Quốc tế Cộng sản - bộ tham mưu chiến đấu, tổ chức lãnh đạo phong trào cách mạng vô sản thế giới đã giúp đỡ, chỉ đạo luôn coi trọng, giúp đỡ cách mạng thuộc địa đặc biệt là ở phương Đông trong suốt thời gian tồn tại (1919 - 1943). Đối với cách mạng Việt Nam, Quốc tế Cộng sản đã giúp đỡ, chỉ đạo kịp thời về đường lối lãnh đạo cho Đảng trong từng giai đoạn cách mạng, trong đó có phong trào cách mạng 1930 - 1931, mà đỉnh cao là Xôviết Nghệ - Tĩnh - một phong trào cách mạng rộng lớn trên phạm vi cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam non trẻ vừa ra đời (đầu năm 1930).

Quốc tế cộng sản với phong trào cách mạng Việt Nam (1930-1931)
Quốc tế cộng sản với phong trào cách mạng Việt Nam (1930-1931)

I. Quốc tế Cộng sản ủng hộ về tinh thần và vật chất cho cách mạng Việt Nam

Sau Hội nghị thành lập Đảng (đầu năm 1930), Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam ra Lời kêu gọi tất cả mọi người hãy gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng của giai cấp vô sản để “1) Đánh đổ đế quốc Pháp, phong kiến An Nam và giai cấp tư sản phản cách mạng; 2) Làm cho nước An Nam được độc lập; 3) Thành lập Chính phủ công nông binh...”1.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xôviết Nghệ - Tĩnh. Cao trào cách mạng 1930-1931 đã củng cố liên minh hàng triệu nông dân với giai cấp vô sản còn non trẻ và số lượng còn ít nhưng đã có tổ chức. Đó là một thành công nhất định của cuộc đấu tranh chính trị của những người cộng sản Việt Nam đã xem liên minh chặt chẽ giữa giai cấp công nhân và nông dân trong sự lãnh đạo của giai cấp vô sản - yếu tố quan trọng nhất của việc phát triển phong trào đấu tranh toàn dân. Những người cộng sản Việt Nam đã thực hiện một cách sáng tạo lời chỉ bảo của V.I.Lênin là phải sáng tạo, không được rập khuôn theo những người cộng sản châu Âu2: “Ở đây, các đồng chí hiện đang có một nhiệm vụ mà xưa kia những người cộng sản trên thế giới không có: trong khi dựa vào lý luận và thực tiễn chung của chủ nghĩa cộng sản, các đồng chí vừa phải thích ứng với những điều kiện đặc biệt mà các nước châu Âu không có, vừa phải học cách vận dụng được lý luận và thực tiễn ấy vào nơi mà quần chúng chủ yếu là nông dân, nơi mà nhiệm vụ cần phải giải quyết không phải là đấu tranh chống tư bản, mà là đấu tranh chống những tàn tích thời trung cổ”3.

Trong điều kiện vừa mới ra đời, Đảng đã không tránh khỏi mắc một số sai lầm tả khuynh và hữu khuynh. Sự lãnh đạo của một số cấp uỷ địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của phong trào. Thời cơ giành chính quyền chưa xuất hiện. Trước bối cảnh đó, Quốc tế Cộng sản đã có nhiều chủ trương, biện pháp ủng hộ và giúp đỡ cho cách mạng Việt Nam.

Lúc phong trào cách mạng 1930-1931 nổ ra, Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở Hương Cảng. Tuy điều kiện liên lạc gặp nhiều cách trở, nhưng Người luôn luôn theo dõi, chỉ đạo phong trào. Một mặt, Người kịp thời tuyên dương những thành tích đã đạt được. Mặt khác, Người phê phán một số khuyết điểm trong công tác chỉ đạo và lề lối làm việc của các cấp uỷ, vạch rõ phương hướng và biện pháp để khắc phục những thiếu sót, đặng thúc đẩy phong trào tiến nhanh, tiến mạnh hơn nữa. Đồng thời, Nguyễn Ái Quốc đã liên tiếp viết thư cho Quốc tế Cộng sản, các tổ chức quần chúng của Quốc tế Cộng sản và các đảng anh em trình bày rõ tình hình phát triển của cách mạng Việt Nam. Người báo cáo diễn biến cụ thể, phân tích phong trào từng tháng, từng năm. Người khẩn thiết đề nghị với Quốc tế Cộng sản, các tổ chức trực thuộc Quốc tế Cộng sản và các đảng anh em hãy quan tâm hơn nữa đến phong trào cách mạng Việt Nam, kịp thời viết thư động viên phong trào, góp ý kiến và trao đổi kinh nghiệm đấu tranh, giúp đỡ về tinh thần và vật chất. Người đề nghị với Quốc tế Cộng sản những biện pháp cần thiết, kịp thời như mở một chiến dịch tuyên truyền về cách mạng Việt Nam trên phạm vi quốc tế để ca ngợi cuộc đấu tranh kiên cường của nhân dân ta và vạch trần tội ác tày trời của đế quốc Pháp trước dư luận thế giới và "làm những việc có thể được để giúp đỡ các nạn nhân của cuộc đàn áp đẫm máu. Đề nghị cho biết ngay chúng tôi phải làm gì và các đồng chí có thể làm gì giúp họ thông qua tổ chức Quốc tế cứu tế đỏ"4.

