Đêm 24, rạng sáng 25/4, chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị các Nhà Lãnh đạo ASEAN theo lời mời của Chủ tịch ASEAN 2021, Quốc vương Brunei Darussalam Haji Hassanal Bolkiah.
Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự một Hội nghị thuộc Hiệp hội các nước Đông Nam á khẳng định ưu tiên của Việt Nam là tăng cường đoàn kết và hợp tác với các nước thành viên ASEAN, góp phần nâng cao vị thế, vai trò trung tâm của Hiệp hội.
Đây là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính sau khi nhậm chức. Đồng thời, cũng là Hội nghị trực tiếp đầu tiên giữa các Nhà Lãnh đạo ASEAN trong năm 2021 và sau gần 18 tháng các Hội nghị ASEAN phải họp trực tuyến do dịch bệnh COVID-19. Hội nghị các Nhà lãnh đạo ASEAN được tổ chức trong bối cảnh Hiệp hội tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng ASEAN, tăng cường phối hợp ứng phó dịch Covid-19 và thúc đẩy giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống.
Các nước thành viên cũng đang thúc đẩy thống nhất về dự thảo cũng như lộ trình xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025; đẩy nhanh đánh giá việc triển khai Hiến chương ASEAN; thúc đẩy hợp tác tiểu vùng và thu hẹp khoảng cách phát triển. Các nước cũng thúc đẩy các sáng kiến chung nhằm ứng phó dịch Covid-19, trong đó tích cực triển khai Khung phục hồi tổng thể ASEAN; ủng hộ và đóng góp cho Quỹ ASEAN ứng phó dịch Covid-19, Kho dự phòng vật tư y tế ASEAN và Trung tâm ASEAN ứng phó tình huống y tế khẩn cấp... nhất là trong bối cảnh tình hình tại Myanmar ngày một căng thẳng, phức tạp.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết, có thể nói ASEAN đang rất cố gắng để duy trì được tiến trình xây dựng cộng đồng không bị đứt quãng bởi những thách thức, đồng thời ứng phó với các vấn đề đặc biệt trong khu vực. Trong bối cảnh như vậy Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa mới nhận chức đã tham gia vào hội nghị quan trọng của cấp lãnh đạo ASEAN, thể hiện nỗ lực rất lớn của Việt Nam, thể hiện tinh thần chủ động tích cực và trách nhiệm đối với các vấn đề khu vực.
Với vai trò đặc biệt của Việt Nam vừa mới kết thúc năm Chủ tịch ASEAN 2020; đang là nước duy nhất của ASEAN trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc; đang là Chủ tịch của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào tháng 4, sự tham dự đoàn Việt Nam khẳng định trách nhiệm Việt Nam với nhiều đóng góp vào sự thành công của hội nghị.
Ngay sau khi đến Indonesia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã bắt đầu chương trình làm việc khẩn trương với hoạt động hội kiến Tổng thống nước chủ nhà Widodo. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng là lãnh đạo ASEAN đầu tiên được Tổng thống Indonesia đón tiếp hết sức trọng thị, chu đáo, hai nhà lãnh đạo đã dành nhiều thời gian để trao đổi về các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế song phương, sớm đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 10 tỷ USD theo hướng giảm nhập siêu của Việt Nam.
Hai Nhà Lãnh đạo khẳng định đặc biệt coi trọng sự cần thiết sớm hoàn tất đàm phán phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước để tạo hành lang pháp lý cho hai bên tăng cường hợp tác, giảm các vụ việc đánh bắt cá trái phép, tạo mô hình về giải quyết khác biệt trên biển giữa các quốc gia, góp phần giữ gìn hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực, nhất là trên Biển Đông.
