Chuyến công du "2 trong 1" này tạo sinh khí mới, ghi thêm một dấu mốc lịch sử trong mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa hai nước, đồng thời khẳng định Việt Nam luôn là thành viên có trách nhiệm, tích cực chung tay giải quyết thách thức, phục hồi và phát triển kinh tế vì một châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, tự cường.
Mở ra chương mới cho mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam-Thái Lan
Trong thời điểm tập trung tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC 2022, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha và Phu nhân ra tận sân bay đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao nước ta với nghi thức đặc biệt, 21 phát đại bác chào mừng. Đây là điều hiếm có, cho thấy Thái Lan coi trọng quan hệ với Việt Nam, thể hiện sự trọng thị, hiếu khách, khi hai nước sắp kỷ niệm dấu mốc 10 năm thiết lập Đối tác chiến lược.
Các cuộc hội kiến, hội đàm giữa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với Nhà vua và Hoàng hậu, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội Thái Lan diễn ra trong bầu không khí nồng ấm, tin cậy, chân thành và thân mật. Lãnh đạo cấp cao hai nước bày tỏ vui mừng quan hệ hai nước được củng cố, phát triển nhanh chóng trên tất cả các lĩnh vực, nhất là hợp tác kinh tế, tích cực ủng hộ, hỗ trợ nhau, đồng thời bàn thảo, thống nhất các định hướng lớn nhằm mở ra chương mới cho mối quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung, để phục hồi mạnh mẽ, bền vững và tự cường giai đoạn sau dịch bệnh.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha thống nhất đặt mục tiêu kim ngạch thương mại hai nước đạt 25-30 tỷ USD vào năm 2025 theo hướng cân bằng và bền vững hơn; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác đầu tư, kinh doanh, kể cả trong lĩnh vực mới như kinh tế số, tăng trưởng xanh và bền vững...
Chuyến công du "2 trong 1" này tạo sinh khí mới, ghi thêm một dấu mốc lịch sử trong mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa hai nước, đồng thời khẳng định Việt Nam luôn là thành viên có trách nhiệm, tích cực chung tay giải quyết thách thức, phục hồi và phát triển kinh tế vì một châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, tự cường.
Sự động viên, khích lệ của Chủ tịch nước trong buổi gặp gỡ các doanh nghiệp tiêu biểu hai nước, dự khai trương Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan đã tiếp thêm sức mạnh cho các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội, đẩy mạnh hợp tác. Doanh nghiệp hai nước sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu nêu trên, dẫu đối mặt không ít khó khăn, thách thức.
Bày tỏ vinh dự được gặp lại Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị mới và ấn tượng đầu tư thuận lợi tại Việt Nam hơn 20 năm qua, ông Harald Link, Chủ tịch Tập đoàn B.Grimm Power, một trong những doanh nghiệp chuyên về y tế và công nghiệp lâu đời nhất Thái Lan cho biết, sau các dự án hàng trăm triệu USD sẽ tiếp tục đầu tư, tập trung vào điện mặt trời, năng lượng tái tạo tại đất nước hình chữ S.
Ông Wishjanond Vichaiyuth, giám đốc một doanh nghiệp cung cấp các giải pháp bất động sản cơ bản tại Thái Lan chia sẻ rất trông đợi các cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam sau chuyến thăm của Chủ tịch nước. Việc thực hiện hiệu quả Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường Việt Nam-Thái Lan giai đoạn 2022-2027, "ba kết nối" về chuỗi cung ứng, các ngành kinh tế cơ sở, các chiến lược tăng trưởng bền vững của hai quốc gia sẽ tạo đà phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch, qua đó lan tỏa hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực.
Chuyến thăm ấm áp, tình cảm, đạt kết quả rất tích cực, để lại nhiều ấn tượng rất tốt đẹp, trên mức mong đợi như nhận định của Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành là tin vui với cộng đồng người Việt tại Thái Lan. Bà con cảm kích dù rất bận rộn nhưng Chủ tịch nước vẫn dành sự quan tâm, những lời thăm hỏi ân cần và vui mừng khi vị thế đất nước ngày càng nâng cao, tự nhủ sẽ khích lệ con em học tập, phấn đấu theo lời căn dặn của Chủ tịch nước để có một lớp nhân tài người Việt ở đất Thái cống hiến cho nước sở tại và quê cha đất Tổ. Hơn 100 nghìn kiều bào chịu thương, chịu khó, chia ngọt sẻ bùi, một lòng hướng về cội nguồn, tâm nguyện là cầu nối vun đắp mối quan hệ hai nước ngày càng bền chặt.
