Ngay từ khi Đảng ra đời, Cương lĩnh chính trị đầu tiên (năm 1930) của Đảng đã xác định cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, đoàn kết chặt chẽ với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản thế giới. Nêu cao tinh thần tăng cường đoàn kết quốc tế, giữ vững hòa bình, dân chủ tiến bộ, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhiều lực lượng, nhiều phong trào và các nước trên thế giới, Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954) giành được thắng lợi vẻ vang. Sự đúng đắn của chủ trương tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các đảng cộng sản và công nhân quốc tế, trong đó có Đảng Cộng sản Pháp và nhân dân Pháp, góp phần vào thắng lợi cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam.

Chủ trương của Đảng và nỗ lực của Hồ Chí Minh về tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Đảng Cộng sản và nhân dân Pháp đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam (1945 - 1954)
Chủ trương của Đảng và nỗ lực của Hồ Chí Minh về tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Đảng Cộng sản và nhân dân Pháp đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam (1945 - 1954)

1. “Liên lạc mật thiết”, tranh thủ sự ủng hộ của Đảng Cộng sản và nhân dân Pháp (1945 - 1946)

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập, phải đối phó với “thù trong”, “giặc ngoài” và nền kinh tế kiệt quệ. Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định hai nhiệm vụ cấp bách trước mắt là cứu đói ở miền Bắc và kháng chiến ở miền Nam. Ngày 25-11-1945, trong Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc”, sau khi phân tích những thay đổi căn bản về tình hình quốc tế, trong nước, đánh giá thái độ của từng đế quốc đối với cách mạng Đông Dương, Đảng nhấn mạnh “Cuộc cách mạng Đông Dương lúc này vẫn là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng1. Trung ương Đảng xác định kẻ thù chính của nhân dân Việt Nam lúc này là thực dân Pháp xâm lược, phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng. Về ngoại giao, Chỉ thị nêu rõ: “kiên trì chủ trương ngoại giao với các nước theo nguyên tắc “bình đẳng và tương trợ”… thuật ngoại giao là làm cho nước mình ít kẻ thù và nhiều bạn đồng minh hơn hết”2. Trên cơ sở đó, Chỉ thị xác định kẻ thù chính của dân tộc ta lúc này là thực dân Pháp xâm lược và nhiệm vụ của cách mạng nước ta là phân hóa cao độ kẻ thù, đoàn kết, hợp tác với Đảng Cộng sản Pháp và nhân dân Pháp tiến bộ. Bởi lẽ, “sau cuộc Tổng tuyển cử Đảng Cộng sản Pháp là một đảng mạnh nhất trong Quốc hội, và trong Chính phủ Pháp hiện nay có năm đảng viên Đảng Cộng sản tham gia”3. Cho nên phải tập trung ngọn lửa đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược; trong tuyên truyền, phải tách riêng thực dân Pháp xâm lược, chỉ nói đánh thực dân Pháp xâm lược; không công kích nước Pháp, nhân dân Pháp, chỉ công kích thực dân Pháp xâm lược.

Ngày 3-3-1946, trước tình thế đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”, để tránh phải đối phó với nhiều kẻ thù cùng một lúc và có điều kiện để củng cố lực lượng, Đảng chủ trương hòa hoãn với thực dân Pháp, hợp tác chặt chẽ với Đảng Cộng sản Pháp, “liên lạc mật thiết ngay với Đảng Cộng sản Pháp để thực hiện sự hành động chung giữa ta và các đồng chí Pháp”4. Sau khi Hiệp định Sơ bộ được ký kết, ngày 9-3-1946, trong Chỉ thị “Hòa để tiến”, Đảng chỉ rõ phải: “Ra sức tuyên truyền Tây và gây cơ sở đảng trong đám người Tây ở Đông Dương. Đồng thời mật thiết liên lạc với những phần tử hay đoàn thể cấp tiến Pháp ở Đông Dương và ở Pháp”5. Từ ngày 21 đến ngày 23-6-1946, Xứ ủy Trung Kỳ ra Nghị quyết nhận định: “Kết quả cuộc đàm phán Việt - Pháp nhiều hay ít và sau này được đảm bảo hay không còn tùy sức tranh đấu của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, và sức tranh đấu của nhân dân Pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Pháp”6. Vì vậy, Đảng chủ trương: “hai Đảng Cộng sản Đông Dương và Pháp phải mật thiết liên lạc với nhau đặng dẫn đạo hai dân tộc Việt - Pháp đoàn kết chặt chẽ chống bọn phản động Pháp. Đối với Pháp kiều ở Đông Dương nhất là đối với quân đội Pháp chúng ta phải biết phân biệt bọn phản động (quan cai trị cũ, võ quan cao cấp, tư bản ngân hàng) với những phần tử dân chủ tiến bộ (phần nhiều trong lớp binh sĩ hạ cấp, tiểu chủ tiểu thương, giáo sư, v.v.). Phải gia khẩn tuyên truyền kín đáo trong hàng ngũ người Pháp ở Đông Dương phải hết sức tránh những xung đột đổ máu vô ích, phá tan những sự chia rẽ hai dân tộc Việt - Pháp do bọn khiêu khích, tay sai của phản động Pháp hay phản động Tàu, hay do một số người Việt Nam còn nặng óc “bài Pháp” xui nên”7.

