Trong những năm qua, khoa học lịch sử Đảng đã tiếp tục làm sáng tỏ nhiều vấn đề lịch sử dân tộc nói chung, lịch sử Đảng nói riêng, góp phần làm nhận thức về lịch sử đấu tranh giành độc lập, tự do, giải phóng đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo định hướng XHCN của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng thêm toàn diện và sâu sắc. Khoa học lịch sử Đảng cũng cung cấp những cứ liệu về lịch sử, đúc kết nhiều bài học kinh nghiệm lịch sử quý báu có thể vận dụng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đặc biệt, bằng những công trình nghiên cứu khách quan, khoa học lịch sử Đảng đã góp phần đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc lịch sử cách mạng Việt Nam, hòng phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam.

Khoa học Lịch sử Đảng trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Khoa học Lịch sử Đảng trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và các đại biểu tham quan Tủ sách “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” tại Phố sách Hà Nội

Là một chuyên ngành của khoa học lịch sử, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam có chức năng nhận thức, chức năng giáo dục và chức năng dự báo. Chức năng nhận thức là khám phá, hiểu biết ngày càng đầy đủ, toàn diện, sâu sắc quá trình lịch sử đấu tranh, lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, quá trình xây dựng và chỉnh đốn Đảng về mọi mặt, nhận thức ngày càng rõ hơn mỗi sự kiện trong lịch sử Đảng. Chức năng giáo dục là từ những kết quả, thành quả nghiên cứu tăng cường giáo dục, nâng cao sự hiểu biết của mọi người về lịch sử vẻ vang của Đảng với những thắng lợi và thành tựu to lớn của cách mạng Việt Nam do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Chức năng dự báo là dựa trên những trải nghiệm và tổng kết kinh nghiệm, bài học và quy luật của tiến trình lịch sử để nhìn nhận xu hướng phát triển của cách mạng và đất nước Việt Nam. Khoa học lịch sử Đảng có những nhiệm vụ quan trọng như thu thập, xử lý hệ thống các tư liệu lịch sử và xây dựng biên niên các sự kiện lịch sử Đảng; dựng lại hiện thực lịch sử một cách khách quan, trung thực trên tất cả các lĩnh vực gắn với sự lãnh đạo của Đảng; tổng kết những kinh nghiệm, bài học, quy luật và lý luận của tiến trình cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo, tổng kết những giá trị truyền thống của Đảng...
Với chức năng, nhiệm vụ trên đây, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng có khả năng và là một trong những hoạt động quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng, nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống, bồi dưỡng ý chí và tình cảm cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần đấu tranh chống các luận điệu sai trái và âm mưu của các thế lực thù địch nhằm phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng, chống lại chế độ XHCN thông qua việc xuyên tạc, bôi nhọ những vấn đề lịch sử, nhân vật lịch sử Đảng.
Trong bối cảnh công cuộc đổi mới, mở cửa hội nhập quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, những thành tựu lớn lao đã đạt được, đất nước ta phải đối diện với những khó khăn và trở lực không nhỏ. Bên cạnh mặt tích cực, mặt trái của kinh tế thị trường tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, kích thích chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thực dụng, lối sống hưởng thụ ích kỷ phát triển, làm băng hoại những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc,... Trong bối cảnh đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên chịu tác động nhiều chiều. Một phận cán bộ, đảng viên, thậm chí những cán bộ cao cấp của Đảng, không tiếp nối được truyền thống của Đảng, thiếu ý thức trách nhiệm và bản lĩnh chính trị, không giữ được phẩm chất của người cộng sản, tha hóa về nhân cách, đạo đức lối sống, bị cám dỗ bởi vật chất, rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân. Đặc biệt, tình trạng nhạt Đảng, nhạt chính trị, nhạt chủ nghĩa, hoài nghi về con đường phát triển... đang diễn ra và có xu hướng gia tăng. Thực trạng trên đây có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc ngại học tập lý luận, tiếp thu những giá trị và kinh nghiệm của lịch sử Đảng.
Bên cạnh tình trạng “tự diễn biến” rất đáng lo ngại trên đây, các thế lực thù địch trong nước và ngoài nước không ngừng thực hiện âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” gây bạo loạn, lật đổ nhằm chống phá cách mạng Việt Nam. Một trong những thủ đoạn thâm độc, tinh vi là tấn công vào nền tảng lịch sử của Đảng, nền tảng lịch sử cách mạng do Đảng lãnh đạo, xuyên tạc lịch sử cách mạng Việt Nam và lịch sử cách mạng thế giới. Dựa vào sự sụp đổ của mô hình XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu, các thế lực thù địch rêu rao rằng “chủ nghĩa Mác-Lênin là sai lầm, sai lầm từ trong bản chất chứ không phải do nhận thức và vận dụng sai”, chủ nghĩa Mác-Lênin không phải là sản phẩm của thực tiễn Việt Nam, việc du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam là “một sai lầm của lịch sử”, “đã kìm hãm sự phát triển của đất nước”. Họ xoáy vào một số sự kiện lịch sử, một số thời đoạn của lịch sử với những đánh giá sai lệch, hoặc thổi phồng những sai lầm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng nhằm phủ nhận những thành quả cách mạng của quần chúng, nhân dân, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng. Một số nhà học giả tư sản còn đánh đồng tổ chức Tờrốtxkít với Đảng Cộng sản Đông Dương, từ đó “khái quát” lên rằng Đảng Cộng sản Đông Dương một thời kỳ “tồn tại trong sự mâu thuẫn”; hoặc cho rằng Cách mạng Tháng Tám (1945) chỉ là “ăn may” khi đã có một “khoảng trống quyền lực” mà không có sự chỉ đạo thống nhất(!); hoặc có nhà nghiên cứu biện luận rằng dân tộc Việt Nam không cần thiết tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước để giành nền độc lập trọn vẹn, tiến tới thống nhất đất nước, mà Việt Nam vẫn có thể thực hiện được sự thống nhất đất nước theo mô hình của nước Đức ở châu Âu;... Gần đây, có hiện tượng đáng ngại, đó là xuất hiện những ý kiến “đánh giá lại lịch sử”; ngại viết, ngại nói về lịch sử Đảng, cho rằng viết về Đảng là “không khách quan”, “không khoa học”, đòi xem xét, đánh giá lại những vấn đề lịch sử.