Dù sinh ra ở Thái Lan, chị Phan Thị Hồng, Chủ tịch Hội doanh nhân Thái-Việt tỉnh Udon Thani nói tiếng Việt rất sõi. Chia sẻ những lần về thăm quê ở Nam Định, phấn khởi chứng kiến nhiều đổi thay, chị Hồng háo hức bộc bạch về dự án kho bãi tập kết hàng để các doanh nhân vận chuyển, kinh doanh hàng hóa bằng đường bộ giữa hai nước thuận lợi hơn.
Linh hoạt ứng phó, quyết tâm cùng hành động vì lợi ích chung của cộng đồng
Tuần lễ cấp cao APEC 2022 lần đầu tiên được tổ chức trực tiếp trở lại kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát nhưng công tác chuẩn bị của nước chủ nhà Thái Lan chu đáo, đầu tư kinh phí hàng tỷ baht, huy động hàng chục nghìn nhân viên an ninh, bố trí phương án giao thông thông suốt… bảo đảm thành công và an toàn.
Với 21 nền kinh tế thành viên, trong đó có nhiều nền kinh tế lớn, hàng đầu thế giới, qua 33 năm hình thành và phát triển, APEC đạt nhiều thành tựu nổi bật, khẳng định vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trung tâm khởi xướng các ý tưởng sáng tạo, xu thế phát triển mới.
Với 21 nền kinh tế thành viên, trong đó có nhiều nền kinh tế lớn, hàng đầu thế giới, qua 33 năm hình thành và phát triển, APEC đạt nhiều thành tựu nổi bật, khẳng định vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trung tâm khởi xướng các ý tưởng sáng tạo, xu thế phát triển mới. Trong một thế giới biến động khó lường với nhiều thách thức lớn như đại dịch Covid-19, xung đột địa chính trị, giá năng lượng và lương thực tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát cao và chính sách tiền tệ thắt chặt… đòi hỏi các thành viên APEC vượt qua khác biệt, tăng cường đối thoại, kề vai sát cánh, quyết tâm cùng hành động vì lợi ích chung của cộng đồng.
APEC quy tụ nhiều đối tác chiến lược, đối tác toàn diện của nước ta, là ưu tiên quan trọng trong triển khai chiến lược đối ngoại và Việt Nam đã có nhiều đóng góp, nỗ lực tìm tiếng nói chung, xây dựng lòng tin, duy trì đà hợp tác, tạo thêm động lực mới cho Diễn đàn, với dấu ấn hai lần đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC, vai trò Chủ tịch Nhóm ASEAN trong APEC 2022, tích cực đề xuất nhiều sáng kiến...
Đặc biệt, Việt Nam là thành viên chủ chốt tham gia xây dựng Tầm nhìn APEC 2040 và tích cực hiện thực hóa Tầm nhìn thông qua nỗ lực xây dựng kế hoạch hành động, hướng tới xây dựng khu vực châu Á-Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai.
Với lịch làm việc dày đặc, sự tham dự của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Tuần lễ cấp cao APEC 2022 thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và nâng tầm đối ngoại đa phương; góp phần thúc đẩy hòa bình, hợp tác và liên kết kinh tế tại khu vực của Việt Nam. Các thành viên APEC ghi nhận, đánh giá cao thành tựu, chính sách phát triển kinh tế-xã hội và kinh nghiệm, cùng nhiều sáng kiến, giải pháp thiết thực mà chúng ta chia sẻ, đề xuất.
Được mời làm diễn giả chính tại Hội nghị cấp cao doanh nghiệp APEC 2022, những quan điểm, đề xuất "đúng" và "trúng" của Chủ tịch nước đề cập trong phát biểu định hướng cho phiên thảo luận về "Tương lai thương mại và đầu tư, các cơ hội và thách thức đối với hợp tác khu vực châu Á-Thái Bình Dương" được cộng đồng doanh nghiệp tán thưởng.
