Cùng dự có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; lãnh đạo một số bộ, ngành, tỉnh Thanh Hóa, đông đảo đồng bào, cán bộ chiến sĩ, học sinh miền nam tập kết ra bắc và nhân dân thành phố Sầm Sơn.
Từ giữa tháng 10/1954 đến tháng 5/1955, tại xã Quảng Tiến (nay là phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa được tin tưởng giao đón tiếp gần 1.700 thương, bệnh binh; hơn 47.300 cán bộ; hơn 5.900 học sinh, sinh viên và gần 1.450 gia đình cán bộ ở miền nam tập kết ra bắc.
Thể theo nguyện vọng của các cựu cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền nam, tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất giao cho thành phố Sầm Sơn bố trí quỹ đất để xây dựng dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền nam tập kết ra bắc.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan mô hình Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền nam tập kết ra bắc. |
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, với tầm nhìn chiến lược cách mạng, Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo khẩn trương chuyển hàng chục nghìn đồng bào và con em các gia đình cách mạng đi cùng với bộ đội và cán bộ tập kết ra bắc để đào tạo, vừa góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền nam, đặc biệt là việc xây dựng lại miền nam khi nước nhà thống nhất. Trong đó, đợt tập kết đầu tiên tháng 10/1954, Thanh Hóa là một trong những địa phương đón cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, học sinh miền nam đông nhất.
Dù còn khó khăn, nhưng với tinh thần tất cả vì miền nam ruột thịt, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa vẫn hân hoan đón tiếp, dành tất cả những điều kiện tốt nhất để chăm lo cho cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền nam. Sau những năm tháng sống, học tập, rèn luyện, lao động và chiến đấu ở Thanh Hóa, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ miền nam đã được cử đi thực hiện nhiệm vụ tại nhiều địa phương khác, trong đó một phần lớn quay về miền nam chiến đấu, góp phần quan trọng vào thắng lợi giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng thời cũng là một cựu học sinh miền nam tập kết, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ lòng biết ơn sâu nặng và nghĩa tình thủy chung đến toàn thể đồng bào, đồng chí miền bắc nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng.
Chủ tịch nước biểu dương tỉnh Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn đã chuẩn bị tốt nhất cho việc khởi công Dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền nam tập kết ra bắc để lưu lại cho các thế hệ mai sau về một thời hào hùng của lịch sử dân tộc, tình đoàn kết bắc-nam thủy chung, son sắt, đáp ứng lòng mong mỏi của những người con phương nam luôn hướng về tình người, tình đất miền bắc năm xưa.
Mô hình Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền nam tập kết ra bắc. |
Bày tỏ vui mừng với nhiều kết quả tích cực của tỉnh Thanh Hóa nói chung, thành phố Sầm Sơn nói riêng sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch nước đánh giá cao nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại hơn; cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển đổi tích cực, tỷ trọng kinh tế công nghiệp và dịch vụ tăng khá, hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, điện, văn hóa, y tế, giáo dục... được quan tâm đầu tư đồng bộ hơn.
Đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 12 đơn vị cấp huyện, 346 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, thành phố Sầm Sơn có thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 53,36 triệu đồng/năm (gấp 2,5 lần năm 2010); tỷ lệ hộ nghèo bình quân chỉ còn 1,25%, giảm 12,65% so năm 2010. Thành quả đó nhờ vào sự nỗ lực, phấn đấu, đồng thuận của cả hệ thống chính trị, từng người dân, từng hộ gia đình; trong đó đặc biệt đã phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân với quyết tâm khát vọng vươn lên, chung tay, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Trong thời gian tới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19 của Trung ương (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, chú trọng xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân.
Toàn tỉnh Thanh Hóa có 12 đơn vị cấp huyện, 346 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, thành phố Sầm Sơn có thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 53,36 triệu đồng/năm (gấp 2,5 lần năm 2010); tỷ lệ hộ nghèo bình quân chỉ còn 1,25%, giảm 12,65% so năm 2010.
Chủ tịch nước cũng yêu cầu Thành phố Sầm Sơn thực hiện đúng tiến độ dự án Khu lưu niệm để đưa vào sử dụng dịp kỷ niệm 70 năm đồng bào, cán bộ chiến sĩ, học sinh miền nam tập kết ra bắc và kêu gọi nhân dân tỉnh Thanh Hóa, các gia đình miền nam có người thân tập kết ra bắc tặng các tư liệu, hiện vật quý để trưng bày tại Khu lưu niệm khi hoàn thành.
Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Sầm Sơn; Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Sầm Sơn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. |
* Trước đó, sáng 28/8, nhân dịp kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu văn hóa tưởng niệm Bác Hồ (thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa).
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Ình. |
Chủ tịch nước cũng tới thăm và tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Ình, sinh năm 1929, tại phố Chính Hảo, phường Quảng Đông, thành phố Thanh Hóa, có hai con trai là liệt sĩ; thăm, tặng quà ông Lường Anh Tuấn, sinh năm 1955, thương binh ¼ ở phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà thương binh Lường Anh Tuấn. |
Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền nam tập kết ra bắc tại thành phố Sầm Sơn, do Ủy ban nhân dân thành phố Sầm Sơn làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư gần 255 tỷ đồng, trên diện tích 15.500m2, gồm các hạng mục, như: tượng đài con Tàu tập kết, nhà trưng bày hiện vật, phù điêu lớn hình cánh cung và công trình phụ trợ; các công trình mô phỏng nơi ăn ở, sinh hoạt của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền nam. Dự kiến thời gian hoàn thành dự án là 270 ngày.
Sáng 28/8, tại Thanh Hóa, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khởi công xây dựng Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền nam tập kết ra bắc; công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Sầm Sơn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.