Nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, nhằm cung cấp luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, củng cố lòng tin, niềm tự hào của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị.

Khánh Hòa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy giá trị các ấn phẩm, di tích lịch sử
Khánh Hòa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy giá trị các ấn phẩm, di tích lịch sử

Ngày 18/01/2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Để thực hiện hiệu quả công tác này trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành và chỉ đạo triển khai Kế hoạch số 84-KH/TU, ngày 17/4/2018. Sau 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 20, Kế hoạch số 84 và các văn bản chỉ đạo về công tác lịch sử, công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh đã được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nâng cao nhận thức của cấp ủy, người đứng đầu

Qua triển khai, quán triệt Chỉ thị số 20, Kế hoạch số 84, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội về tầm quan trọng của việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử của địa phương, đơn vị được nâng cao. Từ đó, xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu trong việc nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng của địa phương, đơn vị.

Việc quán triệt, triển khai thực hiện công tác lịch sử được tiến hành nghiêm túc, hiệu quả, thiết thực, phù hợp với từng địa phương, đơn vị. Công tác hướng dẫn nghiệp vụ, thẩm định được triển khai kỹ lưỡng nên hầu hết ấn phẩm được biên soạn theo đúng quy trình, tuân thủ tương đối chặt chẽ những nguyên tắc của một tác phẩm khoa học lịch sử. Các cấp ủy đã chú trọng mời cộng tác viên có trình độ chuyên môn, am hiểu sâu trong lĩnh vực lịch sử cùng tham gia biên soạn, trong quá trình triển khai biên soạn đã thực hiện tốt quy trình sưu tầm, xác minh tư liệu, bản thảo được tổ chức hội thảo nhiều lần, nhờ vậy, các ấn phẩm đảm bảo tính Đảng, tính khoa học, thống nhất về nội dung và thể hiện được đặc thù riêng của từng địa phương. Chất lượng của các ấn phẩm ngày càng được nâng lên, qua đó, cung cấp cho cấp ủy những cứ liệu sát thực phục vụ công tác bảo vệ Đảng, thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ và những người có công với cách mạng, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình cao. Các ấn phẩm sau khi xuất bản được tuyên truyền rộng rãi trong Nhân dân, góp phần bồi đắp lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước và khát vọng vươn lên, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.

Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử

Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất và bố trí kinh phí phù hợp để phục vụ công tác nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn lịch sử. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thường xuyên được tạo điều kiện để sưu tầm tư liệu lịch sử ở cả trong và ngoài tỉnh. Ngoài các tư liệu thành văn trong hệ thống lưu trữ nội bộ, các địa phương, đơn vị quan tâm khai thác các nguồn tư liệu, như: Hồi ký của các đồng chí lãnh đạo; lịch sử đảng bộ của cấp trên và của các địa phương giáp ranh; tài liệu của chính quyền cũ liên quan đến hoạt động của Đảng ta…. Các nguồn tư liệu được xác minh, đối chiếu đảm bảo tính khoa học, tính Đảng, góp phần giúp các địa phương có nguồn tư liệu phong phú nhằm phục dựng lại bức tranh lịch sử.