Trên cơ sở những nhận định, phân tích xác đáng, Chủ tịch nước nhấn mạnh bốn yêu cầu, đặc điểm quan trọng của thương mại và đầu tư trong giai đoạn mới. Đó là bảo đảm hệ thống thương mại quốc tế công bằng, minh bạch và hiệu quả là điều cốt yếu trong một "sân chơi" toàn cầu; chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra rất mạnh mẽ, lan tỏa sâu rộng; thế giới và khu vực đang thiết lập những chuỗi cung ứng mới, tự cường và bền vững; các lĩnh vực như y tế, công nghệ sinh học, năng lượng sạch cắt giảm phát thải các-bon sẽ thu hút mạnh mẽ FDI thời gian tới.
Bám sát chủ đề APEC 2022 "Rộng mở-Kết nối-Cân bằng", nhiều chia sẻ và nhận định của Chủ tịch nước tại Hội nghị APEC lần thứ 29 cũng như các phiên họp, tọa đàm, đối thoại nhận được đồng tình, hưởng ứng cao. Theo đó, bước sang giai đoạn phát triển mới, APEC cần đi đầu thúc đẩy mô hình tăng trưởng cân bằng, bao trùm và bền vững, hỗ trợ các nền kinh tế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số thành công.
Các thành quả tăng trưởng kinh tế gần đây của Việt Nam là minh chứng việc tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư trong bình diện khu vực và toàn cầu có thể đem lại lợi ích cho tất cả các nước tham gia.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc
Một số yếu tố "cân bằng" trong hợp tác, đó là cần coi người dân là trung tâm để tạo sự cân bằng trong mỗi nền kinh tế giữa các lĩnh vực, giữa các thành phần xã hội; cân bằng về lợi ích và trách nhiệm giữa các nền kinh tế, các khu vực, cân bằng giữa bảo đảm tính tự chủ, tự cường của mỗi nền kinh tế và chủ động mở cửa, hội nhập và liên kết kinh tế; cân bằng giữa đổi mới, chuyển đổi với bảo đảm sự ổn định. Bảo đảm môi trường thương mại và đầu tư mở, minh bạch, không phân biệt đối xử; gắn kết thương mại, đầu tư với các Mục tiêu phát triển bền vững 2030; đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực cũng đang là đòi hỏi đặt ra.
Các thành quả tăng trưởng kinh tế gần đây của Việt Nam là minh chứng việc tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư trong bình diện khu vực và toàn cầu có thể đem lại lợi ích cho tất cả các nước tham gia, Chủ tịch nước khẳng định. Theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, kinh tế Việt Nam là điểm sáng nhanh chóng phục hồi, duy trì đà tăng trưởng tích cực và ổn định bất chấp sóng gió của đại dịch; trở thành một phần quan trọng của chuỗi cung ứng khu vực và thế giới. Nhiều tập đoàn lớn đầu tư hiệu quả tại Việt Nam- một thị trường tiềm năng với gần 100 triệu dân, nền kinh tế có độ mở lớn, chủ động hội nhập, phát triển nhanh, bền vững.
Ông Quint Simon, đại diện Amazon web service cho biết, hãng đã tham gia đầu tư tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và mong muốn Việt Nam có chính sách thuận lợi hơn nữa nhằm phát triển các dịch vụ kinh tế số, cam kết sẽ đồng hành trong tiến trình chuyển đổi số. Các cuộc gặp, tiếp xúc song phương giữa Chủ tịch nước với các nhà lãnh đạo, các đối tác, các tập đoàn lớn cũng cho thấy nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, hiệu quả, thu hút thêm nguồn lực từ bên ngoài phục vụ phát triển đất nước, đồng thời gửi thông điệp về điểm đến hấp dẫn, tràn đầy tiềm năng, luôn mở rộng vòng tay chào đón các doanh nghiệp đầu tư, hợp tác cùng có lợi, cùng phát triển.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Thái Lan và tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29.