Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng đầy khó khăn, gian khổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi qua nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, làm nhiều công việc khác nhau. Các tên gọi, bí danh, bút danh và thông tin lý lịch của Người được lưu trữ trong các tài liệu cũng có những nội dung khác nhau. Bài viết cung cấp một số thông tin về năm sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các tài liệu được khai thác ở hồ sơ lưu trữ và hồi ký cá nhân trong và ngoài nước.

Một số thông tin về năm sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các tài liệu lưu trữ
Một số thông tin về năm sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các tài liệu lưu trữ

1. Những năm sinh của Nguyễn Ái Quốc trong hồ sơ lưu trữ Pháp

Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã ở nước ngoài 30 năm, đi qua 4 châu lục, đến 28 quốc gia, vùng lãnh thổ và cho đến khi trở thành Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người từng sử dụng 90 tên gọi, bí danh, bút danh khác nhau bao gồm cả tên khai sinh, tên do thân phụ đổi, tên trên giấy tờ chính thức, tên tự đặt. Ở trong nước, mật thám Pháp đã ghi tên Nguyễn Tất Thành vào sổ đen sau khi anh tham gia cuộc biểu tình chống thuế của nông dân Thừa Thiên-Huế, tháng 4-1908. Tại Pháp, tháng 6-1919, sau khi bản Yêu sách của nhân dân An Nam ký tên Nguyễn Ái Quốc đượcgửi tới Hội nghị Versailles, mật thám Pháp đã lập tức chú ý đến anh Nguyễn. Ngày 6-9-1919, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp Albert Sarrault đã mời anh Nguyễn đến gặp mặt để đích thân kiểm tra lai lịch. Tháng 10-1919, chính quyền thực dân Pháp ở Paris đã thành lập Sở Chính trị theo dõi tình hình, động thái của người An Nam tại Pháp và các mối liên hệ của họ với Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc tất nhiên đã trở thành một đối tượng cần phải quan tâm đặc biệt của sở này. Cùng việc luôn bị đeo bám, giám sát, đe nẹt, thậm chí lục soát nơi ở, mật thám còn ghi chép mọi di biến động trong đời sống hàng ngày của Người và đều đặn gửi báo cáo về Bộ Thuộc địa. Tuy nhiên, điểm thú vị là cho dù đã bám theo hoạt động của Người ở trong và ngoài nước Pháp, lập hồ sơ cá nhân, điều tra, ráo riết tìm cơ hội khống chế, bắt giữ một nhân vật có tư tưởng yêu nước, nhưng mật thám Pháp vẫn không chắc chắn về ngày tháng năm sinh của Người. Sau đây là một số hồ sơ, tài liệu, lệnh truy nã của mật thám Pháp công bố những năm sinh khác nhau của Nguyễn Ái Quốc:

a) Ngày 4-2-1919, sau khi anh Thành trở lại Pháp một thời gian, mật thám Pháp đã theo dõi và phỏng đoán về người thanh niên An Nam Nguyễn Tất Thành qua nội dung báo cáo gửi Bộ Thuộc địa: “Những thám tử của chúng tôi cho biết y (tức Nguyễn Tất Thành) thay đổi tên, giấu kỹ nơi sinh thật của mình, nói tiếng Anh khá và nói tiếng Pháp được, nhìn hình dáng khoảng 28 tuổi (sinh năm 1892)”1.

b) Tháng 9-1919, Sở Cảnh sát Paris chính thức cấp căn cước cho Nguyễn Ái Quốc, nội dung căn cước xác nhận: Người sinh ngày 15-1-1894 tại Vinh, An Nam.

c) Ngày 6-2-1920, lý trưởng làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đã trình báo cáo sau: “Vào năm Thành Thái thứ 13 (1901), ông Nguyễn Sinh Huy đỗ Phó bảng, trở về làng cùng bố mẹ thì Nguyễn Văn Thành khoảng 8 tuổi. Về Nguyễn Sinh Huy và người con trai Nguyễn Bé Con tức Nguyễn Văn Thành từ năm đó đến nay không nhận được tin tức gì. Nguyễn Sinh Huy có thể đã ngoài 60 tuổi và Nguyễn Văn Thành đã hơn 28 tuổi (nghĩa là sinh khoảng năm 1892), nếu họ còn sống”2. Tại sao một viên lý trưởng quản sổ đinh, điền của làng cũng không chắc chắn được năm sinh của dân làng? Là vì trong cuốn Gia phả họ nhà Nguyễn Sinh tuy ghi rõ họ tên mọi người của 6 đời trong dòng tộc nhưng lại không ghi ngày tháng năm sinh của từng người.

