Tháng 12-1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Trải qua 35 năm thực hiện đường lối đó, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta1. 
Tổng kết 35 năm Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới, Tạp chí Lịch sử Đảng trân trọng giới thiệu các kỳ Đại hội của Đảng và hoạt động lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương mỗi khóa, trong 35 năm qua.

Đại hội VI của Đảng và hoạt động lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ khóa VI (1986-1991)
Đại hội VI của Đảng và hoạt động lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ khóa VI (1986-1991)

1. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI 

Đại hội lần thứ VI diễn ra từ ngày 5 đến ngày 18-12-1986 tại thủ đô Hà Nội. Dự Đại hội có 1.129 đại biểu chính thức, thay mặt hơn 2 triệu đảng viên trong toàn Đảng, 35 đoàn đại biểu quốc tế, 300 nhà báo trong nước và ngoài nước. Đại hội VI tiến hành qua hai bước: Đại hội nội bộ (từ ngày 5 đến ngày 14-12-1986) và Đại hội công khai (từ ngày 15 đến ngày 18-12-1986).

Trên tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đại hội cho rằng: “Năm năm qua là một đoạn đường đầy thử thách đối với Đảng và nhân dân ta. Cách mạng nước ta diễn ra trong bối cảnh quốc tế và trong nước có những thuận lợi cơ bản, nhưng cũng có nhiều khó khăn phức tạp”2. Về thực hiện Nghị quyết Đại hội V của Đảng, Đại hội nhấn mạnh: nhân dân ta “đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, giành những thắng lợi to lớn trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế”3. Đại hội chỉ ra những thiếu sót trong lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội, trong đó thiếu sót lớn nhất là chưa thực hiện được mục tiêu “ổn định tình hình kinh tế- xã hội, ổn định đời sống nhân dân”4 do Đại hội V của Đảng đề ra.

Nguyên nhân dẫn đến tình hình trên là do việc nhìn nhận, đánh giá tình hình cụ thể về các mặt kinh tế, xã hội của đất nước đã có nhiều thiếu sót. Đại hội chỉ rõ: “Những sai lầm nói trên là những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện”5

Xuất phát từ thực tiễn của đất nước, Đại hội rút ra 4 bài học kinh nghiệm: Một là, trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động. Hai là, Đảng phải luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Ba là, phải biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới. Bốn là, phải chăm lo xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ chính trị của một đảng cầm quyền lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng XHCN.

Đại hội xác định nhiệm vụ bao trùm, mục tiêu tổng quát của những năm còn lại của chặng đường đầu tiên là “ổn định mọi mặt tình hình kinh tế-xã hội, tiếp tục xây dựng những tiền đề cần thiết cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong chặng đường tiếp theo”6.

Mục tiêu cụ thể về kinh tế-xã hội cho những năm còn lại của chặng đường đầu tiên là: (1) Sản xuất đủ tiêu dùng và có tích lũy; (2) Bước đầu tạo ra một cơ cấu kinh tế hợp lý nhằm phát triển sản xuất, hướng vào việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là lương thực, thực phẩm, đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu; (3) Xây dựng và hoàn thiện một bước quan hệ sản xuất mới phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; (4) Tạo ra chuyển biến tốt về mặt xã hội, nhất là việc làm, công bằng xã hội, chống tiêu cực, mở rộng dân chủ, giữ kỷ cương phép nước; (5) Bảo đảm nhu cầu củng cố quốc phòng và an ninh, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân.

Để thực hiện mục tiêu trên, Đại hội đề ra các biện pháp thực hiện sau:

Về kinh tế, bố trí lại cơ cấu sản xuất, điều chỉnh lớn cơ cấu đầu tư; Xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, sử dụng và cải tạo đúng đắn các thành phần kinh tế; Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế; Phát huy mạnh mẽ động lực khoa học, kỹ thuật; Mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại. 

Về chính sách xã hội, tập trung thực hiện những nhiệm vụ:  Kế hoạch hóa dân số, giải quyết việc làm cho người lao động; Thực hiện công bằng xã hội, lối sống có văn hóa, bảo đảm an toàn xã hội, khôi phục trật tự, kỷ cương trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; Chăm lo đáp ứng các nhu cầu giáo dục, văn hóa, bảo vệ và tăng cường sức khỏe của nhân dân; Xây dựng chính sách bảo trợ xã hội; Thực hiện đúng chính sách giai cấp và chính sách dân tộc.

