Cách đây 104 năm ngày Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh đến với học thuyết Lênin tại Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp (1920 - 2024), bài viết đề cập đến bài học quan trọng về vấn đề đoàn kết quốc tế trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Đặt cách mạng Việt Nam trong bối cảnh phong trào cách mạng thế giới, Việt Nam đã tranh thủ được sự đoàn kết với các nước xã hội chủ nghĩa, với phong trào giải phóng dân tộc, kể cả sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân các nước đế quốc, nhờ đó đưa hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Những kinh nghiệm đó vẫn giữ nguyên ý nghĩa lý luận và cần được vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ngày nay.

Đoàn kết quốc tế - Tư tưởng chiến lược Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam
Đoàn kết quốc tế - Tư tưởng chiến lược Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam
Một ngày cuối tháng 12-1920, tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp họp ở thành phố Tours, xuất hiện một chàng thanh niên người Á châu, đến từ một xứ thuộc địa-Đông Dương thuộc Pháp. Đó là Nguyễn Ái Quốc, ông dừng chân tại Paris sau gần 10 năm đi khắp năm châu bốn biển để tìm đường cứu nước. Qua những buổi thảo luận sôi nổi trong Đại hội về vấn đề chiến lược và sách lược cách mạng, Nguyễn tỏ ra hoang mang trước nhiều lý lẽ hùng hồn với những thuật ngữ chính trị xa lạ, khó hiểu. Điều mà Nguyễn cần được giải đáp là ai ủng hộ phong trào đấu tranh của người dân thuộc địa, ai là bạn của nhân dân Đông Dương đang rên xiết dưới ách thống trị của đế quốc Pháp? Cuối cùng bài toán đã có lời giải, đó chính là Quốc tế thứ ba, đi theo học thuyết Lênin. Và chính trong Đại hội này, Nguyễn Ái Quốc đã chọn con đường của Lênin, của Quốc tế Cộng Sản. Sau này, Người nhớ lại: “chính là do chủ nghĩa yêu nước mà tôi tin theo Lênin”1. Rõ ràng, sự kiện Thành Tours năm 1920 đã đánh dấu một bước ngoặt cơ bản trong cuộc hành trình cứu nước của Nguyễn Ái Quốc và cũng là bước quyết định của con đường cách mạng Việt Nam.
Kỷ niệm 104 năm kể từ giờ phút quan trọng đó, tư tưởng Hồ Chí Minh đã chiếu sáng con đường cách mạng Việt Nam, đã xây dựng thành hệ thống lý luận về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và tiếp tục soi sáng con đường chúng ta đi. Một khía cạnh quan trọng của hệ thống lý luận đó, chính là tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhân sĩ trí thức Mỹ phản đối chiến tranh ở Việt Nam (năm 1967)_Nguồn: hochiminh.vn