d) Sau khi Nguyễn Ái Quốc trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, ngày 17-9-1920, Sở Cảnh sát Paris bổ sung hồ sơ: “Nguyễn Ái Quốc sinh ngày 15-1-1894 tại Vinh (Trung Kỳ). Bố tên Nguyễn, mẹ tên Hoàng. Bố mẹ đều đã mất. Bố mất 9 năm trước, mẹ mất 15 năm trước. Có 6 anh chị em đều đã mất. Nguyễn đến Paris được hơn một năm, vào tháng 6 hoặc tháng 7-1919. Nguyễn không mang theo giấy tờ tùy thân gì từ quê cả”3.

e) Năm 1921, trước khi Nguyễn Ái Quốc bị Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp triệu tập đến để tra xét, đe dọa lần thứ hai thì ngày 20-4-1921, Chánh mật thám Đông Dương đã gửi cho Pierre Guesde, Tổng Thanh tra kiểm soát lính thợ và người Đông Dương tại Pháp, nhân vật chịu trách nhiệm chính trong việc theo dõi, giám sát anh Nguyễn, một bức điện có ghi thông tin: “Nguyễn Ái Quốc khoảng 35 tuổi (sinh năm 1886)”4.

f) Ngày 10-10-1929, tòa án Vinh-Nghệ An mở phiên tòa số 115 xét xử 45 chiến sĩ cách mạng, trong đó có 7 án tử hình. Biên bản phiên tòa ghi: “Nguyễn Ái Quốc tức Nguyễn Tất Thành, 30 tuổi (sinh năm 1899), lưu vong. Án do tòa án tỉnh đề nghị là tử hình, án do Viện cơ mật đề nghị là khổ sai chung thân”. Kèm theo đó là lời phê của Khâm sứ Trung Kỳ: “Sẽ xét xử ngay sau khi bị bắt”5.

g) Sau khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 2-1930, ở Hương Cảng, chính quyền Pháp ra Thông báo số 1116 để: “Truy nã Nguyễn Ái Quốc, tức Nguyễn Tất Thành, hay Nguyễn Văn Thành, tức Nguyễn Sinh Con, Nguyễn Bé Con, tức Lý Thụy. Sinh năm 1892, 39 tuổi. Ở làng Kim Liên, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Con trai của Nguyễn Sinh Huy tức Nguyễn Xuân Sắc (đã mất). Cư trú nhiều năm tại Mỹ, Anh, Pháp và Nga. Đại diện của Quốc tế III bên cạnh các nhóm cộng sản Đông Dương. Có thể hiện nay đang ở vùng Viễn Đông, cũng có khả năng ở Đông Dương”6.

h) Ngày 16-3-1931, Tuần báo số 1 của cảnh sát hình sự Bắc Kỳ (Bulletin hebdomadaire de police criminelle au Tonkin) đã đăng lệnh: “Truy nã Nguyễn Ái Quốc, tức Nguyễn Tất Thành, hay Nguyễn Văn Thành, tức Nguyễn Sinh Con, Nguyễn Bé Con, tức Lý Thụy. Sinh năm 1892 tại Kim Liên (Nghệ An). Con trai của Nguyễn Sinh Huy tức Nguyễn Xuân Sắc (đã mất)”7.

i) Ngày 15-8-1931, sau phiên tòa thứ 3 của Tòa án tối cao Hồng Kông xét xử Tống Văn Sơ (Nguyễn Ái Quốc), báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (South China morning post) đăng trả lời của Người với thư ký thẩm vấn: “Tên là Tống Văn Sơ. Tuổi 36 (nghĩa là sinh năm 1895). Quê quán ở Đông Hưng, Liêm Châu (Quảng Tây)”8. Sau khi Hội đồng cơ mật Hoàng gia Anh ra phán quyết trả tự do cho Tống Văn Sơ ngày 21-7-1932 thì chính quyền Pháp đã liên hệ với chính quyền Hồng Kông âm mưu đón bắt Người để dẫn độ về Việt Nam nhưng thất bại. Vì vậy, ngày 6-8-1932, Toàn quyền Đông Dương đã ra lệnh truy nã Nguyễn Ái Quốc, nội dung như tuần báo của cảnh sát hình sự Bắc Kỳ9.

j) Jean Sainteny, sĩ quan tình báo, đại diện Chính phủ Pháp đàm phán với Việt Nam, đã nhiều lần tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh trước và sau cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp của nhân dân ta cũng viết trong hồi ký: “Nguyễn Văn Thành, tức Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Sinh Cung, Lý Thuỵ, rồi từ 1944 là Hồ Chí Minh sinh năm 1892 tại tỉnh Nghệ An”10.

