Đồng chí Nguyễn Chí Diểu (1908 - 1939) là một trong những đảng viên thuộc lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng các tổ chức cách mạng, nhất là tổ chức Tân Việt cách mạng Đảng, tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuộc đời của đồng chí Nguyễn Chí Diểu là tấm gương cao đẹp của người cộng sản hết lòng vì nước, vì dân.

Những hoạt động, cống hiến của đồng chí Nguyễn Chí Diểu trong tổ chức Tân Việt cách mạng Đảng
Những hoạt động, cống hiến của đồng chí Nguyễn Chí Diểu trong tổ chức Tân Việt cách mạng Đảng

1. Tổ chức Tân Việt cách mạng Đảng - tiền thân là Hội Phục Việt được thành lập ngày 14-7-1925, tại thành phố Vinh (nghệ An). Mục đích của Hội là nhằm đoàn kết các lực lượng yêu nước, tiến bộ để làm cách mạng đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, lật đổ chế độ phong kiến, tay sai của giặc, đem lại độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho đồng bào.

Tuy nhiên, tên của Hội Phục Việt chỉ tồn tại tương đối ngắn, đầu năm 1926, Hội Phục Việt đổi tên thành Hội Hưng Nam (tức là Phục hưng Việt Nam). Mặc dù vẫn giữ nguyên tôn chỉ, mục đích... của Hội Phục Việt, nhưng theo đánh giá của cơ quan mật thám Pháp thì Hưng Nam “có một tính cách ôn hòa hơn1. Sau đó, đã có một số lần Hội Hưng Nam có ý định hợp nhất với Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, nhưng khi bàn bạc cụ thể, thì hai bên không thống nhất được một số điểm như về tên gọi, về người lãnh đạo... cho nên việc hợp nhất bất thành.

Ngày 10-9-1926, Đại hội của Hội Hưng Nam (tổ chức tại Đà Nẵng), có đủ đại biểu của ba kỳ Bắc-Trung -Nam và một số thành viên mới như Đào Duy Anh, Huỳnh Thúc Kháng... Hội Hưng Nam quyết định đổi tên thành Việt Nam cách mạng Đảng, (tên gọi chỉ được dùng khi liên lạc với Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên)Sau Đại hội, Việt Nam cách mạng Đảng đã có nhiều cuộc họp, bàn về sửa đổi mục đích, đường lối của đảng, tên gọi cũng có lúc thay đổi, ví dụ: Việt Nam Tấn bộ Dân hội; Việt Nam cách mệnh đồng chí hội... nhưng phải đến ngày 14-7-1928, khi đại hội được tổ chức tại Huế, mới chính thức lấy tên: Tân Việt cách mạng Đảng (tức Tân Việt). Đến tháng 9 -1929,  Kỳ bộ Tân Việt Trung kỳ và Kỳ bộ Tân Việt Nam kỳ họp tại nhà số 5 đường Nguyễn Tấn Nghiệm (Sài Gòn) và đưa ra đề nghị đổi tên thành Đông Dương cộng sản Liên đoàn. Tuy nhiên, do nhiều lý do, trong đó có việc nhiều lãnh đạo cao cấp của Tân Việt bị bắt, cho nên việc thành lập Đông Dương cộng sản Liên đoàn chưa thực hiện được.

Tổ chức Tân Việt cách mạng Đảng đã có những đóng góp hết sức to lớn đối với việc thành lập Đảng và cách mạng Việt Nam. Về vấn đề này, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nhận định: “Không phải đến khi có Đảng cộng sản Đông Dương mới có phong trào vô sản. Những nhà cách mạng tiên tiến của dân tộc ở trong Thanh niên cách mạng đồng chí hội, Tân Việt,... đều đã có ý thức đúng đắn trên lập trường của giai cấp công nhân, đã hướng cách mạng Việt Nam về lập trường của giai cấp công nhân với hình thức thích hợp lúc ấy, mặc dù lập trường ấy chưa được rõ rệt, còn non yếu”1. Vì vậy, nghiên cứu về hoạt động của tổ chức cách mạng Tân Việt và những hoạt động, cống hiến của các yếu nhân của tổ chức này như: Lê Văn Huân, Ngô Đức Diễn, Tôn Quang Phiệt, Lê Duy Điếm, Phan Đăn Lưu, Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Chí Diểu,... sẽ góp phần làm sáng tỏ hơn lịch sử đấu tranh cách mạng sục sôi của nhân dân các tỉnh Trung Kỳ. Đồng thời, qua đó giáo dục về truyền thống anh hùng của một trung tâm cách mạng của cả nước trong những năm giữa thập niên hai mươi đến đầu thập niên ba mươi của thế kỷ XX.