Trong bài “Luôn luôn chuẩn bị nhưng tránh khiêu khích”, đồng chí Trường Chinh nêu rõ thực dân Pháp ra sức khiêu khích, chia rẽ tình đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Pháp hòng phá chính sách ngoại giao của Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vì vậy, “Chúng ta phải đòi quân đội Pháp đình chỉ ngay những hành động khủng bố và khiêu khích. Chúng ta tố cáo mưu mô của một số người Pháp phản động đang khuyến khích những hành động khủng bố và khiêu khích ấy để chia rẽ hai dân tộc Việt - Pháp, để làm cho nhân dân ta và binh lính Pháp ác cảm lẫn nhau. Vì chúng là kẻ thù của cả hai dân tộc Việt - Pháp, vì chúng áp bức lính Pháp và chực cướp lại nước ta, nên chúng rất sợ hai dân tộc Việt - Pháp thân thiện, rất sợ dân ta và lính Pháp gần gũi... Đó là một cách chúng làm cho lính Pháp tưởng lầm rằng dân ta là kẻ thù để quên rằng chính bọn chúng mới thật là kẻ thù. Đó cũng là một cách bọn phản động Pháp khiêu khích ta để phá tình thân thiện mới nhóm lên giữa nước Việt Nam dân chủ và nước Pháp mới”8.

Ngày 11-7-1946, trong buổi nói chuyện với Ủy ban Trung ương Hội Pháp - Việt, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ mong muốn đoàn kết hợp tác thân thiện của Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam với Đảng Cộng sản, Chính phủ và nhân dân Pháp: “mong ước mạnh nhất của tôi, sự quan tâm nhất của nước Cộng hòa Việt Nam, nguyện vọng tha thiết nhất của dân tộc Việt Nam là thực hiện được tình thân thiện Pháp - Việt”9. Ngày 17-8-1946, khi trả lời phỏng vấn của báo Franc - Tireur, Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu thị thái độ thân thiện của Việt Nam đối với nước Pháp và nhân dân Pháp và khẳng định: “Cần phải tạo nên bầu không khí thuận lợi cần thiết cho cuộc cộng tác Việt - Pháp... chúng tôi quyết định bảo đảm cho nước Pháp những quyền lợi tinh thần, văn hóa và vật chất, nhưng trái lại nước Pháp phải bảo đảm nền độc lập của chúng tôi”10. Ngày 2-9-1946, trong Diễn văn Kỷ niệm Quốc khánh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tổ chức tại Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh thiện chí muốn là bạn với nước Pháp, muốn xây dựng và phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Người nêu rõ: “Để cho mọi hy vọng trở thành hiện thực, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có một nguyện vọng cháy bỏng là mong mỏi Hội nghị Phôngtennơblô nhanh chóng đưa đến những kết quả cụ thể... Mong sao tình hữu nghị giữa nước Pháp và nước Việt Nam độc lập và thống nhất trở thành sự thực!”11. Sau khi Hội nghị Phôngtenlơblô không đạt được kết quả, ngày 13-9-1946, khi nói chuyện với các nhà báo Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên trì khẳng định quan điểm thiện chí hòa bình của Việt Nam, nhấn mạnh sự tin tưởng vào “nước Pháp mới”.

Trước tình hình quân Pháp không thực hiện những điều đã ký trong Tạm ước 14-9, nổ súng ở Nam Bộ, gây nên những cuộc xung đột đẫm máu ở Hải Phòng, Lạng Sơn, ngày 23-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi “Gửi đồng bào Việt Nam, người Pháp và người thế giới”, khẳng định: “nhân dân Việt Nam sẵn sàng cộng tác thật thà với nhân dân Pháp… nhân dân Pháp mong muốn cộng tác thật thà với nhân dân Việt Nam… một số người Pháp không hiểu tâm lý dân Việt Nam, không làm theo ý nguyện dân Pháp, đã gây nên những cuộc xung đột đổ máu giữa hai bên”12. Người kêu gọi “Người Việt và người Pháp có thể và cần phải bắt tay nhau trong một sự nghiệp cộng tác bình đẳng, thật thà, để gây dựng hạnh phúc chung cho cả hai dân tộc”13.

