Trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, việc xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân là vấn đề chiến lược, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong từng thời kỳ lịch sử, mặt trận dân tộc thống nhất có những tên gọi, hình thức tổ chức khác nhau. Tại Khánh Hòa, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh đã tập hợp, đoàn kết, động viên đồng bào, chiến sĩ trong toàn tỉnh dưới ngọn cờ đại nghĩa góp phần cùng cả nước đánh đuổi đế quốc Mỹ và tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

MẶT TRẬN DÂN TỘC GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA  TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC
MẶT TRẬN DÂN TỘC GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC

Từ Mặt trận Liên Việt, Mặt trận Tổ quốc đến Mặt trận dân tộc giải phóng (1955 – 1960)

Kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Khánh Hòa bước vào thời kỳ lịch sử mới. Thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, toàn tỉnh được bàn giao cho đối phương quản lý. Trên phạm vi cả nước, kẻ thù của cách mạng nước ta không còn là thực dân Pháp mà là đế quốc Mỹ. Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 9-1954 vạch ra nhiệm vụ của Đảng ở miền Nam là: “Lãnh đạo nhân dân miền Nam đấu tranh thực hiện Hiệp định đình chiến, củng cố hòa bình, thực hiện tự do dân chủ, cải thiện dân sinh, thực hiện thống nhất và tranh thủ độc lập.”[1]. Nghị quyết cũng nhấn mạnh yêu cầu cách mạng miền Nam phải xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất thật rộng rãi nhằm thực hiện mục tiêu “đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ bằng phương pháp hoà bình”. Trên cơ sở đó, Mặt trận Liên Việt kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra đời vào ngày 10/9/1955.

Chỉ thị số 64-CT/TW, ngày 2/11/1955 của Ban Bí thư gửi Xứ ủy Nam Bộ và Liên khu ủy Khu V[2] cũng xác định việc “tập hợp mọi lực lượng quần chúng trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm”. Chỉ thị cũng nên rõ “vì địch khủng bố trắng trợn, phong trào còn kém, ta chưa thể tổ chức Uỷ ban mặt trận Tổ quốc bí mật với thành phần rộng rãi được...Trong công tác Mặt trận, chủ yếu là tuyên truyền phổ biến rộng rãi Cương lĩnh Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, để lôi kéo, tranh thủ các tầng lớp rộng rãi cùng ta thống nhất hành động dưới những khẩu hiệu thích hợp, với những hình thức tổ chức hợp pháp hoặc nửa hợp pháp nhẹ nhàng. Sau này, phong trào phát triển tình hình thuận lợi hơn, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp có thể thật sự hình thành và bao gồm các tầng lớp rộng rãi”.

Với sự thay đổi về hoàn cảnh lịch sử, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã lãnh đạo đấu tranh chính trị để thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, chuẩn bị Hiệp thương Tổng tuyển cử thống nhất nước nhà. Toàn bộ các cơ quan quân - dân  - chính – đảng, trong đó có cơ quan Mặt trận Liên Việt tỉnh được giải thể. Lực lượng lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở được tổ chức theo hướng gọn, nhẹ, chỉ bố trí một vài đồng chí thoát ly. Thực hiện chủ trương của Trung ương về vấn đề Mặt trận Tổ quốc, cuối năm 1955, Tỉnh ủy tổ chức học tập các nội dung của Cương lĩnh Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được hội nghị Trung ương 8 (khóa II) của Đảng thông qua và tổ chức tuyên truyền về các nội dung trong Cương lĩnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tới Nhân dân.

Ngày 1/2/1956, dưới danh nghĩa của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Khánh Hòa, Tỉnh ủy có thư gửi đồng bào trong tỉnh. Bức thư bóc trần bản chất tay sai, độc tài phát xít của chế độ Ngô Đình Diệm và “thiết tha kêu gọi các tầng lớp nhân dân, các đảng phái và đoàn thể, đồng bào di cư cũng như đồng bào trong tỉnh, không phân biệt tôn giáo, dù hiện đang ở trong quân đội (ngụy-BT) hay hành chánh các cấp trong tỉnh hãy đoàn kết lại, ra sức phấn đấu để... phản đối khủng bố trả thủ núp dưới hình thức tố cộng; đả đảo đế quốc Mỹ can thiệp vào nội chính Việt Nam; thực hiện tự do dân chủ; cải thiện đời sống cho dân; thi hành đúng đắn Hiệp định Giơ-ne-vơ”[3].

Ngày 1/5/1955, lợi dụng các nghiệp đoàn của địch, Thị ủy Nha Trang đã tổ chức cuộc biểu tình kỷ niệm ngày Quốc tế lao động. Nhiều tờ báo ở Sài Gòn đã đưa tin về cuộc biểu tình này. Từ trong phong trào công nhân, ta đã xây dựng được một số cơ sở cách mạng dưới danh nghĩa thành viên Mặt trận Tổ quốc tỉnh Khánh Hòa trong nội thị Nha Trang[4].

Bên cạnh việc tuyên truyền Mặt trận Tổ quốc tỉnh Khánh Hòa, Tỉnh ủy cũng vận động một số trí thức do bác sĩ Nguyễn Quý Phầu đứng đầu thành lập “Phong trào Bảo vệ Hòa bình Nha Trang” nhằm hưởng ứng “Phong trào Hòa bình Sài Gòn - Chợ Lớn”. “Phong trào Bảo vệ Hòa bình Nha Trang” xuất bản báo Gió Mới làm cơ quan ngôn luận. Các đồng chí trong cơ quan Tỉnh ủy như Lê Thanh Liêm, Giang Nam, Mai Xuân Cống,... tham gia viết bài cho báo. Đây là tờ báo công khai hợp pháp có mục tiêu tập hợp quần chúng, hướng dẫn dư luận và đấu tranh chống chế độ ngụy quyền. Báo ra được 12 số, bắt đầu từ tháng 5-1955 đến tháng 12-1956 thì bị ngụy quyền đình bản. Tờ báo có những bài nói lên tinh thần đấu tranh cách mạng, tình cảm Bắc-Nam và nguyện vọng hòa bình thống nhất nước nhà.

