Chiều 19-9, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Tổng kết hoàn thành Kế hoạch tổng thể thực hiện công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu chỉ đạo.
Mốc son trong lịch sử hợp tác giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ Việt Nam - Lào
Mốc son trong lịch sử hợp tác giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ Việt Nam - Lào
Chiều 19-9, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Tổng kết hoàn thành Kế hoạch tổng thể thực hiện công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu chỉ đạo.

Góp phần tăng cường và củng cố mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Lào

Thực hiện Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1977, từ năm 1978 đến 1987, Việt Nam và Lào đã phối hợp thực hiện và hoàn thành việc phân giới toàn bộ đường biên giới ở trên thực địa, xây dựng được tổng số 214 cột mốc tại 199 vị trí mốc. Hệ thống mốc quốc giới này đã đóng một vai trò rất quan trọng trong công tác quản lý biên giới chung giữa hai nước. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm, hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào được cắm từ những năm 1980 đã bộc lộ một số hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý biên giới trong tình hình mới. Với đường biên giới dài hơn 2.000 km mà chỉ có 199 vị trí mốc thì mật độ quá thưa, bình quân trên 10 km một mốc, cá biệt có những nơi hai cột mốc cách xa nhau hơn 40 km, gây khó khăn cho việc nhận biết đường biên giới và công tác quản lý biên giới. Do được thiết kế và xây dựng vào thời kỳ sau chiến tranh, hai nước còn nhiều khó khăn, năng lực, trang thiết bị kỹ thuật còn hết sức hạn chế, nên mốc có chất lượng không cao, không bền vững. Từ sau khi hoàn thành việc phân giới, cắm mốc và ký kết Hiệp định về quy chế biên giới, hai bên đã phối hợp mở và nâng cấp nhiều cửa khẩu biên giới cùng với các công trình mới được xây dựng khang trang, hiện đại, khiến cho hình thức và kích thước mốc cũ ở cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính không còn phù hợp, không tương xứng với ý nghĩa là mốc quốc giới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.

Xuất phát từ thực tiễn trên, nhằm hoàn thiện chất lượng của đường biên giới, xây dựng một hệ thống mốc quốc giới khang trang, chính quy, hiện đại, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý biên giới trong tình hình mới, lãnh đạo cấp cao hai nước đã thống nhất cùng phối hợp xây dựng và thực hiện Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào, coi đây là một trong những nội dung hợp tác quan trọng giữa hai nước, phục vụ nhu cầu phối hợp quản lý, bảo vệ biên giới ổn định lâu dài. Dự án được phép triển khai thực hiện từ năm 2008. Cho đến nay, hệ thống mốc quốc giới giữa hai nước hiện có 1002 cột mốc và cọc dấu tại 905 vị trí.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, việc hoàn thành thắng lợi toàn bộ Kế hoạch tổng thể góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện chất lượng đường biên giới Việt Nam - Lào cả về pháp lý và thực tiễn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ từ nay, Việt Nam và Lào đã có một đường biên giới hết sức rõ ràng, được ghi nhận rất chi tiết trong các văn kiện pháp lý, bản đồ đính kèm và được đánh dấu bằng một hệ thống mốc quốc giới chính quy, hiện đại, bền vững trên thực địa. Thành quả này không những tạo tiền đề thuận lợi cho công tác quản lý và bảo vệ đường biên giới, mà còn góp phần thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư và giao lưu kinh tế, văn hoá, du lịch của các địa phương và nhân dân vùng biên giới; củng cố an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biên giới; góp phần tăng cường và củng cố mối quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trao Huân chương Lao động hạng ba cho các tập thể và cá nhân.

Trong khi đó, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng Hội nghị có ý nghĩa quan trọng khẳng định việc hoàn thành toàn bộ quá trình giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ với nước bạn Lào anh em. Theo Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, việc hai nước ký hai văn kiện pháp lý quan trọng là Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam – Lào và Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào là sự kiện trọng đại trong mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt Việt Nam – Lào, là mốc son trong lịch sử hợp tác giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa hai nước. “Hiện hai văn kiện đã được cấp có thẩm quyền của hai nước phê chuẩn và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 5-9-2017, đánh dấu sự hoàn thành toàn bộ công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào sau 9 năm các Bộ ngành và địa phương liên quan của hai nước nỗ lực phối hợp thực hiện”, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

