Trong 2 ngày 17 và 18-8, tại Nha Trang, Trường Đại học Phạm Văn Đồng (tỉnh Quảng Ngãi) và Trường Đại học Nha Trang phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Quy chế pháp lý của đảo, đá trong luật quốc tế và thực tiễn Biển Đông”.
Bàn về Quy chế pháp lý của đảo trong luật pháp quốc tế
Bàn về Quy chế pháp lý của đảo trong luật pháp quốc tế
Trong 2 ngày 17 và 18-8, tại Nha Trang, Trường Đại học Phạm Văn Đồng (tỉnh Quảng Ngãi) và Trường Đại học Nha Trang phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Quy chế pháp lý của đảo, đá trong luật quốc tế và thực tiễn Biển Đông”. Hội thảo thu hút hơn 100 đại biểu là các học giả, nhà nghiên cứu quốc tế và Việt Nam.


Hội thảo thu hút nhiều học giả, nhà nghiên cứu về Luật Biển trên thế giới

Từ “vụ kiện Biển Đông”...

Tại hội thảo, Giáo sư Erik Franckx - Trưởng Khoa Luật quốc tế và châu Âu, Giám đốc Trung tâm Luật quốc tế, Đại học Vrije Brussel (Bỉ), thành viên Tòa trọng tài Thường trực La Haye (Hà Lan) đã thông tin đến hội thảo về các nội dung trong phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc. Giáo sư Erik Franckx cho biết, phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế có một số điểm quan trọng, đó là: bác bỏ pháp lý đường lưỡi bò trên Biển Đông của Trung Quốc; đưa ra kết luận về quy chế pháp lý của các thực thể ở Biển Đông (gồm: đảo, đá, bãi cạn, bãi ngập nước dải đá ngầm)… Theo Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới của Chính phủ, phán quyết của Tòa trọng tài đã làm sáng tỏ sự thật đúng, sai của một loại tranh chấp do Trung Quốc và áp dụng sai Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 để đưa ra các yêu sách phi lý, vi phạm đến các quyền và lợi ích chính đáng của các bên liên quan trong khu vực Biển Đông. Đồng thời, góp phần thu hẹp các tranh chấp rất phức tạp trong Biển Đông.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Đăng Phước - Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng cho rằng, phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc vào ngày 12-7 mang tính lịch sử, trong đó lần đầu tiên một thiết chế tư pháp quốc tế ra phán quyết chỉ rõ những yếu tố và điều kiện mà một cấu trúc địa lý phải đáp ứng để được thừa nhận là đảo để có thể có quyền có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.


Đại biểu tham quan triển lãm các bằng chứng về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam

Cũng theo ông Phước, việc nghiên cứu, làm rõ vấn đề quy chế pháp lý của đảo, đá có ý nghĩa hơn trong bối cảnh khu vực Biển Đông, nơi đang diễn ra các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa và sự giải thích khác nhau về quy chế pháp lý của các đối tượng tranh chấp. Cũng có những ý kiến cho rằng, bên cạnh nhiều nguyên nhân và yếu tố khác, chính sự không rõ ràng về quy chế pháp lý của đảo, đá và các thực thể khác trong khu vực Biển Đông cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho tình hình tranh chấp ở khu vực Biển Đông ngày càng phức tạp. Một minh chứng cụ thể của nhận định này là các hoạt động bồi đắp, xây dựng trái phép các đảo nhân tạo trên quy mô lớn của Trung Quốc với mục đích vừa làm thay đổi hiện trạng vừa làm thay đổi quy chế pháp lý của các thực thể ở Trường Sa.

... đến tác động giải quyết các tranh chấp Biển Đông

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng phán quyết của Tòa trọng tài mang tính ràng buộc các bên trong vụ kiện, đồng thời cũng mang đến những cơ hội và hy vọng mới cho việc giải quyết vấn đề tranh chấp ở khu vực Biển Đông. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Nam Tiến - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh nêu quan điểm, xét về góc độ chính trị, ngoại giao thì kết quả Philippines giành thắng lợi đã tạo cơ hội để dư luận quốc tế càng có niềm tin và cơ sở để bày tỏ lập trường ủng hộ họ và lên án chính sách “đường lưỡi bò” cũng như hàng loạt hành động làm phức tạp hòa bình và an ninh hàng hải của Trung Quốc tại Biển Đông. Trên cơ sở phán quyết của Tòa trọng tài, các quốc gia trong khu vực có thể yêu cầu tòa làm rõ thêm những giới hạn có tính nghiêm ngặt hơn để cô lập Trung Quốc trong vòng tròn pháp lý. Một khả năng tích cực hơn nữa là các quốc gia ASEAN cũng theo đó tăng cường tính đoàn kết trong vấn đề Biển Đông.


Một góc đảo Sơn Ca Trường Sa

Theo ông Nguyễn Quý Bính - nguyên Vụ trưởng Vụ Luật pháp Quốc tế, Bộ Ngoại giao, dư luận quốc tế đánh giá cao phán quyết của Tòa trọng tài. Phán quyết sẽ mở ra cơ hội giải quyết các tranh chấp bất đồng giữa tất cả các bên liên quan, tạo nền tảng thu hẹp bất đồng và giúp tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho tranh chấp ở Biển Đông, góp phần duy trì ổn định của khu vực, bảo vệ hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Tiến sĩ Trần Công Trục nhận định, phán quyết của Tòa trọng tài có tác động tích cực để gỡ nút thắt tiến trình ASEAN và Trung Quốc gặp phải trong quá trình tiến hành tham vấn, đàm phán để ký được một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) mà ai cũng đang kỳ vọng. “Sở dĩ trước đây COC không đi dến đâu vì tranh cãi chủ yếu xung quanh phạm vi áp dụng nó. Vì muốn hợp thức hóa yêu sách “đường lưỡi bò”, Trung Quốc đòi hỏi phạm vi điều chỉnh của COC phải nằm trong toàn bộ phạm vi đường 9 đoạn. Và tất nhiên không một quốc gia nào ven Biển Đông chấp nhận điều này. COC không thể ký kết được chính là do nút thắt này.