Ở miền núi, để thực hiện việc tuyên truyền chính sách cách mạng cũng như  che mắt bọn địch, những cán bộ người Kinh hoạt động ở miền núi thực hiện quần chúng hóa triệt để, mang tên dân tộc, thực hiện ba cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng lao động, như các đồng chí A Ma Khắc (Bùi Thanh Vân), A Ma Khâm (Võ Duy Đồng), A Ma Mada (Trần Bá Ngọc), A Ma Nhiên (Đặng Nhiên), Ma Ré (Nguyễn Son), Kom Pró (Đặng Trì)... một số đồng chí học và nói thạo tiếng Êđê, Raglai tạo được thuận lợi lớn để vận động đồng bào các dân tộc. Cán bộ ta dạy con em đồng bào các dân tộc học chữ, ốm đau khám chữa bệnh bằng thuốc, tổ chức sinh hoạt thôn xóm, hướng dẫn thanh niên học chính trị, học văn hóa, tuyên truyền giáo dục giác ngộ quần chúng. Trong tuyên truyền Cương lĩnh Mặt trận Tổ quốc với đồng bào miền núi, để phù hợp, ta chỉ giới hạn 3 nội dung: hoàn thành độc lập dân tộc, thi hành chính sách xã hội hợp lý, nhân dân toàn quốc đại đoàn kết.

Trong bối cảnh địch ngày càng thực hiện chế độ độc tài, phát xít, bóp nghẹt các quyền tự do dân chủ của Nhân dân, đẩy mạnh thực hiện chính sách “tố cộng”, “diệt cộng”, ban hành Luật 10/59 lê máy chém khắp miền Nam, hô hào “Bắc tiến”, công khai xé bỏ Hiệp định Giơ-ne-vơ, ta vẫn duy trì đấu tranh bằng phương pháp hòa bình, không cho phép sử dụng bạo lực cách mạng. Trong 05 năm (1955 – 1960), hàng ngàn chiến sĩ, đồng bào trong tỉnh đã bị địch bắt, tù đày và hy sinh anh dũng. Tỉnh ủy đã sớm nhận rõ chủ trương sai lầm trên để có những biện pháp khắc phục. Tỉnh ủy chủ trương lo xây dựng và củng cố căn cứ, lực lượng tự vệ võ trang, đẩy mạnh công tác vận động đồng bào miền núi, tiêu diệt những tên ác ôn khét tiếng, nhằm hạn chế những tổn thất của ta ở một số địa bàn.

Sự chuyển hướng bước đầu từ đấu tranh chính trị đơn thuần sang đấu tranh chính trị là chủ yếu có kết hợp đấu tranh vũ trang báo hiệu một thời kỳ cách mạng mới diễn ra, không chỉ trong phạm vi tỉnh Khánh Hòa mà còn toàn miền Nam. Sự chuyển hướng này cũng đặt ra vấn đề cần thiết có một hình thức mặt trận dân tộc thống nhất mới, phù hợp với cách mạng miền Nam.

Trước tình hình đó, Nghị quyết lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II (mở rộng) tháng 1-1959, đã đánh dấu một sự chuyển hướng quan trọng về đường lối và phương pháp cách mạng đối với miền Nam. Nghị quyết chỉ rõ: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa
giành chính quyền về tay nhân dân..., lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân
”. Nghị quyết cũng chỉ rõ “cần có mặt trận riêng cho miền Nam”. Tuy không nằm trong mặt trận Tổ quốc Việt Nam, “nhưng phải cùng thực hiện mục tiêu chung với Mặt trận Tổ quốc là nhằm xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mành và thực tế phải do Đảng ta lãnh đạo”.

Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Khánh Hòa ra đời và phong trào Đồng khởi đánh bại chiến lược Chiến tranh đặc biệt (1960 – 1965)

Vận dụng Nghị quyết lần thứ 15, Tỉnh ủy chủ trương: “Đẩy mạnh phong trào cách mạng của quần chúng các huyện miền núi, lấy đấu tranh vũ trang hỗ trợ cho đấu tranh chính trị của quần chúng, phá các khu tập trung dân của địch”. Tỉnh ủy Khánh Hòa chủ trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho đồng bào miền núi qua việc phát hành báo Tự Trị bằng chữ Quốc ngữ và chữ Raglai, mỗi tháng một kỳ, mỗi kỳ khoảng 400 - 500 tờ.

Với tinh thần chiến đấu cao, kết hợp với phong trào đấu tranh nổi dậy của quần chúng nhân dân, trong năm 1960, hàng loạt các khu tập trung, dồn dân của địch tại miền núi như Thạch Trại, Hóc Gia, Bàu Hùng, Tà Dục, Bến Khế, Gia Lê... bị phá rã. Ta đã làm chủ hoàn toàn các huyện miền núi có trên 15.000 dân. Trên cơ sở thắng lợi ấy, vào tháng 12 năm 1960, Ban Cán sự Đảng Ái - Vĩnh – Sơn[5] (gồm Bác Ái – Ninh Thuận, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn – Khánh Hòa) quyết định triệu tập Đại hội Dân tộc tự trị tỉnh tại Xóm Cỏ, huyện Khánh Sơn. Đại hội đã bầu ra Ủy ban nhân dân tự trị (năm 1962 đổi tên là Ủy ban nhân dân tự quản), gồm 11 ủy viên, do bà Mấu Thị Lực làm Chủ tịch. Ủy ban nhân dân tự trị Ái – Vĩnh – Sơn là hình thức chính quyền cách mạng đầu tiên trong thời kỳ chống Mỹ tại Khánh Hòa.

Trong bối cảnh trên, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận) được thành lập bao gồm đại biểu các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, các nhân sĩ yêu nước ở miền Nam, không phân biệt xu hướng chính trị, với Tuyên ngôn và Chương trình hành động 10 điểm phù hợp với tình hình, nhiệm vụ của cách mạng miền Nam. Thực hiện chỉ đạo của Liên tỉnh ủy 3, ngay sau khi Mặt trận được thành lập, Tỉnh ủy đã tổ chức một đợt tuyên truyền rộng rãi về Mặt trận và chính sách của Mặt trận trong toàn tỉnh. Từ ngày 20/12 đến đầu năm 1961, các truyền đơn, tài liệu dưới danh nghĩa Mặt trận như: “Lời kêu gọi của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ở Nam Trung Bộ”, “Miền Nam đang bừng bừng khí thế cách mạng”, “Lời kêu gọi anh em binh sĩ trong quân đội miền Nam”, “Chương trình 10 điểm của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam”, “Tuyên ngôn của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam”, “Chính sách của Mặt trận đối với binh sĩ ngụy”... xuất hiện rộng rãi ở tại nhiều nơi ở Ninh Hòa, Nha Trang, Vĩnh Xương, Diên Khánh.

