Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Cộng hòa Pháp Ph.Ô-lăng-đơ đã đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp; Chủ tịch nước Trần Đại Quang đón, hội đàm; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Tổng thống Pháp Ph. Ô-lăng-đơ
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp; Chủ tịch nước Trần Đại Quang đón, hội đàm; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Tổng thống Pháp Ph. Ô-lăng-đơ

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Cộng hòa Pháp Ph. Ô-lăng-đơ.Ảnh: DUY LINH
* Ký 16 văn kiện hợp tác

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Cộng hòa Pháp Ph.Ô-lăng-đơ đã đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam.

Sáng 6-9, tại Phủ Chủ tịch, diễn ra lễ đón chính thức Tổng thống Pháp Ph.Ô-lăng-đơ. Tham dự lễ đón, về phía Việt Nam, có Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung; Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long; Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân; Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn và lãnh đạo các Bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo. Về phía Pháp, có Quốc Vụ khanh về Phát triển và Pháp ngữ Ăng-đờ-rê Va-li; Quốc Vụ khanh phụ trách Thương mại, Thủ công, Tiêu dùng và Kinh tế xã hội và đoàn kết Mác-tin Pin-vin; Đại sứ Pháp tại Việt Nam Giăng Nô-en Poa-ri-ê; cùng nhiều quan chức ngoại giao Pháp.

* Cùng ngày, tại Trụ sở T.Ư Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Pháp Ph.Ô-lăng-đơ nhân chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam.

Tại cuộc tiếp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Ô-lăng-đơ; nhấn mạnh hai nước Việt Nam và Pháp, vốn đã có hiểu biết sâu sắc về nhau, đang nỗ lực làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác chiến lược đã được thiết lập. Tổng Bí thư khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng vai trò, vị trí và luôn dành ưu tiên cao cho việc phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với CH Pháp. Tổng Bí thư đề nghị, hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác trên nhiều mặt, nhiều kênh quan hệ; tăng cường tiếp xúc, trao đổi kinh nghiệm, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế, cũng như duy trì các cơ chế hợp tác sẵn có. Tổng Bí thư đề nghị Pháp thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn trong những lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng, như kinh tế, thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, ứng phó biến đổi khí hậu, văn hóa - giáo dục, giúp Việt Nam phát triển nhanh, bền vững. Tổng Bí thư bày tỏ mong muốn hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác về các vấn đề quốc tế, phối hợp bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại khu vực. Nhân dịp này, Tổng Bí thư đề nghị Chính phủ Pháp quan tâm tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam tại Pháp đóng góp tích cực hơn nữa vào xã hội sở tại, góp phần thúc đẩy quan hệ về nhiều mặt giữa hai nước.

Tổng thống Ph.Ô-lăng-đơ chúc mừng đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu lại làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam; bày tỏ ấn tượng sâu sắc về tình cảm nồng hậu và sự đón tiếp trọng thị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho Đoàn trong chuyến thăm. Tổng thống đánh giá cao những thành tựu quan trọng Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, khẳng định mối quan hệ Việt Nam - Pháp có nền tảng lịch sử gắn kết lâu dài và nhiều tiềm năng để phát triển; nhất trí hai bên tiếp tục đẩy mạnh quan hệ chính trị thông qua trao đổi đoàn, nhất là các đoàn cấp cao; tăng cường giao lưu văn hóa; mở rộng và phát triển dạy tiếng Pháp tại Việt Nam thông qua hợp tác giữa các trường đại học, các cơ sở giáo dục; đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, hàng không vũ trụ, năng lượng tái tạo, nông nghiệp, chế biến lương thực, thực phẩm... Tổng thống Pháp bày tỏ ủng hộ thúc đẩy các cơ chế hợp tác như hợp tác phi tập trung giữa các địa phương, hợp tác trong khối Pháp ngữ, các hình thức hợp tác có thể ứng dụng tại châu Phi và các khu vực khác trên thế giới. Tổng thống Ô-lăng-đơ chia sẻ những thách thức về an ninh quốc tế hiện nay đối với Pháp và Việt Nam, ủng hộ quan điểm tự do hàng hải và hàng không, giải quyết tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế; bày tỏ tin tưởng quan hệ hai nước sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới vì lợi ích của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác trong khu vực và trên thế giới.

* Ngày 6-9, Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội kiến riêng và hội đàm với Tổng thống Ph.Ô-lăng-đơ. Trong không khí cởi mở, hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận, thống nhất nhiều biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương và trao đổi các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao ý nghĩa của chuyến thăm đối với quan hệ hai nước. Tổng thống Ph.Ô-lăng-đơ mong muốn chuyến thăm sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.




Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội đàm với Tổng thống Cộng hòa Pháp Ph. Ô-lăng-đơ.
Ảnh: ĐĂNG ANH


Hai nhà lãnh đạo nhất trí đánh giá quan hệ Việt Nam - Pháp đang phát triển tích cực trên mọi lĩnh vực, khẳng định quyết tâm chung đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp hướng tới một tầm nhìn hợp tác dài hạn, đáp ứng lợi ích và quan tâm chung của hai nước. Hai bên thống nhất tăng cường trao đổi tiếp xúc ở các cấp, nhất là cấp cao, đồng thời phát huy vai trò của các cơ chế điều phối, chỉ đạo hợp tác song phương, trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, khoa học - công nghệ, văn hóa, giáo dục - đào tạo; khẳng định hợp tác kinh tế tiếp tục là trụ cột ưu tiên nhất là các dự án trọng điểm về cơ sở hạ tầng, năng lượng, hàng không, y tế - dược phẩm, môi trường, nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Tổng thống Ph.Ô-lăng-đơ khẳng định cam kết của Pháp duy trì ODA cho Việt Nam. Hai bên nhấn mạnh tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước hợp tác, đầu tư và kinh doanh, hướng tới xây dựng các mối quan hệ đối tác trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Việt Nam đã mời Pháp tham dự Triển lãm quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2017 (Vietnam Foodexpo) với tư cách là khách mời danh dự. Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác khoa học - công nghệ, chú trọng lĩnh vực năng lượng tái tạo, ứng dụng vệ tinh; tăng cường hợp tác văn hóa - du lịch, giáo dục - đào tạo; tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam sang Pháp học tập, nghiên cứu, phối hợp phát triển Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội trở thành trường đại học đẳng cấp quốc tế. Hai nhà lãnh đạo nhất trí hợp tác chặt chẽ, bảo đảm thành công của Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp lần thứ 10 sẽ diễn ra từ ngày 14 đến 16-9 tới tại thành phố Cần Thơ.

Về lĩnh vực quốc phòng, hai bên nhất trí hợp tác trang thiết bị, thăm viếng tàu quân sự, Pháp hỗ trợ Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, hợp tác giải quyết các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Việt Nam và Pháp sẽ tăng cường phối hợp tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, ASEAN - EU, ASEM, Pháp ngữ; tiếp tục ủng hộ lẫn nhau nhằm phát triển quan hệ của Pháp với châu Á - Thái Bình Dương và tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với Liên hiệp châu Âu. Việt Nam đánh giá cao vai trò của Pháp trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sau thành công của Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP 21) tại Pa-ri. Hai nước sẽ thắt chặt hợp tác trong ứng phó thách thức toàn cầu, đặc biệt là ứng phó biến đổi khí hậu.

Hai nhà lãnh đạo nêu rõ tầm quan trọng của việc gìn giữ hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác khu vực và quốc tế, tái khẳng định cam kết duy trì tự do hàng hải, hàng không; nhấn mạnh việc giải quyết tranh chấp tại Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Sau phán quyết của Tòa trọng tài thường trực ngày 12-7-2016, hai bên khẳng định nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), ủng hộ các nỗ lực nhằm đạt Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

* Sau hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Ph.Ô-lăng-đơ chứng kiến lễ ký kết, trao đổi các văn kiện, thỏa thuận hợp tác giữa hai nước: Hiệp định về dẫn độ giữa Việt Nam và Pháp; Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và Pháp; Thỏa thuận hành chính giữa Bộ Nội vụ Việt Nam với Tổng cục Hành chính và Công vụ - Bộ Công vụ Pháp; Thỏa thuận hành chính về hợp tác trong lĩnh vực pháp luật giữa hai Bộ; Tuyên bố về hỗ trợ giảng dạy tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp giữa Việt Nam và Pháp; Thỏa thuận hợp tác đào tạo giai đoạn 2016-2017 giữa Học viện Hành chính quốc gia nước CHXHCN Việt Nam và Trung tâm Đào tạo cấp cao Bộ Nội vụ CH Pháp; Tuyên bố Ý định hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ CHXHCN Việt Nam và Bộ Giáo dục, Đào tạo và Nghiên cứu CH Pháp; Thỏa thuận hành chính về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp, Công nghệ chế biến thực phẩm và Lâm nghiệp nước CH Pháp; Bản ghi nhớ hợp tác về thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ quốc gia Pháp; Thỏa ước tín dụng cho Dự án hỗ trợ quản lý nguồn nước và cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu tại Ninh Bình, Hà Tĩnh, Cần Thơ; Bản ghi nhớ giữa Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam và Tập đoàn Vinci Concessions; Bản ghi nhớ hợp tác giữa Tập đoàn FPT và Công ty Telespazio; Ý định thư về hợp tác quản lý không lưu giữa Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và Airbus; Thỏa thuận mua 10 máy bay Airbus A350 của Tổng công ty Hàng không Vietnam Airlines; Hợp đồng mua 10 máy bay Airbus A320 của Công ty cổ phần Hàng không Jetstar Pacific; Hợp đồng mua 20 máy bay Airbus A321-neo của Công ty cổ phần hàng không Vietjet. Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Ph.Ô-lăng-đơ đã có cuộc gặp gỡ với báo chí Việt Nam và quốc tế, thông báo về kết quả hội đàm.

