cho phát triển đô thị sân bay còn thiếu, có khá nhiều vấn đề đặt ra cho Cam Lâm.

Trước hết, Cam Lâm phải đô thị hóa để đạt tiêu chuẩn trở thành thành phố. Theo “Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đên năm 2050” được phê duyệt gần đây, Cam Lâm cần ưu tiên trọng điểm về phát triển đô thị trong giai đoạn tới, với mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu đưa Cam Lâm trở thành thành phố, đô thị loại I.

Tuy nhiên, lộ trình kỹ thuật và pháp lý khó đạt được sự cân đối toàn diện như mục tiêu phấn đấu. Do đó, lộ trình đề xuất là:

- Đến năm 2030, Cam Lâm cơ bản đạt tiêu chuẩn Đô thị loại III, đạt một số tiêu chuẩn Đô thị loại I, tiến tới thành lập thành phố Cam Lâm trực thuộc tỉnh;

- Đến năm 2045, Cam Lâm cơ bản đạt tiêu chuẩn Đô thị loại I, phấn đấu trở thành một quận của Thành phố trực thuộc Trung ương Khánh Hòa.

Như vậy, Cam Lâm đang đứng trước cơ hội và cũng là thách thức lớn để phát triển nhảy vọt, trở thành một thành phố du lịch toàn cầu, sánh cùng Nha Trang để nâng vị thế toàn tỉnh Khánh Hòa, trở thành “Trung tâm du lịch cấp quốc gia”. Cụ thể hóa các chủ trương phát triển đột phá mà Trung ương và Tỉnh đã đề ra, phát huy tối đa tiềm năng của địa bàn, tạo thành cực hút đầu tư phát triển lớn, với tầm nhìn là một Thành phố biển thông minh - sáng tạo hàng đầu, một trong những cửa ngõ năng động kết nối Việt Nam và Thế giới.

Có thể nói chủ trương xây dựng Cam Lâm là đô thị sân bay là một chủ trương khá táo bạo nhưng rất sáng tạo. Đô thị sân bay là định hướng phát triển một khu vực đô thị có cơ sở hạ tầng, cơ cấu sử dụng đất và nền kinh tế tập trung vào sân bay nằm gần đô thị đó. Tại đây, các khu dân cư phát triển xen kẽ để hỗ trợ các cụm kinh tế và mạng lưới giao thông được xây dựng một cách chặt chẽ, đẩy mạnh việc vận chuyển người và hàng hóa. Các đô thị sân bay có lợi thế cạnh tranh rất lớn trong thời đại kết nối toàn cầu. Đô thị sân bay là dạng mô hình đô thị được phát triển, thiết kế và xây dựng một cách khoa học đồng bộ nhằm phát triền bền vững cùng với sân bay. Trong khu đô thị này có đầy đủ các loại tiện ích từ các khối văn phòng, khách sạn, trung tâm hội nghị, cơ sở y tế, khu thương mại tự do, công viên giải trí,... có thể được xây dựng để thu hút và phục vụ du khách, đồng thời nâng cao mức hưởng lợi của cư dân. Sân bay trở thành tiêu điểm để phục vụ và khai thác. Từ đó hành khách vẫn có thể check in, lấy vé, gửi hành lý, làm việc và đi chơi trong thời gian chờ chuyến bay khởi hành. Thông thường, trên thế giới, đô thị sân bay là đô thị có sân bay. Tuy nhiên, chúng ta đã chọn Cam Lâm chứ không phải Cam Ranh để phát triển đô thị sân bay, vừa khắc phục được những ảnh hưởng tiêu cực từ sân bay như tiếng ồn, hay vấn đề phải tái cấu trúc khi thay đổi sân bay, vừa vẫn tổ chức tận dụng được các lợi thế để cung ứng tất cả các dịch vụ và tiện ích, từ đó phát triển đô thị cùng với sự phát triển của sân bay quốc tế Cam Ranh.

