Sau chiến tranh thế giới I, dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin và Cách mạng Tháng Mười, trong hàng ngũ trí thức Việt Nam đã bắt đầu diễn ra sự phân hoá. Nhưng trong thời gian đầu, lập trường giai cấp của mỗi nhóm cũng khác nhau và không rõ ràng. “Họ thống nhất với nhau ở chỗ yêu nước ghét Tây, muốn có một tập đoàn chiến đấu”1.
Với tinh thần yêu nước và vốn văn hoá nhất định, một bộ phận trí thức tiên tiến đã trở thành người tổ chức và lôi cuốn quần chúng nhân dân vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc (GPDT) thông qua nhiều hoạt động phong phú và thiết thực.

Trí thức yêu nước và xu hướng cách mạng tư sản ở Việt Nam những năm trước khi thành lập Đảng
Trí thức yêu nước và xu hướng cách mạng tư sản ở Việt Nam những năm trước khi thành lập Đảng

1. Trên lĩnh vực báo chí và tư tưởng
Một bộ phận trí thức trẻ đã sử dụng báo chí làm công cụ để thể hiện tinh thần yêu nước của mình. Vào những năm 1923 - 1925, ở Nam Kỳ, ngoài các tờ báo có tính chất cải lương của tư sản mại bản, đã bắt đầu xuất hiện những tờ báo có khuynh hướng XHCN đầu tiên như tờ Chuông rè của Nguyễn An Ninh, Người nhà quê của Nguyễn Khánh Toàn, An Nam của Phan Văn Trường. Các tờ báo Chuông rèAn Nam là diễn đàn của lớp trí thức tiểu tư sản yêu nước cấp tiến, đã công bố những bài viết tố cáo mạnh mẽ chế độ thực dân, hơn nữa còn đăng tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng cộng sản của Mác - Ăngghen. Nhiều bài viết của báo Nhân đạo, cơ quan trung ương của ĐCS Pháp, báo Người cùng khổ (Le Paria) và của các báo chí tiến bộ khác ở Pari lúc đó cũng được giới thiệu trên các báo này.
Điều đó đã góp phần giác ngộ tư tưởng yêu nước và ý thức dân tộc, truyền bá nền văn hoá mới và tư tưởng cách mạng trong quần chúng nhân dân, nhằm chống lại chế độ thực dân và phong kiến, trực tiếp đòi tự do ngôn luận và xuất bản. Đúng như một nhà nghiên cứu nước ngoài đã nhận xét: “Những tư tưởng tự do ngôn luận, báo chí và hội họp đã lan tràn trong trí thức Việt Nam thời kỳ này. Họ đưa ra yêu cầu mở rộng bằng mọi cách hệ thống giáo dục cho người Việt Nam, cho phép người Việt Nam tới làm việc trong bộ máy nhà nước thuộc địa, cũng như cho nhân dân Việt Nam những quyền mà công dân Pháp đã có ở các nước Đông Dương”2.
Bên cạnh việc viết và xuất bản báo, một số tác phẩm văn học và sử học cổ động lòng yêu nước được công bố tại các đô thị. Những cơ sở thư xã lớn nhất lúc bấy giờ là Quan Hải tùng thư ở Huế, Giác Quần thư xã và Nam Đồng thư xã ở Hà Nội, Cường Học thư xã và Tân Việt thư xã ở Sài Gòn, đã in nhiều sách của các tác giả Việt Nam và cả sách dịch của nước ngoài.
Nam Đồng thư xã đã xuất bản một loạt sách về gương anh hùng dân tộc: Trưng nữ vương, Thuyền về cố quốc, Thiếu niên anh hùng, Thắng và bại...
Cường Học thư xã do Trần Huy Liệu quản lý, in nhiều tác phẩm có tư tưởng yêu nước, trong đó có những tài liệu bị cấm lưu hành. Tân Việt thư xã dưới sự lãnh đạo của Trần Hữu Độ đã công bố một loạt sách về các vấn đề triết học và lý luận.
Các tác phẩm Chiêu hồn nước của Phạm Tất Đắc, Một bầu tâm sự của Trần Huy Liệu, Tiếng quốc kêu của Việt Quyên, Hỗi trống tự do của Trần Hữu Độ do các thư xã trên ấn hành là những hiện tượng lớn của văn học Việt Nam, không chỉ đề cao chủ nghĩa yêu nước nói chung, mà như Trần Huy Liệu nói, còn vượt ra khỏi những giới hạn thời đại nhằm xác định con đường đưa nhân dân và dân tộc đi tới tự do.
Nhờ những hoạt động đó mà uy tín của tầng lớp trí thức được nâng lên, góp phần tập hợp, lôi cuốn quần chúng nhân dân vào cuộc đấu tranh GPDT.

