Đặc biệt trong những thời khắc cam go, ác liệt của dân tộc, Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Người luôn thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân, biến thành sức mạnh đưa dân tộc ta giành những thắng lợi vẻ vang.
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua, khen thưởng luôn là nền tảng cho những quan điểm, chỉ đạo, định hướng phong trào thi đua yêu nước trong những năm qua; là cơ sở để Đảng, Nhà nước bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương về thi đua yêu nước, về công tác thi đua-khen thưởng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Ngày nay trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.
75 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quán triệt sâu rộng và liên tục vận dụng sáng tạo tư tưởng thi đua yêu nước của Người để triển khai hiệu quả tốt nhiều phong trào thi đua và công tác thi đua-khen thưởng, góp phần đưa đất nước vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng trong mọi hoàn cảnh.
Từ nền tảng tư tưởng của Người, Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã xây dựng, ban hành kịp thời đường lối, chủ trương và chính sách, pháp luật về thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng. Đáng chú ý, sau 37 năm đổi mới đất nước, nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác thi đua, khen thưởng, về tổ chức các phong trào thi đua đã được ban hành và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu đất nước trong tình hình mới, phù hợp nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân.
Gần đây nhất, ngày 15/6/2022, Quốc hội đã thông qua Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), trong đó có nhiều quy định mới. Đáng chú ý là quyết tâm đưa phong trào thi đua hướng về cơ sở, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, thiết thực, gắn với lợi ích của người trực tiếp tham gia thi đua, hạn chế tính hình thức trong thi đua.
Chú trọng khen thưởng tập thể ở cơ sở, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ; quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác thi đua, khen thưởng…
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua, khen thưởng luôn là nền tảng cho những quan điểm, chỉ đạo, định hướng phong trào thi đua yêu nước trong những năm qua; là cơ sở để Đảng, Nhà nước bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương về thi đua yêu nước, về công tác thi đua-khen thưởng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thi đua-khen thưởng còn bộc lộ một số hạn chế, như: nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu về vai trò, tầm quan trọng của công tác thi đua-khen thưởng chưa đầy đủ, dẫn đến hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai phong trào thi đua, công tác khen thưởng của một số địa phương, bộ, ngành chưa thực chất, chưa thật sự sâu sát.
Công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến ở một số nơi không được quan tâm đúng mức; công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá, nhân rộng phong trào chưa được chú trọng; các hoạt động cụm, khối thi đua chưa đồng đều, đơn điệu, chưa được duy trì thường xuyên...
Để các phong trào thi đua, công tác thi đua-khen thưởng ngày càng thực chất, công bằng, các cấp ủy, chính quyền cần mạnh dạn đổi mới từ chủ trương đến cách làm, đưa phong trào thi đua ngày càng lan rộng, chất lượng hơn, thiết thực hơn, trở thành động lực trong đời sống xã hội. Các cơ quan chức năng cần thường xuyên đẩy mạnh công tác truyền thông, tôn vinh gương người tốt, việc tốt; triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; hướng thi đua vào các trọng tâm, lấy hiệu quả của công tác thi đua là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức và cá nhân.
Chúng ta phải thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, đó là đưa công tác thi đua trở thành công việc hằng ngày của mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị, địa bàn dân cư. Mọi người không phân biệt ngành nghề, giới tính, thành phần dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, ai cũng hăng hái thi đua, tham gia làm đúng và làm tốt nhiệm vụ của mình. Các phong trào thi đua cần có nội dung, tiêu chí cụ thể, rõ ràng, huy động được sự tham gia và hưởng ứng tích cực của người dân.
Công tác thi đua-khen thưởng phải tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; bám sát thực tiễn cuộc sống để tổ chức thực hiện phù hợp; nâng cao chất lượng, đổi mới hoạt động của hội đồng thi đua-khen thưởng các cấp, phát huy hơn nữa trách nhiệm, vai trò của cơ quan chuyên trách công tác thi đua-khen thưởng trong tham mưu thực hiện công tác. Các địa phương, bộ, ngành cần kịp thời phát hiện những điển hình tiên tiến để tôn vinh, nhân rộng, cũng như phát hiện những bất cập cần điều chỉnh trong công tác thi đua-khen thưởng.
Các cấp ủy, chính quyền cần tiếp tục kiện toàn bộ máy thi đua, khen thưởng theo hướng tinh gọn, hiệu quả; đào tạo những người làm công tác thi đua-khen thưởng đủ năng lực, phẩm chất. Một trong những trọng tâm cần thực hiện có hiệu quả tốt là tổ chức tổng kết, đánh giá toàn diện, nhất là những hạn chế, bất cập của các phong trào thi đua hiện nay để có thêm bài học, kinh nghiệm triển khai; qua đó thúc đẩy phong trào ngày càng thực chất, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức…
Cách đây đúng 75 năm, vào ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc, chính thức phát động phong trào thi đua ái quốc trong cả nước.