Công tác thẩm định các ấn phẩm lịch sử được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo các quy định về phân cấp quản lý. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành các quyết định thành lập Hội đồng thẩm định lịch sử và trực tiếp thẩm định các ấn phẩm lịch sử của các huyện, thị, thành phố và lịch sử các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, đồng thời, tham gia thành viên các hội đồng thẩm định lịch sử các xã, phường, thị trấn. Thời gian qua, ở cấp tỉnh: Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo biên soạn và xuất bản 03 ấn phẩm lịch sử chuyên đề: Khánh Hòa - những mốc son lịch sử, Bác Hồ trong lòng dân Khánh Hòa, Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa - Các kỳ đại hội; chỉ đạo thực hiện bộ phim lịch sử “Ba đứa chúng mình”; một số ấn phẩm kỷ yếu hội thảo, như: Kỷ yếu Hội thảo khoa học tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đạo đức, phong cách của cán bộ, công chức; kỷ yếu tọa đàm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Đối với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, đến nay có 17 đơn vị hoàn thành xuất bản sách lịch sử (hoặc kỷ yếu, biên niên) giai đoạn trước và sau năm 1975. Đối với các huyện ủy, thị ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc, đã có 8/8 huyện, thị ủy, thành ủy hoàn thành biên soạn lịch sử Đảng bộ giai đoạn trước 1975 và 7/8 địa phương hoàn thành biên soạn lịch sử Đảng bộ giai đoạn sau 1975; 6/7 đảng ủy trực thuộc xuất bản ấn phẩm lịch sử. Đối với cấp xã, phường, thị trấn, toàn tỉnh có 135/136 xã, phường, thị trấn (trừ 03 xã, thị trấn của huyện Trường Sa) hoàn thành xuất bản lịch sử cách mạng. Các ấn phẩm đã tái hiện một cách toàn diện, chân thực, sinh động lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử phát triển của các cơ quan, đơn vị, đóng góp hiệu quả vào việc giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy tinh thần đoàn kết của Đảng bộ và Nhân dân trong toàn tỉnh.

Ảnh: Huyện ủy Khánh Sơn tổ chức giới thiệu sách Lịch sử Đảng bộ huyện giai đoạn 1975 – 2015

 

Quan tâm bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử

   Công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử thường xuyên được quan tâm. Ngày 11/9/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU về tăng cường bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa, trên cơ sở đó, cấp ủy các địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh đã chỉ đạo khẩn trương hoàn thành việc lập hồ sơ xếp hạng, cắm mốc di tích, bia di tích theo đúng quy định; thường xuyên quan tâm tu bổ, tôn tạo các di tích, nhất là các di tích đã xuống cấp.

Để phát huy giá trị các di tích lịch sử, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu nâng cấp và đầu tư hoàn chỉnh một số di tích như: Căn cứ cách mạng Đồng Bò (thành phố Nha Trang); Địa điểm lưu niệm Tàu C235 (thị xã Ninh Hòa),... Khuyến khích xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích; thu hút đầu tư xây dựng các dự án du lịch, các tuyến, điểm du lịch gắn với các di tích. Việc đầu tư, nâng cấp di tích đảm bảo đúng quy định; giữ gìn, tôn tạo cảnh quan di tích; phát triển du lịch; nâng cao đời sống người dân; tuyên truyền, giáo dục lịch sử, truyền thống văn hóa; bảo vệ an ninh - quốc phòng;...

Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục

Cùng với việc quan tâm công tác nghiên cứu, biên soạn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử, truyền thống đấu tranh cách mạng của các thế hệ cha anh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương; về giá trị của các di tích, ý nghĩa, vai trò của các di tích gắn với các sự kiện lịch sử tiêu biểu của các thời kỳ cách mạng, kháng chiến của tỉnh.

Ảnh: Thị ủy Ninh Hòa trao giải Cuộc thi viết Đề cương tuyên truyền “Phát huy truyền thống cách mạng quê hương Ninh Hoà anh hùng; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”

Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, phát huy giá trị các ấn phẩm lịch sử với nhiều hình thức, như: Tổ chức lễ ra mắt sách; tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng; tuyên truyền qua các buổi sinh hoạt chính trị, thông tin thời sự, sinh hoạt chi bộ. Một số đơn vị, địa phương tổ chức hội thi tìm hiểu lịch sử Đảng bộ, thi tuyên truyền lịch sử Đảng bộ (Thị ủy Ninh Hòa, Huyện ủy Vạn Ninh,…), lịch sử cách mạng địa phương, lịch sử truyền thống (Thành ủy Cam Ranh, Thị ủy Ninh Hòa, Huyện ủy Vạn Ninh, Đảng ủy Công an tỉnh, Đảng ủy Quân sự tỉnh,…); Tỉnh đoàn tổ chức Cuộc thi Sáng tác ấn phẩm tuyên truyền về lịch sử, văn hóa, du lịch quê hương Khánh Hòa; Đại học Nha Trang tổ chức thi tìm hiểu lịch sử Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa cho sinh viên;... Góp phần giúp cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử, truyền thống của địa phương, từ đó có ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng quê hương, đất nước.

