Trung ương Cục miền Nam là bộ phận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam. Trên chiến trường miền Nam, mặt trận chính trị - quân sự giữ vai trò quan trọng, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến. Bài viết làm rõ sự lãnh đạo của Trung ương Cục miền Nam đối với công tác văn hóa, văn nghệ (gồm âm nhạc, kịch, hội họa, văn học, nhiếp ảnh, điện ảnh,…) và những kết quả đạt được trên địa bàn Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ (B2) từ năm 1961 đến năm 1968.

Trung ương Cục miền Nam lãnh đạo phát triển văn hóa, văn nghệ - Những thành tựu đạt được trên địa bàn Nam Bộ và Cực Nam Trung Bộ (1961-1968)
Trung ương Cục miền Nam lãnh đạo phát triển văn hóa, văn nghệ - Những thành tựu đạt được trên địa bàn Nam Bộ và Cực Nam Trung Bộ (1961-1968)

1. Chủ trương của Trung ương Cục miền Nam

Trung ương Cục miền Nam luôn xác định nền văn hóa, văn nghệ ở các căn cứ địa, vùng giải phóng trên chiến trường Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ là nền văn hóa, văn nghệ kháng chiến. Đó là nền văn hóa, văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, là chống lại chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, cổ động cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân miền Nam, vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trung ương Cục miền Nam đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết tập trung chỉ đạo xây dựng nền văn hóa, nghệ thuật cách mạng, tiến bộ; bài trừ nền văn hóa, văn nghệ nô dịch, lai căng, đồi trụy của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương Cục miền Nam lần thứ nhất tháng 10-1961 đề ra công tác cụ thể của công tác tuyên văn giáo là cần phải chấn chỉnh công tác báo chí, gấp rút xây dựng Đài Phát thanh Giải phóng, tiếng nói của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và nhân dân miền Nam. Sáng tác văn nghệ phải theo sát các yêu cầu và phục vụ kịp thời các yêu cầu chính trị của Đảng, nâng cao tính nghệ thuật, nội dung các tác phẩm phải ngắn gọn, dễ hiểu. Hướng công tác văn nghệ là xây dựng và phát triển văn nghệ yêu nước, phát huy vốn văn hóa dân tộc, dân chủ, đồng thời học tập nền văn nghệ tiên tiến của giai cấp công nhân các nước, khai thác nền văn học các dân tộc ít người, phát động phong trào văn nghệ quần chúng, thông qua Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam để mở rộng đoàn kết trong giới văn nghệ… Tích cực chống văn hóa, văn nghệ phản động của địch1.

Ngày 5-2-1963, Thường vụ Trung ương Cục miền Nam ra Chỉ thị số 43/TV Đề cương công tác tuyên truyền năm 1963” nêu rõ phát động “phong trào học tập văn hóa”, xây dựng “con người mới”; “động viên nhân dân tham gia phong trào văn hóa (cho người lớn và trẻ em), sáng tác và biểu diễn văn nghệ, tẩy chay văn hóa địch, tham gia học tập chính trị để không ngừng nâng cao trình độ chính trị và văn hóa của nhân dân, dần dần giáo dục ý thức tập thể, xây dựng một kiểu con người mới”2.

Ngày 2-5-1964, Thường vụ Trung ương Cục miền Nam ban hành Chỉ thị số 05/CT “Tăng cường công tác giáo dục văn hóa. Về công tác văn hóa, văn nghệ, Trung ương Cục cho rằng công tác đấu tranh văn hóa với địch chưa đạt yêu cầu. Trước tình hình vùng giải phóng ngày càng mở rộng, Trung ương Cục miền Nam đề ra nhiệm vụ trước mắt là: “Phải chống lại nền văn hóa nô dịch, đồi trụy, ngoại lai và quét sạch tàn dư của nền văn hóa ấy ở vùng giải phóng”; và khẳng định: “Công tác đấu tranh văn hóa với địch hết sức quan trọng”3.

