Chiến tranh Việt Nam trong cục diện tam giác Mỹ - Trung - Xô (1954- 1975)
Chiến tranh Việt Nam trong cục diện tam giác Mỹ - Trung - Xô (1954- 1975)

I. Nhìn lại tính chất của cuộc chiến tranh Việt - Mỹ

Bàn về tính chất của cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Mỹ không phải là vấn đề mới, đã có nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài. Việt Nam thường gọi đó là “cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược” hoặc “cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”. Nhưng Mỹ và chế độ Sài Gòn gọi đó là cuộc chiến tranh “chống miền Bắc cộng sản”. Và không ít người cho rằng đó là cuộc “nội chiến” giữa hai chế độ ở hai miền đất nước.

Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương năm 1954 kết thúc với sự dàn xếp giữa các nước lớn. Nước Việt Nam bị tạm thời chia cắt thành hai miền theo vĩ tuyến 17 và quy định sẽ tiến tới thống nhất bằng cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7-1956. Theo tinh thần của Hiệp định, ngày 19-7-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Ngô Đình Diệm - Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, đề nghị tổ chức hội nghị đại biểu hai miền để bàn việc tiến hành tổng tuyển cử thống nhất nước nhà. Nhưng ngày 9-8-1955, Ngô Đình Diệm chính thức tuyên bố khước từ đề nghị trên, không thực hiện thống nhất đất nước bằng con đường thương lượng hòa bình. Chính quyền Sài Gòn tiến hành khủng bố dã man những người kháng chiến cũ với khẩu hiệu “tố cộng” và thi hành đạo luật 10-59 hà khắc, đồng thời hô hào “Bắc tiến”.  Nguy cơ chiến tranh ngày càng rõ nét.

Chính phủ Mỹ - kẻ thay chân Pháp ở Đông Dương - từng bước nhúng tay vào công việc ở Nam Việt Nam. Đi từ chiến lược “chiến tranh đặc biệt” đến “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và “chiến tranh phá hoại” ở miền Bắc, Mỹ đã trực tiếp tham chiến trên chiến trường Việt Nam. Từ tháng 4-1965, số lính Mỹ đổ bộ vào miền Nam là 18 ngàn, tăng dần đến tháng 4-1968 là 543 ngàn, chỉ trong ba năm tăng gấp hơn 30 lần với hơn nửa triệu quân! Cùng lúc đó là các trận oanh kích dữ dội của không quân và hải quân Mỹ trên toàn lãnh thổ miền Bắc và các vùng giải phóng ở miền Nam. Như vậy, rõ ràng quân Mỹ đã xâm phạm lãnh thổ Việt Nam ở cả hai miền Nam Bắc, trở thành kẻ thù xâm lược của nhân dân Việt Nam. Việt Nam khẳng định chính đế quốc Mỹ là kẻ thù trực tiếp xâm phạm nền độc lập và ngăn cản sự nghiệp thống nhất đất nước. Ngay trước khi Hội nghị Giơnevơ kết thúc, tháng 7-1954, Nghị quyết 6 (khóa II) của Đảng đã xác định đế quốc Mỹ “hiện đang trở thành kẻ thù chính trực tiếp của nhân dân Đông Dương”1. Do vậy, mâu thuẫn cơ bản của thời kỳ này là sự đối kháng giữa nhân dân Việt Nam với đế quốc Mỹ xâm lược và tính chất xuyên suốt của cuộc chiến tranh này là cuộc đấu tranh chống xâm lược, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước.

Đồng thời, cuộc chiến tranh ở Việt Nam nằm trong bối cảnh trật tự quốc tế hai cực, mỗi bên đứng về một phe. Miền Bắc đi theo con đường XHCN, được sự ủng hộ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN. Miền Nam đi theo con đường TBCN, được sự viện trợ của Mỹ và các nước TBCN, quân đội Mỹ và chư hầu trực tiếp vào tham chiến. Cho nên chiến trường Việt Nam trở thành nơi đối đầu giữa hai hệ thống xã hội, nơi đọ sức bằng bom đạn giữa hai phe. Tình trạng đó khiến cho chiến tranh Việt Nam là mối quan tâm của các cường quốc, là nơi thử thách thế và lực của cả hai phe, thường được gọi là cuộc đấu tranh “ai thắng ai” giữa hai cực đối đầu.

Nhưng có điều khác với chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) ở chỗ, nếu trên bán đảo đó xuất hiện cuộc đọ sức trực tiếp giữa quân Mỹ (phía Đại Hàn Dân Quốc) và quân Trung Quốc (phía CHDCND Triều Tiên), thì ở Việt Nam chỉ có Mỹ là lực lượng quân đội ngoại quốc đối đầu với quân dân Việt Nam ở cả hai miền. Liên Xô và Trung Quốc viện trợ mạnh mẽ cho miền Bắc về vũ khí, đạn dược, các phương tiện chiến tranh, đội ngũ chuyên gia và lực lượng lính phòng không ở một số tỉnh phía Bắc, nhưng không có người lính Liên Xô, người lính Trung Quốc trực tiếp đối mặt với quân Mỹ và quân Sài Gòn trên chiến trường. Sự khác biệt này tạo nên một lợi thế chính trị cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đặt mâu thuẫn giữa nhân dân Việt Nam với đế quốc Mỹ lên hàng đầu, do đó mục tiêu của cuộc chiến là đấu tranh chống xâm lược, giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, nhờ đó đoàn kết được lực lượng nhân dân kể cả một số đông nhân dân sống trong chế độ Việt Nam Cộng hòa. Trong khi đó, Mỹ đưa ra lý lẽ giúp Việt Nam Cộng hòa chống lại “sự xâm lăng của cộng sản Bắc Việt”, núp dưới chiêu bài chống cộng, ngăn chặn nguy cơ cộng sản ở Việt Nam và Đông Nam Á, đánh phá trực tiếp vào làng mạc của nhân dân, gây nhiều cuộc thảm sát nên mất lòng dân và ngày càng giảm sút niềm tin từ nhân dân Mỹ và nhân dân nhiều nước trên thế giới. Do vậy, ngay tại Mỹ cũng bùng nổ phong trào phản đối chiến tranh do chính phủ Mỹ tiến hành và tại các thành phố dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa cũng lan tỏa phong trào chống Mỹ, đòi hòa bình, thống nhất.

Từ những điểm trên, có thể thấy cuộc chiến tranh ở Việt Nam là chiến tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam chống Mỹ xâm lược. Nó giải quyết mâu thuẫn dân tộc giữa nhân dân Việt Nam với đế quốc Mỹ, mâu thuẫn giữa hai chế độ chính trị XHCN và TBCN. Còn phải kể đến mâu thuẫn giữa Liên Xô và Trung Quốc đã biến Việt Nam thành nơi giành giật ảnh hưởng của mỗi bên, bất lợi đối với cách mạng Việt Nam. Những mâu thuẫn trên tồn tại đan xen nhau, tác động lẫn nhau, có ảnh hưởng lớn đến diễn biến của chiến tranh ở Việt Nam.

Sự phân tích mâu thuẫn chằng chéo và tính chất phức tạp của chiến tranh ở Việt Nam sẽ giúp việc hiểu thấu đáo những chuyển dịch trong quan hệ quốc tế, động cơ của các bên tham chiến và sự điều chỉnh quan hệ giữa các đồng minh cũng như quan hệ với các phe đối lập.