Những luận điệu xuyên tạc, những nhận định lệch lạc về lịch sử Đảng, lịch sử đấu tranh cách mạng, lịch sử dân tộc trên đây diễn ra liên tục, lặp đi lặp lại, kéo dài với nhiều hình thức, nhiều biểu hiện, vừa ráo riết vừa âm thầm, nhất là được che đậy dưới chiêu bài “khách quan”, “khoa học”. Hiện nay, mạng xã hội có hiệu ứng rất lớn, các thế lực phản động, những phần tử định kiến đã triệt để lợi dụng kênh thông tin này để phát tán, tuyên truyền sai sự thật nhiều vấn đề lịch sử nhằm gây hoang mang, dao động, hoài nghi, ngả nghiêng trong nhận thức, tư tưởng, kích động sự hận thù giữa nhóm người này với nhóm người kia, phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng.
Xuyên tạc, bóp méo, bôi đen lịch sử Đảng chính là đánh phá trực tiếp vào cơ sở thực tiễn, vào nền tảng lịch sử của Đảng. Bài học dẫn đến sự sụp đổ của mô hình CNXH ở Liên Xô và Đông Âu cho thấy, việc nhận thức không đúng về lịch sử, hoài nghi về lịch sử, xem xét lại lịch sử có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Các thế lực thù địch đã xem lịch sử như một địa hạt để tấn công trực tiếp vào Đảng Cộng sản. Trong thập niên 80 của thế kỷ XX, tại Liên Xô, nhóm chống lại chủ nghĩa Mác-Lênin, nhằm phá rã Đảng Cộng sản Liên Xô, xóa bỏ Nhà nước Liên bang Cộng hòa XHCN Xô viết do Tổng Bí thư Gorbachev đứng đầu đã sử dụng chiêu bài “bóp méo lịch sử” như một biệp pháp quan trọng. Chính Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev và A.N.Yakovlev-người phụ trách công tác tư tưởng của Đảng Cộng sản Liên Xô đã cho xem xét, đánh giá lại một số nhân vật lịch sử và vấn đề lịch sử, làm cho xã hội náo loạn, nhân dân mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô1. Điều đó đã góp phần quan trọng làm tan rã nhanh chóng Đảng Cộng sản Liên Xô với hơn 20 triệu đảng viên và làm sụp đổ Nhà nước Liên bang Cộng hòa XHCN Xô viết, sau hơn 70 năm xây dựng.
Trước thực tế trên, thông qua công tác nghiên cứu, giảng dạy, tuyên truyền, ngành lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có những đóng góp đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống lại những luận điệu xuyên tạc và bóp méo sự thật lịch sử, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước Việt Nam XHCN.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Ban Bí thư Trung ương Đảng, công tác nghiên cứu lịch sử Đảng trong toàn ngành đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Qua hơn 15 năm thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 28-8-2002, của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về “Tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam” trên cả nước, ngành lịch sử Đảng đã nghiên cứu, biên soạn và xuất bản 10.325 công trình khoa học lịch sử, trong đó có 865 công trình cấp tỉnh; 1.336 công trình cấp quận, huyện; 6.385 công trình cấp phường, xã; 1.371 công trình của các sở, ban, ngành đoàn thể và 365 công trình do Viện Lịch sử Đảng biên soạn và xuất bản2. Đây là những công trình lịch sử đảng bộ; lịch sử truyền thống cách mạng của các địa phương, ban, ngành, đoàn thể; lịch sử công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang, lực lượng công an,...
Với số lượng đồ sộ trên đây, các công trình khoa học đã phản ánh chân thực và sinh động bức tranh toàn cảnh lịch sử ra đời, quá trình hoạt động, vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng, từ cấp độ toàn Đảng, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng như các đảng bộ địa phương, trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị…; tổng kết những kinh nghiệm phong phú của Đảng, góp phần phát triển lý luận, làm sáng tỏ và bổ sung đường lối, chính sách của Đảng.
Đặc biệt, trong số 365 công trình của Viện Lịch sử Đảng, có những công trình tiêu biểu sau: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 1 (1930-1954), Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2 (1954-1975); Lịch sử Xứ ủy Nam Bộ-Trung ương Cục miền Nam (1954-1975); Lịch sử công tác dân vận của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2010); Lịch sử Chính phủ Việt Nam (1976-2005); Lịch sử phong trào nông dân và Hội Nông dân Việt Nam (1930-2015); Lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam (1975-2000); Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Liên Khu IV (1945-1954),...
Những công trình trên của Viện Lịch sử Đảng nói riêng và của ngành lịch sử Đảng nói chung đã làm sáng tỏ quá trình ra đời và lãnh đạo của Đảng, luận giải nhiều vấn đề về lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bằng những sử liệu tin cậy và các luận cứ khoa học, ngành lịch sử Đảng khẳng định quá trình ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự lựa chọn của chính lịch sử, là sự kết hợp của các yếu tố khách quan và chủ quan gồm: chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Cương lĩnh chính trị đầu tiên là đột phá về lý luận cách mạng giải phóng dân tộc và phát triển đất nước, vừa tuân thủ những luận điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, chắt lọc những giá trị phổ biến văn minh nhân loại, vừa kết tinh và nhân lên tinh hoa về tư tưởng, về văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Hiện thực lịch sử cho