Ngày 27-12-1967, Thường vụ Trung ương Cục miền Nam ban hành Nghị quyết “Về tăng cường lãnh đạo công tác tuyên huấn theo kịp với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng hiện nay”. Nghị quyết đề ra nhiệm vụ và phương hướng công tác tuyên huấn trong thời gian trước mắt, trong đó, công tác văn nghệ có nhiệm vụ: “phải phục vụ quần chúng và phục tùng nhiệm vụ chính trị, phải thích hợp với hoàn cảnh cụ thể từng nơi, từng lúc và phải được quần chúng rộng rãi tham gia. Trong thời gian trước mắt, công tác văn nghệ phải là một mũi nhọn tấn công địch làm cho quần chúng cả 3 vùng thấy rõ hơn nữa tội ác của đế quốc Mỹ và tay sai, nâng cao chí căm thù đến mức cảm thấy phải vùng dậy đuổi Mỹ, lật ngụy và hăng hái bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ vùng giải phóng, bảo vệ chế độ mới với một lòng tự hào và tình cảm cách mạng thiết tha. Tác phẩm văn nghệ phải phát huy truyền thống dân tộc bất khuất chống ngoại xâm, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, dám đứng lên xả thân vì nước, vì đồng bào, vì giai cấp. Văn nghệ phải làm cho quần chúng tự tin vào sức mạnh đoàn kết dân tộc, đoàn kết giai cấp, tin vào khả năng đánh bại hoàn toàn Mỹ, ngụy của nhân dân ta, để phấn khởi đem hết sức mình ra thực hiện.

Công tác văn nghệ trước mắt cần phải lấy nhiệm vụ cổ động làm chính trên cơ sở đó mà kết hợp chuẩn bị tác phẩm, tiết mục nghệ thuật. Mọi ngành văn nghệ phải dồn sức động viên đông đảo quần chúng xốc tới. Phải xây dựng một phong trào văn nghệ quần chúng sôi nổi, sâu rộng, dùng đường lối văn nghệ cách mạng, dân tộc dân chủ, yêu nước chống Mỹ, và dựa vào phong trào văn nghệ quần chúng mà bao vây, đẩy lùi văn nghệ phản động, lạc hậu của địch gây tác hại về tinh thần, về cách sống hằng ngày của nhân dân ta.

Cần phải xây dựng một đội ngũ văn nghệ có chất lượng để góp phần vào sức tấn công cách mạng trên mặt trận tư tưởng, cần bồi dưỡng chính trị và nghiệp vụ cho cán bộ văn nghệ và diễn viên đã được thử thách, lấy đó làm nòng cốt để tập hợp, mở rộng mặt trận văn nghệ, tranh thủ cải tạo văn nghệ sĩ vùng mới giải phóng, vùng đô thị, tổ chức đông đảo văn nghệ nhân dân, dân tộc và dân gian, phát huy tài năng của toàn giới văn nghệ để phục vụ các bước tiến của cách mạng, cô lập bọn bồi bút, tay sai của địch và vạch trần mưu đồ của địch trong địa hạt văn hóa, văn nghệ4.

2. Những kết quả đạt được

Từ năm 1962, các đơn vị của các ngành nghệ thuật phục vụ kháng chiến như: ca múa nhạc, hội họa, điện ảnh, thông tin, báo chí… được quy tụ vào Hội Văn nghệ Giải phóng. Hội có nhiệm vụ: sáng tác, biểu diễn, huấn luyện đào tạo, sưu tầm nghiên cứu, gây dựng phong trào văn nghệ quần chúng. Ban Chấp hành Hội gồm: Viễn Phương, Trang Thế Hy (tức Văn Phụng Mỹ), là các nhà văn, nhà thơ yêu nước từ nội thành ra căn cứ. Soạn giả Trần Hữu Trang cùng nghệ sĩ Thanh Loan đã tổ chức, dìu dắt bộ môn cải lương giải phóng. Cơ quan ngôn luận của Hội là tờ Văn nghệ Giải phóng, số đầu tiên ra sau Tết Tân Sửu – 1961, do nhà văn Lý Văn Sâm và nhà báo Lê Thiện đảm nhiệm.

Bộ phận chủ lực của Hội Văn nghệ Giải phóng là Đoàn Văn công Giải phóng với hình thức tổng hợp các bộ môn ca, múa, nhạc, kịch, cải lương. Cán bộ Đoàn Văn công Giải phóng lúc đầu gồm nghệ sĩ Đinh Trung Dõng, Cô Ba Thanh Loan và một số nghệ sĩ cải lương ở các đô thị về. Lực lượng của Đoàn ngoài soạn giả Trần Hữu Trang, một số là Việt kiều yêu nước trở về như Phạm Minh Tuấn, Phan Chí Thanh, một số được bổ sung lực lượng từ trường Lam Giang về, một số từ miền Bắc chi viện vào như các nghệ sĩ Ngô Y Linh (Nguyễn Vũ), Thanh Trúc, Tô Lan Phương, Nguyễn Hùng, Hồ Bông, Thái Ly, Thế Hải, Mai Lâm, Dư An… Đoàn thường dàn dựng lại những bài ca, điệu múa, tuồng, kịch cải lương, kịch nói, múa rối…