II. Việt Nam trong mối quan hệ Việt - Trung - Xô

Năm 1950 đánh dấu một sự thay đổi quan trọng của Việt Nam trên chính trường quốc tế. Sự thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Liên bang Cộng hòa XHCN Xô viết và các nước dân chủ nhân dân đã đưa đất nước ra khỏi tình trạng bị cô lập “chiến đấu trong vòng vây”, bước vào thế giới các nước XHCN, đứng vào hẳn một trận tuyến trong trật tự thế giới hai cực. Từ đó, Việt Nam nhận được sự đồng tình về chính trị, sự viện trợ về vật chất của các nước XHCN. Đó là nhân tố quan trọng góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Cuộc đấu tranh tiếp theo coi Mỹ là đối tượng chủ yếu, điều đó phù hợp với mục tiêu chung của các nước XHCN muốn đánh đổ CNTB, giành thắng lợi cho CNXH. Do vậy, cuộc kháng chiến của Việt Nam nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nước XHCN, trước hết là Liên Xô và Trung Quốc. Sự giúp đỡ này có tác động hai mặt, một mặt tăng sức chiến đấu cho Việt Nam, mặt khác tăng uy tín và ảnh hưởng của bản thân các nước đó trong phong trào cách mạng thế giới. Vì vậy, trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, hai nước lớn XHCN dù mâu thuẫn gay gắt vẫn luôn viện trợ cho Việt Nam ở mức độ khác nhau vào những thời điểm khác nhau. Người Việt Nam luôn ghi nhận điều đó, đồng thời cũng hiểu rằng sự hy sinh của mình đem lại lợi ích cho họ. Đó là mối quan hệ tương tác hai chiều mang tính biện chứng.

Từ nửa sau những năm 50, sự bất đồng giữa Liên Xô và Trung Quốc dần dần bộc lộ, từ đấu tranh nội bộ về mặt lý thuyết đến công khai tố cáo nhau, chống đối nhau, rút chuyên gia, ngừng viện trợ, đến đỉnh cao là cuộc xung đột vũ trang ở biên giới Trung - Xô năm 1969.

Tình trạng này dẫn đến sự bất lợi cho Việt Nam. Trong khi phải đối mặt với một cường quốc hàng đầu thế giới có tiềm lực kinh tế và sức mạnh quân sự hùng hậu, các đồng minh XHCN của Việt Nam lại chia rẽ, coi nhau như kẻ thù. Trong bối cảnh đó, Việt Nam phải xác định lập trường trong cuộc đấu tranh phức tạp này vì nước nào cũng muốn lôi kéo Việt Nam đứng hẳn về phía họ chống lại phía bên kia. NQTƯ 9 khóa III (1963) xác định nhiệm vụ “bảo vệ sự đoàn kết trong phe xã hội chủ nghĩa và trong phong trào cộng sản quốc tế, bảo vệ Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác, bảo vệ Đảng Cộng sản Liên Xô, Đảng Cộng sản Trung Quốc và các đảng anh em khác”2. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao trách nhiệm cho ngành ngoại giao phải giữ được thế cân bằng giữa hai Đảng, hai nước lớn, không phát biểu điều gì có ảnh hưởng đến bên này hay bên kia, không tỏ thái độ đứng về bên này chống bên kia3.

NQTƯ 9 phê phán cả chủ nghĩa xét lại hiện đại lẫn chủ nghĩa giáo điều, nhưng về mặt lý luận cũng như trong thực tiễn, cách nhìn nhận về chủ nghĩa xét lại rất nghiêm trọng, cách hành xử với những người bị coi là xét lại khá nặng nề. Ai cũng hiểu rằng điều đó ám chỉ đường lối hòa hoãn, thi đua hòa bình giữa hai chế độ của Liên Xô do N. Khruschev khởi xướng. Do vậy, cuộc hội đàm Lê Duẩn - Khrutchev tại Moscow tháng 2-1964 không đạt kết quả vì quan điểm hai bên khá xa nhau về vấn đề thống nhất đất nước của Việt Nam. Đằng sau lời lẽ báo chí về tình đoàn kết hữu nghị, Liên Xô đã phản ứng một cách tiêu cực, “chủ yếu vẫn là một quan sát viên trước những diễn biến ở Việt Nam”, “chỉ có thể cung cấp sự giúp đỡ Việt Nam mang tính tượng trưng”, “chỉ ủng hộ trên lĩnh vực tuyên truyền và hạn chế trên các lĩnh vực hoạt động khác”. Thậm chí, “Khruschev đã cho phía Hà Nội hiểu rằng sẽ không có triển vọng hợp tác chặt chẽ giữa hai nước nếu Hà Nội không thay đổi lập trường của họ”4.

Trái lại, do có quan điểm gần gũi về đường lối cách mạng, Trung Quốc tỏ thái độ tích cực ủng hộ nhân dân Việt Nam kháng chiến chống Mỹ. Nhiều cuộc mít tinh, biểu tình trong các thành phố lớn bày tỏ tình cảm đối với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam cùng với sự viện trợ lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược5... Hoạt động này nhằm ba mục đích: một là, qua cuộc đấu tranh của Việt Nam, ngăn chặn việc Mỹ mở rộng chiến tranh đe dọa đến an ninh miền Nam Trung Quốc6; hai là, nâng cao vị thế quốc tế, đề cao Trung Quốc là ngọn cờ lãnh đạo nhân dân thế giới chống CNĐQ; ba là, cô lập Liên Xô, coi như “đế quốc xã hội” câu kết với đế quốc Mỹ. Đồng thời, Bắc Kinh cũng gửi tín hiệu đến Washington “nếu mi không động đến ta thì ta sẽ không động đến mi”, do vậy các cuộc oanh kích của Mỹ đều không vượt qua biên giới phía Bắc Việt Nam. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đồng thời gây áp lực đòi Việt Nam phải có thái độ dứt khoát với Liên Xô, “chống đế quốc đồng thời phải chống xét lại”, đứng hẳn về phía Trung Quốc. Chuyến viếng thăm của Chủ tịch Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa - Lưu Thiếu Kỳ đến Việt Nam (tháng 5-1963) cùng nhiều cuộc hội đàm cấp cao giữa hai Đảng trong những năm 60 đều mang nội dung đó. Trong cuộc gặp ngày 9-10-1965, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai nói với Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Tôi không chủ trương người tình nguyện Liên Xô có mặt ở Việt Nam mà cả viện trợ Liên Xô cho Việt Nam, tôi cũng thấy không có còn hơn là có”7.

Sau khi Khruschev bị buộc phải rời khỏi chức vụ Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản (tháng 10-1964), Liên Xô có sự điều chỉnh chính sách đối với Việt Nam. Liên Xô chủ trương tăng viện trợ kinh tế và quân sự cho Việt Nam “đủ để theo đuổi cuộc chiến” nhưng không rời bỏ chính sách hòa hoãn với phương Tây và tìm biện pháp giải quyết cuộc chiến bằng thương lượng. Từ năm 1965, Liên Xô tăng cường viện trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, “dần dần trở thành nguồn cung cấp chính các vũ khí và trang thiết bị hiện đại” gồm các loại tên lửa đất đối không, máy bay phản lực chiến đấu, tên lửa, súng phòng không và các trang thiết bị phòng không khác. Liên Xô gửi sang Việt Nam cố vấn quân sự huấn luyện việc sử dụng và bảo trì khí tài, đồng thời mỗi năm tiếp nhận hàng ngàn sĩ quan và chiến sĩ Việt Nam sang đào tạo về các ngành phòng không và không quân8.

