Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, (1954-1975), Đảng Lao động Việt Nam xác định phương châm chiến lược là đánh lâu dài, giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Tuy nhiên, tại một số thời điểm, căn cứ tình hình thực tế, Đảng đã đề ra chủ trương “giành thắng lợi quyết định”1. Đó là vào những thời điểm như cuối năm 1964, đầu năm 1965, Tết Mậu Thân năm 1968 và đầu năm 1972. Tuy không đạt mục tiêu cao nhất như kỳ vọng, song những thắng lợi từng bước đó đã tạo ra những bước ngoặt của cuộc kháng chiến.

Chủ trương “giành thắng lợi quyết định” của Đảng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Chủ trương “giành thắng lợi quyết định” của Đảng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

1. Trong những năm 1961-1964, cách mạng miền Nam chuyển từ khởi nghĩa từng phần sang tiến hành chiến tranh cách mạng, quân và dân miền Nam đã đánh bại các kế hoạch chiến tranh của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn, đó là Kế hoạch Staley-Taylor và Kế hoạch Johnson-Mc Namara.

Trong năm 1964 và nửa đầu năm 1965, chính trường Sài Gòn vô cùng rối ren. Sau cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm, liên tiếp diễn ra các cuộc chỉnh lý, cải cách… thực chất là đảo chính, tranh giành quyền lợi giữa các phe phái, cá nhân trong chính quyền Sài Gòn. Nhiều chính phủ liên tục được lập ra, nhưng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Tranh chấp giữa phe quân sự và phe dân sự, giữa các phe phái trong giới quân sự diễn ra gay gắt2. Điều đó cũng làm suy yếu phần nào lực lượng quân sự cũng như tinh thần chiến đấu của quân đội Sài Gòn.

Tháng 9-1964, Hội nghị Bộ Chính trị chủ trương giành một thắng lợi quyết định ở miền Nam trong một vài năm tới, tranh thủ thời cơ, cố gắng đánh bại hoàn toàn quân đội Việt Nam Cộng hòa trước khi quân Mỹ vào miền Nam3. Bộ Chính trị coi đó là phương án tốt nhất để giành thắng lợi cho cách mạng miền Nam. Theo chủ trương đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được cử vào miền Nam, phụ trách Trung ương Cục miền Nam, lãnh đạo thực hiện quyết tâm của Trung ương Đảng.

Quân đội Việt Nam Cộng hòa, “xương sống của chiến lược chiến tranh đặc biệt”, đã bị bẻ gẫy, đặc biệt là từ sau Chiến dịch An Lão (Bắc Bình Định, 12-1964) và Chiến dịch Bình Giã (từ ngày 2-12-1964 đến ngày 3-1-1965). Nhận định về Chiến dịch Bình Giã, đồng chí Lê Duẩn cho rằng: Với chiến thắng Ấp Bắc, Mỹ và tay sai thấy rằng không thể thắng ta “trong chiến tranh đặc biệt” thì với Chiến dịch Bình Giã, Mỹ và tay sai đã thua ta trong “Chiến tranh đặc biệt”. Sau chiến thắng Bình Giã, cơ hội cho quân và dân miền Nam tiến lên hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam đã mở ra. Đảng đẩy mạnh thực hiện chủ trương giành thắng lợi quyết định, tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Tháng 2-1965, đồng chí Lê Duẩn gửi thư cho Trung ương Cục miền Nam về vấn đề tranh thủ thời cơ tiến tới tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Trong bối cảnh Mỹ đang thay thế dần chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” bằng “Chiến tranh cục bộ”, đồng chí khẳng định: phương châm chiến lược của ta vẫn là chiến đấu lâu dài và ra sức tranh thủ thời cơ giành thắng lợi; đấu tranh quân sự và chính trị đi đôi, tiến tới tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Đồng chí đã đưa ra các ý kiến chỉ đạo đẩy mạnh đấu tranh quân sự, chính trị, trong đó phân tích rõ phong trào đấu tranh chính trị, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Lấy kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể của miền Nam, đồng chí Lê Duẩn cho rằng: nếu kết hợp tốt cuộc đấu tranh quân sự, chính trị, binh vận... có thể tạo ra thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền. Phác thảo kế hoạch khởi nghĩa thành công và thành lập chính quyền “trung lập”, đồng chí Lê Duẩn lưu ý sự lãnh đạo của Trung ương Cục tập trung vào một số điểm sau: gấp rút xây dựng đội quân chính trị quần chúng sẵn sàng khởi nghĩa; nắm rõ hệ thống phòng thủ của địch ở Sài Gòn và một số thành phố khác để tiến công có hiệu quả; xây dựng các bàn đạp vững mạnh quanh các thành phố; công tác binh vận đi vào chiều sâu, cố gắng tạo ra các cuộc binh biến lớn; thúc đẩy sự phân hoá nội bộ địch, gây ra phong trào đòi trung lập, tự trị, ly khai chính quyền Sài Gòn. Trong các nội dung đó, đồng chí Lê Duẩn nhắc nhở Trung ương Cục cần tập trung nghiên cứu kỹ hơn vấn đề tiến công và khởi nghĩa ở các thành phố lớn4.