2. Về hoạt động, cống hiến của đồng chí Nguyễn Chí Diểu trong tổ chức Tân Việt cách mạng Đảng (Tân Việt), ngay từ năm 1925, khi đang còn học tại Trường Quốc học Huế, đồng chí đã gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều chí sĩ yêu nước: Đào Duy Anh, Trần Mộng Bạch, Lê Duy Điếm... (những người lãnh đạo của Hội Phục Việt và Hội Hưng Nam), được tuyên truyền tư tưởng yêu nước; đồng thời Nguyễn Chí Diểu còn được đọc nhiều sách báo có những bài viết của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Pháp theo con đường bí mật gửi về. Do đó, Nguyễn Chí Diểu đã sớm hình thành ý chí đấu tranh cách mạng, nhằm khôi phục giang sơn, giành tự do, độc lập cho đất nước. Trong những năm từ 1925 - 1927, Nguyễn Chí Diểu đã tham gia nhiều cuộc đấu tranh yêu nước của thanh niên, học sinh của Trường Quốc học Huế: tổ chức bãi khóa, đòi chính quyền Pháp phải ân xá cho cụ Phan Bội Châu; đòi được tổ chức lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Châu Trinh... Với những hoạt động tích cực, đầu năm 1927, Nguyễn Chí Diểu được kết nạp vào tổ chức Tân Việt; được giao làm công tác tuyên truyền giác ngộ trong tầng lớp thanh niên, học sinh2. Những hoạt động yêu nước, cách mạng của đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã bị mật thám Pháp ngày đêm theo dõi sát sao. Chúng kiếm cớ, vu cáo cho đồng chí tội “thiếu trung thực trong kỳ thi”, yêu cầu Trường Quốc học Huế buộc Nguyễn Chí Diểu phải thôi học. Sau khi bị buộc thôi học, đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã được sự giúp đỡ, dìu dắt của đồng chí Phan Đăng lưu, (một trong những người lãnh đạo của Tân Việt ở Trung Kỳ) tham gia hoạt động trong các cơ sở của Tân Việt như: Tòa soạn báo Tiếng Dân; cơ sở “Quan hải tùng thư”... ở Huế; đồng chí tiếp tục vận động nhiều thanh niên, học sinh tham gia phong trào đấu tranh yêu nước, các cuộc đấu tranh của học sinh.

Thời gian này, Huế là trung tâm chính trị - văn hóa, nhưng cũng có một số cơ sở sản xuất như: xưởng Dệt, xưởng sản xuất vôi (lớn nhất là xưởng Vôi Long Thọ), một số nhà in sách, báo..., trong đó có hàng trăm công nhân làm việc. Nhìn chung đời sống của những người lao động, công nhân làm việc tại đây rất bấp bênh, đồng lương rẻ mạt lại thường xuyên bị cúp phạt, bị bắt đem biếu xén cho chủ, thêm vào đó là đủ các loại thuế, phí... phải đóng góp, khiến cho cuộc sống công nhân gặp vô vàn khó khăn, nhiều cuộc đấu tranh đã nổ ra quyết liệt giữa công nhân và giới chủ. Trong mối quan hệ cộng đồng của người dân xứ Huế, những người trí thức, học sinh, nông dân, công nhân có mối liên hệ gần gũi với nhau. Chính vì thế, nỗi thống khổ của giai cấp công nhân; các cuộc đấu tranh của công nhân... có ảnh hưởng rất lớn đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là tầng lớp thanh niên trí thức yêu nước. Ngay từ những ngày học ở Trường Quốc học Huế, đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã chứng kiến nỗi thống khổ, bất công của nông dân và tầng lớp cần lao; thói ngạo mạn của các quan nha trong bộ máy cai trị thực dân. Đồng chí thường chia sẻ với các bạn bè về sự bất bình trước chương trình, mục tiêu giáo dục “nhồi sọ” của chính quyền thực dân, nhằm tạo ra những tên tay sai đắc lực phục vụ cho “mẫu quốc”.... Đồng chí rất cảm thông, sẻ chia và muốn gần gũi với những người thuộc tầng lớp những người lao động. Là người trực tiếp giác ngộ và giới thiệu cho tổ chức Tân Việt nhiều thanh niên có chí hướng yêu nước, muốn tham gia cách mạng, để kết nạp họ vào tổ chức Tân Việt, Nguyễn Chí Diểu phải tuyên truyền về điều lệ của Hội Tân Việt và hướng dẫn họ trải qua các lớp huấn luyện về chủ nghĩa yêu nước; về kinh nghiệm của các phong trào chống Pháp trước kia; về lịch sử các cuộc cách mạng Pháp, cách mạng Trung Quốc, cách mạng Nga; về sự cần thiết phải trau dồi đạo đức, tư cách để trở thành những chiến sĩ cách mạng sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Để gia nhập hội, các hội viên phải tuyên thệ: “Tôi không tham tài, không tham sắc, không tham danh, không tham lợi, chỉ tham cái tư cách cao thượng của người quốc dân... Tôi không sợ nghèo, không sợ khổ, không sợ chết, không sợ tù, chỉ sợ không làm được chí tôi”3.