Trong tuyên truyền công khai lúc này, Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh Khánh Hòa do đồng chí Nguyễn Trung Thành phụ trách[6]. Đến khoảng năm 1963 - 1964, Ban Dân vận Tỉnh ủy được thành lập. Ban do đồng chí Trần Văn Quế (Mười Kinh), Tỉnh ủy viên, Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Đồng chí Tư Nghiệp làm Phó Ban. Cán bộ của Ban gồm: đồng chí Nguyễn Thị Tác phụ trách công tác phụ vận, đồng chí Nguyễn Sáu phụ trách công tác nông vận, đồng chí Hoài Phong phụ trách công tác thanh vận; đồng chí Sáu Rô phụ trách công tác quản trị hành chánh, một chị người dân tộc chuyên hậu cần. Cơ quan của Ban đóng tại Đá Đen[7]. Đây là cơ quan tham mưu chuyên trách cho Tỉnh ủy về công tác mặt trận – dân vận thời kỳ chống Mỹ.

Bên cạnh Ban Dân vận, Tỉnh ủy cũng chỉ đạo tất cả các cơ quan quân – dân – chính – Đảng, cán bộ, đảng viên cơ sở, cán bộ nội thị... quán triệt nhiệm vụ phổ biến, tuyên truyền và thực hiện Chương trình hành động 10 điểm của Mặt trận rộng rãi cho Nhân dân dù ở vùng giải phóng, vùng tranh chấp hay vùng địch hậu; tuyên truyền cả cho những người làm việc trong bộ máy ngụy quân, ngụy quyền.

Ảnh: Một số truyền đơn tuyên truyền của Mặt trận cho đồng bào dân tộc vùng căn cứ miền núi tỉnh Khánh Hòa

 Đầu năm 1961, Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy xuất bản Báo Giải Phóng với tư cách là Cơ quan thông tin tuyên truyền của Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Khánh Hòa. Tờ báo được phát hành không chỉ ở vùng giải phóng, vùng nông thôn đồng bằng mà cả trong vùng đô thị, qua đường dây giao liên nội thị gửi cho người dân Nha Trang, nhất là nhân sĩ trí thức. Qua đó, góp phần quan trọng tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, của Mặt trận tới rộng rãi Nhân dân.

Ảnh: Báo Giải Phóng - Cơ quan thông tin tuyên truyền của Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Khánh Hòa, số 12, ra ngày 15/8/1961

 Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên uy tín của Mặt trận Dân tộc giải phóng ngày càng cao, tạo điều kiện để quân ta tấn công địch. Từ năm 1961 đến năm 1963, quân và dân tỉnh ta liên tiếp bẻ gãy nhiều trận càn quét, đánh phá của địch vào căn cứ, đồng thời  mở nhiều trận đánh, tấn công vào nhiều cơ sở của địch tại Cam Ranh, Diên Khánh, Ninh Hòa, Vạn Ninh..., cũng như tổ chức đấu tranh chính trị, phá kế hoạch dồn dân, lập ấp chiến lược của địch. Đáng chú ý là vào giữa năm 1963, quân và dân Khánh Hòa đã đánh tan chiến dịch “Thiềm đầu thủy” của địch, một chiến dịch mà địch đã huy động đến 2.600 quân với sự yểm trợ của máy bay trực thăng, máy bay khu trục và pháo hạng nặng.

Ở đô thị, phong trào đấu tranh của Nhân dân cũng dâng cao. Bên cạnh Tỉnh hội Phật giáo, Gia đình Phật tử, các tổ chức quần chúng có cán bộ của Mặt trận tham gia định hướng như “Lực lượng tranh đấu thanh niên, sinh viên, học sinh”, “Hội đồng nhân dân cứu quốc” cũng lần lượt ra đời, hoạt động trong những năm 1963 – 1964. Các đồng chí Lê Tụng, Huỳnh Tưởng – Bí thư và Phó Bí thư Thị ủy Nha Trang đã nhiều lần sử dụng danh nghĩa của Mặt trận dân tộc giải phóng thị xã Nha Trang để viết thư gửi chức sắc Tỉnh hội Phật giáo nói rõ chính sách đại đoàn kết của Mặt trận, kêu gọi Phật giáo đấu tranh chống Mỹ Diệm. Tăng ni, phật tử ở các thị xã, thị trấn biểu tình chống phân biệt tôn giáo, chống đàn áp Phật giáo; phong trào đấu tranh của học sinh chống chế độ gia đình trị của Ngô Đình Diệm, chống chế độ độc tài quân phiệt của Nguyễn Khánh, Trần Văn Hương... càng làm cho bộ máy của địch rối ren.

Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, vào cuối năm 1964, Tỉnh ủy quyết định phát động cuộc Đồng khởi lớn tại một số địa bàn ở phía Nam và phía Bắc của tỉnh. Theo kế hoạch đề ra, ở Bắc Khánh Hòa - trọng điểm I của cuộc Đồng khởi. Đêm ngày 6, rạng ngày 7/11/1964, ta phát động quần chúng nổi dậy cùng với lực lượng vũ trang giải tấn công, giải phóng xã Ninh Diêm, Ninh An, Ninh Thọ. Ta thiết lập chính quyền cách mạng, triển khai những ngay các chính sách của Mặt trận đối với vùng giải phóng, đồng thời tổ chức lực lượng, chuẩn bị chống địch phản kích và lo kế hoạch hậu cần tiếp tế cho bộ đội, du kích... Sáng ngày 7/11/1964, địch rải quân trên quốc lộ I chuẩn bị phản kích vào vùng giải phóng. Lực lượng binh vận của 2 xã Ninh An và Ninh Thọ, chủ yếu là chị em phụ nữ đã kéo ra đối mặt với địch; vừa hù dọa, vừa khéo léo vận động tranh thủ binh sĩ, tuyên truyền chính sách của Mặt trận đối với binh sĩ ngụy; làm cho địch hoang mang, đành phải ngưng cuộc tiến công rút về căn cứ.

