Cách đây 71 năm, nhân dân Khánh Hòa đã nhất tề đứng lên với khí thế cách mạng sục sôi, giành chính quyền, góp phần cùng với cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại.

Khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng tháng tám năm 1945 ở Khánh Hòa có nét tương đồng với Cuộc khởi nghĩa diễn ra ở  thủ đô Hà Nội
Khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng tháng tám năm 1945 ở Khánh Hòa có nét tương đồng với Cuộc khởi nghĩa diễn ra ở thủ đô Hà Nội
Cách đây 71 năm, nhân dân Khánh Hòa đã nhất tề đứng lên với khí thế cách mạng sục sôi, giành chính quyền, góp phần cùng với cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại.

Sau Hội nghị thống nhất các tổ chức Việt Minh Khánh Hòa và Nha Trang vào đầu tháng 5/1945, phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng trong tỉnh dâng cao như nước vỡ bờ. Mặt trận Việt Minh xây dựng được cơ sở rộng khắp, thu hút hàng vạn hội viên cứu quốc ở nông thôn, các thị xã, thị trấn. Nắm được tình hình phát xít Nhật sẽ phải đầu hàng Đồng minh, đêm 12.8, Tỉnh ủy lâm thời Khánh Hòa họp Hội nghị mở rộng ở Nha Trang, phát động cuộc khởi nghĩa trong toàn tỉnh khi Nhật đầu hàng.

Ngày 14 và 15.8.1945, nhân dân các huyện Vạn Ninh và Ninh Hòa tiến hành khởi nghĩa và giành được thắng lợi được truyền đi nhanh chóng làm cho nhân dân phấn khởi, tin tưởng. Kẻ địch càng thêm hoang mang, dao động. Lính Nhật đóng yên trong trại. Các tầng lớp trung gian được phong trào chống Nhật cứu nước lôi cuốn ngả về phía lực lượng cách mạng. Các tổ chức chính trị thân Nhật, dưới những đòn đả kích mạnh mẽ của phong trào Việt Minh đã phân hóa cao độ. Bọn Việt gian lo sợ tìm gặp các đồng chí lãnh đạo Việt Minh xin khoan hồng. Trước tình hình trên, đêm 15.8 Tỉnh ủy lâm thời họp Hội nghị mở rộng với sự tham dự của đại biểu các huyện tại nhà đồng chí Trần Việt Châu ở gần kho xăng Phước Hải. Hội nghị bầu ra “Ban khởi nghĩa” gồm đồng chí Bùi San làm Ủy viên Thường trực và các đồng chí Nguyễn Văn Chi, Trần Việt Châu. Ngày 17-8, Đại hội Việt Minh toàn tỉnh đã diễn ra, gồm đông đủ đại biểu của Tỉnh ủy lâm thời và Ủy ban Việt Minh tỉnh. Đại hội Việt Minh tỉnh bàn cụ thể kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền tại Nha Trang và quyết định lấy ngày 19.8.1945 làm ngày khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương. Đại hội đã bầu UBND Cách mạng lâm thời do các đồng chí Nguyễn Văn Chi làm Chủ tịch, Phạm Cự Hải làm Phó Chủ tịch, Trần Chí Hiền - Ủy viên Quân sự, Tôn Thất Vỹ (tức Nguyễn Minh Vỹ) làm Ủy viên Thư ký và một số ủy viên phụ trách các ngành.

Được tin ngụy quyền khánh Hòa dự định tổ chức cuộc mít tinh lớn của thanh niên vào ngày 19.8 để ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim, Tỉnh ủy lâm thời và Ủy ban khởi nghĩa tỉnh quyết định lợi dụng cơ hội này để biến cuộc mít tinh do địch tổ chức thành cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh. Đồng chí Đào Thiện Thi, thủ lĩnh Liên đoàn thanh niên Khánh Hòa, được Ủy ban khởi nghĩa giao nhiệm vụ tranh thủ những điều kiện hợp pháp để tập hợp đông đảo quần chúng và binh sĩ yêu nước đến dự cuộc mít tinh, đồng thời phải kéo được những tên cầm đầu chính quyền bù nhìn tỉnh Khánh Hòa, thị xã Nha Trang, Vĩnh Xương, Diên Khánh và các sĩ quan Nhật đóng tại Nha Trang đến dự.

