Những năm tham gia chiến đấu cho hòa bình, độc lập của dân tộc, đồng chí Đặng Thị Kim có những đóng góp to lớn cho phong trào cách mạng của tỉnh Khánh Hòa, cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, bảo vệ Tổ quốc.

Đặng Thị Kim (Đặng Thị Oanh) sinh 19/12/1929 trong một gia đình viên chức nghèo ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Năm 1945, do hoàn cảnh gia đình túng thiếu, cha mẹ đã mất, chị cùng anh trai và các chị gái vào thị xã Nha Trang – tỉnh Khánh Hòa sống với gia đình cậu ruột là Nguyễn Tư Tề, làm nghề bốc thuốc. Nơi đây, chứng kiến sự tàn ác của thực dân Pháp, lòng căm thù giặc ngày một lớn trong tâm trí chị, thôi thúc chị phải tranh đấu. Qua những buổi nói chuyện với cậu, chị đã giác ngộ cách mạng và tham gia công tác trong đội thiếu niên phường Đệ Tam (nay là phường Vạn Thạnh) – thị xã Nha Trang.

  Trong khí thế hào hùng của thắng lợi cách mạng tháng Tám năm 1945 của dân tộc ta, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Đầu tháng 10/1945, thực dân Pháp đổ bộ lên bãi biển Nha Trang và liên tục có những hành động ngang ngược, đánh chiếm một vài nơi. Xứ ủy Trung bộ đã nhận định và chỉ thị “thực dân Pháp xâm chiếm Nha Trang là uy hiếp trực tiếp con đường chi viện của các lực lượng miền Bắc, miền Trung vào Nam Bộ. Cho nên vây chặt giặc Pháp lại trong Nha Trang để giữ được con đường chi viện cho Nam bộ là một yêu cầu bức thiết mà Trung ương đặt ra cho Đảng bộ và chính quyền cách mạng miền Trung, trực tiếp là Đảng bộ và quân dân Nha Trang – Khánh Hòa”[1]. Phụ nữ Khánh Hòa cùng quân dân trong tỉnh với khí thế sôi nổi, chủ động tiến công một số vị trí địch, lập hệ thống phòng tuyến bao vây quân Pháp tại thị xã Nha Trang. Cuối tháng 1/1946, trước sức ép từ hai cánh quân của Pháp, lực lượng của ta lui về nông thôn Diên Khánh, chấm dứt cuộc bao vây quân Pháp trong 101 ngày đêm (23/10/1945 đến 1/2/1946). Trong bối cảnh “mặt trận Nha Trang bị vỡ”, gia đình chị đã sơ tán, người anh ruột vào Nam, gia đình cậu ruột và các chị gái trở về Bắc, còn chị ở lại sống với đoàn thể, tham gia kháng chiến. Thấy chị còn nhỏ tuổi mà dũng cảm, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã phân công chị vào Đội tuyên truyền xung phong, hoạt động bí mật tại Thị xã Nha Trang và các vùng phụ cận. Chị có khả năng thuyết phục và giáo dục quần chúng nên được quần chúng nhân dân tín nhiệm, thương yêu. Khi đội tuyên truyền xung phong rút, chị ở lại hoạt động bí mật, liên lạc với bên ngoài được quần chúng che dấu.

