Chấp nhận trận quyết chiến chiến lược với thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ, quân đội và nhân dân Việt Nam đã huy động có lúc cao nhất lên tới 87.000 bộ đội và các dân công, đồng thời cần số lượng gạo lên tới 16.000 tấn.

Giải "bài toán" hậu cần khổng lồ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ như thế nào?
Giải "bài toán" hậu cần khổng lồ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ như thế nào?

Nói về "bài toán" hậu cần góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Hồng Anh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự cho biết, trong điều kiện hậu phương cách xa chiến trường, đường sá đi lại khó khăn, địch liên tục bắn phá trên các cung đường vận chuyển, quân và dân ta đã có nhiều biện pháp để bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm cho chiến trường.

PV: Thưa Đại tá Dương Hồng Anh, so với phương án "đánh nhanh, giải quyết nhanh" thì phương châm "đánh chắc, tiến chắc", chúng ta phải huy động khối lượng vật chất gấp hàng trăm lần. Trong khi đó, từ hậu phương lên chiến trường Điện Biên Phủ rất xa, đường sá đi lại khó khăn. Chúng ta đã giải quyết "bài toán" hậu cần như thế nào?

Đại tá Dương Hồng Anh: Khi chuyển phương châm từ "đánh nhanh. giải quyết nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc", thời gian chiến dịch sẽ kéo dài. Trong khi đó, khối lượng phải bảo đảm rất lớn. Riêng ở tuyến chiến đấu, lúc cao nhất có tới hơn 87.000 người gồm khoảng 54.000 quân và 33.000 dân công. Lượng gạo cần cho tuyến chiến đấu là 16.000 tấn. Muốn có lượng gạo đó phải huy động lên tuyến chiến dịch 25.000 tấn. Để giải bài toán hóc búa này, Tổng Quân ủy đã đề ra phương châm: Tích cực huy động tại chỗ và tích cực vận chuyển từ xa tới Hội đồng Cung cấp đã huy động nhân dân các địa phương đóng góp hơn 260.000 dân công với hơn 18 triệu ngày công, hơn 25.000 tấn gạo, gần 2.000 tấn thực phẩm. Đồng thời, chúng ta đẩy mạnh việc làm đường, sửa đường, như sửa 200km Hòa Bình - Sơn La; 300km đường Yên Bái - Sơn La, làm mới 89km Tuần Giáo - Điện Biên cho xe ôtô, phương tiện thô sơ cơ động; phá thác trên dòng Nậm Na cho bè mảng cơ động để nâng cao năng lực vận chuyển phục vụ chiến dịch.

 

Nhân dân Tây Bắc, tuy đời sống rất khó khăn vẫn dốc sức đóng góp lương thực thực phẩm cho chiến dịch. Theo tính toán, riêng nhân dân Tây Bắc đã đóng góp được 7.360 tấn gạo, chiếm gần 50% lượng gạo sử dụng tại tuyến chiến đấu. Giai đoạn cuối, khi vòng vây dần khép chặt, bộ đội ta còn tích cực đoạt dù của địch, thu chiến lợi phẩm bổ sung kịp thời cho các đơn vị chiến đấu.

PV: Theo tính toán thì để đưa được 1kg gạo lên chiến trường Điện Biên Phủ, chúng ta phải tiêu tốn 24kg gạo tổn thất dọc đường. Chúng ta đã có phương pháp vận chuyển như thế nào để có thể bảo đảm đủ, kịp thời lương thực, thực phẩm cho chiến dịch?

Đại tá Dương Hồng Anh: Ngành Hậu cần đã có những giải pháp để giải quyết tình huống này. Đó là - Tổ chức vận chuyển theo hình búp măng: Càng vào gần Điện Biên, càng ít lực lượng vận tải, để tận dụng hết năng lực vận chuyển các loại phương tiện. Ta sử dụng tối đa 628 ôtô vận tải hiện có, huy động tối đa các phương tiện thô sơ của nhân dân như hàng ngàn ngựa thồ, gần 21.000 xe đạp thồ, 11.800 thuyền mảng phục vụ vận chuyển cho chiến dịch thay cho việc huy động dân công gánh bộ.

Các đơn vị tự khai thác tạo nguồn hậu cần, có đơn vị lùa từng đàn bò từ Thanh Hóa, Phú Thọ lên cung cấp thực phẩm phục vụ chiến dịch. Tổ chức đánh bắt cá, thu hái rau rừng, huy động thu mua lương thực, thực phẩm của đồng bào. Ở tuyến chiến dịch, khi pháo đã vào trận địa, Hậu cần đã đề nghị mượn xe của pháo để vận chuyển vật chất. Đã có 50% số xe kéo pháo tham gia vận chuyển vật chất hậu cần.