Thông qua Nguyễn Ái Quốc mà Quốc tế Cộng sản, các tổ chức trực thuộc Quốc tế Cộng sản và các đảng anh em đã hiểu được quy mô tổ chức, khả năng, các hình thức và phương pháp đấu tranh cách mạng của phong trào cách mạng Việt Nam; từ đó đã kịp thời động viên, cổ vũ và có những chủ trương, biện pháp cần thiết để chỉ đạo, uốn nắn phong trào và giúp đỡ Đảng ta trong cuộc đấu tranh vô cùng gian khổ, nhanh chóng khắc phục những thiếu sót, xây dựng lại cơ sở của Đảng và quần chúng để chuẩn bị cho những cuộc chiến đấu mới.

Quốc tế Cộng sản đã đánh giá rất cao vai trò của Đảng đối với cách mạng Đông Dương nói riêng và đối với phong trào cách mạng các nước phương Đông nói chung. Trong thư của Quốc tế Cộng sản gửi Chấp uỷ các Đảng Cộng sản Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ ngày 27-2-1932 viết: “Đảng Cộng sản Đông Dương tuy vừa thống nhất được các nhóm cộng sản trong xứ, mà đã trở thành đội tiền quân của giai cấp vô sản xứ Đông Dương; đi theo đường lối của Quốc tế Cộng sản; trực tiếp lãnh đạo thợ thuyền, dân cày và lao khổ xứ Đông Dương kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và địa chủ, quan lang, điều đó biểu hiện một Đảng Bônsơvích mặc dầu còn ấu trĩ mắc phải tả khuynh và nhiều thiếu sót trong công tác; nhưng phong trào cách mạng bồng bột trong cả xứ Đông Dương đã góp phần tăng thêm ảnh hưởng cộng sản trong các xứ thuộc địa nhất là các nước phương Đông…”5.

Trước tình hình đế quốc Pháp khủng bố trắng, Quốc tế Cộng sản động viên và nêu rõ: “Những người cộng sản Đông Dương phải đem ý chí Bônsơvích phấn đấu tiến lên, chống ấu trĩ tả khuynh, chống cơ hội hữu khuynh, bè phái phân tán lực lượng và các xu hướng hoạt đầu, bi quan, phải đứng mũi vượt cơn phong ba bão táp do đế quốc và bọn phản động gây ra, kiên trì xây dựng và củng cố phong trào cộng sản ở xứ Đông Dương...”6.

Nhằm nhanh chóng khôi phục phong trào cách mạng Việt Nam, Quốc tế Cộng sản đã phát động trong công nhân và nhân dân lao động thế giới một phong trào ủng hộ cách mạng Việt Nam, chống khủng bố trắng, đòi ân xá tù chính trị.

Quốc tế Cộng sản đã viết lời kêu gọi Hãy cứu lấy những người cách mạng Đông Dương, trong đó có đoạn viết: "Báo động! Nếu giai cấp công nhân quốc tế không kịp thời phản kháng quyết liệt để chặn tay bọn giết người lại, thì chúng sẽ hành hình các anh chị em cách mạng của chúng ta ở Đông Dương" và kết luận: “Giai cấp công nhân quốc tế có nhiệm vụ ủng hộ những anh em mình ở Đông Dương đang đấu tranh để thoát khỏi ách thống trị của đế quốc Pháp và của giai cấp phong kiến trong nước và bằng những hành động kiên quyết, giúp đỡ họ mở cửa các nhà tù đế quốc để giành lại khỏi tay thần chết tất cả những người cách mạng bị kết án”7.

Để ủng hộ những người cách mạng Việt Nam, Tổ chức Quốc tế giúp đỡ những người cách mạng đã kêu gọi tất cả những người có lương tri hãy tham gia vào cuộc mít tinh để bầu cử đoàn đại biểu điều tra hành động của bọn thực dân và những hậu quả của khủng bố trắng ở Đông Dương8. Liên minh quốc tế phản đế cũng ra lời kêu gọi ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân ta.

