Ngay từ những năm đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhiệm vụ bảo toàn chủ quyền lãnh thổ đã được khẳng định trong Hiến pháp đầu tiên (năm 1946). Sau đó là bản Hiến pháp năm 1959 và các bản Hiến pháp tiếp theo (năm 1980, năm 1992, năm 2013) đều khẳng định rõ nhiệm vụ quan trọng này. Bài viết làm rõ những bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đặc biệt, vấn đề chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam được lý giải rõ hơn trong các hoạt động đối nội và đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có liên quan đến chủ quyền quốc gia trong bối cảnh lịch sử khá đặc biệt của chặng đường từ năm 1954 đến năm 1975.

Vấn đề chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong bối cảnh lịch sử từ năm 1954 đến năm 1975
Vấn đề chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong bối cảnh lịch sử từ năm 1954 đến năm 1975
 
TS Đặng Kim Oanh - Tổng Biên tập Tạp chí Lich sử Đảng với bộ đội trên đảo Trường Sa
 
1. Trong Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Quốc hội khóa I thông qua tại kỳ họp thứ 2, ngày 9-11-1946, có nêu: “Nhiệm vụ của dân tộc ta trong giai đoạn hiện nay là bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ”1. Đầu năm 1959, trong bản Hiến pháp được thông qua tại kỳ họp thứ 11 ngày 29-12-1959, Quốc hội khóa I đã cụ thể hơn nhiệm vụ bảo toàn lãnh thổ: “Điều 8: Lực lượng vũ trang của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là của nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ độc lập, chủ quyền, lãnh thổ toàn vẹn và an ninh của Tổ quốc, bảo vệ tự do, hạnh phúc và sự nghiệp lao động hòa bình của nhân dân”2. Cho đến các bản Hiến pháp tiếp theo năm 1980, năm 1992 và năm 2013 đều khẳng định rõ nhiệm vụ quan trọng này.
Tinh thần ấy đã được quán triệt trong hầu hết các văn kiện của Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng như các hoạt động đối nội và đối ngoại có liên quan đến chủ quyền quốc gia. Trong việc bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ, ngay từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nhà nước đã có những hành động cụ thể nhằm thực hiện nhiệm vụ ấy. Trước hết, đối với quần đảo Hoàng Sa. Tháng 3-1946, ngư dân làm ăn lâu ngày trên đảo khi nghe nước nhà giành được độc lập, đã cử hai đoàn đại biểu vào thăm đất liền, đến chào và xin ý kiến đạo của Ủy ban Kháng chiến hành chính Đà Nẵng. Hai đoàn đại biểu được chính quyền thành phố tiếp đón chu đáo, được giới thiệu về chính thể dân chủ cộng hòa và những chủ trương, chính sách của chính quyền cách mạng3.
 Đầu năm 1946, được sự đồng ý của Ủy ban Kháng chiến hành chính Khu V, Ủy ban Kháng chiến Hành chính Đà Nẵng đã cử hai đoàn cán bộ ra đảo để tiếp quản và nắm tình hình trên đảo. Đoàn đầu tiên do kỹ sư Phan Niên, Phó ty Công chánh làm Trưởng đoàn ra tiếp quản Hoàng Sa. Đoàn thứ hai do Trưởng ty xã hội Nguyễn Đình Liệu làm Trưởng đoàn mang theo nhu yếu phẩm ra thăm và tặng quà cho đồng bào trên quần đảo Hoàng Sa, lúc đó có khoảng 300 người.
Đến năm 1950, ông Chế Viết Tấn với tư cách Bí thư Ban Cán sự Đảng kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính thành phố Đà Nẵng, đồng thời là Chính trị viên, đại diện Chính ủy tại Đà Nẵng (chức vụ đại diện Chính ủy là để thống nhất các lực lượng vũ trang địa phương, chủ lực, các tổ chức tình báo của Trung ương, Liên khu V hoạt động tại Đà Nẵng) đã tổ chức cuộc điều tra về tình hình quần đảo Hoàng Sa từ sau khi quân Pháp cho chiến hạm ra lại đảo vào cuối tháng 5-1946, sau đó viết một bản báo cáo chi tiết lên cấp trên.