Ảnh: Lãnh đạo Tỉnh đoàn Khánh Hòa trao giải tập thể xuất sắc cho Huyện đoàn Vạn Ninh tại Cuộc thi Sáng tác ấn phẩm tuyên truyền về lịch sử, văn hóa, du lịch quê hương Khánh Hòa

Trường Chính trị tỉnh và trung tâm chính trị cấp huyện tăng cường lồng ghép nội dung giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống địa phương vào giảng dạy tại các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Sở Giáo dục và Đào tạo biên soạn bộ tài liệu lịch sử Khánh Hòa và đưa vào sử dụng tại các trung học phổ thông và trung học cơ sở. Các trường học đưa nội dung lịch sử cách mạng địa phương vào giảng dạy trong các môn khoa học xã hội. Báo Khánh Hòa, Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa, các trang thông tin điện tử, mạng xã hội của các đơn vị, địa phương có nhiều tin, bài, phóng sự về lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng địa phương, di tích lịch sử góp phần phòng ngừa, phản bác các thông tin sai trái, xuyên tạc lịch sử.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tích cực hướng dẫn các cấp, ngành triển khai sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng; tổ chức nhiều đợt bồi dưỡng phương pháp cho cán bộ làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử. Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy trực thuộc Tỉnh ủy bằng nhiều hình thức khác nhau đã hướng dẫn phương pháp, nghiệp vụ sưu tầm, xử lý tài liệu, nghiên cứu, biên soạn lịch sử cho đội ngũ làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử ở địa phương, đơn vị mình.

Tiếp tục triển khai nghiêm túc Chỉ thị 20 của Ban Bí thư

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng còn một số hạn chế như: Một số cấp ủy chưa quan tâm đúng mức đến công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử; Đội ngũ cán bộ có năng lực và kinh nghiệm biên soạn lịch sử còn mỏng; Một số địa phương khó khăn về nguồn tư liệu và nhân chứng lịch sử, thậm chí gần như “trắng” về tư liệu; Chất lượng một số ấn phẩm lịch sử chưa cao; Việc khai thác nội dung các ấn phẩm đã xuất bản để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục chưa được quan tâm đúng mức;…

Để đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp sau: Tiếp tục chỉ đạo tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử cách mạng địa phương; Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn các công trình lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng, nhất là công tác thẩm định bản thảo các công trình lịch sử trước khi xuất bản, phát hành; Tiếp tục đưa nội dung lịch sử đảng bộ địa phương lồng ghép giảng dạy trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng đối tượng; Phát huy giá trị các ấn phẩm lịch sử, chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc, bóp méo lịch sử của các thế lực thù địch; Kịp thời động viên, khen thưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân thực hiện tốt công tác lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh;…

Những kết quả đạt được sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư và Kế hoạch số 84-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống, bồi dưỡng ý chí và tình cảm cách mạng, làm cho lịch sử Đảng và lịch sử truyền thống cách mạng thấm sâu vào từng cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng Nhân dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, từ đó phát huy ý chí tự lực tự cường và khát vọng xây dựng địa phương, đơn vị ngày càng phát triển.

Lâm An

Ngày 18/01/2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Để thực hiện hiệu quả công tác này trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành và chỉ đạo triển khai Kế hoạch số 84-KH/TU, ngày 17/4/2018. Sau 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 20, Kế hoạch số 84 và các văn bản chỉ đạo về công tác lịch sử, công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh đã được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nâng cao nh

Tin khác cùng chủ đề

Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Tinh thần quyết chiến quyết thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc
Nghệ thuật tác chiến phòng không trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Gửi bình luận của bạn