Ở khu vực phía Tây Hòn Hèo, lực lượng vũ trang ta giải phóng một số thôn của xã Ninh Phú, Ninh Đa. Cùng lúc, bộ đội địa phương Nam Ninh Hòa giải phóng xã Ninh Hưng, tạo một mảng lớn thế tranh chấp ở các xã Ninh Quang, Ninh Bình, Ninh Lộc. Tại huyện Vạn Ninh, lực lượng ta tổ chức đánh địch và trụ lại hỗ trợ quần chúng giành quyền làm chủ các thôn Xuân Vinh, Hà Già (Vạn Hưng) Hiền Lương, Mỹ Đồng (Vạn Lương), Tân Dân, Đại Lãnh, rút được nhiều cán bộ kháng chiến cũ và thanh niên bổ sung cho lực lượng huyện.

Như vậy, chỉ trong vòng 3 ngày các lực lượng vũ trang ta hoạt động trên địa bàn 2 huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa  đã hỗ trợ cho Nhân dân nổi dậy đồng khởi giải phóng một vùng rộng với trên 1 vạn dân, nối liền căn cứ Đá Bàn vào sâu vùng địch kiểm soát hàng chục ki-lô-mét. Mặc dù sau đó, địch liên tục phản kích hòng lấn chiếm lại vùng đã mất nhưng trước sực chiến đấu mãnh liệt của quân và dân ta, địch đành chịu thất bại. Lá cờ Mặt trận tung bay khắp vùng giải phóng.

Ở Nam Khánh Hòa - trọng điểm 2 của đợt Đồng khởi; tại Diên Điền ta đưa tiểu đội vũ trang của huyện chia làm 2 tổ chốt giữ ở 2 thôn phối hợp với du kích đánh địch, diệt ác ôn tại chỗ, không cho chúng tập trung về Diên Sơn. Chiều ngày 7/11/1964, du kích xã Diên Sơn đã đánh nhau quyết liệt với một trung đội nghĩa quân của địch kéo từ ấp Đông lên ấp Bắc của Đại Điền Nam. Cũng trong chiều 7/11/1964, ở Đại Điền Đông quân ta đã đánh vào trụ sở thôn, thu một số vũ khí. Sáng sớm ngày 8/11/1964, quân địch từ quận lỵ tiến sang Đại Điền. Khi vào đến Diên Sơn, chúng bắt gặp cuộc đấu tranh của Nhân dân. Trước lời lẽ đấu tranh khôn khéo, có lý có tình, người dân buộc địch phải cho ta chôn cất những chiến sĩ đã hy sinh. Trên 200 người đã có mặt trong buổi lễ mai táng trọng thể và vô cùng cảm động. Đây là một thắng lợi to lớn có ý nghĩa về mặt chính trị, không những ổn định lại tinh thần của quần chúng sau trận đánh chiều ngày 7/11/1964 mà còn xây dựng được lực lượng đấu tranh chính trị, nâng cao ý chí quyết tâm chiến đấu của cán bộ và Nhân dân. Có thời điểm nhân dân các xã được giải phóng kết hợp với tiểu thương chợ Thành, chợ Diên Lạc mang xác người, trâu bò bị trúng đạn đến quận lỵ đòi bồi thường.

Chiều ngày 8/11/1964, lực lượng vũ trang của tỉnh đã tiến vào Diên Sơn, Diên Điền, hỗ trợ cho du kích xã cùng Nhân dân nổi dậy đánh địch, giải phóng và thành lập chính quyền cách mạng, kêu gọi đồng bào nhanh chóng ổn định tình hình, đẩy mạnh sản xuất, vận động thanh niên gia nhập dân quân du kích, đào công sự, hầm bí mật, chuẩn bị chiến đấu giữ vững vùng giải phóng.

Tiếp đó, vào tháng 12/1964, quân và dân Khánh Hòa tiếp tục làm chủ vùng đất phía Tây của xã Diên Thọ nối liền với vùng giải phóng Cẩm Sơn và một mảng lớn từ Phước Lương, Lễ Thạnh, An Định, Phước Tuy, Phò Thiện tới Suối Tre, Mỹ Lộc, tạo thành vùng giải phóng liên hoàn phía Nam huyện Diên Khánh. Huyện Vĩnh Xương là bàn đạp của thị xã Nha Trang, tuy chưa có xã giải phóng, nhưng phong trào lên khá ở các xã Diên An, Diên Toàn, Vĩnh Thái, Vĩnh Trung, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Thạnh. Các lực lượng cách mạng làm chủ ban đêm các thôn Phú Vinh, Xuân Lạc, Phú Nông, An Ninh, Võ Kiện, Phú Ân...

Giữa năm 1965, tại thôn Trung Tín, xã Kỳ Thạnh, huyện Nam Tam Kỳ (nay là huyện Núi Thành), đã diễn ra Đại hội lần I của Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Trung Trung bộ. Dự hội nghị, đoàn đại biểu tỉnh Khánh Hòa có các đồng chí: Trần Văn Quế, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng đoàn; Đinh Ma Sang, Phó Chủ tịch Khu tự trị miền Tây, Phó Đoàn; đại biểu phụ nữ có các chị Nguyễn Thị Tác, Đinh Thị Mười, đại biểu nông dân là anh Nguyễn Sáu, đại biểu thanh niên là anh Hoài Phong; đại biểu lực lượng vũ trang tỉnh là đồng chí Dũng – sỹ quan trinh sát của Tỉnh đội[8]. Đây là đại hội đầu tiên và duy nhất của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Trung Trung bộ (Khu V) trong chống Mỹ. Đại hội kêu gọi các tầng lớp nhân dân, các dân tộc trong vùng giải phóng, vùng địch kiểm soát, những người yêu nước trong bộ máy ngụy quân, ngụy quyền hãy đoàn kết lại để cùng nhau đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bên cạnh đó, mặc dù chưa xây dựng bộ máy tổ chức của các đoàn thể ở cấp tỉnh nhưng các tổ chức thành viên của Mặt trận như Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam, Hội Nông dân giải phóng, Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng... đã được thành lập ở cấp huyện, cấp xã. Các tổ chức này, nhất là Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam là nhân tố quan trọng nhằm duy trì và đẩy mạnh phong trào cách mạng của quần chúng. Thanh niên, phụ nữ chính là lực lượng cơ bản, quyết định thắng lợi của Đồng Khởi, của phong trào đấu tranh đô thị những năm 1960 – 1965.