 
1. Một trong những điểm mới và khác của Hồ Chí Minh so với các nhà yêu nước tiền bối là Người đã đưa cách mạng Việt Nam vào quỹ đạo thế giới và trở thành một bộ phận của cách mạng thế giới. Thực vậy, các thủ lĩnh nghĩa quân của phong trào kháng Pháp cũng như những văn thân của cuộc vận động Cần Vương cuối thế kỷ XIX đều thu hẹp hoạt động trong phạm vi từng địa phương, chưa lan ra toàn quốc, lại càng không có mối liên hệ với thế giới. Đầu thế kỷ XX, tầm nhìn rộng mở hơn, các sĩ phu đón nhận làn gió mới từ cuộc duy tân Minh Trị ở Nhật Bản, từ phong trào cải lương Mậu Tuất hay làn sóng cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc. Phong trào Đông Du cùng sự thành lập nhiều trường học theo mẫu hình Đông kinh nghĩa thục đã giúp cho các nhà nho tiến bộ cùng thế hệ thanh niên yêu nước tiếp xúc với các trào lưu tư tưởng mới, hướng về chế độ tư sản, cố vượt qua cái ngưỡng của quan niệm “trung quân ái quốc”. Tư tưởng phục hồi chế độ quân chủ lùi dần vào dĩ vãng, Phan Bội Châu tiếp cận quan điểm Lập hiến và Cộng hòa qua mẫu hình Minh Trị và Tôn Văn. Phan Châu Trinh hướng về chế độ dân chủ với lòng ngưỡng mộ lý tưởng của Cách mạng Pháp. Nhưng dù hướng về phía Đông hay phía Tây, tinh thần chủ đạo của các chí sĩ thời đó mới là cầu viện, trông chờ sự giúp đỡ từ các nước lớn đối với sự nghiệp của một “quốc gia nhược tiểu” mà vì thế không thể đưa đất nước ra khỏi tình trạng bế tắc.
Sau gần mười năm đi từ châu Á đến châu Âu, từ châu Phi đến châu Mỹ, lại thêm thời gian tiếp thu học thuyết Lênin, tham gia các diễn đàn của Quốc tế Cộng sản cùng những điều mắt thấy tai nghe ở nước Nga Xôviết và những cuộc hành quân cùng Bát lộ quân Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đã đặt phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam trong tổng thể của tình hình đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc trên thế giới. Do đó, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc phải dựa trên sự đoàn kết của nhân dân các nước thuộc địa, những người bị áp bức dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân; sự kết liên của giới cần lao bị cuốn hút vào guồng máy bóc lột của CNTB, dù ở chính quốc hay thuộc địa; sự chi viện lẫn nhau trên những tuyến đầu chống cường quyền tàn bạo. Vượt ra khỏi những thành kiến về sự kỳ thị chủng tộc, chống lại sự bất công giữa những quốc gia bị phân biệt là “văn minh” hay “dã man”, xóa bỏ quan niệm về sự đối lập giữa phương Tây và phương Đông, theo Hồ Chí Minh, cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp cần được xác lập trên một vị thế mới: “Trong cuộc chiến đấu của chúng ta, chúng ta không cô độc vì chúng ta có tất cả dân tộc của chúng ta ủng hộ và vì những người Pháp dân chủ, những người Pháp chân chính đứng bên cạnh chúng ta”2. Đó chính là ý tưởng cơ bản trong cuộc đấu tranh giải phóng, vùng lên vì mục tiêu độc lập của quốc gia, hạnh phúc của nhân dân. Điều đó phù hợp với nguyện vọng của các dân tộc bị áp bức và các giai cấp bị bóc lột, kết gắn giữa độc lập dân tộc với CNXH. Đó chính là điều xác định của Nguyễn Ái Quốc từ những năm 20 của thế kỷ XX, dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930.
Cách mạng Tháng Tám và hai cuộc kháng chiến cứu nước (1945-1975) chính là thực tiễn thể hiện sự thành công của tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế. Từ đầu những năm 40, cuộc đấu tranh chống ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật diễn ra trong bối cảnh chiến tranh thế giới đang lan rộng giữa lực lượng Đồng minh với lực lượng phát xít. Đặt cách mạng Việt Nam vào bối cảnh của cuộc Chiến tranh thế giới II, Hồ Chí Minh quan tâm đến việc liên kết với các lực lượng chống phát xít, tin vào thắng lợi của Liên Xô, bắt liên lạc với phái đoàn Mỹ ở Hoa Nam và xử lý khéo léo mối quan hệ với Trung Hoa dân quốc. Nhờ đó, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam mang ý nghĩa của cuộc đấu tranh chống phát xít, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới thành lập có đủ tư cách và lực lượng của người chủ nhà đón tiếp quân đội Đồng minh vào tước vũ khí quân Nhật. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Chính sách ngoại giao của Chính phủ thì chỉ có một điều tức là thân thiện với tất cả các nước dân chủ trên thế giới để giữ gìn hòa bình”3. Trước âm mưu gây chiến của thực dân Pháp nhằm tái chiếm Đông Dương, Người tuyên bố ngay giữa thủ đô Paris: “Việt Nam cần nước Pháp. Nước Pháp cũng cần Việt Nam. Chỉ có lòng tin cậy lẫn nhau và sự cộng tác bình đẳng, thật thà thì mới đi đến kết quả thân thiện giữa hai nước”4. Trong những tháng đầu của cuộc kháng chiến, Người vẫn không ngừng nhắn nhủ đến giới cầm quyền Paris: “Chính phủ và nhân dân Pháp chỉ cần có một cử chỉ công nhận độc lập, thống nhất của nước Việt Nam là chấm dứt được những tai biến này; hòa bình và trật tự sẽ trở lại ngay tức khắc. Dân tộc Việt Nam đang chờ đợi cử chỉ đó”5. Nhưng phải trải qua 9 năm chiến tranh, kết thúc bằng sự thất bại ở Điện Biên Phủ, giới cầm quyền Pháp mới nhận ra chân lý đó.