Trong lĩnh vực âm nhạc, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước có vai trò lớn bởi: “Sự có mặt của anh tại chiến trường miền Nam đã khẳng định mối quan tâm trong lĩnh vực hoạt động âm nhạc của Trung ương Cục miền Nam, của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và có tác dụng động viên anh chị em trong giới không nhỏ”5. Đội ngũ hoạt động âm nhạc được chi viện vào chiến trường còn có những nhạc sĩ trong quân đội như: Trí Thanh, Ngọc Lĩnh, Trọng Thủy, Thanh Sử, Ngọc Mi… Mặt trận Dân tộc Giải phóng có các nhạc sĩ như: Thanh Trúc, Cửu Long, Phan Miêng, Hoài Mai, Đinh Sơn, Ngô Đông Hải, Kỳ Lân, Hồ Bông, Vĩnh Bảo… Đặc biệt là nhạc sĩ Hoàng Việt, một nhạc sĩ tài hoa sinh ra và lớn lên ở miền Đông Nam Bộ, dày dặn kinh nghiệm sáng tác trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Quân Giải phóng miền Nam thành lập Đoàn Văn công Quân Giải phóng (20-12-1962) do nhạc sĩ Xuân Hồng làm Trưởng đoàn, với nhiệm vụ hoạt động nghệ thuật, sáng tác và biểu diễn phục vụ cho quân và dân miền Nam, cho sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Ngay khi thành lập, Đoàn Văn công Quân Giải phóng đã biểu diễn phục vụ Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ II6. Tuy mới được thành lập nhưng thành tích biểu diễn văn nghệ phục vụ quân và dân miền Nam của Đoàn Văn công Quân giải phóng được đánh giá cao, chất lượng biểu diễn cũng như quy mô của các tiết mục. Tết Quý Mão năm 1963, tại khu rừng miền Đông Nam Bộ, Đoàn tổ chức đợt biểu diễn mừng Xuân phục vụ cán bộ, chiến sĩ trước khi xuất quân chiến đấu.

Nhằm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ văn hóa, văn nghệ, năm 1964, Tiểu ban Văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục và Cục Chính trị thuộc Bộ Chỉ huy Miền tổ chức đào tạo các lớp ngắn hạn. Qua đó, kịp thời phát hiện, bồi dưỡng những người có năng khiếu âm nhạc, đào tạo lớp nhạc sĩ trưởng thành từ trong khói lửa, góp phần vào cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Tháng 4-1964, Trường nghệ thuật Lam Giang I, Lam Giang II được thành lập tại căn cứ Chàng Riệc (xã Hoà Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) theo chủ trương của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, do đồng chí Bùi Kinh Lăng làm hiệu trưởng. Các trường có hơn 245 học viên (độ tuổi 13 - 30), được tuyển lựa từ Quân khu 6, 7, 8 và Quân khu 9. Sau 3 tháng đào tạo, toàn bộ số học viên đều tốt nghiệp với hơn 100 tác phẩm, ca, múa, nhạc7. Sau khi ra trường, đa số học viên được phân công về các địa phương, các cơ quan đơn vị, làm hạt nhân cho phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương và đã cho ra đời nhiều tác phẩm văn nghệ chân thực, với tinh thần chiến đấu rất cao.

Các tác phẩm cải lương, bài ca đơn lẻ của các soạn giả Thanh Biền, Ba Thanh Nha (Trần Ngọc), Nguyễn Trường Hùng, Phạm Ngọc Truyền (Ngọc Phái) được đồng bào ở các tỉnh Nam Bộ và Cực Nam Trung Bộ rất yêu thích và đón nhận. Nghệ thuật sân khấu Khmer cũng phát triển khá mạnh mẽ phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của chiến sĩ và đồng bào8.

Trong hai năm 1966-1967, Đoàn Văn công Giải phóng đã được cử về biểu diễn ở chiến trường miền Tây Nam Bộ, Ngoài ra, Đoàn còn làm nhiệm vụ giúp xây dựng các đoàn cải lương, đoàn văn công giải phóng cho các địa phương về mặt chuyên môn nghiệp vụ. Việc giúp đỡ tập trung vào đào tạo cán bộ văn nghệ theo hình thức đào tạo tập trung ở căn cứ Trung ương Cục, đồng thời cử cán bộ về tận các đơn vị ở địa phương để giúp dàn dựng các tiết mục văn nghệ. Nhờ vậy, Đoàn Văn công Giải phóng Khu Sài Gòn - Gia Định, Đoàn Văn công T2 (Đồng Tháp Mười), Tây Ninh, Bình Dương, Kiến Phong, Ánh Hồng (Việt Khmer Cửu Long), T3 (Việt Khmer miền Tây Nam Bộ)… tồn tại với nhiều hình thức, lúc tập trung, lúc phân tán một cách linh hoạt.