Đến cuối năm 1965, sau gần một năm tiến hành Đồng khởi, vùng giải phóng ở Khánh Hòa đã được mở rộng, bao gồm 46 thôn với trên 37.500 dân. Trong các thôn, xã giải phóng đã thành lập chính quyền cách mạng, phát triển du kích, xây dựng làng chiến đấu. Một số làng chiến đấu đã có tác dụng chống địch càn quét, bảo vệ được đất, được dân. Chính quyền cách mạng chia trên 1000 mẫu ruộng công điền cho 5000 dân, giảm tô cho 32 gia đình tá điền. Hàng trăm con em nông dân cấp sách đến các trường phổ thông. Người lớn tuổi tham gia các lớp học chống nạn mù chữ. Vùng nông thôn đồng bằng giải phóng đã phát huy ảnh hưởng chính trị, làm chỗ dựa cho lực lượng vũ trang đứng hoạt động, góp phần giải quyết một phần các nhu cầu thiết yếu cho căn cứ miền núi, và hỗ trợ phong trào ở thị xã, thị trấn. Qua công tác tuyên truyền của Mặt trận dân tộc giải phóng cũng như các đoàn thể ở cơ sở, hàng ngàn thanh niên được rút lên bổ sung cho các đơn vị bộ đội.

Mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp Nhân dân, đánh bại “Chiến lược chiến tranh cục bộ” (1965 – 1968)

Bị thất bại nặng nề ở các chiến trường, vào năm 1965, đế quốc Mỹ bắt đầu đổ quân Mỹ và quân chư hầu vào miền Nam cùng nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại. Đến tháng 9/1966, ở Khánh Hòa có 43.000 tên gồm 26.000 quân Mỹ, Nam Triều Tiên, 17.657 quân ngụy. Với lực lượng quân sự hùng hậu đó, địch đã liên tục càn quét, đánh phá các vùng giải phóng của ta.

Khi quân Mỹ đổ bộ vào Khánh Hòa (10/6/1965), cùng với việc thành lập
nội các chiến tranh do Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ đứng đầu (19/6/1965),
một số cuộc hội thảo của sinh viên, học sinh tại Trường Trung học Võ Tánh,
Trường Nữ Trung học Nha Trang đã diễn ra “đòi Mỹ không được can thiệp vào nội
bộ của Việt Nam, lên án chế độ độc tài quân sự, đòi hai ông Thiệu và Kỳ từ chức”.

Ngày 29/3/1966, trên 300 học sinh, phu xích lô, công thương gia, tín đồ Phật giáo biểu tình trước trụ sở Ty Thông tin, sau đó trương nhiều biểu ngữ tuần hành đến Tòa Hành chính Tỉnh, yêu cầu “Các tướng lãnh phải trở về cương vị cũ; yêu cầu thành lập chánh phủ dân cử”. Sáng 3/4/1966, một số học sinh triển khai chặn 2 ngã đường chính ra vào trung tâm Nha Trang, số khác rải đi các chợ, trường học, phố xá kêu gọi đình công, bãi thị, bãi khóa. Đến chiều, hàng ngàn người từ đường Độc Lập, Quang Trung, Trần Quý Cáp, Quốc lộ 1, Sinh Trung đổ về Công trường Cộng hòa, một bộ phận chiếm giữ Quảng trường, bộ phận khác đứng chật các ngã đường, hình thành thế bao vây lực lượng quân đội, cảnh sát. Quần chúng đã đốt
cháy 1 xe Jeep của cố vấn Mỹ, “ngọn lửa bùng lên dữ dội quyện với tiếng hô “đả
đảo Mỹ xâm lược”, “Thiệu - Kỳ từ chức” làm huyên náo cả một vùng không gian
rộng lớn”
.

Để tiếp sức cho phong trào của thanh niên, sinh viên, học sinh và Phật tử,
nửa cuối tháng 4/1966, trong giới công nhân Khánh Hòa có những cuộc đấu tranh
khá lớn. Từ ngày 19 đến 22/4/1966, 3.500 công nhân làm việc ở quân cảng Cam
Ranh đấu tranh đòi tăng lương vì đồng bạc mất giá so với đồng đô la, giá cả
tăng vọt. Cuộc đấu tranh đã làm cho việc bốc dỡ bị ngưng trệ, chỉ huy quân cảng và chính quyền Cam Ranh phải đến giải quyết, thỏa mãn yêu sách của công nhân.

Tất cả các phong trào quần chúng này đều do cán bộ nội thị của ta lãnh đạo, cốt cán chỉ huy phần lớn là cơ sở cách mạng của Mặt trận dân tộc giải phóng, nhất là trong tổ chức “Phong trào nhân dân tranh thủ dân chủ”. Chủ tịch Thanh niên Phật tử lúc này là cơ sở nòng cốt của Mặt trận.

Tại Nha Trang, ta cũng xây dựng được 4 “căn cứ lõm” tại khu vực Tháp Bà, Hà Ra – Hà Phước, Phước Hải, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đây là những khu vực ta đã xây dựng được đội tự vệ mật, phát triển nhiều đoàn viên Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam, có hầm bí mật, có cơ sở quần chúng có trình độ giác ngộ cách mạng cao, sẵn sàng nhận nhiệm vụ bất kỳ lúc nào cách mạng yêu cầu. Lực lượng tự vệ mật Nha Trang đã tổ chức nhiều trận đánh gây cho địch nhiều thiệt hại lớn, là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với chúng. Tiêu biểu như trận đánh Câu lạc bộ sĩ quan Mỹ NCO (nay là Nhà khách Học viện Lục quân) diệt và làm bị thương 216 tên sĩ quan, binh lính Mỹ, trận đánh sập trụ sở xã Nha Trang Đông, xã Vĩnh Thái của quận Vĩnh Xương; trận đánh nhà hàng Lafregate diệt và làm bị thương hơn 70 tên lính Mỹ; trận đánh bar số 1 (đầu đường Lê Lợi) diệt 17 lính Nam Triều Tiên... Đặc biệt, tài liệu tuyên truyền chủ trương, chính sách của Mặt trận, tố cáo tội ác của Mỹ và tay sai... thay vì chỉ in tại căn cứ rồi gửi vào nội thành thì nay được in ngay tại “căn cứ lõm” bằng phương pháp in rulo (sau đó là ronéo). Vì vậy, việc tuyên truyền được rộng rãi hơn nhưng cũng đỡ tốn xương máu của anh em giao liên.