Sau chiến thắng Bình Giã, ta đã đẩy mạnh đấu tranh, nhằm tiến lên giành thắng lợi to lớn hơn nữa. Các chiến thắng tiếp theo như chiến thắng Ba Gia (Bắc Quảng Nam, 5-1965), chiến thắng Đồng Xoài (tháng 5 đến tháng 7-1965 ở Nam Bộ) tiếp tục giáng những đòn nặng nề vào quân đội Việt Nam Cộng hòa. Tuy nhiên, năm 1965 trôi qua, mục tiêu giải phóng hoàn toàn miền Nam chưa thực hiện được. Mặc dù có những bước trưởng thành nhưng sức mạnh cách mạng miền Nam chưa thực sự vượt trội.

Trước nguy cơ phá sản của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”, đưa quân Mỹ trực tiếp vào miền Nam. Ngày 8-3-1965, những đơn vị quân chiến đấu Mỹ đầu tiên đổ bộ vào Đà Nẵng, đánh dấu bước phiêu lưu quân sự mới của chính quyền Mỹ. Số lượng quân Mỹ tăng nhanh và chuyển từ nhiệm vụ hỗ trợ quân đội Sài Gòn sang trực tiếp chiến đấu. Đến cuối năm 1965, số quân Mỹ tại miền Nam đã tăng lên 184.000 quân, cùng với khối lượng phương tiện chiến tranh khổng lồ.

Với việc Mỹ trực tiếp đưa quân xâm lược miền Nam, cán cân so sánh lực lượng giữa ta và địch thay đổi theo hướng bất lợi cho cách mạng miền Nam. Thời cơ tiến lên giành thắng lợi quyết định đầu tiên đã qua đi. Chủ trương giành thắng lợi quyết định chưa thành công nhưng đây là bước chuẩn bị quan trọng cho giai đoạn cách mạng tiếp theo, đặc biệt là chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

2. Hội nghị Trung ương 12 (12-1965) nêu rõ: “Phương châm chiến lược chung của chúng ta trong cuộc chiến tranh giải phóng chống Mỹ, cứu nước là đánh lâu dài, dựa vào sức mình là chính”, “Trong hoàn cảnh cụ thể hiện nay, trên cơ sở tiếp tục quán triệt và vận dụng phương châm đánh lâu dài, chúng ta cần phải cố gắng đến cao độ, tập trung lực lượng của cả hai miền để tranh thủ thời cơ giành thắng lợi quyết định trong thời gian tương đối ngắn trên chiến trường miền Nam”5. Mục tiêu cuối cùng là thực hiện độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới thống nhất nước nhà.