Về nhiệm vụ và chính sách đối ngoại, ra sức kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, phấn đấu giữ vững hòa bình ở Đông Dương, góp phần tích cực giữ vững hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với Liên Xô và các nước trong cộng đồng XHCN, tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời tích cực góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH7.

Về quan hệ với Trung Quốc, Đại hội nêu rõ: “Việt Nam sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc bất cứ lúc nào, bất cứ cấp nào và bất cứ ở đâu nhằm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, vì lợi ích nhân dân hai nước, vì hoà bình ở Đông Nam Á và trên thế giới”8.

Về phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, nâng cao hiệu quả quản lý của nhà nước xã hội chủ nghĩa, Đại hội nhấn mạnh bài học “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” và cho rằng: Thực tiễn cách mạng chứng minh rằng: ở đâu, nhân dân lao động có ý thức làm chủ và được làm chủ thật sự, thì ở đấy xuất hiện phong trào cách mạng9. Trên cơ sở đó, Đại hội đề ra khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nhằm cụ thể hóa quyền làm chủ của nhân dân. 

Về công tác xây dựng Đảng, Đại hội cho rằng “sự lãnh đạo của Đảng chưa ngang tầm những nhiệm vụ của giai đoạn mới”10. Để nâng cao công tác xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ, Đại hội nêu ra 6 yêu cầu: (1) Đổi mới tư duy, nâng cao phẩm chất cách mạng của cán bộ đảng viên là nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng; (2) Đổi mới đội ngũ cán bộ, kiện toàn các cơ quan lãnh đạo và quản lý; (3) Đổi mới phong cách làm việc, giữ vững các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt trong Đảng; (4) Nâng cao chất lượng đảng viên, đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực; (5) Nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng. (6) Tăng cường đoàn kết nhất trí trong Đảng.

Đại hội thông qua Điều lệ Đảng sửa đổi, trong đó có điều chỉnh thời kỳ dự bị của đảng viên từ 18 tháng xuống còn 12 tháng. Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa VI gồm 173 đồng chí, trong đó có 124 ủy viên chính thức và 49 ủy viên dự khuyết. Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương khóa VI bầu Bộ Chính trị gồm 13 ủy viên chính thức và 1 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. 

 

 

2. Hoạt động lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa VI

 

Thực hiện quyết tâm đổi mới của Đại hội lần thứ VI của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Khóa VI đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các chủ trương đổi mới trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Đảng,...

Trên lĩnh vực kinh tế, để giải quyết vấn đề nóng bỏng và cấp bách, nhất là lưu thông phân phối, HNTƯ2 (4-1987) đề ra mục tiêu: giảm bội chi ngân sách, giảm nhịp độ tăng giá, giảm tốc độ lạm phát, giảm khó khăn về đời sống của nhân dân lao động trên cơ sở xoá bỏ chế độ tập trung quan liêu, bao cấp, chuyển các hoạt động kinh tế sang hạch toán kinh doanh XHCN, nâng cao vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh trong nền kinh tế và phát huy khả năng tích cực của các thành phần kinh tế khác, mở rộng giao lưu hàng hóa, giải phóng sức sản xuất11

Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế là một yêu cầu bức thiết, một bộ phận cấu thành quan trọng nhất trong toàn bộ hoạt động trên lĩnh vực kinh tế của Đảng. HNTƯ3 (8-1987) ra Nghị quyết: “Chuyển hoạt động của các đơn vị kinh tế quốc doanh sang kinh doanh xã hội chủ nghĩa, đổi mới quản lý nhà nước về kinh tế” với mục đích tạo ra động lực mạnh mẽ giải phóng mọi năng lực sản xuất, thúc đẩy tiến bộ khoa học - kỹ thuật, phát triển kinh tế hàng hóa theo hướng đi lên CNXH với năng suất, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao, trước mắt nhằm phục vụ ba chương trình kinh tế lớn, từng bước thực hiện “bốn giảm”, thiết lập trật tự kỷ cương trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội, tạo tiền đề để tiến lên. 

Đến tháng 12-1987, HNTƯ 4 ra nghị quyết “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong ba năm 1988-1990 và năm 1990” xác định kế hoạch ba năm (1988-1990) phải thực hiện bằng được việc ổn định một bước quan trọng tình hình kinh tế-xã hội. Riêng trong năm 1988, phải giải quyết những vấn đề cấp bách về đời sống; giải quyết một số vấn đề cấp bách về văn hóa, giáo dục, y tế, sắp xếp lại một bước bộ máy Đảng, Nhà nước và các đoàn thể quần chúng từ Trung ương đến tận cơ sở, gắn việc giải quyết những vấn đề kinh tế-xã hội với cuộc vận động lớn của Đảng, mở rộng dân chủ, tạo ra phong trào cách mạng của các tầng lớp nhân dân, thiết lập trật tự, kỷ cương trong hoạt động kinh tế-xã hội.