Tháng 7-1928, sau Đại hội của Tân Việt (tổ chức ở Huế), thực hiện chủ trương kiện toàn lại tổ chức ở tất cả các cấp, đồng chí Nguyễn Chí Diểu được bầu làm Ủy viên Kỳ bộ Tân Việt tại Trung Kỳ. Đồng chí đã có những hoạt động sâu sát, chỉ đạo kịp thời, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển ngày càng mạnh mẽ.

Những hoạt động của tổ chức Tân Việt, đặc biệt là hoạt động của những người lãnh đạo như Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu… thường xuyên bị mật thám lùng sục, theo dõi ngày đêm. Do đó, năm 1929, theo quyết định của tổ chức, đồng chí Nguyễn Chí Diểu được điều động vào Nam Kỳ hoạt động. Sau khi vào Sài Gòn, đồng chí nhanh chóng nắm tình hình, tham gia chỉ đạo, kiện toàn lại tổ chức và hoạt động của Tân Việt ở Kỳ bộ Nam Kỳ. Bởi vì, cuối tháng 12-1928, xảy ra vụ án đường Bácbiê (Sài Gòn), Kỳ bộ Tân Việt (Nam kỳ) bị chính quyền thực dân Pháp đánh phá ác liệt, lực lượng bị tổn thất nặng nề. Nhiều đảng viên của Tân Việt trong đó có các đồng chí lãnh đạo như Nguyễn Duy Trinh, Đào Xuân Mai… đã bị bắt; đồng chí Hà Huy Tập phải lánh sang Trung Quốc; hầu hết các tổ chức cơ sở của Tân Việt bị khủng bố trắng, vì thế công việc khôi phục lại các cơ sở cách mạng và kiện toàn tổ chức của Tân Việt trở nên cấp thiết. Sau gần 1 năm, dưới sự chỉ đạo và hoạt động tích cực của các đồng chí lãnh đạo Kỳ bộ, trong đó có đồng chí Nguyễn Chí Diểu, hầu hết các tổ chức, cơ sở của Tân Việt ở Nam kỳ đã được lập lại.

Trước sự phát triển của phong trào cách mạng, yêu cầu phải có sự lãnh đạo thống nhất, tháng 9-1929, lãnh đạo Kỳ bộ Tân Việt Trung kỳ vào Sài Gòn, họp bàn với Kỳ bộ Tân Việt Nam kỳ và đưa ra dự kiến, đầu năm 1930 sẽ triệu tập hội nghị thành lập đảng cộng sản (lấy tên là Đông Dương Cộng sản liên Đoàn). Việc thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn dù sau đó chưa thực hiện được, bởi một số người đứng đầu của Tân Việt đã mật thám Pháp bị bắt, nhưng Tân Việt vẫn ra Tuyên đạt thông báo trước toàn dân về sự kiện này. Nội dung bản Tuyên đạt của Tân Việt nêu rõ: “Hiện thời, trào lưu cộng sản đang dâng cao khắp toàn cầu... Ở xứ Đông Dương, xu hướng cộng sản đang đâm chồi này lộc, nhất là từ ba bốn năm nay Việt Nam cách mệnh Thanh niên Hội và Tân Việt Cách mệnh Đảng ra đời thì ảnh hưởng cộng sản trong đám lao khổ ngày càng sâu rộng, cho nên mọi người dân lao khổ xứ Đông Dương ngày càng hiểu chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng họ khỏi cảnh lầm than nô lệ, mới đem lại độc lập hoàn toàn cho xứ Đông Dương, xóa bỏ chế độ người bóc lột người... Do tình hình nói ở trên, nên những người giác ngộ cộng sản chân chính trong Tân Việt Cách mệnh Đảng trịnh trọng tuyên ngôn cùng toàn thể đảng viên Tân Việt Cách mệnh Đảng, toàn thể thợ thuyền, dân cày và lao khổ biết rằng, chúng tôi đã chánh thức thành lập ra Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn”4.