Quán triệt quyết tâm của Trung ương Đảng, tháng 5-1967, Hội nghị lần thứ năm Trung ương Cục miền Nam chủ trương tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thường xuyên, đánh lâu dài, nhưng cần cố gắng cao độ, tranh thủ giành thắng lợi quyết định trong thời gian tương đối ngắn. Tại đô thị, ta phải chuẩn bị lực lượng về mọi mặt, phát động tư tưởng quần chúng tiến lên tổng công kích, tổng khởi nghĩa.

Đến cuối năm 1967, quân và dân miền Nam đã giành chiến thắng trong hai cuộc phản công chiến lược mùa khô. Trong những năm 1965- 1967, với lực lượng quân viễn chinh Mỹ, đồng minh Mỹ gần 500.000 tên, cùng với gần nửa triệu quân lực Việt Nam Cộng hòa, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã mở hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967. Mặc dù áp đảo về lực lượng và hỏa lực, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã không giành được thắng lợi đáng kể, trái lại, còn bị quân và dân miền Nam giáng cho những đòn chí tử.

Hội nghị Bộ Chính trị tháng 12-1967 ra Nghị quyết “Tình hình và nhiệm vụ cách mạng miền Nam”6. Nghị quyết chỉ rõ: từ sau mùa khô 1966-1967, Mỹ-ngụy chuyển từ thế phản công chiến lược sang thế phòng ngự chiến lược. Đó là một bước thoái lui về chiến lược, một thất bại lớn của chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ ở miền Nam và làm phá sản cuộc chiến tranh xâm lược của chúng trong cả nước. Những cố gắng chiến tranh của Mỹ đã lên đến đỉnh cao, chúng đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan về chiến lược. Tuy còn nhược điểm trong vấn đề bổ sung quân số tại chỗ và đánh tiêu diệt những đơn vị lớn của Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa, nhưng ta đang ở thế thắng, thế chủ động và thuận lợi, địch đang ở thế thua, thế bị động và khó khăn. Ta đang đứng trước những triển vọng và thời cơ chiến lược lớn, “Tình hình ấy cho phép ta chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định”7.

Nghị quyết đề ra phương hướng và nhiệm vụ trước mắt là: “động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định”8.

Để đạt được những mục tiêu chiến lược đã đề ra, trước mắt cần: tiêu diệt và làm tan rã tuyệt đại bộ phận ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền các cấp, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân; tiêu diệt một phần quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ làm cho Mỹ không thực hiện được nhiệm vụ chính trị, quân sự của chúng ở miền Nam; trên cơ sở đó, đập tan ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải chịu thua ở miền Nam, chấm dứt mọi hành động chiến tranh đối với miền Bắc và ta đạt được các mục tiêu trước mắt của cách mạng là độc lập, dân chủ, hoà bình, trung lập ở miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà.

Hội nghị Trung ương 14 (1-1968) thông qua Nghị quyết của Bộ Chính trị, kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân anh dũng tiến lên, thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa, giành thắng lợi quyết định cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước9.

Cũng trong thời gian này, đồng chí Lê Duẩn gửi một số thư cho Trung ương Cục miền Nam, Quân ủy Miền và Khu ủy Sài Gòn-Gia Định chỉ đạo về chuẩn bị tổng công kích, tổng khởi nghĩa10. Đồng chí nêu rõ: Thực chất của đợt tổng công kích, tổng khởi nghĩa sắp tới là giáng cho địch những đòn sấm sét, làm thay đổi cục diện chiến tranh, làm lung lay hơn nữa ý chí xâm lược của Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh11.