Căn cứ vào các cuộc thảo luận của HĐND thành phố và được sự đồng ý của Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ, ông Chế Viết Tấn đã ký một quyết định của Ủy ban Kháng chiến hành chính Đà Nẵng thành lập Ủy ban Kháng chiến hành chính Hoàng Sa gồm 5 người4. Bản quyết định được gửi đến các khu phố Đà Nẵng, Ủy ban Kháng chiến hành chính miền Nam Trung Bộ và tỉnh Quảng Nam (lúc đó Đà Nẵng là một bộ phận của Liên tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng). Với tư cách Chính trị viên Thành đội bộ, ông còn ký một Chỉ thị của Thành đội bộ dân quân Đà Nẵng thành lập một Trung đội dân quân tự vệ để bảo vệ đảo5.

2. Thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông-Xuân 1953-1954, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã buộc thực dân Pháp và can thiệp Mỹ phải ký kết Hiệp định Giơnevơ, lập lại hòa bình ở Đông Dương trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia. Song, nước Việt Nam tạm thời bị chia cắt làm 2 miền bởi một giới tuyến quân sự tạm thời, và theo Hiệp định Giơnevơ, nước Việt Nam sẽ được tái thống nhất vào hai năm sau, tức tháng 7-1956 thông qua một cuộc tổng tuyển cử tự do trong cả nước.
Về giới tuyến quân sự tạm thời, Điều 1 của bản Hiệp định nêu rõ: “Một giới tuyến quân sự tạm thời sẽ được quy định rõ để lực lượng hai bên sau khi rút lui sẽ tập hợp ở bên này và bên kia của giới tuyến ấy: Lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam ở phía Bắc giới tuyến, lực lượng Quân đội Liên hiệp Pháp ở phía Nam giới tuyến... Hai bên đều đồng ý có một khu phi quân sự hai bên giới tuyến, mỗi bên rộng nhất là 5 ki-lô-mét để từ giới tuyến trở đi, khu phi quân sự này dùng để làm khu đệm và để tránh những việc xung đột có thể làm cho chiến sự xảy trở lại”6.
Điều 4 của bản Hiệp định còn nêu rõ: “Giới tuyến quân sự tạm thời giữa hai vùng tập kết kéo dài ra ngoài hải phận theo một đường thẳng góc với đường ven biển”7. Về điều ghi trên, có thể hiểu: Tất cả các hòn đảo thuộc lãnh hải phía Bắc của đường ranh giới sẽ được rút quân bởi lực lượng quân đội của Liên hiệp Pháp, còn tất cả các hòn đảo phía Nam của nó sẽ được rút quân bởi Quân đội Nhân dân Việt Nam. Cũng có nghĩa: Các đảo phía Nam vĩ tuyến 17, bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc quyền quản lý của Quốc gia Việt Nam lúc đó còn là một bộ phận của Liên hiệp Pháp, sau đó là Việt Nam Cộng hòa. Bắt đầu từ đây, Việt Nam Cộng hòa liên tục có những hoạt động khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chính vì vậy mà khi Trung Quốc, ngày 30-5-1956, đưa lực lượng quân sự giả dạng ngư dân bất ngờ đổ bộ lên chiếm đảo Phú Lâm (tức Ile Boisée), đảo lớn nhất của quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, ngày 1-6-1956, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa Vũ Văn Mẫu đã ra tuyên bố tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và lên án hành động sai trái của Trung Quốc.
Coi trọng không gian này, trước một số tuyên bố của Phillippines về “Một bộ phận quần đảo Trường Sa” là của nước này, Chính phủ Pháp cũng nhắc lại cho Phillippines biết những quyền hạn của Pháp đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ năm 1933 và khẳng định “nay đã thuộc sự cai quản của quốc gia Việt Nam”8.
Trong vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vào thời gian này, có sự kiện về quan hệ giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cần làm rõ.