Cuối tháng 4/1946, quân Pháp ráo riết hoạt động, chuẩn bị mở các cuộc tấn công ra hầu khắp các nơi trong tỉnh. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới của cuộc kháng chiến, tổ chức Hội phụ nữ Cứu quốc được củng cố. Tháng 7/1946, chị Đặng Thị Oanh được cử vào Ban Chấp hành Hội Phụ nữ Cứu quốc Thị xã Nha Trang. Chị Oanh cùng các chị em trong Ban Chấp hành Hội tăng cường vận động hội viên, phụ nữ tham gia nữ dân quân, chống địch lập tế, bắt lính, tăng cường phá hoại địch, bao vây kinh tế địch, đánh địch bằng mọi cách, bằng mọi vũ khí, tăng cường vận động nuôi quân, dự trự lương thực. Khi bản tạm ước ngày 14/9/1946 được ký kết, phong trào đấu tranh vũ trang kết hợp đấu tranh chính trị diễn ra ở nhiều vùng nông thôn Khánh Hòa. Sáng ngày 30/10/1946, ở Thị xã Nha Trang, chị Oanh tham gia lãnh đạo nhân dân tiến hành biểu tỉnh, treo và dán băng cờ biểu ngữ khắp 5 phường, đòi chính phủ Pháp phải thi hành Hiệp định sơ bộ 6/3 và Tạm ước 14/9/1946. Buổi chiều ngày 30/10/1946, chị Oanh cùng phụ nữ và nhân dân Nha Trang tổ chức thành nhiều cánh tiến đến Nhà ga Nha Trang với biểu ngữ, băng cờ đỏ rực rỡ.

Trong lúc phong trào đấu tranh diễn ra mạnh mẽ ở khắp nơi, Cam Ranh là địa bàn xa sự chỉ đạo của tỉnh, phong trào cách mạng đến cuối năm 1946 vẫn còn rất khó khăn. Nhằm gây dựng lại cơ sở cách mạng quần chúng ở Cam Ranh, chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài, tháng 11/1946, Tỉnh ủy Khánh Hòa điều động chị Oanh vào Hòa Tân, Suối Đài thuộc huyện Ba Ngòi (nay là phường Ba Ngòi, thị xã Cam Ranh). Sau khi được điều động vào Hòa Tân, chị Oanh tham gia lãnh đạo nhân dân địa phương đấu tranh cách mạng, từng bước tạo sự chuyển đáng kể cho phong trào cách mạng nơi đây. Một số xã đồng bằng đã xây dựng được cơ sở cách mạng, tạo điều kiện cho cán bộ, lực lượng vũ trang về bám làng hoạt động. Tháng 12/1946 chị vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Ngày 19/12/1946 tiếng súng kháng chiến toàn quốc bùng nổ, chiến tranh lan rộng khắp cả nước. Hưởng ứng “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ tịch và chấp hành Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến” của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Khánh Hòa kiện toàn lại hệ thống tổ chức. Ngày 20/1/1947, tại Hội nghị Chi bộ thị xã Nha Trang tại Hòn Ngang (Diên Khánh), đồng chí Trương An, Phó Bí thư Tỉnh ủy công bố quyết định thành lập Thị ủy Nha Trang. Đầu năm 1947, chị Đặng Thị Oanh được bầu bổ sung vào Ban Chấp hành lâm thời Thị ủy Nha Trang.

Đầu năm 1948, địch tập trung lực lượng đánh phá mạnh vùng nông thôn và miền tây tỉnh. Ở Nha Trang, phong trào cách mạng gặp nhiều khó khăn, cơ sở nội thành bị địch bắt, hầu hết tổ chức bên trong bị vỡ. Một số cán bộ cơ sở, du kích phải thoát ly, lực lượng vũ trang phải rút lên rừng, một số bị bắt và bị giết. Trước sự khủng bố khốc liệt, chị Oanh vẫn không nản chí, quyết tâm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình. Để bảo toàn lực lượng, bảo vệ cán bộ, Tỉnh ủy quyết định điều động chị về huyện Vĩnh Xương hoạt động. Tại đây, Đảng bộ huyện giao nhiệm vụ cho chị cùng với một số cán bộ chịu trách nhiệm gây dựng cơ sở tại xã Xuân Hải (nay là phường Vĩnh Trường – thành phố Nha Trang). Chị được cử làm Chi ủy viên, ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính xã Xuân Hải. Với nhiệt huyết và kinh nghiệm công tác, chị đã vận động thành lập tiểu đội nữ du kích làm nhiệm vụ canh gác cho cán bộ về hoạt động, dẫn đường cho đội biệt động đột nhập vào Thị xã Nha Trang, đồng thời tiếp tế lương thực, thuốc men từ thị xã lên chiến khu. Đến giữa năm 1948, Tỉnh ủy đã điều chuyển chị về hoạt động tại Thị xã Nha Trang.