PV: Nhà báo Pháp Giuyn Roa cho rằng “Không phải viện trợ Trung Quốc đã đánh bại tướng Nava mà chính là bằng những chiếc xe đạp thồ 200 - 300kg hàng và đẩy bằng sức người..” Ông có bình luận gì về nhận định này?

Đại tá Dương Hồng Anh: Khi quyết định đưa quân lên giao chiến ở Điện Biên Phủ, Nava tin tưởng rằng, chủng ta không thể giải quyết được các khó khăn về hậu cần bảo đảm cho các đại đoàn ở miền rừng núi xa hậu phương. Thực tế diễn biến chiến dịch đã cho thấy bảo đảm hậu cần đúng là vấn đề hết sức khó khăn. Và bất ngờ lớn nhất đối với Nava chính là ở chỗ quân dân ta đã khắc phục được những khó khăn để bảo đảm hậu cần cho chiến dịch. Để đổ lỗi cho thất bại ở Điện Biên Phủ, hạ thấp vai trò của quân và dân ta, một số chính khách và tướng lĩnh Pháp cho rằng, viện trợ của Trung Quốc là nhân tố quyết định vào chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhưng chính nhà báo Pháp Giuyn Roa khẳng định rằng: “Không phải viện trợ Trung Quốc đã đánh bại tướng Nava mà chính là những chiếc xe đạp thồ 200, 300kg hàng được đẩy bằng sức người - những con người ăn chưa đủ no và ngủ thì nằm ngay dưới đất trải tấm ni-lông.

Theo tổng kết, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, gạo viện trợ của Trung Quốc là 1.700 tấn chỉ chiếm 6,8%. Số lượng này tuy không lớn nhưng rất đáng trân trọng. Còn lại hơn 93% lượng gạo cung cấp cho Chiến dịch là do toàn quân, toàn dân ta với nỗ lực phi thường đã huy động và vận chuyển đến bảo đảm cho chiến dịch. Hình ảnh những đoàn xe đạp thồ nối nhau vận chuyển hàng lên Điện Biên, mãi là hình ảnh đẹp của công tác hậu cần Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nó gắn với truyền thống phát huy sức mạnh toàn dân, hậu cần nhân dân trong công tác hậu cần.

PV: Chiến tranh hiện đại ngày nay diễn ra trong thời gian ngắn, không gian rộng, chiến tuyến khó phân biệt. Chúng ta cần kế thừa và phát huy bài học kinh nghiệm bảo đảm hậu cần trong Chiến dịch Điên Biên Phủ như thế nào để có thể phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay? 

Đại tá Dương Hồng Anh: Trong điều kiện mới, để đáp ứng yêu cầu của chiến tranh, công tác hậu cần ngoài việc phát huy yếu tố truyền thống và kinh nghiệm bảo đảm trong các cuộc chiến tranh đã qua cũng cần phải làm tốt công tác chuẩn bị từ sớm từ xa từ khi nước chưa nguy. Đó là, xây dựng và hoàn thiện cơ chế động viên, huy động các nguồn lực trong nền kinh tế xã hội. Nhất là những vật chất trang bị mang tính lưỡng dụng tham gia bảo đảm hậu cần. Như vậy, dù chiến tranh hiện đại, dù trong bối cảnh mới của nền kinh tế thị trường nhưng khi mà toàn Đảng, toàn dân ta đồng thuận, tạo được sức mạnh đoàn kết dân tộc, phát huy được sức mạnh toàn dân, thì việc huy động mọi nguồn lực trong dân, bảo đảm cho chiến tranh sẽ dễ dàng được thực hiện, để tiếp nối truyền thống chiến tranh nhân dân, hậu cần toàn dân, để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.

PV: Xin cảm ơn Đại tá Dương Hồng Anh!

Nói về "bài toán" hậu cần góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Hồng Anh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự cho biết, trong điều kiện hậu phương cách xa chiến trường, đường sá đi lại khó khăn, địch liên tục bắn phá trên các cung đường vận chuyển, quân và dân ta đã có nhiều biện pháp để bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm cho chiến trường. Sự đóng góp to lớn của lực lượng dân công, bảo đảm hậu cầu cho chiến dịch là một trong những nguyên nhân chính làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN PV: Thưa Đại tá Dương Hồng Anh, so với phương án "đánh nhanh, giải quyết nhanh" thì phương châm "đánh chắc, tiến chắc",

Tin khác cùng chủ đề

Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Đoàn kết quốc tế - Tư tưởng chiến lược Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam
70 năm Điện Biên Phủ: Sức mạnh của toàn dân, sức mạnh của lòng dân

Gửi bình luận của bạn