Phối hợp với phong trào đấu tranh ở đô thị, toàn tỉnh đã ra sức chiến đấu bảo vệ căn cứ, bảo vệ vùng giải phóng. Từ cuối năm 1965 đến hết năm 1966, nhiều trận tập kích bất ngờ của lực lượng vũ trang ta đã làm cho địch tổn thất nặng nề. Trong năm 1967, mặc dù địch đã dùng cả B52 cùng xe tăng và pháo hạng nặng...,tấn công vào các căn cứ lớn của ta nhưng đều bị thất bại. Năm 1967, tinh thần đánh Mỹ trong toàn tỉnh càng được nhân rộng. Chỉ tính riêng trong chiến dịch mùa xuân từ 20/1/1967 đến 12/4/1967, tại Khánh Hòa quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 1500 tên địch, trong đó có 170 tên Mỹ, 794 tên lính Nam Triều Tiên.

Một số tổ chức đoàn thể là thành viên của Mặt trận ở cấp tỉnh lần lượt được thành lập như: Hội Nông dân giải phóng tỉnh do đồng chí Nguyễn Văn Nghiệp làm Bí thư (1966-1967), Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam tỉnh do đồng chí Trần Quốc Khánh làm Bí thư (1967).

Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, vào cuối năm 1967, Tỉnh ủy Khánh Hòa quyết định đề ra kế hoạch đánh một số điểm then chốt lợi hại trong các thị trấn và thị xã trong tỉnh mà trọng tâm là tập trung vào các cơ quan đầu não Mỹ, ngụy và chư hầu và tạo điều kiện cho Nhân dân nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền vào dịp Tết Mậu Thân. Đúng theo kế hoạch đã đề ra, vào đêm 30 rạng ngày mồng 1 Tết, quân và dân tỉnh ta đã đồng loạt tiến đánh vào nhiều cơ quan đầu não của địch; mở đầu cho Cuộc Tổng tiến công và nổi dây Tết Mậu Thân 1968 trên toàn miền Nam.

Tại Nha Trang, dưới danh nghĩa Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh, ta đã vận
động được 120 nghìn đồng, 2 tấn gạo, nhiều loại thuốc chữa bệnh cùng một số nhu yếu phẩm khác; mua 300 bộ quần áo, giày dép, mũ chuyển lên chiến khu trang bị cho Quân giải phóng nhập thị; mua 3 xe hon đa, huy động ô tô, xe đạp phục vụ đưa đón cán bộ, bộ đội; may cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, cờ “Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình”, viết khẩu hiệu, biểu ngữ, in truyền đơn...; bố trí lực lượng nuôi quân, đảm bảo nhu cầu mọi mặt cho Tổng tiến công và nổi dậy. Đặc biệt, theo chỉ đạo của trên, ta đã chuẩn bị nhân sự hình thành bộ khung Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Nha Trang” để sẵn sàng đón đầu thời cơ cách mạng, phân hóa mạnh mẽ hơn nữa chế độ ngụy quyền; tranh thủ những ai “mặc dù không theo cộng sản, thậm chí là có khuynh hướng không thích cộng sản nhưng có tinh thần yêu nước, chống chế độ độc tài Thiệu – Kỳ, chống Mỹ xâm lược” để tham gia tranh đấu, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhờ sự chuẩn bị chu đáo, quân ta đã tấn công vào đến tận Tỉnh đường, Tiểu khu và Bộ tư lệnh 5 Tiếp vận  của địch, sau đó chốt lại để tiếp tục đánh địch. Cho đến ngày mồng 5 Tết, tiếng súng của lực lượng vũ trang của ta trong nội thị Nha Trang vẫn chưa dứt. Đài BBC phát tin “Lần đầu tiên trong 2 cuộc chiến (chống Pháp, Mỹ), Nha Trang bị lấn chiếm”.

Tại Diên Khánh, sáng mồng 1 Tết, đoàn quân tóc dài có tự vệ và cán bộ chỉ huy từ Đại Điền Trung (Diên Khánh) đi thành đội ngũ, trương băng, cờ, biểu ngữ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, cờ Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình kéo đến tiếp sức cho Nha Trang.

Tại Cam Ranh, lực lượng đặc công tập kích sân bay Đồng Bà Thìn, hậu cứ của quân Nam Triều Tiên, phá hủy 13 máy bay, đánh chìm một tàu trọng tải 8.000 tấn, neo cách cảng Cam Ranh 2km. Tại Vạn Ninh, lực lượng địa phương huyện và đội công tác tấn công Vạn Giã, chiếm phòng thông tin, trung tâm chiêu hồi quận và trong đêm giao thừa đã tập hợp trên 450 quần chúng, tổ chức mít tinh tuần hành quanh thị trấn. Tại Ninh Hoà, đại đội 11, tiểu đoàn 9 của ta cùng lực lượng địa phương tấn công Chi cảnh sát, trung tâm huấn luyện dân vệ, quận lỵ Ninh Hoà. Quần chúng 2 xã Ninh An, Ninh Thọ tập hợp trên 600 người, trương băng, cờ, kéo vào thị trấn. Cuộc biểu tình đã biểu thị cao độ khí thế và lòng dũng cảm của quần chúng, cán bộ trong cuộc đấu tranh ác liệt này.

Tết Mậu Thân tại Khánh Hòa “dù chưa giành được chính quyền nhưng đã đấu tranh quyết liệt... chí khí anh hùng đã làm cho bọn ác ôn và bọn Nam Triều Tiên phải khiếp sợ”.

Tiếp tục mở rộng lực lượng đấu tranh, đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của địch (1968 – 1975)

Thắng lợi của cả hai miền đất nước, đặc biệt là thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 đã làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, rút quân ra khỏi Việt Nam, thực hiện cái gọi là “Chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh”, với quân nguỵ là công cụ chủ yếu, nhằm mục tiêu chính là “bình định” nông thôn.

Vào ngày 10/6/1969, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam được thành lập. Tiếp đó, ngày 15/6/1969, Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Khánh Hòa ra đời do đồng chí Lê Tụng làm Chủ tịch, đồng chí Ngũ Hữu Ngật và Trần Văn Quế làm Phó Chủ tịch, đồng chí Lê Hinh làm Ủy viên thư ký, đồng chí Pi Năng Xà A làm Ủy viên…

Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI, Ban Dân vận Tỉnh ủy do đồng chí Lâm Trường Thắng, Tỉnh ủy viên làm Trưởng Ban; 02 Phó Ban là đồng chí: Nguyễn Những (Tỉnh ủy viên, Bí thư Hội nông dân giải phóng tỉnh) và Võ Đình Tòng (Tỉnh ủy viên). Ban Dân vận Tỉnh ủy tiếp tục là cơ quan được Tỉnh ủy phân công phụ trách công tác dân vận – mặt trận.