Do sự kiên trì thuyết phục của Việt Nam và nhằm giữ thể diện trước phong trào cách mạng thế giới, Trung Quốc đồng ý để các hàng viện trợ quân sự từ Liên Xô được chuyên chở bằng đường sắt qua lãnh thổ Trung Quốc. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng và hiệu quả thiết thực đối với Việt Nam. Nhưng Trung Quốc cũng gây không ít trở ngại trên con đường vận chuyển này, đồng thời kiên quyết khước từ đề nghị của Liên Xô về việc lập mặt trận chung của nhân dân thế giới chống Mỹ xâm lược Việt Nam. Tháng 4-1965, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô L. Brezhnev và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng) A. Kosyghin đưa ra ý kiến tổ chức cuộc họp thượng đỉnh ba bên Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam để bàn về việc phối hợp hành động. Nhưng Trung Quốc cho rằng “Liên Xô không phải thực sự chống Mỹ mà chỉ muốn đưa phương châm đối ngoại của các nước XHCN như Trung Quốc vào quỹ đạo của Liên Xô để từ đó tạo điều kiện cho Liên Xô thỏa hiệp với Mỹ cùng thống trị thế giới. Liên Xô thậm chí còn âm mưu liên kết với Mỹ để chống lại Trung Quốc”9.

Từ giữa những năm 60, Bắc Kinh đòi hỏi Việt Nam hưởng ứng phong trào “cách mạng văn hóa vô sản” lan tràn khắp đất nước Trung Quốc. Chu Ân Lai nói với Phạm Văn Đồng, “về vấn đề này, mong các đồng chí Việt Nam hiểu đó là nghĩa vụ quốc tế, chúng ta ủng hộ lẫn nhau. Chúng tôi cần không phải là sự cảm ơn, mà nhân dân Trung Quốc chúng tôi cần sự ủng hộ của Việt Nam đối với cách mạng văn hóa vô sản. Trong khi chúng tôi làm cách mạng văn hóa, các đoàn của miền Bắc, miền Nam sang Trung Quốc không lên tiếng ủng hộ nên nhân dân Trung Quốc không thể hiểu được”10. Về phần mình, Việt Nam coi đó là công việc nội bộ Trung Quốc, Việt Nam đang cần tập trung toàn lực vào nhiệm vụ hàng đầu là đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Đây là một quyết định sáng suốt, đúng đắn của Đảng ta.

Cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 đã buộc Tổng thống Mỹ L. Johnson phải đề nghị đàm phán không kèm theo điều kiện tiên quyết. Việt Nam chấp nhận đàm phán một cách thận trọng, mở mặt trận đấu tranh ngoại giao phối hợp với mặt trận đấu tranh chính trị và quân sự. Trung Quốc lập tức phản ứng, cho là Việt Nam rơi vào thế bị động, bị Mỹ câu kết với Liên Xô đánh lừa. Các nhà lãnh đạo Bắc Kinh nhiều lần khuyến cáo Việt Nam nên cảnh giác vì Moscow thường để lộ tin tức cho Washington. Chu Ân Lai còn đe dọa cắt viện trợ, đòi hỏi muốn đánh thắng Mỹ, Việt Nam phải cắt quan hệ với Liên Xô, muốn thỏa hiệp với Mỹ để đàm phán hòa bình thì “sự viện trợ của Trung Quốc sẽ mất hết ý nghĩa của nó”11. Sở dĩ có sự phản đối việc hòa đàm với Mỹ, một mặt là vì điều đó không phù hợp với đường lối đánh lâu dài do Trung Quốc chủ trương, mặt khác Trung Quốc hầu như bị đứng ngoài lề trong sự kiện này, không có vai trò chủ đạo như Hội nghị Giơnevơ năm 1954. Phản ứng tích cực của Liên Xô12 càng làm Bắc Kinh bất bình, vu cho sự câu kết giữa Liên Xô và Mỹ chống phá cách mạng Việt Nam, đi ngược lợi ích của phong trào cách mạng thế giới.

Nhưng từ cuối năm 1968, Trung Quốc bắt đầu thay đổi thái độ, tỏ ra tán thành việc Việt Nam đàm phán với Mỹ. Đặc biệt trong buổi tiếp Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở Bắc Kinh ngày 17-11-1968, Chủ tịch Mao Trạch Đông nói: “Tóm lại một câu là ở tiền tuyến, các đồng chí đánh tốt, phương châm đàm phán ngoại giao của các đồng chí là đúng”13. Có thể hiểu nguyên nhân thay đổi đó là do Trung Quốc tự thấy không nên để mình đứng bên ngoài trong khi cuộc đàm phán Pari tuy gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn tiến triển; Trung Quốc tán thành phương châm “vừa đánh vừa đàm” để ghi dấu vai trò của mình trong các diễn biến của sự kiện, đồng thời tiếp tục giành giật ảnh hưởng với Liên Xô trong tiến trình đi tới hòa bình ở Việt Nam. Song, lý do quan trọng là đến lúc này, Trung Quốc muốn gửi tín hiệu sang bên kia bờ Thái Bình Dương ý định đi tìm sự cải thiện quan hệ giữa hai nước mà vấn đề Việt Nam sẽ trở thành một trong những tâm điểm của sự trao đổi giữa hai bên.

Trong tình hình phức tạp đó, Việt Nam vẫn giữ vững đường lối đối ngoại cân bằng giữa Liên Xô và Trung Quốc. Trên hành trình nhiều lần qua lại Hà Nội - Pari - Hà Nội, các nhà ngoại giao Việt Nam thường dừng chân ở Moscow và Bắc Kinh để trao đổi về những vấn đề cần thiết trong phối hợp đấu tranh, song vẫn giữ kín những điều cần giữ để bảo đảm đường lối độc lập, tự chủ của mình14.

III. Chiến tranh Việt Nam trong toan tính giữa Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô đầu những năm 70 thế kỷ XX

Đến đầu thập kỷ 70, tình hình chiến trường Việt Nam ngày càng ác liệt, cuộc hòa đàm Pari tiến triển chậm chạp, đôi khi hầu như dừng chân tại chỗ. Các bên có liên quan: Việt Nam, Mỹ, Trung Quốc, Liên Xô - đều muốn tìm một giải pháp cho vấn đề Việt Nam nhằm đem lại lợi ích cao nhất cho mình. Do vậy, năm 1971-1972 có ý nghĩa rất quan trọng nhìn từ tất cả các phía. 