Năm 1967, Đoàn Văn công Giải phóng tách riêng các bộ phận: Ca múa Giải phóng dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của nghệ sĩ Thái Ly, Múa rối Giải phóng - nghệ sĩ Phan Chí Thanh, Cải lương Giải phóng - nghệ sĩ Đinh Trung Dõng (Mười Đờn, Văn Tươi), Kịch nói Giải phóng - đạo diễn Nguyễn Vũ (Ngô Y Linh). Các bộ phận này đã bám sát chiến trường, phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Nam Bộ, vừa rèn luyện nghệ thuật, xây dựng các tiết mục mới, tăng cường bổ sung đội ngũ. Trong những ngày lễ lớn, những sự kiện trọng đại như Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn Miền, các Đại hội Phụ nữ Giải phóng, Đại hội Thanh niên Giải phóng, các ngày lễ k niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày k niệm thành lập Mặt trận, đón tiếp khách nước ngoài tới thăm căn cứ địa...

Từ sau Tết Mậu Thân năm 1968, vùng giải phóng bị co hẹp, Đoàn Văn nghệ Giải phóng đã chủ động cử cán bộ tỏa đi khắp chiến trường miền Nam để thu thập tư liệu sáng tác, đồng thời giúp các địa phương bồi dưỡng những lớp nghệ sĩ, cán bộ ca múa nhạc. Các cán bộ, nghệ sĩ như: Việt Cường, Dư An, Duy Nãi về các tỉnh ở miền Tây, Phan Miêng về Cần Thơ; Hồ Bông, Thanh Trúc về đồng bằng sông Cửu Long. Trong bối cảnh ác liệt lúc đó, một số văn nghệ sĩ đã hi sinh thân mình vì sự nghiệp cách mạng: nhạc sĩ Hoàng Việt hi sinh ở chiến khu Đồng Tháp Mười, nhạc sĩ Vĩnh Bảo hi sinh khi đi sáng tác ở địa đạo Củ Chi… Tuy nhiên, trong hi sinh, gian khó vẫn có những tác phẩm nổi tiếng ra đời như bài hát Bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn.

Trong lĩnh vực hội họa, thế hệ họa sĩ đầu tiên đặt nền móng xây dựng nền mĩ thuật kháng chiến ở các tỉnh Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là các họa sĩ trẻ như: Cổ Tấn Long Châu, Trang Phượng, Phạm Minh Sáu, Trần Nhất Tâm đã thoát li ở nội đô Sài Gòn, Bình Dương ra vùng giải phóng, căn cứ địa. Trong những năm 1962 - 1963, ở căn cứ Bắc Tây Ninh, Phòng Hội họa Giải phóng (B11) trực thuộc Tiểu ban Văn nghệ, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục được thành lập, với nhiệm vụ: “ghi các kí họa, vẽ tranh động viên chiến sĩ và đồng bào kháng chiến, giới thiệu bằng nghệ thuật hội họa cuộc sống, chiến đấu của nhân dân và chiến sĩ miền Nam cho nhân dân toàn quốc và sau này cho nhân dân các nước trên thế giới”9. Tuy mới thành lập nhưng Phòng đã đảm nhận vẽ minh họa các ấn phẩm của Thông tấn xã Giải phóng, giới thiệu phim cho Xưởng phim Giải phóng, báo và tạp chí của Ban Tuyên huấn; giúp đỡ trang trí đại hội, tổ chức triển lãm tranh cho các cơ quan, đoàn thể bộ đội; vẽ tranh cổ động, tranh đả kích để gửi đi khắp chiến trường miền Nam. Các họa sĩ đến từng cơ quan, ban, ngành của Trung ương Cục cũng như lăn xả vào chiến trường, kịp thời kí họa ghi lại cảnh sinh hoạt, chiến đấu của các chiến sĩ cũng như của nhân dân, cổ vũ và động viên quân và dân chiến đấu. Từ năm 1963 trở đi, Phòng Hội họa Giải phóng được Trung ương chi viện nhiều họa sĩ10. Trên cơ sở đó Phòng Hội họa Giải phóng đã mở lớp đào tạo họa sĩ cho các đơn vị bộ đội và các địa phương tại Đồi Thơ, dưới sự phụ trách của họa sĩ Huỳnh Phương Đông, gồm các học viên ở các khu, tỉnh, đoàn thể sang học: “Lớp mở từ tháng 8-1964 đến tháng 3-1965 gồm 67 người”11.