Trong chiến thắng của Việt Nam, phải kể đến một nhân tố quan trọng. Đó là sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới, nhân dân các nước XHCN, nhân dân tiến bộ trên khắp năm châu, trong đó có cuộc đấu tranh của nhân dân Pháp đòi chính phủ Paris chấm dứt chiến tranh Đông Dương. Hiện tượng này được lặp lại một cách mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn trong cuộc đấu tranh của nhân dân Mỹ đòi chính phủ Washington kết thúc chiến tranh ở Việt Nam, đưa con em người Mỹ về nước. Hồ Chí Minh nhiều lần gửi thư cho nhân dân Mỹ;  tận dụng báo chí tiến bộ Mỹ, tiếp xúc với những phái đoàn hòa bình Mỹ, thuyết phục giới trí thức Mỹ để tạo nên tiếng nói chính nghĩa từ phía Mỹ ủng hộ nhân dân Việt Nam. Người đã từng nhắn nhủ qua Tuần báo Người bảo vệ dân tộc của Mỹ: “Nhân dân chúng tôi được giáo dục theo tinh thần quốc tế chân chính. Trước đây, chúng tôi đã chú ý phân biệt thực dân Pháp với nhân dân Pháp yêu chuộng hòa bình thì ngày nay chúng tôi cũng chú ý phân biệt nhân dân Mỹ vĩ đại có truyền thống tự do với bọn can thiệp Mỹ và bọn quân phiệt ở Hoa Thịnh Đốn đang nâng đỡ chúng”6. Đã hơn một lần, Người nhắc đến tình cảm sau đây: “Chẳng những chúng tôi đau xót vì đồng bào miền Nam chúng tôi phải gian khổ hy sinh mà chúng tôi cũng thương xót cho các bà mẹ và những người vợ Mỹ bị mất con, mất chồng trong cuộc chiến tranh phi nghĩa ở miền Nam Việt Nam...”7. Chính tình cảm thân thương này đã thúc đẩy phong trào nhân dân Mỹ đấu tranh đòi đưa chồng con họ trở về quê hương. Nhất là khi những quan tài phủ quốc kỳ Mỹ được chuyển từ chiến trường Việt Nam về nước thì phong trào nhân dân Mỹ đòi chính phủ nước họ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam càng sôi động. Vì thế, thời điểm này chính người Mỹ nhìn nhận: Nước Mỹ đang đụng trán với hai cuộc chiến tranh dữ dội, một cuộc chiến tranh ở Mỹ, một cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Rõ ràng, trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, sự đoàn kết của nhân dân thế giới, các nước Tây Âu, các nước đồng minh của Mỹ và của chính ngay nhân dân Pháp và Mỹ đã tạo nên sức mạnh cực kỳ quý hiếm, góp phần đem lại thắng lợi cuối cùng cho Việt Nam. Có thể nói, trong lịch sử thế giới ngày nay, chưa diễn ra một sự đoàn kết điển hình và tác động mạnh mẽ nào giống như sự đoàn kết của nhân dân Pháp trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, của nhân dân Mỹ trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ của nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới.
Sự ra đời và phát triển của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng hai cuộc kháng chiến cứu nước diễn ra trong bối cảnh thế giới bị phân hóa thành hai cực đối đầu giữa CNTB và CNXH. Từ năm 1950, cách mạng Việt Nam đứng hẳn về phe XHCN với sự viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN. Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam đã vượt khỏi tầm mức quốc gia mà mang ý nghĩa của cuộc đấu tranh giữa hai phe trên bình diện quốc tế.
Trong bối cảnh đó, sự đoàn kết với các nước XHCN và phong trào giải phóng dân tộc là vấn đề chiến lược có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của Việt Nam. Trên thực tế, Việt Nam đã thực hiện thành công sự đoàn kết với các nước XHCN, hai nước lớn đứng đầu hệ thống XHCN đã ủng hộ cuộc kháng chiến đầy gian khổ của nhân dân Việt Nam. Và ngay cả khi xảy ra sự chia rẽ trong phong trào cộng sản và công nhân thế giới, Việt Nam vẫn giành được sự viện trợ có hiệu quả từ Liên Xô, từ Trung Quốc và từ các nước XHCN. Với mục tiêu độc lập, tự do và những thắng lợi trên chiến trường, uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam lan rộng trong nhân dân các nước châu Á, châu Phi, Mỹ La tinh, nhận được sự ủng hộ, sự đồng tình của nhân dân thế giới.
Sở dĩ đạt được điều đó là vì ngay từ đầu, Hồ Chí Minh đã đặt cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam vào quỹ đạo đấu tranh chung của các nước XHCN, của phong trào công nhân và cộng sản quốc tế, của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới: “Nhân dân ta chiến đấu hy sinh chẳng những vì tự do, độc lập riêng của mình mà còn vì tự do, độc lập chung của các dân tộc và hòa bình trên thế giới”8, “... ta quyết chiến, quyết thắng ở miền Nam chẳng những là vì nhiệm vụ của ta mà còn vì nghĩa vụ của ta đối với cách mạng thế giới”9. Ngay cả trong giai đoạn xảy ra sự bất hòa giữa Liên Xô và Trung Quốc, Việt Nam vẫn giữ vững đường lối đoàn kết quốc tế, đoàn kết với Liên Xô, đoàn kết với Trung Quốc, đoàn kết với các lực lượng yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới. Với đường lối đúng đắn và nhất quán như vậy, Việt Nam đã giành được chiến thắng trong cuộc hành trình đầy gian khổ để đạt tới mục tiêu độc lập, tự do.
 