2. Các tổ chức chính trị sơ khai của trí thức tiểu tư sản yêu nước
Chịu tác động tư tưởng của Cách mạng tháng Mười Nga và trên nền tảng tư tưởng yêu nước, từ những năm đầu thập kỷ 20 trong toàn quốc đã dấy lên phong trào đấu tranh yêu nước sôi nổi của các tầng lớp nhân dân, mà đỉnh cao là cao trào đòi tự do dân chủ những năm 1925 - 1926. Các cuộc đấu tranh yêu nước tập trung vào việc đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu, truy điệu Phan Chu Trinh, đấu tranh đòi thả nhà báo Nguyễn An Ninh và “cuộc đón” Bùi Quang Chiếu, lãnh tụ của đảng Lập hiến từ Pháp về Sài Gòn.
Đóng vai trò tổ chức các hoạt động này chủ yếu là các hội viên của các đảng tiểu tư sản yếu nước: Hội Phục Việt, Đảng Thanh niên, với các yếu nhân như Tồn Quang Phiệt, Đặng Thai Mai, Trần Mộng Bạch (ở miền Bắc và Trung), Trần Huy Liệu, Bùi Công Trừng, Nguyễn An Ninh (ở miền Nam). Hội Phục Việt được thành lập vào giữa năm 1925, hoạt động chủ yếu ở Trung Kỳ. Thành phần xã hội chủ yếu là trí thức trẻ, nhà nho, giáo viên, sinh viên, học sinh và những người làm nghề tự do. Lực lượng tham gia nhiệt tình và tích cực nhất trong các hoạt động yêu nước do Hội tổ chức là học sinh và sinh viên. Đặng Thai Mai, một hội viên của Phục Việt đã kể lại: “Trong cuộc vận động quần chúng hồi này, sinh viên Hà Nội đã đóng một vai trò khá tích cực. Anh em đã chia nhau viết truyền đơn, viết báo, tổ chức các buổi họp quần chúng, nói chuyện với đồng bào”3. Chính quyền thực dân Pháp, đã tìm đủ mọi biện pháp để đình chỉ các hoạt động đấu tranh.
Tháng 3-1926, phong trào truy điệu Phan Chu Trinh dấy lên ở nhiều nơi. Tại Sài Gòn, nơi trực tiếp tiến hành tang lễ, sinh viên không chỉ tích cực tổ chức, vận động, mà còn thực hiện các biện pháp để giữ gìn trật tự cho tang lễ. Trong các trường học ở Hà Nội và các thành phố, thị xã, học sinh và sinh viên cũng tổ chức các buổi lễ truy điệu nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh.
Chính quyền thực dân Pháp ra sức ngăn cản, bắt bớ học sinh, sinh viên tham gia những hoạt động đó, nhưng không dập tắt được phong trào. Phong trào học sinh, sinh viên làm tăng thêm ngọn lửa yêu nước và giúp cho những nhà cách mạng có cơ hội tuyên truyền các tư tưởng cách mạng.
Cũng trong thời gian này, Đảng Thanh niên còn đứng ra vận động phong trào đấu Cũng vào thời gian này, Đảng Thanh tranh đòi thả nhà báo Nguyễn An Ninh và tổ chức “cuộc đón” tiếp Bùi Quang Chiêu ở Sài Gòn để biểu dương lực lượng của quần chúng nhân dân, nhằm chống lại âm mưu phản động của các tập đoàn tư sản và địa chủ ở miền Nam cấu kết với chính quyền thực dân Pháp chống phá phong trào cách mạng.
Thực tế đã chứng tỏ rằng, các nhóm chính trị của trí thức yêu nước trong Đảng Thanh niên, Hội Phục Việt vừa là hệ quả của phong trào dân tộc sau chiến tranh thế giới I, vừa là lực lượng tổ chức và động lực thúc đẩy các cuộc đấu tranh yêu nước của quần chúng nhân dân phát triển. Nói cách khác, các nhóm chính trị này đã trở thành hạt nhân của phong trào dân tộc trong những năm 20.
Tuy nhiên cần nhấn mạnh rằng, những hạn chế về mặt giai cấp đã không cho phép các tổ chức chính trị này tìm kiếm conđường và các biện pháp hữu hiệu để tiến hành cuộc đấu tranh đến thắng lợi cuối cùng. Phong trào do trí thức tiểu tư sản tổ chức và lãnh đạo lúc đầu đã phát triển một cách sôi nổi và mạnh mẽ, nhưng rồi nhanh chóng bị xẹp xuống trước sự đàn áp của chính quyền thực dân.
Hoạt động yêu nước của các nhóm trí thức tiểu tư sản đã góp phần phát triển ý thức dân tộc và chủ nghĩa yêu nước trong nhân dân, tạo điều kiện truyền bá tư tưởng tiến bộ và cách mạng trong quần chúng, đặt tiền để cho sự xuất hiện các tổ chức cách mạng trong cuộc vận động GPDT Việt Nam trước 1930.

