Trung ương Cục miền Nam (10-1961 – 9-1975) là một bộ phận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo cách mạng miền Nam khi đất nước bị chia cắt. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, căn cứ vào chủ trương của Trung ương và điều kiện cụ thể ở tiền phương, Trung ương Cục đã chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến ở miền Nam, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Sự chủ động của Trung ương Cục miền Nam trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975
Sự chủ động của Trung ương Cục miền Nam trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975
 

Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh (Ảnh TTXVN)
 

Từ tháng 12-1974 đến cuối tháng 2-1975, Trung ương Cục miền Nam lãnh đạo các lực lượng vũ trang và nhân dân các tỉnh Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ mở đợt 1 hoạt động mùa khô 1974-1975. Qua hơn 2 tháng thực hiện đợt tấn công tổng hợp, các lực lượng vũ trang và nhân dân miền Nam loại khỏi vòng chiến đấu hơn 56 ngàn tên địch, thu nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh; gỡ bỏ hơn 1.500 đồn bốt địch; giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long và làm chủ nhiều vùng nông thôn rộng lớn ở đồng bằng sông Cửu Long. Với những thắng lợi đó, vùng giải phóng và căn cứ địa cách mạng ở các tỉnh Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ được mở rộng thêm, với tổng số dân lên tới 1,8 triệu người1.

Trên đà thắng lợi của đợt 1, quân, dân các tỉnh Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ sẵn sàng bước vào đợt 2 của chiến dịch mùa khô với một khí thế mới. Đúng vào thời điểm đó, Chiến dịch Tây Nguyên đã giành được thắng lợi to lớn tạo bước ngoặt quan trọng đối với cách mạng miền Nam. Nắm bắt được thời cơ đó, Trung ương Cục miền Nam đã chủ động đề ra hàng loạt chủ trương, quyết sách kịp thời nhằm phát động cuộc tổng tiến công địch trên khắp Nam Bộ và các tỉnh cực Nam Trung Bộ.

Ngay sau khi Chiến dịch Tây Nguyên mở màn, nhận thấy đây là thời cơ lớn, Trung ương Cục miền Nam chủ trương phát động một đợt tấn công mạnh mẽ, quyết liệt tại tất cả các địa phương trên địa bàn, những nơi có điều kiện, xã tự giải phóng, tiến tới giải phóng huyện và giải phóng tỉnh. Đây là quan điểm có tính đột phá nhằm thúc đẩy nhanh quá trình tiến tới giải phóng các địa phương trên địa bàn các tỉnh Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ, góp phần vào công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Ngày 13-3-1975, đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị điện gửi Trung ương Cục, cho rằng chủ trương xã tự giải phóng, tiến tới giải phóng huyện và tỉnh lúc này “có thể chưa phù hợp”2. Tuy nhiên, đúng 1 ngày sau, ngày 14-3-1975, Thường vụ Trung ương Cục miền Nam tiếp tục gửi điện cho các khu ủy, tỉnh ủy và các cấp ủy, cơ quan trực thuộc nêu rõ cuộc tấn công chiến lược của ta ở Tây Nguyên và những kết quả đạt được của đợt 1 đã mở ra thời cơ thuận lợi chưa từng có, phải “phóng tay phát động quần chúng, không một chút mảy may do dự lao vào tấn công tiêu diệt địch, đánh bồi, đánh nhồi thật đau, nhân lúc địch đang sa sút nặng, quyết không để cho chúng được nghỉ ngơi hồi sức; toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thi đua gỡ đồn bốt địch, giải phóng ấp, xã, huyện, tiến tới giải phóng tỉnh mình khi có điều kiện”3.

Để thực hiện được điều đó, Trung ương Cục miền Nam yêu cầu các cấp ủy đảng phải nắm sát tình hình, kịp đề ra kế hoạch hoạt động quân sự một cách linh hoạt, nhạy bén, không cứng nhắc, máy móc, công thức tuần tự nhi tiến mà phải táo bạo, mạnh dạn có chủ trương và hành động thật đúng. Từ khu ủy đến huyện ủy phải sắp xếp công việc, chỉ để lại một số cán bộ thường trực ở cơ sở để giải quyết công việc, còn lại tập trung toàn lực cho các chiến trường, đặc biệt là những khu vực trọng điểm quan trọng. Đối với số cán bộ do cấp trên tăng cường, phải xuống tận xã, ấp tham gia lãnh đạo trực tiếp các cấp ủy địa phương.