Hội họa Giải phóng đã khắc họa được nét đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong các kí hoạ, bức tranh của mình như hình ảnh của các má, các chị dũng sĩ (má Thạch Thị Thanh, các chị: Út Tịch, Tạ Thị Kiều, Bảy Tranh, Tô Thị Huỳnh)… Khi đế quốc Mỹ chuyển sang tiến hành “Chiến tranh cục bộ”, cán bộ Phòng Hội họa Giải phóng tỏa đi khắp các địa phương tìm nguồn cảm hứng sáng tác. Từ những chuyến đi thực tế này, các họa sĩ đã kí họa những chiến công hiển hách của quân giải phóng trong các chiến dịch Bình Giã, Đồng Xoài, Bàu Bàng, Bắc Tây Ninh. Năm 1968, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân diễn ra hết sức ác liệt, các họa sĩ theo các đơn vị Quân Giải phóng kịp thời khắc họa sự kiện lịch sử này một cách chân thực12Nhiều họa sĩ vừa cầm bút, vừa cầm súng, chiến đấu anh dũng trong các đợt tiến công của quân giải phóng vào các đô thị của địch.

Hội họa giải phóng đã tổ chức hai cuộc triển lãm tranh tại Hà Nội vào năm 1966 và 1968, tại Phnômpênh (Campuchia) năm 1968, giới thiệu cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân miền Nam đến với đồng bào miền Bắc và bạn bè quốc tế.

Nền văn hoạc giải phóng trong giai đoạn này tập trung vào đề tài ca ngợi lòng yêu nước, sự căm thù giặc, sự hi sinh, tinh thần đấu tranh bất khuất và “chủ nghĩa anh hùng cách mạng” về tinh thần lạc quan và về phong cảnh quê hương. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng trở thành nội dung tư tưởng chủ yếu của văn học. Những người anh hùng, chiến sĩ trên các lĩnh vực trở thành nhân vật chính mà các tác phẩm văn học tập trung miêu tả trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhiều nhà thơ, nhà văn tập kết ra Bắc đã trở lại chiến trường miền Nam như Anh Đức, Viễn Phương, Lê Anh Xuân… góp phần xây dựng văn học giải phóng. Văn học có bước phát triển với nhiều thể loại: thơ, văn xuôi, truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết13Hội Văn nghệ Giải phóng đã tổ chức các lớp viết văn cho các nhà văn trẻ, qua đó xuất hiện nhiều tác phẩm văn học như bút kí “Những ngày gian khổ”, bút kí “Cửu Long cuộn sóng” và tiểu thuyết “Rừng U Minh”. Năm 1965, Hội đồng Văn học Nghệ thuật thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã xem xét, trao tặng gần 40 giải thưởng cho các tác phẩm văn học, âm nhạc, hội họa, phim ảnh có chất lượng nghệ thuật cao14.

Về đấu tranh chống văn học lai căng, đồi trụy, phản động. Giữa năm 1966, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định tập hợp được đội ngũ trí thức tiến bộ, yêu nước trong tổ chức Lực lượng Bảo vệ văn hoá dân tộc, có nhiệm vụ hướng dẫn quần chúng xây dựng văn hoá dân tộc và bài trừ các tác phẩm độc hại được du nhập vào miền Nam. Sự kiện này đánh dấu bước trưởng thành của văn học cách mạng và yêu nước ở miền Nam. Có thể nói, thực hiện Nghị quyết công tác tư tưởng năm 1965 của Trung ương Cục miền Nam về phát huy “chủ nghĩa anh hùng cách mạng” trong các sáng tác văn học có bước trưởng thành nhanh chóng, các nhà văn, nhà thơ “vừa cầm súng vừa cầm bút” thâm nhập vào các chiến trường, đẫm mồ hôi, máu và sự hi sinh: “không tiếc tuổi xanh, sống hết mình, viết hết mình vì nghiệp lớn, nghĩ rằng chết mà chưa viết được là chưa hoàn thành nhiệm vụ… Một biểu tượng: trả giá máu cho từng trang viết!”15.

