Bây giờ thì tên gọi Quân đội Nhân dân Việt Nam đã trở nên quá đỗi thân thuộc, thế nhưng quân đội ta từng có những tên gọi nào và tên gọi Quân đội Nhân dân Việt Nam chính thức xuất hiện từ bao giờ thì không phải ai cũng biết

Lịch sử của một tên gọi
Lịch sử của một tên gọi

1. Tên gọi đầu tiên của quân đội ta là Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, được thành lập theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh và được đồng chí Võ Nguyên Giáp tiến hành thành lập ngày 22/12/1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Sở dĩ đội lấy tên như vậy vì chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong chỉ thị là “chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội  tuyên truyền”, trong bối cảnh hết sức khó khăn của những ngày chuẩn bị lực lượng vũ trang tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền.

Sau này, ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân 22/12/1944 được lấy làm ngày kỷ niệm thành lập quân đội ta và cho đến nay đã tròn 80 năm.

 

2. Trong những đội quân tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam, ngoài Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân thành lập 22/12/1944 thì trước đó, sau cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, đội du kích Bắc Sơn được thành lập và duy trì. Trong quá trình đấu tranh bảo vệ căn cứ địa cách mạng, các trung đội Cứu quốc quân lần lượt được thành lập Cứu quốc quân 1 (23/02/1941), Cứu quốc quân 2 (15/9/1941), Cứu quốc quân 3 (25/02/1944). Các trung đội Cứu quốc quân 1 và 2 đã trải qua những năm tháng ác liệt chiến đấu để bảo vệ vùng căn cứ địa và bảo vệ lực lượng của mình. Trong cuộc chiến đấu ác liệt này, các đồng chí Phùng Chí Kiên, Lương Văn Tri, chỉ huy lực lượng Cứu quốc quân đã hy sinh anh dũng.

 

Tháng 04/1945, Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ họp tại Hiệp Hòa, Bắc Giang chủ trương thống nhất các lực lượng vũ trang hiện có. Thực hiện chủ trương này, ngày 15/5/1945, tại Định Biên Thượng, Chợ Chu, Thái Nguyên, đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã thống nhất với các đơn vị Cứu quốc quân cùng các tổ chức vũ trang cách mạng tập trung của cả nước thành Việt Nam Giải phóng quân.

Việt Nam Giải phóng quân chính là lực lượng vũ trang cách mạng làm nòng cốt cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945 trên cả nước.

 

3. Cách mạng tháng Tám thành công, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Trong bối cảnh mới, lực lượng vũ trang cách mạng tiếp tục được xây dựng và phát triển. Tuy nhiên, những tháng năm này là những tháng năm cách mạng Việt Nam ở vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” khi phải đối mặt với các thế lực thù trong, giặc ngoài và hàng loạt những khó khăn về kinh tế, chính trị, xã hội. Ngay cả Đảng Cộng sản Đông Dương cũng phải tuyên bố tự giải tán, thực chất là rút vào bí mật, để tránh mũi nhọn tấn công của kẻ thù và để tăng cường thu phục các lực lượng yêu nước vào Mặt trận Việt Minh chống lại kẻ thù. Tháng 11/1945 Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán thì cũng là thời điểm Việt Nam Giải phóng quân đổi tên thành Vệ Quốc đoàn. Đây là tên gọi thứ ba của quân đội ta. Ở vào thời điểm này, lực lượng vũ trang cách mạng có khoảng 50.000 người, được biên chế, tổ chức thành khoảng 40 chi đội ở hầu hết các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ, trong đó có một số chi đội đã ngay lập tức Nam tiến để hưởng ứng cuộc kháng chiến chống Pháp của đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ.

 

4. Ngày 22/5/1946 theo Sắc lệnh 71- SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Vệ Quốc đoàn đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam, được đặt dưới sự chỉ huy tập trung thống nhất của Bộ Tổng tham mưu. Quân đội ta lúc này đã được xây dựng hệ thống tổ chức chính quy, biên chế thống nhất theo trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội. Bên cạnh xây dựng lực lượng vũ trang tập trung, Đảng ta cũng đã chú ý xây dựng lực lượng bán vũ trang (bao gồm dân quân, du kích, tự vệ) lên tới gần 2 triệu người. Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Quân đội Quốc gia Việt Nam trở thành lực lượng chiến đấu ngăn chặn bước tiến quân thù và đánh bại âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, mở đầu cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và dựa vào sức mình là chính.

 

5. Năm 1949, thực dân Pháp trao trả độc lập cho chính quyền Bảo Đại và thành lập nhà nước Quốc gia Việt Nam. Nhà nước Quốc gia Việt Nam cũng tiến hành thành lập quân đội với tên gọi ban đầu là Vệ binh Quốc gia, sau đổi là Vệ binh Quốc gia Việt Nam và đến tháng 12/1950, chính thức đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam, là một phần trong quân đội Liên hiệp Pháp tại Đông Dương.