2. Nhìn lại hai cuộc kháng chiến, có thể thấy cuộc vận động nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam, trước hết, phải dựa vào tính chất chính nghĩa vì độc lập và thống nhất của dân tộc Việt Nam; hai là, có sự phân biệt rạch ròi giữa giới cầm quyền hiếu chiến với đông đảo nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý; ba là, khơi gợi tinh thần nhân đạo, nhân văn ẩn chứa trong tâm hồn tất cả những con người có lương tri; bốn là, những chiến thắng trên chiến trường có tiếng vang thu hút sự quan tâm của nhiều người; và cuối cùng, sự hoạch định rõ ràng chủ trương, đường lối đối ngoại nhân dân, thu hút sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới. 
Sau khi đất nước thống nhất, Việt Nam lại rơi vào một tình thế vô cùng khó khăn trong quan hệ đối ngoại. Biên giới bị xâm phạm từ phía Tây Nam và phía Bắc, sự câu kết giữa đối thủ và đồng minh cũ đã đẩy Việt Nam vào thế cô lập chưa từng có. Sau gần 10 năm đầy thách thức, Việt Nam đã vượt khỏi vòng vây bằng đường lối đối ngoại đổi mới, khởi đầu từ Đại hội lần thứ VI (năm 1986) của Đảng, từng bước hoàn thiện theo phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa. Trong mười năm tiếp theo (1986-1995), các nút thắt cơ bản được tháo gỡ: giải quyết vấn đề Campuchia, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, điều chỉnh quan hệ với Liên bang Nga, lập quan hệ ngoại giao với EU và đẩy mạnh quan hệ với nhiều nước châu Âu, thiết lập quan hệ với nhiều nước Đông Á, từng bước giải quyết các trở ngại với Hoa Kỳ. Cho đến tháng 7-1995, Việt Nam đạt được vụ mùa thu hoạch lớn về mặt đối ngoại: thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, ký Hiệp định khung với EU, gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Năm 2000, Việt Nam bước vào thế kỷ mới với vị thế vững vàng, có trách nhiệm, được cộng đồng quốc tế tin cậy.
Trên tiến trình xây dựng đất nước hiện nay, công cuộc bảo vệ chủ quyền, gìn giữ sự toàn vẹn lãnh thổ vẫn là nhiệm vụ hàng đầu vô cùng quan trọng của Đảng, của Nhân dân. Bài học, kinh nghiệm về đoàn kết quốc tế nên được vận dụng như thế nào trong hoàn cảnh ngày nay?
Trong mọi trường hợp, tính chính nghĩa bao giờ cũng là ngọn cờ thu hút sự ủng hộ của đông đảo nhân dân thế giới. Tính chính nghĩa đó phải được thể hiện qua những bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý về chủ quyền trên các vùng lãnh thổ và biển đảo xa xôi. Hơn lúc nào hết, các nhà khoa học phải khai thác các nguồn tài liệu từ cổ xưa đến ngày nay, ở trong nước và nước ngoài để minh chứng sự thực đó. Sự hợp tác với các nhà khoa học nước ngoài có ý nghĩa thiết thực trong việc sưu tầm các nguồn tài liệu từ các kho lưu trữ, các thư viện lớn trên thế giới. Chính đó là những bằng chứng khách quan trong cuộc đấu tranh pháp lý và cũng là điều thuyết phục dư luận quốc tế. Trước đây đã từng có nhiều nhà khoa học nước ngoài lên tiếng ủng hộ Việt Nam thì ngày nay, đây là nguồn lực lượng rất cần khai thác trong cuộc đấu tranh vì công lý và chính nghĩa.
Hoạt động thông tin đối ngoại có vai trò hết sức quan trọng trong việc làm cho nhân dân thế giới hiểu Việt Nam, đồng tình ủng hộ Việt Nam. Trước đây, các hoạt động đối ngoại nhân dân dưới danh nghĩa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã gây ảnh hưởng rộng lớn trong dư luận thế giới, làm cho thế giới hiểu rõ Việt Nam và qua đó, đồng tình ủng hộ Việt Nam. Ngày nay, công việc này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhất là khi ta luôn phải đối phó với bộ máy tuyên truyền khổng lồ, nhiều kinh nghiệm tráo trở của đối phương.
Hoàn cảnh ngày nay có nhiều điểm rất khác xưa, trong đó có sự đan xen giữa hai khái niệm đối tượng và đối tác mà nhiều nghị quyết của Đảng đã chỉ rõ. Rất cần sự nhận thức rõ ràng tính chất phức tạp này để có cách ứng xử thích hợp và hiệu quả. Kinh nghiệm về việc vận động, tuyên truyền nhân dân Pháp và Mỹ qua hai cuộc chiến tranh trước đây có ý nghĩa thực tiễn mặc dầu tình hình ngày nay khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều. Dẫu sao, việc làm cho nhân dân các nước hiểu rõ những sai trái của chính phủ nước họ, thấy rõ lợi ích chính đáng của ta vẫn là điều cần được thực hiện. Đây không chỉ là công việc của các nhà ngoại giao mà là trách nhiệm chung của mọi người, của những người có quan hệ giao tiếp trong các lĩnh vực khoa học, thương mại, đặc biệt trong hoạt động giao lưu nhân dân.
Cuối cùng, nhân tố quyết định vẫn là sức mạnh của chính dân tộc Việt Nam trong bối cảnh của cuộc đấu tranh không cân sức. Sức mạnh ấy bắt nguồn từ sự đoàn kết nhất trí trong toàn Đảng và toàn xã hội, sự hoạch định chính xác cách ứng phó lâu dài và trước mắt, sự nhận thức đầy đủ về nhiệm vụ của mỗi người công dân trong nhiệm vụ gìn giữ sự vẹn toàn lãnh thổ. Chỉ khi chúng ta có đầy đủ căn cứ pháp lý và sức mạnh quốc phòng, đoàn kết toàn dân và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới thì cuộc đấu tranh mới phát triển thuận lợi.