Tháng 8/1948, trên đường từ Nha Trang về Vĩnh Xương dự hội nghị chị Đặng Thị Oanh - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ Cứu quốc Nha Trang, Đội viên Tuyên truyền xung phong, hoạt động bí mật tại Nha Trang và các vùng phụ cận – cùng hai cán bộ nam đi thuyền qua eo biển thì bị địch đón bắt. Do có cán bộ phản bội khai báo, thân phận của chị bị lộ. Biết chị là vợ đồng chí Trương An[2]- Phó Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, đồng thời chị là cán bộ cốt cán của Đảng bộ; có nhiều mối quan hệ, nắm được nhiều cơ sở quần chúng và biết rất rõ về cơ quan đầu não của ta ở chiến khu, quân địch tra tấn chị rất dã man nhằm lấy lời khai của chị. Trước sự tra tấn tàn bạo của địch bằng quay điện, lộn mề gà đến hộc máu, treo, ngâm nước, dùng giầy đinh đạp lên bụng, chị vẫn giữ vững ý chí, kiên cường nhất quyết không khai báo. Trước họng súng của địch, trước cái chết cận kề đến với mình và con[3], chị vẫn không nao núng, một lòng kiên trung với Đảng, anh dũng, hiên ngang đối mặt với kẻ thù. Không khuất phục được chị, địch đã thủ tiêu và vùi lấp chị ở rừng dương ven biển phía nam Nha Trang.

Những năm tham gia chiến đấu cho hòa bình, độc lập của dân tộc, đồng chí Đặng Thị Kim có những đóng góp to lớn cho phong trào cách mạng của tỉnh Khánh Hòa, cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời chị là tấm gương sáng về sự bất khuất, kiên trung cho các thế hệ mai sau noi theo. Chính vì vậy, năm 1957, đồng chí Đặng Thị Kim được Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng công nhận là liệt sĩ và truy tặng bằng Tổ quốc ghi công[4]; năm 1961, đồng chí được Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ cộng hòa truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba[5]; và năm 2012, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân[6].

BN



[1] Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh  Hòa, Lịch sử Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa (1930 – 1975), Tr.157, năm 2001

[2] Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Khánh Hòa, Báo cáo thành tích đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, ngày 11/10/2010: Tháng 6/1948 chị thành hôn với đồng chí Trương Công Minh (tức An), Phó Bí thư lâm thời Tỉnh ủy Khánh Hòa

[3] Khi đó chị đang mang thai

[4] Bằng số YZ-0030, ngày 19/01/1957

[5] Lệnh số 9/LCT ngày 30/8/1961, Đã ghi sổ Huân chương số 67-Ttg/HC3

[6] Quyết định số 543-QĐ/CTN ngày 27/4/2012 của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Đặng Thị Kim (Đặng Thị Oanh) sinh 19/12/1929 trong một gia đình viên chức nghèo ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Năm 1945, do hoàn cảnh gia đình túng thiếu, cha mẹ đã mất, chị cùng anh trai và các chị gái vào thị xã Nha Trang – tỉnh Khánh Hòa sống với gia đình cậu ruột là Nguyễn Tư Tề, làm nghề bốc thuốc. Nơi đây, chứng kiến sự tàn ác của thực dân Pháp, lòng căm thù giặc ngày một lớn trong tâm trí chị, thôi thúc chị phải tranh đấu. Qua những buổi nói chuyện với cậu, chị đã giác ngộ cách mạng và tham gia công tác trong đội thiếu niên phường Đệ Tam (nay là phường Vạn Thạnh) – thị xã Nha Trang.   Trong khí thế hào h&ugrave

Tin khác cùng chủ đề

Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Tinh thần quyết chiến quyết thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc
Nghệ thuật tác chiến phòng không trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Gửi bình luận của bạn