Thực hiện chủ trương trên của Trung ương Cục miền Nam, các lực lượng vũ trang Khu VI, Khu VII phối hợp với bộ đội chủ lực tổ chức nhiều trận đánh lớn, giải phóng tỉnh Bình Long, Lâm Đồng và nhiều địa bàn quan trọng khác, tạo ra bàn đạp đánh về Sài Gòn từ các hướng: Bắc, Tây Bắc. Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, lực lượng vũ trang Khu VIII, Khu IX cùng với nhân dân tổ chức đánh địch, tiêu diệt nhiều đồn bốt lẻ, mở rộng vùng giải phóng, áp sát trục đường 4 và các quận lị, thị xã.

Trên chiến trường Tây Nguyên và chiến trường các tỉnh miền Trung, quân và dân ta tiếp tục thắng lớn. Đến ngày 20-3-1975, sau 2 tuần bước vào tấn công đợt 2, tính chung trên toàn chiến trường miền Nam, quân và dân ta đã giải phóng thêm 6 thị xã, 21 quận lị và 5 tỉnh. Với những thắng lợi to lớn đó, ngày 20-3-1975, Bộ Chính trị điện gửi Trung ương Cục miền Nam và các khu ủy chỉ rõ địch đang hoang mang cao độ, ta cần phải tận dụng thời cơ này mạnh bạo tiến lên đánh địch trên tất cả các địa bàn. Bộ Chính trị nhấn mạnh lúc này mà “trù trừ do dự sẽ là một sai lầm không thể tha thứ được”4.

Chủ trương trên của Bộ Chính trị cùng với thông tin thắng lợi dồn dập trên khắp các chiến trường, từ Tây Nguyên đến các tỉnh miền Trung và những địa bàn chiến lược cận kề Sài Gòn thuộc phạm vi Khu VI, Khu VII, Khu VIII đã củng cố thêm quyết tâm chiến lược của Trung ương Cục miền Nam. Ngày 22-3-1975, Thường vụ Trung ương Cục điện gửi Quân ủy Miền và các đơn vị trực thuộc nêu rõ trong lúc này, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải nhận thức thật sâu sắc sự phát triển nhảy vọt của tình hình và sự thay đổi hẳn so sánh lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường theo hướng có lợi cho ta. Nhiệm vụ của từng khu, từng tỉnh, từng huyện và từng xã là phải tập trung lực lượng, kiên quyết, táo bạo đánh vào các điểm then chốt của địch, làm vỡ thế phòng thủ của chúng, tạo điều kiện mở toang cả vùng. Trong tấn công địch, phải táo bạo, linh hoạt, nhạy bén, không cố định theo kế hoạch5

Tiếp đó, căn cứ vào nhận định của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương6 và đặc biệt là tình hình diễn biến của chiến trường, ngày 29-3-1975, Trung ương Cục miền Nam tổ chức Hội nghị lần thứ 15 và ra Nghị quyết đặc biệt về chủ trương giải phóng hoàn toàn miền Nam. Nghị quyết chỉ rõ: Tình thế chiến lược mới đã xuất hiện, cán cân lực lượng đã thay đổi hẳn. Ta đang ở thế áp đảo, địch ở thế suy sụp tan rã lớn. Thời cơ chiến lược để tiến hành cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt của địch đã chín muồi: “Chúng ta phải nhanh chóng, táo bạo phát triển tiến công dồn dập giành thắng lợi hoàn toàn với những nỗ lực phi thường một ngày bằng hai mươi năm”7. Để thực hiện điều đó, nhiệm vụ trực tiếp khẩn cấp đặt ra là: “Động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tập trung cao nhất mọi sức mạnh tinh thần và lực lượng của mình, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp ba mũi giáp công, ba thứ quân, ba vùng, vùng lên tổng công kích, tổng khởi nghĩa, nhanh chóng đánh sụp đổ toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền, giành lại toàn bộ chính quyền về tay nhân dân với khí thế tấn công quyết liệt, thần tốc, táo bạo và quyết giành toàn thắng, giải phóng xã mình, huyện mình, tỉnh mình và toàn miền Nam”8.