Hy vọng phán quyết sẽ giúp các bên có được công cụ và phương pháp để tháo gỡ nó nhằm nhanh chóng ký kết được COC”, Tiến sĩ Trần Công Trục nhấn mạnh.

Ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam?

Trong vụ Philippines kiện Trung Quốc tại Tòa trọng tài, Việt Nam tham gia với tư cách là quan sát viên. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Nam Tiến phân tích, sau phán quyết của Tòa trọng tài xét về pháp lý, bản chất thì đây không phải là vụ kiện các vấn đề chủ quyền. Với ý nghĩa đó, vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa vẫn chưa được giải quyết triệt để. Xét về mặt tích cực, phán quyết thắng lợi cho Philippines, ít nhất từ khía cạnh pháp lý Việt Nam cũng được hưởng lợi chung khi tòa bác bỏ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc vì “đường lưỡi bò” bao quanh Biển Đông và bao trùm cả vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa của Việt Nam. Và nó sẽ là cơ sở để Việt Nam đấu tranh bảo vệ chủ quyền đối với Trung Quốc.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Nam Tiến cho biết thêm, quần đảo Trường Sa đã tồn tại và được cộng đồng quốc tế công nhận về mặt lịch sử, phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Các đá nằm rải rác trong các cụm đảo, trở thành những bộ phận tạo thành một thể thống nhất của quần đảo Trường Sa, do đó không thể tách rời các thực thể này để rồi quy nó vào thềm lục địa của một quốc gia khác.

Trước những vấn đề được nêu, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Nam Tiến đề xuất, trong thời gian tới, Việt Nam cần có phản ứng riêng đối với phán quyết của Tòa trọng tài, trong đó thể hiện đồng tình với tinh thần của phán quyết nhưng không đồng ý với những nội dung cụ thể của phán quyết ảnh hưởng đến chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa. Đồng thời, Việt Nam cần mạnh mẽ trong hành động đối với quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền của mình ở Biển Đông, đặc biệt là đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Theo baokhanhhoa.com.vn

________________________________________

Giáo sư Carlyle A. Thayer - Học viện Quốc phòng Australia: Ở Biển Đông hiện nay, Trung Quốc can thiệp thô bạo đến hiện trạng bằng việc xây dựng 7 đảo đá nhân tạo với quy mô lớn, vi phạm Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982. Việc xây dựng đường băng, trạm ra đa, hệ thống tên lửa, các nhà chứa máy bay có thể chứa được 25 máy bay… là những hành động quân sự hóa. Hành động của Trung Quốc đang gây mất an ninh khu vực. Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông dự kiến thông qua năm 2017 cũng không thể thực hiện được khi Trung Quốc không thừa nhận phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện của Philippines. Vai trò của ASEAN đang bị đe dọa.

___________________________________________


Bà Amy Searight - nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) Mỹ: Phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện của Philippines sẽ ảnh hưởng đến tranh chấp ở Hoàng Sa, tạo tiền lệ tốt. Về ảnh hưởng chiều sâu, có thể thấy phán quyết dựa vào luật pháp quốc tế, có tính rằng buộc, tuy nhiên không có lực lượng quân đội, cảnh sát để thực thi phán quyết này. Theo tôi, cách duy nhất để giải quyết tranh chấp trong khu vực là các nước trong ASEAN kiên định, đoàn kết, cùng nhau đòi hỏi về trách nhiệm, về đạo đức, buộc Trung Quốc tôn trọng phán quyết của luật pháp quốc tế.
___________________________________________


Trong khuôn khổ các hoạt động của hội thảo, Ban tổ chức trưng bày triển lãm về Hoàng Sa, Trường Sa với chủ đề “Những bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” tại Khách sạn InterContinental - nơi diễn ra hội thảo và Bảo tàng Hải dương học Nha Trang. Hôm nay (18-8), các đại biểu có chuyến tham quan tại cảng Quốc tế Cam Ranh.


________________________________________
Trong 2 ngày 17 và 18-8, tại Nha Trang, Trường Đại học Phạm Văn Đồng (tỉnh Quảng Ngãi) và Trường Đại học Nha Trang phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Quy chế pháp lý của đảo, đá trong luật quốc tế và thực tiễn Biển Đông”. Hội thảo thu hút hơn 100 đại biểu là các học giả, nhà nghiên cứu quốc tế và Việt Nam. Hội thảo thu hút nhiều học giả, nhà nghiên cứu về Luật Biển trên thế giới Từ “vụ kiện Biển Đông”... Tại hội thảo, Giáo sư Erik Franckx - Trưởng Khoa Luật quốc tế và châu Âu, Giám đốc Trung tâm Luật quốc tế, Đại học Vrije Brussel (Bỉ), thành viên Tòa trọng tài Thường trực La Haye (Hà Lan) đã thông tin đến hội thảo về các nội dung trong phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về vụ kiện Biển Đông

Tin khác cùng chủ đề

Hướng dẫn hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa từ ngày 1-1
Về đích thu ngân sách
10 sự kiện nổi bật năm 2021
Ước vọng đầu năm
Thư chúc mừng năm mới 2022 - xuân Nhâm Dần của Tỉnh ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa
Đón khách du lịch từ Kazakhstan đến Khánh Hòa trong ngày đầu năm 2023

Gửi bình luận của bạn