Khoảng thời gian từ năm 1954 đến năm 1958, trong bối cảnh “chiến tranh lạnh” với các quan hệ đối địch ở eo biển Đài Loan giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa với chính quyền Đài Loan và Mỹ đã xảy ra hai cuộc khủng hoảng rất nghiêm trọng. Cả hai cuộc khủng hoảng đều liên quan trực tiếp đến các đảo Kim Môn và Mã Tổ có vị trí rất gần với lãnh thổ Trung Hoa lục địa, nhưng lại do chính quyền Quốc dân Đảng ở Đài Loan kiểm soát. Tình hình rất căng thẳng khi Trung Quốc liên tục bắn pháo vào các đảo Kim Môn và Mã Tổ. Mỹ phản ứng lại bằng cách cho tàu chiến đến bảo vệ đường tiếp tế hậu cần từ Đài Loan đến hai hòn đảo bị pháo kích. Trong cuộc khủng hoảng lần thứ nhất năm 1954, Trung Quốc đã pháo kích liên tục vào các đảo Kim Môn và Mã Tổ, và tuyên bố “sẽ giải phóng Đài Loan”. Trước tình hình ấy, ngày 12-9-1954, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ đã đưa ra dự tính tấn công Trung Quốc bằng vũ khí nguyên tử. Nhưng Tổng thống Mỹ lúc ấy là Eisenhower đã do dự việc sử dụng vũ khí nguyên tử cũng như tăng cường sự can dự của Mỹ vào khu vực này sau khi cuộc chiến tranh Triều Tiên với sự tham gia của Mỹ vừa chấm dứt chưa được bao lâu.
Vào năm 1958, cuộc tranh chấp ở eo biển Đài Loan lần thứ hai lại bùng lên. Trong hoàn cảnh bị Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ trong khu vực eo biển Đài Loan đe dọa, ngày 4-9-1958, Chính phủ Trung Quốc ra tuyên bố chiều rộng lãnh hải nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý. Điều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các quần đảo ngoài khơi9.
Mười ngày sau, ngày 14-9-1958, Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng gửi Công thư cho Thủ tướng Chu Ân Lai về vấn đề này. Toàn văn Công thư viết:
 “Thưa đồng chí Tổng lý,
Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên mặt bể.
Chúng tôi xin gửi đồng chí Tổng lý lời chào trân trọng”10.
Trong Công thư, Thủ tướng Phạm Văn Đồng không đề cập đến vấn đề pháp lý, vấn đề chủ quyền và lãnh thổ, càng không viết gì về Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa. Với tư cách là những người bạn của nhân dân Trung Quốc, trong hoàn cảnh nước Trung Quốc bị Mỹ đe dọa qua các hoạt động của Hạm đội 7 trong eo biển Đài Loan, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận thấy cần sớm lên tiếng ủng hộ bản tuyên bố về lãnh hải của Trung Quốc để góp phần ngăn chặn hành động hung hãn của Mỹ. Điều này thể hiện tình cảm hữu nghị của Việt Nam đối với Trung Quốc. Vì vậy, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc coi đó là sự công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa là một sự xuyên tạc cố ý, sự phủ nhận tình cảm hữu nghị thiêng liêng của nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Trung Quốc.
Về bản Công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, có một số nhà nghiên cứu11 nêu một số nội dung phản bác đối với quan điểm của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Có thể tóm lược các nội dung ấy như sau:
 Tuyên bố của Thủ tướng Phạm Văn Đồng công nhận lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc, không có hiệu lực về lãnh thổ từ năm 1954 đến năm 1975. Theo Hiệp định Giơnevơ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vào thời gian đó, quần đảo Hoàng Sa nằm dưới sự quản lý của Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ Việt Nam Cộng hòa luôn khẳng định và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này cho đến năm 1974, khi bị Trung Quốc dùng vũ lực để cưỡng chiếm.