Đối với những người cộng sản, giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới đang đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, Xôviết Nghệ - Tĩnh là bản anh hùng ca cách mạng, là tấm gương trong sự nghiệp giải phóng. Vì vậy, tình đoàn kết quốc tế do Quốc tế Cộng sản đề xướng để ủng hộ Đảng Cộng sản Đông Dương đã được giai cấp công nhân và nhân dân lao động hưởng ứng mạnh mẽ. Trong giai đoạn này, nhiều tổ chức quần chúng tiến bộ trên thế giới tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình, cực lực lên án những hành động khủng bố của đế quốc Pháp và tỏ tình đoàn kết với nhân dân Đông Dương. Các báo chí cánh tả trên thế giới đều tập trung vào cảnh ngộ của nhân dân Đông Dương dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Trong khi đó, Quốc tế Cộng sản và các nước hội viên liên kết với Đảng Cộng sản Đông Dương giúp đỡ họ bằng mọi khả năng nhằm bảo đảm cho sự tồn tại của Đảng9.

Tháng 1-1930, Ban Thư ký Công hội ven Thái Bình Dương đã gửi thư cho các xứ uỷ Đảng Cộng sản Đông Dương nhiệt liệt ca ngợi cuộc đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam và góp một số ý kiến về những thiếu sót của cán bộ, đảng viên trong các xứ uỷ như: tư tưởng phiêu lưu, chủ quan, thiếu kiên định. Bức thư nhấn mạnh: dù trong hoàn cảnh nào, các đảng viên cũng phải bám lấy cơ sở quần chúng để hoạt động; đấu tranh phải có sách lược và phương pháp khéo léo, thích hợp. Cuối cùng, Ban Thư ký Công hội ven Thái Bình Dương đề nghị các đảng viên phải hết sức bình tĩnh, sáng suốt, coi thất bại trước mắt chỉ là tạm thời và cục bộ, cần tin tưởng vào thắng lợi to lớn ngày mai.

Ban Thư ký châu Âu Quốc tế Công hội đỏ cũng gửi thư cho các nhóm cách mạng Việt Nam, nhiệt liệt chào mừng những hội công nhân cách mạng trẻ tuổi mới thành lập từ hai năm nay ở Đông Dương mà đã lao vào cuộc đấu tranh cách mạng vĩ đại. Sau khi nhận định các cuộc bãi công ngày càng nhiều, những yêu sách của công nhân từ phương diện kinh tế lên phương diện chính trị, Ban Thư ký yêu cầu giai cấp vô sản Đông Dương thực hiện nhiệm vụ quan trọng, đó là việc thành lập một tổ chức các công hội thợ thuyền, có trách nhiệm chuẩn bị và lãnh đạo các cuộc đấu tranh hàng ngày của thợ thuyền đã vào công hội nhằm đạt tới những mục tiêu cách mạng và các công hội phải thực sự là những tổ chức cách mạng của giai cấp vô sản10.

Hội nghị mở rộng của Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản họp từ ngày 8 đến ngày 28-2-1930 đã đánh giá cao phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân ta. Điểm 12 trong Nghị quyết của Hội nghị như sau: “Trên cơ sở đó (tức khủng hoảng kinh tế dữ dội) phong trào cách mạng của nông dân bắt đầu hồi phục (Italia, Ba Lan, Hy Lạp, Rumani).

Phong trào này đạt tới quy mô lớn nhất ở một vài nước thuộc địa, ở đó nó kết hợp với phong trào công nhân và phong trào cách mạng dân tộc... Hiện nay đang diễn ra sôi nổi cuộc đấu tranh cách mạng chống chủ nghĩa đế quốc Pháp ở Đông Dương”11.

Vấn đề Đông Dương và cao trào cách mạng giải phóng dân tộc ở Đông Dương được đưa ra bàn tại Hội nghị toàn thể lần thứ 11 của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản họp từ ngày 25-3 đến ngày 13-4-1931. Nhiều bản báo cáo, phát biểu đã phân tích cụ thể vấn đề này.

Phát biểu chiều ngày 26-3-1931, Đ.Manuinxki, Uỷ viên Thường vụ Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản khẳng định: năm 1930 ở Đông Dương đã hoàn thành việc thành lập Đảng Cộng sản - một đảng đã lãnh đạo nông dân Đông Dương tiến hành cuộc chiến tranh du kích cực kỳ anh dũng liên tục trong nhiều tháng.

Tại hội nghị này, M.Tôrê thay mặt Đảng Cộng sản Pháp đọc một bản báo cáo về nghĩa vụ quốc tế đối với phong trào giải phóng ở các nước thuộc địa, trong đó ông đã tự phê bình một cách nghiêm túc về hoạt động chưa đầy đủ của Đảng Cộng sản Pháp: “Hiện nay, cuộc cách mạng Đông Dương có liên quan đến lợi ích của hàng triệu công nhân và nông dân ở một điểm trọng yếu trên bàn cờ quốc tế, vậy mà hoạt động của Đảng chúng tôi so với năm 1925 lại thiếu sót một cách đáng tiếc.