1. Về phía Việt Nam, tháng 5-1971, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đề ra nhiệm vụ “giành thắng lợi quyết định trong năm 1972, buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trên thế thua, đồng thời sẵn sàng chuẩn bị, kiên trì và đẩy mạnh kháng chiến trong trường hợp chiến tranh còn kéo dài”15. Đầu năm 1972, HNTƯ 22 khóa III nhận định: “Năm 1972 là năm hết sức quan trọng trong cuộc đấu tranh giữa ta và địch trên cả ba mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao. So sánh lực lượng và thế chiến lược trên các chiến trường đang thay đổi ngày càng có lợi cho ta. Chúng ta đang đứng trước thời cơ thuận lợi để đưa cuộc kháng chiến tiến lên mạnh mẽ”16. Trên tinh thần chỉ đạo của Trung ương, đúng 11 giờ ngày 30-3-1972, quân dân ta bất ngờ mở cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam, hướng chủ yếu là Quảng Trị, đồng thời đánh vào các tuyến phòng ngự của địch ở Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Chỉ sau hơn một tháng, vùng giải phóng được mở rộng ra toàn tỉnh Quảng Trị, một phần tỉnh Kon Tum, Bình Định, Bình Long, Phước Long; mở ra nhiều vùng quan trọng ở đồng bằng Khu V (Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi), giải phóng thị xã Lộc Ninh và nhiều vùng đồng bằng sông Cửu Long (Bến Tre, Mỹ Tho, Kiến Tường, Trà Vinh). Nhưng đối phương cũng quyết giành lại những vùng đã mất, lực lượng Sài Gòn được tăng viện để chiếm lại thị xã và thành cổ Quảng Trị. Tình hình chiến trường hết sức căng thẳng.

2. Về phía Mỹ, chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” do Nixon khởi xướng trong cuộc tranh cử Tổng thống năm 1968 tuy đã rút được một số đông lính Mỹ về nước17 nhưng không gây dựng được đội quân bản xứ để giành thắng lợi quyết định. Ở ngay nước Mỹ, phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam lại bùng lên mạnh mẽ, các nghị sĩ tại thượng viện và hạ viện đều biểu quyết với đa số phiếu đòi chính quyền phải đưa hết quân Mỹ về nước. Điều đó gây bất lợi cho Nixon khi ngày càng đến gần cuộc tranh cử Tổng thống năm 1972. Muốn ở lại Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa, Tổng thống Mỹ phải đưa ra những đòn quyết định để chứng minh thành công của chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh cả trên chiến trường lẫn trên bàn Hội nghị Pari.

Do vậy, trong năm 1970-1971, Mỹ tung ra những cuộc tiến công quyết liệt trên đất Campuchia với chiến dịch “Chenla 1” (8-1970), “Chenla 2” (6-1971) và cuộc hành quân trên đường 9 - Nam Lào mang tên “Lam Sơn 719” (2-1971) nhằm phá tan các hậu cứ cách mạng và cắt đứt con đường tiếp viện từ miền Bắc qua “đường mòn Hồ Chí Minh”. Đồng thời, từ tháng 5-1972, máy bay Mỹ ném bom trở lại miền Bắc dọc các tuyến giao thông đường bộ (chiến dịch Linebacker), thả thủy lôi ở các hải cảng và đường thủy quan trọng (chiến dịch Pocket Money) nhằm ngăn chặn việc miền Bắc nhận tiếp viện từ bên ngoài và cắt đứt tuyến vận chuyển Bắc - Nam. Những hoạt động của Mỹ ở miền Bắc Việt Nam được coi là “một trong những cuộc oanh tạc nặng nề nhất trong lịch sử chiến tranh. Lần đầu tiên trong lịch sử không chiến, bom điều khiển bằng laser được sử dụng để đánh phá chính xác hệ thống đường sá, cầu cống, đường xe lửa, căn cứ quân sự và kho nguyên liệu Bắc Việt”18 Nhưng các cuộc hành quân sang Campuchia và Lào cũng như các cuộc tấn công vùng giải phóng miền Nam và oanh kích miền Bắc đều vấp phải sức kháng cự quyết liệt, không thu được kết quả như mong muốn.

Cùng với việc tăng cường hoạt động quân sự, giới cầm quyền Mỹ dùng biện pháp ngoại giao với Trung Quốc và Liên Xô nhằm “chia rẽ Hà Nội với các đồng minh của họ”19. Đó chính là chiến lược mà Nixon đã cố gắng thực hiện trong năm 1972 với cả hai đối thủ ở Bắc Kinh và Moscow.

Ngay trước khi tranh cử Tổng thống lần thứ nhất, Nixon đã có ý tưởng về việc tìm kiếm quan hệ với Trung Quốc. Trong diễn văn nhậm chức tháng 1-1969, Nixon gián tiếp đề cập đến quan hệ Mỹ - Trung và đặc biệt “học thuyết Nixon” được công bố tại đảo Guam (7-1969) đã đưa ra “chính sách châu Á mới” của Mỹ. Sau sự kiện xung đột biên giới Trung - Xô năm 1969, Mỹ nhận ra rằng đây là thời cơ phân hóa hai đối thủ nên đã chủ động nới rộng các quy định trong quan hệ với Trung Hoa đại lục và ngầm báo cho Bắc Kinh việc Mỹ ngừng phái các chiến hạm tiến hành tuần tra tại vùng biển Đài Loan. Tháng 1-1970, cuộc hội đàm Trung - Mỹ tại Varsawa được phục hồi sau 2 năm gián đoạn. Nhà Trắng sử dụng “kênh Pakistan” qua Tổng thống M. Yahya Khan và “kênh Romania” qua Chủ tịch N. Ceausescu để “đánh tiếng” cho Trung Quốc ý muốn cử đại diện của Mỹ đến Bắc Kinh. Trong bài diễn văn của mình, lần đầu tiên Tổng thống Mỹ gọi nhà nước ở đại lục với danh xưng chính thức là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. “Như vậy, Nixon đã trao “thể diện” cho Mao Trạch Đông trước toàn thế giới. Theo nghĩa này, ông cũng công khai thừa nhận tính hợp pháp của Bắc Kinh và tính hợp pháp của Chính phủ với 720 triệu dân Trung Quốc”20.

3. Sau hơn hai chục năm thành lập Nhà nước Cộng hòa Nhân dân, Trung Quốc luôn coi đế quốc Mỹ là “kẻ thù số một”, khẩu hiệu chống Mỹ xuất hiện thường trực trên các trang báo, giăng khắp mọi nơi trong cả nước. Nhưng cũng đã đến lúc họ suy tính lại để tìm kiếm đồng minh trong cuộc đối đầu với Liên Xô mà họ gọi là “đế quốc xã hội”, thậm chí còn nguy hiểm hơn đế quốc Mỹ. Họ theo dõi và phản ứng khá tích cực những tín hiệu từ Washington. Tháng 12-1970, Mao Trạch Đông nói trong buổi tiếp nhà báo Mỹ Edgar Snow: “Nếu Nixon sẵn sàng đến, tôi cũng sẽ sẵn sàng bàn bạc, bàn bạc thành công thì tốt, không thành công cũng không sao, thậm chí cãi nhau cũng được. Nhưng tôi sẽ không cãi nhau đâu, phê bình thì có thể có. Ông ta đến với tư cách là khách du lịch cũng được mà đến với tư cách Tổng thống cũng được, nói tóm lại, thế nào cũng được”21. Tháng 4-1971, Trung Quốc mời đội bóng bàn Mỹ đang thi đấu ở Nhật Bản sang thăm Bắc Kinh, mở đầu tiến trình giao hảo được gọi là “ngoại giao bóng bàn”. Báo chí thế giới bình luận “quả bóng nhỏ làm chuyển động cả một trái bóng lớn”. Hai chuyến đi bí mật của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H. Kissinger sang Bắc Kinh (tháng 7 và tháng 10-1971) là bước chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ đến Trung Quốc.

