Vào mùa xuân năm 1930, chưa đầy một tháng sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 24/02/1930, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa cũng được thành lập và đồng chí Hà Huy Tập là một trong những người có vai trò rất quan trọng trong việc vận động quần chúng, xây dựng phong trào cách mạng, góp phần tạo nên sự kiện lịch sử trọng đại này.

Vào những năm 1925-1926, cùng với thầy giáo Ngô Đức Diễn (người Nghệ An), Hà Huy Tập được cử vào dạy học ở Khánh Hòa. Lúc bấy giờ, thầy Tập là một trí  thức yêu nước, là một trong  số những người tham gia thành lập Hội phục Việt (7/1925) sau đổi thành Tân Việt cách mạng Đảng, gọi tắt là Tân Việt ở Nghệ Tĩnh. Lúc đầu tư tưởng yêu nước của ông còn chịu ảnh hưởng của các quan điểm tư sản, tiểu tư sản. Trong bản “Tiểu sử tự ghi” năm 1929, đồng chí Hà Huy Tập viết: “ Chắc chắn là năm 1923, tôi chưa có tư tưởng cộng sản, mới chỉ có tư tưởng chống Bảo Hoàng (triều đình phong kiến nhà Nguyễn) và chống đế quốc, bởi vì tôi căm thù chủ nghĩa thực dân và chế độ phong kiến. Tôi tuyên truyền chống chế độ chuyên chế và chế độ thực dân Pháp trong số những học sinh và những người mà tôi biết”(1) . Nhưng từ giữa năm 1926,  khi Đảng Tân-Việt đã có sự liên hệ với tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập thì tư tưởng của  ông đã chuyển qua xu hướng mác-xít, vận động yêu nước trên lập trường giai cấp công nhân. Trong bản “Tiểu sử tự ghi”, đồng chí Hà Huy Tập viết: “Năm ấy (1926), tôi đã được đọc những tờ báo, những cuốn sách viết về chủ nghĩa cộng sản. Những sách, báo này tôi nhận từ bên Pháp gửi sang. Lúc đó, một xu hướng mới bắt đầu có trong đời tôi, xu hướng chủ nghĩa cộng sản. Khi đó, tôi hiểu những động lực chính của cách mạng là những ai. Từ ngày đó, tôi có thể thấy rõ vai trò cách mạng của giai cấp vô sản, và đúng vậy, chính vì nó mà tôi lao vào đời sống chính trị”(2) .

Khi vào Khánh Hòa, thầy Hà Huy Tập dạy học ở trường Tiểu học Pháp-Việt Nha Trang (nay là trường PTTH Nguyễn Văn Trỗi), thầy Ngô Đức Diễn dạy ở huyện Tân Định (thị xã Ninh Hòa ngày nay). Hai ông đem lập trường yêu nước theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin vận động trong nhà trường và viên chức.

Ngoài việc dạy ở trường, thầy Tập, thầy Diễn còn vận động tổ chức các lớp dạy đêm cho công nhân. Ở Nha Trang, thầy Tập tổ chức được hai lớp cho người lớn và một lớp tuổi trẻ, chia làm hai bậc học: người biết đọc, biết viết và người mới bắt đầu học chữ. Đồng chí Hà Huy Tập kể lại: “ Vào tháng 3 năm 1926, tôi lập 3 lớp học buổi chiều cho công nhân ở Nha Trang. Những lớp này có hơn 150 công nhân thường đến học. Mục đích giả của tôi là đấu tranh chống nạn mù chữ, nhưng mục đích thật của tôi là tập hợp những công nhân để dễ dàng cho việc tuyền truyền bí mật. Những chi phí về thắp sáng hoặc mua sách vở phát cho công nhân đều do tiền của tôi và các bạn của tôi gom góp lại”(3). Đây là những người lao động và dân nghèo thị xã, có người làm thợ hồ, thợ mộc, thợ máy, thợ cắt tóc, thợ rèn, phụ lái xe, kéo xe. Bà con đều siêng năng, học tập chăm chỉ, mến phục các thầy, vừa học chữ vừa học các bài giảng thường thức. Trong lúc giảng, các thầy nói đến quyền làm người, kể lịch sử nước ta, nêu gương anh hùng liệt sĩ, ca tụng giòng giống Lạc Hồng. Qua đó, nhiều người mới hiểu ra rằng tại sao đồng bào mình nghèo khổ, dốt nát. Tình yêu đất nước, thương đồng bào, thương người nghèo ghi sâu vào lòng học sinh và những người lao động. Đồng chí Hà Huy Tập kể: “Cũng trong thời kỳ này, tôi là thành viên của Thư viện tỉnh. Trong một cuộc  họp của Thư viện, tôi đề nghị mua một số sách viết về “Sự lật đổ” và những tờ báo Annam (Dân chủ), Người cùng khổ, Hồn Việt Nam (Báo cách mạng ở Pari). Khi đó, tôi bị viên công sứ kết tội là người chống Pháp. Từ ngày đó, tôi là đối tượng bị theo dõi bí mật và bị chính quyền ngược đãi”(4).