Tháng 12-1987, Việt Nam công bố Luật Đầu tư nước ngoài nhằm khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Ngày 5-4-1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10-NQ/TW “về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp”nhằm xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, xây dựng cơ chế kinh tế hạch toán, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị kinh tế quốc doanh cũng như hợp tác xã nông nghiệp; hộ nông dân được coi là đơn vị kinh tế.

Trước tình hình phân phối-lưu thông, đặc biệt là giá cả, tiền tệ diễn biến xấu rất nhanh, lạm phát lớn chưa từng có, ngày 2-5-1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 11-NQ/TW “về các biện pháp cấp bách chống lạm phát”. Nghị quyết chỉ rõ: “Chống lạm phát là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và Nhà nước, phải được giải quyết một cách toàn diện, nhưng trong tình hình kinh tế-xã hội rất không bình thường hiện nay phải thực hiện ngay một số biện pháp cấp bách để giảm tốc độ lạm phát, nhịp độ tăng giá và tỷ lệ bội chi ngân sách, bảo đảm đời sống tối thiểu của nhân dân lao động, không để tình hình tiếp tục diễn biến xấu hơn nữa, tiến tới ổn định một bước quan trọng tình hình kinh tế-xã hội”12. Nghị quyết đề ra 6 giải pháp cấp bách chống lạm phát phải tập trung làm trong năm 1988.

Ngày 15-7-1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 16-NQ/TW “về đổi mới chính sách và cơ chế quản lý đối với các cơ sở sản xuất thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh”. Nghị quyết nhấn mạnh “giải phóng sức lao động xã hội, phát triển nền sản xuất hàng hóa là yêu cầu khách quan của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”13. Nghị quyết thể hiện rõ những quan điểm đổi mới của Đảng về cơ cấu kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ lên CNXH.

Hội nghị Trung ương 9 (8-1990) bàn về “Một số vấn đề kinh tế-xã hội cấp bách”. Hội nghị nhấn mạnh cần tiếp tục thực hiện những biện pháp cấp bách đó là: chống nhập hàng lậu lan tràn đi đôi với đẩy mạnh sản xuất và bảo vệ hàng sản xuất trong nước; sử dụng hợp lý nguồn ngoại tệ, chấn chỉnh quản lý tài chính, tiền tệ; chống tham những.

Về công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ và bảo vệ nền tưởng của Đảng, nhằm nâng cao trình độ và sức chiến đấu của Đảng ngang tầm nhiệm vụ mới, ngày 12-9-1987, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 04/NQ-TW “về cuộc vận động làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng và bộ máy Nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội”. Nghị quyết chỉ rõ: “Cuộc vận động này thực sự là cuộc đấu tranh tư tưởng, giữa tư tưởng xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa cá nhân, giữa tích cực đổi mới với bảo thủ trì trệ, liên quan chặt chẽ đến cuộc đấu tranh giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa và cuộc đấu tranh chống kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch”14. Cốt lõi của cuộc vận động này là xây dựng con người mới, nếp sống mới XHCN, lập lại kỷ cương trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước và ngoài xã hội. Ba nội dung của cuộc vận động động này “có liên quan chặt chẽ với nhau, tác động lẫn nhau”15 và cần thực hiện bằng cách sử dụng tổng hợp các biện pháp giáo dục, hành chính, kinh tế, tổ chức, kiểm tra.

Đến tháng 6-1988, HNTƯ 5 ra Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng đảm bảo thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng”. Nghị quyết xác định những nhiệm vụ cấp bách của công tác xây dựng Đảng. 

Đến ngày 26-5-1988, Bộ Chính trị ra Quyết định số 55-QĐ/TW “về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo các cấp từ nay đến năm 1990”. Bộ Chính trị xác định mục tiêu của công tác quy hoạch cán bộ đến năm 1990, trước hết là nhằm chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc lần thứ VII và đại hội các cấp của Đảng. Nội dung quy hoạch là làm tốt việc lựa chọn cán bộ dự bị chủ chốt của hệ thống bộ máy các cấp từ Trung ương Đảng đến tỉnh ủy, thành ủy, từ Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, trưởng các ban Đảng và lãnh đạo cơ quan chính quyền, từ Bộ trưởng đến cán bộ chủ chốt các Viện khoa học quan trọng; cán bộ chủ chốt trong Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể quần chúng.