Người ta giết hại những đồng chí của chúng tôi, người ta tìm mọi cách ngăn cản công tác của Đảng Cộng sản Đông Dương trẻ tuổi, vậy mà Đảng chúng tôi đã làm việc không đầy đủ. Ban Chấp hành Trung ương Đảng chúng tôi sẽ phải có những biện pháp căn bản để thay đổi một tình trạng như thế”12.

Nghị quyết của Hội nghị đã dành hẳn một phần riêng về Đông Dương như sau: Ở Đông Dương cao trào cách mạng diễn ra trong tình hình bọn cai trị Pháp khủng bố dã man, bắn giết hàng hoạt, tàn phá xóm làng, đặc điểm của cao trào là một phong trào chống đế quốc phát triển không ngừng của công nhân, nông dân và dân nghèo thành thị dưới sự lãnh đạo chủ yếu của Đảng Cộng sản diễn ra dưới các hình thức biểu tình quần chúng, các cuộc nổi dậy của du kích, xung đột vũ trang với cảnh sát và quân đội, phong trào xảy ra cùng một lúc ở nhiều vùng thuộc phía Bắc là nơi chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của cách mạng Trung Quốc, và với việc thành lập các Xôviết.

Phần IV của Nghị quyết dưới tiêu đề: “Tình hình các phân bộ thuộc Quốc tế Cộng sản và những nhiệm vụ trước mắt" viết: “Những thành tích quan trọng nhất của các chi bộ trong thời gian qua được thể hiện như sau:

a) Trong việc thành lập các Xô viết và Hồng quân ở Trung Quốc, trong vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản đối với phong trào cách mạng nông dân ở Trung Quốc và Đông Dương...

b) Trong sự hình thành đảng cộng sản ở Ấn Độ với cương lĩnh cách mạng chiến đấu và trong sự củng cố Đảng Cộng sản Đông Dương”13.

Như vậy, cao trào cách mạng 1930-1931 với Xôviết Nghệ - Tĩnh được Quốc tế Cộng sản đánh giá như là "những hình thức chủ yếu của phong trào cách mạng dân tộc" ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa. Việc thành lập các Xôviết công - nông ở Nghệ - Tĩnh được đề cập đến trong Hội nghị như là "những thành tích đặc biệt to lớn" mà các đảng cộng sản cần phải chú ý nghiên cứu và học tập. Phong trào đã "giáng một đòn trực tiếp vào hệ thống đế quốc chủ nghĩa", báo hiệu một thời kỳ đấu tranh quyết liệt giữa một bên là quần chúng nhân dân bị áp bức với một bên là những thế lực đế quốc đang cố duy trì ách thống trị, nô dịch các dân tộc.

Thực tiễn của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở Đông Dương là một bằng chứng bác bỏ một cách có căn cứ tâm lý hoài nghi về khả năng cách mạng của công nông ở các nước thuộc địa, cũng như thái độ thờ ơ xem nhẹ vấn đề dân tộc thuộc địa còn tồn tại không ít trong tư duy chính trị của một số đảng viên cộng sản, thậm chí trong một số đảng cộng sản Tây Âu. O.Kuuxinhen, Uỷ viên Thường vụ Ban Chấp hành phụ trách các vấn đề dân tộc và thuộc địa, trong phiên họp sáng ngày 3-4-1931, đã chỉ rõ rằng: có một số lĩnh vực mà ở đó các đồng chí Pháp của chúng ta trong công tác đã thực hiện một cách mẫu mực. Nhưng trong lĩnh vực công tác thuộc địa, họ cần phải học tập nhiều các đồng chí Trung Quốc và Đông Dương.

Căn cứ vào đường lối, phương pháp cách mạng đúng đắn và những thành tích to lớn của Đảng và nhân dân ta trong cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xôviết Nghệ - Tĩnh, chấp nhận lời đề nghị của Nguyễn Ái Quốc, ngày 11-4-1931, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản quyết nghị: “Đảng Cộng sản Đông Dương trước đây là một chi bộ của Đảng Cộng sản Pháp, từ nay được công nhận là chi bộ độc lập thuộc Quốc tế Cộng sản. Quyết nghị này sẽ đưa ra thông qua trong Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản”14.

Từ một phân bộ trực thuộc Đảng Cộng sản Pháp, chỉ trong một năm đấu tranh và xây dựng, Đảng ta trở thành một phân bộ độc lập, tách khỏi Đảng Cộng sản Pháp và hoàn toàn bình đẳng với các đảng anh em khác trên thế giới. Sự kiện này đánh dấu một bước trưởng thành nhanh chóng của Đảng ta trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng và kịp thời động viên, cổ vũ toàn thể đảng viên và quần chúng trong cuộc đấu tranh quyết liệt với kẻ thù.