Đô thị sân bay hiện đại đòi hỏi sự đồng bộ về giao thông, thông tin liên lạc và các dịch vụ tiện ích, không chỉ gồm nghỉ ngơi, vui chơi mà nhiều hành khách còn có nhu cầu làm việc tại chỗ, nên cần có môi trường thuận tiện phục vụ nhanh nhẹn tất cả các nhu cầu một cách thông suốt, thuận tiện, từ nhà hàng, khách sạn nghỉ dưỡng, trò chơi giải trí, điểm đến khám phá văn hóa và thưởng ngoạn thiên nhiên đẹp, môi trường và điều kiện giao lưu và khám phá nét đẹp văn hóa bản địa, đến đáp ứng các tiện ích như viễn thông, ngân hàng, phòng hội nghị, các môi trường thuận tiện để thực hiện giao dịch tài chính, thương mại, khoa học, giáo dục, logistics,… do vậy, cần hướng đến việc ứng dụng các công nghệ tiến bộ của thời đại, hướng đến phục vụ con người, đặc biệt là phục vụ hành khách hàng không Cam Ranh và cư dân địa phương. Trước mắt, Cam Lâm cần nhanh chóng triển khai phát triển hoàn thiện nền tảng kinh tế xã hội, từ đó đáp ứng các yêu cầu xây dựng hạ tầng kỹ thuật và vận hành các yếu tố của đô thị sân bay hiện đại, có chú ý đến các tiện ích cho cả du khách và phục vụ cư dân Cam Lâm, tập trung hướng đến phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế, với ngành nghề chủ yếu là thương mại dịch vụ và du lịch, gắn với phục vụ hành khách của hàng không Cam Ranh, bao gồm cả hành khách trong nước và quốc tế, đồng thời hướng đến các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đạt được mục tiêu đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế.

Khi Cam Lâm xây dựng thành đô thị sân bay, Cam Lâm sẽ đóng vai trò là điểm kết nối đến các vùng đất khác của Khánh Hòa, cũng như đến các địa phương khác trên khắp đất nước, và là trung gian giao tiếp của người Khánh Hòa nói riêng với cả nước, người Việt Nam nói chung với thế giới. Mặt khác, các cụm công trình đa chức năng tại Cam Lâm cũng sẽ gắn kết chặt chẽ với các chức năng đặc trưng của sân bay Cam Ranh. Khai thác tốt mô hình đô thị sân bay, hướng đến lợi nhuận và lợi ích, giúp cho Cam Lâm phát triển bền vững và xuyên suốt cả quá trình đô thị hóa.

Mặt khác, trong mục tiêu xây dựng đô thị Cam Lâm không chỉ có xây dựng đô thị sân bay hiện đại, mà còn là đô thị sinh thái. Về yếu tố sinh thái, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Kế hoạch hành động số 10282/KH-UBND Ngày 5 tháng 10 năm 2023,về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thực hiện quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch hành động tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030; đồng thời, ngày 24 tháng 11 năm 2023, tại văn bản số 171/KH-TU của Tỉnh uỷ Khánh Hoà triển khai Kế hoạch xây dựng Đề án Chuyển đổi xanh tỉnh Khánh Hoà đã xác định 6 lĩnh vực trọng tâm trong chuyển đổi xanh của tỉnh là: (1) Nông nghiệp xanh; (2) Công nghiệp xanh; (3) Du lịch xanh; (4) Đô thị xanh; (5) Giao thông xanh; (6) Lối sống xanh. Trong đó, Cam Lâm sẽ cần phải chú trọng phát triển xanh ở cả 6 lĩnh vực để điển hình cho đô thị sinh thái. Đây là mục tiêu tưởng dễ mà lại là khó nhất bởi cần giải pháp mang tính hệ thống và bền vững.

Thứ ba, Cam Lâm phải trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái đẳng cấp quốc tế. Nhìn ra thế giới, chúng ta có thể thấy rằng mô hình đô thị sân bay được xem như một tất yếu của phát triển. Các sân bay nổi tiếng đều có kết nối ra bên ngoài rất nhịp nhàng. Hệ thống giao thông ở tất cả các loại phương tiện được quan tâm phát triển để thuận tiện cho hành khách; Các tiện ích và dịch vụ rất sẵn, bao gồm cả phục vụ thưởng ngoạn, làm việc và sinh sống.

Một ví dụ điển hình về thành phố được xây dựng mới, nằm ngay cửa sân bay đó chính là Songdo, Hàn Quốc. Thành phố này được xây dựng thông minh với mục đích phục vụ sân bay tại thủ đô Seoul đó là Incheon. Mới đây nhất là thành phố, sân bay New Istanbul, được dự đoán sẽ trở thành đô thị sân bay lớn nhất thế giới, tạo hơn 225.000 công việc. Bên cạnh 6 đường băng và 1,5 triệu m2 không gian trong nhà, nơi đây còn có một thành phố liền sát với diện tích gần 7.000km2 bao gồm nhà ở, văn phòng, khách sạn, phục vụ những hoạt động thương mại toàn cầu đến và đi khỏi thành phố này. Nhắc đến đô thị sân bay, không thể không nhắc tới Dubai, các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất. Dubai đã xây dựng “Thành phố Lễ hội”, chỉ cách sân bay khoảng hơn 1 km với 100.000 khu dân cư, trường học, khu thương mại, bến du thuyền. Trung tâm đô thị mới thu hút dòng thương mại khổng lồ chảy qua sân bay quốc tế Dubai nổi tiếng.[iii]

Cam Lâm có lợi thế rất gần cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, có điều kiện tự nhiên đa dạng, bờ biển đẹp, đang trong tiến trình đô thị hóa, thuận tiện cho việc thực hiện định hướng phát triển đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế. Bên cạnh những yếu tố có sẵn, Cam Lâm cần đón đầu công nghệ, phát triển ngang hàng với các đô thị sân bay hiện đại trên thế giới.