Nghị quyết nhấn mạnh: “Thời cơ chiến lược giành toàn thắng cho sự nghiệp giải phóng miền Nam đã đến. Cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa long trời lở đất đã bắt đầu. Tất cả hãy vươn lên với khí thế táo bạo, thần tốc, quyết chiến và quyết thắng. Tất cả cho tổng công kích, tổng khởi nghĩa, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Hồ Chủ tịch”9 phải tranh thủ thời gian, coi thời gian lúc này hơn vàng bạc. Nơi nào có điều kiện thuận lợi thì vùng lên cướp chính quyền ngay, không đợi chờ lực lượng chủ lực, liên tục tấn công và phát triển cho đến toàn thắng.

Để kịp thời chỉ đạo cuộc tổng tiến công và nổi dậy theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15, Thường vụ Trung ương Cục đã điện chỉ đạo các địa phương, nêu rõ: “Đây là thời kỳ không phải chỉ giải phóng nông thôn mà giải phóng cả thị xã, thành phố, giải phóng cả khu, tỉnh mình”10. Các khu ủy, tỉnh ủy phải phóng tay hết mức, chỉ đạo khởi nghĩa bằng tất cả khả năng của địa phương, không rụt rè, không chờ đợi, mạnh dạn, táo bạo, phát động quần chúng nổi dậy khởi nghĩa giải phóng địa phương của mình. Các khu ủy và tỉnh ủy phải chỉ đạo chặt chẽ lực lượng tập trung của mình, táo bạo đánh các điểm then chốt.

Trung ương Cục miền Nam nhấn mạnh: đây là lúc một ngày phát triển bằng 20 năm lúc cách mạng phát triển bình thường. Nếu chần chừ, do dự, rụt rè không dám quyết liệt tấn công là có tội với cách mạng11.

Những chủ trương trên tiếp tục khẳng định sự chủ động, sáng tạo của Trung ương Cục miền Nam trong việc nắm bắt, phân tích, đánh giá và dự đoán sự phát triển của tình hình cách mạng. Quan điểm “một ngày bằng hai mươi năm” được nêu ra tại Hội nghị lần thứ 15 Trung ương Cục miền Nam đã được Hội nghị Bộ Chính trị ngày 31-3-1975 khẳng định12. Tại Hội nghị này, Bộ Chính trị đề ra nhiệm vụ giải phóng miền Nam ngay trong tháng 4-197513.

Thực hiện chủ trương trên, các địa phương trên địa bàn thành lập Ủy ban khởi nghĩa, tăng cường cán bộ, đảng viên cho những khu vực trọng điểm, nhanh chóng xây dựng, củng cố và phát triển lực lượng chính trị, vũ trang, binh vận, đồng thời xây dựng kế hoạch đánh chiếm các vị trí then chốt ở địa phương. Các đơn vị quân chủ lực Miền tham gia một số cánh quân chủ lực (cấp quân đoàn), do Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trực tiếp chỉ đạo. Lực lượng vũ trang các khu cùng bộ đội các tỉnh, huyện, dưới sự chỉ đạo của Quân ủy, Bộ chỉ huy Miền và cấp ủy địa phương liên tục mở các đợt tấn công đánh chiếm nhiều vị trí trọng yếu của địch trên khắp các địa bàn, từ rừng núi đến đồng bằng và vùng ven đô thị.

Trước các đòn tiến công quân sự của quân chủ lực và bộ đội các địa phương, quân đội địch bị tiêu diệt và tan rã từng mảng lớn, số còn lại hoang mang cực độ, bộ máy chính quyền nhiều nơi tan vỡ, chớp thời cơ đó, tổ chức đảng ở các địa phương, nhất là cấp cơ sở đã lãnh đạo lực lượng cách mạng tại chỗ đứng lên giải phóng quê hương mình.

Ngày 30-4-1975, các đơn vị bộ đội chủ lực, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng từ 5 hướng tiến vào giải phóng Sài Gòn, đập tan bộ máy chính quyền nhà nước và quân đội cấp trung ương của địch.