Ngoài ra, Hội nghị còn đề ra nhiều biện pháp cụ thể, tích cực để giúp phong trào cách mạng Đông Dương.

Để có cơ sở nghiên cứu và học tập kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam trong các đảng cộng sản, Quốc tế Cộng sản đã phát hành cuốn Đông Dương của A.Đanxin. Cuốn sách dày gần 100 trang gồm 13 chương giới thiệu tóm tắt những vấn đề về lịch sử, địa lý, dân cư, xã hội và những biến động về kinh tế, chính trị, xã hội của Đông Dương dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Đặc biệt, ba chương cuối: Chương 11: "Tư bản Pháp ở Đông Dương", Chương 12: "Khủng hoảng kinh tế Đông Dương" và Chương 13: "Phong trào giải phóng dân tộc và cuộc đấu tranh cách mạng" đã viết về thực trạng của tình hình Đông Dương. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới những năm 1929-1933 đã giáng đòn nặng nề nhất đối với Đông Dương, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Trong khi đó, bọn đế quốc, phong kiến tăng cường bóc lột làm cho đời sống của nông dân, công nhân càng thêm khốn khổ. Đó chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự bùng nổ cách mạng của quần chúng công nông ở Đông Dương.

Trong thời gian diễn ra cao trào cách mạng và thời kỳ khủng bố, trên các tạp chí và báo như Quốc tế Cộng sản, Thư tín quốc tế, Công hội đỏ quốc tế, Nông hội đỏ quốc tế, Phương Đông cách mạng, Tư liệu về những vấn đề dân tộc và thuộc địa... đã đăng hàng loạt bài báo rất có giá trị về cao trào 1930-1931 và Xôviết Nghệ - Tĩnh của A.Đanxin, C.Gốtvan, Gờran, Khanen, Nôvicốp... với nội dung lên án khủng bố trắng, bảo vệ Nghệ - Tĩnh đỏ, ủng hộ và biểu dương tinh thần quật khởi của Xô viết Nghệ - Tĩnh. Riêng tạp chí Quốc tế Cộng sản đã đăng nhiều bài trong những năm 1930-1932. Đó là những bài: “Về phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân Đông Dương năm 1929-1930” (số 7- 9/1930), “Sau cuộc khởi nghĩa Bắc Kỳ” của G. Đu Pông (số 8, 20-3-1930), “Trong thời kỳ đầu của cách mạng Đông Dương, Về cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và phong trào cách mạng ở Đông Dương” của V.Vaxilieva (số 5, 20-2-1931), “Kỷ niệm một năm "tuần lễ đẫm máu" ở Đông Dương” của V.Vaxilieva (số 10 và 11, 20-4-1931). Đó là những bài viết về cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930. Ngoài ra còn có các bài: “Tưởng nhớ đồng chí Licơvây - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương” (số 14, 1932), “Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương” (số 34, 1932). Việc thực dân Pháp giết hại đồng chí Trần Phú là một tổn thất lớn đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Quốc tế Cộng sản đã thông báo cho các đảng biết về sự hy sinh anh dũng của đồng chí và Tạp chí Quốc tế Cộng sản đã ca ngợi Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương: “Sự nghiệp cách mạng, niềm tin và những phẩm chất cao đẹp của đồng chí Licơvây được thể hiện trong nhà tù đế quốc mãi mãi là một tấm gương bất diệt cổ vũ những người cộng sản toàn thế giới, đặc biệt là những người cộng sản Đông Dương”15.

Tập san Thư tín quốc tế thường xuyên đăng bài của A.N. (Pari) tố cáo tội ác của Pháp: "Không gì bỉ ổi hơn, ghê tởm hơn chính sách khủng bố mà đế quốc Pháp hiện đang thi hành đối với nhân dân Đông Dương". "Nhưng giai cấp vô sản quốc tế không để cho chúng muốn làm gì thì làm. Họ có nghĩa vụ phải chặn tay bọn đao phủ đang giết hại những người anh em bị áp bức của họ ở các thuộc địa... để buộc chúng phải chấm dứt ngay cuộc khủng bố ở Đông Dương, và để ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân xứ này đang vùng lên đấu tranh”16.

Tác giả đã khẳng định tương lai của cách mạng Việt Nam: “Mặc dù đế quốc khủng bố kinh khủng, các cuộc đấu tranh nhất định sẽ lan rộng và trở nên quyết liệt hơn cho đến ngày nhân dân Đông Dương dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản của mình, sẽ tống cổ bè lũ đế quốc Pháp và bọn ủng hộ bọn chúng, bọn liếm gót chúng, bọn phong kiến, địa chủ, tư sản trong nước”17.