Về vấn đề này, một tác giả nước ngoài là giáo sư Công pháp và khoa học chính trị Trường Đại học Paris VII-Denis Diderot, nguyên Chủ tịch Hội Luật gia Dân chủ Pháp, vào thời điểm viết cuốn sách sẽ dẫn sau đây là Chủ tịch Hội Luật gia châu Âu đã viết: “Tuyên bố của ông Phạm Văn Đồng chỉ có một nghĩa hẹp, đúng vậy, là công nhận bề rộng lãnh hải của Trung Quốc”12 và “Trong bối cảnh đó, các tuyên bố hay các lần biểu thị lập trường có thể có của nhà chức trách Bắc Việt Nam không có hậu quả đối với danh nghĩa chủ quyền. Đó không phải là chính phủ về mặt lãnh thổ có thẩm quyền đối với các quần đảo. Người ta không thể từ bỏ cái mà người ta không có quyền lực”13.
Như đã nêu, trong Công thư này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ nói vấn đề lãnh hải 12 hải lý mà không hề nói gì về chủ quyền các hòn đảo như Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cố tình nêu lên. Việc công nhận hoặc chuyển nhượng một phần lãnh thổ của hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, thông thường phải được quyết định thông qua một cuộc trưng cầu dân ý, và phải ký kết một hiệp ước giữa hai nước. Ngay từ trong Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ghi rõ những vấn đề có liên quan đến vận mệnh quốc gia, trong đó có chuyển nhượng lãnh thổ, đều phải đưa ra nhân dân phúc quyết (tức trưng cầu dân ý). Điều 32 Hiến pháp năm 1946 nêu rõ: “Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết nếu hai phần ba tổng số nghị viên đồng ý”14.
Như vậy, Công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có hiệu lực pháp lý để từ bỏ lãnh thổ (nếu có điều đó). Trong thời gian từ năm 1954 đến năm 1975, các chính quyền đã từng tồn tại ở miền Nam Việt Nam trong thế đối lập: Chính phủ Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (được thành lập năm 1969) cũng chỉ có quyền quản lý đối với hai quần đảo trên và không có quyền chuyển nhượng bất cứ vùng lãnh thổ nào cho nước ngoài.
Trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc, ngay sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp không lâu, ngày 2-7-1957, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã gửi thư đến Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đề xuất việc hai đảng cầm quyền ở hai nước tôn trọng nguyên trạng các vấn đề tranh chấp lãnh thổ do lịch sử để lại và giải quyết tất cả các tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình vào thời điểm thích hợp. Thư của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam viết: “Vấn đề biên giới là một vấn đề quan trọng cần được giải quyết thông qua các nguyên tắc thực định của luật pháp hay quyết định của hai chính phủ”15.
Tháng 4-1958, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có phản ứng tích cực đối với Thư của Đảng Lao động Việt Nam. Trong lá thư này, dù “vấn đề tranh chấp lãnh thổ do lịch sử để lại” được hiểu là chỉ liên quan đến vấn đề biên giới trên bộ, không đề cập đến trường hợp tranh chấp đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng xin nêu lại để thấy phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã rất coi trọng vấn đề biên giới lãnh thổ quốc gia trong quan hệ với các nước.
Vào tháng 9-1975, tức 17 năm sau khi có bức Công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình nói với nhà lãnh đạo Việt Nam Lê Duẩn rằng: “Trung Quốc có đầy đủ tài liệu chứng minh quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) từ xưa đến nay thuộc lãnh thổ Trung Quốc, nhưng theo nguyên tắc hiệp thương hữu nghị giải quyết bất đồng, bày tỏ sau này có thể thương lượng bàn bạc”16.
Phía Việt Nam, dù đã có đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý về chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vẫn tuyên bố luôn luôn sẵn sàng thương lượng để giải quyết tranh chấp với các bên hữu quan.
Nhưng, như chúng ta đã biết, trong các vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa, khác với lời nói của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc đã trắng trợn dùng vũ lực để cưỡng chiếm Hoàng Sa khi ấy do Việt Nam Cộng hòa quản lý (1974), và một số đảo trên quần đảo Trường Sa do Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam quản lý (1988). Lời nói đó không đi đôi với việc làm, không những thế, tuyên bố năm 1979 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn cố tình bóp méo, xuyên tạc sự thật về bức Công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ủng hộ tuyên bố của Trung Quốc về lãnh hải 12 hải lý khi Trung Quốc phải đối phó với sự đe dọa chiến tranh từ phía Mỹ vào thời điểm năm 1958...