Là diễn giả được mời phát biểu tại Hội nghị các Nhà Lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phục hồi và duy trì phát triển kinh tế trong và sau đại dịch là ưu tiên cao của các quốc gia hiện nay. Việt Nam ủng hộ đẩy nhanh lộ trình hợp tác, hỗ trợ và nỗ lực cùng các nước ASEAN thúc đẩy mục tiêu này, trong đó đặc biệt quan tâm hỗ trợ các vùng sâu, vùng xa, các tiểu vùng trong ASEAN đang chịu tác động của dịch bệnh để phục hồi ổn định và thu hẹp khoảng cách phát triển.
Chia sẻ về các ưu tiên hợp tác sắp tới của ASEAN, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, trong kiểm soát dịch bệnh COVID-19, cần triển khai ngay kế hoạch và có cách tiếp cận bình đẳng để mua và phân phối vaccine cho người dân, phối hợp chặt với Tổ chức Y tế Thế giới và các đối tác của ASEAN để bảo đảm nguồn cung vaccine đồng đều, ổn định cho các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển.
Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ các nước trong khu vực theo năng lực và điều kiện sẵn có của mình trong kiểm soát dịch bệnh COVID-19; trước mắt, cần thành lập và đưa vào vận hành Trung tâm ASEAN về các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi, đề nghị các nước ủng hộ Việt Nam đăng cai Trung tâm, Việt Nam cam kết chia sẻ kinh nghiệm, điều kiện, cơ sở vật chất sẵn có, dành nguồn lực cao nhất có thể cho Trung tâm này (dự kiến khoảng 50 triệu USD cho 5 năm đầu).
Đề cập về tình hình Myanmar, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam tôn trọng công việc nội bộ của Myanmar do người dân Myanmar tự quyết định, đồng thời ủng hộ nỗ lực của ASEAN hỗ trợ Myanmar vượt qua khó khăn, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong tiến trình này. Việt Nam nhất trí và ủng hộ ASEAN cử đại diện tới Myanmar tìm hiểu tình hình thực tế, tiếp xúc với các bên, đề xuất giải pháp thúc đẩy đối thoại.
Là thành viên ASEAN duy nhất hiện đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực và giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong tháng 4/2021, Việt Nam tiếp tục nỗ lực để Hội đồng Bảo an trao đổi khách quan, toàn diện, cân bằng về Myanmar; đề nghị các nước ASEAN phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn của Liên Hợp Quốc, cùng Việt Nam vận động các đối tác ủng hộ và hỗ trợ nỗ lực của ASEAN trong tiếp cận và tìm kiếm giải pháp phù hợp, khả thi, căn bản, thực chất cho Myanmar.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết thêm: "Vai trò của ASEAN là trung gian hòa giải và cần có một đặc phái viên của ASEAN đến Myanmar để tìm hiểu tình hình gặp gỡ các bên và đề xuất hướng giải pháp. Đồng thời chúng ta cũng khẳng định rằng việc hỗ trợ nhân đạo đối với những người dân Myanmar cần phải được tiếp tục. Trên tinh thần là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, là thành viên của ASEAN thì chúng ta sẵn sàng làm cầu nối giữa ASEAN và Liên Hợp Quốc giải thích và thông tin đến Liên Hợp Quốc. Những nỗ lực của ASEAN và những cái gì và sẽ làm để có những hoạt động cộng hưởng với nhau, giúp giải quyết vấn đề đem lại những giải pháp cho vấn đề Myanmar”.
Ngoài việc tập trung trao đổi về 3 nội dung chính là hợp tác xây dựng Cộng đồng ASEAN, quan hệ đối ngoại của ASEAN và các vấn đề khu vực, quốc tế đang được quan tâm, các Nhà Lãnh đạo ASEAN đều bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ với các đề xuất hợp tác được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra.