Bên cạnh sự giúp đỡ về tinh thần và kinh nghiệm đấu tranh cách mạng, Quốc tế Cộng sản còn chú ý giúp đỡ Đảng ta về mặt tài chính và các phương tiện hoạt động khác.

2. Quốc tế Cộng sản giúp đỡ về cán bộ, đường lối và tổ chức

Trước tình hình các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng ta bị phá hoại nặng nề, nhiều cán bộ lãnh đạo bị bắt hoặc bị giết hại, trong Đảng không còn tổ chức nào có đủ thẩm quyền để liên hệ với Quốc tế Cộng sản, các đảng anh em và các tổ chức của Đảng ở các cấp như trước đây nữa, Quốc tế Cộng sản đã vạch ra kế hoạch và thực thi những biện pháp cụ thể, cấp bách nhằm xây dựng lại Đảng Cộng sản Đông Dương và khôi phục lại phong trào cách mạng.

Trước tiên, Quốc tế Cộng sản tổ chức cho những sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Phương Đông lần lượt về nước hoạt động. Năm 1930, Ngô Đức Trì, Bùi Ái, Bùi Công Trừng, Đặng Đình Thọ, Ngô Văn Tâm... về nước. Theo kế hoạch trên, tháng 11-1931, Lê Hồng Phong rời Liên Xô, đi qua Pháp trở về Trung Quốc hoạt động. Lê Hồng Phong đã tìm cách bắt liên lạc với các chiến sĩ cách mạng Việt Nam và giữ mối liên hệ với Quốc tế Cộng sản.

Trong tài liệu ngày 15-3-1931 của Quốc tế Cộng sản về giai đoạn hiện nay của phong trào cách mạng ỏ Đông Dương và nhiệm vụ của Đảng Cộng sản nêu rõ: “Việc triển khai và tổ chức ở mọi nơi cuộc chiến tranh của nông dân vì ruộng đất và kết hợp với phong trào công nhân và phong trào chống đế quốc, là nhiệm vụ khẩn thiết của Đảng Cộng sản Đông Dương trong lúc này. Chỉ có điều đó mới tạo ra những lực lượng cách mạng cần thiết để chuyển sang các trận chiến đấu quyết định chống phe kẻ thù chung của nhân dân: đế quốc Pháp, chính thể chuyên chế bản xứ, bọn địa chủ, thân hào, quan lại và bọn cho vay nặng lãi bản xứ”18, và: “Khâu cơ bản trong việc củng cố công tác toàn Đông Dương (.....) và nhiệm vụ bức thiết trong lĩnh vực này là xây dựng một tạp chí hoặc một tờ báo ra đều kỳ - cơ quan của Trung ương Đảng”19.

Ngày 12-5-1931, Ban phương Đông đã gửi thư cho đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Trước tình hình đế quốc ở Pháp khủng bố, Ban phương Đông đánh giá ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Đông Dương trong quần chúng và khẳng định: "Chúng ta không cho phép bọn đế quốc và tư sản bản xứ ở Đông Dương tiêu diệt lực lượng của chúng ta"20. Ban phương Đông phê phán một số thiếu sót của cán bộ, đảng viên như: sự manh động, cực đoan tả khuynh và những thiếu sót trong sinh hoạt đảng, đồng thời nêu lên một số biện pháp để khắc phục tình trạng đó như tổ chức mít tinh đưa yêu sách hàng ngày của công nông, đưa phong trào phát triển từ thấp lên cao, lập các uỷ ban cứu giúp các đồng chí bị bắt. Đặc biệt, bức thư đề ra những nguyên tắc hoạt động bí mật để bảo vệ các tổ chức Đảng.

Để có thể phát động một chiến dịch tuyên truyền về cách mạng Đông Dương trên phạm vi quốc tế, Ban phương Đông đề nghị Đảng ta cần gửi nhiều tài liệu cụ thể về những gương chiến đấu kiên cuờng và tài liệu về tội ác của thực dân Pháp cho các cơ quan của Quốc tế Cộng sản.

Trong thời kỳ bị địch khủng bố, bức thư trên của Ban phương Đông đã đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng cho những người cộng sản Việt Nam bảo vệ hàng ngũ của Đảng.

Theo dõi sát sao cuộc đấu tranh của Đảng và nhân dân ta, ngay sau đó, ngày 28- 5-1931, Ban Bí thư chính trị chuẩn y và ngày 27-6-1931 gửi thư cho Đảng Cộng sản Đông Dương nhận định rằng: “Đảng Cộng sản Đông Dương mặc dù còn non trẻ nhưng đã giành được vai trò lãnh đạo trong cuộc đấu tranh cách mạng chống chủ nghĩa đế quốc. Trong năm qua, Đảng đã tích luỹ được kinh nghiệm đấu tranh giai cấp và đã thi hành đường lối chính trị nói chung là đúng đắn. Đảng phải bằng mọi cách củng cố và mở rộng mối liên hệ với quần chúng, đặc biệt là với công nhân, bônsơvích hoá hàng ngũ của mình và đặt cho mình những nhiệm vụ mới, vô cùng phức tạp đáp ứng trình độ mà phong trào cách mạng trong nước đã đạt được”21.