Dựa vào dạy học, hai ông đã tuyên truyền, giác ngộ được nhiều giáo viên, học sinh và thanh niên về công cuộc cứu nước theo tư tưởng cộng sản. Hai ông còn giúp cho họ tiếp xúc sách báo tiến bộ và những sách báo nói về học thuyết Mác-Lênin, về chủ nghĩa cộng sản. Những hoạt động tích cực của các ông Hà Huy Tập, Ngô Đức Diễn bước đầu đã cổ vũ, tập hợp được học sinh, thanh niên, đưa họ lên mặt trận đấu tranh mới. Bởi vậy, trong hai năm 1925- 1926, trong giới giáo viên, học sinh, thanh niên Khánh Hòa đã có những hoạt động đấu tranh sôi nổi. Trong đó đáng chú ý là hai cuộc đấu tranh của giáo viên, học sinh, thanh niên mang tính chất toàn quốc là cuộc đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Chu Trinh. Cũng từ những hoạt động tích cực của thầy Hà Huy Tập và thầy Ngô Đức Diễn, năm 1927, cơ sở đầu tiên của Đảng Tân  Việt đã bắt đầu nhen nhóm, gây dựng tại hai địa phương trong tỉnh là thị xã Nha Trang và huyện Tân Định. Ở Nha Trang, cơ sở đầu tiên của Đảng Tân Việt là các anh Bùi Giáo, Phạm Lễ nhân viên Sở Lục lộ, Nguyễn Khắc Tài nhân viên Sở Hỏa xa kiều lộ. Ở huyện Tân Định có anh Dương Chước, Lê Dung. Đây là những hạt giống cộng sản đầu tiên được gieo mầm trên đất Khánh Hòa.

Trước những hoạt động sôi nổi của thanh niên, giáo viên, học sinh, chính quyền thực dân tỉnh Khánh Hòa tìm cách đối phó. Chúng điều động các thầy giáo Hà Huy Tập và Ngô Đức Diễn ra các tỉnh phía ngoài. Bốn giáo viên khác ở trường tiểu học Pháp - Việt Nha Trang cũng bị cách chức, một số học sinh bị đuổi học. Tuy hai thầy giáo Hà Huy Tập và Ngô Đức Diễn không còn hoạt động ở Khánh Hòa nhưng những tư tưởng cách mạng của hai ông đã thức tỉnh lòng yêu nước trong tầng lớp thanh niên, học sinh theo khuynh hướng cộng sản.

Trong những tháng cuối năm 1929, cả nước ta diễn ra cuộc đấu tranh để thành lập Đảng. Trong tình hình ấy, một số đảng viên tích cực trong Tân Việt cách mạng Đảng chủ trương ly khai Tổng bộ Tân Việt để thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn và dự định tổ chức Đại hội vào ngày 14/7/ 1929 nhưng không thành công vì toàn thể Tổng bộ Tân Việt bị địch bắt vào ngày 07/7/1929. Tuy không họp được nhưng do bức xúc  tình hình, các đồng chí lãnh đạo của Kỳ bộ Trung kỳ và Kỳ bộ Nam Kỳ của Đảng Tân Việt vẫn thống nhất tiến hành thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn vào ngày 01/ 01/1930.

Tổ chức Đảng Tân Việt ở Khánh Hòa nằm trong Liên tỉnh Ngũ Trang bao gồm 5 tỉnh cực Nam Trung bộ và Nam Tây Nguyên. Khi Tân Việt tự cải tổ thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn thì Liên tỉnh Ngũ Trang được  chuyển thành một bộ phận của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.

Mặc dù Đông Dương Cộng sản Liên đoàn đã có nhiều đảng viên và thành lập được nhiều đảng bộ ở các địa phương tại Nam Kỳ và Trung Kỳ nhưng chưa có cơ quan Trung ương và tại hội nghị thống nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 03/02/1930 cũng chưa kịp cử đại biểu đi dự. Do đó, ngày 24/02/1930, đồng chí Ngô Gia Tự thay mặt Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam ký quyết định công nhận Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gia nhập Đảng cộng sản Việt Nam.

Như vậy, hệ thống tổ chức của Đảng bộ Tân Việt Khánh Hòa chuyển sang  Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn, rồi sau đó chuyển thành Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra trong thời gian ngắn và ngày thành lập chính thức của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa là ngày 24/02/ 1930 -  ngày có quyết định công nhận Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.

87 năm đã trôi qua , trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cùng với Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa đã lãnh đạo nhân dân toàn tỉnh vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, chiến thắng thiên tai, địch hoạ, góp phần cùng cả nước đấu tranh giành chính quyền, đánh thắng các kẻ thù xâm lược, hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội và đã giành được những kết quả đáng tự hào trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.  Đạt được những  thành tựu như ngày hôm nay, nhân dân Khánh Hòa luôn ghi nhớ những đóng góp của đồng chí Hà Huy Tập trong những ngày đầu vận động thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa. 

 

 

                                                                                            AN BÌNH



(1) (2) Theo Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa 1930-1975, do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa xuất bản năm 2001.

(3) (4)  Theo bản “Tiểu sử tự ghi” của Xinhikin (Hà Huy Tập) tài liệu đã dẫn.

 

Vào mùa xuân năm 1930, chưa đầy một tháng sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 24/02/1930, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa cũng được thành lập và đồng chí Hà Huy Tập là một trong những người có vai trò rất quan trọng trong việc vận động quần chúng, xây dựng phong trào cách mạng, góp phần tạo nên sự kiện lịch sử trọng đại này. Vào những năm 1925-1926, cùng với thầy giáo Ngô Đức Diễn (người Nghệ An), Hà Huy Tập được cử vào dạy học ở Khánh Hòa. Lúc bấy giờ, thầy Tập là một trí  thức yêu nước, là một trong  số những người tham gia thành lập Hội phục Việt (7/1925) sau đổi thành Tân Việt cách mạng Đảng, gọi tắt là Tân Việt ở Nghệ Tĩnh. Lúc đầu tư tưởng yêu nước của ông c&ogr

Tin khác cùng chủ đề

Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Tinh thần quyết chiến quyết thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc
Nghệ thuật tác chiến phòng không trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Gửi bình luận của bạn