Trung ương Cục miền Nam, Quân ủy Miền cũng ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về những vấn đề cụ thể tiến lên, tổng công kích, tổng khởi nghĩa giành thắng lợi quyết định12. Mặc dù nhận thức của các cấp ủy đảng, quân đội có khác nhau, song nhìn chung, chủ trương tiến lên tổng công kích, tổng khởi nghĩa đã được thống nhất từ Trung ương đến toàn chiến trường miền Nam. Cả dân tộc bước vào trận đánh quyết định nhằm tạo ra bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Thực hiện chủ trương của Đảng, trong năm 1968, quân và dân miền Nam đã mở 3 đợt tiến công lớn:

Đợt 1 từ ngày 31-1 đến ngày 25-2-1968: ta tiến công vào 4/6 thành phố, 37/42 thị xã và hàng trăm thị trấn, quận lỵ trên khắp miền Nam. Hầu hết các cơ quan đầu não của địch từ Trung ương đến địa phương bị tiến công, 4 bộ tư lệnh quân đoàn, 8 bộ tư lệnh sư đoàn, 2 bộ tư lệnh biệt khu, 2 bộ tư lệnh dã chiến Mỹ và 30 sân bay của địch đã bị tiến công, gây cho địch thiệt hại nặng nề về sinh lực và phương tiện chiến tranh. Lần đầu tiên, ta đưa chiến tranh vào tận hang ổ của kẻ thù trên quy mô rộng lớn toàn miền Nam, làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa.

Đợt 2 từ ngày 5-5 đến ngày 13-6-1968: Trong tuần lễ đầu tổng tiến công và nổi dậy (từ ngày 5 đến ngày 12-5), quân Giải phóng tiến công 31 thành phố, thị xã, 58 thị trấn, quận lỵ, đánh trúng 10 bộ tư lệnh quân đoàn, sư đoàn, 30 sân bay, 20 căn cứ xuất phát hành quân và trung tâm huấn luyện của địch.

Đợt 3 từ ngày 17-8 đến ngày 30-9-1968: Thực hiện quyết định của Bộ Chính trị và Trung ương Cục miền Nam, mặc dù yếu tố bí mật, bất ngờ không còn, song lực lượng pháo binh, đặc công, biệt động của ta đã phối hợp đồng loạt tiến công 27 thành phố và thị xã, hơn 100 thị trấn, quận lỵ, chi khu quân sự, 47 sân bay các loại, 3 tổng kho hàng hoá quân sự, 6 bộ tư lệnh cấp sư đoàn của Mỹ và quân đội Sài Gòn.

Đến cuối tháng 9-1968, 3 đợt tổng tiến công và nổi dậy về cơ bản đã kết thúc mà không đạt được mục tiêu cao nhất13. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy diễn ra trong bối cảnh Mỹ và chính quyền Sài Gòn còn hơn triệu quân với khối lượng phương tiện chiến tranh khổng lồ, trong khi lực lượng vũ trang toàn miền chỉ có khoảng 280.000 bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, 1 số đơn vị biệt động, một số loại vũ khí tuy mới được bổ sung từ miền Bắc, nhưng nhìn chung kém hơn nhiều hỏa lực của địch. Tương quan lực lượng chênh lệch lớn nên ta gặp khó khăn, tổn thất là khó tránh khỏi. Yếu tố bất ngờ chỉ phát huy tác dụng trong đợt thứ nhất, sau đó, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã phản kích quyết liệt, tăng cường lực lượng, tái lập thế trận phòng thủ vững chắc14.

Nhìn lại diễn biến và kết quả của Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, nhất là đợt 2 và đợt 3, Trung ương Đảng nhận định: Chúng ta đã mắc một số khuyết điểm, chủ quan trong việc đánh giá tình hình cho nên đã đề ra yêu cầu chưa thật sát với tình hình thực tế lúc đó nhất là không kịp thời kiểm điểm và rút kinh nghiệm ngay, nhằm đánh giá lại tình hình và có chủ trương chuyển hướng kịp thời, nên để mất đất, mất dân, lực lượng vũ trang, cơ sở cách mạng và vật chất chiến tranh bị tổn thất nghiêm trọng, gây những khó khăn rất lớn cho phong trào đấu tranh năm 196915.