Bản Tuyên đạt đồng thời nêu rõ tôn chỉ, mục đích tiến hành cách mạng, giành độc lập dân tộc: “Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn lấy chủ nghĩa cộng sản làm nền móng, lấy công nông, binh liên hiệp làm đối tượng vận động cách mệnh để thực hành cách mệnh cộng sản trong xứ Đông Dương, làm cho xứ sở của chúng ta hoàn toàn độc lập, xóa bỏ nạn người bóc lột người, xây dựng chế độ công nông chuyên chính tiến lên cộng sản chủ nghĩa trong toàn xứ Đông Dương...”5.   

Trước sự ra đời của 2 tổ chức cộng sản ở Việt Nam (Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng), đêm 31-12-1929 rạng ngày 1-1-1930, trên một con đò dọc, xuôi từ bến Chợ Thượng đến bến Đò Trai (Hà Tĩnh), những người đứng đầu tổ chức Tân Việt đã dự kiến họp, tuyên bố thành lập Đông Dương Cộng sản liên Đoàn. Tuy nhiên, do bị lộ nên các đại biểu đều bị bắt. Mặc dù chưa thực hiện được kế hoạch đề ra, song đây vẫn được coi là thời điểm hoàn tất quá trình thành lập Đông Dương Cộng sản liên Đoàn, 1 trong 3 tổ chức tiền thân của Đảng. Đồng chí Nguyễn Chí Diểu tham gia Kỳ bộ Nam kỳ của Đông Dương Cộng sản liên Đoàn.

Đầu năm 1930, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã được tổ chức tại bán đảo Cửu Long, Hồng Công, Trung Quốc. Ngày 24-2-1930, Đông Dương Cộng sản liên Đoàn gửi đơn xin gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam và được chấp nhận, quá trình hợp nhất 3 tổ chức cộng sản ở Việt Nam thành Đảng cộng sản Việt Nam đã hoàn tất. Theo đó, tất cả những đảng viên của các tổ chức tiền thân, trong đó có Đông Dương Cộng sản liên Đoàn trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam.  

Sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu kết quả của cuộc đấu tranh anh hùng, bền bỉ của nhân dân Việt Nam trong suốt những năm đầu thế kỷ XX; là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước; là kết quả của quá trình lựa chọn, sàng lọc của lịch sử và của quá trình chuẩn bị kỹ càng về chính trị, tư tưởng và tổ chức của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc; đồng thời có sự đóng góp quan trọng của các tổ chức cộng sản tiền thân.

 Sự ra đời của Đảng tạo nên bước ngoặt trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối, đưa cách mạng Việt Nam bước vào thời kỳ phát triển mới. Đồng chí Nguyễn Chí Diểu được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phong trào cách mạng trong cả nước đã phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là cao trào cách mạng Xô viết Nghệ - Tĩnh cùng với hàng loạt các cuộc đấu tranh của nhân dân Nam kỳ chống sưu cao, thuế nặng. Trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Gia Định, với bề dày kinh nghiệm hoạt động cách mạng; phong cách làm việc linh hoạt, sâu sát, đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã chỉ đạo thành lập được nhiều tổ chức Đảng và cơ sở cách mạng trên địa bàn Gia Định. Chính quyền thực dân Pháp đã liên tục tiến hành khủng bố, đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân; chúng đã tiến hành bắt bớ, giết hại nhiều chiến sĩ cách mạng, trong đó có đồng chí Châu Văn Liêm (6-1930). Tháng 10-1930, đồng chí Nguyễn Chí Diểu bị mật thám Pháp bắt và bị đưa đến giam giữ ở Khám Lớn, Sài Gòn. Đến năm 1933, tòa án thực dân kết đồng chí mức án khổ sai chung thân, rồi đày ra Côn Đảo.