Trong quá trình tiến tới giải phóng Sài Gòn, tại Khu VI và Khu VII, cấp ủy các địa phương lãnh đạo nhân dân vùng giải phóng tích cực tham gia mở đường, xây dựng kho bãi chứa hàng và trực tiếp tham gia vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm phục vụ cho các đơn vị chiến đấu. Tại các đô thị, khi bộ đội ta tiến vào giải phóng, quần chúng cách mạng tham gia dẫn đường, vận chuyển thương binh,…

Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, cho đến trước Chiến dịch Hồ Chí Minh, lực lượng vũ trang Khu VIII và Khu XI phối hợp với quân và dân các địa phương trên địa bàn liên tục tổ chức tấn công địch, giải phóng nhiều vùng nông thôn rộng lớn, áp sát các trục đường giao thông, thị trấn, thị xã, kìm chân một bộ phận quan trọng quân chủ lực địch ở lại đồng bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ đội ta ở các chiến trường chính giành thắng lợi.

Ngày 30-4-1975, hòa trong khí thế chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, các lực lượng vũ trang đóng tại các tỉnh Cần Thơ, Mỹ Tho, Gò Công, Long An, Kiến Phong, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá, Hà Tiên tiến đánh vào các trung tâm thị xã, tỉnh lị, phối hợp với lực lượng cách mạng tại chỗ, giải phóng quê hương. Ngày 1-5-1975, các tỉnh cuối cùng ở Nam Bộ gồm: Kiến Tường, Bến Tre, Vĩnh Long, Chương Thiện, Cà Mau, Long Xuyên, Châu Đốc được giải phóng.

Như vậy, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Trung ương Cục miền Nam đã luôn quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, đồng thời chủ động phân tích đánh giá diễn biến của tình hình chiến trường một cách khách quan, khoa học. Trên cơ sở đó, Trung ương Cục miền Nam đã đề ra chủ trương, biện pháp đúng đắn, phù hợp với tình thế cách mạng. Điều đó đã giúp các cấp ủy đảng, lực lượng vũ trang trên địa bàn Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng xây dựng và tổ chức thực hiện thành công các phương án tiến công tiêu diệt địch, giải phóng quê hương. Đồng thời, những nhận định, đánh giá cùng với chủ trương và kết quả thực hiện được của Trương ương Cục miền Nam, góp phần giúp Trung ương, Bộ Chính chính trị và Quân ủy Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo thành công cuộc tiến công chiến lược mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam,  thống nhất đất nước.

Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng (in) số 6/2017
1, 3, 4, 7, 8. 9, 10, 11. Đảng Cộng sản Việt Nam: Đại thắng mùa Xuân 1975-Văn kiện Đảng, Nxb CTQG, H, 2005, tr. 99, 120, 156, 208, 208- 209, 213-214, 215, 216

2. Xem Lịch sử biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), Nxb CTQG, H, 2008, tr. 1307

5. Xem điện số 304/TV, ngày 22-3-1975, của Thường vụ KBN về Bổ sung Chỉ thị số 02 và Điện số 271 

6. Ngày 25-3-1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp thống nhất nhận định: Cuộc tiến công chiến lược mùa Xuân năm 1975 đã bắt đầu với chiến thắng Tây Nguyên

12. Vào hồi 16 giờ 30 phút ngày 29-3-1975, đồng chí Lê Duẩn thay mặt Bộ Chính trị điện cho đồng chí Phạm Hùng cho rằng có thể coi đây là thời điểm bắt đầu chiến dịch giải phóng Sài Gòn

13. Xem Đảng Cộng sản Việt Nam:  Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2004, T. 36, tr. 95.

 

TS NGUYỄN DANH LỢI

 

Phó Tổng Biên tập Tạp chí Lịch sử Đảng - Viện Lịch sử Đảng
  Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh (Ảnh TTXVN)   Từ tháng 12-1974 đến cuối tháng 2-1975, Trung ương Cục miền Nam lãnh đạo các lực lượng vũ trang và nhân dân các tỉnh Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ mở đợt 1 hoạt động mùa khô 1974-1975. Qua hơn 2 tháng thực hiện đợt tấn công tổng hợp, các lực lượng vũ trang và nhân dân miền Nam loại khỏi vòng chiến đấu hơn 56 ngàn tên địch, thu nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh; gỡ bỏ hơn 1.500 đồn bốt địch; giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long và làm chủ nhiều vùng nông thôn rộng lớn ở đồng bằng sông Cửu Long. Với những thắng lợi đó, vùng giải phóng và căn cứ địa cách mạng ở các tỉnh Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ được mở rộng thêm, với tổng số dân lên tới 1,8 triệu người1

Tin khác cùng chủ đề

Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Tinh thần quyết chiến quyết thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc
Nghệ thuật tác chiến phòng không trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Gửi bình luận của bạn