Trong hành trang của người Mỹ sang Bắc Kinh, họ mang hai “quân bài” để mặc cả, đó là chiến tranh Việt Nam và vấn đề Đài Loan. Ngay trong buổi gặp đầu tiên, Kissinger đã trình bày cho Chu Ân Lai những dự kiến về vấn đề Đài Loan, trong đó, điểm đầu tiên là “Chính phủ Hoa Kỳ dự định sau khi chiến tranh Đông Dương kết thúc sẽ rút 2/3 số quân Mỹ ra khỏi Đài Loan và sẵn sàng giảm bớt lực lượng quân sự còn lại theo đà cải thiện quan hệ Mỹ - Trung”22. Có thể hiểu hàm ý của người Mỹ là muốn giải quyết vấn đề Đài Loan, Trung Quốc phải có trách nhiệm trong việc giải quyết vấn đề chiến tranh ở Đông Dương, chỉ khi chiến tranh Đông Dương kết thúc thì quân Mỹ mới rút khỏi Đài Loan. Trong buổi hội đàm tiếp sau, Kissinger xuất thêm một “con bài” nữa: “Xin các ngài yên tâm, nước Mỹ muốn qua lại với Trung Quốc, quyết không thể tấn công Trung Quốc. Mỹ và các đồng minh của mình không thể bắt tay với đối thủ chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc. Quân đội Trung Quốc dùng để đối phó với Mỹ có thể chuyển lên phía Bắc, dàn thế trận ở một nơi nào đó”23. Người Mỹ hiểu rất rõ ý đồ của Trung Quốc muốn tìm đồng minh chống Liên Xô và ngầm phát tín hiệu về sự đồng lõa này.

Ngày 25-10-1971, phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết khôi phục địa vị và quyền lợi hợp pháp của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Liên hợp quốc, thay thế vị trí của Đài Loan. Vị thế của Bắc Kinh được nâng cao trên trường quốc tế.

Tháng 1-1972, Nhà Trắng cử Tướng Haig đến Bắc Kinh, bề ngoài là để hoàn tất việc chuẩn bị về mặt kỹ thuật cho chuyến đi của Tổng thống nhưng bên trong là mang thông điệp về vấn đề Việt Nam. Haig nói với Chu Ân Lai rằng Nixon cần sự giúp đỡ của Trung Quốc trong việc đạt được sự thỏa thuận tại Việt Nam, đề nghị Trung Quốc gây áp lực để Hà Nội giảm bớt những đòi hỏi của họ, giúp cho việc thuyết phục Hà Nội đi đến một kết thúc có thể chấp nhận được. Thậm chí Mỹ sẵn sàng sắp xếp một cuộc lật đổ Tổng thống chế độ Sài Gòn nếu điều đó đạt được một sự thỏa thuận trên bàn đàm phán. Đầu tháng 2, Kissinger gửi một thông điệp khẩn đến Chu Ân Lai đề nghị được bay ngay sang Bắc Kinh khi biết Cố vấn Lê Đức Thọ đang về qua đó để thảo luận một sự dàn xếp “với sự hào phóng và công bằng”. Người Trung Hoa thâm trầm và kín đáo đã trả lời: Trung Quốc ủng hộ Việt Nam và không can thiệp vào các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Việt Nam24.

Sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Nixon, bản Thông cáo chung Thượng Hải (2-1972) đề cập đến vấn đề Đài Loan là vấn đề mấu chốt của cuộc gặp gỡ25. Về vấn đề Việt Nam, Trung Quốc khẳng định sự ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Đông Dương, ủng hộ Chương trình Bảy điểm của Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tại cuộc hòa đàm Pari; Hoa Kỳ khẳng định mục đích giải quyết vấn đề Việt Nam bằng thương lượng, ủng hộ Chương trình Tám điểm của Chính phủ Mỹ. Vấn đề Đài Loan và chiến tranh Việt Nam trong Thông cáo chung tưởng như là hai câu chuyện riêng rẽ nhưng thực ra, nó bị ràng buộc bởi một điều kiện từ phía Hoa Kỳ về việc rút quân khỏi Đài Loan: “Chúng tôi khẳng định rằng mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là rút quân đội của mình ra khỏi Đài Loan nhưng chúng tôi không ấn định ngày rút và từng thời kỳ một, chúng tôi sẽ tuyên bố về thỏa thuận rút dần quân đội và thiết bị của chúng tôi ở Đài Loan tùy theo mức độ giảm bớt căng thẳng ở khu vực này”26. Rõ ràng là Nixon chủ trương gắn việc giảm sự hiện diện quân sự Hoa Kỳ ở Đài Loan với quá trình giải quyết vấn đề chiến tranh ở Việt Nam.

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ về nước, Thủ tướng Chu Ân Lai đến Hà Nội để đoán chắc về sự ủng hộ “trước sau như một” của Trung Quốc và Ngoại trưởng Kissinger đến Sài Gòn bảo đảm quan hệ đồng minh với chế độ Việt Nam Cộng hòa. Nhà sử học Mỹ Larry Berman có lời bình luận: “Chu Ân Lai đến Hà Nội ngày 4-3, vài ngày sau khi Nixon rời Trung Quốc để bảo đảm với Bắc Việt là không có chuyện bán đứng họ. Kissinger cũng đi Sài Gòn làm cùng một việc. Nhưng chẳng bên nào tin vào lời bảo đảm ấy”27. Sự thực sau này đã chứng minh đúng là như vậy!

4. Sau khi N. Khruschev rời khỏi chính trường, những nhà lãnh đạo mới của Liên Xô (Tổng Bí thư Brezhnev, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng A. Kossygin, Chủ tịch Xô viết tối cao Podgornyi) có bước điều chỉnh chính sách đối nội và đối ngoại. Với Mỹ, Liên Xô theo đuổi chính sách vừa đấu tranh vừa hòa hoãn. Nhất là trước sự chống đối quyết liệt từ Trung Quốc, việc thỏa hiệp với Mỹ được tăng cường để Liên Xô không bị rơi vào thế cô lập trong quan hệ tam giác Mỹ - Trung - Xô, hơn nữa còn lôi kéo Mỹ về phía mình để chống lại Trung Quốc. Đương nhiên người Mỹ hiểu điều đó, ra sức khai thác mối mâu thuẫn Trung - Xô để đem lại lợi ích cho mình. Kissinger viết trong Hồi ký: “Chuyện hai cường quốc cộng sản ganh đua một mối quan hệ tốt với chúng ta chỉ có thể tạo ra một cơ sở cho hòa bình mà thôi (…) Về mặt địa chính trị nó chống lại lợi ích của chúng ta nếu để Liên Xô trội hơn Trung Quốc, hoặc để cho Trung Quốc bị Moscow điều khiển”28. Đó là chiến lược mà chính quyền Nixon đã thực hiện thành công đối với hai cường quốc cộng sản.