Như vậy, đến thời điểm cuối năm 1950, cả quân đội ta và quân đội của Bảo Đại đều có tên là Quân đội Quốc gia Việt Nam, chỉ khác là một bên là quân đội cách mạng, bên kia là quân đội phản cách mạng. Vậy nên xuất hiện những ý kiến cho rằng nên tìm một cái tên khác để đặt tên cho quân đội ta nhằm phân biệt quân đội ta là quân đội cách mạng với quân đội bù nhìn của chính quyền Bảo Đại.

Chính vì vậy có ý kiến cho rằng tên gọi Quân đội Nhân dân Việt Nam được xuất hiện từ cuối năm 1950 để phân biệt với quân đội quốc gia của chính quyền Bảo Đại.

Trong một số văn kiện của Đảng và bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm 1950-1951, kể cả trong văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng, tháng 2/1951, tên gọi "quân đội nhân dân" đã được nhắc đến nhưng chưa trở thành tên gọi chính thức của quân đội ta.

Các tài liệu cho thấy kể cả đến năm 1951-1953 thì quân đội ta vẫn được gọi là Quân đội Quốc gia Việt Nam. Về mặt Nhà nước mà nói thì tên gọi quân đội ta vẫn chưa thay đổi.

La Văn Cầu, thành viên đoàn đại biểu Việt Nam đi Đại hội Thanh niên và Sinh viên thế giới, tổ chức vào tháng 8/1951 tại Berlin, Đức, đến tháng 5/1952, được phong Anh hùng quân đội trong Đại hội Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc, trong bản báo cáo thành tích của mình tại Đại hội vẫn xác định rằng anh là đại biểu của Quân đội Quốc gia Việt Nam.

Năm 1953, thẻ quân nhân cấp cho sĩ quan quân đội ta vẫn ghi là "Quân đội quốc gia Vệt Nam".

Vậy nên tên gọi Quân đội Nhân dân Việt Nam dù cho là xuất hiện từ cuối năm 1950, tuy nhiên. lại chưa có văn bản chính thức nào của Đảng và Nhà nước ta chính thức đổi tên Quân đội Quốc gia Việt Nam thành Quân đội Nhân dân Việt Nam, mặc dù lúc này, quan điểm chung của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng ta và nhà nước ta là Quân đội ta là quân đội của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân và chiến đấu, vì nhân dân mà phục vụ. Do vậy, có thể nói, từ năm 1950 đến tháng 9/1954, Quân đội ta vẫn được gọi với tên Quân đội Quốc gia Việt Nam.

 

6. Gần đây, các tư liệu lịch sử được công bố cho thấy tên gọi chính thức của quân đội ta là Quân đội Nhân dân Việt Nam xuất hiện vào tháng 9/1954.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và Hiệp định Geneva được ký kết, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào thời điểm kết thúc. Trước tình hình tên gọi quân đội ta vẫn chưa thống nhất, ngày 23/9/1954, Thủ tướng phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Công văn số 400 – TTg do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký, gửi các bộ, các ủy ban hành chính liên khu và khu, các đoàn thể ghi rõ: “Quân đội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ nay gọi thống nhất là Quân đội Nhân dân Việt Nam”.

Như vậy, tên gọi Quân đội Nhân dân Việt Nam chính thức xuất hiện từ sau ngày 23/09/1954, sau khi chúng ta giành được thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với Hiệp định Geneva được ký kết và thời điểm Đảng, Chính phủ, quân đội ta đang chuẩn bị trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội từ tay thực dân Pháp và chính quyền tay sai.

Lịch sử quân đội ta tròn 80 năm và lịch sử tên gọi Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng đã tròn 70 năm.Từ năm 1944 đến năm 1954, trong vòng 10 năm, quân đội ta đã mang những cái tên như đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quânViệt Nam giải phóng quân, Vệ quốc đoàn, Quân đội Quốc gia Việt Nam và từ tháng 9/1954 đến nay, chính thức mang tên Quân đội Nhân dân Việt Nam.

 

Bình Nguyễn

1. Tên gọi đầu tiên của quân đội ta là Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, được thành lập theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh và được đồng chí Võ Nguyên Giáp tiến hành thành lập ngày 22/12/1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Sở dĩ đội lấy tên như vậy vì chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong chỉ thị là “chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội  tuyên truyền”, trong bối cảnh hết sức khó khăn của những ngày chuẩn bị lực lượng vũ trang tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền. Sau này, ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân 22/12/1944 được lấy làm ngày kỷ niệm thành lập quân đội ta v&

Tin khác cùng chủ đề

Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Tinh thần quyết chiến quyết thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc
Nghệ thuật tác chiến phòng không trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Gửi bình luận của bạn