Kết thúc Hội nghị, nước Chủ tịch ASEAN đã ra Tuyên bố Chủ tịch về kết quả Hội nghị, trong đó có các thoả thuận của Lãnh đạo ASEAN về đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng, tăng cường hợp tác ứng phó COVID-19 và phục hồi, mở rộng làm sâu sắc hơn quan hệ giữa ASEAN với các đối tác. Tuyên bố cũng thể hiện quan điểm của Lãnh đạo ASEAN về các vấn đề quốc tế, khu vực, trong đó có 5 điểm ASEAN đã đồng thuận về vấn đề Myanmar: Yêu cầu chấm dứt bạo lực; tất cả các bên liên quan hết sức kiềm chế; tiến hành đối thoại mang tính xây dựng nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình; cử đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN làm trung gian thúc đẩy tiến trình đối thoại; và cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar thông qua Trung tâm điều phối hỗ trợ nhân đạo Asean (AHA). Có được thành công đó của Hội nghị, có vai trò và đóng góp quan trọng, chủ động của đoàn Việt Nam.
Với lịch làm việc dày đặc, trong 2 ngày công tác Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có một loạt các cuộc gặp gỡ và tiếp xúc song phương với Quốc vương Brunei Darussalam Haji Hassanal Bolkiah, Chủ tịch ASEAN 2021; hội đàm Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin; tiếp Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi.
Tại các cuộc gặp, trong không khí, tình cảm chân tình, cởi mở, thực chất, hiệu quả, đi thẳng vào các vấn đề mà hai bên quan tâm với nhà lãnh đạo mới của Việt Nam, các Nhà Lãnh đạo chúc mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính được Quốc hội tín nhiệm bầu vào trọng trách mới; đánh giá cao thành tích của Việt Nam về phòng chống đại dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội, những thành tựu đối ngoại nổi bật của Việt Nam. Nhấn mạnh việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị các Nhà Lãnh đạo ASEAN ngay sau khi đảm nhận trọng trách mới, thể hiện tinh thần trách nhiệm của Việt Nam với các vấn đề liên quan đến hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới trong tình hình hiện nay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Nhà Lãnh đạo cũng đã trao đổi một cách thực chất về các vấn đề chiến lược trong quan hệ song phương cũng như các biện pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ hợp tác thực chất và hiệu quả trên các lĩnh vực, nhất là trong phòng chống dịch bệnh; phục hồi và phát triển kinh tế trong và sau đại dịch. Trong đó có nối lại các đường bay và thiết lập hành lang đi lại an toàn; giảm rào cản thương mại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng cường trao đổi thương mại, mở rộng đầu tư; thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, giáo dục, đào tạo, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nông – ngư nghiệp, biển và đại dương…, nhất là quản lý và thực thi pháp luật trên biển để bảo đảm an ninh và khai thác bền vững các nguồn lợi.
Nhân dịp này, bên lề Hội nghị các Nhà Lãnh đạo ASEAN, trưởng đoàn các nước Lào, Thái Lan, Philippines, Myanmar đã chủ động đến chào, chúc mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính được Quốc hội bầu vào trọng trách mới và bày tỏ mong muốn Thủ tướng quan tâm, tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương thực chất, hiệu quả trên tinh thần tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhau.
Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kết thúc thành công tốt đẹp, khẳng định vai trò, vị trí, uy tín, tầm ảnh hưởng và ưu tiên của Việt Nam là thắt chặt và củng cố, tăng cường đoàn kết, đồng thuận, tương trợ giữa các quốc gia thành viên ASEAN, góp phần nâng cao vai trò trung tâm và vị thế của ASEAN trong giải quyết các thách thức, bảo vệ lợi ích cốt lõi, chiến lược, qua đó tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển bền vững của từng nước và của cả khu vực.
Khẳng định cam kết, trách nhiệm của Việt Nam, làm nổi bật hình ảnh đất nước Việt Nam tiếp tục đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế, tham gia tích cực vào các vấn đề chung, là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, nỗ lực đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, với những đóng góp thiết thực và hiệu quả của đoàn Việt Nam sẽ là cơ sở quan trọng cho việc làm sâu sắc hơn nữa quan hệ của Việt Nam với các nước láng giềng và trong khu vực, cũng như góp phần tạo dựng mối quan hệ hợp tác đối tác thân thiện và chân tình giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính trên cương vị mới với các Nhà Lãnh đạo ASEAN./.