Cách đây 109 năm, vào ngày 15/6/1908 (nhằm ngày 17/5 âm lịch), với bản án “Mạc Tu Hữu” thực dân Pháp và phong kiến Nam Triều đã đưa Chí sĩ Trần Quý Cáp - một nhà giáo yêu nước, một lãnh tụ phong trào Duy Tân đi xử trảm tại gò đất bên cầu Sông Cạn, thuộc huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Vụ án thảm khốc của Trần Quý Cáp đã gây xúc động mãnh liệt và để lại lòng thương tiếc vô hạn trong giới sĩ phu và đồng bào cả nước nói chung và Nhân dân tỉnh Khánh Hòa nói riêng.
Cách đây 109 năm, vào ngày 15/6/1908 (nhằm ngày 17/5 âm lịch), với bản án “Mạc Tu Hữu” thực dân Pháp và phong kiến Nam Triều đã đưa Chí sĩ Trần Quý Cáp - một nhà giáo yêu nước, một lãnh tụ phong trào Duy Tân đi xử trảm tại gò đất bên cầu Sông Cạn, thuộc huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Vụ án thảm khốc của Trần Quý Cáp đã gây xúc động mãnh liệt và để lại lòng thương tiếc vô hạn trong giới sĩ phu và đồng bào cả nước nói chung và Nhân dân tỉnh Khánh Hòa nói riêng.

Vào những năm đầu thế kỷ XX, qua những hoạt động tích cực của các sĩ phu trong phong trào Duy Tân ở tỉnh Quảng Nam, trong đó Trần Quý Cáp đóng vai trò hết sức quan trọng nên tình hình ở Quảng Nam và các tỉnh lân cận có những chuyển biến mạnh mẽ, có nhiều thay đổi tích cực. Đến năm 1907, phong trào Duy Tân phát triển mạnh ở Quảng Nam và lan rộng đến các tỉnh Trung kỳ. Trước tình hình trên, để cách ly Trần Quý Cáp với các đồng chí trong phong trào Duy Tân cũng như hạn chế tầm hoạt động của Ông, tháng 01/1908, thực dân Pháp đã chuyển Ông vào làm Giáo thọ tại huyện Tân Định (thị xã Ninh Hòa ngày nay), tỉnh Khánh Hòa. Tại đây, với lý do mới về nhận chức cần phải đi đến các địa phương nắm tình hình, Trần Quý Cáp đã kết hợp diễn thuyết, vận động tuyên truyền tư tưởng Duy Tân. Các buổi nói chuyện của Ông ở Tân Định, Diên Khánh, Vĩnh Xương được đông đảo Nhân dân, nhất là giới sĩ phu và các tầng lớp thanh niên hưởng ứng mạnh mẽ.

Chứng kiến cảnh Nhân dân ngày càng cơ cực do chế độ sưu thuế hà khắc của thực dân phong kiến, trong khi đó quan lại thì ăn chơi phè phỡn, Trần Quý Cáp đã làm bài thơ “Đánh đổ quan lại tham nhũng”. Bài thơ đả kích bọn thống trị, vạch trần tội ác của tham quan, lên án chế độ thuế khóa của thực dân Pháp nên đã làm cho chúng vô cùng tức tối, xem Trần Quý Cáp như cây gai trước mắt cần phải nhổ đi.

Để tránh sự kiểm soát của kẻ thù, mọi thư từ của người nhà hoặc của các đồng chí gửi cho Trần Quý Cáp đều lấy địa chỉ của quan tri huyện Tân Định là Hồ Sĩ Tạo ( Hồ Sĩ Tạo quê Bình Định, là quan đức độ có tinh thần yêu nước đã ủng hộ và rất cảm phục tinh thần đấu tranh của Trần Quý Cáp.).

Tháng 02/1908, phong trào chống thuế, bắt phu khắp nơi nổ ra mạnh mẽ với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là nông dân đã gây cho quan lại phong kiến nhiều thiệt hại. Thực dân Pháp phải dùng bạo lực để đàn áp và tìm mọi cách để hãm hại phong trào, trong đó Trần Quý Cáp là người mà chúng theo dõi hết sức cẩn mật.

Khi phong trào ở Quảng Nam phát triển, ông Phan Thúc Duyện có viết thư báo tình hình (thông qua địa chỉ Hồ Sĩ Tạo) cho Trần Quý Cáp và Trần Quý Cáp có viết thư phúc đáp, trong thư có nội dung đề nghị: không được bạo động và bạo động là hành vi không có giá trị và trong thư ông cũng viết: "Cận văn ngô châu thử cử, khoái thậm! khoái thậm!" (Gần đây được nghe tỉnh ta cử hành việc ấy, sướng lắm! sướng lắm!)