thấy, con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là con đường duy nhất đúng của cách mạng Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Các công trình nghiên cứu lịch sử Đảng trên cấp độ toàn Đảng cũng như ở mỗi địa phương đã làm rõ và khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam, là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam trên các chặng đường đấu giành độc lập tự do, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tiến hành 30 chiến tranh cách mạng, đánh thắng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất đất nước, tiến hành xây dựng và bảo vệ đất nước theo đường lối đổi mới của Đảng... Trên cơ sở nghiên cứu, lịch sử Đảng đã tổng kết sâu sắc bài học kinh nghiệm trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, khái quát thành những vấn đề lý luận, mang tính quy luật. Lịch sử Đảng cho thấy, những thắng lợi vĩ đại, những bước phát triển nhảy vọt của cách mạng Việt Nam bao giờ cũng khởi nguồn và dựa trên những bước phát triển đột phá về lý luận của Đảng. Lịch sử Đảng cũng đúc kết những truyền thống quý báu của Đảng, nêu bật những tấm gương cộng sản kiên trung, xả thân, cống hiến cho Đảng cho dân tộc...
Những kết quả nghiên cứu trên đây đã được xã hội hóa, được sử dụng trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, được phản ánh trong hệ thống giáo dục quốc dân... góp phần quan trọng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố niềm tin, lòng tự hào của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào truyền thống quý báu, nâng cao ý thức trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. 
Lịch sử Đảng còn là lợi khí sắc bén đấu tranh chống các luận điệu sai trái, xuyên tạc các sự kiện lịch sử. Ví dụ như, với những tư liệu lịch sử đáng tin cậy và phương pháp nghiên cứu khoa học hiện đại, lịch sử Đảng đã khẳng định rằng, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả đấu tranh cách mạng lâu dài của nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuộc cách mạng đó đã được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng thông qua các phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đó là kết quả của sự thay đổi tư duy, phát triển lý luận về giải quyết mối quan hệ giữa nhiệm vụ dân tộc và dân chủ của Đảng, là nghệ thuật kết hợp xây dựng, chuẩn bị thực lực với chớp thời cơ, nghệ thuật phát động và lãnh đạo nhân dân nổi dậy... Thực tiễn lịch sử đó đã bác bỏ những luận điệu xuyên tạc rằng Cách mạng Tháng Tám là cuộc cách mạng “ăn may”. Đối với sự kiện Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968, bằng các dữ kiện lịch sử, các công trình khoa học lịch sử Đảng đã làm rõ, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968 là một trong những thắng lợi mang tính quyết định buộc đế quốc Mỹ phải thay đổi chiến lược đối với cách mạng Việt Nam, phải hạn chế và tiến tới chấm dứt hoàn toàn ném bom phá hoại miền Bắc, đồng ý ngồi vào bàn đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tiến tới rút dần quân Mỹ tham chiến ra khỏi miền Nam Việt Nam. Đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành lại nền độc lập dân tộc, tiến tới thống nhất đất nước trong những năm 1954-1975, các nhà khoa học lịch sử Đảng đã chỉ rõ rằng đây là thắng lợi vĩ đại của cả dân tộc Việt Nam, là thắng lợi của sự sáng tạo lý luận và luận điểm khoa học, cách mạng, đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, nhất quán một quyết tâm: để đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, ngoài con đường bạo lực cách mạng, nhân dân miền Nam không còn lựa chọn nào khác. Qua đó, khoa học lịch sử Đảng bác bỏ những luận điểm sai lạc cho rằng còn có con đường thống nhất đất nước theo một số mô hình khác trên thế giới như mô hình của nước Đức...
Ngoài ra, ngành lịch sử Đảng, cũng hiệu chỉnh nhiều sự kiện lịch sử trước đây đã công bố, phản ánh, phân tích và lý giải những hạn chế, khuyết điểm, sai lầm của Đảng trong một số thời điểm, một số sự kiện cụ thể. Với cách tiếp cận khách quan, khoa học, bảo đảm tính đảng, khoa học lịch sử Đảng đã góp phần làm cho nhân dân hiểu đúng, hiểu đầy đủ về những sự kiện lịch sử Đảng, khắc phục được sự hoài nghi, những nhận thức mơ hồ về lịch sử, tô thắm truyền thống lịch sử tốt đẹp của dân tộc, chống những âm mưu và hành động xuyên tạc lịch sử nhằm làm giảm uy tín của Đảng, làm cơ sở để tiến tới đòi gạt bỏ quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam...
Đánh giá về vai trò và đóng góp của ngành lịch sử Đảng đối với sự lãnh đạo của Đảng, cũng như đối với công tác tư tưởng, Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18-1-2018, “Về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII khẳng định: “Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng đã đạt được kết quả quan trọng, góp phần tổng kết thực tiễn lịch sử cách mạng qua các thời kỳ, rút ra kinh nghiệm, bài học, quy luật của cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo; giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước và nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”3.
Trong tình hình hiện nay, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các luận điệu phản động sai trái, ngành lịch sử Đảng xác định tập trung nghiên cứu làm rõ những vấn đề còn tồn đọng trong lịch sử Đảng, trên cơ sở đó, đẩy mạnh công tác, nghiên cứu, tuyên truyền giáo dục làm cho toàn Đảng, toàn dân hiểu biết rõ ràng và sâu sắc những vấn đề lịch sử đặt ra. 
Đó là cách mà ngành lịch sử Đảng góp phần thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “giữ chủ nghĩa cho vững” và cũng là cách mà ngành lịch sử Đảng đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, xuyên tạc lịch sử một cách hữu hiệu nhất trong bối cảnh hiện nay.