Bài học kinh nghiệm về việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự đoàn kết quốc tế vẫn mãi là ánh sáng soi đường trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, gìn giữ vững chắc biên cương đất liền và biển đảo của Tổ quốc Việt Nam. 

           

Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng số 12/2020
1, 5, 9. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T.15, tr. 588, 5, 15
2. Sđd, T.1, tr. 208
3. Sđd, T.5, tr. 39
4. Sđd, T.4, tr. 417
6, 7, 8. Sđd, T.14, tr. 148, 331, 533.
 
GS, NGND VŨ DƯƠNG NINH
Đại học Quốc gia Hà Nội

 

Một ngày cuối tháng 12-1920, tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp họp ở thành phố Tours, xuất hiện một chàng thanh niên người Á châu, đến từ một xứ thuộc địa-Đông Dương thuộc Pháp. Đó là Nguyễn Ái Quốc, ông dừng chân tại Paris sau gần 10 năm đi khắp năm châu bốn biển để tìm đường cứu nước. Qua những buổi thảo luận sôi nổi trong Đại hội về vấn đề chiến lược và sách lược cách mạng, Nguyễn tỏ ra hoang mang trước nhiều lý lẽ hùng hồn với những thuật ngữ chính trị xa lạ, khó hiểu. Điều mà Nguyễn cần được giải đáp là ai ủng hộ phong trào đấu tranh của người dân thuộc địa, ai là bạn của nhân dân Đông Dương đang rên xiết dưới ách thống trị của đế quốc Pháp? Cuối cùng bài toán đã có lời giải, đó chính l&a

Tin khác cùng chủ đề

Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Tinh thần quyết chiến quyết thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc
Nghệ thuật tác chiến phòng không trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Gửi bình luận của bạn