Về các tổ chức thành viên của Mặt trận tỉnh: Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng tỉnh được thành lập do chị Nguyễn Thị Lễ làm Hội trưởng (10/1968); Ban chấp hành lâm thời Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam tỉnh được tái lập[9] do đồng chí Lê Đôn làm Bí thư (12/1970).

Năm 1971, một tổ chức quần chúng được thành lập là Hội Sao Việt do Huyện ủy Vĩnh Trang chỉ đạo. Hội gồm nhiều nhân sĩ, trí thức như bác sĩ Nguyễn Thạch, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hiền, giáo sư Lê Văn Bê, giáo sư Cao Thị Hương, giáo sư Lê Đình Tần,... Ngoài ra, còn tập hợp được một số thành viên trong chính quyền, quân đội Sài Gòn như dân biểu Trần Văn Nhung, dân biểu Trần Văn Sơn, đại úy Vĩnh Thọ, cảnh sát Nguyễn Đức Thắng... Về hình thức, đây là thành viên của Mặt trận dân tộc giải phóng liên huyện thị Vĩnh Trang.

Kể từ khi ra đời, Sao Việt tổ chức nhiều hoạt động như mở lớp dạy chữ,
dạy nghề miễn phí cho con em lao động ở khu Hà Ra, Chụt, Hoàng Diệu, Xóm
Xưởng; tổ chức bán báo, đánh giày, đá bóng, luyện thi vào trường công,... thông
qua đó để tuyên truyền chống Mỹ, đòi thống nhất đất nước và tiến hành công tác
binh vận; phát hành Đặc san Sao Việt với nhiều cách thể hiện khéo léo để tuyên
truyền đường lối, chủ trương của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt
Nam, ca ngợi truyền thống chống ngoại xâm, giáo dục thanh niên hướng về quê
hương, dân tộc, đề cao nguyện vọng thiết tha của nhân dân là chấm dứt chiến
tranh, lập lại hòa bình,... Cuối năm 1971, Hội Sao Việt cho ra mắt tờ báo Lao Động với tuyên ngôn “Lao động là tiếng nói hòa bình của nhân dân Trung Trung Bộ”. Dưới danh nghĩa “Tiếng nói hòa bình”, Lao Động đã cho đăng một số bài viết đòi Mỹ rút quân khỏi Việt Nam, lên án chính sách văn hóa mị dân, tố cáo chế độ độc tài Nguyễn Văn Thiệu[10].

Hỗ trợ đấu tranh đô thị, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân cách mạng và Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh, lực lượng vũ trang trong tỉnh liên tiếp mở các chiến dịch gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề. Trong Chiến dịch HT1 ta tập kích căn cứ Lam Sơn (Dục Mỹ) diệt và làm bị thương trên 2.000 tên địch, trận đánh đồn Bàu Cỏ (xã Cam Hải, Cam Ranh) diệt gọn đại đội Cọp Đen ngay tại căn cứ kiên cố của chúng. Tháng 9/1969, tiểu đoàn 407 đánh trận Lỗ Đất trên bán đảo Cam Ranh, diệt 500 tên Mỹ. Bước vào năm 1970, ta mở Chiến dịch HT2 loại khỏi vòng chiến trên 2.800 tên địch, giành và làm chủ trên 15.000 dân, làm lỏng kèm trên 39.000 dân trong phạm vi 42 thôn, 62 xóm. Chiến dịch HT3 quân và dân trong tỉnh đã chặn đứng, đẩy lùi kế hoạch “bình định đặc biệt” loại khỏi vòng chiến 1.290 tên địch, phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh của địch, vùng làm chủ được giữ vững, đồng thời mở thêm một số thôn mới.

          Đầu năm 1971, quân và dân Khánh Hòa đã ra sức khắc phục khó khăn, quyết tâm mở chiến dịch HT4. Trong chiến dịch này, từ tháng 4/1971, liên tục trong hơn 120 ngày đêm chiến đấu, ta đã phá vỡ các trận càn của địch vào căn cứ miền núi, quần trụ đánh địch ở đồng bằng, loại ngoài vòng chiến 2.738 tên địch, trong đó có 205 tên Mỹ, 208 tên Nam Triều Tiên và 264 lính nguỵ Lon-non (quân nguỵ Cam-pu-chia). Tiếp đó, vào ngày 18/7/1971, lực lượng của ta đã đánh vào sân bay Quảng Cơ (trên bán đảo Cam Ranh) phá huỷ hàng triệu lít xăng dầu, và ngày 21/9/1971 tập kích vào kho bom núi Ké, phá huỷ 55.000 tấn bom đạn…

          Sau những thất bại liên tục ở khắp các chiến trường, vào ngày 27/1/1973, Mỹ buộc phải ký kết Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam, rút quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam, cam kết các quyền dân tộc cơ bản của Nhân dân Việt Nam, mở ra khả năng thuận lợi cho Nhân dân Khánh Hoà cùng Nhân dân cả nước tiến lên, đánh bại hoàn toàn nguỵ quân, nguỵ quyền tai sai của đế quốc Mỹ, giải phóng toàn tỉnh, giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc. Cũng vào thời gian này, Ban Dân vận Tỉnh ủy – cơ quan phụ trách công tác Mặt trận do đồng chí Nguyễn Văn Thắng (tức Nguyễn Quyết) Phó Chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh kiêm Trưởng ban.

Sau Hiệp định Paris, tại Sài Gòn, “Mặt trận Nhân dân đòi thi hành Hiệp
định Paris”
được thành lập do Luật sư Trần Ngọc Liễng làm Chủ tịch với sự tham
gia của nhiều nhân sĩ trí thức, tu sĩ các tôn giáo, đại diện các giới đồng bào và một
số công chức, sĩ quan Ngụy. Hưởng ứng phong trào này, được sự chỉ đạo của Ban Dân vận Tỉnh ủy, Hội Sao Việt thành lập “Ủy ban đòi thi hành Hiệp định Paris” tại Nha Trang. Huyện ủy Vĩnh Trang dự kiến, nếu Mỹ và Ngụy thi hành Hiệp định, Ủy ban này sẽ trở thành nòng cốt trong Lực lượng thứ ba tham gia tuyển cử vào bộ máy Chính phủ liên hiệp tại địa phương. Khi luật sư Ngô Bá Thành, luật sư Trần Ngọc Liễng tổ chức hội nghị thành lập “Lực lượng hòa hợp, hòa giải dân tộc” tại Sài Gòn, Hội Sao Việt đã cử Vĩnh Thọ và Nguyễn Tủng tham dự...