Ngày 7-12-1946, trước tình hình quân Pháp tiếp tục phá hoại Tạm ước 14-9, khiêu khích quân sự, gây đổ máu ở Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi gửi Quốc hội và Chính phủ Pháp” yêu cầu Quốc hội và Chính phủ Pháp “hạ lệnh cho đương cục Pháp khôi phục tình trạng trước ngày 20-11-1946, để cùng Chính phủ Việt Nam thi hành Tạm ước, để xây đắp sự cộng tác Pháp - Việt thân thiện và lâu dài”14. Ngày 13-12-1946, trong tuyên bố với phóng viên báo Paris - Sài Gòn, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ quan điểm thiện chí của Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đối với nước Pháp, nhân dân và quân đội Pháp: “Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh... Cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách. Chúng tôi tha thiết với nền độc lập, nhưng nước Việt Nam độc lập ở khối Liên hiệp Pháp... Nhưng cuộc chiến tranh ấy, nếu người ta buộc chúng tôi phải làm thì chúng tôi sẽ làm... dân tộc Việt Nam đã sẵn sàng chịu đựng tất cả, chứ không chịu mất tự do”15.

Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam, đặc biệt người đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn cố gắng, nỗ lực tìm mọi giải pháp, mọi phương cách, mọi sự nhẫn nhịn để không xảy ra chiến tranh; sẵn sàng tham gia khối Liên hiệp Pháp, sẵn sàng chịu đựng khi bị gây hấn khắp nơi, nhưng thực dân Pháp đã bỏ qua tất cả, vẫn nổ súng xâm lược Việt Nam. Trước những nỗ lực cứu vãn hòa bình không được nữa, ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, khẳng định: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!”16.

Như vậy, từ tháng 9-1945 đến tháng 12-1946, trong bối cảnh đất nước gặp muôn vàn khó khăn, đặc biệt là âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng, Chính phủ Việt Nam với quan điểm hòa bình, hữu nghị và hợp tác, nỗ lực tìm mọi giải pháp giải quyết hòa bình ở Việt Nam, bằng mọi cách ngăn chặn chiến tranh. Với những ứng xử ngoại giao khôn khéo, linh hoạt trên cơ sở giữ vững độc lập dân tộc, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nỗ lực cho hòa bình, hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam và Pháp.

2. “Phá vòng vây” để mở rộng quan hệ quốc tế, tranh thủ ủng hộ, giúp đỡ của Đảng Cộng sản và nhân dân Pháp (1947 - 1950)

Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, quân và dân Việt Nam buộc phải cầm vũ khí đánh kẻ thù để bảo vệ nền độc lập dân tộc vừa mới giành được. Vừa phải củng cố xây dựng thực lực, Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa chủ trương đối ngoại làm bạn với mọi nước dân chủ: “Phá vòng vây để mở rộng quan hệ, tranh thủ thêm bạn bè, nêu rõ lập trường chính nghĩa của nhân dân ta và tố cáo tội ác của thực dân Pháp là một vấn đề chiến lược cả về quân sự, chính trị và ngoại giao”17. Do đó, ngay khi tiếng súng kháng chiến lan ra toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao. Ngày 1-1-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi “Thư gửi Chính phủ và nhân dân Pháp nhân dịp đầu năm mới”, giải thích cho Chính phủ và nhân dân Pháp hiểu Việt Nam không thù hằn gì với dân tộc Pháp và khẳng định: “Chúng tôi bắt buộc phải chiến đấu, chống bọn thực dân phản động đang mưu mô xẻ cắt Tổ quốc chúng tôi, đưa chúng tôi vào vòng nô lệ và gieo rắc sự chia rẽ giữa hai dân tộc Pháp và Việt. Nhưng chúng tôi không chiến đấu chống nước Pháp mới và quốc dân Pháp, chúng tôi lại còn muốn hợp tác thân ái. Ở Việt Nam cũng như ở Pháp, có rất nhiều người... yêu chuộng công lý và tự do. Những người đó hiểu và bênh vực những nguyện vọng của chúng tôi. Họ mới thật là những người bênh vực đứng đắn quyền lợi chân chính của nước Pháp và khối Liên hiệp Pháp. Tôi thành thực cảm tạ những người Pháp đó. Tôi kêu gọi nhân dân Pháp để chấm dứt cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn và năm 1947 mang lại nền hòa bình và tình hữu ái giữa nước Pháp và nước Việt Nam”18.