3. Nhìn lại những hoạt động yêu nước đầu tiên trong phong trào đấu tranh của học sinh, thanh niên ở Huế, đến những năm, tháng hoạt động, cống hiến của đồng chí Nguyễn Chí Diểu trong tổ chức Tân Việt và Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn, góp phần vào tiến trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, có thể thấy đồng chí là một thanh niên trí thức có tinh thần yêu nước nhiệt thành, một tài năng cách mạng bộc lộ từ rất sớm. Dù ở cương vị nào, ở bất cứ đâu, đồng chí Nguyễn Chí Diểu cũng tỏ rõ quyết tâm khắc phục mọi khó khăn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã có những cống hiến tích cực vào quá trình phát triển của tổ chức Tân Việt, cải tổ Tân Việt từ một tổ chức yêu nước, cách mạng đầu tiên ở Trung kỳ, thành một tổ chức cộng sản. Bởi khi mới thành lập, tổ chức Tân Việt còn rất lúng túng trong việc đưa ra chương trình hành động, phương pháp cách mạng, cơ cấu tổ chức... nhưng với ảnh hưởng của những đảng viên theo khuynh hướng mácxít, tiêu biểu là Lê Duy Điếm, Nguyễn Sĩ Sách, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu... đường lối, mục tiêu cách mạng và cách thức hoạt động của tổ chức Tân Việt cách mạng Đảng đã học theo Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, chuyển dần thành một tổ chức theo xu hướng cộng sản. Nhờ đó, những quan điểm lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền bá, đã được xác lập trong Tân Việt, đó là một trong những tiền đề quan trọng cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều đó còn lý giải tại sao khu vực miền Trung sớm trở thành trung tâm cách mạng mạnh nhất của cả nước, trong những năm đầu thập niên 30 của thế kỉ XX.

Cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Chí Diểu là hiện thân tiêu biểu cho tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Chí Diểu mãi mãi là tấm gương sáng về tinh thần hy sinh, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và hạnh phúc của nhân dân, một đảng viên cộng sản mẫu mực cho chúng ta học tập, noi theo.

Ngày nhận bài 13-10- 2023; Ngày thẩm định 24-3-2024; Ngày duyệt đăng 9-4-2024
1. Lê Duẩn: Một vài đặc điểm của cách mạng Việt Nam, Nxb ST, H, 1967, tr. 8.
2. Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã đưa cho đồng chí đọc những ấn phẩm cách mạng của Liên đoàn các dân tộc bị áp bức trên thế giới và tài liệu bí mật của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, trong đó có một số bài phát biểu của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại các lớp bồi dưỡng cán bộ ở Quảng Châu (Trung Quốc).
3. Theo Ngô Đức Mậu: Hồi ký, bản đánh máy, lưu tại Viện Hồ Chí Minh, tr. 25.
4, 5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 1998, tr. 403, 403-405

PGS,TS TRẦN MINH TRƯỞNG

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
1. Tổ chức Tân Việt cách mạng Đảng - tiền thân là Hội Phục Việt được thành lập ngày 14-7-1925, tại thành phố Vinh (nghệ An). Mục đích của Hội là nhằm đoàn kết các lực lượng yêu nước, tiến bộ để làm cách mạng đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, lật đổ chế độ phong kiến, tay sai của giặc, đem lại độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho đồng bào. Tuy nhiên, tên của Hội Phục Việt chỉ tồn tại tương đối ngắn, đầu năm 1926, Hội Phục Việt đổi tên thành Hội Hưng Nam (tức là Phục hưng Việt Nam). Mặc dù vẫn giữ nguyên tôn chỉ, mục đích... của Hội Phục Việt, nhưng theo đánh giá của cơ quan mật thám Pháp thì Hưng Nam “có một tính cách ôn hòa hơn”1. Sau đó, đã có một số lần Hội Hưng Nam có ý

Tin khác cùng chủ đề

Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Tinh thần quyết chiến quyết thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc
Nghệ thuật tác chiến phòng không trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Gửi bình luận của bạn