Thuận lợi đan xen khó khăn

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Lê Hoài Trung cho biết quá trình triển khai Kế hoạch tổng thể thực hiện công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào, đã gặp nhiều thuận lợi khi nhận được sự quan tâm sát sao, tạo mọi điều kiện của lãnh đạo cấp cao hai nước, các bộ, ngành và địa phương của Việt Nam và Lào đều hết sức phấn khởi ủng hộ, quyết tâm phối hợp hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, việc tổ chức thực hiện Kế hoạch tổng thể của Việt Nam đã đúc rút nhiều kinh nghiệm từ việc phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam – Campuchia, nên vấn đề tổ chức, điều hành, quản lý, sử dụng kinh phí vốn là những vướng mắc trước đây thì đến nay cơ bản đã được giải quyết. “Đường biên giới Việt Nam – Lào đã được hoạch định, phân giới cắm mốc, các tồn đọng và mâu thuẫn, sai lệch đã được giải quyết xong nên việc xác định vị trí mốc cơ bản thuận lợi. Dự án được các bộ, ngành và địa phương hữu quan của hai nước dày công phối hợp nghiên cứu, nên khối lượng công việc được xác định cơ bản đầy đủ, rõ ràng, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho khâu lập kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện công tác cắm mốc hằng năm. Chính phủ đã cho phép đầu tư mua sắm những máy móc, trang bị đo đạc hiện đại nhất, đảm bảo cho lực lượng kỹ thuật làm việc có hiệu quả, đảm bảo độ chính xác”, Thứ trưởng Lê Hoài Trung khẳng định.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh chung với các đại biểu tham dự Hội nghị.

Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi, quá trình thực hiện Kế hoạch tổng thể thực hiện công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào cũng gặp không ít khó khăn. Khu vực biên giới Việt Nam – Lào có địa hình hết sức hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, mưa lũ thất thường, nên việc vận chuyển vật tư, vật liệu lên đường biên giới chính là một trở ngại lớn. Đó là chưa kể hầu hết các địa bàn triển khai công tác cắm mốc là vùng sâu, vùng xa, chưa có đường giao thông, dân cư thưa thớt, kinh tế-xã hội chậm phát triển nên rất khó huy động phương tiện, trang bị kỹ thuật và dân công. “Dọc tuyến biên giới, trong lòng đất, khe núi, đáy sông còn nhiều bom mìn và vật cản nổ do chiến tranh để lại có thể phát nổ bất kỳ lúc nào. Trong quá trình triển khai công tác cắm mốc đã nảy sinh một số nội dung công việc phức tạp như xử lý mâu thuẫn giữa lời văn mô tả hướng đi của đường biên giới với bản đồ và thực địa, xử lý các sai phạm khi thi công các công trình sát đường biên giới. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch có các hoạt động chống phá, kích động đồng bào dân tộc thiểu số gây khó khăn cho hoạt động cắm mốc”, Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết.

Sự tham gia tích cực của lực lượng Quân đội

Đại diện cho lực lượng Quân đội tham gia thực hiện công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào, Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh, Phó tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho rằng việc hai nước Việt Nam – Lào đã có hệ thống cột mốc hiện đại, đảm bảo tính pháp lý, kỹ thuật, độ bền và mĩ quan ngang tầm các nước trong khu vực, tạo thuận lợi cho công tác quản lý bảo vệ biên giới, phát triển kinh tế, văn hóa, nâng cao đời sống nhân dân, là do có sự phối hợp của các Bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương các cấp và sự đồng thuận, giúp đỡ của đồng bào các dân tộc ở hai bên biên giới, nỗ lực khắc phục khó khăn và cách làm sáng tạo của các đơn vị Quân đội. Theo chia sẻ của Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh, các đơn vị Quân đội đã rà phá bom mìn trên 2000ha tại các vị trí cắm mốc và đường công vụ, bảo đảm an ninh trật tự, bảo đảm an toàn cho hàng vạn lượt cán bộ tham gia khảo sát, xây dựng cột mốc, bảo đảm công tác thông tin, cơ yếu, cử cán bộ thuộc Bộ đội Biên phòng tham gia làm đội trưởng các đội cắm mốc, các đồn Biên phòng tham gia bảo vệ, dẫn đường và tạo điều kiện giúp đỡ các đội cắm mốc trên thực địa. “Có thể khẳng định lực lượng tham gia cắm mốc thuộc Bộ Quốc phòng là một trong những lực lượng quyết định góp phần hoàn thành dự án”, Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh khẳng định.

* Tại Hội nghị, Bộ Ngoại giao đã công bố Quyết định và trao tặng các hình thức khen thưởng của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc Quốc giới Việt Nam – Lào.
Theo qdnd.vn
Chiều 19-9, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Tổng kết hoàn thành Kế hoạch tổng thể thực hiện công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu chỉ đạo. Góp phần tăng cường và củng cố mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Lào Thực hiện Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1977, từ năm 1978 đến 1987, Việt Nam và Lào đã phối hợp thực hiện và hoàn thành việc phân giới toàn bộ đường biên giới ở trên thực địa, xây dựng được tổng số 214 cột mốc tại 199 vị trí mốc. Hệ thống mốc quốc giới này đã đóng một vai trò rất quan trọng trong công tác quản lý biên giới chung giữa hai nước. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm, hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào được cắm từ những nă

Tin khác cùng chủ đề

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam nhân dịp năm mới 2022
Khánh Hòa với khát vọng vươn tầm
Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022
[Ảnh] Thủ tướng dự Lễ khởi công dự án đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông
Khởi công 12 dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi, chúc mừng năm mới gia đình các cố Chủ tịch nước

Gửi bình luận của bạn