3. Bộ phận tiểu tư sản yêu nước theo khuynh hướng cách mạng tư sản
Cùng với hệ tư tưởng XHCN, trong đờisống xã hội đã tồn tại các biến thể của hệ tư tưởng tư sản. Những luồng tư tưởng mới du nhập vào Việt Nam không chỉ qua Trung Quốc và Nhật Bản như vào hồi đầu thế kỷ XX mà chủ yếu là qua sách báo phương Tây, trước hết là sách báo Pháp, dù con đường châu Á: Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ cũng còn có ảnh hưởng nhất định đối với sự phát triển của phong trào GPDT Việt Nam. Do tác động của các yếu tố bên ngoài khác nhau nên khuynh hướng tư sản (cả trên bình diện xã hội cũng như tư tưởng) được biểu hiện dưới những hình thức đa dạng và phức tạp. Tổ chức đại diện tiêu biểu nhất cho khuynh hướng tư sản ở nước ta vào thời kỳ này là Việt Nam quốc dân đảng (VNQDĐ). Đây là một đảng chính trị đã tập hợp các trí thức yêu nước đấu tranh GPDT trên lập trường tư sản, thành lập ở Hà Nội vào ngày 25-12-1927, phần lớn đảng viên xuất thân từ lớp tiểu và trung tư sản, tầng lớp nông dân khá giả (phú hào) và binh lính. Trong việc phát triển đảng viên, VNQDĐ cũng hướng vào các tầng lớp trí thức, sinh viên, điền chủ nhỏ, thương nhân, thợ thủ công và một số công chức làm việc trong bộ máy chính quyền Pháp.
Trong bản danh sách các đảng viên VNQDĐ bị thực dân Pháp bắt và kết án tù ở Bắc Kỳ vào tháng 2-1929 có 227 người thì đa số là trí thức, nửa trí thức, binh lính và giáo viên. Theo L.Marty, “thành phần trí thức và nửa trí thức của tổ chức này đã chỉ ra rằng hoạt động của tổ chức này sẽ trở nên nguy hiểm đối với Pháp, vì 50% người chống đối lại làm việc trong cơ quan nhà nước5.
Toà án thực dân Pháp cũng buộc tội: “Binh lính và giáo viên, đó là hai trụ cột chống mái nhà Đông Dương”6.
Những người lãnh đạo VNQDĐ như Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính xuất thân từ tầng lớp tiểu tư sản.
Nguyễn Thái Học cầm đầu VNQDĐ vốn là sinh viên Trường sư phạm Hà Nội, “một sinh viên bướng bỉnh, thường phát biểu chống lại thầy giáo”.
Nguyễn Khắc Nhu xuất thân từ gia đình nhà nho, bản thân đã từng là thầy giáo, sau đó làm chánh tổng Thịnh Liệt ở Bắc Giang, lại trở về nghề giáo cho tới khi bước vào con đường cách mạng.
Phó Đức Chính làm công chức ngành giao thông công chính, gia nhập VNQDĐ, sau khi tốt nghiệp trường công chính làm tham tá. Phó Đức Chính là một trong những người cộng sự gần gũi nhất của Nguyễn Thái Học trong cơ quan Tổng bộ VNQDĐ.
Về mặt tổ chức, VNQDĐ là sự liên hiệp các nhóm yêu nước theo lập trường tư sản hoạt động ở Bắc Kỳ, trong đó có Nam Đồng thư xã do các nhà giáo Phạm Tuấn Tài, Phạm Tuấn Lâm lãnh đạo, nhóm Nguyễn Khắc Nhu ở Bắc Giang, Nguyễn Thế Nghiệp ở Bắc Ninh, nhóm của Nguyễn Hoàng, Nguyễn Đại và Hoàng Văn Tùng ở Thanh Hoá.
Về bộ máy tổ chức củaVNQDĐ, cơ quan đứng đầu là tổng bộ, rồi đến kỳ bộ, tỉnh bộ và chi bộ; mỗi chi bộ không quá 19 người. Cơ quan lãnh đạo cấp tỉnh và chi bộ cứ nửa năm họp một lần để tiến hành bầu cử. Công tác tổ chức, nhất là trong khâu kết nạp đảng viên tiến hành rất tuỳ tiện, tạo sơ hở cho một số phần tử phản động và quá khích chui vào phá hoại.