 Mặc dù vậy, thắng lợi của Tổng tiến công và nổi dậy trong năm 1968 cũng rất lớn, ta không chỉ tiêu diệt được một lực lượng chiến lược của Mỹ-Việt Nam Cộng hòa, mà quan trọng hơn là đã tạo được phần nào hình thái “liên tục tiến công, liên tục nổi dậy”, đánh bồi liên tiếp, đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Tổng thống Mỹ Johnson phải tuyên bố ném bom hạn chế, rồi chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, chấp nhận đoàn đại biểu của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là một trong bốn thành viên chính thức tham gia hoà đàm tại Pari. Những thắng lợi này góp phần cho ta thế mạnh chủ động đấu tranh ở Hội nghị Pari.

3 Đến cuối năm 1971, cách mạng miền Nam đã khôi phục được thế và lực sau những đợt Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968, từng bước giành lại quyền chủ động trên chiến trường, bao gồm cả chiến trường miền Nam và chiến trường Campuchia và Lào. Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa phải chuyển hẳn vào thế phòng ngự bị động. Quân đội Việt Nam Cộng hòa, xương sống của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, giảm sút về số lượng, sa sút về tinh thần, phải dàn mỏng trên các chiến trường thay thế quân Mỹ và Đồng minh rút về nước. Chương trình bình định nông thôn của địch bị thu hẹp, năm 1971, số ấp chiến lược, ấp tân sinh địch kiểm soát giảm 2.000 ấp so với năm 1970. Hậu phương miền Bắc đã khôi phục sau khi Mỹ chấm dứt chiến tranh phá hoại, có điều kiện thuận lợi chi viện cách mạng miền Nam.

 Quân Mỹ đã rút khỏi Việt Nam về cơ bản, tính đến cuối năm 1971, chỉ còn khoảng 70.000 quân Mỹ tại miền Nam (so với thời điểm cao nhất là 543.000 vào tháng 4-1968). Năm 1972, đến kỳ bầu cử tổng thống Mỹ, là cơ hội cho ta kết hợp đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao, tiến lên giành thắng lợi to lớn hơn nữa. Phong trào đòi chấm dứt chiến tranh, vãn hồi hòa bình vẫn tiếp diễn mạnh mẽ trong lòng nước Mỹ.

Tháng 5-1971, Bộ Chính trị họp đề ra nhiệm vụ giành thắng lợi quyết định trong năm 1972. Bộ Chính trị chủ trương: “Kịp thời nắm lấy thời cơ lớn, trên cơ sở phương châm chiến lược đánh lâu dài, đẩy mạnh tiến công quân sự, chính trị, ngoại giao, phát triển thế tiến công chiến lược mới trên toàn chiến trường… giành thắng lợi quyết định trong năm 1972, buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trên thế thua, đồng thời sẵn sàng chuẩn bị kiên trì và đẩy mạnh kháng chiến trong trường hợp chiến tranh còn kéo dài”16.

Đầu năm 1972, HNTƯ 20 khóa III nhận định: “Ta đang ở thế thắng, thế chủ động, thế thuận lợi, thế đi lên, mặc dầu còn có những khó khăn và nhược điểm cần phải khắc phục; địch đang ở thế thua, thế bị động, thế khó khăn, thế đi xuống, mặc dầu chúng đang còn nhiều lực lượng và có những chỗ mạnh tạm thời”17. Trên cơ sở đó, hội nghị đề ra nhiệm vụ tiếp tục tiến lên giành thắng lợi to lớn hơn nữa trong năm 1972, đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đánh bại “Học thuyết Nichxơn”. Ngày 11-3-1972, Thường vụ Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết về kế hoạch mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên toàn chiến trường miền Nam. Trước những diễn biến mới của tình hình, nhất là việc Mỹ và Trung quốc ra Thông cáo chung Thượng Hải, ngày 23-3-1972, Bộ Chính trị họp, khẳng định quyết tâm không gì thay đổi là đánh bại về cơ bản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đánh bại mọi âm mưu và thủ đoạn đối phó của địch, làm chuyển biến cục diện chiến tranh.

Thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng, ngày 30-3-1972, quân và dân ta mở cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam.