Trong thời gian này, Hồ Sĩ Tạo về quê chịu tang mẹ, Phan Bá Hoành lên giữ chức quyền tri huyện Tân Định, ông là một tên tay sai bán nước đắc lực. Khi bức thư thứ hai của các đồng chí ở Quảng Nam gửi vào Trần Quý Cáp, Phan Bá Hoành nhận được và nhanh chóng báo lên cấp trên hòng thăng quan tiến chức. Trong thời điểm đó, tại Quảng Nam khi đàn áp phong trào đòi giảm sưu thuế, bọn quan lại tiến hành lục soát nhà Phan Thúc Duyện đã phát hiện bức thư của Trần Quý Cáp liền gửi vào Khánh Hòa để làm chứng cứ buộc tội.

Cùng một lúc nhận được hai bức thư của Trần Quý Cáp có liên quan đến phong trào chống sưu thuế đang lên mạnh, quan lại tỉnh Khánh Hòa sẵn có mối tư thù với Ông nên vô cùng vui mừng và cho đây là cơ hội tốt nhất để hãm hại Ông và tiêu diệt phong trào. Chúng đã nhanh chóng bắt Trần Quý Cáp và giam tại nhà lao huyện Diên Khánh, đồng thời tìm mọi cách dụ dỗ, mua chuộc nhưng Ông một mực từ chối và thẳng thắn đấu tranh vạch trần âm mưu của kẻ thù.

Trong khi còn chờ ý kiến của triều đình Huế, Tòa khâm sứ Pháp ở Trung kỳ và chưa tìm được chứng cứ buộc tội Trần Quý Cáp thì thực dân Pháp và quan lại Nam triều ở tỉnh Khánh Hòa đưa Ông ra chém tại cầu sông Cạn, nay thuộc thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa vào ngày 15/6/1908 (tức ngày 17/5 âm lịch), người đời gọi bản án đó là“Mạc Tu Hữu” (trảm quyết không cần chứng cứ).

Về cái chết anh dũng của Trần Quý Cáp, trong "Văn tế Trần Quý Cáp” Phan Bội Châu có viết: "Nhớ khi Ông ra tới trường chém, dao đã kề cổ, còn thung dung xin với quan giám trảm cho đặt án đốt hương, áo mão nghiêm trang, bái tạ quốc dân ngũ bái, rồi khẳng khái tựu hình, sắc mặt in như khi nhòm trò giảng sách!..".

Trước cái án bất công của thực dân phong kiến, trước thái độ bình thản “sắc mặt in như khi nhòm trò giảng sách” của Trần Quý Cáp khi tựu hình đã làm cho Nhân dân huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa và những người đi trên đường khi ấy vô cùng khâm phục và thương xót, nhiều người không cầm được nước mắt, ngay cả những công chức và nhân sĩ đương thời. Đốc học tỉnh Khánh Hòa lúc bấy giờ là Nguyễn Viết Huyên khi tiễn Trần Quý Cáp đến cầu Sông Cạn nước mắt đầm đìa. Rồi tri phủ Diên Khánh lúc ấy là Phan Sĩ Ngật, giám thị cuộc mai táng thi hài Trần Quý Cáp cũng bị cách chức vì đã bất chấp mệnh lệnh của cấp trên, bí mật mua lễ vật để chôn cất. Để bày tỏ tình cảm kính yêu của mình đối với Trần Quý Cáp, Nhân dân huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa cùng với cụ Huỳnh Liên người làng Phước Thạnh là học trò của Trần Quý Cáp đã bất chấp lời đe dọa của kẻ thù để trong coi phần mộ của chí sĩ Trần Quý Cáp suốt 10 năm, cho đến khi cụ Trần Huỳnh Sách cùng gia đình ông đưa hài cốt về quê nhà mai táng.

Vụ án thảm khốc của Trần Quý Cáp đã gây niềm xúc động mãnh liệt trong giới sĩ phu và đồng bào cả nước nói chung và Nhân dân tỉnh Khánh Hòa nói riêng. Cuộc đời và sự nghiệp của Trần Quý Cáp là tấm gương sáng về một tri thức chân chính sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng tư, đấu tranh vì lợi ích của Nhân dân và dân tộc. Mặc dù hoạt động ở tỉnh Khánh Hòa chỉ trong thời gian ngắn nhưng những hoạt động của Trần Quý Cáp đã góp phần to lớn trong việc truyền bá tư tưởng dân chủ, đề xướng tân học, nâng cao dân trí, cải cách phong tục lạc hậu, tố cáo bọn thống trị, tuyên truyền, kêu gọi lòng yêu nước trong hàng ngũ công chức, giáo chức và học sinh trong nhà trường.