Từ sau năm 1965 đến năm 1968, thể loại văn xuôi chú trọng tuyên truyền ca ngợi “chủ nghĩa anh hùng cách mạng” giữa tiền tuyến ác liệt. Các tác phẩm văn học, nghệ thuật đã phản ánh kịp thời cuộc chiến đấu của quân dân miền Nam và là vũ khí sắc bén chiến đấu cùng nhân dân. Nổi lên là nhà văn Minh Khoa (tức Đặng Quang Hổ) viết về anh hùng Huỳnh Văn Đảnh trong tác phẩm Mỗi viên đạn một quân thù (1965); Lê Anh Xuân viết về anh hùng Nguyễn Văn Tư trong Giữ đất (1966); Nguyễn Quang Sáng (bút danh Nguyễn Sáng) với Câu chuyện bên trận địa pháo (1966), Chiếc lược ngà (1966); Nguyễn Thi (tức Nguyễn Ngọc Tấn) với Người mẹ cầm súng (1965), Mẹ vắng nhà (1966), Những đứa con trong gia đình (1966); tiểu thuyết Hòn đất (1966) của Anh Đức, “Trường ca Nguyễn Văn Trỗi” (1968) của nhà thơ Lê Anh Xuân…

Năm 1966, Tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng phát động cuộc thi “Viết về cuộc sống và chiến đấu của chúng ta”, đã thu hút những cây bút trẻ gửi bài về ngày càng nhiều, dần dần xuất hiện các cây bút trẻ là những cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị, lực lượng vũ trang. Trong Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968, các nhà văn, nhà thơ đã trực tiếp tham gia chiến dịch, chiến đấu dũng cảm như nhà văn Nguyễn Thi (tức Tạ Ngọc Tấn) theo đơn vị Đoàn 10 chiến đấu trên đường Minh Phụng, khi chống địch truy kích ở ngã ba Tham Lương, nhà văn đã hy sinh. Cùng với nhà văn Nguyễn Thi, còn biết bao tấm gương hy sinh của nhiều nhà văn, nhà thơ khác như các nhà thơ: Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Mỹ,… khi tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968. Đặc biệt, nhà thơ Lê Anh Xuân (tức Ca Lê Hiến) đã sáng tác bài thơ nổi tiếng “Dáng đứng Việt Nam” ngợi ca người chiến sĩ giải phóng quân ngã xuống trên đường băng Tân Sơn Nhất đã làm rung động biết bao trái tim thế hệ trẻ Việt Nam.

Nhiếp ảnh, điện ảnh là vũ khí sắc bén trên mặt trận chính trị tư tưởng, đã được Trung ương Cục rất coi trọngNăm 1961, tại chiến khu Mã Đà, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục thành lập tổ nhiếp ảnh gồm đồng chí: Thanh Vũ, Nguyễn Son, Lê Thành Bé, Trần Hữu Trung. Trong điều kiện chiến tranh, thiếu thốn trang thiết bị, các đồng chí bước đầu chụp và cho in được một số ảnh trận Phước Thành năm 1961, rồi tiến hành triển lãm cho những chiến sĩ tham gia trận đánh khiến họ vui mừng, phấn chấn vì được xem lại những hình ảnh chiến đấu quả cảm của quân dân ta trên chiến trường. Cũng trong năm 1961, bộ phận nhiếp ảnh Thông tấn xã Giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định được thành lập. Các cán bộ nhiếp ảnh đã chụp và phát hành kịp thời những hình ảnh đấu tranh chính trị, vũ trang của quân, dân các tỉnh Nam Bộ và Cực Nam Trung Bộ diễn ra quyết liệt trên địa bàn Sài Gòn - Gia Định.

Năm 1962, được tăng cường nhiều cán bộ từ miền Bắc vào, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam thành lập Tổ Điện - Nhiếp ảnh do đồng chí Nguyễn Hiền phụ trách. Cuối năm 1962, Xưởng phim Giải phóng ra đời có nhiệm vụ sáng tác, tổ chức, điều phối, sản xuất, phát hành phim, đồng thời đào tạo nghiệp vụ cho điện ảnh giải phóng trên chiến trường B2. Nhóm quay phim do Nguyễn Hiền phụ trách đã quay được những thước phim đầu tiên về Đại hội Mặt trận Dân tộc Giải phóng, mở lớp đầu tiên đào tạo những cán bộ điện ảnh cho chiến trường B2. Vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ chồng chất trong quá trình làm phim tại căn cứ địa, cuối cùng, bộ phim “Những hình ảnh Đại hội Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lần I” ra mắt quần chúng. Tiếp đó, Điện ảnh giải phóng đã bám sát chiến trường, ghi lại những thước phim thời sự: “Chiến thắng đồn Cây Điệp (Mỏ Cày, Bến Tre)”, “Chiến thắng Khai Quang”, “Chiến thắng Bình Giã 1964”, “Quyết thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Vài hình ảnh về Ba Tri”,… Cũng trong năm 1963, bộ phim “Miền Nam anh dũng” hoàn thành, đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng và bằng khen trong nước và quốc tế16.