3.2. Một số giải pháp

Để xây dựng Cam Lâm thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế, trong điều kiện cách mạng công nghệ như vũ bão hiện nay, thì chính quyền địa phương cần triển khai phát triển tại Cam Lâm các chức năng cốt lõi của một thành phố sân bay, trở thành một trong những đô thị hạt nhân của tỉnh. Cụ thể:

- Phát triển đô thị Cam Lâm trong mô hình đô thị sân bay, kết hợp là trung tâm tài chính, trí tuệ và đổi mới sáng tạo toàn cầu để ứng dụng và chuyển giao các công nghệ mới như tự động hóa, AI, năng lượng xanh,… Xây dựng trung tâm khoa học công nghệ tầm quốc tế và định hướng phát triển các cơ sở giáo dục và y tế mang tầm quốc gia, quốc tế tại huyện Cam Lâm; kết nối đồng bộ về cơ sở hạ tầng, dịch vụ logistics cùng với Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh. Đón đầu định hướng phát triển sân bay Cam Ranh và xu hướng phát triển khoa học công nghệ, giáo dục, y tế quốc tế để chuẩn bị cho quá trình triển khai nội dung này, kể cả chuẩn bị đối tác vận hành các dự án cụ thể.

- Phát triển đô thị thông minh - sinh thái - bền vững, kết hợp với hệ sinh thái đầm Thủy Triều, khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, vùng vịnh Nha Trang - một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới. Triển khai các đề án chuyển đổi xanh tại Cam Lâm như một trong những nhiệm vụ quan trọng và không thể tách rời với các mục tiêu khác trong quá trình triển khai các đề án xây dựng và phát triển đô thị.

- Đồng thời, phát triển khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh thành Khu du lịch quốc gia. Tạo dựng hệ sinh thái đa dạng các loại hình du lịch, thương mại cùng với các tiện ích đô thị, giá trị cảnh quan ven biển, các hoạt động du lịch thương mại, chiến lược marketing toàn cầu nhằm thu hút cư dân đa quốc gia đến định cư, làm việc, học tập và lưu trú du khách quốc tế; đồng thời, đảm bảo các yêu cầu về quốc phòng, an ninh, góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo quốc gia, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội cho quốc gia.

Chủ trương xây dựng đô thị mới Cam Lâm triển khai nhanh hay chậm tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt là yếu tố con người, gồm có người chỉ đạo lãnh đạo đủ tầm, người triển khai hiểu việc và có tâm, chính quyền hiện đại, công chức chuyên nghiệp, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu và người dân tiến bộ để thụ hưởng các lợi ích của đô thị thông minh và duy trì đô thị sinh thái bền vững.

Tuy đã có Quyết định phê duyệt quy hoạch chung đô thị Cam Lâm[iv] và các dự án cụ thể, tác giả xin lưu ý một số điểm trong quá trình phát triển đô thị Cam Lâm:

Về quy hoạch giao thông, kết nối tất cả các khu vực của Cam Lâm với sân bay Cam Ranh, để thuận tiện cho dịch vụ logistics từ Cam Lâm và vận chuyển hàng hóa hành khách đi từ sân bay Cam Ranh về Cam Lâm để lưu trú, làm việc, du lịch và giao thương. Phát triển giao thông là yêu cầu then chốt của đô thị sân bay, trong đó, đặc biệt chú trọng mạng lưới giao thông xanh. Giao thông xanh cần phát triển và khuyến khích phương tiện giao thông chạy bằng năng lượng xanh.

Du lịch Cam Lâm có lợi thế là bờ biển Bãi Dài tuyệt đẹp, tuy nhiên, khi phát triển du lịch lưu ý không chỉ cảnh quan mà phải bảo vệ môi trường biển. Cam Lâm còn có đầm Thủy triều hiện đang nuôi trồng thủy sản, có khu cần chú ý gắn phát triển hệ sinh thái đầm Thủy triều với nông nghiệp xanh và du lịch bảo tồn. Kết hợp nông nghiệp với du lịch là xu hướng phù hợp để phát triển kinh tế, đỡ lo đầu ra cho nông nghiệp, mà chính nông nghiệp tạo cảnh quan cho du lịch hấp dẫn hơn.