 
 
 
 

Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng số 6-2018
1. Hồi ký Ligachốp: “Bên trong Điện Cremlin của Gôbachốp”, bản dịch của Viện Thông tin lý luận thuộc VIện Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, H, 1993
2. Nguyễn Xuân Thắng: “Tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”, Tạp chí Lịch sử Đảng số 5-2018, tr. 5
3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18-1-2018, của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”.
PGS, TS TRẦN TRỌNG THƠ, TS NGUYỄN DANH LỢI
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và các đại biểu tham quan Tủ sách “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” tại Phố sách Hà Nội Là một chuyên ngành của khoa học lịch sử, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam có chức năng nhận thức, chức năng giáo dục và chức năng dự báo. Chức năng nhận thức là khám phá, hiểu biết ngày càng đầy đủ, toàn diện, sâu sắc quá trình lịch sử đấu tranh, lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, quá trình xây dựng và chỉnh đốn Đảng về mọi mặt, nhận thức ngày càng rõ hơn mỗi sự kiện trong lịch sử Đảng. Chức năng giáo dục là từ những kết quả, thành quả nghiên cứu tăng cường giáo dục, nâng cao sự hiểu biết của mọi người về lịch sử vẻ vang của Đảng với những th

Tin khác cùng chủ đề

Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Đoàn kết quốc tế - Tư tưởng chiến lược Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam
70 năm Điện Biên Phủ: Sức mạnh của toàn dân, sức mạnh của lòng dân

Gửi bình luận của bạn