Kỳ 1: Hiện thực và kỳ vọng

Kỳ 1: Hiện thực và kỳ vọng
Kỳ 1: Hiện thực và kỳ vọng

Kỳ 1: Hiện thực và kỳ vọng

 

Sau thời gian dài phát triển một cách tự phát, không theo quy hoạch, quy trình nuôi truyền thống, quy mô nhỏ…, đến nay, nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS) tại các vùng biển trong tỉnh đã bộc lộ nhiều hạn chế. Để phát huy tốt tiềm năng, lợi thế Khánh Hòa cần tập trung triển khai tốt Ðề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có những chính sách khuyến khích để người NTTS chuyển đổi hướng tới nuôi biển bền vững…


Phát triển tự phát


Cứ mỗi lần nghe thông tin về áp thấp nhiệt đới, hay không khí lạnh tràn xuống phía nam, ông Trương Văn Dư - người NTTS tại vùng biển thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh) lại tất bật thu tỉa, gia cố lồng bè gỗ nuôi để bảo vệ hơn 3.000 con cá bớp đang đợi đến kỳ thu hoạch. Bởi từ sau cơn bão số 12 năm 2017 khiến gia đình ông mất trắng hàng nghìn con cá bớp lớn nhỏ đã để lại cho ông kinh nghiệm xương máu. Ông Dư chia sẻ: “Trước đây, không có tình trạng lồng bè dày đặc như bây giờ, nước sạch lắm, nuôi rất đạt. Hiện nay, người người nuôi tôm, nhà nhà nuôi cá, kín khắp các vùng nuôi. Không chỉ lồng bè của người dân Vạn Ninh mà còn có rất nhiều bè của người dân tỉnh ngoài đến nuôi, nói chung phát triển tự phát, chưa được kiểm soát”.

 

Không ít lần người nuôi trồng thủy sản lồng bè tại huyện Vạn Ninh lao đao vì thiên tai, dịch bệnh

Không ít lần người nuôi trồng thủy sản lồng bè tại huyện Vạn Ninh lao đao vì thiên tai, dịch bệnh


Tại vùng nuôi lồng bè trên vịnh Cam Ranh, sau mỗi lần tôm hùm xanh được giá, người dân lại đổ xô làm lồng nuôi loại tôm này, nhất là khu vực ven biển từ phường Cam Nghĩa kéo dài đến phường Cam Linh. Việc người dân nuôi tại đây là hoàn toàn tự phát, nằm ngoài quy hoạch NTTS của tỉnh. Qua khảo sát của chúng tôi ở khu vực này, nhiều điểm mật độ nuôi lớn, lồng nuôi san sát, chỉ cách nhau chưa đến 0,5m, trong khi quy định lồng phải cách lồng 1m. Vì nuôi quá dày nên toàn bộ rác thải, xác cá chết… bám vào trở thành ổ vi khuẩn lây bệnh cho tôm cá nuôi. Ngoài ra, mỗi ngày, hàng trăm tấn thức ăn tươi đổ xuống vùng nuôi này. Qua nhiều năm tích tụ, lượng bùn đọng trong vịnh Cam Ranh rất lớn, có nơi lên đến 0,6 - 0,7m...


Theo ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, tôm hùm là đối tượng nuôi trọng điểm của tỉnh, được nuôi chủ yếu ở Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang và Cam Ranh với khoảng 64.500 lồng, sản lượng mỗi năm hơn 1.300 tấn; các loài cá biển như: Cá chẽm, cá mú, cá bớp, cá chim vây vàng được nuôi nhiều ở khắp các vịnh, đầm trên địa bàn tỉnh, với hơn 9.740 lồng, sản lượng khoảng 8.000 tấn mỗi năm. Ngoài ra, còn có một số đối tượng nuôi khác như: cua biển, hàu Thái Bình Dương, tu hài, rong biển... Hiện nay, ở nhiều vùng nuôi, khoảng 80% lồng tôm, cá được nuôi theo quy trình truyền thống, chủ yếu là lồng gỗ, sử dụng thức ăn tươi, tất cả các quy trình đều là thủ công. Qua nhiều năm nuôi bộc lộ nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế, gây thiệt hại đối với người nuôi, nhất là khi gặp thiên tai, dịch bệnh.