Du lịch xanh cũng là một tiêu chí cần hướng tới trong phát triển đô thị Cam Lâm. Vì đô thị sân bay sẽ là nơi chịu sự tác động tiêu cực từ lượng du khách đổ xuống từ hàng không mỗi ngày. Du lịch phải cân não để khai thác các lợi thế nhưng phải giảm thiểu các tác động tiêu cực từ du lịch. Bên cạnh kết hợp du lịch nông nghiệp nông thôn, thì để phát triển du lịch xanh bền vững, ngành du lịch cần chú trọng gắn với bảo tồn văn hóa và giữ gìn môi trường. Các điểm đến của du khách cần chú ý đến tiêu chí bảo vệ môi trường, giữ gìn cây xanh, hạn chế sử dụng các hóa chất độc hại, hạn chế rác thải từ người cung cấp dịch vụ và du khách, hạn chế sử dụng nilong, xử lý tốt vấn đề nước thải và chất thải rắn, đồng thời nhắc du khách hạn chế những hành vi gây hư hại đến môi trường.

Mặt khác, khi phát triển đô thị Cam Lâm cần giữ gìn phát huy bản sắc địa phương cho một đô thị sân bay hiện đại để Cam Lâm không lẫn với bất kỳ đô thị sân bay hiện đại nào khác trên thế giới, đó là một yêu cầu quan trọng và không đơn giản. Nó cần các nghiên cứu để phát huy yếu tố văn hóa bản địa, từ kiến trúc, cảnh quan đến các nét văn hóa khác cần được chú trọng xây dựng, bảo tồn như làng nghề đan lát hay loại cây/con đặc trưng. Chính bản sắc văn hóa sẽ tạo nên sức hút trong du lịch Cam Lâm.

Thực hiện các dự án chuyển đổi xanh ngay trong quá trình phát triển kinh tế huyện Cam Lâm, đặc biệt triển khai chuyển đổi xanh trong quá trình cải tạo, xây dựng, phát triển đô thị sân bay hiện đại. Các dự án chuyển đổi xanh cần triển khai đến tất cả mọi đối tượng, bao gồm: đánh giá tác động môi trường cẩn thận khi lựa chọn giải pháp triển khai các dự án; huấn luyện các nhân công triển khai các dự án; xây dựng cải tạo hướng đến nông nghiệp xanh, công nghiệp xanh; giáo dục đối với cư dân đang và sẽ sống ở Cam Lâm cũng như khách đến Cam Lâm để xây dựng đô thị xanh, nếp sống xanh, giao thông xanh… Các giải pháp này cần được triển khai thành nhiều dự án, từ tuyên truyền giáo dục đến hình thành thói quen, duy trì thói quen, tạo thành nếp sống của tất cả mọi người. Khi có chung các mục tiêu trong việc phát triển sân bay và phát triển đô thị, thì đô thị Cam Lâm sẽ có thể đạt được mức tăng trưởng mơ ước và trở nên đáng sống./.

ThS. Lê Thị Kim Chung

Phó Trưởng khoa Khoa Nhà nước và pháp luật

Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa



[i] Báo cáo chuyên đề “Thực trạng và định hướng tổ chức không gian phát triển kinh tế xã hội huyện Cam Lâm thời kỳ 2021-2030” của UBND tỉnh Khánh Hòa.

[ii] Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ KTXH - QPAN năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2021

[iii] Xu hướng phát triển đô thị sân bay trên thế giới- quyhoachdothi.com

[iv] Quyết định số 205/QĐ-TTg ngày 28/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung Đô thị Cam Lâm đến năm 2045.

1. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN VÀ XÃ HỘI CỦA HUYỆN CAM LÂM - Về điều kiện tự nhiên: Huyện Cam Lâm là một trong 9 đơn vị hành chính của tỉnh Khánh Hòa. Cam Lâm là huyện mới được thành lập theo Nghị định số 65/2007/NĐ-CP ngày 11/4/2007, tách ra từ huyện Diên Khánh và thành phố Cam Ranh gồm 1 thị trấn và 13 xã. Đến năm 2020, diện tích tự nhiên toàn huyện là 54.659,4 ha, dân số là 102,8 nghìn người, bằng 10,6% diện tích và 8,9% dân số toàn tỉnh Khánh Hoà. Về quy mô, huyện xếp thứ 4 về diện tích và thứ 5 về dân số trong 9 huyện, thị xã và thành phố của tỉnh.[i]                                              

Tin khác cùng chủ đề

Hướng dẫn hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa từ ngày 1-1
Về đích thu ngân sách
10 sự kiện nổi bật năm 2021
Ước vọng đầu năm
Thư chúc mừng năm mới 2022 - xuân Nhâm Dần của Tỉnh ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa
Đón khách du lịch từ Kazakhstan đến Khánh Hòa trong ngày đầu năm 2023

Gửi bình luận của bạn