Trong cuộc tiến công đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa vào cuối tháng 1-1974, Trung Quốc đã sử dụng binh lính giả dạng người dân đi trên tàu cá để đổ bộ lên chiếm các đảo Hoàng Sa, Duy Mộng và Quang Ảnh, rồi tăng cường lực lượng lên 11 tàu chiến, trong đó có 2 tàu chống ngầm Krondstadt, 2 tàu quét lôi, một số tiểu đoàn thủy quân lục chiến và một số tàu chở quân đến nhóm phía Tây của quần đảo gây ra cuộc cưỡng chiếm quân sự phần còn lại của quần đảo Hoàng Sa... Hành động chiến tranh của quân đội Trung Quốc đã bị lực lượng bảo vệ quần đảo Hoàng Sa của quân đội Việt Nam Cộng hòa kiên quyết chống trả, sau đó, quân đội Trung Quốc đã chiếm được toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Sau cuộc chiến, đại diện chính quyền Việt Nam Cộng hòa tại Liên hiệp quốc gửi Công hàm thông báo hành động xâm lược của quân Trung Quốc tại Hoàng Sa cho Chủ tịch Hội đồng Bảo an và Tổng Thư ký Liên hiệp quốc. Chính phủ Việt Nam Cộng hòa cũng thông báo cho các bên ký Hiệp định Pari về Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới về sự vi phạm trắng trợn trên của Trung Quốc.
Hành động chiến tranh của Trung Quốc bị dư luận ở cả miền Bắc và miền Nam Việt Nam phản đối. Tại Hội nghị La Cell Saint Cloud, đoàn đại biểu Việt Nam Cộng hòa đề nghị đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra một tuyên bố lên án hành động gây hấn của Bắc Kinh, nhưng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam muốn ra một bản tuyên bố riêng ngay tại miền Nam Việt Nam. Ngày 26-1-1974, ông Võ Đông Giang, Phó Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đại diện Ủy ban liên hợp hai bên tại Sài Gòn đã công bố bản tuyên bố sau đây về sự kiện Hoàng Sa: “Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là những vấn đề thiêng liêng của mọi dân tộc. Giữa các nước láng giềng có nhiều vụ tranh chấp vấn đề biên giới và lãnh thổ do lịch sử để lại. Các tranh chấp đó có khi rất phức tạp, đòi hỏi được xem xét kỹ càng. Các nước liên quan phải cùng nhau xem xét vấn đề trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị và láng giềng tốt và giải quyết vấn đề bằng thương lượng”17.
Tuyên bố của Chính phủ Cách mạng lâm thời đã thể hiện quan điểm của nhân dân cả nước Việt Nam, trong đó có Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Nhận rõ tầm quan trọng của vùng biển và hải đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngay trong những ngày nóng bỏng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã có kế hoạch giải phóng quần đảo Trường Sa lúc ấy do lực lượng quân sự của chính quyền Sài Gòn chiếm giữ.
Ngay từ sau chiến thắng Buôn Ma Thuột (3-1975), theo đề xuất của Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam, Quân ủy Trung ương đã trình Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam kế hoạch giải phóng Trường Sa. Cuối tháng 3-1975, kế hoạch này đã được Bộ Chính trị chấp nhận. Đến tháng 4-1975, Bộ Tư lệnh Hải quân, binh chủng được giao trách nhiệm tổ chức cuộc tổng tấn công, một mặt sử dụng Đoàn 125 vận chuyển bộ đội, vũ khí, trang bị kỹ thuật cho chiến trường Nam Bộ, mặt khác khẩn trương chuẩn bị lực lượng sẵn sàng tiến công giải phóng các đảo khi thời cơ đến.
Ngày 4-4-1975, Bộ Tư lệnh Hải quân nhận chỉ thị của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam: dùng lực lượng hiện có, phối hợp với lực lượng đặc công của Quân khu V, tranh thủ thời cơ đánh chiếm quần đảo Trường Sa-một quần đảo có ý nghĩa chiến lược về chính trị, quân sự và kinh tế, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Các đơn vị quân đội đã thực hiện theo đúng phương án tác chiến, tấn công lần lượt các đảo Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa với phương châm tác chiến bí mật, bất ngờ. Trải qua 5 ngày chiến đấu quyết liệt bắt đầu từ ngày 24-4-1975 đến ngày 29-4-1975, lực lượng quân đội đã hoàn thành nhiệm vụ kết thúc bằng việc làm chủ hoàn toàn đảo Trường Sa, đảo xa nhất nằm ở phía Nam của quần đảo...18.