* Trưa cùng ngày, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì tiệc chiêu đãi chào mừng chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Pháp Ph.Ô-lăng-đơ.

* Sáng 6-9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Pháp Ph.Ô-lăng-đơ. Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước kết quả tốt đẹp của cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Pháp cũng như những kết quả toàn diện đạt được trong quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp thời gian qua; khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ nỗ lực thúc đẩy, đưa quan hệ hợp tác Việt Nam - Pháp trên các lĩnh vực ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả.

Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn, hai bên tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực mà Pháp có thế mạnh, như xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, năng lượng, hàng không - vũ trụ, vệ tinh, y tế, dược phẩm,… đặc biệt chú trọng trong chuyển giao công nghệ, đào tạo, tạo điều kiện cho Việt Nam tham gia các khâu chế tạo vệ tinh; đẩy mạnh hợp tác phát triển bền vững về công nghệ bảo vệ môi trường, kỹ thuật nông nghiệp xanh, khuyến khích doanh nghiệp Pháp tham gia các “dự án xanh” ở Việt Nam. Thủ tướng đề nghị Pháp quan tâm hỗ trợ Việt Nam trong quá trình thực hiện các cam kết của COP 21.

Nhấn mạnh Việt Nam đã vươn lên thoát nghèo và trở thành nước có thu nhập trung bình, tuy nhiên đang phải đối phó nhiều thách thức, như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Pháp tiếp tục duy trì tài trợ ODA cho Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực hạ tầng, biến đổi khí hậu, giảm nghèo. Đồng thời, đề nghị hai bên thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư; phấn đấu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại hai chiều trong thời gian tới; tăng cường các hoạt động hợp tác về văn hóa, giáo dục; giao lưu nhân dân và hợp tác giữa các địa phương hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ sự quan ngại của Pháp về chủ nghĩa khủng bố, cũng như mất mát to lớn mà chủ nghĩa khủng bố gây ra đối với nhân dân Pháp. Thủ tướng mong muốn Pháp ủng hộ lập trường của ASEAN về bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982,…

Tổng thống Ph.Ô-lăng-đơ khẳng định, Pháp luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng…; nhấn mạnh, Pháp luôn ưu tiên tăng cường hợp tác kinh tế với Việt Nam, mong muốn Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư của Pháp đầu tư thành công tại Việt Nam; thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ, chuyển giao công nghệ, giáo dục đào tạo để ngày càng có nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam sang theo học tại Pháp; tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác về nông nghiệp, dược phẩm, văn hóa, thúc đẩy giao lưu nhân dân. Tổng thống Ph.Ô-lăng-đơ khẳng định, Pháp sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng, bảo vệ môi trường.

* Chiều 6-9, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Tổng thống Pháp Ph.Ô-lăng-đơ. Chủ tịch QH khẳng định, quan hệ Việt Nam - Pháp là mối quan hệ đặc biệt, có bề dày lịch sử, nhân dân hai nước có sự gắn bó mật thiết. Đánh giá cao chính sách của Pháp tăng cường hợp tác kinh tế với Việt Nam, là một trong những nhà tài trợ song phương hàng đầu châu Âu cho Việt Nam, Chủ tịch QH đề nghị Pháp tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển bền vững, trong đó có việc thực hiện Chương trình nghị sự đến 2030 của Liên hợp quốc. Đánh giá cao vai trò tiên phong của Pháp trong nỗ lực chung cùng cộng đồng quốc tế ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Chủ tịch QH cảm ơn sự hỗ trợ của Chính phủ Pháp trong quá trình Việt Nam xây dựng Chiến lược biến đổi khí hậu.

