Đóng góp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ là to lớn và rất quan trọng. Đây là thắng lợi chung của cả dân tộc Việt Nam, được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Đây cũng là thành công của Đại tướng, một con người có tài năng quân sự thiên bẩm, một lòng vì nước, vì dân, vì sự trưởng thành, lớn mạnh của quân đội, đã góp phần làm rạng danh truyền thống chống ngoại xâm và nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Về vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Về vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Bộ Chỉ huy chiến dịch dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đang bàn kế hoạch tác chiến cho từng trận đánh. (Ảnh tư liệu TTXVN)

          1. Về vị trí của chiến dịch Điện Biên Phủ

          Đây là chiến dịch có quy mô lớn nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Tổng tư lệnh xác định đây là trận quyết chiến chiến lược nhằm đánh bại cố gắng chiến tranh cao nhất, biện pháp phòng thủ mạnh nhất của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, giáng một đòn quyết định làm sụp đổ hoàn toàn ý chí tiếp tục chiến tranh của kẻ thù, mở ra cơ hội đàm phán để kết thúc chiến tranh.

          Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có 4/6 đại đoàn bộ binh và một đại đoàn công binh - pháo binh tham chiến, chiếm tỷ lệ hơn 70% các đơn vị chủ lực cơ động của Quân đội NDVN. Con số này nói lên tầm quan trọng của chiến dịch khi mà phần lớn vốn liếng quý nhất đã được huy động vào trận đánh quyết định này. Bên cạnh bộ binh, hầu như tất cả các đơn vị pháo binh, pháo phòng không, công binh, xe vận tải trực thuộc Bộ Tổng tư lệnh cũng có mặt ở Điện Biên Phủ.

          Để đảm bảo cho hơn 50.000 bộ đội (gấp 3,3 lần quân Pháp và lính người Thái) chiến đấu dài ngày, đã có tới 262.000 dân công, thanh niên xung phong của Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu III, Liên khu IV được huy động để mở đường, làm cầu phà, vận chuyển tiếp tế lương thực, vũ khí, đạn dược, thực phẩm, thuốc men, cứu chữa thương bệnh binh (tính ra 5 người phục vụ 1 bộ đội). Cùng với 628 xe ôtô vận tải do Liên Xô viện trợ, là 21.000 xe đạp thồ và 20.000 các phương tiện vận chuyển khác, đã đưa lên Điện Biên Phủ 25.200 tấn lương thực, hàng ngàn tấn thực phẩm, rau các loại; gần 300 khẩu lựu pháo, sơn pháo, hỏa tiễn H6, pháo cao xạ, súng cối, ĐKZ, súng phòng không và hàng nghìn tấn đạn các loại…

          2. Người được Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao nhiệm vụ làm Chỉ huy trưởng chiến dịch kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ, không ai khác, chính là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bí thư Tổng Quân ủy, Tổng tư lệnh quân đội Võ Nguyên Giáp.

          Đồng chí Võ Nguyên Giáp là người gắn bó với quân đội từ khi mới thành lập. Đồng chí đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ tổ chức, thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, một trong những đội quân chủ lực tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay.

          Đồng chí là Tư lệnh Việt Nam Giải phóng quân, tên gọi thời kỳ đầu của Quân đội, được thành lập trên cơ sở thống nhất các đơn vị của Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, Cứu quốc quân và các đơn vị, lực lượng vũ trang khác (5-1945).

          Đồng chí là Chủ tịch Quân sự ủy viên hội (Quân ủy hội), được thành lập 3-1946, chuyên lo việc tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang và vạch kế hoạch tác chiến của Quân đội.

          Tháng 11-1946, đồng chí được cử làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy và gần như liên tục nắm giữ cương vị người chỉ huy cao nhất của quân đội cả về chính trị và quân sự. Đồng chí cũng là người trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy, làm tư lệnh tất cả các trận đánh quan trọng, các chiến dịch lớn của quân đội trong cuộc kháng chiến từ chiến dịch phản công Việt Bắc Thu Đông 1947; chiến dịch tiến công Biên giới Thu Đông 1950; ba chiến dịch Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung (nửa đầu năm 1951); chiến dịch tiến công Hòa Bình (Đông Xuân 1951-1952); chiến dịch Tây Bắc (Thu Đông 1952); đến chiến dịch Thượng Lào (Xuân Hè 1953).

          Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đã trực tiếp đánh bại nhiều viên Tổng chỉ huy và Cao ủy của Pháp cùng với các kế hoạch chiến lược của họ ở Việt Nam và Đông Dương, đóng góp phần quan trọng xây dựng quân đội ngày càng lớn mạnh về lực lượng và khả năng tác chiến, giành và giữ vững quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ trong giai đoạn phản công và tiến công của cuộc kháng chiến.

          3. Có thể nhận định rằng, cùng với tập thể Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng tư lệnh, trực tiếp là Bộ chỉ huy chiến dịch và Đảng ủy Mặt trận, sự đóng góp công sức xương máu của bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và của toàn dân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có vai trò rất lớn trong chiến thắng Điện Biên Phủ. Điều này thể hiện khái quát trên các điểm sau:

          Một là, Đại tướng đã đánh giá đúng tình hình, sớm nhận thấy thời cơ chiến lược xuất hiện để đề xuất chủ trương và kế hoạch mở chiến dịch quyết chiến chiến lược.

          Ngày 21-11-1953, trong lúc đang phổ biến kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954, được Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng họp cuối tháng 9-1953 thông qua, cho cán bộ chỉ huy cấp trung đoàn trở lên tại Việt Bắc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận được tin quân Pháp nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ, địa bàn nằm trong vùng tự do của ta. Đồng chí đã chỉ thị ngay cho quân báo nắm tình hình hành động của Bộ chỉ huy Pháp liên quan đến Điện Biên Phủ, trả lời câu hỏi: vì sao quân Pháp lại đưa nhiều lực lượng lên chiếm đóng Điện Biên Phủ như vậy? Sau khi nghe báo cáo sơ bộ, Đại tướng bước đầu cho rằng: quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, mặc dầu ta không phán đoán được cụ thể về địa điểm và thời gian, nhưng cũng nằm trong phạm vi phán đoán trước đó của ta là nếu Tây Bắc bị uy hiếp thì chúng sẽ tăng viện lên hướng đó. Như vậy là trước sự uy hiếp của ta, Bộ chỉ huy Pháp đã phải bị động đối phó, phân tán một bộ phận lực lượng cơ động lên Điện Biên Phủ để bảo vệ Lai Châu, che chở cho Thượng Lào, phá kế hoạch tiến công của ta.

          Đại tướng và Tổng Quân ủy nhận định: Bộ chỉ huy Pháp có thể rút bỏ Lai Châu, co về giữ Điện Biên phủ. Nếu bị ta uy hiếp mạnh hơn, chúng có thể tăng viện nhiều và biến Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm và cũng có khả năng quân Pháp sẽ rút khỏi Điện Biên Phủ. Vô luận rồi đây quân Pháp thay đổi thế nào, việc chúng nhảy dù xuống Điện Biên Phủ căn bản là có lợi cho ta. Vì thế, cần phải tìm cách kéo thêm chủ lực của chúng lên Điện Biên Phủ và giữ chúng lại đó.

          Trên cơ sở nhận định đó, Đại tướng quyết định điều Đại đoàn chủ lực 308 lên bao vây quân Pháp ở Điện Biên Phủ và chỉ thị khẩn trương nghiên cứu, xây dựng phương án đánh địch ở Lai Châu và Điện Biên Phủ.

          Điều cần phân tích và nói rõ thêm ở đây là: cuộc đấu trí giữa Bộ Tổng tư lệnh, đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng chỉ huy Pháp, đứng đầu là Đại tướng Nava, sau khi diễn ra sự kiện quân Pháp nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ, là cuộc bài binh, bố trận cực kỳ khẩn trương và không cho phép tính toán sai lầm.

          Vào Thu Đông 1953, có một thực tế là phần lớn các đại đoàn chủ lực của Quân đội NDVN chưa xác định mục tiêu tiến công cụ thể, chỉ làm công tác củng cố tổ chức và huấn luyện, chờ thời cơ. Vì thế, khi quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, cơ hội tác chiến mở ra. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã yêu cầu cấp dưới phải tìm cách kéo thêm lực lượng cơ động của Pháp lên và giữ lại đó, không để quân Pháp rút.

          Ngày 5-12-1953, khi biết Tướng Nava quyết định chuyển các đơn vị nhảy dù xuống Điện Biên Phủ (cuộc hành binh Castor) thành Binh đoàn tác chiến Tây Bắc (Groupement Operationnel du Nord Ouest-GONO), Đại tướng phân tích và kết luận: với việc chuyển lực lượng từ cuộc hành binh làm nhiệm vụ cơ động sang thành lực lượng tác chiến ở địa bàn Tây Bắc, Bộ chỉ huy Pháp đã quyết định chốt giữ ở Điện Biên Phủ. Vì thế, cần hướng vào việc quân Pháp tăng cường thành tập đoàn cứ điểm mà chuẩn bị.