Địa bàn hoạt động của VNQDĐ chủ yếu là ở các thành phố và các tỉnh Bắc Kỳ: Hà Nội, Hải Phòng, Kiến An, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Phú Thọ... Trong các vùng còn lại của đất nước, hệ thống tổ chức Đảng rất yếu: chỉ có một chi bộ ở miền Trung và một số chi bộ ở Nam Kỳ và Lào. Riêng ở Nam Kỳ có 12 chi bộ, trong đó có 1 chi bộ ở Sài Gòn, các chi bộ còn lại ở nằm rải rác khu vực miền Tây. Ở Bắc Kỳ, đến 1929 có 120 chi bộ, gồm khoảng 1500 đảng viên7.
Kể từ khi thành lập (1927) đến lúc khởi nghĩa Yên Bái thất bại (1930), VNQDĐ không thể tự để ra được đường lối chính trị độc lập và đã hai lần thay đổi cương lĩnh chính trị, 3 lần thay đổi điều lệ. Điều lệ đầu tiên năm 1927 có ghi rõ nhiệm vụ: “Trước hết tiến hành cách mạng dân tộc, sau làm cách mạng thế giới”8 (tức là đánh đuổi bọn đế quốc, giành độc lập, rồi sau đó giúp các nước khác giải phóng).
Năm 1928, theo quyết định của Tổng bộ, Đảng xác định mục tiêu xã hội dân chủ, tập hợp các lực lượng, cả đàn ông đàn bà nhằm đẩy mạnh cuộc cách mạng dân tộc, xây dựng trực tiếp nền dân chủ, giúp đỡ các dân tộc bị áp bức. Điều lệ sửa đổi năm 1929 lại viết rằng, Đảng được xây dựng trên nguyên tắc của cuộc cách mạng tư sản Pháp 1789: Tự do - Bình đẳng - Bác ái - để hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, chính trị và xã hội”9.
Để đạt mục tiêu này, VNQDĐ chủ trương thực hiện ba giai đoạn cách mạng:
1. Xây dựng lực lượng
2. Chuẩn bị khởi nghĩa
3. Đấu tranh giành chính quyền
Tuy nhiên, một thời gian sau Đảng lại đưa ra khái niệm giai đoạn thứ tư: chính thể cộng hoà, thực hiện tự do dân chủ. Ngay vào đêm trước khởi nghĩa Yên Bái, VNQDĐ đã chính thức thừa nhận ba nguyên tắc của chủ nghĩa Tôn Dật Tiên (chủ nghĩa Tam dân).
Cuối năm 1929, VNQDĐ quyết định khởi nghĩa. Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị, Đảng đã mắc một loạt sai lầm, nên khởi nghĩa Yên Bái (1930) đã nhanh chóng bị thất bại, chấm dứt thời kỳ cách mạng dân chủ tư sản kiểu cũ ở Việt Nam.
Rõ ràng VNQDĐ là tổ chức cách mạng của một bộ phận trí thức yêu nước đấu tranh GPDT trên lập trường tư sản. Bằn hoạt động của tổ chức này, trí thức tiểu tư sản đã góp phần giác ngộ thức tỉnh ý thức dân tộc và truyền bá những tư tưởng mớitrong quần chúng nhân dân.
Thực tế lịch sử đã chứng tỏ lực lượng tríthức tiểu tư sản và VNQDĐ đã có những đóng góp nhất định trong phong trào GPDT ở nước ta trước năm 1930. Tuy nhiên do những điều kiện lịch sử cụ thể ở Việt Nam đầu thế kỷ XX, VNQDĐ không đủ sức xây dựng một đường lối chống đế quốc triệt để, không thể đề ra được khẩu hiệu thích hợp có khả năng thu hút và tập hợp lực lượng của toàn dân tộc vào sự nghiệp đấu tranh GPDT. Đó là lý do cơ bản khiến cho sự nghiệp cứu nước của tầng lớp trí thức trên lập trường tư sản sớm đi vào ngõ cụt và bị thất bại trước xu thế vươn lên không thể ngăn cản của thế hệ các trí thức trẻ đi theo tư tưởng Mác - Lênin và ánh sáng của Cách mạng tháng Mười Nga.




Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng, số 8/2001
1. Trần Huy Liệu: Đảng Thanh niên (Hồi ký), NXB Sử học, H, 1961, tr.116
2. Milton Saks: Antony of conflit, Edited by Wesley, Illinois, 1968, tr.7
3. Đặng Thai Mai: Hồi ký, NXB Văn học, H,1985, tr.276
5. L. Marty: Contribution à l'histoire des mouvements politiques de Indochine Francaise. H, 1933, tr. 105
6. Hoàng Văn Đào: Việt Nam quốc dân Đảng, NXB Rạng Đông, Sài Gòn, 1965, tr. 58
7. Phan Khoang: Việt Nam dưới thời Pháp đô hộ, Sài Gòn, 1970, tr.121
8, 9. Xem Trần Huy Liệu (chủ biên): Tài liệu tham khảo lịch sử cách mạng cận đại Việt Nam, NXB Văn Sử Địa, H, 1956, T.V, tr. 93,126.

GS, TS NGUYỄN VĂN KHÁNH
Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH & Nhân văn
Đại học Quốc gia Hà Nội

 

1. Trên lĩnh vực báo chí và tư tưởngMột bộ phận trí thức trẻ đã sử dụng báo chí làm công cụ để thể hiện tinh thần yêu nước của mình. Vào những năm 1923 - 1925, ở Nam Kỳ, ngoài các tờ báo có tính chất cải lương của tư sản mại bản, đã bắt đầu xuất hiện những tờ báo có khuynh hướng XHCN đầu tiên như tờ Chuông rè của Nguyễn An Ninh, Người nhà quê của Nguyễn Khánh Toàn, An Nam của Phan Văn Trường. Các tờ báo Chuông rè và An Nam là diễn đàn của lớp trí thức tiểu tư sản yêu nước cấp tiến, đã công bố những bài viết tố cáo mạnh mẽ chế độ thực dân, hơn nữa còn đăng tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng cộng sản của Mác - Ăngghen. Nhiều bài viết của báo Nhân đạo, cơ quan tru

Tin khác cùng chủ đề

Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Tinh thần quyết chiến quyết thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc
Nghệ thuật tác chiến phòng không trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Gửi bình luận của bạn