Công tác vận động văn nghệ sĩ lúc này cũng được đặc biệt coi trọng, cán bộ Mặt trận đã tiếp xúc với các văn nghệ sĩ tại Khánh Hòa có cảm tình với cách mạng..., tác động họ viết nhiều tác phẩm tố cáo sự băng hoại của xã hội miền Nam lúc ấy, phơi bày bộ mặt thật của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ, tội ác chiến tranh, sự hèn nhát của ngụy quân, chế độ lao tù dã man của chúng... như các tác phẩm: Những vòng hoa ngụy tín, Mưa trên lầu bát giác, Người tù ngoan ngoãn của Thế Vũ; Người bắt ruồi, Những ô lưới sắt, Con đường đêm của Nguyễn Hoàng Thu; Gió cuốn của Võ Hồng...“Họ không phải là những nhà văn trực tiếp nằm trong quỹ đạo của cách mạng nhưng dường như lịch sử đã cài họ vào hàng quân đó để thu và phát những tín hiệu văn chương từ phía đối nghịch của chiến tranh[11]. Tiếng nói phản chiến của văn học Khánh Hòa lúc ấy đã góp phần quan trọng nhen nhóm ngọn lửa đấu tranh của quần chúng; từng bước hướng họ đến với con đường cách mạng, tranh đấu giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Trước sự thất bại nặng nề của Mỹ và trên cơ sở so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch, tháng 10/1974 và tháng 1/1975, Bộ chính trị đã tiến hành hội nghị, hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam. Thực hiện chủ trương này, vào tháng 2/1975, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Khánh Hoà đã họp và bàn biện pháp, động viên toàn quân, toàn dân trong tỉnh phối hợp với chiến trường chung của cả nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh và Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh, khắp các địa phương trong tỉnh, quân và dân ta đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bộ đội chủ lực tấn công tiêu diệt địch. Ngày 2/4/1975, Khánh Hòa hoàn toàn được giải phóng. Lịch sử hoạt động của Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh cũng chuyển sang một trang mới của kỷ nguyên độc lập, hoà bình thống nhất và xây dựng chủ nghĩa xã hội.



[1] Văn kiện Đảng toàn tập tập 15, NXB Chính trị quốc gia, trang 308 – 309.

[2] Văn kiện Đảng toàn tập tập 16, NXB Chính trị quốc gia, trang 677, 678.

[3] Tài liệu lưu trữ tại Thư viện tỉnh Khánh Hòa, Ký hiệu: 959.7042/600000453.

[4] Địch buộc phải thừa nhận:“Hiện nay, tại Nha Trang, cơ sở Mặt trận Tổ quốc của Việt Cộng đã bắt đầu phát triển mà các Tổ trưởng phần đông là công nhân”. Nha Cảnh sát và Công an TNTP (1956), Công văn số 1461/CACS/B1.M, ngày 16-2 1956, gửi Tổng Giám đốc Cảnh sát và Công an, Mặt trận Tổ quốc của Việt Cộng tại Khánh Hòa, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, Phông: Tòa đại biểu Chính phủ tại Trung nguyên trung phần.

[5] Tháng 3/1960, Ban cán sự Đảng khu Ái – Vĩnh – Sơn được thành, trực thuộc trực tiếp Liên tỉnh ủy 3 của Liên Khu V. Đến tháng 8/1961, khu Ái – Vĩnh – Sơn được giải thể, các huyện trước khi sáp nhập vào khu trở lại đơn vị hành chính như cũ. Ban cán sự Đảng khu Ái – Vĩnh – Sơn chuyển thành Ban cán sự Đảng miền Tây (sau đó là Ban Miền núi) trực thuộc Tỉnh ủy Khánh Hòa.

[6] Theo một số tài liệu của địch, đồng chí có tên là Nguyễn Chí Thành. Theo lời kể của các đồng chí: Huỳnh Văn Khoa, nguyên cán bộ Ban Dân vận Tỉnh ủy Khánh Hòa giai đoạn 1964 – 1966; Hoàng Nhật Tuyên, nguyên cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa thì đây là nhân vật tồn tại trên danh nghĩa.

[7] Theo ghi chép của đồng chí Huỳnh Văn Khoa, nguyên cán bộ Ban Dân vận Tỉnh ủy Khánh Hòa giai đoạn 1964 – 1966.

[8] Theo ghi chép của đồng chí Huỳnh Văn Khoa, nguyên cán bộ Ban Dân vận – Mặt trận Tỉnh ủy Khánh Hòa giai đoạn 1964 – 1966.

[9] Sau Tết Mậu Thân 1968, do điều kiện chiến tranh ác liệt, nhiều đồng chí bị địch bắt, tù đày hoặc chuyển công tác nên công tác thanh vận trên thực tế do Ban Dân vận tỉnh trực tiếp đảm nhiệm.

[10] Nguyễn Trung Triều (2018), Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Luận án tiến sĩ sử học, Đại học sư phạm Huế.

[11] Huỳnh Như Phương (2006), Lời tựa cuốn Thế Vũ – Những trang văn để lại, Nhà xuất bản Văn nghệ Tp. HCM, 2006

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa

Từ Mặt trận Liên Việt, Mặt trận Tổ quốc đến Mặt trận dân tộc giải phóng (1955 – 1960) Kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Khánh Hòa bước vào thời kỳ lịch sử mới. Thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, toàn tỉnh được bàn giao cho đối phương quản lý. Trên phạm vi cả nước, kẻ thù của cách mạng nước ta không còn là thực dân Pháp mà là đế quốc Mỹ. Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 9-1954 vạch ra nhiệm vụ của Đảng ở miền Nam là: “Lãnh đạo nhân dân miền Nam đấu tranh thực hiện Hiệp định đình chiến, củng cố hòa bình, thực hiện tự do dân chủ, cải thiện dân sinh, thực hiện thống nhất và tranh thủ độc lập.”[1]. Nghị quyết cũng nhấn mạnh yêu cầu cách mạng miền Nam phải xây dựng mặt trận dân tộc thống nh

Tin khác cùng chủ đề

Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Tinh thần quyết chiến quyết thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc
Nghệ thuật tác chiến phòng không trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Gửi bình luận của bạn