Như vậy, từ những bằng chứng lịch sử khách quan, trong bối cảnh quốc tế và khu vực thời chiến tranh lạnh, ngay từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, dù phải trải qua những hoàn cảnh vô cùng khó khăn do khách quan và chủ quan, đã luôn kiên quyết thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của đất nước đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa-nhiệm vụ thiêng liêng đối với Tổ quốc của mọi thế hệ người Việt Nam.
 

Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng số 10/2019
1, 2. Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Văn kiện Quốc hội Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2005, T. 1, tr.103, 1236-1237
3, 5. Xem Ngô Văn Minh: Biển, đảo máu thịt quốc gia, không gian sinh tồn của dân tộc, Nxb Đà Nẵng, 2017, tr.130-131, 132-133
4. Trong văn bản chỉ đề là Hoàng Sa trực thuộc thành phố Đà Nẵng, không gọi là xã hay huyện
6, 7. “The Agreement on the Cessation of Hostilities in Vietnam”,  Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Thành phố Hồ Chí Minh, ký hiệu PTT 14.655, tr.1, 2
8. Võ Công Trí, Lưu Anh Rô: Huyện Hoàng Sa qua tư liệu hồi ức, Nxb Đà Nẵng, 2018, tr.153
9, 12, 13. Monique Chemillier-Gendreau: Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nxb CTQG, H, 2011, tr. 63, 175, 176
10. Theo Lưu Văn Lợi: Cuộc tranh chấp Việt-Trung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nxb CAND, H, 1995, tr. 105
11. Như: Lưu Văn Lợi; PGS, TS Nguyễn Hồng Thao; Đinh Kim Phúc; Tạ Văn Tài; GS,TS Nguyễn Quang Ngọc; TS Trần Đức Anh Sơn; PGS, TS Ngô Văn Minh; TS Hoàng Chí Hiếu; PGS, TS Trương Minh Dục; GS Monique Chemillier...
4, 14. Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam-Văn phòng Quốc hội: Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946-1960, Nxb CTQG, H, 2000, tr. 277
15. Theo Vũ Dương Ninh: Biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc, Nxb CAND, H, 2011, tr. 58
16. Lưu Văn Lợi: Cuộc tranh chấp Việt-Trung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nxb CAND, H, 1995, tr. 129. Xem thêm Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua, Nxb ST, H, 1979, tr. 69
17. Sự phản đối này được thể hiện trên báo Nhân dân, ngày 26-2-1988 và được tóm tắt trong hồ sơ “Các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, Le courier du Vietnam, H, 1984, tr. 139
18. Xem Bộ Quốc phòng-Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, Nxb CTQG, H, 2013, T. 7, tr. 380-381.
Ảnh minh họa: VOV
PGS, TS TRẦN ĐỨC CƯỜNG
Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
  TS Đặng Kim Oanh - Tổng Biên tập Tạp chí Lich sử Đảng với bộ đội trên đảo Trường Sa   1. Trong Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Quốc hội khóa I thông qua tại kỳ họp thứ 2, ngày 9-11-1946, có nêu: “Nhiệm vụ của dân tộc ta trong giai đoạn hiện nay là bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ”1. Đầu năm 1959, trong bản Hiến pháp được thông qua tại kỳ họp thứ 11 ngày 29-12-1959, Quốc hội khóa I đã cụ thể hơn nhiệm vụ bảo toàn lãnh thổ: “Điều 8: Lực lượng vũ trang của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là của nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ độc lập, chủ quyền, lãnh thổ toàn vẹn và an ninh của Tổ quốc

Tin khác cùng chủ đề

Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Tinh thần quyết chiến quyết thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc
Nghệ thuật tác chiến phòng không trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Gửi bình luận của bạn