Đầu những năm 70, hai vấn đề được Mỹ và Liên Xô quan tâm nhất là việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Xô bàn về việc tài giảm binh bị và giải quyết chiến tranh Việt Nam. Phản ứng trước cuộc tiến công của quân dân miền Nam từ đầu năm 1972, Nixon đã tăng cường đánh phá miền Bắc nhằm ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam. Khi hạ lệnh tấn công, phía Mỹ lo ngại hành động này sẽ làm cho Moscow nổi giận, dẫn đến việc bãi bỏ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Xô đã được dự kiến. Nhưng thực ra, phía Liên Xô cũng không muốn Hội nghị bị đổ vỡ. Đầu tháng 5, trong trận oanh kích cảng Hải Phòng, tên lửa và bom đạn từ máy bay Mỹ rơi trúng vào con tầu treo cờ Liên Xô đang bốc dỡ hàng viện trợ cho Việt Nam. Người Mỹ nín thở chờ đợi phản ứng của người Nga. Ngày 10-5, Đại sứ Liên Xô tại Mỹ Dobrynin được lệnh đọc cho Kissinger một công hàm chính thức của chính phủ “kiên quyết phản đối các hành động tội lỗi của không quân Mỹ gây thương vong cho các thủy thủ, tầu bè của Liên Xô, đồng thời yêu cầu phải bảo đảm an toàn cho các tầu và thủy thủ của Liên Xô”29. Nghe xong, “Kissinger thở phào nhẹ nhõm thấy đây chỉ là sự phản kháng tương đối ôn hòa chống lại cuộc phong tỏa và cái chết của một công dân Xô viết đã bị một quả bom vô tình giết trong một con tầu Xô viết đậu tại cảng Hải Phòng”30. Nhà Trắng nhận ra ngay rằng lời phản đối miệng từ Đại sứ Liên Xô “ngụ ý rằng Liên Xô tỏ ra phẫn nộ về sự nguy hiểm đối với các con tầu của mình hơn là sự leo thang chiến tranh chống lại một nước XHCN anh em”31. Trong khi đó, tại điện Kremli, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô họp bàn về việc có nên đón Nixon hay không. Giới quân sự cùng Chủ tịch Xô viết tối cao Podgornyi phản đối việc đón tiếp Nixon còn Brezhnev, Kossygin cùng đa số ủy viên ngả về hướng ngược lại với lý do “không thể vì Việt Nam mà làm hỏng quan hệ của chúng ta với Mỹ được”32.

Cuối cùng, cuộc họp Hội nghị Thượng đỉnh không gặp trở ngại và chuyến đi của Tổng thống Mỹ đến Liên Xô tháng 5-1972 diễn ra thuận lợi. Tại điện Kremli, hai bên thảo luận một số vấn đề về quan hệ quốc tế ở châu Âu, vấn đề Berlin, ký Hiệp định về SALT 1 và một số hiệp định song phương về hợp tác khoa học, kỹ thuật. Vấn đề Việt Nam được thảo luận trong các phiên họp riêng ở ngoại ô Moscow, hạn chế số người dự. Các nhà lãnh đạo Xô viết biểu thị thái độ gay gắt lên án hành động hiếu chiến của Mỹ ở Việt Nam. Qua buổi họp căng thẳng, Kissinger rút ra nhận xét: “Các nhà lãnh đạo Xô viết đã không ép chúng ta phải nghe theo. Họ nói để mà nói và khi nào nói đủ để có một bản sao chép lại gửi cho Hà Nội, họ sẽ dừng lại”33. Hai bên không đi đến kết luận nhưng hầu như đã hiểu ý nhau. Sau khi Nixon rời Moscow, Chủ tịch Xô viết tối cao Podgornyi đến Hà Nội “để truyền đạt quan điểm của Mỹ tới ban lãnh đạo của Việt Nam theo như Liên Xô và Mỹ đã quy ước với nhau” và “chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi chuyến thăm của Podgornyi không đạt được một kết quả khả quan nào”34. 

IV. Đối sách của Việt Nam trước ván bài giữa đồng minh và đối thủ

Về ván bài tam giác Mỹ - Trung - Xô, Nixon tính toán: “Tôi cho rằng việc nối lại quan hệ với Trung Quốc và hòa dịu với Liên Xô là những phương pháp khả quan để đẩy nhanh việc chấm dứt chiến tranh. Nếu Washington tiếp xúc với Moscow và Bắc Kinh thì ít nhất cũng làm cho Hà Nội thiếu tự tin. Còn trong trường hợp tốt nhất, nếu hai cường quốc cộng sản thấy cần quan tâm nhiều tới mối quan hệ với Mỹ thì Hà Nội buộc phải thương lượng một giải pháp mà chúng ta có thể chấp nhận được”35. Còn về hai nước đồng minh XHCN thì nhà sử học Mỹ P. Asselin nhận xét: “Phản ứng của Liên Xô và Trung Quốc rất yếu ớt đối với việc Nixon tăng cường ném bom bắn phá. Trong chuyến thăm của Nixon, Brezhnev đã đề cập đến việc Mỹ rải mìn phong tỏa các hải cảng của Bắc Việt Nam là “hành động dã man”… Về phần mình, Bắc Kinh giới hạn sự phản ứng của họ ở mức đưa ra một tuyên bố lên án sự leo thang chiến tranh. Rõ ràng cả Liên Xô và Trung Quốc đều đánh giá cao mối quan hệ hữu hảo với Washington. Trong con mắt của Moscow và Bắc Kinh, cuộc chiến tranh ở Việt Nam chỉ là một vấn đề nhỏ, có tầm quan trọng thứ yếu”36. Nhắc lại những điều trên để thấy các nước lớn, do lợi ích của mỗi nước, đang bàn tính sự thỏa hiệp “trên lưng” của Việt Nam. Vậy Việt Nam ứng phó ra sao? Đây là một bài toán khó, phải giải quyết cả về mặt đối nội và đối ngoại, cả từ chiến trường đến cuộc hòa đàm Pari.

Những biến động trong quan hệ quốc tế thường gây tác động liên quan đến Việt Nam. Trước tình hình đó, điều quan trọng hàng đầu là phải kiên trì đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tạo nên sự nhất trí và quyết tâm trong toàn Đảng, toàn dân. Thực tiễn lịch sử cho thấy mặc dầu tình hình thế giới có nhiều chuyển biến, diễn biến chiến trường nhiều khi quyết liệt, quan hệ đối ngoại đặt ra nhiều thách thức, việc thực thi sách lược phải linh hoạt nhưng đường lối kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược vẫn giữ vững, không thay đổi. Sự nhất quán từ lãnh đạo đến quần chúng về đường lối kháng chiến đem lại niềm tin vững chắc, tạo nên sự nhất trí và khối đoàn kết quân dân - nguồn gốc sâu xa của sức mạnh dân tộc trong cuộc đấu tranh vì chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do!”.

Ai cũng thấy rằng cuộc chiến tranh Việt Mỹ là một cuộc đối đầu không cân sức khi so sánh về tiềm lực kinh tế, ưu thế quân sự, kể cả ảnh hưởng quốc tế và kinh nghiệm ngoại giao. Nhưng sức mạnh Việt Nam bắt nguồn từ truyền thống dân tộc và tính chất chính nghĩa của cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc theo lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải chiến đấu quét sạch nó đi”.  Từ nội lực vững chắc đó, mặt trận nhân dân thế giới, bao gồm cả nhân dân Mỹ, đoàn kết ủng hộ Việt Nam đã được mở rộng. Đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước, hoạt động ngoại giao nhân dân của các đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Giải phóng (nhất là trong thời gian diễn ra cuộc hòa đàm Pari) đã giành được sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân từ châu Á đến châu Âu, từ châu Phi đến Mỹ la tinh. Và điều đặc biệt là phong trào chống chiến tranh của nhân dân Mỹ phát triển chưa từng thấy trong lịch sử đất nước này. Nhiều cuộc biểu tình liên tiếp có hàng trăm ngàn người tham gia đòi chính phủ phải chấm dứt cuộc chiến ở nơi xa xôi với mục tiêu không rõ ràng, đòi đưa con em họ về nước. Danh sách những người lính Mỹ bị bắt làm tù binh cũng như những thương binh, tử sĩ Mỹ trên chiến trường Việt Nam càng dài ra càng làm sôi sục không khí đấu tranh trên đường phố. Và ngay tại Quốc hội, nhiều nghị sĩ cũng lên tiếng đòi giảm bớt ngân sách chiến tranh cho chính quyền Sài Gòn, đòi tìm giải pháp “rút lui trong danh dự”. Sự thành công của đường lối đoàn kết nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam đã góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh ngoại giao nói riêng, vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cứu nước nói chung.