Nhiều tồn tại, hạn chế


Qua theo dõi của chúng tôi, khoảng 10 năm trở lại đây, không ít người NTTS trên vịnh Cam Ranh, vịnh Vân  Phong, đầm Nha Phu phải chịu thiệt hại nặng khi các đối tượng nuôi bị chết... Theo kết quả quan trắc, giám sát vùng nuôi của cơ quan chức năng, nguyên nhân chủ yếu là do ở các vùng nuôi này xuất hiện lượng vi khuẩn gây bệnh vượt ngưỡng cho phép; lượng chất hữu cơ trầm tích rất lớn. Những vấn đề này đều xuất phát từ việc người nuôi chưa tuân thủ các quy định, nhất là việc giữ gìn vệ sinh môi trường nuôi. Ông Trương Văn Quý - người nuôi tôm tại phường Cam Linh (TP. Cam Ranh) kể: “Vì phát triển quá nóng qua nhiều năm mà môi trường nuôi đã bị ô nhiễm nặng, rác thải, túi ni-lông trôi nổi dập dềnh trên mặt biển, theo sóng, gió tấp kín vào ven bờ; nhiều trường hợp người nuôi khi gặp sự cố còn xả toàn bộ cá chết ra biển, cá tấp đầy bờ, khiến cho dịch bệnh lây lan nhanh”.

 

Một khu vực nuôi trồng thủy sản trên vịnh Vân Phong.

Một khu vực nuôi trồng thủy sản trên vịnh Vân Phong.


Trong lần đến các vùng nuôi lồng bè trọng điểm của tỉnh mới đây, ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản chia sẻ: “Phải hiểu cụm từ “nuôi biển” ở 2 khía cạnh. Nuôi biển không đơn thuần là phát triển lồng bè để NTTS trên biển mà nuôi biển còn là nuôi dưỡng tiềm năng của biển, giữ cho môi trường biển được sạch, từ đó mới khai thác bền vững tiềm năng của biển, làm giàu từ biển”. Nói rồi, ông Luân chỉ tay về phía những lồng nuôi san sát, với số lượng lồng chìm, lồng nổi rất lớn; đặt quá nhiều, quá gần nên nguy cơ dịch bệnh rất cao, ngành thú y thủy sản địa phương sẽ rất khó để kiểm soát một khi dịch bệnh xảy ra. Đó là chưa kể với lồng bè gỗ thiết kế khá đơn giản như hiện nay, một khi có thiên tai thì thiệt hại sẽ rất lớn, mà điều này Khánh Hòa đã phải hứng chịu sau cơn bão số 12 năm 2017.  


Ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: “Hiện nay, các vùng nuôi lồng bè chủ yếu ven bờ và ven đảo. Ngư dân nuôi biển chủ yếu nuôi theo quy trình truyền thống, quy mô nhỏ, vật liệu làm lồng chủ yếu là gỗ, không thể chịu được sóng gió lớn, không thích ứng được với biến đổi khí hậu. Việc sử dụng thức ăn tươi, mật độ nuôi không đảm bảo dẫn đến môi trường nuôi bị ô nhiễm, dịch bệnh. Trong khi đó, một số đối tượng nuôi như tôm hùm chưa chủ động được nguồn giống; lao động tham gia nuôi biển cũng hạn chế về trình độ ứng dụng khoa học - công nghệ; ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường nuôi chưa cao; đầu ra chưa ổn định... là những vấn đề tồn tại lớn trong nuôi biển của tỉnh hiện nay”.


