Cách đây 72 năm, ngày 23/10/1945, đúng 01 tháng sau ngày quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến ở Nam bộ (23/9/1945), quân và dân ở Nha Trang - Khánh Hòa thực hiện cuộc tiến công đồng loạt các vị trí quân địch trong thị xã Nha Trang, mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp ở Khánh Hòa và Nam Trung bộ.

Cách đây 72 năm, ngày 23/10/1945, đúng 01 tháng sau ngày quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến ở Nam bộ (23/9/1945), quân và dân ở Nha Trang - Khánh Hòa thực hiện cuộc tiến công đồng loạt các vị trí quân địch trong thị xã Nha Trang, mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp ở Khánh Hòa và Nam Trung bộ.

Nam Trung bộ nói chung, Nha Trang - Khánh Hòa nói riêng là một địa bàn có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về địa chính trị, địa quân sự và địa kinh tế. Trong ý đồ trở lại xâm lược nước ta, thực dân Pháp xác định Nam Trung bộ là  mục tiêu chiến lược, trong đó Nha Trang là một mục tiêu quan trọng nhất cần phải đánh chiếm. Nha Trang là một thị xã (nay là thành phố) ven biển, có hải cảng, sân bay; có quốc lộ 1- tuyến giao thông huyết mạch Bắc -Trung -Nam; mặt khác đường bộ từ Nha Trang lên Buôn Ma Thuột - "thủ phủ" của Tây Nguyên cũng rất gần. Nếu chiếm Nha Trang  sẽ tạo được bàn đạp quan trọng để đánh chiếm các tỉnh Nam Trung bộ, thực hiện chia cắt chiến lược, cắt đứt sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường Nam bộ.

Với vị trí quan trọng như thế nên chỉ sau một tuần đánh chiếm Sài Gòn, đầu tháng 10/1945, thực dân Pháp đưa thiết giáp hạm Ri-sơ-li-ơ tới vùng biển Khánh Hòa. Đến trung tuần tháng 10, gần 1.000 quân Pháp từ chiến hạm Ri-sơ- li-ơ đổ bộ lên bãi biển Nha Trang, trước khách sạn Bô-Ri-va-ve (nay là khu vực khách sạn Hải Yến). Cùng lúc, quân Pháp trong thị xã bung ra chiếm một loạt vị trí ven biển từ Cầu Đá đến Lầu Ông Tư, nhà ga, nhà đèn, máy nước đều do quân Pháp đóng giữ. Sân bay Nha Trang được Pháp tăng cường một số máy bay, trên mặt biển có các loại tàu chiến nhỏ, ca nô tuần tiễu từ Cầu Đá tới cửa sông Cái. Ngoài khơi, chiến hạm Ri-sơ-li-ơ kiểm soát toàn bộ mặt biển từ cảng Cam Ranh tới Vũng Rô, sẵn sàng dùng pháo lớn chi viện cho bộ binh ở đất liền.

Quân Nhật vẫn đóng tại các vị trí cũ như khu vực Grand Hotel (khách sạn 44 Trần Phú), sân bay, kho bạc, kho vũ khí Bình Tân.

Trước hành động xâm lược trắng trợn của thực dân Pháp, Nha Trang được Xứ ủy, Ủy ban nhân dân cách mạng Trung bộ và Trung ương đặc biệt quan tâm. Xứ ủy sớm nhận định và chỉ thị: Thực dân Pháp đánh chiếm Nha Trang là uy hiếp trực tiếp con đường chi viện sức người, sức của từ miền Bắc, miền Trung vào Nam bộ. Cho nên vây chặt giặc Pháp tại Nha Trang để giữ con đường chi viện cho Nam bộ là một yêu cầu bức thiết mà Trung ương giao cho Đảng bộ và chính quyền cách mạng miền Trung, trực tiếp là Đảng bộ, quân và dân Nha Trang - Khánh Hòa.

Thực hiện chủ trương của Trung ương, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy, quân dân Nha Trang - Khánh Hòa đã khẩn trương chuẩn bị kháng chiến, sẵn sàng đánh trả với tinh thần chủ động tiến công. Để lãnh đạo cuộc chiến đấu, Ban Chỉ huy Mặt trận Nha Trang được thành lập. Đại bộ phận các cơ quan tỉnh và thị xã Nha Trang đều được lệnh từ Nha Trang chuyển lên Thành Diên Khánh và vùng phụ cận Vĩnh Xương. Các xí nghiệp, cơ xưởng được sơ tán về vùng nông thôn và các căn cứ ở Diên Khánh, Ninh Hòa. Nhân dân thị xã Nha Trang thực hiện "vườn không nhà trống"; người già, phụ nữ, trẻ em tản cư về nông thôn, thanh niên tình nguyện ở lại tham gia tự vệ và chiến đấu.