Nhấn mạnh hợp tác giữa các địa phương của hai nước là nét đặc thù trong quan hệ Việt Nam - Pháp, Chủ tịch QH nhận định, lĩnh vực hợp tác này ngày càng được thúc đẩy và phát triển mạnh mẽ. Chủ tịch QH thông báo về việc thành phố Cần Thơ đang tích cực chuẩn bị cho Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp lần thứ 10; bày tỏ vui mừng về quan hệ giữa các cơ quan lập pháp hai nước phát triển hiệu quả trong hơn 40 năm qua; trân trọng gửi lời cảm ơn đến các đại biểu Nghị viện Pháp đã tham gia, phối hợp chặt chẽ với Việt Nam tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) và Hội nghị lần thứ 7 Vùng châu Á - Thái Bình Dương của Liên minh nghị viện Cộng đồng Pháp ngữ (APF) trong năm 2015 vừa qua. Đánh giá cao hoạt động tích cực của Nhóm nghị sĩ hữu nghị Pháp - Việt Nam của Thượng viện và Hạ viện Pháp, Chủ tịch QH tin tưởng rằng, các Nhóm nghị sĩ hữu nghị sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động, giao lưu, trao đổi, thể hiện vai trò cầu nối hữu nghị giữa cơ quan lập pháp hai nước; nhất trí với đề xuất của Tổng thống Pháp về tăng cường hợp tác giáo dục, văn hóa, trong đó có giảng dạy tiếng Pháp tại Việt Nam.

Tổng thống Ph.Ô-lăng-đơ khẳng định cam kết của Pháp duy trì ODA cho Việt Nam và cho biết, cùng với những lĩnh vực hợp tác đã có, thời gian tới Pháp sẽ tập trung mở rộng hợp tác với Việt Nam về ứng phó biến đổi khí hậu, công nghệ thông tin, xây dựng các thành phố của Việt Nam hiện đại hơn, đa dạng hóa các nguồn năng lượng...

Cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về lời thăm hỏi và lời mời tới Ngài Chủ tịch Thượng viện Pháp Giê-ra Lác-xơ thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Pháp nhất trí cho rằng, thời gian tới Cơ quan lập pháp hai nước tiếp tục trao đổi đoàn cấp cao để tăng cường mối quan hệ hợp tác, đồng thời tin tưởng Quốc hội Việt Nam sẽ ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý để triển khai thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác giữa hai nước.

* Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, sáng 6-9, Tổng thống Pháp Ph.Ô-lăng-đơ có bài phát biểu trước các sinh viên tại Đại học Quốc gia Hà Nội về chủ đề “Tương lai chung của Pháp và Việt Nam”. Tổng thống Ph.Ô-lăng-đơ khẳng định, các quốc gia phải đoàn kết để bảo đảm an ninh toàn cầu, khi có mâu thuẫn xảy ra, không nên sử dụng vũ lực, cần đàm phán, đối thoại trong hòa bình để giải quyết mâu thuẫn.

Tổng thống Pháp mong muốn, thời gian tới, Pháp sẽ đón thêm nhiều sinh viên Việt Nam sang du học, thúc đẩy hơn nữa sự liên kết giữa các trường đại học của Pháp và Việt Nam, tăng cường giảng dạy tiếng Pháp trong các trường đại học của Việt Nam.

Nhân dịp này, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách Khoa Pa-ri ký thỏa thuận hợp tác, nhằm thúc đẩy hơn mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực đào tạo chất lượng cao.

* Chiều cùng ngày, Tổng thống Pháp Ph.Ô-lăng-đơ thăm phố cổ Hà Nội, di tích đình Kim Ngân số 42 - 44 Hàng Bạc. Trước đó, Tổng thống Pháp đã gặp gỡ các cựu học sinh Việt Nam từng du học ở Pháp.

Theo nhandan.com.vn
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Cộng hòa Pháp Ph. Ô-lăng-đơ.Ảnh: DUY LINH * Ký 16 văn kiện hợp tác Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Cộng hòa Pháp Ph.Ô-lăng-đơ đã đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam. Sáng 6-9, tại Phủ Chủ tịch, diễn ra lễ đón chính thức Tổng thống Pháp Ph.Ô-lăng-đơ. Tham dự lễ đón, về phía Việt Nam, có Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung; Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long; Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân; Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn và lãnh đạo các Bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo. Về phía Pháp, có Quốc Vụ khanh về Phát triển và

Tin khác cùng chủ đề

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam nhân dịp năm mới 2022
Khánh Hòa với khát vọng vươn tầm
Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022
[Ảnh] Thủ tướng dự Lễ khởi công dự án đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông
Khởi công 12 dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi, chúc mừng năm mới gia đình các cố Chủ tịch nước

Gửi bình luận của bạn