Thách thức lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ là đối đầu với một địch thủ có ưu thế về sức mạnh vật chất, Việt Nam phải dựa vào sự ủng hộ của phe XHCN trong khi hai nước lớn mâu thuẫn ngày càng sâu sắc, thậm chí đối kháng nhau. Thực tiễn đã chứng minh tính đúng đắn của đường lối đoàn kết với Liên Xô, đoàn kết với Trung Quốc được xác định tại Hội nghị Trung ương lần thứ 9 (1963). Điều đó xuất phát từ lợi ích chung của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đồng thời có ý nghĩa thiết thực với cuộc đấu tranh cách mạng của nước nhà. Trung Quốc là một nước lớn ở gần Việt Nam, có nhiều khả năng giúp đỡ về hậu cần (lương thực, thực phẩm, quân nhu, xăng dầu), về vũ khí và phương tiện chiến tranh ở tầm trung bình với đường tiếp viện đất liền và sông biển thuận tiện. Trong khi đó, Liên Xô ở rất  xa nhưng với trình độ kỹ thuật cao, Liên Xô có thể viện trợ các loại vũ khí hiện đại để chống trả cuộc tiến công bằng các phương tiện tối tân của Mỹ. Sự kết hợp cả hai nguồn viện trợ đó đã nhân lên sức mạnh của Việt Nam, đủ sức chiến đấu thắng lợi trên chiến trường cũng như chống trả thành công những cuộc oanh kích bằng B52 của Mỹ.  Rất rõ ràng, nếu chỉ đi với một bên thì khó mà khắc phục được những nhược điểm của mỗi bên. Cho nên đường lối đối ngoại cân bằng chẳng những có ý nghĩa về mặt chính trị mà còn đem lại hiệu quả thiết thực trong thực tế.

Mâu thuẫn giữa hai nước XHCN là điều bất lợi cho cuộc kháng chiến của Việt Nam. Nhưng nhìn từ một góc độ khác và nếu khai thác đúng thì đó lại là điều thuận lợi cho việc giữ vững quyền tự chủ, tự quyết định đường lối, chính sách của mình trong suốt cuộc kháng chiến. Hai nước lớn XHCN mặc dầu rất muốn thúc ép Việt Nam nghiêng hẳn về phía họ với nhiều hứa hẹn nhưng dù không đạt được điều đó, họ cũng không thể rời bỏ Việt Nam. Bởi vì trong thế giới hai cực, cuộc đấu tranh chống Mỹ là mục tiêu chung của các nước XHCN. Cuộc kháng chiến của Việt Nam nhằm bảo vệ độc lập và thống nhất của đất nước cũng mang ý nghĩa là tuyến đầu của cuộc đấu tranh giữa hai hệ thống xã hội. Do vậy, ủng hộ Việt Nam cũng là vì lợi ích cho chính Liên Xô và Trung Quốc với tư cách là những quốc gia hàng đầu của CNXH. Kể cả khi diễn ra những cái bắt tay thân thiết ở Bắc Kinh và Moscow, họ cũng không dám hoàn toàn “bán đứng” Việt Nam để đổi lấy sự thỏa hiệp của đối phương. Sự nhân nhượng của họ là có giới hạn.

Về phần mình, Việt Nam đã nhận thức được sự chuyển dịch trong quan hệ tam giác giữa ba cường quốc. Cuộc tiến công mạnh mẽ đầu năm 1972 ở miền Nam và sự chống trả quyết liệt cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc là sự cảnh báo không cho phép một ai có thể nói thay tiếng nói của Việt Nam. Sách lược “đánh và đàm” kết hợp chặt chẽ giữa chiến trường với bàn đàm phán mang lại hiệu quả thiết thực cho cuộc đấu tranh. Trong khi khai thác mặt tích cực của các nước ủng hộ công cuộc kháng chiến, ta vẫn  đề cao cảnh giác, hạn chế tối đa mặt tiêu cực của họ. Do vậy, khi hai nước giảm dần sự viện trợ, Việt Nam vẫn theo đuổi đến cùng mục tiêu của mình.

Kết lại, trước sự diễn biến phức tạp của mối quan hệ tam giác Mỹ - Trung - Xô, ý chí kiên quyết giữ vững đường lối kháng chiến, tinh thần kiên cường chiến đấu của quân dân hai miền Nam Bắc và thái độ kiên trì của các nhà ngoại giao trên bàn đàm phán đã hóa giải những ý đồ sau lưng Việt Nam, đem lại sự thành công của Hiệp định Pari năm 1973 buộc Mỹ phải rút quân và thắng lợi mùa Xuân 1975 đánh đổ chế độ Sài Gòn, mở đường đi tới thống nhất đất nước. Kinh nghiệm lịch sử đó vẫn có ý nghĩa thiết thực cho hôm nay và mai sau.

 

Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng số 4, 5/2015

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2001, T 15, tr. 225-226

2. Sđd, T.24, tr. 806

3. Nguyễn Đình Bin (chủ biên): Ngoại giao Việt Nam 1945 – 2000, Nxb CTQG, H, 2002, tr.211

4. Ilya V. Gaiduk: Liên bang Xô viết và chiến tranh Việt Nam, Nxb CAND, H, 1998, tr. 25-40

5. Trung Quốc viện trợ pháo binh, cao xạ, các loại vũ khí nhẹ và quân trang, quân dụng. Về mặt nhân lực có một bộ phận công binh tham gia xây dựng cầu đường, một bộ phận bộ đội phòng không. Họ hoạt động chủ yếu trong giới hạn một số tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam

6. Trong cuộc họp ngày 25-5-1965 với người phụ trách Bộ Tổng tham mưu, Bộ Giao thông, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bàn về vấn đề viện trợ Việt Nam, Thủ tướng Chu Ân Lai nói: “Ngày nay giúp đỡ Việt Nam chống Mỹ cũng là gìn giữ bảo vệ quê hương đất nước. Trên một mức độ nào đó, giúp đỡ Việt Nam cũng tức là gia cố cửa lớn phía Nam của chúng ta” (Lý Kiện: Trung Xô Mỹ - cuộc đối đầu lịch sử, Nxb Thanh niên, H, 2008, tr. 530 -531)

7. Tham khảo Phạm Quang Minh: Đề tài khoa học đặc biệt Đại học Quốc gia Hà Nội, mã số QG.06.33 “Quan hệ tam giác Việt Nam – Liên Xô – Trung Quốc trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954-1975)”. Tài liệu chưa xuất bản, H, 2008, tr. 31-54