Căn cứ vào so sánh lực lượng địch, ta và tình hình của Nha Trang-Khánh Hòa lúc bấy giờ, ta chủ trương dùng lực lượng bộ đội tại chỗ chủ động tấn công một số mục tiêu được coi là quan trọng, mà lực lượng địch ở đó tương đối mỏng, ta sẽ thâm nhập như nhà ga, nhà đèn, khu kho Bình Tân nhằm tiêu diệt một số binh lính địch, phá hủy cơ sở vật chất. Sau đó, rút ra cùng lực lượng bên ngoài thực hiện nhiệm vụ chủ yếu bao vây chặt quân Pháp trong thị xã không cho chúng mở rộng diện chiếm đóng. Đồng thời kiên quyết giữ vững giao thông Bắc-Nam, đảm bảo thông suốt con đường chi viện cho Nam bộ.

Trong khi quân và dân ta ở Nha Trang đang khẩn trương chuẩn bị thì quân Pháp và quân Nhật ngày càng tăng cường các hoạt động khiêu khích, lấn chiếm và hành động đó ngày càng bộc lộ trắng trợn.

Với tinh thần chủ động tiến công địch, đúng 03 giờ sáng ngày 23/10/1945, cuộc tiến công của quân và dân ta vào tất cả các vị trí quân Pháp trong thị xã Nha Trang bắt đầu. Chiến sự diễn ra ác liệt tại nhà ga xe lửa Nha Trang, khu vực nhà đèn, Xóm Mới, khu Bình Tân...gây cho địch bất ngờ lớn, lúng túng, bị động đối phó.

Ở khu vực nhà ga, sau vài phút chiến đấu, ta đã làm chủ trận địa, tiêu diệt toàn bộ quân địch, thu vũ khí. Tại đây, đồng chí Võ Văn Ký, người chỉ huy lực lượng tự vệ Nha Trang đã chiến đấu dũng cảm và hy sinh. Tại khu vực nhà đèn, ta phá hủy một số máy móc và làm chủ một ngày. Tại khu vực kho vũ khí Bình Tân do ta không cân sức và thiếu kinh nghiệm chiến đấu, ta không chiếm được kho, phải rút lên Đồng Bò.

Quân Pháp có lực lượng lớn và được quân Nhật trợ chiến chiếm các điểm cao như đồi Sinh Trung, đồi Trại Thủy, lập trận địa pháo khống chế khu vực nội thành và vùng xung quanh thị xã.

Như vậy, ngày 23/10/1945, đúng 01 tháng sau ngày quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến ở Nam bộ (23/9/1945), quân và dân ta ở Nha Trang thực hiện cuộc tiến công đồng loạt các vị trí quân địch trong thị xã Nha Trang. Đây là cuộc chiến đấu có sự chuẩn bị chu đáo, mở đầu cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Khánh Hòa và Nam Trung bộ. Tuy ngày đầu thắng lợi về quân sự chưa nhiều, song có giá trị tinh thần to lớn. Lần nữa cho quần chúng thấy được hành động xâm lược dã man tàn bạo của thực dân Pháp và quyết tâm chiến đấu của Đảng ta, từ đó dấy lên lòng căm thù giặc sâu sắc, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của các lực lượng vũ trang.

Sau khi đồng loạt tiến công vào các vị trí địch và chiến đấu liên tục suốt ngày 23/10, gây cho địch một số thiệt hại, được lệnh của Ban Chỉ huy Mặt trận, các đơn vị của ta thực hiện rút dần lực lượng ra khỏi thị xã, củng cố tổ chức, phối hợp với lực lượng bên ngoài lập phòng tuyến chiến đấu, chỉ để lại một bộ phận lược lượng công an trinh sát làm nhiệm vụ diệt trừ việt gian tay sai.

