Năm 1793, thành Diên Khánh được xây dựng, sớm trở thành một công trình quân sự hiểm yếu, nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của tỉnh Khánh Hòa nói riêng cũng như Việt Nam nói chung. Đặc biệt, trong phong trào Cần Vương, thành Diên Khánh là tổng hành dinh của nghĩa quân Khánh Hòa. Tại đây, đã diễn ra những trận chiến anh dũng mà bi tráng của quân dân Khánh Hòa trong buổi đầu chống thực dân Pháp xâm lược.
Năm 1793, thành Diên Khánh được xây dựng, sớm trở thành một công trình quân sự hiểm yếu, nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của tỉnh Khánh Hòa nói riêng cũng như Việt Nam nói chung. Đặc biệt, trong phong trào Cần Vương, thành Diên Khánh là tổng hành dinh của nghĩa quân Khánh Hòa. Tại đây, đã diễn ra những trận chiến anh dũng mà bi tráng của quân dân Khánh Hòa trong buổi đầu chống thực dân Pháp xâm lược.

Thành Diên Khánh – lịch sử và kiến trúc

Thành Diên Khánh được xây dựng trên địa phận hai xã Phú Mỹ và Trường Thạnh, huyện Phước Điền, phủ Diên Khánh, dinh Bình Khang (nay thuộc khóm Đông Môn I, Đông Môn II, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa). Thành Diên Khánh là sự kết hợp độc đáo giữa những nguyên tắc kiến trúc truyền thống Việt Nam, tư tưởng triết lý phương Đông cùng những đặc điểm mang ảnh hưởng kiến trúc quân sự phương Tây kiểu Vauban - một hình mẫu thành quân sự phổ biến vào thế kỷ XVII, XVIII ở Tây Âu. Theo sách Đại Nam nhất thống chí: Thành mở sáu cửa, đều có nhà lầu, bốn góc thành có núi đất, ngoài thành đào hào, ngoài hào có trại; các cửa đều có cầu treo để qua hào, trước sau có núi sông bao bọc, thật là nơi thiên hiểm, nay bỏ bớt hai cửa. Pháo đài và núi đất vẫn còn, phía bắc thành dựa lưng vào sông cái, thường bị nước lũ xói vào nên năm Minh Mệnh thứ 4 đắp đê chắn ngang sông, lại đào cừ để dẫn nước về phía bắc. Sau khi xây dựng, nhà Nguyễn đã dời lỵ sở từ phủ Bình Khang về Thành Diên Khánh. Kể từ đó, Thành trở thành căn cứ phòng thủ vững chắc, trung tâm chính trị, quân sự của dinh Bình Khang.

Phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa

Năm 1858, thực dân Pháp chính thức nổ súng xâm lược nước ta ở Đà Nẵng. Với truyền thống yêu nước và chống giặc ngoại xâm, phong trào đấu tranh chống Pháp vẫn liên tục diễn ra ở nhiều nơi trên cả nước. Tiêu biểu là phong trào Cần Vương. Năm 1885, tại Khánh Hòa, hưởng ứng chiếu Cần Vương của Hàm Nghi, Đề đốc Trịnh Phong cùng Quản trấn Lê Nghị, Tổng trấn Trần Đường, Tán tương quân vụ Nguyễn Khanh, Hiệp trấn Nguyễn Sum, Nhiếp binh Phạm Long,… là những thân hào nhân sĩ đã đứng lên thành lập “Bình Tây cứu quốc đoàn”. Trịnh Phong được nghĩa quân suy tôn làm “Bình Tây đại tướng” lãnh đạo phong trào Cần Vương Khánh Hòa. Nghĩa quân chọn núi Xuân Sơn (núi Cửu Khúc) làm căn cứ địa xây dựng lực lượng. Nhân dân trong tỉnh hưởng ứng rất đông, gia nhập nghĩa quân, đóng góp lương thực, rèn vũ khí, ngày đêm luyện tập sẵn sàng chiến đấu chống quân Pháp xâm lược.

Toàn tỉnh Khánh Hòa được chia thành 2 khu: khu Bắc (phủ Ninh Hòa) do Trần Đường làm Tổng trấn; khu Nam (phủ Diên Khánh) do Trịnh Phong trực tiếp chỉ huy. Sau một thời gian chuẩn bị lực lượng, Trịnh Phong cho quân kéo về thành Diên Khánh. Từ đây, Thành trở thành tổng hành dinh của nghĩa quân Cần Vương Khánh Hòa.