8. Ilya V. Gaiduk: Liên bang Xô viết và chiến tranh Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, H, 1998, tr. 127 -130. Cuốn sách này cũng nói đến mặt thứ hai của vấn đề là Liên Xô “lưu tâm tới các cơ hội thử nghiệm trên chiến trường các loại vũ khí tiên tiến nhất và cơ hội thu thập thông tin về vũ khí mới nhất của Mỹ thông qua việc nghiên cứu chiến lợi phẩm”, tr. 131

9. Tạ Ích Hiển (chủ biên): Lịch sử ngoại giao đương đại Trung Quốc (1949 – 2001), Bản dịch tiếng Việt, đánh máy, tr. 210

10, 11, 13. Dẫn theo Phạm Quang Minh: Tài liệu Văn phòng Trung ương Đảng. Đề tài khoa học đặc biệt Đại học Quốc gia Hà Nội, mã số QG.06.33 “Quan hệ tam giác Việt Nam – Liên Xô – Trung Quốc trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954-1975)”. Tài liệu chưa xuất bản, Hà Nội, năm 2008, tr. 62, 64, 66

12. Liên Xô hưởng ứng việc tiến hành thương lượng giữa Mỹ và Việt Nam, trong giai đoạn đầu đã góp phần tháo gỡ tình trạng bế tắc về việc chọn địa điểm hòa đàm là Pari (trong khi mỗi bên đưa ra các địa điểm mà bên kia không chấp nhận) và chọn bàn hình tròn trong hội nghị thay vì đề nghị bàn hình vuông (VNDCCH) hay bàn hình chữ nhật (Mỹ). Điều quan trọng là sau này Moscow trở thành một kênh chuyển tải thông tin không chính thức của Washington cho Hà Nội qua A. Dobrynin – Đại sứ Liên Xô tại Hoa Kỳ.

14. Đại sứ Liên Xô tại Mỹ A. Dobrynin than phiền “các nhà lãnh đạo Hà Nội tuy là đồng minh về tư tưởng nhưng không chịu cho chúng ta biết kế hoạch hiện nay và sau này đối với Đông Nam Á và Mỹ như thế nào mặc dù chúng ta vẫn dành cho họ sự giúp đỡ to lớn về kinh tế và quân sự. Kết quả là họ đã nhiều lần đưa chúng ta vào tình thế khó khăn bằng việc tiến hành hết hành động bất ngờ này đến hành động bất ngờ khác, mà không hề tính đến việc đó sẽ ảnh hưởng tới quan hệ giữa chúng ta và Washinton như thế nào. Về các cuộc đàm phán giữa họ với Mỹ thì chúng ta chỉ nắm được qua người Mỹ nhiều hơn là qua họ”. (A. Dobrynin: Đặc biệt tin cậy. Vị đại sứ ở Washington qua sáu đời Tổng thống Mỹ, Nxb CTQG, H, 2001, tr. 417)

15. Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tập II (1954-1975), Nxb CTQG, H, 1995, tr. 514

16. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng. Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2004, T. 33, tr. 143, In nghiêng trong nguyên bản

17. Tháng 4-1968 số lính Mỹ đông nhất ở miền Nam Việt Nam là 543 ngàn, đến tháng 3-1972 còn 95 ngàn

18. Larry Berman: Không hòa bình, chẳng danh dự, Nixon, Kissinger và sự phản bội ở Việt Nam, VIET TIDE xuất bản (tiếng Việt), New York, 2003, tr. 182

19. H. Kissinger: Những năm bão táp. Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng (Hồi ký), Nxb CAND, H, 2003, T.2, tr.56

20. Patrick Tyler: Một thiên lịch sử sáu đời tổng thống Mỹ - Trung, Nxb CAND, H, 2008, tr.160.

21. Dẫn theo Tạ Ích Hiển (Chủ biên): Sđd, tr.249

22. Những điểm tiếp theo là Mỹ không ủng hộ chủ trương “hai nước Trung Quốc” hoặc “một Trung Quốc, một Đài Loan” nhưng mong muốn giải quyết hòa bình vấn đề Đài Loan, thừa nhận Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc, không ủng hộ Đài Loan độc lập; Hiệp ước giữa Mỹ với Đài Loan dành lại cho lịch sử giải quyết, Mỹ thôi không chỉ trích hoặc cô lập Trung Quốc, ủng hộ việc khôi phục địa vị của Trung Quốc ở Liên hợp quốc nhưng không tán thành trục xuất đại biểu Đài Loan (Tham khảo Lý Kiện: Sđd, tr. 626 – 627)

23. Lý Kiện: Sđd, tr. 629

24. Tham khảo Patrick Tyler: Sđd, tr. 219 - 221

25. Về vấn đề Đài Loan, Trung Quốc tuyên bố CHND Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất, Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc, giải quyết vấn đề Đài Loan là chuyện nội bộ của Trung Quốc, tất cả lực lượng vũ trang, căn cứ quân sự của Mỹ phải rút khỏi Đài Loan, phản đối bất kỳ hành động nào nhằm tạo ra “một Trung Quốc, một Đài Loan”, “một nước Trung Quốc hai chính phủ”, “hai nước Trung Quốc”, “Đài Loan độc lập” hay “địa vị Đài Loan chưa được xác định”; phía Mỹ tuyên bố tất cả người Trung Quốc ở hai bên bờ eo biển Đài Loan đều chỉ có một nước Trung Quốc, Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc, người Trung Quốc tự giải quyết hòa bình vấn đề Đài Loan, mục tiêu cuối cùng của Mỹ là rút toàn bộ lực lượng vũ trang và các căn cứ quân sự ra khỏi Đài Loan (Tham khảo Tạ Ích Hiển: Sđd tr. 253 – 255; R. Nixon: Hồi ký, Nxb CAND, H, 2004, tr. 710 - 711)

26. R. Nixon: Sđd, tr. 711, in nghiêng trong nguyên bản

27. Lary Berman: Sđd, tr. 169

28. Dẫn theo I.V. Gaiduk: Sđd, tr. 433

29. Tham khảo A. Dobrynin: Sđd, tr. 415

30. R. Nixon: Sđd, tr. 757

31, 33, 34. I.V. Gaiduk: Sđd, tr. 447, 451, 454

32. A. Dobrynin: Sđd, tr. 417

35. R. Nixon: No more Vietnam. Dẫn theo P.Asselin: Nền hòa bình mong manh – Washington, Hanoi và tiến trình của Hiệp định Paris. Nxb CTQG, H. 2005, tr. 55 - 56

36. P. Asselin: Sđd, tr.80.

GS VŨ DƯƠNG NINH

 

Đại học Quốc gia Hà Nội
I. Nhìn lại tính chất của cuộc chiến tranh Việt - Mỹ Bàn về tính chất của cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Mỹ không phải là vấn đề mới, đã có nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài. Việt Nam thường gọi đó là “cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược” hoặc “cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”. Nhưng Mỹ và chế độ Sài Gòn gọi đó là cuộc chiến tranh “chống miền Bắc cộng sản”. Và không ít người cho rằng đó là cuộc “nội chiến” giữa hai chế độ ở hai miền đất nước. Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương năm 1954 kết thúc với sự dàn xếp giữa các nước lớn. Nước Việt Nam bị tạm thời chia cắt thành hai miền theo vĩ tuyến 17 và quy định sẽ tiến tới thống nhất bằng cuộc tổng tuyển cử v&ag

Tin khác cùng chủ đề

Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Tinh thần quyết chiến quyết thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc
Nghệ thuật tác chiến phòng không trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Gửi bình luận của bạn