Ngày 2-1-1947, khi trả lời các nhà báo về ý nghĩa của cuộc chiến tranh, Người nêu rõ: “Việt Nam không chiến tranh chống nước Pháp và dân Pháp vì ta muốn hai dân tộc Việt - Pháp cộng tác thật thà... Chúng ta hiểu biết và kính trọng dân tộc Pháp. Nếu Chính phủ và nhân dân Pháp không để bọn thực dân phản động phá hoại hòa bình, phá hoại lợi ích và danh dự Pháp, phá hoại tình thân thiện giữa hai dân tộc Việt - Pháp, nếu Chính phủ Pháp dàn xếp theo cách hòa bình, tôn trọng chủ quyền của ta, thì ta vẫn sẵn sàng đàm phán”19.

Ngày 7-1-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thư gửi Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Pháp”, tiếp tục khẳng định quan điểm của Chính phủ và nhân dân dân Việt Nam là không đấu tranh chống nước Pháp, nhân dân Pháp mà “thành thực muốn cộng tác với nhân dân Pháp như anh em... Nhân dân Việt Nam chỉ đòi độc lập và thống nhất quốc gia trong khối Liên hiệp Pháp... Nhân dân Việt Nam chỉ muốn có hòa bình, một nền hòa bình thực sự, để kiến thiết quốc gia với sự cộng tác của những người bạn Pháp chân chính. Nhân dân Việt Nam cam kết không những tôn trọng những quyền lợi kinh tế và văn hóa Pháp ở Việt Nam, mà còn giúp cho những quyền lợi đó phát triển thêm để ích lợi chung cho cả hai nước... Chính phủ và nhân dân Pháp chỉ cần có một cử chỉ công nhận độc lập và thống nhất của nước Việt Nam là chấm dứt được những tai biến này; hòa bình và trật tự sẽ trở lại ngay tức khắc. Dân tộc Việt Nam đang chờ đợi cử chỉ đó”20.

Không chỉ nỗ lực kêu gọi Chính phủ và nhân dân Pháp, ngày 13-1-1947Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thư gửi các lãnh tụ và nhân dân các nước” nhấn mạnh: “Việt Nam chỉ muốn hòa bình và độc lập, để cộng tác thân thiện với các dân tộc trên thế giới, trước là với dân tộc anh em Á Đông và dân tộc Pháp”21. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng làm rõ cho nhân dân các nước thấy mối liên quan của Việt Nam với Pháp và các nước thuộc địa của Pháp, đó là: “Việt Nam là một bộ phận trong nền hòa bình chung toàn thế giới. Thực dân Pháp gây nên chiến tranh ở Việt Nam, tức là phá hoại thế giới hòa bình. Vận mệnh nhân dân Pháp và các thuộc địa Pháp lại càng quan hệ với Việt Nam. Nếu để bọn thực dân kéo dài cuộc chiến tranh ở Việt Nam thì chẳng những nhân dân Pháp bị chết người hại của thêm, mà địa vị nước Pháp sẽ trở nên cô độc và khối Liên hiệp Pháp cũng không còn”22. Tiếp tục nỗ lực hơn nữa, ngày 18-1-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thư gửi Tổng thống nước Pháp Vanhxăng Ôriôn”, bày tỏ mong mỏi của nhân dân Việt Nam là độc lập và thống nhất trong khối Liên hiệp Pháp, không muốn anh em, bạn bè tàn sát lẫn nhau;  kêu gọi Tổng thống mới của nước Pháp hãy hợp tác với Chính phủ và nhân dân Việt Nam: “tôi xin đề nghị cùng ngài lập lại ngay nền hòa bình để tránh cho hai nước chúng ta khỏi bị hao người thiệt của, và để gây lại sự cộng tác và tình thân thiện giữa hai dân tộc chúng ta”23. Ngày 25-1-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Chính phủ Pháp đề nghị chấm dứt chiến tranh. Tiếp đó, tháng 3-1947, Người lại viết “Thư gửi Chính phủ Pháp, Nghị viện Pháp, nhân dân Pháp, các nước dân chủ trên thế giới” tiếp tục nêu lên nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, đó là: “dân Việt Nam muốn hòa bình, muốn cộng tác thân thiện với nhân dân Pháp”24, “Trước bạo lực của thực dân phản động Pháp, chúng tôi cần phải tự vệ. Nhưng đối với nhân dân Pháp, chúng tôi vẫn giữ chính sách cộng tác thật thà. Chúng tôi chỉ muốn độc lập và thống nhất. Chúng tôi chỉ muốn hòa bình”25.