Tại hướng chủ yếu Trị-Thiên, đến ngày 2-5-1973, ta đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị gồm hơn 10 vạn dân, đây là tỉnh đầu tiên được quân và dân ta giải phóng hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ở các mặt trận khác trên toàn miền Nam, ta cũng giành những thắng lợi to lớn.

Trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, quân và dân miền Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 30 vạn tên địch, đánh thiệt hại từ 40 đến 65% số đơn vị thuộc các lực lượng địch, diệt và bức hàng 2.200/9.000 đồn bốt, mở rộng vùng giải phóng với trên 4 triệu dân/11,5 triệu dân ở nông thôn miền Nam.

Tuy nhiên, mục tiêu giành thắng lợi hoàn toàn trong năm 1972 cũng không đạt được. Mặc dù đã thực hiện “phi Mỹ hóa chiến tranh”, “Việt Nam hóa chiến tranh” nhưng Mỹ đã ngay lập tức phản kích quyết liệt, cứu nguy chế độ Việt Nam Cộng hòa. Trước tình thế nguy ngập của chính quyền Sài Gòn, Mỹ đã sử dụng lực lượng lớn không quân và hải quân ồ ạt tham chiến trở lại ở miền Nam và mở cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai chống phá miền Bắc. Chỉ trong vòng hơn 1 tháng sau khi ta mở cuộc tiến công, Mỹ đã huy động lực lượng không quân khổng lồ gồm 1.300 máy bay chiến thuật, 150 máy bay chiến lược B52 tham chiến, hỗ trợ quân đội Việt Nam Cộng hòa. Hải quân Mỹ cũng được huy động cao nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới II, với khoảng 60 tàu chiến, trong đó có 5 tàu sân bay và 5 tàu tuần dương. Nhiều vũ khí, trang thiết bị mới được trang bị cho quân đội Việt Nam Cộng hòa18. Với hỏa lực áp đảo, địch tiến hành phản kích quyết liệt, đặc biệt là tại chiến trường Quảng Trị. Trung bình mỗi ngày, địch bắn trên 100.000 viên đạn pháo, số lần xuất kích máy bay B52 từ 11 lần chiếc trong tháng 5 tăng lên 50 lần chiếc trong tháng 6, có ngày 100 lần chiếc19, tập trung đánh phá hậu phương chiến lược và đường tiếp tế vận tải của ta. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt tập trung tại Thị xã và Thành cổ Quảng Trị.Trung bình mỗi ngày, địch huy động 150-170 lần chiếc máy bay phản lực, 70-90 lần chiếc B52 để ném bom huỷ diệt Thị xã và Thành cổ Quảng Trị. Với diện tích chưa đầy 3 km2, trong 81 ngày đêm, Thị xã và Thành cổ Quảng Trị phải gánh chịu 328.000 tấn bom đạn, Thị xã Quảng Trị hầu như bị san phẳng. Đến ngày 16-9-1972, địch tái chiếm Thành cổ.

Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 là cuộc tiến công mạnh mẽ, dài ngày rộng khắp của quân và dân ta từ sau Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968, làm chuyển biến căn bản cục diện chiến tranh, cùng với thắng lợi của trận “Điện Biên Phủ trên không”, góp phần quyết định buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định hòa bình Pari, rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, mở đường cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đất nước thống nhất, Bắc Nam một nhà.

 Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng (in) số 4/2017

1. Nội dung cơ bản của “Thắng lợi quyết định” sau này thường được hiểu là ta làm phá sản được các mục tiêu chủ yếu của từng chiến lược chiến tranh của địch, làm thay đổi cục diện chiến tranh, buộc địch phải thay đổi chiến lược, ta có điều kiện tiếp tục tiến lên giành thắng lợi mới. (Xem: Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Thắng lợi và bài học, Nxb CTQG, H, 1995, tr. 325). Thực tế lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã diễn ra đúng như vậy. Tuy nhiên, ở vào thời điểm đó, nhiều người hiểu giành thắng lợi quyết định tức là khả năng cao nhất, giải phóng hoàn toàn miền Nam, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ trực tiếp chiến đấu trên chiến trường miền Nam