Năm 1964, Điện ảnh Giải phóng hoàn thành bộ phim “Sống và chiến đấu” (còn có tên là “Quyết chiến thắng giặc Mỹ”. Năm 1965, Điện ảnh Giải phóng làm phim “Du kích Củ Chi”, bộ phim phải mất 13 tháng để hoàn thành, đã góp phần to lớn kịp thời động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân Nam Bộ và nhận được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế17Tháng 7-1966, Hồ Văn Tây đã thực hiện bộ phim “Sự ra đời của ông Ầm”, “Sống trong lòng đất thép”. Đồng thời, đạo diễn điện ảnh Hồ Văn Tây còn mở lớp dạy biên kịch và quay phim tại Xưởng phim Giải phóng góp phần đào tạo nhiều nhà quay phim trẻ như: Nguyễn Văn Bính, Lê Văn Duy, Nguyễn Văn Đắc,… đáp ứng kịp thời yêu cầu của điện ảnh ở Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ trên chiến trường lúc bấy giờ. Đạo diễn Trần Nhu và Lý Minh Văn quay bộ phim Hạt lúa vành đai ở vùng biên giới sát với Sài Gòn. Năm 1968, đạo diễn, nhà quay phim Hồng Sến thực hiện phim “Đường ra phía trước” ghi lại chân thực hình ảnh dân công tải đạn ra chiến trường góp công sức vào chiến thắng tiền tuyến, bộ phim đoạt giải Huy chương vàng Liên hoan phim quốc tế Mátxcơva năm 1969. Trong giai đoạn 1961 - 1968 là giai đoạn hình thành và phát triển của điện ảnh - nhiếp ảnh kháng chiến ở các tỉnh Nam Bộ và Cực Nam Trung Bộ. Vượt qua sự thiếu thốn, gian khổ, được sự chi viện của hậu phương miền Bắc và dựa trên tinh thần yêu nghề, cần cù, thông minh, sáng tạo, các cán bộ, nhân viên của ngành điện ảnh, nhiếp ảnh phần lớn tự học, kịp thời ghi nhận và phản ánh kịp thời những chiến thắng của quân dân trên địa bàn B2, góp phần khích lệ tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân ta.

Trong quá trình lãnh đạo công tác văn hóa, văn nghệ tại các căn cứ địa, vùng giải phóng Nam Bộ và Cực Nam Trung Bộ từ năm 1961 đến năm 1968, quan điểm nhất quán của Trung ương Cục miền Nam là văn hóa, văn nghệ giải phóng là mặt trận quan trọng, có nhiệm vụ phục vụ công tác chính trị, tư tưởng của quân và dân miền Nam. Văn hóa, văn nghệ giải phóng trên chiến trường B2 đã góp phần quan trọng trong việc đánh thắng các chiến lược chiến tranh đặc biệt và chiến tranh cục bộ của Mỹ và chính quyền Sài Gònhạn chế tác hại và làm thất bại chính sách nô dịch văn hóa của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

 

Ngày nhận: 11-12-2024; ngày biên tập: 16-12-2024; ngày duyệt đăng: 17-12-2024

1. Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, H, 2002, T. 22, tr. 726

2. Thường vụ Chín Nam: Chỉ thị số 43/TV Đề cương công tác tuyên truyền năm 1963, Hồ sơ P42-01-271, Tài liệu lưu trữ tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, H, tr. 5

3. Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1946-1975, Nxb CTQGST, H, 2020, T.10, tr. 259

4. Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1946-1975, Nxb CTQGST, H, 2020, T.11, tr. 1.092 - 1.093.