Đến tháng 3-1989, trước những tác động của tình hình các nước XHCN trên thế giới, HNTƯ 6 đã đề ra những nguyên tắc cơ bản của công cuộc đổi mới, đó là: Một là, đổi mới phải luôn luôn nắm vững mục tiêu XHCN, phấn đấu xây dựng đất nước Việt Nam XHCN; đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu XHCN mà là làm cho mục tiêu ấy được thực hiện tốt hơn bằng những quan niệm đúng đắn về mô hình CNXH và bằng những hình thức, bước đi và biện pháp thích hợp. Hai là, đổi mới phải lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng chỉ đạo toàn bộ công cuộc đổi mới, đổi mới tư duy là nhằm khắc phục những quan niệm không đúng đắn về thời đại và CNXH, là vận dụng và phát triển sáng tạo chứ không phải là xa rời chủ nghĩa Mác-Lênin. Ba là, đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị phải nhằm tăng cường chứ không làm yếu đi sức mạnh và hiệu lực của chuyên chính vô sản. Bốn là, đổi mới là do Đảng lãnh đạo, sự lãnh đạo của Đảng là điều kiện quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năm là, xây dựng nền dân chủ XHCN vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới cũng như toàn bộ cách mạng XHCN, phải phát huy dân chủ, song dân chủ phải đi đôi với tập trung và kỷ luật, dân chủ phải có lãnh đạo, lãnh đạo để phát huy dân chủ đúng hướng và lãnh đạo bằng phương pháp dân chủ trên cơ sở phát huy dân chủ; dân chủ với nhân dân nhưng phải chuyên chính với kẻ thù của nhân dân. Sáu là, kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa vô sản và quốc tế XHCN; kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại. 

Tháng 8-1989, HNTƯ 7 ra Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về công tác tư tưởng trước tình hình trong nước và quốc tế hiện nay”16.

Tháng 3-1990, HNTƯ 8 ban hành 2 nghị quyết. Nghị quyết số 8A-NQ/HNTW “Tình hình các nước xã hội chủ nghĩa, sự phá hoại của chủ nghĩa đế quốc và nhiệm vụ cấp bách của Đảng ta” cho rằng: “Cuộc khủng hoảng hiện nay ở các nước xã hội chủ nghĩa đang tác động tiêu cực tới phong trào cách mạng thế giới, làm cho so sánh lực lượng trên thế giới về nhiều mặt, trong đó có thế cân bằng chiến lược về quân sự, thay đổi bất lợi cho cách mạng”17. Nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân là phải đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới, giữ vững ổn định chính trị, trong quá trình đó phải: Tăng cường công tác chính trị, tư tưởng; Đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; Tiếp tục làm chuyển biến tốt tình hình kinh tế, xã hội; Tăng cường an ninh, quốc phòng, có phương án cụ thể để chủ động ứng phó với mọi tình huống; Tiếp tục mở rộng quan hệ đối ngoại theo phương châm thêm bạn, bớt thù, giữ vững hoà bình, để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Nghị quyết số 8B-NQ/HNTW “Về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân” nêu lên những quan điểm cơ bản để chỉ đạo công tác quần chúng của Đảng: cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do dân và vì dân; Đảng lãnh đạo cách mạng nhưng sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước là nhằm thực hiện và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân; động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân và kết hợp hài hoà các lợi ích, thống nhất quyền lợi với nghĩa vụ công dân; các hình thức tập hợp nhân dân phải đa dạng; công tác quần chúng là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể. Công tác quần chúng là cuộc đấu tranh quyết liệt của các lực lượng cách mạng chống lại các thế lực thù địch trên các lĩnh vực để vận động và tổ chức nhân dân tự giác đi theo con đường cách mạng, đập tan những âm mưu và thủ đoạn chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân. 

Về quốc phòng, an ninh, đồng thời với việc giải quyết vấn đề cấp bách về kinh tế-xã hội, Đảng đặc biệt quan tâm đến nhiệm vụ quốc phòng và an ninh nhằm giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị và an toàn xã hội. Tháng 11-1987, Bộ Chính trị ra Nghị quyết “về nhiệm vụ quốc phòng” xác định nhiệm vụ phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước đánh thắng kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch, làm thất bại âm mưu chiến lược của địch, bảo vệ vững chắc công cuộc xây dựng CNXH, làm cho Tổ quốc ta vững mạnh về mọi mặt, đồng thời tăng cường khả năng quốc phòng của đất nước nhằm ngăn ngừa và sẵn sàng đánh thắng các loại chiến tranh xâm lược của kẻ thù. Để thực hiện nhiệm vụ trên, phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chuyên chính vô sản, đẩy mạnh việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và hậu phương nhân dân một cách toàn diện; xây dựng quân đội chính quy, hiện đại, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu tốt.