2. Theo thống kê, từ tháng 11-1963 đến tháng 5-1965, ít nhất đã diễn ra 10 cuộc đảo chính trên chính trường Sài Gòn

3, 16, 19. Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập II, Nxb CTQG, H, 1995, T. II, tr. 267, 514, 535

4. Xem Lê Duẩn: Thư vào Nam, Nxb ST, H, 1985, tr. 68-94

5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2003, T. 26, tr. 637-638

6. Tháng 1-1968, Nghị quyết này được HNTƯ 14 thông qua với tên gọi “Anh dũng tiến lên, thực hiện tổng công kích và tổng khởi nghĩa, giành thắng lợi quyết định cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước”

7, 8. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2004, T. 29, tr. 50, 50

9. Đồng chí Trường Chinh đánh giá NQTƯ 14 khóa II là một trong những sáng tạo lớn, phát kiến lớn về đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng

10. Thư ngày 1-7-1967 về đẩy mạnh công tác thành thị miền Nam, thư ngày 18-1-1968 về một số vấn đề cụ thể cần chú ý trong quá trình tổng công kích-tổng khởi nghĩa

11. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử Biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), Nxb CTQG, H, 2008, tr. 625

12. Chỉ thị về phát động quần chúng thừa thắng xông lên quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, ngày 18-10-1967; Chỉ thị hướng dẫn về việc chuẩn bị tiến hành công kích và khởi nghĩa ở các thành phố, thị xã ngày 12-12--1967; Nghị quyết về tổ chức chỉ đạo, kế hoạch tổng công kích, tổng khởi nghĩa Khu Sài Gòn-Chợ Lớn, ngày 18-1-1968

13. Trung ương Cục miền Nam và một số cấp ủy đảng, quân sự chủ trương tiếp tục tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa đợt 4, đợt 5 vào cuối năm 1968, đầu năm 1969, nhưng sau đó gặp khó khăn lớn, không thực hiện được

14. Quân đội Việt Nam Cộng hòa tăng từ 552.000 quân cuối năm 1967 lên 555.000 quân cuối năm 1968, quân Mỹ cuối năm 1968 tăng lên 535.000 quân và 65.791 quân các nước đồng minh Mỹ

15. Xem Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Tổng Tiến công và nổi dậy năm 1968, Nxb CTQG, H, 2015, T. 5, tr. 287-288

17. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2004, T. 33, tr. 142

18. Hỏa tiễn chống tăng TOW, vốn đang được nghiên cứu hoàn chỉnh, nhằm trang bị lực lượng NATO, được cấp tốc trang bị cho quân đội Việt Nam Cộng hòa, đã bắn cháy một số xe tăng của quân giải phóng tại chiến trường Quảng Trị.

 

TS NGUYỄN BÌNH
ThS CHÂU HỒNG NHIÊN

 

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Trường Chính trị tỉnh Cà Mau
1. Trong những năm 1961-1964, cách mạng miền Nam chuyển từ khởi nghĩa từng phần sang tiến hành chiến tranh cách mạng, quân và dân miền Nam đã đánh bại các kế hoạch chiến tranh của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn, đó là Kế hoạch Staley-Taylor và Kế hoạch Johnson-Mc Namara. Trong năm 1964 và nửa đầu năm 1965, chính trường Sài Gòn vô cùng rối ren. Sau cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm, liên tiếp diễn ra các cuộc chỉnh lý, cải cách… thực chất là đảo chính, tranh giành quyền lợi giữa các phe phái, cá nhân trong chính quyền Sài Gòn. Nhiều chính phủ liên tục được lập ra, nhưng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Tranh chấp giữa phe quân sự và phe dân sự, giữa c&aacu

Tin khác cùng chủ đề

Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Tinh thần quyết chiến quyết thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc
Nghệ thuật tác chiến phòng không trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Gửi bình luận của bạn