Ghi nhớ và tri ân những công lao của Trần Quý Cáp trong phong trào Duy Tân ở tỉnh Khánh Hòa nên mặc dù Trần Quý Cáp sinh ra và trưởng thành tại tỉnh Quảng Nam nhưng tên tuổi của Ông được Nhân dân Khánh Hòa luôn nhắc đến và ca ngợi. Tên của nhà chí sĩ Trần Quý Cáp được ghi vào lịch sử tỉnh Khánh Hòa và được đặt tên đường ở một số huyện, thị, thành phố của tỉnh Khánh Hòa. Tên của Ông cũng được đặt tên cho một trường Trung học phổ thông ở thị xã Ninh Hòa (huyện Tân Định trước kia).

Cùng với công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử và các tài liệu liên quan đến hoạt động của Trần Quý Cáp ở tỉnh Khánh Hòa, công tác giáo dục truyền thống về sự hy sinh của chí sĩ Trần Quý Cáp cũng được các cấp, các ngành, các đoàn thể ở Khánh Hòa chú trọng với nhiều hình thức, biện pháp tuyên truyền phong phú, qua đó đã khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ.

Với lòng thành kính và biết ơn sâu sắc, tại mảnh đất mà quân thù giết hại chí sĩ Trần Quý Cáp và bao người yêu nước khác, Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đặt tục danh là gò Chết Chém nhằm nhắc nhở mọi người về những tội ác mà kẻ thù đã gây ra; cũng tại nơi đây, Nhân dân xây dựng đền thờ Trung Liệt Điện để tưởng nhớ Trần Quý Cáp và hai vị lãnh đạo trong phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa là Trịnh Phong và Nguyễn Khanh nhưng sau này Nhân dân địa phương thường gọi là Đền thờ Trần Quý Cáp. Đền thờ được khánh thành tháng 8/1970. Năm 1991, Đền thờ Trần Quý Cáp tại Diên Khánh, Khánh Hòa được Bộ Văn hóa thông tin công nhận di tích lịch sử-văn hóa, đây là niềm tự hào của nhân dân huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.

Năm 2003, nhân dịp kỷ niệm Khánh Hòa 350 năm (1653-2003), để thuận lợi cho việc xây dựng lại cầu Trần Quý Cáp, được sự đồng ý của Trung ương, tỉnh Khánh Hòa đã di dời và xây mới Trung Liệt Điện với quy mô lớn hơn. Đền được xây dựng trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa thể thao và sân vận động mới của huyện Diên Khánh nhằm tôn vinh giá trị di tích, đồng thời nhằm gắn kết các hoạt động văn hóa truyền thống với các hoạt động văn hóa thể thao, qua đó giáo dục truyền thống cách mạng cho thanh thiếu niên và Nhân dân địa phương.

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của đất nước, tỉnh Khánh Hòa ngày càng đổi mới và phát triển, được bạn bè trong nước và quốc tế biết đến không những là một địa phương có nhiều danh lam, thắng cảnh kỳ thú, những sản vật quý hiếm như yến sào, trầm hương mà còn là một địa phương năng động, sáng tạo và có nhiều khởi sắc trong công cuộc đổi mới; đạt được những kết quả ấy là nhờ công lao to lớn của những người đã đấu tranh vì dân vì nước và đã ngã xuống trên mảnh đất này, trong đó có chí sĩ Trần Quý Cáp.

AN HÒA
Cách đây 109 năm, vào ngày 15/6/1908 (nhằm ngày 17/5 âm lịch), với bản án “Mạc Tu Hữu” thực dân Pháp và phong kiến Nam Triều đã đưa Chí sĩ Trần Quý Cáp - một nhà giáo yêu nước, một lãnh tụ phong trào Duy Tân đi xử trảm tại gò đất bên cầu Sông Cạn, thuộc huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Vụ án thảm khốc của Trần Quý Cáp đã gây xúc động mãnh liệt và để lại lòng thương tiếc vô hạn trong giới sĩ phu và đồng bào cả nước nói chung và Nhân dân tỉnh Khánh Hòa nói riêng. Vào những năm đầu thế kỷ XX, qua những hoạt động tích cực của các sĩ phu trong phong trào Duy Tân ở tỉnh Quảng Nam, trong đó Trần Quý Cáp đóng

Tin khác cùng chủ đề

Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Đoàn kết quốc tế - Tư tưởng chiến lược Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam
70 năm Điện Biên Phủ: Sức mạnh của toàn dân, sức mạnh của lòng dân

Gửi bình luận của bạn