Tháng 5-1947, khi trả lời thông tín viên Hãng Roitơ (Hãng thông tin của Anh) về quan điểm của người Pháp cho rằng “Việt Nam có ý muốn cầu hòa với người Pháp”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ: “Chúng tôi đã nhiều lần kêu gọi hòa bình, nhưng nước Pháp không trả lời... đặt ra cho chúng tôi nhiều điều kiện nhục nhã... chúng tôi bắt buộc phải tiếp tục chiến đấu”26. Trước câu hỏi của phóng viên về việc “người Pháp nói rằng vấn đề Việt Nam là một việc trong nhà của Pháp, chứ không phải là một vấn đề quốc tế”, Người chỉ rõ: “Tuy chúng tôi rất có cảm tình với dân Pháp, nhưng nước Việt Nam không phải đày tớ của Pháp, vậy vấn đề Việt Nam không phải là một việc nhà của Pháp”27.

Ngày 20-6-1947, trong “Lời kêu gọi gửi nhân dân thế giới”, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi nhân dân Pháp đoàn kết, kiên quyết đấu tranh chống lại thực dân Pháp phản động, “Nhân dân Việt Nam và nhân dân Pháp có một mục đích chung: cộng tác thân thiện và bình đẳng giữa hai dân tộc. Vận mệnh của nhân dân Việt Nam và vận mệnh của nhân dân Pháp rất quan hệ với nhau... thực dân phản động đang hết sức chia rẽ hai dân tộc ta. Chúng quyết tâm hy sinh tiền bạc của nhân dân Pháp và tính mạng thanh niên Pháp để kéo dài cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn này. Chúng tôi rất mong các bạn cùng chúng tôi hành động để ngăn trở bọn thực dân phản động phá hoại cái lý tưởng chung, lợi ích chung, và tình nghĩa của hai dân tộc ta”28.

Hai năm sau ngày toàn quốc kháng chiến, trong “Điện gửi nhân dân Pháp nhân ngày 19-12-1948”, Hồ Chí Minh tố cáo tội ác của thực dân Pháp, kêu gọi nhân dân Pháp đoàn kết cùng nhân dân Việt Nam đấu tranh chấm dứt chiến tranh xâm lược ở Việt Nam, cùng nhau xây dựng hòa bình, dân chủ và hòa khí giữa hai dân tộc. Ngày 24-12-1949, nhân dịp lễ Noel và năm mới 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư chúc mừng nhân dân Pháp và kêu gọi nhân dân Pháp đấu tranh yêu cầu chính quyền thực dân Pháp ngừng cuộc chiến tại Việt Nam, đưa thanh niên Pháp về nước.

Trong bài “Chính sách của chúng ta”, đồng chí Trường Chinh nêu rõ: “Muốn chống phản động Pháp, lập Mặt trận dân tộc thống nhất chưa đủ. Phải tìm bạn bên ngoài nữa. Mục đích của ta lúc này là tự do, độc lập, Ý chí của ta lúc này là dân chủ, hòa bình. Là bạn của ta trong giai đoạn này là tất cả những nước nào, những dân tộc hay lực lượng nào trên thế giới tán thành mục đích ấy, cùng ta chung một ý chí ấy... bạn của ta là dân tộc Pháp... dân tộc Pháp mà số đông là thợ thuyền, dân cày và các tầng lớp tiểu tư sản thành phố và tiểu tư sản trí thức, không có một lợi ích gì trong việc bọn thực dân phản động Pháp lấn áp ta. Họ rất có thiện cảm với cuộc vận động giải phóng dân tộc của ta”29. Đồng chí nhấn mạnh: “Những dấu hiệu cảm tình của Đảng Cộng sản Pháp, của Tổng Liên đoàn Lao động Pháp, và của Hội Pháp - Việt Nam, v.v., đối với Hồ Chủ tịch, là những chứng cớ vô cùng rõ rệt. Nhân dân Pháp hiểu rằng muốn có tự do và hạnh phúc phải triệt bỏ thế lực của bọn tài phiệt Pháp chẳng những ở nước Pháp mà cả ở thuộc địa. Cho nên nhân dân Pháp là bạn chí thân của nhân dân Việt Nam trong việc chống kẻ thù chung của hai dân tộc Việt - Pháp chống bọn Pháp phản động”30.

Trong báo cáo ở Hội nghị toàn quốc lần thứ ba về hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công, Trung ương Đảng nhấn mạnh: “chúng ta cần đặt lại vấn đề liên lạc chặt chẽ với các đảng anh em, đặc biệt với các Đảng Cộng sản Trung Quốc, Pháp và Đông Nam châu Á. Chúng ta cần làm cho các đảng anh em hiểu rõ tình hình ta hơn, để có thể giúp đỡ ta một cách thiết thực hơn, hiểu rõ chính sách của ta để có thể phê bình và bổ khuyết cho ta”31.