Trận đánh lần thứ nhất (tháng 3/1885)

Sau khi đánh chiếm kinh thành Huế, ngày 19/7/1885, thực dân Pháp mở đợt càn quét nhằm truy bắt vua Hàm Nghi và đánh chiếm các tỉnh còn lại ở miền Trung. Tháng 3/1885, quân Pháp dùng tàu chiến đổ bộ lên cửa biển Cù Huân (Nha Trang). Nhận được tin, Trịnh Phong giao việc giữ thành Diên Khánh cho Lê Nghị, tự mình đốc xuất quân sĩ từ đồi Trại Thủy chủ động đánh quân Pháp. Nghĩa quân chiến đấu kiên cường, lợi dụng lúc quân Pháp chưa thuộc đường sá, chặn đánh nhiều trận trên cửa sông Cái, bến Trường Cá…. gây cho chúng nhiều thiệt hại. Nhưng với trang bị vũ khí hiện đại, quân Pháp đã dần dần lấy lại thế trận, chuyển sang phản công phá vỡ các phòng tuyến của nghĩa quân ở Nha Trang. Trịnh Phong giao cho Lê Thiện Thuật và Lê Thiện Kế mang một đạo quân lùi về khu vực Đá Lố - Hòn Thơm, giữ đoạn đường Quá Quan, xây dựng phòng tuyến cản bước tiến của giặc, còn một đạo cho về tăng cường phòng thủ thành Diên Khánh.

Quân Pháp tránh phòng tuyến ở Đá Lố, tiến thẳng lên bao vây chặt xung quanh các cửa Thành và liên tiếp tấn công vào cửa Đông Thành bằng sơn pháo 80 ly, nòng có rãnh xoắn. Tuy nhiên, đạn đại bác không phá vỡ nổi tường thành cao, hào sâu và lũy tre dày bao bọc quanh bờ thành vững chãi. Bên trong, lực lượng nghĩa quân có khoảng 2000 người, trang bị chủ yếu bằng gươm, giáo, cung tên, với một số súng, phần lớn là súng hỏa mai, súng thần công ở các góc Thành. Nghĩa quân đã chiến đấu hết sức dũng cảm và gây cho địch nhiều thiệt hại, ban ngày nghĩa quân từ trên Vọng lâu và từ mặt Thành bắn xuống không cho giặc đến gần, ban đêm tổ chức nhiều toán nhỏ, bí mật vượt Thành ra ngoài đánh úp gây hoang mang cho chúng. Sau 21 ngày đêm bị vây hãm, lương thực, vũ khí trong Thành cạn dần, cuộc sống của nghĩa quân hết sức khó khăn. Một số quan lại trong Thành bắt đầu hoang mang, dao động trốn ra ngoài đầu hàng, khai báo cho quân Pháp biết tình hình trong thành và những vị trí trọng yếu. Nắm được cơ hội, giặc Pháp bắt đầu đào đất đắp ụ đất xung quanh cao hơn mặt Thành, rồi đặt đại bác lên đó bắn thẳng vào kho thuốc súng, kho lương,… của nghĩa quân. Biết khó giữ nổi, Trịnh Phong quyết định cho quân rút khỏi Thành. Ông cho người mật báo với Lê Nghị, hẹn kế hoạch giải vây. Từ bên ngoài, Trịnh Phong bí mật mang quân đánh sau lưng buộc giặc Pháp quay ra đối phó, nhân cơ hội đó, nghĩa quân từ bên trong đánh ra mở đường.

Thành Diên Khánh thất thủ, nghĩa quân hợp với Lê Thiện Thuật và Lê Thiện Kế rút hết về khu Bắc cùng lực lượng của Trần Đường, Phạm Chánh, Nguyễn Sum, Phạm Long lập phòng tuyến trấn giữ cửa biển Hòn Khói, xây dựng căn cứ ở Thùng Nà Bùi, một địa thế hiểm yếu cách Nha Trang 30km về phía Tây Bắc. Phong trào Cần Vương Khánh Hòa vẫn tiếp diễn chủ yếu ở khu Bắc với các trận đánh lớn đã diễn ra ở Hòn Khói, Tu Bông, Dốc Thị,…