          Mặc dù chưa nắm được chính xác quyết định của Nava ngày 3-12-1953 xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm để "quyết đấu" với chủ lực ta, ngày 6-12-1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Tổng Quân ủy báo cáo Bộ Chính trị quyết tâm mở chiến dịch tiến công Điện Biên Phủ. Đại tướng xác định: Điện Biên Phủ sẽ là trận công kiên lớn nhất từ trước đến nay, vì thế, việc chuẩn bị cho cuộc tiến công sẽ có nhiều khó khăn, cần khẩn trương tập trung lực lượng, khắc phục mọi khó khăn trong công tác chuẩn bị thì thắng lợi giành được sẽ là một thắng lợi rất lớn. Sau khi nghe báo cáo cụ thể về quân số tham gia chiến dịch, về việc huy động lực lượng dân công, về thời gian tác chiến dự kiến; về đảm bảo hậu cần, đặc biệt là công tác làm đường, mở, sửa các con đường lên Điện Biên Phủ, Bộ Chính trị nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy, quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cử làm Chỉ huy trưởng chiến dịch kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận.

Các chiến sĩ thi đua trong chiến dịch Điện Biên Phủ vui mừng công kênh Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại lễ mừng công ngày 13.5.1954

          Hai là, Đại tướng đã góp công lớn mang tính quyết định vào việc thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch từ "đánh nhanh giải quyết nhanh"sang "đánh chắc, tiến chắc".

          Trong nghệ thuật điều hành chỉ huy chiến lược, chiến dịch, việc xác định đúng phương châm tác chiến có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình chuẩn bị huy động lực lượng, đảm bảo hậu cần kỹ thuật, xây dựng phương án tác chiến và cách đánh cụ thể.

          Trong báo cáo quyết tâm tiến công Điện Biên Phủ ngày 6-12-1953 của Tổng Quân ủy, Đại tướng xác định thời gian tác chiến dự kiến là 45 ngày, nhưng có thể rút ngắn hơn nếu tình hình chiến dịch diễn biến thuận lợi. Tuy nhiên, căn cứ vào sự chuẩn bị mọi mặt của ta và tổ chức phòng ngự ban đầu của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ, Bộ chỉ huy tiền phương chiến dịch, có sự góp ý của cố vấn quân sự Trung Quốc, đã quyết định thời gian tác chiến chiến dịch chỉ kéo dài trong 2 ngày 3 đêm theo phương châm "Đánh nhanh, giải quyết nhanh". Thời điểm dự kiến mở chiến dịch là chiều ngày 20-1-1954. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi đi lên Điện Biên Phủ, đến chào Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Người dặn dò: trận này rất quan trọng, nhưng do mặt trận ở xa Trung ương, nên có vấn đề gì thì bàn trong Đảng ủy, trao đổi với cố vấn rồi quyết định, báo cáo sau. Người nhấn mạnh: chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh.

          Đinh ninh lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng lên đường ra mặt trận. Cùng đi có đồng chí Vi Quốc Thanh, Trưởng Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc. Ngày 14-1-1954, Đảng ủy Mặt trận họp tại hang Thẩm Púa. Mọi công tác chuẩn bị cho chiến dịch theo phương châm "Đánh nhanh, giải quyết nhanh" được đưa ra bàn thảo.

          Do mới ở hậu phương tới, chưa nắm được cụ thể tình hình, trong khi phần lớn cán bộ chủ chốt trong Đảng ủy Mặt trận và cố vấn đều muốn đánh nhanh, tuy còn nhiều nghi ngại, phân vân, Đại tướng bước đầu chấp nhận phương án đánh nhanh, nhưng thận trọng: "Giờ ta đánh theo phương án này, nhưng suốt quá trình chuẩn bị phải theo dõi đài địch để nếu có gì mới thì kịp thời xử trí".

         Thời gian nổ súng mở màn ngày càng đến gần. Đại tướng đôn đốc, theo dõi sát tình hình tăng cường bố phòng công sự, trận địa và lực lượng của quân Pháp, nhất là ở cụm cao điểm phía Đông; sự chuẩn bị của các đơn vị chủ lực ta, đặc biệt là pháo binh, thấy nổi lên 4 khó khăn lớn cần phải giải quyết, đó là:

          - Thứ nhất, trong suốt những năm kháng chiến, bộ đội ta chưa từng đánh thắng hình thức phòng ngự cứ điểm có công sự vững chắc, do một tiểu đoàn quân Pháp đóng giữ; trong khi đó, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có tới 12 tiểu đoàn bộ binh, 7 đại đội, quân số hơn 10.000, phân chia đóng giữ ở hàng chục vị trí, cứ điểm có thể hỗ trợ, ứng cứu cho nhau một cách nhanh chóng khi bị tiến công. Quân Pháp đã gia cố trận địa phòng ngự, nhất là các điểm cao phía Đông.