Như vậy là trong các hồ sơ mật thám, cảnh sát, lưu trữ, người Pháp cũng không xác định được chắc chắn năm sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà chỉ giả thiết trong khoảng từ năm 1892 đến năm 1899.

2. Một số năm sinh khác và năm sinh chính thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh

 

Ngoài những năm sinh không thống nhất trong hồ sơ lưu trữ của mật thám Pháp thì còn có một vài năm sinh khác của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ví dụ như: Hộ chiếu và giấy thông hành mang tên Chen Vang (Trần Vương), sinh ngày 15-2-1895 ở Đông Dương, do Đại sứ quán Liên Xô tại Berlin (Đức) cấp ngày 16-6-1923, khi Người sang Liên Xô11; Bản khai lý lịch ngày 16-9-1934 của Nguyễn Ái Quốc để vào học Trường Quốc tế Lênin, Moscow, ghi năm sinh là 189412; Lý lịch của Nguyễn Ái Quốc khai ngày 16-8-1935 để tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản ở Moscow ghi năm sinh là 190013; Bản khai lý lịch mang tên Lin trước khi làm thủ tục rời Liên Xô ngày 26-11-1937 ghi năm sinh là 190314.

Vậy tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều năm sinh khác nhau? Và căn cứ vào đâu để có thể xác định năm sinh chính thức của Người?

a)Tài liệu, hồ sơ về những năm sinh khác nhau của Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trên chỉ có trong giai đoạn từ năm 1911 đến năm 1941. Phạm vi di chuyển, sinh sống, hoạt động của Người trong thời gian này trải qua nhiều nước từ châu Âu sang châu Á. Để tránh tai mắt theo dõi, rình bắt, thủ tiêu Người của mật thám Pháp nói riêng và mật thám đế quốc nói chung, Hồ Chí Minh đã phải thay đổi, sử dụng nhiều bí danh, mật danh khác nhau cho phù hợp với văn hóa và xã hội từng nước sở tại ví như: Nguyễn Ái Quốc ở Pháp, Trần Vương ở Đức, Lý Thụy ở Trung Quốc, Tống Văn Sơ ở Hồng Kông, Lin ở Liên Xô, Thầu Chín ở Thái Lan,... Vì vậy, việc có nhiều năm sinh, kê khai các trích ngang không giống nhau là một phương thức để che giấu thân phận thật trong khi thi hành nhiệm vụ bí mật của Quốc tế Cộng sản cũng như hoạt động và chỉ đạo phong trào cách mạng quốc tế, trong nước với mục đích vừa để tự bảo vệ bản thân vừa để bảo vệ các đường dây liên lạc và tổ chức cộng sản bí mật. Điều này theo thực tế bối cảnh lịch sử thì logic, đơn giản và dễ hiểu.

b) Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh không thích nói về tiểu sử cá nhân. Sau khi giành được độc lập, khi có nhà văn muốn phỏng vấn để viết tiểu sử, Người nói: “Tiểu sử. Đó là một ý hay. Nhưng hiện nay còn nhiều việc cần thiết hơn...Chúng ta nên làm những công việc hết sức cần kíp đi đã. Còn tiểu sử của tôi... thong thả sẽ nói đến”15.