Ngày 14/12/1885, phối hợp với quân Cần Vương ở Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, nghĩa quân Cần Vương Khánh Hòa đã đánh chiếm lại Thành Diên Khánh, lật đổ chính quyền thân Pháp, bắt sống bố chánh Tôn Thất Hoan và án sát làm tù binh, quân Pháp nhanh chóng đầu hàng và trao lại gần như nguyên vẹn kho quân khí và quân lương. Với sự hỗ trợ của nghĩa quân Cần Vương Phú Yên do Bùi Giảng chỉ huy. Nghĩa quân đã kiểm soát được phần lớn tỉnh Khánh Hòa từ giữa tháng 12/1885 đến đầu tháng 7/1886.

Trận đánh lần thứ hai (tháng 8 – 9/1886)

Tháng 8/1886, Pháp điều động viện binh từ Sài Gòn ra quyết tâm tiêu diệt phong trào Cần Vương. Ngày 26/8/1886, sau khi chiếm đóng Bình Thuận, quân Pháp hành quân ra đánh chiếm lại Khánh Hòa, lần này chúng chia lực lượng thành hai cánh. Một cánh do Aymonier chỉ huy bằng đường biển, tạo gọng kềm từ phía Bắc Khánh Hòa cắt đường liên lạc giữa nghĩa quân Cần Vương Phú Yên và Khánh Hòa. Cánh thứ hai do Trần Bá Lộc chỉ huy kéo ra Nha Trang âm mưu chiếm đánh Thành Diên Khánh rồi theo đường bộ tiến ra Bắc Khánh Hòa. Như kế hoạch đã địch, chúng bao vây chặt Thành Diên Khánh, nghĩa quân chiến đấu kiên cường, nhưng do tương quan lực lượng quá chênh lệch, nghĩa quân buộc phá vòng vây kéo ra khu Bắc tiếp tục chiến đấu.

Trước những thủ đoạn tàn bạo và quỷ quyệt của kẻ thù, phong trào đã dần suy yếu. Mặt khác, một số quan lại phản bội nghĩa quân, hợp tác với giặc tổ chức truy lùng những người khởi nghĩa khiến cho lãnh tụ nghĩa quân lần lượt sa vào tay giặc, nhiều tướng lĩnh bị quân Pháp bắt và xử chém, như Trịnh Phong, Nguyễn Khanh,... Gần 200 tướng lĩnh và nghĩa quân bị quân thù đày ải, giam cầm ở Cam Ranh như Nguyễn Lương, Nguyễn Dị, Lê Nghị, Lê Thiện Thuật, Lê Thiện Kế,…

Phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa mà trực tiếp là các trận chiến đấu tại thành Diên Khánh tuy thất bại và bị dìm trong bể máu nhưng tinh thần chiến đấu anh dũng của nghĩa quân dưới sự lãnh đạo của “Khánh Hòa tam kiệt” là Trịnh Phong, Trần Đường, Nguyễn Khanh vẫn còn sống mãi và thường được Nhân dân nhắc đến với tấm lòng kính trọng và tự hào sâu sắc. Truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất ấy là điểm tựa cho Nhân dân Diên Khánh, Khánh Hòa cùng với cả nước hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.


Lâm An
Năm 1793, thành Diên Khánh được xây dựng, sớm trở thành một công trình quân sự hiểm yếu, nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của tỉnh Khánh Hòa nói riêng cũng như Việt Nam nói chung. Đặc biệt, trong phong trào Cần Vương, thành Diên Khánh là tổng hành dinh của nghĩa quân Khánh Hòa. Tại đây, đã diễn ra những trận chiến anh dũng mà bi tráng của quân dân Khánh Hòa trong buổi đầu chống thực dân Pháp xâm lược. Thành Diên Khánh – lịch sử và kiến trúc Thành Diên Khánh được xây dựng trên địa phận hai xã Phú Mỹ và Trường Thạnh, huyện Phước Điền, phủ Diên Khánh, dinh Bình Khang (nay thuộc khóm Đông Môn I, Đông Môn II, thị trấn Di

Tin khác cùng chủ đề

Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Đoàn kết quốc tế - Tư tưởng chiến lược Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam
70 năm Điện Biên Phủ: Sức mạnh của toàn dân, sức mạnh của lòng dân

Gửi bình luận của bạn