Phòng tuyến đầu tiên được hình thành là phòng tuyến Chợ Mới - Bờ-rờ-ten, gồm: tuyến phía Bắc thị xã (khu vực Đồi La San, cầu Xóm Bóng, Tháp Bà lên đến hầm xe lửa số 1), tuyến phía Tây (từ bến đò Kim Bồng, Nam bờ sông Cái theo dọc đường sắt cắt ngang qua quốc lộ I khu vực Chợ Mới xuống phía Tây Nam qua vùng Thái Thông, Thủy Tú tới dãy Đồng Bò). Phòng tuyến được thiết kế tương đối kiên cố, tạo thành một thế trận bao vây, ngăn chặn quân địch. Trong điều kiện lực lượng của ta còn mỏng, vũ khí thô sơ, chưa đủ sức tác chiến dài ngày trong nội thị, việc rút ra vòng ngoài lập phòng tuyến bao vây quân Pháp là một chủ trương hết sức sáng suốt, có ý nghĩa chiến lược sâu sắc, vừa bảo toàn được lực lượng, vừa bảo đảm không cho giặc mở rộng phạm vi chiếm đóng ra các vùng tự do của ta.

Cùng với việc xây dựng phòng tuyến chiến đấu, ta còn tăng cường công tác củng cố, phát triển lực lượng hoạt động bí mật, đồng thời gây dựng, tổ chức các cơ sở cách mạng hoạt động hợp pháp tại những nơi bị chúng chiếm đóng.

Nhờ xây dựng được phòng tuyến vững chắc, trong vòng 01 tháng (từ ngày 23/10 đến 23/11), các lực lượng của ta trên phòng tuyến đã chiến đấu đánh lui tất cả các cuộc phản kích mở vây của quân Pháp, các lực lượng tự vệ nội thị phối hợp chiến đấu, liên tiếp tổ chức những đợt tấn công chớp nhoáng vào các vị trí trọng yếu của quân Pháp, gây cho chúng một số thiệt hại về sinh lực và phương tiện chiến tranh.

Mục đích của quân Pháp chiếm Nha Trang làm bàn đạp mở rộng phạm vi chiếm đóng ra các vùng tự do không thể thực hiện được. Bước đầu âm mưu "đánh nhanh, thắng nhanh" của thực dân Pháp đã bị quân, dân Nha Trang - Khánh Hòa kìm chân và bị sa lầy ở Mặt trận Nha Trang. Do vậy, Pháp tăng cường lực lượng mở các cuộc tiến công mới. Trong 02 ngày 22 và 23/11/1945, quân Pháp tung lực lượng lớn có trọng pháo yểm trợ tấn công phòng tuyến Chợ Mới đến chùa Bà Nghè-Ngọc Hội. Trước sức tiến công của địch, chiều ngày 23/11 toàn bộ lực lượng của ta rút khỏi phòng tuyến Chợ Mới, lui về phía sau lập phòng tuyến mới: phòng tuyến Cây Da - Quán Giếng (Vĩnh Điềm Thượng-cách Nha Trang 6 km về phía Tây) để tiếp tục cuộc bao vây giặc Pháp.

Những nơi trực tiếp có chiến sự, dân quân, du kích, tự vệ phục vụ tiền tuyến, tải thương, tiếp tế lương thực, liên lạc dẫn đường, giúp các đơn vị mới tăng cường cho mặt trận trong xây dựng kế hoạch tác chiến và trực tiếp chiến đấu cùng bộ đội. Những nơi chưa có chiến sự như các huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa, Cam Ranh, các lực lượng tổ chức canh gác, xây dựng công sự, lập các đội vận tải phục vụ mặt trận và chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Một số đơn vị dân quân tập trung của Ninh Hòa được tăng cường cho phòng tuyến phía Bắc Mặt trận Nha Trang. Những điểm xung yếu như cầu, cống dọc quốc lộ 1, quốc lộ 21 (nay là quốc lộ 26) và trên tuyến đường sắt được dân quân du kích các địa phương trong tỉnh chốt giữ.

Diễn biến ở chiến trường Nam bộ, Nam Trung bộ và Mặt trận Nha Trang luôn được Trung ương Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch dành sự quan tâm đặc biệt. Trung ương đã điều 19 đơn vị bộ đội của các tỉnh, thành phố như Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi...vào chi viện cho Mặt trận Nha Trang và các đơn vị này đã sát cánh cùng quân và dân Nha Trang - Khánh Hòa kháng chiến. Đồng thời, cũng cử các phái viên đến Nha Trang để nắm tình hình. Cuối tháng 12/1945, Hồ Chủ tịch cử phái đoàn Chính phủ do đồng chí Lê Văn Hiến- Bộ trưởng Bộ Lao động dẫn đầu đến Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa để tìm hiểu tình hình, phổ biến một số chính sách, chủ trương của Chính phủ và thư của Bác Hồ.