          - Thứ hai, lần đầu tiên bộ đội đánh có pháo binh hạng nặng hỗ trợ, phải thực hiện hiệp đồng tác chiến binh chủng có hiệu quả thì mới giành được thắng lợi; trong khi đó, có đồng chí chỉ huy cấp trung đoàn đề nghị trả lại pháo vì không biết phối hợp giữa bộ binh với pháo binh như thế nào.

          - Thứ ba, bộ đội ta từ trước đến nay chỉ quen tác chiến ban đêm, chủ yếu là ở rừng núi, dễ ẩn náu. Giờ đây phải tác chiến cả ban ngày, trên địa hình bằng phẳng, lực lượng bị bộc lộ, dễ bị thương vong do hỏa lực của pháo binh và máy bay của Pháp.

          - Thứ tư, trong quá trình chuẩn bị, do có sơ hở nên Bộ chỉ huy Pháp đã nắm được ngày giờ nổ súng và mục tiêu tiến công của bộ đội ta, nên đã tăng cường chuẩn bị đối phó, tính bất ngờ không còn.

          Với trách nhiệm của người chỉ huy cao nhất trước Đảng, trước nhân dân và trước sinh mạng của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ tại mặt trận; trước một trận đánh quyết định mà phần lớn lực lượng tinh nhuệ nhất của quân đội tham gia, sau khi trao đổi với Trưởng Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc, bàn bạc trong không khí căng thẳng trong cuộc họp bất thường của Đảng ủy Mặt trận sáng sớm ngày 26-1-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch, chuyển sang "Đánh chắc, tiến chắc", lệnh cho các đơn vị đang áp sát trận địa tiến công rút ra để chuẩn bị thêm, đảm bảo đánh chắc thắng.

          Đây là một quyết định rất khó khăn, đồng thời là một quyết định phi thường mang tính lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Quyết định này đã đưa Đại tướng trở thành một nhà chỉ huy quân sự kiệt xuất không những của Việt Nam mà của cả thế giới, căn cứ vào mấy yếu tố sau đây:

          - Đại tướng đã quán triệt và thực hiện đúng sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, trực tiếp là Chủ tịch hồ Chí Minh, quyết định đánh vào nơi mạnh nhất của kẻ thù nhưng phải đảm bảo chắc thắng, bảo toàn lực lượng cho cuộc kháng chiến.

          - Đại tướng đã thể hiện một tầm nhìn chiến lược, một sự phân tích, nhận định sắc sảo, nhạy bén, quyết đoán và linh hoạt, trên cơ sở đánh giá so sánh lực lượng, chỉ ra chỗ mạnh, chỗ yếu của cả quân ta và quân Pháp để có quyết định cuối cùng đúng đắn nhất.

          - Đây là quyết định được đưa ra một cách thận trọng, có cân nhắc trên cơ sở kinh nghiệm chỉ huy tác chiến đã được tích lũy qua nhiều năm. Một quyết định thể hiện tinh thần trách nhiệm cao nhất, dũng cảm nhất và thấm đẫm tính nhân văn. Đại tướng đã dám phủ nhận kết luận của chính mình trong cuộc họp trước đó 11 ngày ở Sở chỉ huy đầu tiên của chiến dịch đặt tại hang Thẩm Púa (ngày 14-1-1954) khi chấp nhận phương châm "đánh nhanh, thắng nhanh". Đại tướng đã thẳng thắn nêu suy nghĩ về khả năng không thành công của chiến dịch nếu theo đánh theo phương án cũ trước tập thể Đảng ủy, trong đó nhiều người ủng hộ "đánh nhanh, thắng nhanh", đi đến quyết định dừng cuộc tiến công vào phút chót, rút tất cả lực lượng ra để chuẩn bị thêm.

          - Thực tế chiến đấu đã chứng minh, sau khi đã chuẩn bị kỹ càng về cách đánh, về đảm bảo hậu cần, kỹ thuật, sau 56 ngày đêm chiến đấu gian khổ, hy sinh tổn thất lớn, bộ đội ta mới giành được thắng lợi. Rất nhiều cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch, sau này đã nhận xét: nếu không có quyết định của Đại tướng, trận Điện Biên Phủ khó có thể giành thắng lợi, số người hy sinh, thương vong sẽ lớn hơn nhiều.