Ngày 19-3-1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới. Chỉ thị nêu rõ việc đánh thắng chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch, ổn định tình hình kinh tế-xã hội, ổn định an ninh trật tự là những yêu cầu cấp bách và lâu dài của đất nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Thực hiện chủ trương của Trung ương, lực lượng vũ trang đã chiến đấu ngoan cường bảo vệ vững chắc biên giới của Tổ quốc; tổ chức chốt giữ và chiến đấu bảo vệ vùng biển đảo Trường Sa; đồng thời từng bước rút hết quân đội ở Campuchia về nước.

Về đối ngoại, ngày 20-5-1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 13/NQ-TW “về nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới”. Nghị quyết xác định chủ động chuyển cuộc đấu tranh từ trạng thái đối đầu sang đấu tranh và hợp tác trong hòa bình; ra sức lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ của khoa học-công nghệ và xu thế quốc tế hóa cao của kinh tế thế giới, đồng thời tranh thủ vị trí tối ưu trong phân công lao động quốc tế. 

Từ chủ trương đổi mới của Đảng, công tác ngoại giao đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, trong đó có các hoạt động nhằm bình thường hóa quan hệ giữa hai đảng, hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Đối với Campuchia, Việt Nam từng bước rút hết quân khỏi Campuchia và tích cực tham gia vào các cuộc gặp không chính thức giữa các bên Campuchia (JIM).

Về công tác chuẩn bị Đại hội lần thứ VII của Đảng, ngay từ tháng 3-1987, Bộ Chính trị đã ra quyết định thành lập Ban soạn thảo Cương lĩnh và Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội. Trong quá trình thực hiện soạn thảo những văn kiện quan trọng này, Bộ Chính trị đã nhiều lần cho ý kiến. Đến tháng 8-1990, Dự thảo những văn kiện này đã được đưa ra thảo luận tại HNTƯ 9, sau đó được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của toàn dân. Tại HNTƯ 10 (tháng 11-1990) đã thảo luận và thông qua Nghị quyết về Dự thảo Báo cáo Xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng và Dự thảo Điều lệ Đảng (sửa đổi) để trình Đại hội lần thứ VII của Đảng. 

Công tác chuẩn bị cho Đại hội lần thứ VII của Đảng tiếp tục được thảo luận tại các Hội nghị Trung ương lần 11, 12. Ngày 16-6-1991, HNTƯ 13 hoàn thành tất cả các công việc chuẩn bị cho Đại hội VII.

Đại hội lần thứ VI của Đảng có ý nghĩa to lớn, đánh dấu một bước ngoặt đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. 

 

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H, 2021, T. I, tr. 25-26

2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H, 2006, T. 47, tr. 545, 545, 547, 548, 376, 443, 441, 443, 458

11,14,15. Sđd ,T. 48, tr. 96, 389, 391

12,13,16. Sđd, T. 49, tr. 167, 319, 1112-1124 

17. Sđd, T. 50, tr. 59.

1. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI  Đại hội lần thứ VI diễn ra từ ngày 5 đến ngày 18-12-1986 tại thủ đô Hà Nội. Dự Đại hội có 1.129 đại biểu chính thức, thay mặt hơn 2 triệu đảng viên trong toàn Đảng, 35 đoàn đại biểu quốc tế, 300 nhà báo trong nước và ngoài nước. Đại hội VI tiến hành qua hai bước: Đại hội nội bộ (từ ngày 5 đến ngày 14-12-1986) và Đại hội công khai (từ ngày 15 đến ngày 18-12-1986). Trên tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đại hội cho rằng: “Năm năm qua là một đoạn đường đầy thử thách đối với Đảng và nhân dân ta. Cách mạng nước ta diễn ra trong bối cảnh quốc tế và trong nước có những thuận lợi cơ bản, nhưng cũng có nhiều khó khăn phức tạp&

Tin khác cùng chủ đề

Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Tinh thần quyết chiến quyết thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc
Nghệ thuật tác chiến phòng không trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Gửi bình luận của bạn