Tiếp theo phái đoàn của Bộ trưởng Bộ Lao động Lê Văn Hiến, tháng 01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ cử đồng chí Võ Nguyên Giáp, người phụ trách quân sự của Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ vào kiểm tra tình hình Mặt trận miền Nam. Ngày 27/01/1946, đồng chí tới thị sát mặt trận Nha Trang và đến tận các phòng tuyến thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở đây, đồng chí đã biểu dương quân và dân Nha Trang- Khánh Hòa: "Với biết bao khó khăn của ngày đầu kháng chiến, quân và dân Nha Trang - Khánh Hòa đã bám trụ vững chắc một thời gian dài trên tuyến lửa, tiêu diệt và tiêu hao, giữ chân quân Pháp, thật sự làm thất bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của địch...cho đến lúc này giao thông của ta từ Bắc vào Nam vẫn thông suốt để Trung ương vẫn tiếp tục chuyển vũ khí, bộ đội vào Nam bộ, tạo điều kiện cho hậu phương chuẩn bị kháng chiến "[1]

Về phương hướng kháng chiến của Khánh Hòa trong thời gian tới, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã vạch ra một số nét tổng quát: "Từ thực tiễn mặt trận Nha Trang có thể rút ra những bài học bổ ích. Rõ ràng khi địch tiến công ào ạt, lực lượng chúng ta còn hạn chế, việc lập phòng tuyến vừa đánh vừa chặn địch với quyết tâm cao là tốt. Song sắp tới đây, thực dân Pháp sẽ tăng viện mở cuộc tiến công mới, ta cần thấy trước và điều chỉnh ngay sự bố trí và cách tác chiến, không thể giữ mãi các phòng tuyến hiện nay mà phải chủ động rút ra một bộ phận chủ lực, chỉ để một bộ phận nhỏ bám sát địch, tổ chức những đơn vị cơ động đánh địch bằng các hình thức tập kích, phục kích tiêu hao sinh lực địch, cho biệt động hoặc du kích thâm nhập đánh phá, toàn dân đánh giặc, mọi vùng, mọi làng đều  thành làng xã chiến đấu. Đồng thời tỉnh nên chủ động xây dựng căn cứ kháng chiến ở vùng Đồng Trăng"[2]      

Đúng như nhận định của đồng chí Võ Nguyên Giáp, sau hơn 03 tháng tập trung lực lượng đánh chiếm Nha Trang nhưng quân Pháp vẫn không mở rộng được phạm vị chiếm đóng ra toàn vùng Nam Trung bộ, vì thế, cuối tháng 01/1946 có quân tăng viện từ chính quốc,  Pháp huy động 15.000 quân mở cuộc hành quân quy mô có tên là "Bò Tót" (Gaur) tiến công các tỉnh Nam Trung bộ. Mục đích chính của cuộc hành quân là giải vây cho Nha Trang. Lực lượng địch tổ chức thành 02 cánh: 01 cánh tiến từ Phan Rang ra Nha Trang; 01 cánh xuất phát từ Buôn Ma Thuột tiến theo quốc lộ 21 xuống Ninh Hòa. Như vậy, địch đã hình thành 02 gọng kìm từ 02 hướng Bắc - Nam. Cùng lúc với 02 cánh quân từ bên ngoài đánh vào, quân Pháp ở Nha Trang cũng tổ chức hành quân đánh chiếm vào các phòng tuyến của ta.

So sánh tương quan quân sự không cân sức, đồng thời để bảo toàn lực lượng, thực hiện ý kiến chỉ đạo của trên, Ban Chỉ huy mặt trận chủ trương để lại một bộ phận nhỏ bám nắm địch, còn lại rút toàn bộ lực lượng ra bờ sông Cái về Tứ Thôn Đại Điền nhằm chuyển hướng chiến lược chuẩn bị cho phong trào du kích chiến và kháng chiến lâu dài. Ngày 01/02/1946, Ban Chỉ huy mặt trận và các cơ quan đầu não của ta trong Thành Diên Khánh cũng kịp rút lên Đồng Trăng, kết thúc thắng lợi 101 ngày đêm bao vây giam chân quân Pháp ở Nha Trang.