Từ ngày 21-1 đến ngày 3-2-1950, Đảng tiến hành Hội nghị toàn quốc lần thứ ba. Nghị quyết Hội nghị về chuyển mạnh sang tổng phản công chỉ rõ: “khi tích cực chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công, chúng ta phải: a) Tố cáo bằng đủ mọi cách mưu mô gây chiến của bọn đế quốc do Mỹ cầm đầu. b) Tố cáo chính sách can thiệp của Mỹ - Anh giúp thực dân Pháp và bọn bù nhìn ở Đông Dương. c) Ra sức tuyên truyền ủng hộ Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân, củng cố tình hữu nghị giữa các dân tộc Đông Dương và nhân dân các nước đó. d) Liên kết chặt chẽ cuộc chiến đấu của ta với phong trào tranh đấu cho hòa bình và dân chủ thế giới... e) Liên kết cuộc kháng chiến của ta với phong trào phản chiến của nhân dân Pháp; thống nhất hành động với Đảng Cộng sản Pháp”32.

Nhằm góp phần đẩy mạnh hơn nữa sang tổng phản công, Đảng chủ trương một mặt củng cố và khuếch trương lực lượng; mặt khác tranh thủ sự giúp đỡ thiết thực của bạn bè trên thế giới trong đó có Đảng Cộng sản Pháp. Trong thời gian ta xúc tiến chuyển mạnh sang tổng phản công, ông Lêô Phighe, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, sang thăm Việt Nam. Sau khi ông trở về Pháp, Đảng Cộng sản Pháp sẽ mở một chiến dịch tuyên truyền xúc tiến phong trào phản chiến ở Pháp. Nhằm thắt chặt tình thân thiện giữa hai dân tộc Việt - Pháp, đẩy mạnh phong trào phản chiến ở Pháp và trong hàng ngũ binh lính Pháp ở Việt Nam, ngày 29-7-1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Về việc mở chiến dịch phối hợp đấu tranh với Đảng Cộng sản Pháp”.

Từ ngày 11 đến ngày 19-11-1950, Đảng Cộng sản Pháp tổ chức tuần lễ đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Để phối hợp đấu tranh cùng nhân dân Pháp và tăng thêm tình đoàn kết giữa hai dân tộc, ngày 11-8-1950, Trung ương Đảng ra Chỉ thị bổ sung một số điểm vào mục B Chỉ thị số 20-CT/TW “Về việc tuyên truyền cổ động để phối hợp với phong trào phản chiến ở Pháp”, chủ trương: “báo chí và Đài Tiếng nói Việt Nam cần đăng và phát thanh suốt trong thời gian ấy: a) Những tin tức và bài bình luận về tuần lễ đó một cách đều đặn và thường xuyên. b) Những bài vạch rõ trách nhiệm của thực dân Pháp trong việc gây chiến tranh ở Việt Nam, nêu tính chất chính nghĩa của cuộc chiến tranh tự vệ của ta, tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược của địch, đề cao sự quyết tâm kháng chiến của nhân dân Việt Nam, phong trào phản chiến mạnh mẽ của nhân dân Pháp và sức ủng hộ của nhân dân thế giới đối với ta... các đoàn thể nhân dân Việt Nam gửi điện cho các đoàn thể nhân dân Pháp (thanh niên gửi cho thanh niên, phụ nữ gửi cho phụ nữ, v.v.) để hoan nghênh tinh thần phản chiến của họ”33.

Trong những năm 1947-1950, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua các nghị quyết, chỉ thị các bài nói, bài viết, điện, thư, liên tục làm cho nhân dân thế giới, trong đó chủ yếu là nhân dân Pháp, Đảng Cộng sản Pháp, hiểu rõ hơn cuộc kháng chiến chính nghĩa chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam; khẳng định Việt Nam muốn “làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”.

3. “Thắt chặt đoàn kết”, tranh thủ hơn nữa sự ủng hộ của Đảng Cộng sản và nhân dân Pháp (1951 - 1954)

Đại hội II của Đảng (2-1951) được tiến hành, Luận cương cách mạng mà đồng chí Trường Chinh trình bày tại Đại hội nêu rõ chủ trương của Đảng đẩy mạnh công tác ngoại giao trên nguyên tắc bảo vệ toàn vẹn độc lập, dân chủ, chủ quyền lãnh thổ và thống nhất quốc gia; ủng hộ phong trào giải phóng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa; bảo vệ hòa bình dân chủ thế giới; chống bọn gây chiến; đoàn kết chặt chẽ với Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân khác, hợp tác thân thiện, tự do và bình đẳng với Chính phủ và nhân dân các nước. Đặc biệt phải “thắt chặt đoàn kết với nhân dân lao động Pháp”, “Củng cố mối liên hệ với nhân dân Pháp để tiến tới những hình thức phối hợp đấu tranh chống đế quốc Pháp - Mỹ, quyết liệt và phong phú hơn”, “thắt chặt liên hệ tổ chức và hoạt động giữa những đoàn thể của nhân dân Việt Nam với các đoàn thể nhân dân thế giới”34.