Không khí chuẩn bị khởi nghĩa diễn ra rầm rộ. Sau khi lệnh khởi nghĩa được truyền đạt về tận cơ sở, mọi công việc chuẩn bị cho ngày khởi nghĩa được tiến hành khẩn trương. Các đội tự vệ, thanh niên được lệnh tăng cường bảo vệ và theo dõi chặt chẽ các vị trí của địch, bám sát các cơ quan đầu não của chính quyền bù nhìn, theo dõi những tên việt gian đầu sỏ thân Nhật. Việt Minh các xã đã xúc tiến huy động lực lượng quần chúng xuống đường chuẩn bị tiến về Nha Trang, chuẩn bị băng cờ, khẩu hiệu và bàn kế hoạch bố trí người ở nhà chuẩn bị giành chính quyền ở xã khi cuộc khởi nghĩa giành chính quyền Nha Trang thành công.

Trưa ngày 19.8.1945, theo kế hoạch của Ủy ban khởi nghĩa, quần chúng nhân dân từ Diên Khánh, Vĩnh Xương, Vĩnh Nguyên, Vĩnh Tường, Vĩnh Hải và nội thành Nha Trang mang gậy gộc, dây thừng, dao găm, cờ đỏ sao vàng cuộn chặt trong những lá cờ “quẻ li”, băng khẩu hiệu rầm rập kéo về sân vận động Nha Trang.


Sân vận động 19.8 – nơi diễn ra cuộc mít tinh lịch sử
Đúng 14 giờ, sân vận động Nha Trang tràn ngập một biển người. Các đoàn dự mít tinh hàng ngũ chỉnh tề, đứng vào vị trí đã quy định, trong khi bọn quan lại cấp tỉnh, huyện, thị xã, bọn hiến binh Nhật, bọn mật thám các loại, những tên cầm đầu các tổ chức phản động đều có mặt đông đủ. Tất cả bọn chúng đều bị lực lượng vũ trang bí mật kèm chặt, sẵn sàng trấn áp ngay những hành động phản trắc của chúng. Ngoài ra, một trung đội lính bảo an được Phạm Thám chỉ huy được ta bố trí cầm súng có cắm lưỡi lê làm đội danh dự đứng trước lễ đài.

Đúng 15 giờ ngày 19.8.1945, đồng chí Trần Oanh đã có mặt sẵn sàng ở chân cột cờ, bất ngờ hạ cờ “quẻ li” xuống, và lá cờ đỏ sao vàng từ từ được kéo lên đỉnh cột cờ giữa tiếng hoan hô, reo hòa của nhân dân vang dậy. Băng cờ, biểu ngữ của Việt Minh được dương cao. Phút chốc cả sân vận động ngập tràn trong màu cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ. Bọn địch ngơ ngác, nhốn nháo. Một tên sĩ quan Nhật cho tay vào đốc kiếm định bước lên nhưng hai chiến sĩ bảo vệ (Trần Tự Trọng và Nguyễn Đình Mười) buộc hắn đứng yên tại chỗ. Lễ chào cờ bắt đầu. Đội lính bảo an do Lê Thám và Phạm Thám chỉ huy đã nhất tề bồng súng cùng hàng ngàn đồng bào đứng nghiêm chào cờ đỏ sao vàng đang tung bay. Tiếp đó, đồng chí Đào Thiện Thi bước lên diễn đàn, thay mặt Ủy ban Việt Minh tỉnh Khánh Hòa tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn, và kêu gọi đồng bào ủng hộ Mặt trận Việt Minh, ủng hộ chính quyền cách mạng, tham gia khởi nghĩa đánh đổ chính quyền thân Nhật, giành chính quyền về tay nhân dân. Tiếng hô các khẩu hiệu vang dậy: “Ủng hộ Việt Minh”, “Đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim”. Đến 17 giờ, cuộc mít tinh biến thành cuộc tuần hành thị uy. Đoàn biểu tình đông hàng nghìn người, dẫn theo Tỉnh trưởng Phan Thanh Kỷ, kéo đến chiếm cơ quan của ngụy quyền tỉnh Khánh Hòa (nay là trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh) tịch thu ấn tín, hồ sơ, tài liệu. Theo sự hướng dẫn của Ủy ban khởi nghĩa, quần chúng nhanh chóng tỏa về các đường phố, chiếm lĩnh các công sở, trại bảo an, cảnh sát, nhà đèn, kho bạc và phá trại gam giải phóng tù nhân. Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh do đồng chí Nguyễn Văn Chi làm Chủ tịch, đồng chí Phạm Cự Hải làm Phó chủ tịch, đồng chí Tôn Thất Vỹ (Nguyễn Minh Vỹ) làm Tổng thư kí và các ủy viên khác đã ra mắt Nhân dân.

Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời của thị xã Nha Trang cũng được thành lập ngay trong đêm 19.8.1945, do đồng chí Nguyễn Duy Tính làm Chủ tịch, đồng chí Lê Huy Phát làm Phó chủ tịch.
Ở Vĩnh Xương, sau khi tham gia cướp chính quyền ở Nha Trang, quần chúng đã tiếp tục nổi dậy, xóa bỏ chính quyền bù nhìn và thôn, lập chính quyền cách mạng. Chỉ trong ngày 20.8, toàn huyện đã giành được chính quyền. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời của huyện Vĩnh Xương được thành lập, do đồng chí Hồ Ngọc Cang làm Chủ tịch. Tiếp đó, các huyện, xã, thị trấn trong tỉnh Khánh Hòa lần lượt nhanh chóng giành được chính quyền. Như vậy, chỉ trong hơn tuần lễ, nhân dân Khánh Hòa dưới sự tổ chức và lãnh đạo của Tỉnh ủy lâm thời và Mặt trận Việt Minh tỉnh, đã đứng lên tổng khởi nghĩa thắng lợi, xóa bỏ hoàn toàn chính quyền tay sai của giặc Nhật, thành lập chính quyền cách mạng từ tỉnh đến huyện, xã.

Đánh giá về cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám ở Khánh Hòa, nhiều sử gia cũng rất ngạc nhiên về những nét tương đồng của cuộc khởi nghĩa tại Nha Trang – Khánh Hòa với cuộc khởi nghĩa tại Hà Nội. Đó là thời điểm diễn ra cuộc khởi nghĩa và phương pháp giành chính quyền. Điều kỳ lạ là cuộc khởi nghĩa tại Nha Trang - Khánh Hòa đã diễn ra cùng thời điểm với Hà Nội. Điều đó đã cho thấy sự nhạy bén trong lãnh đạo phong trào cách mạng của Đảng bộ Khánh Hòa. Phương pháp giành chính quyền cũng đã biết kết hợp tất cả các hình thức đấu tranh, kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng chính trị với lực lượng vũ trang; kết hợp nổi dậy của quần chúng với tiến công của lực lượng vũ trang cách mạng ở cả nông thôn và thành thị; kết hợp tất cả các hình thức đấu tranh. Nhờ vậy, Cách mạng Tháng Tám đã giành được thắng lợi nhanh gọn, ít đổ máu.

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Khánh Hòa thắng lợi, là thành tựu tuyệt vời của tinh thần, ý chí, trí tuệ của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, mãi mãi là nét son trong lịch sử đấu tranh giải phóng quê hương đất nước của Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa, góp phần vào thắng lợi chung của Cách mạng tháng Tám năm 1945 trong toàn quốc.
Nguyễn Quốc Ninh
(Theo Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 1930 - 1975)
Cách đây 71 năm, nhân dân Khánh Hòa đã nhất tề đứng lên với khí thế cách mạng sục sôi, giành chính quyền, góp phần cùng với cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại. Sau Hội nghị thống nhất các tổ chức Việt Minh Khánh Hòa và Nha Trang vào đầu tháng 5/1945, phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng trong tỉnh dâng cao như nước vỡ bờ. Mặt trận Việt Minh xây dựng được cơ sở rộng khắp, thu hút hàng vạn hội viên cứu quốc ở nông thôn, các thị xã, thị trấn. Nắm được tình hình phát xít Nhật sẽ phải đầu hàng Đồng minh, đêm 12.8, Tỉnh ủy lâm thời Khánh Hòa họp Hội nghị mở rộng ở Nha Trang, phát động cuộc khởi nghĩa trong toàn tỉnh khi Nhật đầu hàng. N

Tin khác cùng chủ đề

Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Đoàn kết quốc tế - Tư tưởng chiến lược Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam
70 năm Điện Biên Phủ: Sức mạnh của toàn dân, sức mạnh của lòng dân

Gửi bình luận của bạn