          - Quyết định của Đại tướng đã khiến Bộ chỉ huy Pháp và binh lính Pháp ở Điện Biên Phủ vốn ở thế phòng ngự lại càng bị động hơn, phải căng mình chờ đợi đối phó với cuộc tiến công của quân ta có thể xảy ra bất cứ lúc nào, khoét sâu vào điểm yếu về đảm bảo tiếp tế dài ngày và tinh thần chiến đấu của quân Pháp ở Điện Biên Phủ. Bộ chỉ huy Pháp đã thua trong cuộc đấu trí cân não đầy kịch tính trong trận đánh quyết định thành bại của cả cuộc chiến tranh trước Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

          - Quyết định đánh chắc, tiến chắc đã đưa đến thắng lợi. Lần đầu tiên trong lịch sử, Quân đội ta đánh bại hình thức phòng ngự kiểu tập đoàn cứ điểm của quân Pháp khiến ý chí tiếp tục chiến tranh của Chính phủ Pháp hoàn toàn sụp đổ, tinh thần chiến đấu của quân Pháp ở Việt Nam và Đông Dương rã rời.

          Ba là, Đại tướng đã cùng Bộ chỉ huy chiến dịch và Đảng ủy Mặt trận đã lãnh đạo, chỉ đạo tất cả các lực lượng, các đơn vị tham gia chiến dịch một cách đúng đắn, sáng tạo, cụ thể, linh hoạt để giành thắng lợi cuối cùng

          Để đánh thắng tập đoàn cứ điểm phòng thủ mạnh nhất của quân Pháp, có không quân của Pháp, Mỹ yểm trợ tối đa về vận tải tiếp tế và hỏa lực, là điều không hề đơn giản. Một loạt công tác chuẩn bị kéo dài hàng tháng trời đã được khẩn trương triển khai thực hiện. Với kinh nghiệm chỉ huy dày dạn, đức tính tỉ mỉ, chu đáo, thận trọng, thường quan tâm đến những ý kiến trái chiều, sâu sát từng đơn vị, nắm được sở trường, sở đoản của từng cán bộ chỉ huy dưới quyền, Đại tướng đã cùng Bộ chỉ huy chiến dịch và Đảng ủy Mặt trận chỉ đạo, chỉ huy xây dựng kế hoạch tác chiến và thực hành chiến đấu cho từng hướng, từng mũi, cho các trận đánh quan trọng, cho từng binh chủng bộ binh, pháo binh, cao xạ, công binh, thông tin, vận tải, quân báo, trinh sát, quân y, quân nhu, quân khí, kể cả báo chí, văn công tuyên truyền, dân công, thanh niên xung phong…, phân công theo dõi công tác vận tải đảm bảo lương thực, thực phẩm, làm đường, sửa đường, làm hầm cho pháo, phối hợp tác chiến hiệp đồng binh chủng; làm công tác chính trị tư tưởng, động viên tinh thần chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ trong những lúc khó khăn gian khổ ác liệt, thương vong lớn. Sự bao quát, tác phong sâu sát, tỉ mỉ nắm chắc đến từng cân gạo, từng viên đạn pháo, từng cơ số thuốc quân y, đến diễn biến tư tưởng, tâm tư tình cảm của cán bộ, chiến sĩ đã giúp cho Đại tướng có được cái nhìn thực tế diễn biến chiến dịch, qua đó có những nhận định, chủ trương, mệnh lệnh phù hợp đối với từng trận đánh, từng tình huống chiến dịch cụ thể./.

PGS.TS Nguyễn  Mạnh Hà

Bộ Chỉ huy chiến dịch dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đang bàn kế hoạch tác chiến cho từng trận đánh. (Ảnh tư liệu TTXVN)           1. Về vị trí của chiến dịch Điện Biên Phủ           Đây là chiến dịch có quy mô lớn nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Tổng tư lệnh xác định đây là trận quyết chiến chiến lược nhằm đánh bại cố gắng chiến tranh cao nhất, biện pháp phòng thủ mạnh nhất của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, giáng một đòn quyết định làm sụp đổ hoàn toàn ý chí tiếp tục chiến tranh của kẻ thù, mở ra cơ hội đàm ph&aa

Tin khác cùng chủ đề

Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Tinh thần quyết chiến quyết thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc
Nghệ thuật tác chiến phòng không trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Gửi bình luận của bạn