Tranh thủ sự ủng hộ hơn nữa của nhân dân Pháp, tháng 7-1951, Hồ Chí Minh viết “Thư gửi Ban Lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Pháp”, bày tỏ: “Các bạn hãy tin vào tình hữu nghị chiến đấu của nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Pháp... Chúng tôi theo dõi với lòng khâm phục cuộc đấu tranh của nhân dân Pháp, đặc biệt là của phụ nữ Pháp, anh dũng chống lại cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Các tên của những Hăngri Máctanh, của những Raymông Điêng được mọi người dân Việt Nam biết đến và đã gắn liền với tên của những người con nam nữ Việt Nam ưu tú nhất”35.

Ngày 4-6-1952, được tin đồng chí Đuycơlô (Duclos), quyền Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp, bị bắt, Trung ương Đảng đã ra Thông cáo gửi các cấp bộ Đảng và các ngành công tác của Đảng kịch liệt phản đối Chính phủ phản động Pháp. Đảng nhấn mạnh việc bênh vực đồng chí Đuycơlô là bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ hòa bình thế giới, bảo vệ tình đoàn kết thân ái giữa nhân dân hai nước Việt - Pháp để đánh bại đế quốc Pháp - Mỹ. Trung ương Đảng quyết định gây thành phong trào mạnh mẽ trong nhân dân phản đối kịch liệt bọn cầm quyền phản động Pháp, yêu cầu chúng phải thả đồng chí Đuycơlô, Trung ương Đảng chỉ rõ: “Đề nghị Mặt trận Liên Việt, các đoàn thể công, nông, thanh, phụ, các Đảng Dân chủ, Xã hội, Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới ở Việt Nam kịp thời lên tiếng phản đối Chính phủ phản động Pháp, đòi trả lại tự do cho đồng chí Đuycơlô, gửi điện và thư cho Đảng Cộng sản Pháp, cho Tổng công hội Pháp (C.G.T), các đoàn thể nhân dân Pháp, Ủy ban Bảo vệ hòa bình ở Pháp, Hội đồng hòa bình thế giới...”36. Đồng thời: “Các cơ quan tuyên truyền, báo chí, đài phát thanh, cán bộ các ngành, các cấp,... giải thích cho nhân dân hiểu nhiệm vụ bênh vực đồng chí Đuycơlô gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ hòa bình thế giới và gắn liền với những công tác chính của Đảng và Chính phủ... giải thích, vận động nhân dân quyết nghị phản đối Chính phủ phản động Pháp, đòi chúng trả lại tự do cho đồng chí Đuycơlô”37.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tháng 9-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Nhân dân Việt Nam và nhân dân nước Pháp” bày tỏ lòng biết ơn của nhân dân Việt Nam đối với nhân dân các nước bạn, nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới đã ủng hộ Việt Nam trong những năm kháng chiến, trong đó có Đảng Cộng sản Pháp, nông dân, công nhân, nhân sĩ tiến bộ Pháp; phụ nữ dân chủ Pháp, thanh niên Pháp. Người nhấn mạnh: “Chúng ta càng thấm thía tình hữu nghị của nhân dân Pháp đối với nhân dân ta. Tình hữu nghị ấy lại tỏ ra trong lúc Hội nghị Giơnevơ. Mấy trăm đoàn thể nhân dân Pháp đã cử đại biểu đến Giơnevơ thăm đoàn đại biểu ta và đòi Chính phủ Pháp phải thành thật thương lượng để lập lại hòa bình ở Đông Dương”38.

Ngày 25-7-1954, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra lời kêu gọi toàn thể nhân dân, chiến sĩ quân đội, cán bộ, đảng viên thực thi đúng mệnh lệnh của Chính phủ, thực hiện đúng những điều Chính phủ đã ký ở Hội nghị Genève; ra sức phấn đấu để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong toàn quốc. Đảng nhận định: Sau khi ba nước Việt Nam, Lào, Khơme thống nhất, quân đội Pháp rút khỏi Đông Dương, “nước ta và nước Pháp sẽ đặt quan hệ với nhau về kinh tế và văn hóa trên nguyên tắc bình đẳng và hai bên đều có lợi, v.v..”39.