5, 9, 11. Chung một bóng cờ Nxb CTQG, H, 2015, tr. 837, 852, 853

6. Với nhiều tiết mục đồng ca, đơn ca, tốp ca,… Xem: Cục Chính trị Quân khu 7: Lịch sử Đoàn Văn công Quân Giải phóng miền Nam - Đoàn Văn công Quân khu 7, Nxb QĐND, H, 2012, tr. 17-18

7. Xem: Cục Chính trị Quân khu 7: Lịch sử Đoàn Văn công Quân Giải phóng miền Nam - Đoàn Văn công Quân khu 7, Nxb QĐND, H, 2012, tr. 30

8. Nhiều sáng tác của soạn giả Thạch Voi với các nội dung lên án tội ác bọn cướp nước và bán nước; cổ động cho cách mạng lần lượt xuất hiện như “Nghĩa tình trong giông tố (1963), Âm mưu và tình yêu; ca múa cảnh Phượng hoàng và mùa Xuân (1964) và Ông Mịch bất khuất (1962)… Xem Hoàng Văn Việt: Tìm hiểu nghệ thuật sân khấu truyền thống của người Khmer đồng bằng sông Cửu Long, Đề tài nghiên cứu khoa học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, tr. 83

10. Như các đồng chí Trần Đắc, Huỳnh Phương Đông, Trần Văn Mùi, Nguyễn Văn Lương, Trần Nhật Tâm, Thái Hà… Thái Bình, Nguyễn Ngoãn, Thanh Châu, Lê Lam, Tấn Lực, Đỗ Đồng, Nguyễn Nam Ngư, Huỳnh Quốc Trọng, Nguyễn Chí Hiếu

12. Các tác phẩm tiêu biểu trong năm 1968: “Hoa xuân trên cáng thương” của họa sĩ Huỳnh Phương Đông; “Hỏa tuyến, đơn vị thị xã đang học tập xây dựng tư tưởng quân đội Cách Mạng” (bút sắt, màu nước trên giấy của họa sĩ Văn Bình, “Quyết bám đất giữ làng” và “Không cho chúng nó thoát” đều sử dụng bút sắt, màu nước trên giấy của họa sĩ Nhất Tâm, “Sinh hoạt hàng chiều” và “Bữa cơm dã chiến thanh niên xung phong huyện Long Mỹ, Cần Thơ” của họa sĩ Trần Thanh Tuấn…

13. Nhiều tác phẩm như: ký “Từ tuyến đầu Tổ quốc” (1963), thơ “Tiếng gà gáy” (1965) của nhà thơ Lê Anh Xuân, truyện ký “Sống như anh” (1964) của Trần Đình Vân (bút danh của nhà báo Thái Duy), ký “Bức thư Cà Mau” (1965) của nhà văn Anh Đức…

15. Đài phát thanh Giải phóng đã dành một buổi đặc biệt để công bố giải thưởng: “Về văn xuôi, có các tiểu thuyết Hòn đất của Anh Đức, Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi, tập bút ký Cửu Long cuộn sóng, tập truyện ký của nhiều tác giả Phạm Võ (Trang Thế Hy), Lê Vĩnh Hòa, Lê Văn Thảo, Thanh Giang, Võ Trần Nhã… Về thơ là một tập thơ của nhiều tác giả Viễn Phương, Trường Thắng, Lê Anh Xuân, Chim Trắng, Hưởng Triều (Trần Bạch Đằng)…”. Xem Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến: Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập II 1954-1975, Nxb CTQG, H, 2010, tr. 1066

15. Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến: Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập II 1954-1975, Nxb CTQG, H, 2010, tr.1076

16. Bằng danh dự của Liên hoan phim quốc tế Mátxcơva, Giải Băng-đung của Liên hoan phim quốc tế Á - Phi; Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam

17. Đạt Huy chương vàng trong Liên hoan phim Quốc tế Matxcơva, giải Bồ câu Bạc Liên hoan phim quốc tế ở Cộng hoà Dân chủ Đức; giải Bông sen vàng Liên hoan phim Việt Nam lần I.

ThS NGÔ THỊ CẨM LIÊN

 

Trường Trung học phổ thông Nguyễn Công Trứ (Thành phố Hồ Chí Minh)
1. Chủ trương của Trung ương Cục miền Nam Trung ương Cục miền Nam luôn xác định nền văn hóa, văn nghệ ở các căn cứ địa, vùng giải phóng trên chiến trường Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ là nền văn hóa, văn nghệ kháng chiến. Đó là nền văn hóa, văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, là chống lại chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, cổ động cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân miền Nam, vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trung ương Cục miền Nam đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết tập trung chỉ đạo xây dựng nền văn hóa, nghệ thuật cách mạng, tiến bộ; bài trừ nền văn hóa, văn nghệ nô dịch, lai căng, đồ

Tin khác cùng chủ đề

Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Tinh thần quyết chiến quyết thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc
Nghệ thuật tác chiến phòng không trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Gửi bình luận của bạn