Cuộc chiến đấu bao vây quân Pháp 101 ngày đêm tại Mặt trận Nha Trang thực sự là một trận đánh lớn. Cuộc chiến đấu ấy diễn ra sau Nam bộ kháng chiến 01 tháng, trước toàn quốc kháng chiến 14 tháng, trong điều kiện chúng ta có nhiều thuận lợi nhưng cũng chồng chất những khó khăn, phải chống chọi với nhiều kẻ thù cùng một lúc, đặc biệt là thực dân Pháp quyết tái chiếm nước ta, nuôi ảo vọng lập lại ách thống trị thực dân nhưng với sự tham gia của lực lượng vũ trang, nhân dân địa phương cùng hàng chục đơn vị bộ đội Nam tiến từ miền Bắc, miền Trung vào, được sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Nam phần Trung bộ, cuộc chiến đấu đã thực hiện thắng lợi mục tiêu: tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giam chân chúng một thời gian trong thị xã, giữ vững tuyến giao thông liên lạc Bắc - Nam thêm một thời gian, góp phần làm chậm lại kế hoạch nhanh chóng mở rộng phạm vi chiếm đóng của địch; bảo toàn lực lượng vũ trang, chính quyền, các tổ chức đoàn thể quần chúng, sau đó thực hiện rút lực lượng ra khỏi thị xã về vùng căn cứ, thực hiện kháng chiến lâu dài. Điều quan trọng là trải qua chiến đấu, lực lượng vũ trang ta trưởng thành và tiến bộ vượt bậc về mọi mặt. Chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện đã phát huy hiệu quả tác dụng ngay từ những ngày đầu kháng chiến. 

 Cuộc chiến đấu 101 ngày đêm ở Nha Trang- Khánh Hòa đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, nhất là về tổ chức và tiến hành chiến tranh nhân dân, đó là cơ sở, niềm tin để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta củng cố thêm quyết tâm tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Ngày 23/10/1945 và cuộc chiến đấu 101 ngày đêm ở Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa đã trở thành một trong những mốc son chói lọi, mở đầu cho cuộc kháng chiến chống Pháp ở Khánh Hòa và Nam Trung bộ.

Thắng lợi 101 ngày đêm ở Mặt trận Nha Trang- Khánh Hòa xứng đáng đón nhận những lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Chính phủ Dân chủ Cộng hòa Việt Nam rất khen ngợi các chiến sĩ ở mặt trận miền Nam, đặc biệt là chiến sĩ ở Nha Trang và ở Trà Vinh đã làm gương anh dũng cho toàn quốc. Tổ quốc biết ơn các bạn, toàn thể đồng bào noi gương các bạn"[3].

Để xứng đáng hơn nữa với lời khen cũng là tấm lòng của Bác đối với miền Nam và riêng với Nha Trang - Khánh Hòa, trong những năm qua, phát huy truyền thống anh hùng của Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa, Đảng bộ, quân và dân Khánh Hòa luôn đoàn kết vượt qua khó khăn, thử thách, vừa khắc phục hậu quả chiến tranh và hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa xây dựng phát triển tỉnh nhà. Đặc biệt, trong những năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng bộ và Nhân dân Khánh Hòa đã không ngừng phấn đấu, nỗ lực, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và đã thu được nhiều thành tựu quan trọng đáng phấn khởi trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh.

                                                                                                   AN HÒA



[1] Bác Hồ trong lòng dân Khánh Hòa, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, 1990, tr.22

[2] Bác Hồ trong lòng dân Khánh Hòa, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, 1990, tr.22,23,25.

[3] Hồ Chí Minh- Toàn tâp, tập 4(1945-1946), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.120.

Cách đây 72 năm, ngày 23/10/1945, đúng 01 tháng sau ngày quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến ở Nam bộ (23/9/1945), quân và dân ở Nha Trang - Khánh Hòa thực hiện cuộc tiến công đồng loạt các vị trí quân địch trong thị xã Nha Trang, mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp ở Khánh Hòa và Nam Trung bộ. Nam Trung bộ nói chung, Nha Trang - Khánh Hòa nói riêng là một địa bàn có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về địa chính trị, địa quân sự và địa kinh tế. Trong ý đồ trở lại xâm lược nước ta, thực dân Pháp xác định Nam Trung bộ là  mục tiêu chiến lược, trong đó Nha Trang là một mục tiêu quan trọng nhất cần phải đánh chiếm. N

Tin khác cùng chủ đề

Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Đoàn kết quốc tế - Tư tưởng chiến lược Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam
70 năm Điện Biên Phủ: Sức mạnh của toàn dân, sức mạnh của lòng dân

Gửi bình luận của bạn