Đưa nuôi trồng thủy sản trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn


Qua làm việc với UBND tỉnh mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định: “Khánh Hòa là một trong số ít địa phương ven biển trong cả nước có được tiềm năng và lợi thế để phát triển nuôi biển. Địa phương cần tiên phong, trở thành tỉnh dẫn dắt trong phát triển nuôi biển của Việt Nam. Để phát huy được lợi thế của mình, Khánh Hòa cần tập trung triển khai tốt Chiến lược nuôi biển của Việt Nam, trong đó cần chú trọng việc mời gọi các doanh nghiệp vào để nghiên cứu sản xuất giống, đầu tư nuôi biển theo hướng công nghiệp, sản xuất hàng hóa lớn. Việc khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về nuôi biển không chỉ giúp ngành thủy sản trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn phục vụ nhu cầu xuất khẩu cũng như tiêu thụ trong nước mà còn gắn kết được với mũi nhọn phát triển du lịch của địa phương cũng như đảm bảo được nhu cầu thực phẩm cho người dân khi Khánh Hòa tiến tới là đô thị trực thuộc Trung ương, với quy mô dân số hơn 2 triệu dân”.


Tại hội thảo định hướng phát triển NTTS trên biển do Ban Chỉ đạo quy hoạch tỉnh, UBND tỉnh tổ chức gần đây, các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đều khẳng định Khánh Hòa có tiềm năng và dư địa rất lớn để phát triển ngành nuôi biển. Tỉnh cũng xác định khai thác các tiềm năng, lợi thế của mình để phát triển nuôi biển, phấn đấu đưa Khánh Hòa thành địa phương dẫn dắt ngành nuôi biển của cả nước. Tỉnh cần định hướng phát triển nuôi biển trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, nuôi theo quy mô công nghiệp, công nghệ cao; phát triển bền vững, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội và môi trường; nuôi biển phải mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân và doanh nghiệp. Điều này cũng phù hợp với xu thế phát triển chung của các nước trên thế giới; đây cũng là yếu tố quan trọng trong cơ cấu lại nền kinh tế địa phương.


Những năm qua, NTTS trên biển đã góp phần vào sự phát triển của ngành thủy sản tỉnh và mang lại thu nhập, đời sống ổn định, khá giả cho người dân các địa phương ven biển trong tỉnh. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển NTTS phải thích ứng với biến đổi khí hậu, bền vững và trách nhiệm; khai thác tối đa tiềm năng lợi thế để đưa ngành NTTS trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn của tỉnh, đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước, người NTTS phải thay đổi để phát triển bền vững. Vấn đề then chốt được đặt ra là phải chuyển đổi dần từ quy trình nuôi theo kiểu truyền thống sang quy trình nuôi hiện đại, hướng ra xa bờ.

 

Phát biểu tại hội thảo định hướng phát triển NTTS trên biển ngày 25-11, ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Để khai thác tiềm năng về phát triển ngành NTTS trên biển cần phải có định hướng tốt;  nếu không, không gian NTTS sẽ xung đột với không gian phát triển của các ngành khác. Để phát triển ngành thủy sản thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, công nghệ cao và bền vững, tôi rất mong muốn các nhà khoa học, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiếp tục đóng góp ý kiến, sáng kiến để phát triển NTTS trên biển phù hợp với thực tiễn của tỉnh.


HẢI LĂNG
 


Kỳ 2: Nuôi biển xa bờ thời công nghệ


 

Kỳ 1: Hiện thực và kỳ vọng   Sau thời gian dài phát triển một cách tự phát, không theo quy hoạch, quy trình nuôi truyền thống, quy mô nhỏ…, đến nay, nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS) tại các vùng biển trong tỉnh đã bộc lộ nhiều hạn chế. Để phát huy tốt tiềm năng, lợi thế Khánh Hòa cần tập trung triển khai tốt Ðề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có những chính sách khuyến khích để người NTTS chuyển đổi hướng tới nuôi biển bền vững… Phát triển tự phát Cứ mỗi lần nghe thông tin về áp thấp nhiệt đới, hay không khí lạnh tràn xuống phía nam, ông Trương Văn Dư - người NTTS tại vùng biển thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh) lại

Tin khác cùng chủ đề

Hướng dẫn hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa từ ngày 1-1
Về đích thu ngân sách
10 sự kiện nổi bật năm 2021
Ước vọng đầu năm
Thư chúc mừng năm mới 2022 - xuân Nhâm Dần của Tỉnh ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa
Đón khách du lịch từ Kazakhstan đến Khánh Hòa trong ngày đầu năm 2023

Gửi bình luận của bạn