Căn cứ vào các tài liệu chính thống do báo chí của Đảng công bố, qua hồi ký của những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí thư ký, giúp việc và một vài tự sự của Người thể hiện qua văn thơ, chúng ta có thể biết về năm sinh của Người.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Đầu năm 1941, Bác về Pắc Bó... Trung ương tạm gác những khẩu hiệu cách mạng ruộng đất và thành lập Mặt trận Việt Minh thực hiện đoàn kết dân tộc, lãnh đạo toàn dân đấu tranh đánh đuổi bọn cướp nước. Ngày thành lập Việt Minh 19-5-1941 trùng hợp với ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh được công bố lần đầu năm 1946. Việt Minh là một sáng tạo, một biểu hiện tập trung của thiên tài Hồ Chí Minh”16. Như vậy đồng chí cách mạng cốt cán của Đảng đã biết ngày tháng năm sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay sau khi Người về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kể: “Ngày 19-5-1946... lúc đó Trung ương Đảng, Bác lo lắng công việc suốt ngày đêm, người gày đi...Đúng vào lúc bề bộn công việc ấy, bỗng có tin nhân dân Thủ đô biểu tình tuần hành, biểu dương lực lượng để chúc mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh 56 tuổi vào ngày 19-5-1946. Ngày 19-5 từ đó bắt đầu đi vào lịch sử”17. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng kể về ngày 19-5-1946, tại Bắc Bộ Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Ông nhà báo nào công bố ngày sinh của tôi thật đáng phạt. Trước hết tôi chưa thấy cái già là cái gì, ngoài 50 tuổi chưa gọi là già. Sau nữa, chúng ta đang ở thời kỳ công tác, chưa phải lúc cần đến hình thức lễ nghi như chúc thọ”18. Tác giả Trần Dân Tiên19, viết: “Hồ Chủ tịch sinh năm 1890”20. Ngày 19-5-1948, báo Sự thật, số 93, đăng xã luận: “Hồ Chủ tịch vị lãnh tụ tối cao của toàn thể dân tộc Việt Nam năm nay 58 tuổi”. Ngày 17-5-1950, báo Cứu quốc, số 1541, đã đăng bài mừng sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Hồ Chủ tịch vị cha già yêu mến của chúng ta năm nay 60 tuổi”. Tháng 5-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm bài thơ Thất Cửu (63 tuổi), nghĩa là Người sinh năm 1890. Ngày 25-4-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi bỏ phiếu bầu cử HĐND thành phố Hà Nội tại quận Ba Đình. Tấm thẻ cử tri của Người mang số 577, được cấp ngày 15-4-1965, trong thẻ ghi rõ năm sinh là 1890. Dixee Batholomew Feis đã trích hồ sơ của tình báo chiến lược Mỹ OSS (tiền thân của CIA) viết về Người như sau: “Sinh năm 1890 tại Nghệ An, phần lớn thời trai trẻ Hồ Chí Minh bôn ba năm châu bốn biển, phải làm đủ nghề lặt vặt và thử nghiệm một loạt triết lý chính trị”21.

Như vậy, ngày 19-5-1890 là ngày tháng năm sinh chính thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh như chúng ta vẫn biết từ trước đến nay.

Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng (in) số 5/2020

1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 9, 14. Bản gốc các tài liệu tiếng Pháp do Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước cung cấp

8. Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Nxb CTQG, H, 2004, tr. 133-134

10. Câu chuyện về một nền hòa bình bị bỏ lỡ, Nxb CAND,H, 2003, tr. 221

11, 12, 13. Xem Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Nga, Nxb CTQG, H, 2013, tr. 29, 107, 115

15. Kể chuyện Bác Hồ, Nxb Giáo dục, H, 2008. T. I, tr. 132

16. Chiến đấu trong vòng vây, Nxb QĐND, H, 2001, tr. 12

17. Thư ký Bác Hồ kể chuyện, Nxb CTQG, H, 2009, tr. 244

18. Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Nxb CTQG, H, 2005, T. II, tr. 332

19. Xem thêm bài viết: “Tìm hiểu tác giả Trần Dân Tiên” đăng trên Đặc san Thông tin tư liệu Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, số XV, tháng 5-2014, tr. 112

20. Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb CTQG, H, 1995, tr. 5

21. OSS và Hồ Chí Minh-đồng minh bất ngờ trong cuộc chiến chống phát xít Nhật, Nxb Thế giới, H, 2007, tr. 15-33.

ĐỖ HOÀNG LINH

 

Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
1. Những năm sinh của Nguyễn Ái Quốc trong hồ sơ lưu trữ Pháp Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã ở nước ngoài 30 năm, đi qua 4 châu lục, đến 28 quốc gia, vùng lãnh thổ và cho đến khi trở thành Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người từng sử dụng 90 tên gọi, bí danh, bút danh khác nhau bao gồm cả tên khai sinh, tên do thân phụ đổi, tên trên giấy tờ chính thức, tên tự đặt. Ở trong nước, mật thám Pháp đã ghi tên Nguyễn Tất Thành vào sổ đen sau khi anh tham gia cuộc biểu tình chống thuế của nông dân Thừa Thiên-Huế, tháng 4-1908. Tại Pháp, tháng 6-1919, sau khi bản Yêu sách của nhân dân An Nam ký tên Nguyễn Ái Quốc đượcgửi tới Hội nghị Versailles, mật thám Pháp đã lập tức ch&uacu

Tin khác cùng chủ đề

Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Tinh thần quyết chiến quyết thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc
Nghệ thuật tác chiến phòng không trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Gửi bình luận của bạn