Bức thư còn chỉ rõ: “Nhiệm vụ cơ bản mà sự phát triển thắng lợi của phong trào cách mạng phụ thuộc vào việc giải quyết nó, là củng cố và phát triển Đảng Cộng sản, biến Đảng Cộng sản thành Đảng có quy mô lớn của giai cấp vô sản. Trong thời kỳ cao trào cách mạng, bên cạnh sự cần thiết phải mở rộng công tác cổ động cách mạng, nổi lên hàng đầu là nhiệm vụ tổ chức không chỉ đội tiền phong mà cả các tầng lớp rộng rãi của giai cấp vô sản, trước hết là nhiệm vụ xây dựng, củng cố và mở rộng các Công hội”22.

Về công tác tổ chức, tư tưởng, Ban Bí thư chính trị nhấn mạnh: “Khâu cơ bản trong việc củng cố công tác của Đảng trên toàn Đông Dương là củng cố cơ quan ngôn luận lãnh đạo ra đều kỳ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tờ báo của toàn Đảng, làm cho tờ báo này trở thành người cổ động, tuyên truyền tập thể và người tổ chức quần chúng”23.

Ngày 5-6-1931, Ban Chấp hành Quốc tế Công hội đỏ gửi thư cho Công hội cách mạng ở Đông Dương nêu rõ nhiệm vụ căn bản lúc này của Công hội cách mạng ở Đông Dương là “phải hết sức khuếch trương và tổ chức những cuộc kinh tế chiến đấu của vô sản”24 hướng dẫn cách xây dựng Công hội theo tôn chỉ, đấu tranh cho Công hội đỏ được sinh hoạt công khai trong điều kiện khó khăn ở Đông Dương, củng cố mối quan hệ của công hội của công nhân với nông hội và liên lạc với cuộc thế giới vận động của thợ thuyền, chuẩn bị toàn Đông Dương đại hội của các công hội.

Ngày 6-8-1931, Quốc tế Cứu tế đỏ đã ra Lời kêu gọi lên án khủng bố trắng của đế quốc Pháp ở Đông Dương.

Hoảng sợ trước phong trào cách mạng nước ta ngày càng lan rộng, một mặt, đế quốc Pháp tăng cường đàn áp lực lượng cách mạng trong nước, mặt khác, chúng cấu kết với chính quyền phản động ở nước ngoài để bắt các cán bộ lãnh đạo của Đảng ta. Một trong những thủ đoạn đó là việc đế quốc Pháp cấu kết với đế quốc Anh bắt Nguyễn Ái Quốc (lúc ấy Người lấy tên là Tống Văn Sơ) một cách trái phép tại Hồng Kông ngày 6-6-1931.

Trong thời gian Nguyễn Ái Quốc bị bắt, Đảng Cộng sản Đông Dương, Quốc tế Cộng sản, các đảng anh em và những người tiến bộ trên thế giới hết sức căm phẫn bọn đế quốc và tìm mọi cách để đưa Người ra khỏi nhà tù đế quốc. Quốc tế Cộng sản đã lên án mạnh mẽ những hành động phi pháp, những thủ đoạn đê hèn của bọn đế quốc Anh, Pháp, yêu cầu tất cả các tổ chức chống chủ nghĩa đế quốc trên thế giới chống việc giao Nguyễn Ái Quốc cho đế quốc Pháp và đòi trả tự do cho Người. Ban Thư ký Liên đoàn quốc tế chống đế quốc vì độc lập dân tộc đã ra Lời kêu gọi phản đối dẫn độ chiến sĩ cách mạng An Nam Nguyễn Ái Quốc cho Chính phủ Đông Dương: “Ban Thư ký Liên đoàn quốc tế chống đế quốc vì độc lập dân tộc kịch liệt phản đối hành động bỉ ổi này và mong rằng giai cấp công nhân Anh đứng lên đấu tranh buộc chính phủ Công Đảng tôn trọng quyền cư trú chính trị của các chiến sĩ cách mạng thuộc địa”25.