Hiệp định Genève được ký kết là một thắng lợi vĩ đại của quân dân Việt Nam. Để củng cố hơn nữa tình đoàn kết với bạn bè quốc tế, với nhân dân Pháp,... Trung ương Đảng kêu gọi toàn dân hãy biết ơn nhân dân các nước bạn, trước hết là nhân dân Liên Xô, Trung Quốc, biết ơn nhân dân Pháp, nhân dân các nước Đông Nam Á và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới đã tích cực ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, Khơme và Lào. Từ ngày 5 đến ngày 7-9-1954, Bộ Chính trị họp ra Nghị quyết “Về tình hình mới, nhiệm vụ mới và chính sách mới của Đảng”. Trong chính sách ngoại giao, Đảng nhấn mạnh nguyên tắc bình đẳng, hai bên cùng có lợi và tôn trọng lãnh thổ, chủ quyền hai bên. Riêng về mối quan hệ với nước Pháp, Đảng chỉ rõ: “Mối quan hệ giữa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với nước Pháp cần tiếp tục dùng hình thức thương lượng và đàm phán để điều chỉnh... Tranh thủ đôi bên đều cử đại biểu đóng ở kinh thành của nhau. Nên mở rộng quan hệ kinh tế, mậu dịch với Pháp trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi. Quan hệ với nhân dân nước Pháp cần được tăng cường. Tranh thủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nước Pháp cử đoàn đại biểu văn hóa hữu hảo sang phỏng vấn lẫn nhau. Xây dựng Hội Việt - Pháp hữu hảo ở Việt Nam và Pháp - Việt hữu hảo ở Pháp để tăng thêm sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt - Pháp. Làm cho nhân dân hai nước Việt và Pháp liên hợp chặt chẽ hơn nữa để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất đất nước, phản đối và ngăn ngừa sự gây hấn của Mỹ và phe thân Mỹ”40.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh với đường lối lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến, luôn nêu cao tinh thần hợp tác, đoàn kết với Đảng Cộng sản Pháp và nhân dân Pháp tiến bộ để cô lập kẻ thù, tập trung mũi nhọn chống thực dân Pháp xâm lược; khẳng định cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam là cuộc kháng chiến chính nghĩa bảo vệ độc lập, tự do của một dân tộc có chủ quyền, có độc lập; Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam luôn muốn chung sống hòa bình, luôn muốn làm bạn với tất cả các nước, các dân tộc, các lực lượng yêu nước, tiến bộ trên thế giới. Chủ trương đúng đắn, sáng tạo đó của Đảng đã được các đảng cộng sản, nhân dân trên thế giới hiểu và ủng hộ mạnh mẽ, nhất là Đảng Cộng sản và nhân dân Pháp, góp phần đưa cuộc kháng chiến của dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn.

 


 

Ngày gửi:18-9-2024; ngày thẩm định, đánh giá: 2-10-2024; ngày duyệt đăng: 25-10-2024

1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, T. 8, tr. 26, 27, 25, 46, 54-55, 87-88, 88, 429-430

9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 4, tr. 309, 323, 329, 510, 511, 519, 526, 534

17. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - Viện Sử học: Lịch sử Việt Nam, Nxb KHXH, H, 2013, T. 10 (từ năm 1945 đến năm 1950), tr. 278

18, 19, 20, 21 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 5, tr. 3, 9-10, 14-15, 30, 31, 36, 137, 138161, 164181

29, 30. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, T. 8, tr. 181, 538

31, 32, 33, 34, 36, 37. Sđd, 2001, T. 11, tr. 102, 212, 457-458, 147, 196, 197

35. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 7, tr. 143

38. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 9, tr. 49

39, 40. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2001, T. 15, tr. 233, 304.

TS DƯƠNG MINH HUỆ

 

Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
1. “Liên lạc mật thiết”, tranh thủ sự ủng hộ của Đảng Cộng sản và nhân dân Pháp (1945 - 1946) Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập, phải đối phó với “thù trong”, “giặc ngoài” và nền kinh tế kiệt quệ. Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định hai nhiệm vụ cấp bách trước mắt là cứu đói ở miền Bắc và kháng chiến ở miền Nam. Ngày 25-11-1945, trong Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc”, sau khi phân tích những thay đổi căn bản về tình hình quốc tế, trong nước, đánh giá thái độ của từng đế quốc đối với cách mạng Đông Dương, Đảng nhấn mạnh “Cuộc cách mạng Đông Dương lúc này vẫn là cuộc cách m

Tin khác cùng chủ đề

Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Tinh thần quyết chiến quyết thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc
Nghệ thuật tác chiến phòng không trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Gửi bình luận của bạn