Thời kỳ sau phong trào cách mạng 1930-1931, cách mạng nước ta gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, đây là phong trào cách mạng công - nông đầu tiên trong hệ thống thuộc địa thế giới, đã giáng một đòn trực tiếp vào hệ thống đế quốc chủ nghĩa và góp phần tăng thêm ảnh hưởng cộng sản trong các nước thuộc địa, nhất là các nước phương Đông. Sự giúp đỡ trực tiếp của Quốc tế Cộng sản, trên nhiều phương diện đã giúp cách mạng Việt Nam có thể khôi phục nhanh chóng, tạo điều kiện cho sự phát triển những phong trào cách mạng sau đó. Từ thực tiễn sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản trong cao trào cách mạng 1930 - 1931 đã để lại nhiều kinh nghiệm, gợi mở cho công cuộc đổi mới đất nước hiện nay về kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, nội lực và ngoại lực; tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại do Đại hội Đại biểu lần thứ XIII của Đảng (1-2021) đề ra: “độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực”26.

Ngày gửi: 26-10-2024; ngày thẩm định, đánh giá: 28-10-2024; ngày duyệt đăng: 29-10-2024

1. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 2011, T. 3, tr. 22

2. M.p.Ixaiép, A.X.Chécnưép: Quan hệ Xô - Việt, Nxb. Tư tưởng, Mátxcơva, 1975, tiếng Nga, tr. 37

3. V.I.Lênin Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 2005, 1977, T.39, tr. 372

4. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb.CTQG, H, 2011, T.3, tr.59

5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1999, T.4, tr.251

6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1999, T.4, tr.252-253

7. Tập san Thư tín quốc tế, s 44-1930, tr.73. Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử Đảng

8. Quốc tế Cộng sản và phương Đông, Nxb. Sách Phương Đông, Mátxcơva, 1969, tiếng Nga, tr.438

9. Huỳnh Kim Khánh: Chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam 1925-1945, Tài liệu lưu trữ tại Viện Lịch sử Đảng, tr.33

10. Thư của Ban Thư ký châu Âu Quốc tế Công hội đỏ gửi các nhóm cách mạng Việt Nam, Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử Đảng, tr.1

11. Nguyễn Quốc Hùng: "Thêm những tư liệu mới về Quốc tế Cộng sản với Đông Dương", Tạp chí Lịch sử Đảng, số 1-1991, tr.50

12. M.Tôrê: Tác phẩm, Nxb. Xã hội, Pari, 1950, q.II, t.l, tr.200. Tài liệu trích dịch lưu tại Viện Lịch sử Đảng

13. Nguyễn Quốc Hùng: "Thêm những tư liệu mới về Quốc tế Cộng sản với Đông Dương", Tạp chí Lịch sử Đảng, số 1-1991, tr.50-51

14. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1999, T.3, tr.309

15. Trình Mưu: Quốc tế Cộng sản và Xôviết Nghệ- Tĩnh, Tạp chí Lịch sử Đảng, 1990, số kỷ niệm 60 năm Xôviết Nghệ - Tĩnh, tr.15-16

16. A.N: Sự khủng b  Đông Dương, Tập san Thư tín quốc tế, s 108-1930, tr.5-6. Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử Đảng

17. A.N: Tình hình Đông Dương hiện nay ra sao?, Tập san Thư tín quốc tế, số 91-1930, tr.5- 6. Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử Đảng

18. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 1999, T.3, tr.265

19. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 1999, T.3, tr.271

20. Thư của Bộ phương Đông  Thượng Hải gửi đồng chí Nguyễn Ái Quốc ngày 12-5-1931, tr.2. Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử Đảng

21. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb.CTQG, H, 1999, T.3, tr.341-342

22. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1999, T.3, tr.353-354

23. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1999, T.3, tr.369

24. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1999, T.3, tr.322

25. Phản đối dẫn độ chiến sĩ cách mạng An Nam Nguyễn Ái Quốc ", Tập san Thư tín quốc tế, số 59-1931, tr.2. Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử Đảng

26. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, Hà Nội, 2021, tr.38.

TS VŨ NGỌC LƯƠNG

 

Trưởng khoa Lịch sử Đảng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền
I. Quốc tế Cộng sản ủng hộ về tinh thần và vật chất cho cách mạng Việt Nam Sau Hội nghị thành lập Đảng (đầu năm 1930), Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam ra Lời kêu gọi tất cả mọi người hãy gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng của giai cấp vô sản để “1) Đánh đổ đế quốc Pháp, phong kiến An Nam và giai cấp tư sản phản cách mạng; 2) Làm cho nước An Nam được độc lập; 3) Thành lập Chính phủ công nông binh...”1. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xôviết Nghệ - Tĩnh. Cao trào cách mạng 1930-1931 đã củng cố liên minh hàng triệu nông dân với giai cấp vô sản còn non trẻ và số lượng còn ít nhưng đã có tổ chức. Đó là một thành c&oci

Tin khác cùng chủ đề

Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Tinh thần quyết chiến quyết thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc
Nghệ thuật tác chiến phòng không trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Gửi bình luận của bạn